Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

Nhà đầu tư châu Âu báo động sẽ rời khỏi Việt Nam vì giãn cách kéo dài 10/09/2021 - VOA



Chủ tịch EuroCham Vietnam phát biểu trong cuộc gặp trực tuyến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 9/9/2021. Photo Eurochamvn.org Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam) cho biết ngày càng nhiều nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam đang xem xét chuyển các dự án sang nơi khác nếu các hạn chế về chống dịch COVID-19 của đất nước cứ tiếp tục dây dưa. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, cho biết trong một tuyên bố sau cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam: “Những gì các thành viên của chúng tôi cần bây giờ là một lộ trình rõ ràng cho các biện pháp hiện tại này, một lộ trình giải quyết các rào cản đối với hoạt động thương mại của họ và cung cấp cho họ một con đường có thể dự đoán được để lên kế hoạch mở lại hoạt động kinh doanh.”
<!>

Trong cuộc gặp trực tuyến kéo dài 4 giờ đồng hồ giữa lãnh đạo EuroCham, các đại sứ châu Âu và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng giới lãnh đạo địa phương hôm 9/9, ông Cany nói: “Nếu các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài hơn nữa, các dự án đầu tư mới có thể gặp rủi ro và các công ty có thể xem xét di chuyển tới các nơi khác trong khu vực.”

Đáp lại, Thủ tướng Chính nói rằng “đây chỉ là khó khăn nhất thời”, và trấn an rằng “Việt Nam luôn tạo điều kiện và đồng hành để các doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh thuận lợi.”

Ông Erwin Debaere, Tổng thư ký EuroCham, Giám đốc Tài chính Công ty Perfetti Van Melle Việt Nam, được trang VNExpress dẫn lời khi nêu kiến nghị trong cuộc họp với Thủ tướng Chính: “Đề nghị Chính phủ sửa cho mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” đang khiến hầu hết doanh nghiệp khó khăn.” Lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho rằng việc chính quyền yêu cầu tổ chức “ăn, ở, ngủ” tại chỗ khiến họ mất thêm rất nhiều chi phí, và xem đó là gánh nặng lớn.

Có tới 18% số doanh nghiệp được hỏi trong cuộc khảo sát tháng 9 của Eurocham cho biết họ đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang các nước khác và 16% đang cân nhắc các lựa chọn của họ.

Đây là kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) trong thời gian phong toả, giãn cách xã hội được EuroCham Vietnam tiến hành với 2.000 doanh nghiệp thành viên, trong đó chỉ số BCI đạt 15,2 điểm, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Kết quả khảo sát này được công bố cùng lúc diễn ra cuộc gặp giữa EuroCham và Thủ tướng Chính.

Ông Cany nói: “Đây chủ yếu là chuyển các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục kéo dài tại các địa phương thêm 2-3 tháng nữa hoặc lâu hơn, cùng với thiếu vaccine tiêm cho người lao động, chuỗi cung ứng đứt đoạn và dịch bệnh không được kiểm soát…, việc có doanh nghiệp nước ngoài rời đi “hoàn toàn có thể xảy ra.”

Gần 80% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam có kết quả kinh doanh không tốt 3 tháng qua, trong đó 29% nói “rất tệ” do giãn cách kéo dài, theo kết quả khảo sát BCI do EuroCham công bố.

Từ trước đến nay, các ngành sản xuất, đặc biệt là điện tử, hàng may mặc và giày dép cho các thương hiệu lớn trên toàn cầu, là một phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và là nguồn cung cấp hàng triệu việc làm.

Các doanh nghiệp châu Âu kêu gọi các nhà chức trách đẩy nhanh việc tiêm phòng, đảm bảo hàng hóa lưu thông tự do, dễ dàng di chuyển của người lao động và xúc tiến các quy trình để các nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp đã được tiêm phòng vào nước này.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất châu Á, với chỉ 4,3% trong tổng số 98 triệu dân được tiêm chủng, theo Reuters.

Về chính sách nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam, các doanh nghiệp cũng cho rằng hiện giấy phép lao động của chuyên gia nước ngoài theo Nghị định 152 đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp EU tại Việt Nam đề nghị Chính phủ có chính sách cởi mở hơn với chuyên gia nước ngoài đã tiêm đủ 2 liều vaccine khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Trang Thời báo Kinh tế Sài gòn dẫn lời ông Cany nói: “Một trong những vấn đề cấp bách nhất bây giờ là cần có hộ chiếu vaccine điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do cho những người đã được tiêm chủng trong và ngoài nước. Chúng tôi cố gắng đàm phán, mua vaccine để đem về Việt Nam nhưng thực sự khó khi các hãng chỉ bán qua Chính phủ, doanh nghiệp tư nhân không thể mua được.”

Ông nói trong bài phát biểu được trang EuroCham đăng tải: “Nên có một quy trình nhanh chóng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia và gia đình của họ trở về. Các thủ tục hiện tại vừa tốn thời gian vừa nặng nề. Nó cũng có thấy cho một rào cản đáng kể đối với các hoạt động thương mại và đầu tư, vốn sẽ rất cần thiết cho việc lấy lại đà tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.”

Đài VTV dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Chính phủ đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, thành lập Tổ công tác đặc biệt
 để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp,” đồng thời cho biết rằng đang “chỉ đạo xây dựng lộ trình thích ứng an toàn với dịch bệnh trong mọi điều kiện.”

Trung Quốc vận động quốc hội Úc về gia nhập hiệp định thương mại khu vực
10/09/2021



Quốc kỳ hai nước Australia và Trung Quốc tại một lễ ký kết hồi tháng 6/2015.
Trung Quốc đã vận động hành lang với quốc hội Australia để giúp Trung Quốc tham gia một hiệp định thương mại lớn trong khu vực. Trong nỗ lực này, Bắc Kinh mô tả về sự lớn mạnh của thương mại giữa Trung Quốc và Australia, trong khi né tránh đề cập đến các lệnh trừng phạt trị giá hàng tỷ đô la mà Bắc Kinh áp đặt.

Đề xuất của Đại sứ quán Trung Quốc, được trình lên một ban thẩm tra của quốc hội Australia, xuất hiện trong cùng một tuần có việc Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg phát biểu rằng nước này phải đa dạng hóa nền kinh tế để bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, và ông cảnh báo các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho những căng thẳng mới với Trung Quốc.

Kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được 11 quốc gia trong đó có Australia ký kết vào năm 2018, Anh, Trung Quốc, Đài Loan và Thái Lan đã tỏ ra quan tâm đến việc tham gia hiệp định.

Trong tờ trình của mình, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết nền kinh tế Trung Quốc và Australia có tiềm năng hợp tác rất lớn.

Họ cho biết Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-Australia (CAFTA) được ký kết vào năm 2015 đã dẫn mối quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng, hai nước có các cơ chế giải quyết tranh chấp, và vào năm ngoái 95% thuế quan đã được loại bỏ.

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông nghiệp của Australia được nêu trong tờ trình của Trung Quốc đã phải đối mặt với những hạch sách của hải quan hoặc bị Trung Quốc điều tra bán phá giá vào năm 2020, nhiều người ở Australia xem những động thái đó của Trung Quốc là có động cơ chính trị, sau khi Australia kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus corona.

Bộ trưởng Frydenberg phát biểu tại Canberra hôm 6/9 rằng "Ai cũng biết rằng Trung Quốc gần đây đã tìm cách nhắm mục tiêu vào nền kinh tế Australia".

Bộ Ngoại giao và Thương mại của Australia nói với ban thẩm tra của quốc hội rằng việc tăng thêm số thành viên của CPTPP ngoài 11 nước ký kết ban đầu sẽ giúp Australia đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Australia xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kỷ lục 19,4 tỷ đô la Úc trong tháng 7, tăng 72% so với một năm trước đó, do nhu cầu quặng sắt tăng mạnh.

Tổng thống Mỹ, chủ tịch Trung Quốc điện đàm, bàn cách tránh xung đột
10/09/2021



Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) điện đàm hôm 9/9/2021.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm trong 90 phút hôm thứ Năm 9/9. Đây là cuộc đàm thoại đầu tiên giữa hai ông trong vòng 7 tháng. Họ thảo luận về việc cần phải đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chuyển hướng thành xung đột.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết hai ông Biden và Tập có "một cuộc thảo luận trên bình diện rộng, mang tính chiến lược", bao gồm các lĩnh vực mà hai bên có các lợi ích và giá trị giống nhau và khác nhau.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên rằng cuộc điện đàm tập trung vào các vấn đề kinh tế, biến đổi khí hậu và COIVD-19.

Nhà Trắng cho biết thêm: "Tổng thống Biden nhấn mạnh mối quan tâm lâu dài của Hoa Kỳ tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới, và hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về trách nhiệm của cả hai quốc gia để đảm bảo rằng cạnh tranh không chuyển hướng thành xung đột".

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết ông Tập nói với ông Biden rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc gây ra "những khó khăn nghiêm trọng" cho mối quan hệ, nhưng cũng nói thêm rằng cả hai bên đồng ý duy trì tiếp xúc thường xuyên và yêu cầu các nhóm cán bộ ở cấp làm việc phải tăng cường trao đổi ý kiến.

"Trung Quốc và Mỹ cần phải thể hiện dũng khí và sự sáng suốt mang tầm chiến lược, cũng như sự táo bạo về chính trị, và đưa quan hệ Trung-Mỹ trở lại đúng hướng phát triển ổn định càng sớm càng tốt", truyền thông nhà nước Trung Quốc tường thuật, dẫn lại lời ông Tập.

Ông Tập nói rằng nếu "các mối quan tâm cốt lõi" của cả hai bên được tôn trọng, vẫn có thể đạt được các đột phá ngoại giao trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, đồng thời nói thêm rằng vấn đề này có thể bổ sung thêm "các yếu tố tích cực" cho mối quan hệ.

Quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên trước cuộc gọi rằng phía Mỹ coi cuộc điện đàm của hai nhà lãnh đạo như là một phép thử để xem liệu làm việc trực tiếp với ông Tập có thể chấm dứt tình hình bế tắc trong mối quan hệ hay không.

"Việc này là để quan sát xem liệu có khả năng làm việc một cách thực chất hơn những gì mà chúng tôi đã có thể làm hay không. Chỉ có những gì thực sự diễn ra mới chứng minh được", quan chức này nói sau cuộc điện đàm, và mô tả rằng hai bên nói chuyện thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau.

Tuy nhiên, quan chức Mỹ cũng thừa nhận rằng Mỹ có thể bị hạn chế về khả năng thay đổi hành vi của Trung Quốc, và Washington phải tập trung chủ yếu vào việc tăng cường khả năng cạnh tranh và tập hợp các đối tác và đồng minh của mình.

Không có nhận xét nào: