Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Nauy: LỄ KHÁNH THÀNH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN - Phạm Sĩ Việt

Đông đảo đồng hương giúp đỡ
Tượng Đài Thuyền Nhân khai mở
Cộng đồng người Việt hớn hở
Rủ nhau kéo đến mừng vui...
Thị xã Lorenskog, thuộc ngoại thành Oslo 11 km về hướng đông đường chim bay. Nơi đây, Tượng Đài Thuyền Nhân (TĐTN) được dựng lên sau 2 năm 5 tháng đồng hương Việt tỵ nạn góp tay và mỏi mắt trông chờ. Hôm nay Thứ Bảy, 04 tháng 9 năm 2021, cộng đồng người Việt tỵ nạn tề tựu bên bờ Langvann dự Lễ Khánh Thành TĐTN, với biểu tượng thân thương: "Mẹ & Con". Mẹ dắt díu con thơ nói lên sự hốt hoảng bàng hoàng người người tẩu thoát, nhà nhà tẩu thoát. Hình ảnh 2 mẹ con liều chết vượt biển Đông tìm Tự Do sau khi Hà Nội xua quân cưỡng chiếm miền Nam VN qua bức tượng "Mẹ & Con" là một điển hình trong cơn đại hoạ của dân tộc ở thế kỷ 20.
<!>
Đời người Tỵ Nạn chỉ có một lần rạng rỡ trong niềm vui lưu vong tại nơi đặt Tượng Đài, để nhìn tận mắt bức tượng "Mẹ & Con" cùng bám víu nhau tìm lẽ sống vì cái giá Tự Do và được tàu Na Uy cứu vớt. Nơi đây, dòng Langvann tượng trưng cho trùng dương Đông Hải bão thét sóng gào mà thuyền nhân Việt Nam đã một lần treo mạng sống trên đầu sợi tóc. Và cũng qua hình ảnh "Mẹ & Con", Cộng đồng người Việt tỵ nạn tri ân đất nước đã cứu vớt và cưu mang, khấn nguyện cùng vong linh những đồng bào ruột thịt kém may mắn gởi thây dưới lòng biển cả một lời tạ ơn sâu xa, họ đã chết cho bao người được quốc gia thứ 3 dang tay tiếp nhận.

Giờ đây TĐTN đã thể hiện rõ ràng 3 ý nghĩa:

- Tưởng niệm những thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn tìm tự do đã bỏ mình trên đường trốn chạy chế độ cộng sản tại Việt Nam từ 30.04.1975.
- Tri ân thủy thủ Na Uy đã cứu vớt và nhân dân Na Uy cưu mang những người Việt lưu vong.
- Biểu tượng lá cờ Quốc Gia Tự Do Việt Nam Cộng Hoà được khắc trên Tượng Đài và trên Bia Văn.

Buổi lễ diễn ra hết sức trang nghiêm và lôi cuốn với 2 MC Minh Hiệp (MH), chuyên phần Việt ngữ và Johnny Huỳnh chuyển Na ngữ.

Chương trình bắt đầu đúng 12 giờ như đã ấn định. Trước hết, thay mặt Ban Tổ Chức (BTC) Minh Hiệp cẩn thận thông báo những điều cần thiết người tham dự phải để tâm, nhất là việc giãn cách xã hội trong mùa đại dịch Wuhan khi đông đảo quan khách tề tựu có trên 200 người.

Minh Hiệp mở lời:

"...Bây giờ là 12 giờ ngày 04 tháng 9 năm 2021, cám ơn Thượng Đế đã cho chúng ta có một buổi sáng đẹp trời, không khí rất là trong lành, mát mẻ và ấm cúng với người tham dự, rất thích hợp cho một nghi thức cử hành buổi lễ trọng thể ngoài trời. Chúng tôi rất vui khi được thấy sự hiện diện đông đảo của toàn thể quý vị, bỏ thì giờ với đường sá xa xôi tới đây dự lễ khánh thành TĐTN của chúng ta...".

Và MC lược qua chương trình lễ.

Tiếp theo là diễn văn khai mạc của Hội trưởng Chi hội Người Việt Tỵ Nạn kiêm Trưởng BTC. Mở đầu bài diễn văn, chị Nguyễn Huỳnh Phương (NHP) thay mặt BTC đặc biệt cám ơn bà Thị trưởng Ragnhild Bergheim và các đại biểu Thị xã Lørenskog, cùng quý Hội đoàn người Việt Tỵ nạn và toàn thể đồng hương tỵ nạn xa gần. Sự hiện diện của tất cả quan khách là niềm vinh dự cho BTC trong ngày trọng đại đầy ý nghĩa này.

Kế đó chị NHP hồi tưởng lại biến cố lịch sử 30.04.1975 đã làm cho người dân miền Nam VN trong cơn hỗn loạn mau mau trốn chạy chế độ CS, với hàng triệu triệu người bỏ nước ra đi bằng nhiều cách, bằng mọi phương tiện, nhiều nhất là tẩu thoát bằng những con thuyền mong manh lênh đênh trên biển cả bất chấp những rủi ro phải trả giá.

Chị NHP nói:

"Những thuyền nhân kém may mắn đã đánh đổi mọi thứ, kể cả sinh mạng của mình, dù biết rằng giá tự do phải trả là cái chết hoặc ngục tù, với phương châm: 'Heller død enn rød'. Vì thế họ đã bất chấp mọi sợ hãi và hiểm nguy để giờ đây thuyền nhân tỵ nạn có mặt ở nơi này..."

Để chứng minh sự đánh cược đó, NHP trích lời của triết gia Simone de Beauvoir giải thích tại sao sự tự do lại quan trọng đối với con người:

"Tự do là nguồn gốc từ đó nảy sinh ra mọi ý nghĩa và mọi giá trị" (Frihet er den kilde hvorfra all mening og alle verdier oppstår).

Cảm kích trước lòng nhân ái của các vị Thuyền trưởng, NHP liệt kê cách tiêu biểu các con tàu đã nhanh tay cứu vớt người vượt biển tìm tự do. Chị NHP nhớ lại:

"Như quý vị đã biết, thuyền nhân chúng ta đã được nhiều tàu từ các quốc gia tiếp cứu, và hàng trăm trong số này là tàu của Na Uy, như tàu Laurita Hoegh Ugland, Brimanger, Varenna, Tysla, nhiều và nhiều nữa...".

Rồi thấm đẫm văn hoá biết ơn của người VN, NHP đưa ra lời nhắc nhở, là cần ghi nhớ câu nói của Baltasar Gracián, một nhà văn Tây Ban Nha của thế kỷ 16, ông thức tỉnh:

"Ai đã nguôi cơn khát thì đã quay lưng lại với cội nguồn" (Den som har slukket sin tørst, har allerede vendt ryggen til kilden).


Và chị NHP nhấn mạnh:

"Chúng ta phải nhớ, chúng ta không cho phép quên những người đã cứu giúp chúng ta. Uống nước phải nhớ nguồn!".

Vì thế NHP thốt lời tha thiết:

"Với tất cả tấm lòng của mình, chúng tôi muốn gởi lời cám ơn đến thuỷ thủ đoàn các chuyến tàu đã cứu vớt, người dân Na Uy đã giúp chúng tôi vượt qua những năm tháng đầu định cư. Nay chúng tôi đã đầy tự tin và hội nhập vào một đất nước vô cùng xinh đẹp, ấm áp và giàu lòng nhân ái này...".

NHP lượt qua cuộc hội nhập ngỡ ngàng với từng giai đoạn khó khăn của người tỵ nạn từ và sau khi đặt chân tới đất nước Na Uy trong 46 năm qua. NHP hồi tâm nhớ lại:

"Thấm thoát đã hơn 46 năm, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Các thế hệ cha mẹ của chúng ta đã lần lượt ra đi hoặc đã đến tuổi hưu trí. Và những đứa trẻ ngày ấy bây giờ đã trở thành là ông, bà, cha, mẹ... Cho nên chúng ta, những người VN, là sắc dân hết sức chịu đựng và dễ dàng hội nhập. Điều này, có nghĩa là chúng ta muốn trở thành những công dân hữu dụng đối với đất nước đã cưu mang, luôn mong muốn có bàn tay đóng góp vào sự phát triển cho một đất nước có tự do và dân chủ tại nơi tạm dung này...".

Rồi NHP ân cần thưa:

"Thế hệ các bậc sanh thành của chúng ta đã trả giá quá đắt, và đã dồn hết sức lực để dẫn dắt đàn con cháu trong cuộc sống thanh bình xa lạ này. Vì thế chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ lịch sử, nhớ về một khởi điểm tại vì sao người Việt Nam mình lại có mặt trên xứ sở Na Uy xa lạ này? Đó là cách chúng ta có bổn phận phải lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau những điều tốt đẹp ấy...".


Nói về công trình TĐTN, NHP minh định:

"Đây là nơi đặt dấu ấn lịch sử, cũng là nơi chúng ta đưa con cháu tới thư giãn mỗi lần thăm viếng nhằm thắt chặt tình đoàn kết dựa vào tinh thần tương thân tương ái của người VN xa quê cha đất tổ. Dự án xây dựng tượng đài "Cứu vớt đến bờ tự do" (Redningen til Frihet) mang chủ đề "Mẹ & Con" (Mor & Barn) tại Lørenskog là một công trình tâm huyết của cộng đồng chúng ta, với sự đóng góp từ rất nhiều người qua nhiều giai đoạn khác nhau trong tiến trình xây dựng. TĐTN là biểu tượng của cuộc hành trình tìm tự do của người Việt tỵ nạn, là một di sản tinh thần vô cùng ý nghĩa nhằm để lại cho con cháu mai sau...".

Trước khi kết thúc bài diễn văn đầy ắp sự thổn thức, NHP nhấn mạnh lòng biết ơn đối với Lorenskog kommune:

"Nhân dịp này, chúng tôi xin chân thành cám ơn chính quyền địa phương, những người đã nhiệt tình hỗ trợ cho chúng tôi từ khi bắt đầu dự án đến lúc hoàn thành. Quý vị đã tận tình mở các cuộc họp bàn với chúng tôi hầu đưa ra những quyết định đúng đắn để có một kết quả tuyệt vời như ngày hôm nay...".

Sau đó, NHP không quên bày tỏ lời cám ơn đến thân hữu, bạn bè, các mạnh thường quân và tất cả đồng hương xa gần đã bỏ nhiều công sức và thì giờ để tượng đài ngày hôm nay được hoàn thành mỹ mãn.

Đến đây quan khách trang nghiêm trong nghi thức chào quốc kỳ Na Uy và quốc kỳ VNCH, được dẫn bởi bài quốc ca Na Uy và quốc ca VNCH hùng hồn trổi lên. Kế đó là phút mặc niệm. Phút mặc niệm để tưởng nhớ các tiền nhân, anh hùng dựng nước và giữ nước, những đồng bào ruột thịt trốn chạy chế độ CSVN không may bỏ mình trên biển cả. Phút mặc niệm để tưởng nhớ và tri ân các thuyền trưởng cùng thuỷ thủ đoàn đã cứu vớt các thuyền nhân VN tìm tự do sau 30.04.1975 mà nay tuổi già họ đã quá vãng.

Đây là giờ phút mà toàn thể mọi người hồi hộp chờ đợi bấy lâu. Ban tổ chức kính mời bà Thị trưởng Ragnhild Bergheim bước lên trang trọng kéo dây vải phủ TĐTN của lễ cắt băng khánh thành, để tất cả quan khách hiện diện cùng chiêm ngưỡng bức tượng "Mẹ & Con" với tôn danh "Redningen til Frihet" (Cứu vớt đến bờ Tự Do).

Bà Thị trưởng giật dây buộc và "Mẹ & Con" sừng sững hiện ra. Tràng pháo tay nổ giòn chào đón "Mẹ & Con". Có nhiều người không kềm chế được nỗi xúc động, vừa vỗ tay vừa rươm rướm nước mắt mừng vui... Đây là giờ lịch sử thiêng liêng của cuộc đời thuyền nhân tỵ nạn với niềm hân hoan rạng rỡ vô vàn.


Cũng trong giây phút hả hê vui sướng này, bà Thị trưởng vinh dự ngỏ lời phát biểu cảm tưởng. Qua đó bà Ragnhild Bergheim khen ngợi bức tượng là công trình kiến trúc tuyệt đẹp, xứng đáng đặt ở vị trí trong công viên Lørenskog. Bà nói về cảm tưởng khi tham dự ngày khánh thành bức tượng "Mẹ & Con". Quan khách lắng nghe bà nhắc lại thời điểm ngày 30 tháng Tư ập đến và những thuyền nhân đầu tiên ngỡ ngàng đặt chân tới đất nước Na Uy. Bà rất cảm động khi xem tin tức trên truyền hình lúc bấy giờ, sau khi miền Nam VN bị nhuộm đỏ. Vì vậy bà đánh giá cao về sự hiện diện của người Việt tỵ nạn tại Na Uy, nhất là về những đóng góp của cộng đồng người Việt, đặc biệt tại thị xã Lørenskog. Bà nhiệt liệt chúc mừng buổi lễ khánh thành TĐTN diễn ra trong một không gian vô cùng trang trọng, vui tươi... Bà mong rằng TĐTN này không chỉ là một dấu ấn ghi nhớ công ơn những người Na Uy đã cứu vớt thuyền nhân Việt Nam, từ những ngày đầu đặt chân đến đây cho tới hôm nay, mà thuyền nhân tỵ nạn còn tạo cho Thị xã Lørenskog có một bức tượng tuyệt đẹp, làm tăng thêm vẻ tươi mát của công viên thành phố. Từ đó du khách mỗi khi đi ngang qua có thể chiêm ngưỡng và họ sẽ biết được ý nghĩa cũng như sự có mặt của cộng đồng VN tại đất nước Na Uy này.

Đến đây, bà Điêu khắc gia Hilde Rodahl được mời lên phát biểu về tác phẩm do chính tay bà tạo ra và nói lên cảm nghĩ của mình. Bà diễn đạt đó là hình ảnh một người mẹ cõng đứa con sau lưng, hai tay bám chặt chiếc thang dây để cố leo lên tới boong tàu, khi phía bên dưới chân thang là nhiều ngọn sóng rất to, nếu chậm chân tiếp cứu nó sẽ nuốt chửng cả hai mẹ con. Bà cho biết nguồn cảm hứng của bà đến từ hình ảnh các thuyền nhân tìm tự do trên những chiếc ghe nhỏ mong manh không may mắn bỏ mình trên biển cả, hoặc chấp nhận những rủi ro vì bão tố, vì hải tặc, vì đói khát... để bằng mọi giá kịp tới bến bờ tự do. Bà nói hình ảnh người mẹ và đứa con là hai nhân vật dễ vị tổn thương nhất, mất mát nhiều nhất trong cuộc hành trình vượt biển tìm tự do, kể cả với cuộc sống kéo dài về sau. Riêng đứa bé là biểu tượng cho một tương lai sáng lạn của thế hệ trẻ. Bởi thế cần được cứu vớt, cần được nuôi dưỡng, cần được vỗ về an ủi. Vì những đứa bé này, về sau là tương lai của cả một dân tộc, kỳ vọng thế hệ này sẽ nắm vận mệnh một quốc gia.

Bây giờ đồng hồ điểm 12 giờ 40. Lễ khánh thành TĐTN tạm kết thúc tại nơi đặt TĐ. Và trong giờ thư giãn, BTC mời tất cả quan khách di chuyển qua bên kia bờ hồ, cách chừng 250 mét để dùng bữa trưa và thưởng thức chương trình văn nghệ giúp vui mừng lễ khánh thành. Đồng thời một số bà con có dịp gặp gỡ lại các vị ân nhân cũ của mình, để lắng nghe những lời phát biểu của họ, hoặc cùng nhau hàn huyên tâm sự cho thoả nỗi lòng giữa người ban ơn và kẻ thọ ơn.

13 giờ 25, chương trình văn nghệ tại sân khấu lộ thiên mang chủ đề lưu vong, quê hương đất nước và cội nguồn, cám ơn người đã cưu mang, qua các thể loại và lời ca nhẹ nhàng thuần khiết, như:

"Một thoáng quê hương", với giọng cao vút Phương Uyên và Thuỳ An, cùng nhóm vũ nghiệp dư: Xuân Nhị, Xuân Mỹ, Kiều Oanh, Lilly và Xuân Hảo. Một thoáng quê hương từ giọng hát của Phương Uyên và Thuỳ An, những cháu gái được sanh ra và lớn lên tại nơi đây, với những tà áo dài mượt mà lung linh trong sóng nắng chiều thu. Rất là vui khi nhìn thấy các con cháu lớn lên nơi xứ người mà vẫn nói rành tiếng Việt, hát trôi chảy lời Việt và múa các vũ điệu thuần tuý VN. Mong sao cộng đồng VN mãi mãi phát huy tinh thần này để con cháu đời sau không hoài công học tiếng mẹ đẻ:

"...Đẹp biết bao
Quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu
Dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố..."

Biến cố 30 tháng Tư 1975 đã đẩy hàng triệu người yêu chuộng tự do tìm đường vượt biển để tới những vùng đất yên lành, đem lại cuộc sống bình an, nhân bản cho chính bản thân và gia đình mình. Kể từ ngày Sài Gòn bị bức tử cho tới đợt cuối cùng vào năm 1990, những bước chân VN đã rời khỏi quê hương tản mạng khắp mọi nơi trên thế giới, đất nước nào có tự do dân chủ thật sự là có cộng đồng VN tỵ nạn. Và những bước chân VN vẫn còn đi đi mãi không dừng, mong đem lại tinh thần tự do và niềm tin cho những người không có cơ hội bắt gặp. Trong tinh thần đó, nhạc phẩm "Bước chân Việt Nam" được ban hợp ca Hồn Việt hùng hồn diễn đạt với bao nỗi oan khiêng thống thiết:

"Ngày nào VN tang tóc, đời ta chim xa bầy
Nặng nề xoải đôi cánh bay, thiên đường càng xa vời quá
Là thời thuyền ghe chết đuối, biển sóng gió tơi bời
Nhận chìm đời không tiếng than, ước mơ cuốn theo nghiệt oan..."

Cùng hồi tưởng lại quê hương VN, đặc biệt thủ phủ của VNCH. Thủ đô Sài Gòn được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông, là nơi bao tài tử giai nhân dập dìu sánh bước dưới ánh nắng vàng trải lá me xanh, nơi đã thấm nhuần nền tự do dân chủ và yên bình. Thế nhưng chiến tranh tàn khốc kéo dài với bao tang thương, loạn lạc, và Sài Gòn tiếng gọi thân thương ngày nay không còn như xưa nữa. Để hồi tưởng lại trong ký ức, tiếng hát Ngọc Ánh réo gọi nỗi nhớ không tên với "Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi!", phụ hoạ bởi đông đủ nam thanh nữ tú thong dong trước sân khấu như hồi tưởng lại ven một khu phố nào đó của Sài Gòn xưa, mà dưới ánh nắng đầu thu của Bắc Âu se lạnh chừng như hằng hà sợi nắng mịn màng của Sài Gòn với hai hàng cây cao im bóng mát ở những con đường thân thương dập dìu trai thanh gái sắc làm thổn thức lòng người xa quê:

"Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai
Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay
Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này
Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi...!"

Nhưng rồi biến cố 30 tháng Tư ập đến, tưởng như là ngày đại tang chung cho cả một dân tộc, cho toàn thể người dân VN yêu chuộng tự do. Khi xa quê hương, những thuyền nhân tỵ nạn luôn mang theo trong lòng những hoài niệm của một thời hạnh phúc không tên, niềm nhớ nhung mà con dân Việt vẫn giữ trong tâm không phai mờ và khó xác định, nó chẳng thể bẻ ra thành mảnh vụn mong cuộn tròn cất giữ. Đó cũng là ý tưởng của nhạc phẩm "Sài Gòn niềm nhớ không tên" mà Hữu Ngọc trút hết nỗi ngậm ngùi:

"Sài Gòn ơi
Ta mất người như người đã mất tên
Như dòng sông nước quẩn quanh buồn
Như người đi cách mặt xa lòng
Ta nhủ thầm em có nhớ không
Sài Gòn ơi
Đâu những ngày khi thành phố xôn xao..."

13 giờ 55, tiết mục ca nhạc tạm ngưng để xen kẽ phần giới thiệu và trân trọng mời một số quan khách lên nhận hoa, quà lưu niệm nhằm bảy tỏ lòng biết ơn từ BTC.

Người đầu tiên mời phát biểu cảm tưởng là ông Phó Thuyền trưởng Alf Ove Stenhagen, thuộc tàu Danita (vị Thuyền trưởng là ông Ole Skaerning), đã cứu vớt 58 thuyền nhân vào ngày 02.06.1987.

- Ông Alf Ove Stenhagen trước hết ngỏ lời chào thăm tất cả mọi người, rồi ông chậm rãi nói:

"...Tôi nhớ sự việc xảy ra vào ngày 02 tháng 06 năm 1987, như thể nó mới hiện ra ngày hôm qua đây quý vị ạ! Khi chúng tôi dừng con tàu lại và cố giải cứu tất cả 58 người, mà trong số đó đã có các bạn đang ngồi ở đây. Lúc bấy giờ tất cả những người đang chòng chành trên một chiếc ghe nhỏ mong manh đó, thực sự là họ ở trong tình huống không tốt, không an toàn, vô cùng nguy hiểm, và tàu Danita của chúng tôi đã kịp thời cứu vớt họ lên tàu bình yên...

"...Ngày hôm nay tôi rất vinh hạnh và thật vui khi thấy mọi người ngồi đây với những khuôn mặt tràn đầy sức sống, đã hội nhập, đã có cuộc sống ổn định và sức khoẻ rất tốt. Rất mừng được gặp gỡ các bạn. Xin cảm ơn tất cả mọi người..."

Ông Alf Ove Stenhagen cùng tham dự với vợ là bà Anna Stenhagen.

- Ông Tor Einar Lien, con trai Thuyền trưởng Tor Lien thuộc tàu Laurita Høgh Ugland, đã cứu vớt 164 thuyền nhân vào ngày 21.11.1980.

Thay mặt bố mình, ông Tor Einar Lien nói:

"Tôi thật sự rất xúc động khi có mặt trong buổi lễ khánh thành ngày hôm nay, mặc dù tôi không phải là chứng nhân của con tàu mà Ba tôi là Thuyền trưởng. Bây giờ tôi mới hiểu được rằng, với trọng trách là Thuyền trưởng, tại sao ông luôn luôn cứ vắng nhà, và nhận thức được rằng đó là trách nhiệm của một người chỉ huy đang lèo lái một chiếc tàu to lớn như Laurita Høgh Ugland, là phải dồn hết thì giờ của ông cho chiếc tàu của mình. Cho đến ngày hôm nay tôi đã hiểu tại sao Ba tôi bắt buộc phải làm như thế...!".

Ông Tor Einar Lien cùng tham dự với vợ là bà Inger Lise Lien, 2 thuỷ thủ và 1 người quản lý vệ sinh trên tàu, cùng bà Marianne Lien Aanonsen (con gái của ông Thuyền trưởng Tor Lien) và chồng.

Tiếp đến là những phát biểu của các vị khách được mời, như:

- Ông Øyvind Kruse, Kỹ sư máy tàu (maskiningeniør) thuộc tàu Laurita Høgh Ugland, Thuyền trưởng là ông Tor Lien.
- Bà Marianne Lien Aanonsen (con gái Thuyền trưởng Tor Lien).
- Kristen Bue.
- Anne Karin Haraldstad.
- Tom Severinsen.
- và còn nhiều vị nữa... tất cả bày tỏ cảm nghĩ của mình qua buổi lễ khánh thành TĐTN. Điều này nói lên được tâm tình, mối cảm thông của các vị đối với những thuyền nhân VN tỵ nạn khi mất quê hương, xa lìa cội nguồn. Các vị ấy tỏ ra rất hài lòng và rất vui được mời tham dự buổi lễ trọng đại này.

Cuối cùng là vị khách thuộc tàu Long Phoenix, cứu vớt 101 thuyền nhân vào ngày 16.06.1980, vị Thuyền trưởng của tàu này là Lange Hansen nay đã quá cố:

- Vị này là ông Per Freddy Lilleby, bếp trưởng (kjøkkensjef) của Long Phoenix. Ông Per nói về cảm giác khi tiếp xúc và làm công việc bếp núc để nuôi ăn cho 101 người được cứu vớt. Bày tỏ những suy nghĩ về miền Nam VN sau khi bị Hà Nội cưỡng chiếm và người VN phải bỏ trốn khỏi chế độ này từ 30.04.1975. Ông Per nói lên cảm tình đặc biệt đối với người VN tỵ nạn đang sống tại Na Uy khiến Per phải tới đây tham dự lễ khánh thành này.

Tham dự với ông Per Freddy Lilleby có vợ là bà Trương Thị Thu Thảo.

Ngoài sự hiện diện các khách được mời phát biểu cảm tưởng, còn có sự tham dự của các thành viên hoặc thân nhân của thuỷ thủ đoàn các tàu:

- Ông Roy Berg Paulsen, đầu bếp thuộc tàu Høegh Fortuna, cứu vớt 17 thuyền nhân vào ngày 02.11.1983.
- Ông Halvor Einar Roksvåg, ông Roger Arne Hammer và ông Bjørn Kristian Andersen, thuỷ thủ thuộc tàu Høegh Fortuna + Høegh Sword, cứu vớt 80 thuyền nhân vào tháng 10.1985.
- Ông Arne Hammer, thuỷ thủ thuộc tàu Høegh Sword 1985 + Høegh Fulmar 1986, cứu vớt 33 thuyền nhân vào 1986.
- Ông John Goodell, Halvor thuỷ thủ thuộc tàu Høegh Fortuna, cứu vớt 17 thuyền nhân vào ngày 02.11.1983.
- Ông Knut Ekeberg, thợ máy bậc 1, ông Thor Jørgen Dyvad, ông Jan Rune Kristiansen, bà Kari Irene Christensen thuộc tàu Høegh Fortuna, cứu vớt 17 thuyền nhân vào ngày 02.11.1983.

Ngoài ra, BTC ghi nhận buổi lễ có sự hiện diện:

- Ông Erling Lae, một trong những cây đại thụ của hệ thống chính trị Na Uy.
- Bà Siri Adorsen, Cố vấn Văn hoá Lørenskog kommune (Rådgiver Kultursektoren).
- Nhà báo Romerikes blad.
- Ông Kristen cùng người con và ông Robert đến từ Kristiansand.
- Ông bà Per Andfossen và Lê Thanh Hương (bạn của ông bà Per Freddy Lilleby) đến từ Krokstadelva.
- Ông Tom Severingsen đi cùng với ông Tor Einar Lien đến từ Arendal.
- Nhóm kaptein sjøfolk.

Về phía Hội đoàn người Việt có:

- Ông bà Nguyễn Thế Phùng, Hội trưởng Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Vest-Agder đến từ Kristiansand.
- Ông Lưu Hoài Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, cơ sở Oslo.

Cũng trong phần phát biểu cảm tưởng, về phía cộng đồng VN, nức lòng lên diễn đàn chia sẻ, trong đó có anh Lê Minh Chánh, bà Đặng Yến Oanh, người láng giềng bản xứ của gia đình anh Lê Trí... Tất cả tỏ bày sự mãn nguyện và niềm vui vô tận khi TĐTN được dựng lên tại khu công viên Thị xã Lørenskog. Ai cũng cho đây là một công trình mà khó lòng người khác hoặc hội đoàn nào thực hiện được. Đồng thời ca ngợi tinh thần dấn thân của các thành viên có trách nhiệm trong việc điều hành dự án từ lúc khởi công đến khi kết thúc, đã có một thành quả mỹ mãn như ngày hôm nay để mọi người tề tựu về đây trong nỗi hân hoan có một TĐTN mang ý nghĩa sâu xa của thuyền nhân tỵ nạn cộng sản. Việc hình thành TĐTN tại Lørenskog là một sự kiện khá đặc biệt, có thể nói là cơ hội ngàn năm. Nơi đây cộng đồng người Việt tỵ nạn đã lưu lại một di sản văn hoá để đời cho lớp hậu duệ cùng người bản xứ nói riêng, và cả thế giới nhìn chung.

Trong phần tặng hoa và quà cho quý ân nhân từng bỏ công sức, từ vật chất đến tinh thần được ghi nhận gồm có:

- Là mạnh thường quân: ông bà Nguyễn Thế Phùng, anh Hoà, gia đình anh Lê Minh Chánh, gia đình anh Nguyễn Tấn Chức, gia đình anh chị Khánh Suông...
- Ủng hộ ẩm thực: bà Yến Oanh, bà Thuỷ, bà Mai, bà Di, bà Của, chị Hoa, chị Bích Thuỷ, chị Mai Hương, chị Phúc, chị Khánh...
- Ban Văn nghệ: Thanh Vy, Ngọc Ánh, Hữu Ngọc, Thảo, Minh Hiệp, Johny Huỳnh, Lê Mai Anh, chị Mai Vũ, nhóm vũ thế hệ TTN.
- Camera Võ Quang Nhu và photographer Trần Thịnh.
- Yến Vy, người mẫu TĐTN.

Ngoài ra còn có quý mạnh thường quân ủng hộ tài chánh từ Bussy - Pháp quốc, từ Toronto - Gia Nã Đại, từ Melbourne - Úc Đại Lợi, từ Houston - Hoa Kỳ. Đặc biệt cám ơn nhà điêu khắc Hilde Rodahl, bà đã sáng tạo ra một tượng đài kể lại lịch sử đầy kịch tính qua hình tượng "Mẹ & Con".

Lễ khánh thành kết thúc lúc 15 giờ 20 sau lời cám ơn chân thành của BTC, và sau bài hát "Việt Nam - Việt Nam" cùng tất cả người tham dự trước sân khấu lộ thiên đều tay vỗ nhịp. Quan khách hả hê ra về. Có nhiều người còn tạt ngang qua bức tượng "Mẹ & Con" lần nữa nức lòng mãn nguyện.

Được biết, bức tượng mang vóc dáng rặt Á đông là nhờ điêu khắc gia mướn một cô gái trẻ gốc Việt làm mẫu trong hơn 2 giờ, Yến Vy tuổi ngoài 20. Và sau 2 lần đứng tạo dáng, Yến Vy đã dùng số tiền nhận được ủng hộ quỹ TĐTN.

Đồng thời Chi hội NVTN cũng được phép Lørenskog kommune cài đặt tekstfil về sự hình thành Tượng Đài vào trang nhà Frikus giúp bà con đồng hương muốn tìm hiểu về TĐTN, qua mã số QR (Quick Reader) trên bảng thông tin (informasjonsskilt).

Về kết toán chi phí TĐTN từ ngày dự án khởi công cho đến lúc khánh thành, hiện chưa có con số chính thức, vì các hoá đơn chi dùng cũng như số tiền thiếu thừa chưa thể cọng trừ trong một sớm một chiều. BĐH/TĐTN sẽ báo cáo chi tiết về tổng số tiền chi thu trong ngày gần trên trang nhà Chi hội Người Việt Tỵ Nạn Lørenskog, hoặc trên Facebook để đồng hương tiện theo dõi.

Đến đây tưởng cũng cần nhắc đến lai lịch của Chi hội Người Việt Tỵ Nạn Lørenskog:

Chi hội Người Việt Tỵ Nạn tại Lørenskog vốn là con đẻ của Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Na Uy, và sau khi Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Na Uy không còn hoạt động, thì Chi hội Người Việt Tỵ Nạn tại Lørenskog xem như là linh hồn của Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Na Uy còn sót lại, và họ đã vững vàng trong sinh hoạt cho tới bây giờ.

Sau khi cay đắng nhận sự khước từ ở vai trò chủ quản dự án xây cất TĐTN từ người cha đẻ, thì Chi hội Người Việt Tỵ Nạn tự lo lấy thân mình, gắng đứng thẳng dậy thành lập nhóm điều hành, một mặt kêu gọi bà con đồng hương cùng đồng tâm hợp tác trước sự chê bai và phản ứng gay gắt của một số người không đồng tình.

Ngoài sự chống đối này ra, Ban Điều Hành TĐTN cũng gặp phải phản ứng kịch liệt từ phía sứ quán CSVN tại Oslo. Có đến 2 lần họ giáp mặt bà Thị trưởng, yêu cầu ngưng dự án dễ gây ảnh hưởng đến đường lối ngoại giao giữa 2 nước. Thế nhưng, cuối cùng Lørenskog kommune vẫn ra một quyết định tối hậu vào tháng 3.2021, dứt khoát chấp thuận TĐTN của Chi hội Người Việt Tỵ Nạn tại Lørenskog được phép khắc lá cờ VNCH, để BĐH tiếp tục công trình xây dựng.

Dưới đây là quyết định chính thức của Lørenskog kommune trong khi dự án xây dựng còn dang dở:

"...Dette underbygger at flagget er en viktig del av historien som bør vises frem gjennom minnesmerket. Ytringsfrihet og kunstnerisk frihet er prinsipper som står høyt i Norge. Dette innebærer at gruppers bruk av symboler bør tillates, så lenge det brukes på en respektfull måte... (...Điều này chứng minh rằng lá cờ là một biểu tượng quan trọng của lịch sử cần được thể hiện qua đài tưởng niệm. Tự do ngôn luận và tự do nghệ thuật là những nguyên tắc được đề cao ở Na Uy. Điều này có nghĩa rằng việc sử dụng một biểu tượng của các nhóm phải được cho phép, miễn là nó được sử dụng một cách đúng đắn...).

Như thế đủ thẩm định sự kiên trì và con đường chính nghĩa trong sáng của Chi hội Người Việt Tỵ Nạn tại Lørenskog. Và đó cũng là câu trả lời với những tiếng vào lời ra làm đau đớn cho người trong cuộc, gây hoang mang cho người thiện tâm. Ngày hôm nay Chi hội Người Việt Tỵ Nạn Lørenskog đã làm nên kỳ tích để đời, có một hiếm thấy hai, qua tấm căn cước tỵ nạn của thuyền nhân Việt Nam tại Na Uy, TĐTN với 3 ý nghĩa trọng đại vĩnh viễn khắc vào bia văn.

(Phạm Sĩ Việt tường thuật)

Tạp ghi:

Tâm tư người tham dự
Lễ Khánh Thành TĐTN

Khi dải lụa buông xuống
Mẹ & Con rạng rỡ hiện ra
tràng pháo tay dồn dập reo ca
làm động đến dòng Langvann yên tĩnh.

Mẹ & Con giữa ba đào bão tố
mặt hóp thân run trước nỗi chết cận kề
họ ngẩn cao đầu cầu khẩn Ơn Trên
xin đoái thương người nguy khốn

Rồi phép lạ từ xa kịp tới
may mắn khôn cùng giữa giờ hấp hối
như thần giao cách cảm nhiệm mầu
trắc ẩn lòng người vị thuyền trưởng dừng chuyến hải hành nhanh tay cứu vớt thuyền nhân
Mẹ & Con gặp được quới nhơn.

Và chiếc thang dây thả xuống
Mẹ & Con run rẩy bám vào
hạnh phúc dường bao
tạ ơn trời đất!

Người vợ trẻ sau mùa chinh chiến
phận gái thuyền quyên nghiệt ngã khôn lường
ngút ngàn truyện ký bi thương...

Cao Uỷ hỏi:
"- Bố cháu ở đâu?
"lý do nào cô bỏ nước ra đi?..."

"- Thưa, khi miền Nam bức tử
"bên thắng cuộc đem anh ra xử tử
"họ kết án trái tim yêu nước chồng tôi
"thuộc thành phần phản động...
"có nợ máu nhân dân...

"Là phận nữ nhi
"với nhau từ độ xuân thì
"tưởng rằng cuộc sống có đôi
"ai ngờ mẹ goá con côi.

"Thân đau bươn chải bên đời
"ruột gan nào mà hồ hởi?
"còn lại gì để phấn khởi?
"tôi không muốn chạy sau đóm ăn tàn
"chẳng là kẻ phất cờ theo gió
"đồng hành sao được với tà thuyết vô tri?

"Từ đó lý lịch xấu đi
"từng ngày theo dõi cuộc sống riêng tư
"bị phân biệt đối xử
"bị khủng bố tinh thần
"bị chia lằn ranh ý thức hệ.

"Đại tang chồng chưa khô ngấn lệ
"chúng giở trò ong bướm xa gần
"lần hồi gạ gẫm ân cần
"rồi cưỡng ép tôi lấy nó yên thân...

"Nhưng thề quyết tử
"không quyết sinh nhục nhã
"tôi thà chết
"chẳng đời nào phu thê với kẻ đã hành quyết chồng mình
"quen đời làm vợ lính oai phong
"khó ngửi được mùi vượn trường sơn
"bèn cố hết sức bình sinh
"tôi ôm con liều chết ra khơi..."
Mẹ & Con.

Bạn ạ
Mẹ & Con được hình thành bao công khó
có những bất đồng không ngó mặt nhau
giờ là lúc kẻ trước người sau
cùng ngưỡng mộ Mẹ & Con bên bờ sông lặng gió
đừng cấu xé lẫn nhau
để con cháu đời sau
không hổ thẹn cha ông mình là thuyền nhân tỵ nạn
không phán xét anh/tôi ai chính nghĩa
chỉ thấy rằng Mẹ & Con đã là ý nghĩa
với cờ vàng ngạo nghễ tạc vào bia.

Là thuyền nhân tỵ nạn
mang truyền thống biết ơn và lòng ái quốc chân thành
bao năm qua cộng đồng ta lo lắng trăm bề
nay là lúc đồng hương mình ngồi xích lại
Mẹ & Con là điểm chung tồn tại
là chính nghĩa tuyệt vời có phải không anh?

Nhớ về biển xa muôn trùng sóng dữ
Mẹ & Con nói lên lòng tri ân người bản xứ
cùng tưởng niệm các thuyền nhân bỏ mình nơi biển cả
và màu hoàng kỳ được khắc vào bia-tượng đá
ba sọc hồng son biểu tượng ba miền
Việt Nam Cộng Hoà của ta đó rất thiêng liêng!

Dòng Langvann tựa đại dương thu nhỏ
trời vào thu lá bay bay trên mặt sông
đàn thiên nga bơi lội ngược xuôi dòng
quanh quẩn mãi trong vòng quay tuế nguyệt
như dâu bể cuộc đời âm dương không gặp nhau
vong linh kẻ nằm xuống nay người được sống tỏ lòng nợ ơn
Mẹ & Con.

Rồi mai đây khi tuổi già bóng xế
người sau tiễn chân người trước
đi về từ cuộc nhân sinh
nhưng thầm lặng bên bờ Langvann
Mẹ & Con vẫn là di sản bi hùng của thuyền nhân tỵ nạn.

Mẹ & Con thương Quê hương xa ngàn dặm
nhìn từ bờ sông vắng lặng Langvann
đêm nguyệt lạnh sầu dâng cao vời vợi
nỗi u hoài Mẹ đợi nhớ trăm năm
biết bao giờ mới được trở về thăm
thôn làng cũ ngày chôn nhau cắt rốn.

Hồn quê hồn nước hồn chim quốc
khắc khoải năm canh luống đoạn trường
hờn quê hờn nước hờn lưu xứ
bái tạ tiền nhân tạ quê hương
hai vai khôn đặng trăm bề gánh
một mảnh tình son vận nước non
tịch dương nền cũ lâu đài vọng
linh hiển uy xưa dạ mỏi mòn.

Mẹ & Con
là thuyền nhân may mắn
Redningen til Frihet
được cứu vớt đến bờ Tự Do
Tự Do! ôi Tự Do!
cái giá trời cho phải trả.

Quê hương đó bức dư đồ tơi tả
ao ước trở về khâu lại vết thương đau, 
hay Mẹ & Con triền miên vẫn là người di tản buồn không Tổ Quốc?

(Phạm Sĩ Việt tự sự)

Không có nhận xét nào: