Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2023

Quốc Nam, thi nhân “đánh cắp” được những trái tim đồng bào. - Nguyễn Thi Vân


Tại sao những Sách Thơ của thi sĩ Quốc Nam được ghi nhận là “best seller” và được hơn 60% giới yêu thi ca VN mến mộ? Nếu quý vị chưa có dịp đọc thơ Quốc-Nam thì không thắc mắc làm chi; nhưng khi có dịp đọc qua thơ của thi sĩ này thì đoan chắc 90% độc giả sẽ yêu dòng thơ rung động hồn người của ông tức khắc.
* Thi sĩ Quốc-Nam là Tác Giả VN đầu tiên có sách thơ được ấn hành tới 5 lần. Đó là Thơ Tập 3 “Quê Hương Nước Mắt” đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt hết 5 ngàn quyển trong vòng 17 năm kể từ 1987. Tập thơ này sẽ in lần thứ 6 trong một thời gian ngắn nữa.
<!>
* Tác phẩm & tác giả Quốc Nam đã được hơn 380 nhân vật tên tuổi đủ mọi giới (tôn giáo, cộng đồng, văn học nghệ thuật, truyền thông báo chí, nghệ sĩ, cựu Sĩ Quan QLVNCH, chính trị, xã hội, nữ giới, SVHS…) khen ngợi những vần thơ dành cho Quê Hương & Người Tình xuất thần của ông.
* Nội trong năm 2009, Quốc-Nam là Tác Giả VN duy nhất được vinh danh 2 lần: Tháng 5 tại San Jose là “Tác Giả 30 năm Thung Lũng Hoa Vàng” & Tháng 10 tại Houston “50 năm thi ca Quốc-Nam”.
* Tại sao dòng thi ca Quốc-Nam được đông đảo giới yêu thơ mến mộ và xưng tụng như vậy? Muốn biết thơ Quốc-Nam xuất sắc và mới lạ thế nào, cách hay nhất là quý vị tìm đọc Thi tập thứ 5 của ông:
“Từ Thung Lũng Hoa Vàng đến Cao Nguyên Tình Xanh” tức “Người Tình Quê Hương số 2”. Sách dày 174 trang, 4 trang bìa màu lộng lẫy, hình thức mỹ thuật. Ấn phí: 12 Mỹ-kim (đã bao gồm cước phí trong nội địa Hoa Kỳ); các quốc gia khác xin trả thêm tiền bưu phí máy bay.
Check hay Money Order, vui lòng đề Thủ Qũy của Đông-Phương Foundation: AMY M. NGUYEN 24727 Colinial Elm Dr, Katy. TX 77493-2379 USA. Email: tuongvangvn@gmail.com.

Quốc Nam, thi nhân “đánh cắp” được những trái tim đồng bào.

– Ngay từ lá thư gởi Người Tình Quê Hương thay Lời Mở Đầu trong Thơ Tập 5, Tác Giả đã đưa độc giả vào mê hồn trận, rất hay, rất trữ tình, rất huyền thoại, nhưng cũng rất chân tình.

* Điểm Sách bởi NGUYỄN THY VÂN.

Quyền sách “Từ Thung Lũng Hoa Vàng đến Cao Nguyên Tình Xanh” tức Người Tình Quê Hương số 2 của thi sĩ Quốc Nam, đã xuất bản vào cuối năm 2009. Sách dày 174 trang, 4 trang bìa màu rực rỡ, với trang bìa trước là bức tranh trừu tượng sáng tác bởi họa sĩ kiêm điêu khắc gia Phạm-Thông (tác giả bức tượng lịch sử “Đức Trần Hưng Đạo chỉ tay xuống dòng sông Sài-Gòn” tại Bến Bạch Đằng trước và sau tháng tư đen năm 1975). Sách trình bày trang nhã và in ấn rất mỹ thuật, đề giá 12 Mỹ kim. Liên lạc nhà xuất bản: AMY NGUYEN Đông-Phương Foundation P.O.Box 18104 Seattle, WA 98118-0104 USA; Email: tuongvang@gmail.com.
Đây là quyển sách thứ 19, nhưng là tập thơ thứ 5 của tác giả Quốc Nam. Thi tập đầu tay của ông đã xuất bản năm 1968 là tập thơ “Tình Ca Lính Alpha Đỏ”. Hai quyển sách được độc giả mua nhiều nhất là tập thơ “Quê Hương Nước Mắt” (xuất bản lần đầu năm 1987, đã được tái bản thêm 4 lần nữa, tổng cộng 5 lần in 5 ngàn ấn bản); cùng tập thơ “Người Tình Quê Hương” (xuất bản lần đầu năm 1999, đã đuợc tái bản thêm 3 lần nữa, tổng cộng 4 lần in 3 ngàn 600 ấn bản).
Chúng ta chỉ cần nhìn con số sách thơ của tác giả Quốc Nam được độc giả yêu thi ca Việt Nam chiếu cố nồng nhiệt như vậy, cũng có thể hiểu rằng dòng thơ Quốc Nam chắc chắn phải có sức thu hút đặc biệt lắm.
Một điểm đáng ghi nhận nữa là những bài thơ của Quốc Nam rất ít khi phổ biến trên các websites hoặc diễn đàn internet, như nhiều thi nhân hiện nay. Phải chăng trong thời gian qua, độc giả muốn đọc thơ Quốc Nam thì đã tìm mua các sách của ông để lưu giữ?
Phần cuối Thơ Tập 5 nêu trên, chúng tôi đọc một số trích đoạn nhận xét về Tác Phẩm & Tác Giả Quốc Nam bởi hàng trăm nhân vật văn hóa hoặc cộng đồng (đủ mọi giới gồm: tôn giáo, cộng đồng, văn học nghệ thuật, truyền thông báo chí, nghệ sĩ, cựu Sĩ Quan QLVNCH, chính trị, xã hội, nữ giới, SVHS…) lên tiếng khen ngợi những vần thơ rung động hồn người của ông. Chẳng hạn như:
– Linh Mục, tác giả TRẦN ĐỨC PHƯƠNG (Cựu Thiếu Tá Tuyên Úy Công Giáo / Trường Võ Bị Quốc Gia VN, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp & Đại Học Chiến Tranh Chính Trị): Mỗi dòng thơ của Quốc Nam là một dòng nước mắt phát xuất từ trái tim yêu quê hương… Những dòng thơ tuyệt vời đã làm tâm hồn độc giả thực xúc động; nhưng tôi nghẹn ngào không thể diễn tả nổi. Tôi có cảm tưởng, mỗi người phải cầm lấy và đọc những dòng thơ của Quốc Nam, mới có thể cảm động và rung động với quê hương khổ đau!
– NHẤT TUẤN, cựu Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã VNCH & Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, tác giả loạt thi phẩm nổi tiếng “Truyện Chúng Mình”: Bao nhiêu người từng nhận xét về tài thơ Quốc Nam, đã khen ngợi những lời thơ trác tuyệt của ông. Tôi cũng yêu thơ Quốc Nam, rất yêu những vần lục bát dạt dào tình cảm, như khi Quốc Nam bỗng nhớ về một dấu chân chim đã hơn một lần khuất nẻo… Những người di tản buồn chúng ta, không ít thì nhiều sẽ bắt gặp một phần đời tan tác của kiếp lưu vong, khi đọc những vần thơ ngậm ngùi của Quốc Nam.
– HUY TRÂM, thi sĩ, tác giả, nhà phê bình văn học, cựu thẩm phán VNCH: Giọng thơ của Quốc Nam phản ánh một cách trung trực mạch thơ dân tộc, trong sáng, êm đềm, có nhạc tính, cho dù viết theo thể thơ nào cũng thế… Ngòi bút của Anh rất đạt – ý thơ chân thành, lời thơ truyền cảm…
– CAO MỴ NHÂN, nữ sĩ, tác giả, cựu Thiếu Tá QLVNCH: Không phải nói tới thơ Quốc Nam, nhất là nhắc đến tên “Quốc Nam, người chiến sĩ văn hóa Việt Nam”, thì thơ văn phải toàn mang âm hưởng chiến đấu, hay đau tủi, buồn phiền về hoàn cảnh chung của những người Việt Nam tha hương, hoặc riêng của Quốc Nam lưu vong; và như số đông thi hữu, độc giả ghi nhận về điểm tích cực này của nhà thơ chiến sĩ Quốc Nam qua khía cạnh thi ca với những chất liệu trữ tình, lãng mạn, Quốc Nam vẫn thể hiện được một thi sĩ nguyên bản…
– LAN CAO, thi sĩ, tác giả: Ngay từ lá thư gởi Người Tình Quê Hương thay Lời Mở Đầu trong quyển Thơ Tập 5 “Từ Thung Lũng Hoa Vàng đến Cao Nguyên Tình Xanh”, anh đã đưa độc giả vào mê hồn trận, rất hay, rất trữ tình, rất huyền thoại, nhưng cũng rất chân tình. Kết luận: Quốc Nam là nhà thơ của tư tưởng, lý tưởng và mộng tưởng. Anh có bề dầy 53 năm làm thơ (1956-2009), dễ mấy ai có được.
– LÊ VIỆT ĐIỂU, tác giả, nhà văn, nhà báo, Chủ Tịch Câu Lạc Bộ truyền thông Bắc California: Tôi cảm được nơi Quốc Nam tấm lòng nhớ về cố quốc, yêu quê hương. Nhưng, ông không yêu quê hương vì trong lòng đất có máu thịt của người mình yêu… Thi sĩ yêu quê hương bằng những sống động của một-quê-hương thấm đậm máu thịt của chính ông cùng đồng đội, và ông hóa-thân-làm-một với quê-hương.
– THU NGA, nữ tác giả, Giám Đốc đài phát thanh Saigon Dallas 1600AM & Truyền Hình SBTN Bắc Texas: Với niềm hãnh diện là người con yêu của ngôi trường Mẹ danh tiếng nhất Đông Nam Á, Khóa 22 Võ Bị, nhà thơ Quốc Nam ngậm ngùi vì trách nhiệm đã không hoàn thành nên lũ Quỷ đã nhuộm Đỏ khắp non sông… Đọc xong tác phẩm của Quốc Nam, những dòng thơ tâm tình tự trái tim của người thi sĩ đã được mệnh danh là “Chiến Sĩ Văn Hóa VN” vẫn còn để lại trong tôi nhiều cảm xúc.
– NGÔ TƯỜNG DŨNG, nhà phê bình văn học: Thơ là huyền diệu, là gặp gỡ Đấng siêu hình, là một thứ tôn giáo của tâm linh và ngôn ngữ. Nhưng thơ trước hết là cung đàn mang cùng tần số với người đọc. Không biết Quốc Nam có phải là Bá Nha không, nhưng chúng ta tự nhiên trở thành Tử Kỳ khi đọc thơ ông.
– PHONG THU, nữ tác giả, cựu Giáo sư Trường Cao Đẳng Sư Phạm Bình Dương: Tôi tìm được nơi anh những ý tưởng mới lạ. Anh đã ví von quê hương giống như một người tình tuyệt vời thướt tha trong tà áo tím. Thơ Quốc Nam bàng bạc, bao trùm mối tình lớn lao đó trong suốt quá trình lưu vong, mất quê hương… Những bài thơ của Quốc Nam nói về tình yêu dù ở thể lục bát, thơ năm chữ, thơ tự do, hay thất ngôn, đều mang âm hưởng, nhạc điệu khác nhau… Thơ anh có sức lôi cuốn và truyền cảm, khiến cho người đọc có thể nghe theo tiếng gọi của trái tim anh.
– SAO BIỂN, nhà văn/nhà báo lão thành, người viết & đọc chủ đề thơ nhạc độc đáo hàng đầu VN: Nhà thơ Quốc Nam qua các thi tập đã xuất bản, từng được những cây bút phê bình văn học và giới thưởng ngoạn thi ca cho rằng: Thơ Quốc Nam đã biến ông thành một sứ giả của tuổi trẻ trong và sau những tháng ngày chinh chiến điêu linh, là sứ giả của tình yêu qua những ngôn ngữ thi ca mà ông chuyển đạt, bởi những cuộc tình không vẹn ước chung thân… Quốc Nam là một nhà thơ tiêu biểu cho giòng thi ca lưu vong hải ngoại.
– TRẦN VĂN ÂN, giáo sư, nhà báo, cựu Dân Biểu VNCH: Văn thơ của Quốc Nam sẽ được văn học sử ghi nhận là tràn ngập tình quê hương / gia đình / đồng đội nhất của thế hệ này. Văn thơ ông nhiều tình cảm sâu xa, nhưng lại đầy chiến đấu tính.
– TRẦN VĂN THƯ, cựu Trung Tá (Tổng Hội Trưởng Tổng Hội Cựu SVSQ Trường Võ Bị Quốc Gia VN 2 nhiệm kỳ liên tiếp 1998-2002): Qua những thi phẩm đã sáng tác, những đóng góp không ngừng nghỉ suốt một phần ba thế kỷ trong lãnh vực Văn Học Nghệ Thuật tại Hải Ngoại của Quốc Nam. Dù không lạm dụng qua lộng ngôn hay ngoa ngữ, nhưng chúng ta cũng có thể cùng chung một nhận xét: Trong lãnh vực này, tuy Quốc Nam không có đôi hia bẩy dăm, nhưng đã tiến lên bằng những bước thi ca thần thoại…
– THƯ KHANH, nữ sĩ, tác giả: Tâm tư tình cảm của tác giả đã được chuyên chở đến độc gỉa bằng những bài thơ có vần hoặc tám chữ. Có những ngôn từ mới mà tác giả sáng tạo được, không dùng lại của ai. Thơ mang Tư Tưởng – Quê Hương và Đấu Tranh mà Quốc Nam diễn tả đã lôi cuốn độc giả đến độ sách được in tới lần thứ 5 – thì đó là SỰ THÀNH CÔNG CỦA THƠ vậy. Tôi có thể kết luận từ “THI SĨ” nói chung hoặc “Chiến Sĩ Văn Hoá Việt Nam” nói riêng, rất xứng đáng dành cho Quốc Nam.
– UYỂN NGỮ Võ Thạnh Văn, nhà thơ, nhiếp ảnh gia: Thơ là tinh chất của nghệ thuật. Thơ là hoàng hậu của bảy bộ môn văn nghệ. Thơ khai thông ngõ bí cho văn học, triết, sử, chính trị, và kể cả tôn giáo. Làm thơ là phổ khúc hát nội tâm. Quốc Nam đích thực là một nhà thơ. Viết chính là trình diện Thượng Đế, là giải bày bộc bạch, là biện hộ cho chính mình điều hơn lẽ thiệt… Sáng tạo là đối diện với nỗi dằn vặt khắc khoải mênh mông. Viết là tra vấn cội nguồn, là nghi hoặc mai sau, là đặt vấn đề vĩnh cửu. Viết là thăng bằng nội tâm và ngoại tại. Viết là triết. Tác giả Quốc Nam đã vươn tới những điều đó.


Qua một số nhận xét về Tác Phẩm & Tác Giả Quốc Nam trên đây, chúng ta thử tìm đọc một vài đoạn thơ của ông trong thi tập “Từ Thung Lũng Hoa Vàng đến Cao Nguyên Tình Xanh” coi thế nào.
Nội dung Thơ Tập 5 của Quốc Nam xoay quanh 3 mỹ danh mà ông đã đặt cho 3 vùng người Việt định cư đông đảo. Gồm San Jose Bắc California là Thung Lũng Hoa Vàng, Portland OR là Hồng Hoa Phố và Seattle WA là Cao Nguyên Tình Xanh. Trong “Thư Gởi Người Tình Quê Hương số 2, thay lời mở đầu” , thi sĩ Quốc Nam đã kể lại cuộc hành trình rất lãng mạn qua 3 địa danh vừa nêu với một mỹ nhân mà ông gọi là “Người Tình Quê Hương”.
* Tại Thung Lũng Hoa Vàng, Tác Giả viết:
– Rồi em cũng đến nơi này,
Ba mươi năm đã mây bay.
Thung Lũng Hoa Vàng mở hội,
Đón em. Tình lên ngất ngây…
Đâu ngờ, Người Tình Quê Hương,
Hôm nay ghé đến quảng trường.
Ngày nao đồng bào tụ họp,
Đòi danh “Little Saigon”…
Xuân tươi! Em đến nơi đây,
Yêu thương đã ngút trời mây.
Cung điện Hoa Vàng rực rỡ,
Đón em, Thung Lũng tình đầy.
(30 Năm Thung Lũng Hoa Vàng, trang 16 & 18)
– Em mang dáng dấp xưa thần thoại,
Chìm đắm trong hương sắc tuyệt vời.
Sóng tóc, tôi mơ miền luyến ái,
Xuân sang len lén giấc yêu người…
Xin tạ ơn em, xõa tóc huyền,
Cho tôi sống lại tuổi xuân êm.
Chợt lòng hoa nở vàng như nắng,
Thung lũng cũng hồng nhân dáng em.
(Bài Hoa Vàng số 2, trang 24 & 25)
– Cùng hẹn trở về một buổi mai,
Quê nhà xa tít bóng hình ai.
Có em trải lụa trên bờ giậu,
Có nắng trên vai thả giấc dài…
Cuối năm, hồn động, ngàn đêm mỏi,
Trên cánh mai hồng, ta ngất say.
Thung Lũng Hoa Vàng xuân chợt tới,
Vui đi cho hết một vòng quay.
(Cuối Năm Thung Lũng Hoa Vàng, trang 26 & 27)
* Với khung trời Hồng Hoa Phố Portland, Thi Sĩ sáng tác:
– Chiều xanh trên vạn đóa hồng,
Lung linh giọt nắng. Em đồng thiếp tôi.
Mùa xuân em đã hoa tươi,
Nét môi thắm đượm sáng ngời yêu thương.
Nơi đây có phải quê hương?
Em mang tôi đến một phương trời hồng.
Bài ca tình tự mênh mông,
Nghe trong tim nở thiên đường nhân gian.
Tôi yêu vóc dáng tiên-thần,
Mắt em là cả hồ xuân ảo huyền.
Góc Hồng Hoa Phố hữu duyên,
Như tôi và mỹ-nhân liền cánh bay…
(Bài Hồng Hoa số 2, trang 36 & 37)
* Trên Cao Nguyên Tình Xanh Washington, Thi Sĩ viết:
– Em đã về chưa. Đêm sắp xuống.
Rừng thông trùng điệp một màu đen.
Tháng tư nhỏ lệ bên đồn vắng.
Súng trận buông xuôi, vạn nỗi phiền…
Mắt em xanh bóng hồ Than Thở.
Trên đỉnh Lâm Viên tắt ánh hồng.
Lính chiến, tôi quen đời khốn khổ.
Nhìn mình chợt thấy bại-lưu-vong…
Em ạ! Nơi đây tình có thật.
Cỏ hoa tươi thắm, mộng lưng đồi.
Trăng sao ngọc bích trên tầng tháp.
Tôi đón em về thơm mắt môi.
(Cao Nguyên Tình Xanh, trang 28 & 29)
– Chào em đôi mắt sáng hồng,
Thơm giòng lệ rỏ đầu sông cuối hồ.
Tóc bay huyền thoại bây giờ,
Hồn tôi phương đó còn ngờ vực sao.
Cao nguyên thức giấc xôn xao,
Nụ tình xanh mở. Em trao dáng mềm.
(Bài Tình Xanh số 3, trang 31)
– Giữa triệu nụ hoa thắm nở,
Cao Nguyên đẫm nắng thủy tinh.
Em về, hồn ta rộng mở,
Trái tim bừng giấc Tình Xanh…
Ta dìu em lên đỉnh gió,
Thông reo điệp khúc hương xa.
Thơm nồng tóc mây gắn bó,
Ngàn năm hòa nhập ngọc ngà.

(Mùa Xuân Cao Nguyên Tình Xanh, trang 32 & 33)

Ngoài những vần thơ sáng tác cho 3 mỹ danh nêu trên, thi sĩ Quốc Nam còn viết trong Thơ Tập 5 những vần thơ cực kỳ lãng mạn cho Người Tình & Quê Hương. Chúng tôi xin trích một số câu thơ dễ thương sau đây:

– Từ em nghiêng bóng bên trời,
Đêm tôi trở giấc. Bồi hồi trăng sao.
Tình yêu muộn nở kiếp nào,
Mắt môi em bỗng đổ vào tương tư…
(Hạnh phúc tôi, trang 40)
– Ta xa em buổi trưa hè nắng cháy,
Saigon ơi! Thôi vĩnh biệt ngàn trùng.
Trên bờ sông, hồn ta chợt thất tung,
Nụ hôn đó thành trăm năm bất tử.
Em ở lại với yêu thương động vỡ,
Trong tim ta niềm thương nhớ vô cùng,
Em theo chồng về nẻo tối quê hương,
Ta lang bạt bên trời Tây, tận tuyệt.
Chúng mình đã là đôi bờ nhật nguyệt,
Ta bên người chăn gối cũng cô đơn.
Ôi, giông tố làm cơn bão nhớ thương,
Người ở đó mà đại dương cách trở…
(Ta Đợi Em Đã 30 năm, trang 41)
– Nhớ em cao như núi,
Như biển rộng sông dài.
Núi nhớ làm tê dại,
Biển lũ lụt hình hài…
Qua bao nhiêu năm trường,
Anh tìm em khắp chốn.
Hình bóng đêm hoang đường,
Trong nhánh sông mộng tưởng…
Hỡi người yêu trong mơ.
Hãy nhắm mắt phượng thờ.
Ta hôn nhau đằm thắm,
Trên dấu vết tình thơ…
(Dấu Vết Tình Thơ, trang 57 & 58)
– Nhớ điên cuồng bờ môi hồng nóng bỏng,
Đôi mắt em ẩn chứa bóng thiên đàng.
Tôi khát em, trong Đêm Thánh Vô Cùng,
Xin gục ngã giữa ái ân dòng thác.
Nào ai biết lòng tôi là sa mạc,
Và em là nguồn suối mát ngọt ngào.
Ôi, Thượng Đế ngự trị trên trời cao,
Ban ơn con được bên nàng trọn vẹn…
(Bản Thánh Ca Vô Cùng, trang 68)
– Nhưng em đã bị giặc thù pháo chết,
Xác thân băng trinh trộn đất quê hương.
Cũng từ đó, tôi thương Tha La buồn,
Dù xa cách mà tim tôi hướng vọng…
Nay quê người, tôi gặp nàng tên Phượng,
Nụ cười vầng trăng, y hệt em tôi.
Yêu dấu hỡi, nếu hồn em đơn côi,
Hãy nhập hồn xác cô em hải ngoại.
Tôi sẽ cùng Phượng một lần trở lại,
Quỳ bên mộ em để khấn nguyện rằng:
– Em, Quê Hương, mãi mãi trong tim anh,
Để ‘‘Dân-Chủ’’ được khai hoa nở nhụy.
(Người Em Tha La, trang 79)
***
Dòng thơ “đánh cắp” trái tim đồng bào.
Người viết đã có cơ hội theo dõi cuộc hành trình thơ Quốc Nam từ 2 tập thơ xuất bản trước năm 1975 và 3 tập thơ xuất bản tại hải ngoại. Tôi cảm nhận tiếng thơ ông thực độc đáo: ngôn từ mới lạ, vần thơ nhã nhạc, hồn thơ lai láng, và đôi khi lồng tư tưởng sâu sắc trong thơ. Tôi nghĩ đa số người yêu thi ca Việt Nam nếu có dịp đọc thơ Quốc Nam sẽ rung động cõi lòng theo dòng thơ ông. Từ đó, tôi nhận thấy thơ quê hương và người tình của Quốc Nam dường như “đánh cắp” được những trái tim đồng bào ông.
Tới đây, người viết xin mời quý đồng hương đọc một đoạn trích từ “Thư gởi Người Tình Quê Hương số 2” dài 7 trang sách của Thơ Tập 5 (Từ Thung Lũng Hoa Vàng đến Cao Nguyên Tình Xanh), sau đây:
“Em rất yêu dấu, Bây giờ là mùa xuân. Những bông hoa vàng li ti đã loang dần trên các sườn đồi và thung lũng của miền Bắc California. Hết sức tình cờ, anh đã gặp lại em dưới chân dãy núi phía bắc thành phố San Jose, sau 33 năm xa cách muôn trùng. Trời ơi! Sao lại có cuộc hội ngộ quá kỳ lạ như vậy trong cuộc đời giữa 2 con người yêu nhau tha thiết nhất trên hành tinh này???
… Em nói sẽ liên lạc với anh qua emails, khi trở lại nhà ở tiểu bang Virginia thuộc miền Đông Bắc Hoa Kỳ.
Em rất yêu dấu, Chỉ một thời gian ngắn được gặp lại em sau 33 năm xa cách, anh cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Lại được cùng ‘‘Người Tình Quê Hương’’ qua 3 địa danh mà anh đặt tên: Từ Thung Lũng Hoa Vàng, qua Hồng Hoa Phố, đến Cao Nguyên Tình Xanh. Tình yêu và nỗi nhớ trong anh dành cho em càng thêm nhiều ý vị và gắn bó thiên thu.
Nhưng, rồi… ngày nào anh cũng mở máy vi tính hàng chục lần, trông chờ một email ngắn gọn của em cũng không thấy. Một ngày, một tuần, một tháng, một mùa… trôi qua lặng lẽ, cũng chỉ là chờ đợi trong nỗi hoang mang tột cùng. Anh càng cảm thấy yêu em và nhớ nhung em đến cuồng điên.
Người Tình Quê Hương, Tiên Nữ Mùa Xuân đâu rồi? Em ở phiá Đại Tây Dương sao đành quên người yêu bên bờ Thái Bình Dương sóng vỗ? Em ở bên kia núi, bên kia dòng sông Đông Bắc lạnh giá, sao vẫn im lìm để dòng thơ tôi phủ tang buồn giữa núi non Tây Bắc thông reo vàng võ.
Tôi muốn gào to: ‘‘Anh nhớ em dại cuồng, anh ngàn năm yêu em. Hãy nói với anh một lời yêu thương đi, ngay lúc này, hỡi Người Tình Quê Hương trăm năm ngóng đợi!”
Để kết thúc bài điểm sách “Từ Thung Lũng Hoa Vàng đến Cao Nguyên Tình Xanh” của thi sĩ Quốc Nam, tôi xin mượn lời của một nhà văn hóa lớn của nền văn học nghệ thuật Việt Nam là cố học giả Vũ Ký (cây bút VN lão thành đầu tiên được đề nghị dự tranh Giải Nobel Văn Chương) đã nhận xét về Tác Phẩm Tác Giả Quốc-Nam, như sau:
“Toàn bộ thơ văn của Quốc Nam trong các tác phẩm đẹp quá, hào hùng quá, trượng phu quá, và cũng bi thiết quá. Tôi phân vân không biết nên chọn câu nào, lời nào để biểu dương và minh chứng xác đáng cho luận cứ của mình về tác phẩm và tác giả Quốc Nam. Tất cả đều toàn bích, đầy cảm xúc thương đau mà hướng thượng… Đối với nhà thơ, không có đề tài nào cổ lỗ mà không trở thành hiện đại, man rợ, thô sơ mà không biến thành tuyệt diệu, tinh khôi. Chính đó là tính đa diện, đa dạng, biến hóa ở một nhà thơ có chân tài. Và đó cũng là điểm độc đáo biệt lệ trong cảm hứng của nhà thơ Quốc Nam nơi các thi phẩm của anh vậy… Tôi viết bài tiểu luận để tuyên dương sự nghiệp toàn diện và đa dạng của Thi sĩ Quốc Nam, nhà văn hóa Việt Nam nổi bật trong thời đại ly hương của chúng ta”.
Vâng, theo người viết, quyển Thơ Tập 5 “Từ Thung Lũng Hoa Vàng đến Cao Nguyên Tình Xanh” của Quốc Nam rất đáng để những người yêu thi ca Việt Nam tìm đọc và lưu giữ trong tủ sách gia đình chúng ta.

NGUYỄN THY VÂN
(Thi sĩ, Cựu Thiếu Tá QLVNCH, xuất thân Khoá 14 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức năm 1963)
TMN News Agency (since 1970)

Không có nhận xét nào: