Tháng 3 năm 1954 tổng cộng 300 anh em chúng tôi xếp hàng ở trại Ngọc Hà, Hanoi. Đây là đám thanh niên Bắc Kỳ bị động viên được gọi đi Thủ Đức. Quân đội quốc gia mới thành lập sẽ huấn luyện cấp tốc các thiếu úy tưởng chừng sẽ đi cứu Điện Biên Phủ đang bị bao vây.Trong số hiện diện có một vài anh quê Nam Định. Vũ Văn Lộc, Trần Quốc Lịch, Nguyễn Thế Thứ, và Lê Ngọc Tô… Phần lớn còn trẻ chưa có nửa mối tình đầu. Chúng tôi chia tay Hà Nội trong bài ca bất hủ. Tôi xa Hà Nội năm lên 18 chưa từng biết yêu. Sau khi cùng xây dựng 2 nền cộng hòa miền Nam, hai mươi mốt năm sau nước mất tan hàng tháng tư 1975. Bao nhiêu mộng đẹp tan ra thành khói bay bốn phương trời.
Từ ngày đó đến nay tôi đã tiễn đưa bao nhiêu bạn cùng khóa lên đường về miền vĩnh cửu. Năm 72 trung tá Nghiêm Kế bị bắt tù binh trận Tân Cảnh. Năm 73 trung đoàn trưởng Nguyễn Thế Nhã đón Nghiêm Kế trở về trên sông Thạch Hãn. Nhã nói rằng Kế ơi là Kế, sao mày khốn khổ thế này. Hai tháng sau trung tá Nhã gốc mũ đỏ về sư đoàn 1 bị pháo kích. Chúng tôi làm đám ma cho đại tá truy thăng với vòng hoa cườm Thương tiếc Nguyễn Thế Nhã anh hùng. Nghiêm Kế khóc rằng. Nhã ơi Nhã. Sao số mày khốn nạn thế này. Sau cùng Nghiêm Kế vẫn còn sống ở San Jose cho đến năm 2020.
Hai năm qua, với công việc hội trưởng của khóa Cương Quyết Đà Lạt 1954, tôi trở thành người chuyên lo Chung sự cho anh em. Tôi thừa biết rồi sẽ có một ngày anh em chẳng còn ai. Đưa người ta, không đưa qua sông. Cũng chẳng còn sóng ở trong lòng… Nào ngờ ngày sau cùng đó chính là hôm qua. Ngày thứ bẩy đầu tiên của tháng 9 năm 2021. Cả khóa trong tang lễ chỉ còn lại có 2 thằng cùng quê Nam Định. Một thằng nằm. Một thằng đứng. Trung tá Lê Ngọc Tô sinh năm 1934 đội mũ đỏ nằm trong quan tài. Tuy đã già những nét mặt bình yên. Con người của chiến tranh, của tù đầy, của cô đơn. Nhân hậu và dễ thương với chiến hữu và đơn vị nhưng xa cách và gia trưởng với vợ con. Phần tôi vẫn là thằng đứng đó giữa tang gia và bạn bè của gia đình. Rất đông các thanh niên nam nữ bạn bè của con cháu người ra đi. Tất cả mặc quần áo đen lịch sự và giữ yên lặng. Hầu hết đều không biết người chết là ai. Ông già này từ đâu đến và hơn 80 năm qua ông đã làm công việc gì. Tang gia có 3 cô con gái nhưng không giới thiệu ai là vợ. Dù không biết nhưng cũng không ai thắc mắc. Các cô thương yêu biết rõ về thân phụ nhưng không cháu nào biết rõ về ông trung tá nhảy dù. Lại càng không biết về ông chỉ huy đơn vị cảnh sát dã chiến. Mười hai chiến binh nhảy dù xếp hàng nghiêm chỉnh làm lễ phủ cờ cho người anh hùng mũ đỏ nhưng không ai biết về những thành tích của ông thời đệ nhất cộng hòa. Đại diện hội cảnh sát và hội Võ bị lên chia buồn cùng tang quyến nhưng cũng không có dịp biết về công việc của vị trung tá cảnh sát thời đệ nhị cộng hòa.
Tôi sinh năm 1933 hơn bạn Tô một tuổi cùng quê Nam Định vì duyên nợ quân trường nên biết nhau qua 21 năm binh nghiệp. Nhưng quả thực không biết rõ về gia cảnh, về chuyện ngục tù, chuyện HO và đời sống nơi đất khách quê người. Gặp nhau 1 lần họp khóa ở Việt Nam rồi lại gặp nhau khi bạn HO mới qua Mỹ. Đã gần 30 năm qua Lê Ngọc Tô mới trở lại San Jose, tôi nhớ thủa từ Nam Định lên trại Ngọc Hà Hà Nội. Mười năm sau họp khóa ở Việt Nam rồi lại gặp nhau khi bạn HO mới qua Mỹ. Đã gần 30 năm qua Lê Ngọc Tô mới trở lại San Jose. Ngày xưa tuổi trẻ rực rỡ như sao mai, bây giờ một thằng nằm và một thằng đứng. Tôi với trời bơ vơ biết nói gì với người yêu cũ của bạn và đám con cùng với tuổi trẻ m ặc áo đen đưa đám người anh hùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Khóa chúng tôi ở miền Bắc này có 10 bà quả phụ và 8 vị anh hùng. Chỉ duy có con gái Đinh Trọng Ất chở mẹ ghé qua. Tất cả quý ông bà còn lại đều không đi được hoặc con cái không có ngày giờ thuận tiện. Hội trưởng về chiều tuyên bố các bạn cứ kêu Taxi hay Hu Bơ hội ta sẽ trả tiền. Các bạn tôi cho biết chưa từng gọi Hu Bơ và dù có kêu cũng rất cần có y tá hộ tống. Vì những lý do rất dễ thương như vậy nên tôi không bàn nữa mà xin kể qua câu chuyện riêng về bạn Lê Tô như sau.
Năm 1954 khi ra trường Tô về nhẩy dù và trải qua các đơn vị tác chiến cho đến khi lên đại úy và làm tiểu đoàn phó. Sau thời gian dài làm sĩ quan mũ đỏ, đẹp trai hào hoa phong nhã anh lập gia đình với giai nhân Cẩm Dung qua mối tình Chú Cháu như tiểu thuyết của Chu Tử. Cô vợ trẻ hơn chồng trên 10 tuổi đã sinh hạ cho chàng một trai và 3 gái.Trong 21 năm chiến tranh anh sinh viên sỹ quan của khoá Cương Quyết Đà Lạt đã 4 lần lãnh chiến thương bội tinh. Đã từng làm quận trưởng cảnh sát quận 6 và chỉ huy sảnh sát dã chiến. Lần bị thương và thoát chết lịch sử là bị không quân Mỹ bắn nhầm trong Chợ Lớn năm Mậu Thân 1968. Giai đoạn tiếp theo là trang sử thi của gia đình và đất nước. Trung tá Tô đi tù tập trung 13 năm và người vợ tiểu thư gánh vác toàn vẹn việc nuôi con và nuôi chồng trong tù. Đến khi được tự do và gia đình HO qua Mỹ thì ông trung tá nhảy dù vốn là người của chiến tranh nên không thích hợp với cuộc sống bình yên tại Mỹ. Lê Ngọc Tô quyết định xa gia đình, tìm cuộc sống cô đơn và biệt lập ở miền Tây Bắc Hoa Kỳ. Cô Cẩm Dung trở thành bà mẹ quán xuyến một mình xây dựng cuộc sống nuôi đàn con trưởng thành như phép lạ. Những đứa con gái hiếu thảo vẫn liên lạc với thân phụ và sau cùng vào những ngày tháng sau cùng đưa ông Tô về San Jose để trông nom trong giờ phút cuối.
Phút lâm chung. Chuyện gia đình kể rằng vào ngày sắp ra đi ông Tô đã rất yếu. Những người con gái và bà mẹ ngồi quanh giường bệnh. Con gái thì vẫn là những đứa con gái thương yêu của bố. Nhưng người thiếu phụ bây giờ không phải là vợ, cũng chẳng phải là người yêu dấu bé bỏng ngày xưa. Bà ngồi đó tiếp tay cho con gái soa bóp cho ông Tô. Kỷ niệm nào còn lại hơn 10 năm làm vợ. Gần 13 năm nuôi tù. Rồi những năm chuẩn bị HO. Sau cùng là 30 năm xa cách ngay tại xứ Mỹ. Con gái nói. Bố có biết ai đang soa bóp không. Tay mẹ đấy. Trên khuôn mặt già nua hiu hắt qua ánh mắt chợt như nở một nụ cười. Tiếng con trẻ lại kêu vang. Bố cười rồi mẹ ơi. Trung tá Lê ngọc Tô thực sự đã mỉm cưới trước khi ra đi về miền vĩnh cửu. Con người mãi mãi thuộc về chiến tranh. Một thứ gia trưởng trong gia đình. Không biết bày tỏ tình yêu thương vợ con. Ở Việt Nam làm ông lớn đã đành. Đi tù về không chịu đạp cyclo. Qua Mỹ không chịu quét nhà. Vợ nấu cơm tháng nhưng chồng không chịu lái xe. Thời vàng sơn không chịu giao tiền cho vợ. Vào giờ phút cuối cùng anh Tô giao phong bì có chút tiền dành dụm bảo con đưa cho vợ. Cẩm Dung vừa khóc vừa nói. Ngày xưa anh không đưa tiền cho em vung vít. Bây giờ lâm chung anh đưa tiền cho người vợ cũ làm gì. Nhưng cô Dung ơi. Đó không phải là tiền. Đó chính là tình yêu.
Người anh hùng của cuộc chiến tranh tan hàng gẫy súng. Ông Tô đứng về phe thua cuộc. Ở Việt Nam ông không chịu đạp Cyclo. Đi Mỹ ông không chịu quét nhà và đưa cơm tháng. Ông khước từ đoàn tụ ngay trên đất Mỹ. Tô phải tìm đường đi xa vì ông mãi mãi là gia trưởng của nhà Lê. Ông là con cháu vua Lê Đại Hành, Lê Ngọc Tô không chịu lao động trước mặt vợ con. Anh đành đoạn để vợ con lao động tự do.
Trước phút lâm chung bạn Tô của tôi đưa cho vợ phong bì với chút tiền dành dụm từ 30 năm xa cách. Đó chính là thông điệp của người gia trưởng. Vẫn còn tiền và trách nhiệm đùm bọc vợ con .
Tiền đó chính là tình yêu. Tình yêu của chú Tô gửi cho cháu Dung. Sau cùng cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn lại mối tình Chú Cháu. Tôi đứng dưới trời bơ vơ mà giải được một cuộc tình. Ước mong tìm được cái vòng hoa Cườm ngày xưa tôi đặt làm cho đại tá Nguyễn Thế Nhã với hàng chữ Tiếc Thương Nguyễn Thế Nhã anh hùng. Nếu phải ông còn đủ quyền hành như thời xưa. Trung tá Lê Ngọc Tô sẽ ra đi với cấp bậc đại tá truy thăng. Bây giờ tôi với bạn chỉ còn là một thằng đứng và một thằng nằm dưới trời bơ vơ. Chờ đến lượt mà thôi.
Xin cảm ơn anh em Mũ đỏ phủ cờ. Hội Võ bị và hội Cảnh sát đến chia buồn. Cảm ơn thiệt tình.
Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét