Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2023

Cố vấn Trung Quốc và đường đến Điện Biên - BBC

Trong bài trước, chúng tôi đã tóm tắt những ý chính của tác giả Qiang Zhai về sự hình thành và đóng góp của nhóm cố vấn Trung Quốc ở Việt Nam, 1950-1952. Sau các tổn thất ở đồng bằng sông Hồng năm 1951, Việt Minh, theo sự cố vấn của nhóm chuyên gia Trung Quốc, mở chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Giáp với biên giới Lào, vùng Tây Bắc là nơi lực lượng Pháp khá yếu. Việc giải phóng vùng này sẽ dỡ bỏ đe dọa từ mặt sau đối với khu Việt Bắc đồng thời mở rộng địa bàn kiểm soát cho Việt Minh.
<!>

Chiến dịch Tây Bắc
La Quý Ba chịu trách nhiệm hoạch định chiến dịch. (Lúc này La tạm lãnh đạo nhóm cố vấn, trong lúc Vy Quốc Thanh về Trung Quốc chữa bệnh). Ngày 16-2-1952, ông La gửi báo cáo về quân ủy trung ương Trung Quốc phác họa kế hoạch mà ông định chuẩn bị cho Việt Minh. La đề nghị trong nửa đầu năm này, Việt Minh dưỡng quân đồng thời tiếp tục chiến tranh du kích; đến nửa cuối năm, thì sẽ tấn công Nghĩa Lộ và Sơn La ở Tây Bắc. La nói tiếp khi đã chiếm được Tây Bắc, Việt Nam có thể gửi quân sang Lào vào năm sau. Chuẩn y kế hoạch của La, quân ủy trung ương Trung Quốc chỉ đạo ông trung thành với nguyên tắc “tiến chắc chắn và bảo đảm thắng lợi trong từng trận đánh” trong chiến dịch này. Lưu Thiếu Kỳ bảo La “nhất định phải giúp Lào giải phóng.” La chuyển kế hoạch cho ông Giáp và được chấp nhận. Đến tháng Tư, bộ chính trị Việt Minh thông qua chiến dịch.

Ngày 14-4, La Quý Ba phác họa cho Bắc Kinh kế hoạch chiến dịch Tây Bắc: Việt Minh sẽ bắt đầu tập kích vào giữa tháng Chín với việc tấn công Nghĩa Lộ; tiếp theo sẽ đánh Sơn La; rồi chiếm phần lớn Tây Bắc vào cuối năm; và đến năm sau thì tấn công Lai Châu. Năm ngày sau, quân ủy trung ương Trung Quốc đồng ý đề xuất này với lời dặn thêm là Việt Minh chú ý vấn đề thiểu số ở Tây Bắc. Ngày 11-7, La gửi về Bắc Kinh kế hoạch chi tiết. Kế hoạch cũng bao gồm thêm yêu cầu của Việt Nam rằng Trung Quốc hãy gửi quân từ Vân Nam sang Việt Nam để điều phối chiến dịch. Ngày 22-7, quân ủy trung ương trả lời Trung Quốc giữ nguyên tắc không gửi quân sang Việt Nam, nhưng họ có thể điều động một vài đơn vị dọc biên giới để thể hiện sự ủng hộ.

Ngày 31-7, La nói với quân ủy trung ương rằng Việt Minh sẽ bắt đầu mở lớp về vấn đề thiểu số cho chiến sĩ vào đầu tháng Chín trước khi tiến về Tây Bắc vào giữa tháng Chín. Ngày 8-8, quân ủy trung ương trả lời rằng còn quá sớm không nên mở đầu chiến dịch vào giữa tháng Chín, mà nên đình hoãn đến tháng Mười hoặc tháng 11 để Việt Nam đủ thời gian chuẩn bị.

Đầu tháng Chín, Bộ chính trị Việt Nam mở cuộc họp và mời La tham dự. Ông Giáp tường trình sự chuẩn bị cho chiến dịch biên giới. Ông chỉ ra các khó khăn, đặc biệt liên quan cuộc tấn công Sơn La. Đến cuối tháng Chín, ông Hồ Chí Minh có chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh để thảo luận chiến dịch Tây Bắc cũng như chiến lược chiến thắng quân Pháp. Trung Quốc đề nghị Việt Nam nên chiếm Tây Bắc và miền bắc Lào trước tiên, và rồi đưa quân xuôi nam để đánh đồng bằng sông Hồng. Ông Hồ chấp thuận đề xuất này, và trong một bức điện gửi ông Giáp và La ngày 30-9, ông cho họ biết quyết định mà ông có với lãnh đạo Trung Quốc, rằng: chiến dịch Tây Bắc sẽ chỉ đánh Nghĩa Lộ, không bao gồm Sơn La; sau khi chiếm được Nghĩa Lộ, Việt Minh cần đặt căn cứ cách mạng tại đây.
Đến cuối tháng Chín, ông Hồ Chí Minh có chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh để thảo luận chiến dịch Tây Bắc cũng như chiến lược chiến thắng quân Pháp.
Qiang Zhai

Đến đầu tháng Mười, Bộ chính trị Việt Minh thảo luận về hướng dẫn của ông Hồ và đồng ý bỏ Sơn La ra ngoài chiến dịch Tây Bắc. Lúc này, ông Giáp đã có mặt ở mặt trận Tây Bắc, và Trường Chinh thông báo cho ông Giáp về quyết định của bộ chính trị. Ngày 14-10, Việt Minh tập trung tám tiểu đoàn tấn công Nghĩa Lộ và các đồn bốt gần đó. Ngày 16-10, Vy Quốc Thanh trở lại Việt Nam để cùng La Quý Ba chỉ đạo chiến dịch Tây Bắc. Sau khi Việt Minh chiếm được Nghĩa Lộ, quân Pháp chạy khỏi Sơn La ngày 22-11. Đến ngày 10-12, Việt Minh đã giải phóng một khu vực lớn ở Tây Bắc, cho phép Việt Minh có lợi thế để tiến hành hoạt động ở Lào.

Cải cách ruộng đất 1953
Trong mấy năm đầu kháng chiến, Việt Minh đã duy trì chính sách trung dung – tức là giảm thuế - vì ngại rằng một cuộc cải cách ruộng đất triệt để cô lập giới địa chủ. sẽ hủy hoại tình đoàn kết kháng chiến.

Tuy vậy, cuộc chiến chống Pháp khó khăn hơn dự liệu, mặc dù sức mạnh của Việt Minh tăng theo thời gian. Để nhanh kết thúc chiến cuộc và giảm gánh nặng kinh tế cho đảng, lãnh đạo Việt Minh quyết định vào cuối năm 1952 sẽ huy động nông dân cho cuộc chiến. Phần thưởng sẽ là ruộng đất cho họ. Cải cách ruộng đất phục vụ hai mục đích: loại bỏ những phần tử ‘yếu kém’ trong đảng và huy động sự ủng hộ của nông dân. Tháng Giêng 1953, đại hội lần Bốn của Đảng Lao động Việt Nam thông qua nghị quyết kêu gọi cải cách ruộng đất ở các khu giải phóng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm về việc này, nên Việt Nam nhờ các cố vấn giúp đỡ. Mùa xuân 1953, Zhang Dequn trở thành lãnh đạo ban củng cố đảng và cải cách ruộng đất (thuộc nhóm cố vấn quân sự Trung Quốc). Để tăng lực lượng, Bắc Kinh gửi thêm 42 chuyên viên sang Việt Nam trong năm này.

Nhóm cố vấn cho chiếu phim ‘Bạch Mao Nữ’, nói về cô con gái nhà nông chịu ách áp bức của địa chủ. Nhiều người lính Việt Nam đã khóc khi xem phim. Một người lính giận dữ đến nỗi khi tay địa chủ xuất hiện trên màn hình, anh nâng súng trường lên và bắn. Trong chiến dịch củng cố chính trị, nhiều người có nguồn gốc nông dân và công nhân được thăng chức. Chiến dịch đã giúp tăng tinh thần cho quân đội, chuẩn bị họ cho cuộc quyết chiến với Pháp tại Điện Biên Phủ.
Mặc dù cải cách ruộng đất thành công trong việc thỏa mãn nhu cầu ruộng cho nông dân và huy động họ về với đảng, nhưng nó cũng để lại các hậu quả.

Qiang Zhai

Cải cách ruộng đất 1953 đem lại các thay đổi lớn cả trong cơ cấu nông nghiệp và trong đảng. Trong hai năm tiếp theo, không chỉ các địa chủ thân Pháp hay trung lập, mà cả những người từng ủng hộ Việt Minh đã bị phạt, mất tài sản, đôi khi bị xử bắn. Mặc dù cải cách ruộng đất thành công trong việc thỏa mãn nhu cầu ruộng cho nông dân và huy động họ về với đảng (thể hiện qua việc 200.000 nông dân vận chuyển hàng hóa qua đèo, qua núi để giúp Việt Minh), nhưng nó cũng để lại các hậu quả. Cuộc đấu tranh giai cấp trong cải cách ruộng đất đi ngược với chính sách mặt trận thống nhất của đảng và cô lập một bộ phận quan trọng trong dân số. Mang theo tinh thần quá khích, các cố vấn Trung Quốc chịu trách nhiệm cho việc giới thiệu phương thức đấu tranh giai cấp vào Việt Nam. Tác động tiêu cực này là một lý do quan trọng cho việc Việt Nam sau này chỉ trích mô hình Trung Hoa.

Đối phó kế hoạch Navarre
Tháng Năm 1953, tướng Henri Navarre đảm trách việc chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương. Ông đề nghị chiến lược ba bước: bảo đảm kiểm soát vùng đồng bằng sông Hồng trong mùa thu đông 1953-54, bình định các khu do đảng Cộng sản kiểm soát ở miền trung và nam Việt Nam trong mùa xuân 1954 và mở tổng phản kích tiêu diệt cứ địa chính của Việt Minh tại miền bắc. Tháng Chín 1953, chính phủ Eisenhower của Mỹ đồng ý cho Paris 385 triệu đôla trợ giúp quân sự để thực thi kế hoạch Navarre.

Ngày 13-8-1953, Việt Nam gửi điện cho Trung Quốc yêu cầu trợ giúp trong việc “xem xét tình hình và tìm hướng đi cho nỗ lực chiến tranh tương lai.” Cùng lúc đó, Việt Minh từ bỏ kế hoạch ban đầu định tập trung tại Tây Bắc và Lai Châu. Lần này, Việt Minh đề xuất tấn công đối phương tại đồng bằng sông Hồng. La Quý Ba dự cuộc họp của Bộ chính trị Việt Minh ngày 22-8. Tại đây, ông Võ Nguyên Giáp nói về các hoạt động ở khu đồng bằng, bỏ qua Lai Châu và hạ thấp tầm quan trọng của chiến dịch ở Lào. La tường trình lại cho Bắc Kinh về cuộc thảo luận. Ngày 27 và 29 tháng Tám, Bắc Kinh gửi hai bức điện cho La nhấn mạnh Việt Nam cần giữ nguyên kế hoạch ban đầu, tức là tập trung vào Tây Bắc và Lào. Bức điện ngày 29-8 nói: “Bằng cách tiêu diệt kẻ thủ ở khu vực Lai Châu, giải phóng khu miền bắc và trung Lào, và rồi mở rộng chiến trường sang miền nam Lào và Campuchia để đe dọa Sài Gòn...Việt Minh có thể ngăn chặn bớt sự hỗ trợ lính và tiền cho quân đội bù nhìn, xé lẻ quân Pháp....mở rộng chính lực lượng Việt Minh, và làm suy yếu rồi tiêu diệt kẻ thù dần dần và riêng rẽ.” Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng nếu thực thi chiến thuật này, Việt Minh có thể chuẩn bị lực lượng cho công cuộc đánh chiếm đồng bằng sông Hồng và cuối cùng sẽ đánh bại Pháp ở Đông Dương. Hiện thời, Trung Quốc nhấn mạnh, Việt Minh cần chiếm Tây Bắc và miền bắc Lào trước khi tiến về nam.

Tuân lời, nhóm cố vấn Trung Quốc đề nghị Việt Nam chọn Tây Bắc làm địa bàn chính để chiếm Lai Châu. Nhóm cố vấn nhấn mạnh đồng bằng sông Hồng chỉ là địa bàn thứ hai, nơi mà Việt Minh có thể tấn công du kích để phối hợp với địa bàn thứ nhất và lập tiền đề cho việc sau này giải phóng Hà Nội và Hải Phòng.

Tháng Chín, bộ chính trị Việt Minh thảo luận kế hoạch cho mùa đông 1953-54. Ủng hộ ý tưởng của Trung Quốc, ông Hồ Chí Minh kết luận “phương hướng chiến lược không thay đổi”, nghĩa là Việt Minh sẽ tập trung vào Tây Bắc và bắc Lào. Ông phủ quyết kế hoạch của ông Giáp muốn tập trung vào đồng bằng sông Hồng.
Xe pháo qua đèo Pha Đin bị máy bay Pháp đánh phá ác liệt

Bắc Kinh, vào ngày 10-10, thông báo cho ông Hồ rằng họ đã bổ nhiệm Vy Quốc Thanh làm tổng cố vấn quân sự và La Quý Ba làm tổng cố vấn chính trị cho Việt Minh. Sau khi quay lại Việt Nam, Vy Quốc Thanh, vào ngày 27-10, tái khẳng định đề nghị của Bắc Kinh xoay quanh chiến lược quân sự của Việt Minh. Ông cũng trao cho ông Hồ một bản chép lại kế hoạch Navarre mà Trung Quốc thu được. Sau khi xem xét, các lãnh đạo Việt Minh nói đề nghị của Trung Quốc là đúng và rằng nếu Việt Minh làm theo, họ có thể phá vỡ kế hoạch Navarre. Việc Bắc Kinh trao bản kế hoạch Navarre cho ông Hồ chứng tỏ sự hợp tác chặt chẽ trong việc chia sẻ tin tình báo giữa hai đảng Cộng sản trong cuộc chiến Đông Dương lần một.

Đến giữa tháng 11, sư đoàn 316 và một phần sư đoàn 325 và 304 của Việt Minh tiến về Lai Châu. Theo đề nghị của Trung Quốc muốn tiếp cận Nam Việt Nam qua ngả Lào, chính quyền ông Hồ lúc này cũng soạn thảo kế hoạch làm đường cho năm 1954. Kế hoạch dự kiến làm nhiều con đường qua Lào. Nhưng Chu Ân Lai thấy nó quá tham vọng. Trong bức điện gửi La Quý Ba ngày 12-12, Chu nói “số nhân công đòi hỏi quá lớn” và rằng nó sẽ “làm tăng gánh nặng nhân dân và gây thiệt hại năng suất”. Chu thúc giục Việt Nam giảm bớt tầm mức kế hoạch bằng cách tập trung cho ba tuyến quan trọng nhất, gồm một đường đi qua Sầm Nưa.

Sau khi nhận tin tình báo về sự di chuyển của Việt Minh về hướng Lai Châu, tướng Navarre quyết định đưa quân đến Điện Biên Phủ, một thung lũng nhỏ tại cao nguyên tây bắc, trên đường sang Luang Prabang của Lào. Khi tin này đến tai Vy Quốc Thanh, ông này đang trên đường đến Tây Bắc. Sau khi thảo luận tình hình mới với ban cố vấn, Vy Quốc Thanh đề nghị Việt Minh mở chiến dịch bao vây và tiêu diệt quân Pháp ở Điện Biên Phủ trong lúc vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch tấn công Lai Châu. Ông cũng báo cáo kế hoạch cho Bắc Kinh. Chấp nhận đề nghị của Vy, quân ủy trung ương Trung Quốc nhấn mạnh chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ quan trọng về quân sự-chính trị mà có cả ảnh hưởng quốc tế. Hứa cung cấp mọi vũ khí mà Việt Nam cần, các lãnh đạo Trung Quốc chỉ thị ban cố vấn giúp Việt Nam “quyết định” và giúp đỡ việc chỉ đạo chiến dịch.
Đằng sau chiến thắng Điện Biên còn nhiều vấn đề chưa được tiết lộ

Rõ ràng, Mao Trạch Đông đang nghĩ đến ngoại giao quốc tế khi xem xét diễn biến quân sự ở Việt Nam. Vào tháng Chín 1953, thế giới Cộng sản đã bắt đầu nỗ lực hòa bình. Ngày 28-9, Liên Xô kêu gọi hội nghị năm bên , gồm Trung Quốc, để xem xét các cách giảm xung đột quốc tế. Mười ngày sau, thủ tướng Chu Ân Lai ra tuyên bố ủng hộ đề nghị này. Ngày 26-11, ông Hồ Chí Minh nói với báo Thụy Điển Expressen là ông sẵn sàng thương lượng với Pháp về vấn đề Đông Dương. Mao muốn có chiến thắng ở Điện Biên Phủ để củng cố vị trí của phe Cộng sản tại bàn đàm phán. Ngày 6-12, bộ chính trị Việt Minh thông qua kế hoạch đánh Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ được lập ra với ông Võ Nguyên Giáp làm tổng tư lệnh và Vy Quốc Thanh là trưởng cố vấn.

Nhìn lại, cuộc họp tháng Chín 1953 của bộ chính trị Việt Minh là điểm bước ngoặt cho cuộc chiến. Khi xét Navarre điều động quân tại Điện Biên Phủ tháng 11 chính là để phản ứng việc Việt Minh đưa quân đến Lai Châu và bắc Lào, thì như vậy việc ông Hồ Chí Minh bác bỏ kế hoạch tập trung cho đồng bằng của ông Võ Nguyên Giáp đã đóng vai trò quan trọng. 

Nếu ông Hồ thực thi kế hoạch của ông Giáp, có lẽ đã không có cuộc quyết chiến Việt-Pháp ở Điện Biên Phủ.

Không có nhận xét nào: