Tôi không viết cái tựa của bài báo này, mặc dù tôi đồng ý với tiến sĩ Lewis Sorley, người viết quyển sách mang cái tên đó; ông Sorley là bạn đồng khóa của cựu Đại tá Thiết kỵ Hà Mai Việt; ông Việt là một người lính già, thường ngồi uống bia, nói chuyện chiến tranh Việt Nam với tôi. Tôi gọi ông Việt là ‘người lính già’, dù ổng trẻ hơn tôi; ổng mới 88. Nói cách khác, cái tựa của bài báo này tôi mượn tạm của ông Sorley. Ông ta cũng tác chiến trên chiến trường Việt Nam như chúng tôi. Sorley mang cấp bực Trung tá, và ông ta cũng thuộc binh chủng Thiết kỵ như ông Việt.
Cái tựa quyển sách Sorley viết là:
Tiến sĩ Lewis Sorley và tác phẩm ông viết
Cửa ra giúp quân đội Pháp rút chân thoát khỏi chiến trường Việt Nam là Điện Biên Phủ; trận đánh đó cũng là lối vào của Mỹ để tham dự chiến tranh VN.
Không quân Mỹ oanh tạc vòng đai phòng thủ Điện BP, giúp lực lượng trú phòng bằng hỏa lực không yểm; nhưng ĐBP vẫn thất thủ ngày mùng 7 tháng 5/1954, sau gần 2 tháng tử thủ. Thua trận Pháp ký thỏa ước Geneve, trao choViệt cộng một nửa lãnh thổ VN -từ vĩ tuyến thứ 17 đổ ra miền Bắc.
Từ đầu năm 1954, trong khi Pháp gặp khó khăn tại Điện Biên Phủ, cựu hoàng Bảo Đại liên tục nhờ người chuyển lời với ông Diệm -lúc đó đang ở Hoa Kỳ, yêu cầu ông trở về nước thành lập chính phủ mới.
Ông Diệm cũng liên tục từ chối lời mời của Bảo Đại với lý do ông không tin tưởng người Pháp.
Sau khi thất trân tại Điện Biên Phủ, Pháp cũng ký hiệp ước trao trả hoàn toàn độc lập cho Nam Việt.
Do đó, ngày 16 tháng Sáu 1954, với tư cách quốc trưởng Việt Nam, Bảo Đại gặp Ngô Đình Diệm tại Pháp, sau đó, ông Diệm đồng ý trở về nước làm thủ tướng theo lời mời của Bảo Đại với điều kiện Bảo Đại phải để chính phủ do ông thành lập được toàn quyền về chính trị và quân sự.
Bảo Đại đồng ý với yêu cầu này, sau đó ông Diệm về nước và chính thức được Bảo Đại chỉ định làm thủ tướng. Ngày 7/7/1954 -ngày Song Thất- ông thành lập chính phủ mới với nội các gồm 18 người. Sau này Bảo Đại viết trong hồi ký của mình:
“Từ những gì tôi biết về ông Diệm, tôi biết ông ta là người khó tính. Tôi cũng biết về sự cuồng tín và xu hướng thiên về Thiên Chúa của ông. Nhưng, trong hoàn cảnh hiện tại, không có một lựa chọn nào tốt hơn.
Ông được người Mỹ biết đến, và họ đánh giá cao tính không khoan nhượng của ông. Trong mắt họ, ông là người xứng đáng với chức vụ lãnh đạo Việt Nam, và Washington sẽ không dè xẻn trong việc ủng hộ ông. Bởi vì quá khứ [của ông Diệm] và cũng bởi vì sự hiện diện của người em ông -ông Ngô đình Nhu- ông Diệm ở vị trí hàng đầu của “Phong trào Công đoàn Quốc gia”, ông sẽ có được sự cộng tác của những người quốc gia thế lực nhất, những người đã hạ bệ ông Tâm và ông Bửu-Lộc. Cuối cùng, cũng vì tính không khoan nhượng và sự cuồng tín của mình, ông là người mà mọi người có thể trông cậy được trong việc chống lại chủ nghĩa cộng sản. Đúng, ông chính là người cần thiết cho hoàn cảnh như vậy.”
Được Mỹ ủng hộ
Mỹ cho rằng Hiệp định Genève 1954 là một tai họa đối với thế giới tự do vì nó trao cho Trung Cộng và Việt Cộng một vùng đất lớn để tạo căn cứ hầu khai thác khu vực Đông Nam Á. Mỹ muốn ngăn chặn điều đó bằng cách ký kết Hiệp ước SEATO (South East Asia Treaty Organization -Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á) ngày 8 tháng 9 năm 1954, và mong muốn biến miền Nam Việt Nam thành một pháo đài chống cộng.
Để thực hiện điều này Mỹ cần sự ủng hộ của Nam Việt, do nhu cầu đó, Mỹ viện trợ cho chính phủ Ngô Đình Diệm để giúp miền Nam Việt Nam hoàn toàn độc lập với Pháp (đó cũng còn là cách duy nhất để lôi kéo những người Việt theo dân tộc chủ nghĩa rời xa Việt Minh và ủng hộ chính phủ Quốc gia Việt Nam).
Mỹ cũng thúc đẩy ông Diệm thành lập một chính quyền đoàn kết quốc gia đại diện cho những xu hướng chính trị chính tại Việt Nam, ổn định miền Nam Việt Nam, bầu ra Quốc hội, soạn thảo Hiến pháp rồi sau đó sẽ truất phế quốc trưởng Bảo Đại một cách hợp pháp; cuối cùng do việc ông Diệm là một người quốc gia không có liên hệ gì trong quá khứ với Việt Minh và Pháp do đó miền Nam Việt Nam sẽ trở nên một quốc gia chống Cộng mạnh mẽ. Công thức này đòi hỏi sự hợp tác của cả Pháp và Mỹ để hỗ trợ Ngô Đình Diệm.
Tuy nhiên, Pháp không có thiện cảm với ông Diệm, ngoại trưởng Pháp Edgar Faure (sau này là thủ tướng Pháp) cho rằng ông Diệm "không chỉ thiếu khả năng mà còn bị bệnh điên"..., do đó Pháp không chấp nhận chia xẻ rủi ro với ông ta". Ngoài điều đố kỵ đó, Pháp còn đang bị chia rẽ chính trị nội bộ và gặp khó khăn tại Algérie nên rất miễn cưỡng trong việc giúp đỡ quốc gia Việt Nam, do đó Mỹ tiến hành kế hoạch một mình mà không có Pháp trợ giúp.
Không chỉ người Pháp với người Mỹ mới có những quan điểm bất đồng về chiến tranh Việt Nam, mà ngay giữa những cựu quân nhân Mỹ, nhất là những người đã từng tham chiến tại Việt Nam, cũng không đồng ý với nhau. Tình trạng khác biệt quan điểm đó đưa đến cái giai thoại cho là ‘muốn thấy những cựu chiến binh Mỹ cãi nhau, chỉ cần nói lên 4 chữ ‘chiến tranh Việt Nam’.
Giai thoại đó được thể hiện giữa hai giáo sư giảng dạy về chiến tranh Việt Nam tại trường Võ Bị West Point -ông Lewis Sorley và ông Gregory A. Daddis; Daddis tham chiến tại Việt Nam với cấp bực đại tá; ông cũng là một tiến sĩ và cũng tốt nghiệp trường võ bị West Point như ông Sorley.
Daddis nêu ra 20 điểm để chứng minh là Sorley chỉ trích thiếu chính xác về William Westmoreland.
ông Gregory A. Daddis và Westmoreland’s War
Là một sĩ quan Việt Nam, tôi tốt nghiệp từ trường Võ Bị Việt Nam, và cũng có góc nhìn của riêng tôi về tướng William Westmoreland.
Tôi nghĩ Westmoreland quả có làm mất Việt Nam, nhưng không đồng ý với 20 lý do tủn mủn mà ông Sorley nêu lên. Tôi quan tâm đến 2 điểm trong phương cách Westmoreland chỉ huy chiến trường Việt Nam:
MỘT là ông không có một chiến lược, mà cũng không có đến cả một chiến thuật để tiến hành chiến tranh và
HAI là ông không đối phó hiệu quả được với cuộc tổng nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của Việt cộng. Ông cũng bất lực để mặc truyền thông Mỹ xuyên tạc trận giao tranh đó mà chiến sĩ Việt, Mỹ chiến đấu anh dũng và đã chiến thắng vẻ vang.
Ông chủ trương Search and Destroy (truy lùng và tiêu diệt), và coi đó như chiến lược để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Việt cộng; bọn này sử dụng chiến lược và chiến thuật du kích, dùng nhân lực và tài nguyên của Nam Việt để đánh phá Nam Việt.
Chỉ trong tấm hình dưới đây của một người lính Việt Nam thi hành chiến thuật truy lùng và tiêu diệt của tướng Westmoreland, mọi người đều phải thấy là không bao giờ anh ta tìm thấy địch, đừng nói đến chuyện tiêu diệt địch.
Đứng trước cửa căn nhà mục tiêu tìm địch, là một cậu bé dưới 3 tuổi, tên Việt cộng -có thể là bố đứa bé- đang trốn dưới hầm; anh lính Việt Nam không có cách nào tìm ra hắn, nói gì đến việc tiêu diệt hắn.
Người lính Việt Nam ngơ ngẩn trong chiến lược Search and Destroy
Ấy là chưa nói đến việc tướng Westmoreland bắt anh ta vi phạm toàn bộ nguyên tắc sơ đẳng nhất của người lính là bố trí.
Bố trí là trách nhiệm của người sĩ quan phải sắp đặt cho người lính dưới quyền chỉ huy của mình vào vị thế lúc nào cũng nhìn thấy địch, trong lúc địch không thấy được anh ta, lúc nào cũng bắn trúng địch mà địch không thể bắn trúng anh ta.
Trong tấm hình này, anh lính Việt Nam hoàn toàn không nhìn thấy địch, mà địch thấy anh như một mục tiêu rất rõ, rất gần, lúc nào hắn cũng có thể bắn anh, giết anh mà anh không làm gì được hắn, vì không thấy hắn.
Truy lùng và tiêu diệt (T&T) cũng không phải là sáng kiến của Westmoreland, ông vay mượn chiến thuật đó của người Anh trong chính sách bình định Mã Lai.
Nếu Westmoreland dứt khoát chủ trương chiến lược tấn công -như tướng MacArthur chủ trương trong chiến tranh Triều Tiên- thì chiến tranh Việt Nam đã ngã ngũ sau 3 năm tham chiến của quân đội Mỹ.
Chiến lược ‘phòng thủ diện địa’ của Việt Nam đơn giản hơn, mà lại kiến hiệu hơn; đáng lẽ phải đưa quân vào thôn ấp để truy lùng và tiêu diệt du kích quân Việt cộng, ông Ngô đình Diệm chủ trương xua đuổi du kích Việt cộng ra khỏi thôn ấp, rồi tổ chức nông dân thành đội ngũ, để tự họ bảo vệ xóm làng họ ở, bảo vệ khạp gạo họ ăn, không cho du kích cộng sản xúc gạo nuôi miệng nữa.
Người lính giã từ vai trò hành quân vào làng để truy lùng và tiêu diệt anh du kích Việt cộng, để giờ này sát cánh với anh nông dân võ trang bảo vệ thôn ấp, bảo vệ nhân lực và vật lực, thực phẩm. Cuộc thay chỗ, đổi ngôi giữa anh lính Nam Việt và anh du kích Bắc Việt tạo ra tình trạng đương nhiên là anh du kích đói vì mất nguồn tiếp tế mà trước đây anh bắt buộc nông dân Nam Việt phải cung cấp cho anh ta.
Tình trạng đói đó trầm trọng đến mức hàng ngàn, hàng chục ngàn du kích quân Việt cộng hưởng ứng chính sách chiêu hồi của chính phủ Nam Việt, ra khỏi những trú khu rừng rậm của chúng để xin đầu hàng.
Chiến lược đoạn lương địch bằng cách đuổi du kích quânViệt cộng ra khỏi thôn ấp Nam việt, lợi hại đến mức nó đặt ra cho chính quyền Bắc Việt vấn đề tiếp tế lương thực cho lực lượng du kích đông đảo họ tổ chức trên lãnh thổ Nam Việt. Nhu cầu tiếp tế cấp bách được đo bằng con số hàng vạn du kích quân Cộng sản ra đầu hàng chính phủ Nam Việt mỗi tháng; rồi tình hình rã ngũ của du kích Việt cộng khiến Võ Nguyên Giáp phải tổ chức ra cuộc tổng nổi dậy Tết Mậu Thân.
Ông tướng Bắc Việt đó xua toàn bộ 83,000 du kích quân còn lại tại Nam Việt vào trận đánh lừa bịp này; du kích đang hoạt động tại địa phương nào, được tập họp lại để tấn công quận lỵ, tỉnh lỵ tại đó. Tổng cộng trên 100 địa điểm bị tấn công, trong đó có cả tòa đại sứ Mỹ, lẫn dinh tổng thống Nam Việt.
Mục đích của Giáp là giải quyết vấn đề tiếp vận lương thực cho lính du kích, giải quyết bằng cách giết đi những cửa miệng đòi ăn, giết bằng cách ném họ vào một cuộc tấn công vô cùng chênh lệch giữa hàng triệu quân tinh nhuệ của Nam Việt, với 83,000 người du kích ít súng đạn và thiếu lương thực.
Quân đội Nam Việt và các đơn vị Mỹ nhanh chóng phản công tái lập trật tự tại toàn bộ các tỉnh lỵ bị tấn công, chỉ trừ Huế bị Việt cộng chiếm giữ một tháng trời, với những đơn vị cộng sản xâm nhập từ phía Bắc vào tiếp chiến.
Việt cộng thua trên chiến trường, nhưng lại thắng ở hậu phương, nhờ báo chí Mỹ giúp khuyếch đại, ca tụng cuộc tổng công kích Mậu Thân đạt được kết quả mà chính Võ Nguyên Giáp cũng không hy vọng đạt tới: truyền thông Mỹ đánh xụm ý chí chiến đấu của người Mỹ ngay trên đất Mỹ, trong lúc vị tư lệnh Mỹ trên chiến trường Việt Nam -đại tướng Westmoreland- không có một phản ứng nào cả.
Nếu ông ta đủ bình tĩnh để so sánh 100 địa điểm bị tấn công trong cuộc tổng nổi dậy với hàng trăm anh phi công ‘thần phong’ Nhật áp dụng chiến thuật Kamikaze tấn công hạm đội Mỹ trên Thái Bình Dương trong Đệ Nhị Thế Chiến, thì có lẽ dư luận Mỹ cũng không đến nỗi rúng động trước những bài báo thổi phồng Tết Mậu Thân -với hàng trăm cuộc tấn công được đồng loạt thực hiện- như chỉ dấu sức mạnh quân sự vô biên của Bắc Việt.
Bằng cớ là dư luận Mỹ đã không khiếp sợ trước hàng trăm chiếc xe bom của người Trung Đông lái vào những mục tiêu do quân đội Mỹ và lực lượng thân Mỹ tại địa phương bảo vệ.
Tôi -người viết bài báo này- đã gặp nhiều khó khăn vì viết chỉ trích tổng thống Donald Trump trong thời ông ta còn tại vị. Nhưng tôn trọng sự thật vẫn là thái độ của người viết báo, nên tôi vẫn phải viết về những khuyết điểm của đại tướng Westmoreland, vị tướng Mỹ nắm quyền chỉ huy chiến trường Việt Nam.
Tôi đồng ý với tiến sĩ Sorley: chính Westmoreland làm mất Việt Nam.
Nguyễn đạt Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét