Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

Lịch Sử Tàu Ngầm - Phần 2: Từ Sau Thế Chiến Thứ Nhất Đến Hiện Đại - Phạm Văn Tuấn (Đặc San Lâm Viên)

 

6/ Tầu Ngầm Sau Thế Chiến Thứ Nhất.

Sau khi Thế Chiến chấm dứt, nước Anh chỉ theo đuổi một chương trình chế tạo tầu ngầm rất giới hạn. Mãi tới năm 1929, Hải Quân Anh mới quyết định cho đóng 2 loại tầu ngầm kiểu S và kiểu T. Loại tầu ngầm kiểu S có sức chở nậng 735 tấn, dài 62 thước, có tầm hoạt động ngắn, xử dụng trong vùng Bắc Hải và phụ cận, còn loại tầu ngầm kiểu T 1,300 tấn, dài 82 thước, dùng cho phạm vi đế quốc Anh. Về phía nước Đức, Hiệp Ước Versailles đã giới hạn việc võ trang của quốc gia này nhưng vào năm 1935, Hitler đã ký một thỏa ước hải quân với nước Anh và thỏa ước này cho phép nước Đức được đóng 50% tổng số tầu ngầm của nước Anh. 
<!>
Mặc dù thỏa ước trên ấn định số tầu ngầm Đức lên tới mức giới hạn, mặc dù các bài học của kỳ Thế Chiến Thứ Nhất, nước Đức không quan tâm mấy đến lực lượng tầu ngầm. Tính tới ngày Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, nước Đức chỉ có 57 chiếc tiềm thủy đĩnh. Sở dĩ con số này quá bé nhỏ, có thể vì Hitler không trù tính đánh nước Anh, hoặc vì các đô đốc hải quân Đức đặt tin tưởng nhiều hơn vào các tầu chiến Scharnhorst và Gneisenau, hay vào các con tầu khổng lồ Bismarck và Tirpitz.

Ngày 3 tháng 9 năm 1939, nước Anh tuyên chiến với Đức Quốc Xã thì một chiếc tầu thủy của Anh tên là Athenia bị phát nổ một cách bí mật và chìm sâu trong lòng biển. Người ta nghi ngờ con tầu Athenia bị tầu ngầm U của Đức đánh chìm nhưng Đô Đốc Karl Doenitz đã phủ nhận sự việc xẩy ra. Thực ra, một hạm trưởng trẻ tuổi chỉ huy một tầu ngầm U đã hành động như vậy để chấm dứt các cuộc tranh luận về vấn đề đạo đức chiến tranh.

Ngày 5 tháng 9 năm đó, chiếc tầu ngầm U- 48 do Đại Úy Herbert Schultze chỉ huy, nhận lãnh công tác thả thủy lôi tại miền phía tây biển Manche. Bỗng Đại Úy Schulze nhìn thấy một vệt khói ở chân trời, về phía duyên hải Tô Cách Lan. Tầu ngầm U- 48 liền đuổi theo và bắt kịp con tầu Royal Sceptre của nước Anh. Lúc bấy giờ Đại Úy Schulze mới cho tầu nổi lên và dùng súng đại bác tấn công, nhưng chiếc tầu Anh chưa chìm hẳn nên tầu ngầm U bèn phóng tiếp một thủy lôi. Lần này con tầu Royal Sceptre nghiêng hẳn đi rồi từ từ chìm hẳn.

Hai tuần lễ sau, chiếc tầu ngầm U- 29 của Đức bắt gặp một hàng không mẫu hạm có nhiều khu trục hạm hộ tống, đang di chuyển trên hải trình giữa nước Anh và Hoa Kỳ. Chiếc U- 29 tiến tới gần đoàn tầu và phóng đi 3 trái thủy lôi rồi lặn mất. Ngày hôm sau, báo chí Anh loan tin Anh Quốc bị thiệt hại chiếc HMS. Courageous, một trong các hàng không mẫu hạm lớn nhất. Đây là chiến thắng quan trọng đầu tiên của Đức đoạt được trên mặt biển vào năm 1939.



Đức Quốc còn ghi được nhiều thành tích khác. Ngày 8 tháng 10 năm đó, Đại Úy Hải Quân Gunther Prien chỉ huy chiếc tầu ngầm U- 47, nhận chỉ thị mật phải lặn vào căn cứ hải quân Anh Scapa Flow để đánh chìm con tầu HMS. Royal Oak, chiếc tầu tối tân nhất và hùng mạnh nhất. Nhiệm vụ này thực là khó khăn vì Scapa Flow được phòng thủ rất kỹ lưỡng, cả trên đất liền lẫn dưới nước. Riêng tại lối vào hải cảng, đã có các tấm lưới thép chắn tầu ngầm và những cửa này chỉ mở ra khi có tầu Anh qua lại. Vậy làm sao tầu ngầm Đức có hy vọng lọt vào bên trong?

Vào năm 1923, 4 năm sau Thế Chiến Thứ Nhất chấm dứt, Đại Úy Hải Quân Đức Alfred Wehring biệt tăm tại quê nhà rồi xuất hiện tại Thụy Sĩ, làm một anh thợ học nghề đồng hồ. Năm 1927, Wehring lại mất dạng ở Thụy Sĩ và tại hải đảo Orkney không xa căn cứ Scapa Flow, người ta thấy có anh thợ đồng hồ người Thụy Sĩ Oertel. Năm 1932 Oertel trở nên công dân Anh.

Khi chiến tranh bùng nổ, Oertel khám phá thấy tại Kirk Sound, một lối phía đông dẫn vào căn cứ hải quân, không có lưới ngăn tầu ngầm. Oertel liền báo tin này về Đức. Nhờ các chi tiết do Wehring cung cấp, đêm 13 tháng 10, chiếc U- 47 đi qua ngả Kirk Sound và lặn vào bên trong căn cứ Scapa Flow. Sau khi đã quan sát rõ mục tiêu, Đại Úy Prien liền cho lệnh bắn thủy lôi vào con tầu chiến Repulse và 2 trái khác vào chiếc Royal Oak, rồi tầu ngầm U- 47 bỏ chạy vì e sợ bị đuổi theo. Nhưng không có tầu Anh nào săn đuổi cả, nên chiếc U- 47 liền quay lại và phóng thêm 3 thủy lôi nữa vào chiếc Royal Oak. Lần này, đạn dược chứa bên trong tầu phát nổ, tung lên không trung từng mảnh tầu, mảnh cột buồm, mảnh ống khói... Non nửa giờ sau, chiếc U- 47 đã ra khỏi Scapa Flow rồi lặn xuống biển mất dạng.

Muốn thắng nước Anh, nước Đức phải làm sao triệt hạ các con đường biển tiếp tế cho dân chúng Anh thực phẩm, súng đạn, quần áo, thuốc men... Vì vậy nhiệm vụ chính của tầu ngầm U là đánh đắm mọi thứ tầu biển đi vào quần đảo Anh Cát Lợi. Muốn hoàn thành nhiệm vụ này, nước Đức cần tới rất nhiều tiềm thủy đĩnh. Nhiều loại tầu ngầm kiểu U được chế tạo cấp tốc, từ loại 300 tấn như chiếc U- 48 tới loại Atlantic 770 tấn chứa 44 thủy thủ và 19 thủy lôi. Ngoài ra còn một số ít tầu loại 1,700 tấn được dùng để tiếp tế nhiên liệu hay thả mìn.

Trong các năm từ 1939 tới 1941, các tầu ngầm Đức hầu như thắng thế tại khắp miền biển Đại Tây Dương. Ngay cả trên miền Bắc Cực, tầu ngầm U cũng gây được các thành tích đáng kể. Vào năm 1942, một đoàn tầu 33 chiếc chở đầy nhiên liệu chiến tranh di chuyển từ Hoa Kỳ tới Murmansk, Liên Xô. Chính ngay tại vùng băng dương và mặc dù đoàn tầu trên có hộ tống cẩn thận, các tầu ngầm Đức đã họp nhau lại và đánh chìm được 22 con tầu tiếp tế. Sở dĩ người Đức ghi được các thành tích đặc biệt này bởi vì họ đã chế tạo được một dụng cụ tối cần thiết cho tầu ngầm: dụng cụ hô hấp với tên gọi là Schnorkel.

Tính tới ngày nước Đức đầu hàng vào năm 1945, tầu ngầm U đã đánh chìm được hơn 2,600 tầu buôn và 175 tầu chiến cùng tầu ngầm của phe Đồng Minh. Ngược lại, với 1150 tầu ngầm U được chế tạo, nước Đức đã bị thiệt hại 750 chiếc và 28,000 thủy thủ.

Vì nước Đức là một quốc gia nằm trên đất liền nên vật liệu chiến tranh thường được chuyên chở bằng xe lửa. Người Đức chỉ tiếp tế bằng đường biển cho Quân Đoàn Châu Phi do Thống Chế Rommel chỉ huy. Vì thế các tầu ngầm Đồng Minh chỉ lập được thành tích tại Địa Trung Hải. Về các chiến công của tầu ngầm Anh đoạt được trong kỳ Thế Chiến Thứ Hai, có thể kể thành tích của chiếc tầu ngầm Unbroken. 

Đầu tháng 8 năm 1942, Đại Úy Hải Quân Anh Alastair Mars và thủy thủ đoàn trên chiếc tiềm thủy đĩnh Unbroken nhận lệnh túc trực ngoài khơi nước Ý. Tầu Unbroken tới một địa điểm ấn định giữa Paola và Longobardi rồi về ban đêm, tầu nổi lên cách bờ một cây số rưỡi và chờ đợi. Khi thấy đoàn xe lửa chạy dọc theo ven biển, tầu Unbroken đã dùng đại bác tiêu diệt đoàn xe và làm cho 14,000 tấn đồ tiếp tế không tới được tay Quân Đoàn Châu Phi. Lúc trở về tầu Unbroken bị truy kích ác liệt ở cách mỏm Milazzo vài dậm. Cuối cùng tầu ngầm này cũng thoát hiểm.

Tới 7 giờ 30 sáng ngày 3 tháng 8, Đại Úy Mars lại trông thấy 4 tuần dương hạm Ý và 8 khu trục hạm có 2 phi cơ dò tầu ngầm hộ tống, đang di chuyển ở đằng xa. Đại Úy Mars liền cho tầu lặn xuống 15 thước sâu rồi tiến thẳng về phía đoàn tầu Ý. Khi chiếc khu trục hạm cuối cùng vừa qua khỏi, chiếc Unbroken liền phóng 4 thủy lôi rồi lặn xuống đáy biển lẩn trốn. Mặc dù trong 1 giờ 30 phút, các khu trục hạm Ý đã thả xuống biển 105 thủy bộc pha (depth charge), chiếc Unbroken vẫn vô hại. 

Ngày hôm đó, Đại Úy Mars đã bắn một thủy lôi trúng vào ngăn chứa nhiên liệu của chiếc tuần dương hạm Bolzano và một thủy lôi khác vào mũi tuần dương hạm Muzio Attendola. Chiếc Bolzano bị phát hỏa nên phải kéo về căn cứ hải quân Spezia sửa chữa, rồi bị người nhái đánh chìm, còn chiếc Muzio Attendola ì ạch chạy về căn cứ Messine, sau đó được di chuyển sang Naples và tại nơi đây, nó đã bị oanh tạc cơ Hoa Kỳ phá hủy. Với một loạt đạn, Đại Úy Mars đã ghi được một kỷ lục.

7/ Người Nhái Và Loại Tầu Ngầm Nhỏ. 

Nếu người Đức nổi danh về cách xử dụng tầu ngầm thì nước Ý là nước đầu tiên thành công về chiến thuật người nhái và loại tầu ngầm nhỏ (Midget).

Vào năm 1935 khi Đô Đốc Karl Doenitz tái lập lực lượng tầu ngầm U tại nước Đức thì tại nước Ý, hai sĩ quan Hải Quân đã thuyết phục được chính phủ chế tạo một thứ võ khí khác xử dụng ngầm dưới biển. Thứ võ khí mới này là một loại thủy lôi, dài chừng 6 thước, đầu gắn một khối 250 kilô thuốc nổ, dùng động cơ điện và ở trên có lắp yên cho hai thủy thủ ngồi. Nhờ loại tầu ngầm nhỏ này, người thủy thủ lặn tới mục tiêu, gài khối chất nổ dưới đáy tầu địch rồi lặn trở ra. Một bộ phận đồng hồ khiến cho khối chất nổ công phá theo thời định.

Người Nhái của Ý
Năm 1938 khi nước Ý xâm chiếm xứ Ethiopie, Hải Quân Ý đã cho chế tạo rất nhiều loại tầu ngầm nhỏ kể trên. Lúc đầu loại tầu ngầm này đã gây ra rất nhiều tai nạn thê thảm nên được thủy thủ Ý gọi tên là “heo biển” (sea swine). Việc xử dụng các con “heo biển” này lại là một kỹ thuật khó khăn. Người thủy thủ phải mặc một bộ quần áo lặn bằng cao su để giữ ấm nhiệt độ thân thể và tránh cho lớp da khỏi bị sây sát. Anh ta lại phải đeo chiếc mặt nạ và thở bằng khí oxygen ép. Muốn di chuyển nhanh chóng và dễ dàng trong nước, người thủy thủ còn cần tới đôi chân vịt bằng cao su. Mặc bộ đồ như vậy, người thủy thủ trông giống như một con nhái, vì thế mới có danh từ “người nhái”.

Không những người nhái gặp phải nhiều nguy hiểm vì loại tầu ngầm và vì các võ khí của địch mà còn vì chính nơi biển cả. Con người sinh ra trên mặt đất đã được Tạo Hóa ban cho cơ thể chịu đựng được áp suất của không khí tới cao độ 3,000 thước. Tại nơi bờ biển, áp suất này là một atmosphère và như vậy một người trung bình chịu một áp lực trên thân thể là 16 tấn, nhưng không ai cảm thấy áp lực này vì ở bên trong cơ thể con người, cũng có một áp lực tương đương làm cân bằng áp lực bên ngoài. Nếu con người lặn xuống dưới nước, áp suất bên ngoài tăng lên trong khi áp suất bên trong vẫn không thay đổi. Nếu lặn xuống 10 thước sâu, áp suất bên ngoài sẽ gấp đôi và các cơ quan trong người bị ảnh hưởng. Áp suất ở độ sâu 20 thước trong nước biển làm cho màng nhĩ bị vỡ, ở độ sâu 40 thước, máu trong huyết quản và trong tim ngưng lưu thông, vì vậy không ai có thể lặn sâu quá 40 thước trừ khi có đủ dụng cụ đặc biệt.

Ngoài nguy hiểm về áp suất của nước biển, người nhái còn bị nhiễm độc khi thở bằng khí ép. Ở trên mặt đất, con người thở ngay ra khí nitrogen nhưng khi lặn xuống nước, khí nitrogen đó lại tan vào máu. Sự việc này không làm cho người lặn cảm thấy khó chịu nhưng nếu người đó nổi lên mặt nước quá nhanh, khí nitrogen sẽ tạo thành các bọt khí trong máu và các bọt này là nguyên nhân của chứng co rút bắt thịt và tê liệt. Vào thời chiến, các người nhái ít khi có đủ hoàn cảnh thuận tiện để kiểm soát tốc độ nổi lên mặt nước và vì vậy, tổn thất của người nhái rất cao.

Tới ngày Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, Hải Quân Ý đã tổ chức được nhiều đơn vị người nhái và các đội “heo biển” sẵn sàng hành động vào khoảng cuối năm 1941. Chập tối ngày 18 tháng 12 năm này, Đại Úy Hải Quân Ý Luigi De La Penne và Trung Sĩ Petty Officer Bianchi đáp tầu ngầm Scire đi về phía bờ biển Ai Cập, hai người này nhận lãnh công tác phá hoại hai chiến hạm Anh là HMS. Valiant và HMS. Queen Elizabeth đang bỏ neo trong hải cảng Alexandria.

Lúc 20 giờ 30 khi còn cách lối vào hải cảng chừng một dậm, họ rời khỏi tầu ngầm rồi leo lên một con “heo biển”. Trong công tác này, có 2 con “heo biển” khác trợ giúp. Đêm hôm đó, trời tối như mực, 3 chiếc tầu ngầm Ý này di chuyển từ từ vào hải cảng, vừa tìm lối đi, vừa phân tán và ẩn nấp khi gặp các tầu thả thủy bộc pha (depth charge) để chống tầu ngầm. Cuối cùng hai người nhái Ý cũng tới sát được chiếc lưới thép chắn tầu ngầm. De La Penne nhô lên khỏi mặt nước và quan sát, ông ta gặp may vì tới đúng lúc có tầu trở về bến và may mắn hơn nữa, lại có 3 chiếc tầu liên tiếp. Con “heo biển” liền bơi theo chiếc tầu thứ nhất vào trong hải cảng. 

Sau khi đặt xong khối chất nổ dưới đáy con tầu HMS. Valiant, Đại Úy De La Penne không tìm thấy Bianchi đâu cả. Quá mệt nhọc vì công tác, Đại Úy De La Penne liền ngoi lên mặt nước để nghỉ, thì thấy Bianchi bị bất tỉnh gần đó. Rồi cả hai người bị bắt và bị tra tấn, nhưng Bianchi không biết chỗ đặt chất nổ còn Đại Úy De La Penne lại không chịu tiết lộ, nên bị nhốt ngay dưới hầm tầu. Đúng 6 giờ 15, con tầu HMS. Valiant chòng chành rồi chìm xuống đáy biển. Một lúc sau, tiếng nổ thứ hai đã đánh đắm chiến hạm HMS. Queen Elizabeth và một chiếc tầu dầu lớn khác cũng bị tổn hại nặng nề sau tiếng nổ thứ ba.

Với 6 người bị bắt, Hải Quân Ý đã đánh đắm 2 chiến hạm Anh và gây thiệt hại cho nhiều chiếc khác. Đây là một cuộc phá hoại rẻ nhất và có hiệu quả nhất trong suốt cuộc Thế Chiến Thứ Hai. Với chiến thuật người nhái, Hải Quân Ý còn tấn công nhiều lần tại eo biển Gibraltar.

Thứ “heo biển” cũng được người Anh chế tạo và đặt tên là “Chariot” (xe cút kít) và xử dụng vào mục tiêu phá hoại để báo thù cho sự tổn thất tại hải cảng Alexandria. Vào năm 1943, Đại Úy Hải Quân Anh R. Greenland nhận chỉ thị phải lặn vào hải cảng Palerme để phá hoại Hạm Đội của Phát Xít Ý. Con tầu ngầm Thunderbolt đã đưa Đại Úy Greenland và đoàn người nhái tới gần mục tiêu rồi nhóm người này dùng tầu ngầm “xe cút kít” để đi nốt quãng đường còn lại. Các người nhái Anh đã đặt một khối chất nổ dưới đáy tuần dương hạm Ulpio Traiano, một khối khác cạnh 3 thiết giáp hạm Ý và gắn khối sau cùng vào vỏ một con tầu chở hàng. Lúc xong công tác và ra về, địa bàn của những người nhái Anh bị hư hỏng vì vậy, khi không tìm lại được con tầu Thunderbolt, họ phải trở lên bờ, chôn quần áo lặn rồi tìm đường bộ lẩn trốn. Mấy ngày sau họ bị bắt sau khi đã loại ra khỏi vòng chiến các con tầu bị đặt chất nổ.

X-24, chiếc X Craft duy nhất còn giữ được
Trong Thế Chiến Thứ Hai, ngoài loại tầu ngầm Chariot, Hải Quân Anh còn chế tạo thứ tầu ngầm loại nhỏ với danh hiệu tầu ngầm X (X Craft). Loại tầu ngầm X dài 15 thước, chứa 3 hoặc 4 thủy thủ, không mang thủy lôi vì thủy lôi vào thời kỳ này khi phóng đi thường có các bọt khí nên dễ bị khám phá. Tầu ngầm X chỉ mang theo 2 khối chất nổ và chỉ được xử dụng ngầm dưới các hải cảng và phá các mục tiêu mà các tầu ngầm thông thường hay các tầu chiến không thể tấn công được. Theo lý thuyết, tầu ngầm X có thể ở lâu dưới nước được nhiều nhất là 36 giờ và cần phải dùng một tầu ngầm khác kéo tầu X tới vùng hoạt động.

Thời bấy giờ, các đoàn tầu của phe Đồng Minh chở đồ tiếp tế cho Liên Xô thường bị chiến hạm Tirpitz của Đức tấn công. Tirpitz là con tầu có vỏ thép rất dày, vận tốc lớn, lại có các khẩu đại bác 15 inches (hơn 380 mm), nên đã bắn chìm rất nhiều tầu chiến, tầu chở hàng khác và đã gây ra nhiều tổn thất về nhân mạng. 

Vào tháng 9 năm 1943, chiến hạm Tirpitz thường ẩn náu trong vịnh Kaal Fjord, thuộc xứ Na Uy, là nơi khó tấn công bằng không lực vì địa thế hiểm trở, vì lực lượng pháo binh phòng không của Đức rất hùng hậu. Ngoài ra ở ngoài biển còn có các bãi mìn, các lưới ngăn tầu ngầm và chống thủy lôi, các đoàn tầu tuần tiễu… Trước mục tiêu đặc biệt này, các tầu ngầm X được giao phó công tác phá hủy. Có 6 chiếc tham dự chiến dịch là X- 5, X- 6, X- 7, X- 8, X- 9 và X- 10, mỗi chiếc được một tầu ngầm lớn kéo đi qua Bắc Hải (Mer du Nord).

Ngày 11 tháng 9 năm 1943, đoàn tầu ra đi từ Loch Cairnbawn tại Scotland, ban ngày lặn chậm chạp dưới 5 thước sâu và nổi lên mặt nước vào ban đêm để di chuyển với vận tốc 9 hải lý một giờ. Lúc đi đường, các trắc trở bắt đầu xẩy ra. Đầu tiên, tầu X- 8 bị đứt dây kéo. Sau 36 giờ, nó mới theo kịp đoàn tầu thì đáy lại bị thủng, các thủy thủ phải bỏ sang tầu khác. Như vậy còn lại 5 chiếc theo đuổi công tác. Chiếc X- 9 được tầu ngầm Syrtis kéo đi, rồi bị đứt dây giữa đường, toán thủy thủ bị ghi nhận mất tích. Chiếc X- 10 được lệnh tấn công tầu chiến Scharnhorst. Ngày 20/9, nó lọt được vào trong vịnh, nhưng rồi lại bị trục trặc máy móc và bị dò nước, khiến cho dự định phải bỏ dở. Chiếc X- 5 có nhiệm vụ phá hoại con tầu Tirpitz, ngày 19 tầu X- 5 bị lạc vào bãi mìn rồi không ai trông thấy nó nữa. 

Khi đó chỉ có 2 chiếc tầu ngầm X tiếp tục kế hoạch. Chiếc X- 6 do Đại Úy Donald Cameron chỉ huy, đã lặn được vào vùng mục tiêu ngày 19 nhưng khi còn cách tầu địch 80 thước, nó bị khám phá nhưng Đại Úy Cameron đã thả được 4 tấn chất nổ dưới đáy tầu địch trước khi ông cùng toán thủy thủ bị bắt. Chiếc tầu ngầm cuối cùng là X- 7 do Đại Úy Hải Quân Georfrey Place chỉ huy, cũng tới được mục tiêu là chiến hạm Tirpitz và đã thả được khối chất nổ dưới vỏ tầu Đức. Khi rút lui, tầu X- 7 bị thủy bộc pha làm tổn hại và Đại Úy Place phải bỏ tầu và bơi ra ngoài với một thủy thủ. 

Đúng 7 giờ 40 ngày 20/9, khối chất nổ đầu tiên công phá rồi nửa giờ sau, tiếng nổ thứ hai làm cho tầu chòng chành. Tuy nhiên chiến hạm Tirpitz không bị tổn hại nặng nhờ vỏ tầu được đóng bằng thứ thép dày. Dù sao các tầu ngầm X của nước Anh cũng làm cho chiến hạm Đức phải sửa chữa trong nhiều tháng và Hải Quân Đức phải tốn thêm hàng ngàn người để bảo vệ con tầu khổng lồ này.

Tại mặt trận Thái Bình Dương, các oanh tạc cơ của Nhật Bản đã thực hiện cuộc tấn công Trân Châu Cảng trong khi tầu ngầm của Nhật không ghi được các thành tích nào đáng kể và nếu tại vài nơi khác, người Nhật đã thành công nhờ tầu ngầm thì những kết quả này đều do lòng cam đảm của quân đội Phù Tang hơn là do thứ võ khí. Tới khi bị phản công lại, người Nhật đã phải dùng tầu ngầm để chở thực phẩm và đạn dược vì trên không cũng như trên mặt biển, lực lượng Đồng Minh đã làm chủ tình thế.

Sau khi đầu hàng, khoảng 80 tàu ngầm nhỏ của Nhật còn nằm trong xưởng đóng tàu
Khi hoàn cảnh trở nên tuyệt vọng, Hải Quân Nhật đã dùng tới một loại tầu thủy lôi có tên là Kaiten và thủy thủ của thứ tầu này có nhiệm vụ phải hy sinh tính mạng nơi biển cả cũng như các phi công của đội Thần Phong. Hành động quyết tử này đã được chấm dứt sớm hơn khi hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Vào ngày tiếng súng ngừng nổ, người ta đã thấy còn hàng trăm chiếc tầu ngầm Kaiten và máy bay Kamikazé (Thần Phong) tại các cơ xưởng đóng tầu và chế tạo máy bay.

Về phía Hoa Kỳ, tầu ngầm Mỹ không đánh đắm được nhiều chiến hạm Nhật vì khi đó, Hoa Kỳ còn dùng tầu ngầm loại S. Tuy nhiên, nhờ tầu ngầm USS. Swordfish của Hoa Kỳ, Tổng Thống Manuel Quezon và các nhân viên trong chính phủ Phi Luật Tân đã đi lánh nạn trước khi quân Nhật tràn tới. Cũng nhờ tầu ngầm Mỹ, số vàng của Phi Luật Tân đã được di chuyển sang châu Úc.

8/ Tầu Ngầm Nguyên Tử Nautilus.

Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, các chiến công do tầu ngầm lập nên đã khiến cho các nhà chiến thuật có các quan niệm mới về chiến tranh trên biển. Rồi việc chinh phục được năng lực nguyên tử làm cho các thẩm quyền Hải Quân Hoa Kỳ cũng muốn thứ năng lực vô biên này được áp dụng vào tiềm thủy đĩnh. Bộ Hải Quân Hoa Kỳ liền yêu cầu Ủy Ban Nguyên Tử Năng (The Atomic Energy Commission) nghiên cứu chế tạo cho Hải Quân thứ lò nguyên tử (reactor) cần thiết. Cuối cùng vào năm 1949, tại Phòng Thí Nghiệm Bettis gần Pittsburgh thuộc tiểu bang Pennsylvania, công việc nghiên cứu được thực hiện.

Năm 1950 Quốc Hội Hoa Kỳ bỏ thăm chấp thuận việc chế tạo chiếc tầu ngầm nguyên tử đầu tiên. Ngày 14 tháng 6 năm 1952, Tổng Thống Harry Truman tới Groton, Connecticut, dự lễ khởi công đóng chiếc tầu ngầm nguyên tử Nautilus. Đây là chiếc tầu ngầm đầu tiên của Thế Giới được thực hiện theo quan niệm dự tưởng của Jules Verne.


USS Nautilus trong chuyến hải hành đầu tiên, ngày 20 tháng 1 năm 1955
Vào thời kỳ này, Nautilus là chiếc tầu ngầm lớn nhất. Nó chứa 100 thủy thủ và có thể lặn rất lâu dưới biển mà không cần tiếp tế nhiên liệu. Tháng 8 năm 1957, tầu Nautilus được giao phó nhiệm vụ lặn dưới các tảng băng tại Bắc Cực nhưng bị thất bại. Tháng 6 năm 1958, Trung Tá Hải Quân William R. Anderson lại chỉ huy tầu ngầm Nautilus bơi ngầm dưới Bắc Cực, bắt đầu từ phía Thái Bình Dương. Lần ra đi này cũng gặp thất bại vì máy móc bị hư hỏng. 

Ngày 22 tháng 7 năm 1958, Trung Tá Anderson một lần nữa ra đi từ Trân Châu Cảng. Cuộc hành trình được giữ kín vì Hải Quân Mỹ không muốn bị chế riễu khi gặp thất bại lần nữa. Sau nhiều ngày tìm đường bằng cách xử dụng các máy móc tối tân, tầu ngầm Nautilus đã tới Bắc Cực vào lúc 23 giờ 15 ngày 3 tháng 8 năm 1958. Hai ngày sau, tầu Nautilus đã ra tới Đại Tây Dương.

Nhờ cuộc thám hiểm của tầu ngầm Nautilus và các chi tiết khác do chiếc tầu ngầm nguyên tử Skate thu lượm, các nhà hải dương học đã tìm ra một con đường đi qua Bắc Cực, khiến cho quãng đường từ London tới Tokyo trước kia là 11,200 hải lý, nay chỉ còn là 6,500 hải lý khi băng qua đỉnh của Địa Cầu.

Ngoài các tầu ngầm Nautilus, Skate, Hoa Kỳ còn chế tạo thêm các tầu ngầm nguyên tử khác, chẳng hạn như những chiếc George Washington, Seawolf, Skipjack, Patrick Henry… Với các hỏa tiễn Polaris mang đầu đạn nguyên tử, ngày nay tầu ngầm chạy bằng năng lực nguyên tử đã trở nên một thứ khí giới đáng sợ nhất bởi vì không ai biết nó ở chỗ nào, trong khi tầu ngầm có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên trái đất bằng một hỏa lực mạnh hơn tổng số các bom đạn được xử dụng trong kỳ Thế Chiến Thứ Hai.  
         
Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia, Edwin P. Hoyt, From the Turtle to the Nautilus, Little Brown & Co., Boston, 1963.

Không có nhận xét nào: