Một điểm phong toả ở khu vực "vùng xanh" ở phường Kim Liên của Hà Nội. Thủ đô Việt Nam bị truyền thông quốc tế gọi là "nhà tù lộ thiên" trong khi quốc gia Đông Nam Á bị xếp hạng thấp nhất thế giới về phục hồi từ đại dịch. Việt Nam, được quốc tế ca ngợi về cách đối phó thành công với đại dịch trong hầu hết năm ngoái, giờ đây bị truyền thông quốc tế đánh giá thấp nhất trên thế giới về khả năng phục hồi từ COVID trong khi thủ đô Hà Nội bị xem là một “nhà tù lộ thiên” trong chống dịch.
<!>
Trước khi làn sóng lây nhiễm tồi tệ nhất bùng phát ở Việt Nam hồi cuối tháng 4, quốc gia Đông Nam Á vẫn còn được thế giới xem là hình mẫu trong khống chế đại dịch với tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong trong số thấp nhất toàn cầu.
Tuy nhiên, với số lượng trung bình hàng chục nghìn ca nhiễm và hàng trăm ca tử vong mỗi ngày trong khi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực, Việt Nam bị Nikkei Asia xếp hạng cuối cùng trên bảng Chỉ số Phục hồi từ COVID-19 mới nhất được đưa ra mỗi cuối tháng. Tờ báo hàng đầu của Nhật xếp Việt Nam ở hạng chót trong số 121 nước trên thế giới với tổng số điểm thấp nhất, 25, gồm 3 chỉ số ghi nhận từ việc quản lý lây nhiễm, triển khai tiêm chủng và tính di động tính đến ngày 31/8. Trung Quốc là quốc gia được đánh giá có khả năng phục hồi tốt nhất thế giới khi đứng đầu bảng với tổng điểm 73.
Nằm trong nhóm cuối bảng còn có Thái Lan, Myanmar và Philippines, những quốc gia Đông Nam Á cũng đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm mạnh của biến thể Delta.
Theo Nikkei Asia, Việt Nam giờ đây là hiện thân của khu vực Đông Nam Á về việc “tự mãn” trong đối phó với đại dịch sau những thành công mà quốc tế ca ngợi. Tờ báo tiếng Anh của Nhật nhận định rằng, các nhà lãnh đạo Việt Nam – giống như ở Thái Lan, Indonesia và các nước khác – cho là những thành công trong việc ngăn chặn sớm các ca lây nhiễm có thể tiếp tục lặp lại trong khi các chương trình tiêm chủng vaccine có thể “chờ đó.”
“Năm 2020, chúng ta đã dùng những ‘tập đoàn quân tinh nhuệ’ nhất để tấng công ‘mấy trăm du kích quân F0’ và rất sớm khải hoàn rồi trong một thời gian khá dài, tự rung đùi tán thưởng,” nhà báo Trương Huy San, còn được biết tới là blogger Ô sin Huy Đức, nhận định trong một đăng tải trên Facebook khi cho rằng “cách đối phó với COVID như thế này” đã khiến Việt Nam đứng thứ 121/121 trên bảng chỉ số của Nikkei.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Phong, một cư dân ở Hà Nội, cho rằng đánh giá của Nikkei hơi “quá mức tiêu cực”.
“Tình hình dịch ở Việt Nam đúng là phức tạp thật, nhà nước cũng đã nhìn thấy hết rồi nhưng so với các nước lân cận thì cũng chưa là cái gì ghê ghớm lắm cả,” ông Phong, hiện đang sinh sống ở quận Tây Hồ, nói với VOA khi cho rằng Hà Nội với số ca nhiễm hàng ngày là vài chục trong số gần 10 triệu dân hay thậm chí TPHCM, nơi đang là tâm điểm của đợt bùng phát, với số ca nhiễm thường nhật lên đến hàng nghìn người trong số hơn 10 triệu dân, vẫn là “con số quá nhỏ” và không đáng bị đánh giá thấp như vậy.
‘Nhà tù lộ thiên’?
Hầu hết trong tổng số gần 551.000 ca nhiễm và hơn 13.700 ca tử vong ở Việt Nam được ghi nhận trong đợt bùng phát từ 27/4 dù chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế việc di chuyển của người dân như phong toả toàn thành phố trong thời gian dài, kiểm soát bằng cấp giấy đi đường, chia các khu vực dân cư theo mức độ lây nhiễm để thực hiện theo các chỉ thị đưa ra từ Ba Đình.
Tờ New York Times của Mỹ hồi đầu tháng 6 cho rằng thành công ban đầu của Việt Nam trong phòng chống dịch chỉ là “may mắn” khi không thể khống chế được đợt bùng phát dịch mới nhất và cũng là tồi tệ nhất. Tuy nhiên, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã phủ nhận điều này và cho rằng Việt Nam đã có những “quyết sách, chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo từ Trung ương đến địa phương.”
Dù cho rằng đánh giá của Nikkei chưa khách quan nhưng ông Phong thừa nhận rằng những biện pháp “quyết liệt” đó không còn hiệu quả cao và Việt Nam đã có những chủ quan ban đầu trong chống dịch.
“(Họ) cứ nghĩ truy vết và cách ly là ngăn được nhưng chắc lúc đầu không nghĩ nó đến mức nguy hiểm (và) ghê gớm như thế này,” ông Phong nói. “Qua các chỉ đạo của chính phủ thì thấy rằng rõ ràng Việt Nam bây giờ đã thấm đòn rồi, đang dốc toàn lực vào để ngăn chặn.”
Chính phủ Việt Nam trong vài tháng qua đưa ra nhiều chỉ thị và các hướng dẫn thực hiện việc giãn cách xã hội mà nhiều người cho là “chồng chéo.” Quan ngại lớn nhất hiện nay được nhiều người dân bày tỏ trên mạng xã hội là việc cấp giấy đi đường theo Chỉ thị 20 mới được đưa ra áp dụng cho 3 vùng “đỏ, vàng, xanh” ở Hà Nội, nơi đang thực hiện giãn cách toàn xã hội trong hơn 1 tháng qua dù tỷ lệ lây nhiễm thấp.
Nhận định về những hạn chế này ở thủ đô Việt Nam, kênh truyền hình TV5 của Pháp và một tờ báo của Bỉ có tên Metro Time cho rằng Hà Nội đã bị biến thành một “nhà tù mở” vì đại dịch COVID.
Một cư dân sống ở khu phố cổ Hà Nội có tên Ho Thi Anh nói với Metro Time, tờ báo phát miễn phí ở thành phố Brussels, rằng toàn bộ khu phố của bà bị phong toả với các rào chắn và “nó giống như một trung tâm giam giữ.” Còn kênh TV5 cho biết 8 triệu dân Hà Nội đã “được lệnh tự giam mình” kể từ cuối tháng 7 để chống lại đại dịch, trong đó một trong số các cư dân Hà Nội được phỏng vấn, có tên Nguyen Dinh Ngoc, nói rằng “chúng tôi không có quyền tự do đi lại” nhưng cho rằng việc tuân thủ chỉ thị của chính phủ là điều quan trọng đối với ông.
Nhà báo Huy San đưa ra câu hỏi rằng tới ngày 21/9, “Hà Nội vẫn cứ mỗi ngày có 5-7 chục F0 như hiện nay, Thành phố định sẽ ‘nhốt dân’ thêm bao lâu.” Blogger này đề nghị các lãnh đạo “nên có cuộc họp ở cấp cao hơn Hà Nội để quyết định phương án” cho thủ đô và viết rằng “đừng để thế giới nhìn Thủ đô của một quốc gia đang phát triển như một căn cứ du kích.”
Còn cựu nhà báo Thông Tấn Xã Việt Nam, Lưu Kha, chia sẻ cảm nhận của ông trên trang Facebook cá nhân rằng “là người yêu nước, tôi thực sự thấy đau và xấu hổ khi Việt Nam bị Nikkei Asia xếp hạng bét thế giới về chống COVID và Hà Nội bị một tờ báo của Bỉ gọi là ‘nhà tù lộ thiên’.” Ông cũng kêu gọi các lãnh đạo nhà nước rằng “đây là lúc nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét