Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2023

Quy tập hài cốt liệt sỹ: Di sản chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục định hình quan hệ Việt-Mỹ - VOA

Một người lính đi thắp hương trong nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ở tỉnh Quảng Trị, nơi là chiến trường ác liệt nhất trong Chiến tranh Việt Nam, với hơn 70.000 quân nhân tử trận.

“Trong chiến tranh Việt Nam, 70% gia đình ở miền Bắc Việt Nam, mỗi gia đình có ít nhất một hoặc hai người con tham gia chiến trận,” Tiến sỹ Nguyễn Thanh Hải, giám đốc chương trình Sáng kiến Nghiên cứu Chiến tranh Việt Nam Toàn cầu tại Trường Harvard Kennedy thuộc Đại học Harvard, nói tại một buổi thảo luận gần đây tại Massachusetts. “Trên chiến trường miền Nam Việt Nam, cứ một binh sỹ Mỹ chết thì có ít nhất 6 bộ đội Việt Nam tử trận.”

<!>

Sau 48 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, cả Mỹ và Việt Nam đều vẫn đang có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm những quân nhân còn đang mất tích.

Theo TS Hải, người đang dẫn đầu Dự án Những di sản Chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá tại Đại học Harvard, đó là một phần lý do vì sao dù sau nhiều thập kỷ, “Chiến tranh Việt Nam và di sản của nó vẫn tiếp tục là một nhân tố quan trọng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.”

“Việt Nam trong nhiều năm, nhiều thập kỷ, đã giúp chúng tôi xác định hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh và không có sự giúp đỡ của họ thì chúng tôi đã không bao giờ có thể tìm thấy hàng trăm người Mỹ mất tích,” ông Tim Rieser, cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại của Thượng nghị sỹ Patrick Leahy, nói tại buổi thảo luận do Trung tâm Ash, thuộc Đại học Harvard ở Cambridge của Massachusetts, tổ chức.

Việt Nam đã giúp Mỹ tìm kiếm và hồi hương hơn 720 trong số 1.973 binh sỹ Mỹ mất tích trong chiến tranh từ những năm đầu thập niên 1980. Thượng nghị sỹ Leahy, người từng làm chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách của Thượng viện Hoa Kỳ, từng nói rằng Việt Nam đã làm việc này thậm chí ngay cả khi đang phải chịu cấm vận của Mỹ.

Đó là lý do vì sao chính phủ Mỹ gần đây đã đưa ra sáng kiến giúp tìm kiếm hài cốt liệt sỹ của Việt Nam trong chiến tranh.

Tiến sỹ Hải cho biết hiện có hơn 200.000 quân nhân Việt Nam tử trận còn đang mất tích và mặc dù khoảng 300.000 hài cốt liệt sỹ Việt Nam đã được tìm thấy nhưng họ vẫn chưa được xác định danh tính.

Đại học Harvard và Đại học Texas Tech của Mỹ đang hợp tác với các cơ quan của chính phủ Việt Nam trong một thỏa thuận hợp tác mới giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam nhằm giúp tìm kiếm người Việt Nam mất tích hoặc đã chết trong chiến tranh. Một biên bản ghi nhớ của thỏa thuận này được ký kết khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Việt Nam hồi tháng 7/2021.

Với một trung tâm lưu trữ kỹ thuật số về lịch sử chiến tranh Việt Nam, những tài liệu và hồ sơ được lưu trữ tại Đại học Harvard đang đóng góp vào các nỗ lực truy tập hài cốt liệt sỹ của Việt Nam.

“Trung tâm Ash của Đại học Harvard được chọn để dẫn đầu những nỗ lực tìm kiếm, lưu trữ và chia sẻ những dữ liệu còn thiếu về những người Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh,” TS Hải nói tại buổi thảo luận hôm 20/4.

Các kết quả nghiên cứu về thông tin tử sỹ cùng với những kỷ vật cá nhân và các tài liệu xác minh được giao nộp cho Bộ Quốc phòng Mỹ và từ đó chuyển giao cho Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ của Việt Nam.

TS Hải cho biết, kể từ tháng 5/2022, nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm và cung cấp các thông tin chi tiết về 39 trường hợp tử trận riêng lẻ trong chiến tranh và các địa điểm chôn cất khả dĩ của gần 1.000 liệt sỹ đã được xác định danh tính. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy những bản đồ các khu chôn cất mà trước đây chưa được biết tới, thông tin cá nhân và giấy báo tử gốc của các liệt sỹ Việt Nam.

Trong buổi gặp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị vào giữa tháng 4, đoàn nghiên cứu của Đại học Harvard, trong đó có TS Hải, đã cung cấp thông tin về truy tập hài cốt liệt sỹ Việt Nam trên địa bàn Quảng Trị, nơi được xem là chiến trường ác liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam với hơn 70.000 người hy sinh tại đây.

Nhóm cho biết họ đã nghiên cứu 3 triệu trang tài liệu, trong đó có 50 nghìn tài liệu tóm tắt, được chia thành 5 chiến trường từ Quảng Trị vào đến Cà Mau. Căn cứ vào các tài liệu của cả 2 phía, dựa vào năm xảy ra chiến sự, đơn vị tham gia, danh sách, giấy báo tử, thư tay, nhật ký của liệt sỹ; cùng các tài liệu phía Mỹ cung cấp như báo cáo sau trận đánh, nhân chứng từng tham chiến tại Việt Nam, thông tin ngày, tháng chết, sơ đồ tọa độ, đơn vị tham chiến…. để tìm ra nơi hy sinh, chôn cất ban đầu, phiên hiệu của đơn vị, củng cố hồ sơ, bổ sung dữ liệu còn thiếu để xây dựng tại Đại học Harvard.

Những thông tin được thu thập, phân tích và xác minh này giúp các cơ quan chức năng của Việt Nam đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phân tích ADN đối với các hài cốt của những liệt sỹ tử trận, theo TS Hải.

“Thông tin về những liệt sỹ tử trận mà dự án cung cấp tạo ra đóng góp và tác động lớn đến việc thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau cũng như hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, không chỉ về hợp tác nhân đạo,” TS Hải nói.

TS Hải cho biết trong quá trình nghiên cứu và tìm kiếm dữ liệu, ông cũng đã phỏng vấn nhiều cựu binh Việt Nam Cộng hòa để cung cấp cái nhìn từ phía miền Nam Việt Nam.

“Chúng tôi hy vọng rằng một ngày nào đó, chính phủ Mỹ và Việt Nam có chính sách để giúp các gia đình miền Nam Việt Nam tìm kiếm và xác định danh tính những người thân của họ và quy tập để hồi hương,” TS Hải nói.

Trong khi đó, ông Rieser, người trong nhiều năm qua đã giúp đưa hàng chục triệu đô la tài trợ cho các chương trình hợp tác của Mỹ để giải quyết hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, nói rằng các hợp tác này không nhắm tập trung vào miền Bắc hay miền Nam mà cho tất cả mọi người ở Việt Nam.

“Một trong những động lực của chương trình tìm kiếm người mất tích là về cơ bản có thể giúp tạo điều kiện hòa giải nhiều hơn giữa miền Bắc và miền Nam, bởi vì chúng tôi biết rằng đó là một vấn đề nghiêm trọng,” ông Rieser cho biết. “Chúng tôi đã nói rõ ngay từ đầu rằng đây là về việc tìm kiếm và xác định bất cứ ai mất tích, dù là thường dân, binh sỹ miền Bắc, hay binh sỹ miền Nam, để giúp đỡ bất kỳ gia đình Việt Nam nào. Bất kể họ đứng về phía nào, tại thời điểm này, không có gì khác biệt về nhu cầu và trên hết, trách nhiệm của chính phủ là giúp hoàn tất việc tìm kiếm người thân mất tích cho những gia đình đó cho dù họ từ đâu đến.”

Mục tiêu của dự án, mà TS Hải đồng lãnh đạo với GS Tony Saich, là “góp phần khép lại và hàn gắn những nỗi đau hậu chiến cho các gia đình Việt Nam.”

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hiện đang dẫn đầu các nỗ lực tiếp cận tổng thể toàn chính phủ để nâng cao năng lực cho Việt Nam tìm kiếm, truy tập hài cốt liệt sỹ với các kỹ thuật phân tích ADN. Cơ quan này vào tháng 7/2020 đã ký một bản thoả thuận với Cơ quan Việt Nam Tìm kiếm Người mất tích (VNOSMP) để cung cấp cho Việt Nam công nghệ hiện đại và tốt nhất cho việc phân tích và tách chiết ADN. Hợp tác của USAID giúp tăng cường hiệu quả và hiệu suất của các phòng xét nghiệm ở Việt Nam với mục tiêu cuối cùng là tăng số lượng hài cốt được đoàn tụ chính xác với các gia đình của họ.

Theo cựu TNS Leahy, người được xem là tiên phong trong các nỗ lực của Mỹ để giúp giải quyết hậu quả chiến tranh Việt Nam, việc tìm kiếm hài cố quân nhân là công việc khó khăn nhất nhưng cũng “đầy ý nghĩa nhất” trong hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Người từng lãnh đạo cuộc vận động ở Quốc hội Mỹ cho các nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh nói rằng sự hợp tác trong mối quan hệ giữa hai nước đang là hình mẫu về lòng tin và sự hoà giải cho các cựu thù khác.

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc hồi năm 2021 gọi đây là “dấu mốc quan trọng tạo nền tảng cho mối quan hệ hợp tác tiếp theo giữ Hoa Kỳ và Việt Nam.” Còn Bộ trưởng Austin nói với Bộ trưởng Phan Văn Giang khi gặp mặt ở Hà Nội năm 2021 rằng thoả thuận này “đặt nền tảng cho lòng tin, hiểu biết lẫn nhau” cho quan hệ giữa hai nước.

Không có nhận xét nào: