Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Nhạc sĩ ĐAN THỌ, Một Đời Cho Nghệ Thuật - Trần Quốc Bảo


Như nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn nhận xét: “… nhạc của ông, vui hay buồn đều chừng mực, lãng mạn nhưng không có vẻ ủy mị, đắm đuối, và nhất là luôn toát ra vẻ lịch sự, sang trọng”, những nốt nhạc cung Fa trưởng mở đầu cho bản Chiều Tím của Đan Thọ rồi chuyển nhẹ sang Ré thứ với tiết điệu Valse Lente man mác hoài nhớ:
… Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài
Đàn ơi nhắn dùm người đi phương nao
Nếp chinh bào biếc ánh sao.
<!>
Chiều Tím, chính nhạc sĩ Đan Thọ cho biết, có lời ca do nhà thơ Đinh Hùng viết chứ không phải là thơ phổ nhạc, theo tác giả Nguyễn Đình Toàn ghi lại. Đan Thọ kể lại rằng, trong một bữa uống cà phê tại La Pagode, Đan Thọ đã đưa bản nhạc vừa viết xong của mình cho Đinh Hùng và Thanh Nam coi. Đinh Hùng nói, “moi biết chơi mandoline, để moi viết lời ca cho”. Khi Đinh Hùng viết xong lời ca, ba người gặp lại nhau, Thanh Nam đề nghị đặt tên là Chiều Tím. Ca sĩ trình bày Chiều Tím đầu tiên trên làn sóng điện là Anh Ngọc.
Đó là những kỷ niệm của nhạc sĩ Đan Thọ hơn nửa thế kỷ trước tại Saigon. Ông là một nhạc sĩ tài ba, chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất với ngón đàn violin điêu luyện và tiếng kèn saxophone điệu nghệ, mà trong số báo tuần này, sau nhiều tháng ngày ấp ủ, Thế Giới Nghệ Sĩ hân hạnh được vinh danh sự nghiệp âm nhạc của ông.
* * *
Đan Thọ tên thật là Đan Đình Thọ, sinh ngày 21 tháng 6 năm 1924 tại Nam Định, Bắc phần. Cũng vào năm này, trường sư phạm Saint Thomas D’Aquin thuộc dòng Lasan khai giảng niên khóa đầu tiên tại Nam Định và hoạt động cho đến năm 1941 thì bàn giao cho dòng Đa Minh.
Đến tuổi trung học, Đan Thọ theo học tại trường Saint Thomas D’Aquin trong khoảng từ năm 1936 đến 1941. Lúc này, có sư huynh Maurice dạy Đan Thọ đàn vĩ cầm. Từng có một thời dưới mái trường Lasan, khi Trần Quốc Bảo tổ chức những đêm “Nhớ Ơn Thầy” trong thập niên 1990 tại vũ trường Ritz của Ngọc Chánh ở Nam California, nhạc sĩ Đan Thọ đều tham dự và vui vẻ trò chuyện với các frères dòng Lasan dù tuổi đời họ nhỏ hơn ông.
Nhạc sĩ Đan Thọ đang vui mừng trò chuyện với frère Cosme Tuân và frère Trần Trọng An Phong trong đêm Lasan Hội Ngộ “Nhớ Ơn Thầy” kỳ 3 do Trần Quốc Bảo tổ chức ngày 26 tháng 12 năm 1990 tại vũ trường Ritz của NS Ngọc Chánh (Photo: TQB)

Từ năm 1942 đến 1945, Đan Thọ học hòa âm và sáng tác với các giáo sư Tạ Phước và Vũ Đình Dự. Năm Ất Dậu 1945, nhiều biến cố đời sống khó quên trong đời người nhạc sĩ vừa trưởng thành. Ông bắt đầu đàn violin cho phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng ở Nam Định. Cùng năm đó, ông lập gia đình với một thiếu nữ Hà Nội mới 16 tuổi, cho dù gia đình nàng Nguyễn Thị K. Thanh (sinh năm 1929) có phần e dè khi biết con gái sắp thành thân với một nhạc sĩ. Thế nhưng ông bà sống với nhau cho tới ngày nay răng long đầu bạc, cùng nuôi dạy nên người một con trai và ba con gái.
Nhạc sĩ cùng thời với Đan Thọ có Hoàng Trọng, Nhật Bằng, Hoàng Giác, Ngọc Bích, Canh Thân… Năm 1948, Đan Thọ gia nhập Ban Quân Nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các tên tuổi khác như Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Nhật Bằng… cho đến năm 1954 khi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước. Trong thời gian này, ông được quân nhạc trưởng Schmetzler hướng dẫn về kèn. Ngoài những sinh hoạt trong ban quân nhạc, Đan Thọ cùng nhạc sĩ Nguyễn Túc từng trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội.
Năm 1954, ban quân nhạc cùng gia đình ông di cư vào Nha Trang. Khi vào tới Saigon năm 1956, Đan Thọ được mời cộng tác ngay với vũ trường Đại Thế Giới, và ông tiếp tục trau giồi môn kèn với nhạc sĩ Mano Umali người Phi Luật Tân.
Nhà văn Bích Huyền, trong chương trình Câu Chuyện Thơ Nhạc phát thanh đầu năm 2010 trên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA, đã giới thiệu những sáng tác thời kỳ mới di cư vào Nam của nhạc sĩ Đan Thọ:
Những nhớ nhung thương tiếc về nơi chốn cũ và những kỷ niệm dấu yêu được Đan Thọ ghi vào những tác phẩm của ông. Có người cho rằng, cứ nghe nhạc của một dân tộc, có thể biết được dân tộc đó có cuộc sống như thế nào, bởi vì âm nhạc không những phản ảnh những tình cảm gần gũi nhất của con người mà nó còn ghi lại những gì đang và đã xảy ra trong lịch sử của một dân tộc nữa. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi biến cố 1954, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta bị chia ra làm hai thì hầu như đa số các bài hát sáng tác trong thời gian đó đầy ắp tình hoài hương của các nhạc sĩ di cư từ Bắc vào Nam. Cùng với nhạc sĩ Xuân Tiên, Đan Thọ viết ca khúc Xa Quê Hương, và với Nhật Bằng, Đan Thọ viết Bóng Quê Xưa trong niềm đau chia cắt, trong niềm thương nhớ quê hương đất Bắc, nên mỗi bài nhạc viết ra đều thấm đẫm một nỗi buồn tình quê hương chan chứa trong lòng người ra đi…
Một trong những ca khúc nữa của Đan Thọ được nhiều người yêu mến, đọng lại trong lòng người nghe là Tình Quê Hương… Dù quê hương của mỗi người sinh ra hoặc lớn lên, ở đó có lẽ có một chút gì đó khác nhau. Nhưng có lẽ ở đất nước chúng ta, quê ai hình như cũng có một con đường làng, một dòng sông nhỏ, một con đê, những ao hồ, những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Và nơi đó hình ảnh mẹ già, người em nhỏ là những hình ảnh thương yêu nhất ở lại khi người chiến sĩ lên đường, cho nên bài thơ của Phan Lạc Tuyên được Đan Thọ chọn phổ nhạc cũng không là lạ, và bài hát Tình Quê Hương ấy là một bản tình ca thật là đẹp ca ngợi tình nước, tình riêng của âm nhạc Việt Nam…
Trước 1975 tại Saigon, Đan Thọ vô cùng bận rộn với sinh hoạt tại đài phát thanh, truyền hình và chơi nhạc hàng đêm ở các phòng trà. Đặc biệt, năm 1962 khi có lệnh cấm khiêu vũ, một ban nhạc của vũ trường Đại Nam tiên phong đổi qua trình diễn nhạc Jazz với thành phần nhạc sĩ nổi danh như: Văn Hạnh, Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, Đan Thọ. Riêng Đan Thọ có dịp cho khán giả Việt Nam thời đó thưởng thức tiếng kèn saxo quyến rũ của ông qua dòng nhạc Jazz tương đối mới mẻ với người thưởng ngoạn.
Cuối thập niên 1960 ông gia nhập ban Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh và tiếp tục trình diễn tại nhiều phòng trà, vũ trường cho tới ngày mất nước.
Gia đình Đan Thọ kẹt lại Việt Nam đến 1985 mới tới Hoa Kỳ, định cư ở California. Dù tuổi đã lục tuần, vợ chồng nhạc sĩ vẫn cần mẫn ngày ngày lái xe từ Quận Cam lên tận Van Nuys đi làm cho hãng General Ribbon. Đêm đêm vào cuối tuần, những âm giai luyến thương từ chiếc vĩ cầm hay cây kèn saxo của Đan Thọ lại cất lên trong vũ trường Ritz của người bạn âm nhạc lâu năm Ngọc Chánh, rưng rưng hoài niệm.
Ngày 30 tháng 6 năm 1995, nhạc sĩ Đan Thọ mở đêm nhạc từ giã bạn bè California về Louisiana đoàn tụ với gia đình con gái Đan Tâm và rể là bác sĩ Mùi Quý Bồng.
Bản nhạc cuối cùng Đan Thọ sáng tác dựa trên ý thơ Mùi Quý Bồng và cảm hứng khi thấy những ngón tay xinh xinh của cô cháu ngoại lướt trên phím dương cầm.
Nhà văn Bích Huyền đã giới thiệu về sáng tác này:
Qua ca khúc Dương Cầm, ta thấy hồn nhạc của Đan Thọ vẫn như xưa, vẫn nguyên nét quý phái và sang trọng, cho dù đã trải qua bao nhiêu là tang thương biến đổi vì từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Quá khứ mịt mùng đã lùi xa rồi. Trong cái quá khứ mịt mùng ấy là mấy từng sương khói và hình như chỉ có những thanh âm mới thắp sáng lên được hình bóng cũ. Trong cái thế giới mờ ảo đó, người ta tha thiết nhớ về những kỷ niệm một thời, nhất là một thời tuổi trẻ. Không có gì khơi dậy kỷ niệm trong lòng người bằng âm nhạc, bằng thơ ca…
Những tưởng an hưởng tuổi già với con cháu, năm 2005, trận bão Katrina quét qua New Orleans khiến ông bà Đan Thọ phải dạt về Florida lánh nạn ở nhà trưởng nam Đan Thành. Dịp này, người nhạc sĩ lại mất sạch những nhạc cụ ông yêu quý, trong đó có cây vĩ cầm đến hơn 250 tuổi và cây kèn saxo mạ vàng. Cơn bão qua đi, ông bà dọn về Houston, Texas, cùng nơi cư ngụ của các con gái cho đến ngày nay.
* * *
Thực hiện số báo vinh danh nhạc sĩ Đan Thọ là một dự định ấp ủ từ lâu của Thế Giới Nghệ Sĩ, nên trong dịp Trần Quốc Bảo trình diễn tại Houston dịp lễ Chiến Sĩ Trận Vong hồi cuối tháng 5, tòa soạn đã liên lạc để gặp bác sĩ Mùi Quý Bồng hầu thu thập tài liệu cho số báo này. Chỉ tiếc thời gian lưu lại Houston quá ngắn và sức khỏe tác giả Chiều Tím không cho phép, nên Trần Quốc Bảo và Ông Thụy Như Ngọc chưa tiện ghé thăm ông vào dịp đó.


Bác sĩ, nhà thơ, họa sĩ Mùi Quý Bồng và Trần Quốc Bảo và những mẫu chuyện kỷ niệm về nhạc sĩ Đan Thọ trong lần gặp gỡ tại Houston chiều 26/5/2017

Tuy nhiên, số báo được hoàn tất với sự giúp đỡ tận tình của gia đình, đặc biệt Thế Giới Nghệ Sĩ xin tri ân vị trưởng nam là kiến trúc sư Đan Thành, con rể là bác sĩ Mùi Quý Bồng, cháu ngoại là ký giả Mùi Quý Y Lan (đài CNBC, trước đây viết cho tờ Washington Post) đã đóng góp bài vở, hình ảnh. Vừa là một nhà thơ vừa là họa sĩ, bác sĩ Mùi Quý Bồng đã vẽ chân dung nhạc sĩ Đan Thọ và cây đàn vĩ cầm ông hằng yêu quý để làm hình bìa tuần này.
(trích bài Thế Giới Nghệ Sĩ đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 134 phát hành ngày 1 tháng 9 năm 2017)

Ca Sĩ Anh Tú – 10 năm ra đi còn mãi trong niềm nhớ của Trần Quốc Bảo


Tấm ảnh lưu niệm của Trần Quốc Bảo và ca sĩ Anh Tú trong show nhạc Lưu Bích & Gia Huy đêm thứ bẩy ngày 19 tháng 9 năm 2003 tại vũ trường Majestic.

Tấm ảnh lưu niệm của Trần Quốc Bảo và ca sĩ Anh Tú trong show nhạc Lưu Bích & Gia Huy đêm thứ bẩy ngày 19 tháng 9 năm 2003 tại vũ trường Majestic. Nơi nào có Anh Tú, có Quốc Việt là nơi đó có nụ cười, có niềm vui, có những câu chuyện jokes cười một đời không hết. Giờ đây cả 2 đã bỏ bạn bè về nơi cõi mù xa. Nơi này, rượu vẫn còn say, miệng vẫn còn tươi những nụ cười trong những show nhạc, nhưng đó chỉ là những niềm vui không bao giờ còn toàn vẹn.

10 năm trở lại đây, cứ mỗi khi tháng 11 tới, bạn bè lại thấy TQB đeo một sợi giây bạc khá lạ ở cổ và chỉ duy nhất đeo trong tháng 11 mà thôi. Hỏi ra mới biết đó là kỷ vật cuối cùng của Anh Tú luôn đeo trên người và trước khi mất đã trao cho Thái Hòa, sau này Hòa đã gửi lại cho TQB làm kỷ niệm để Bảo có dịp đeo trong tháng hoài niệm đó. Bài viết này, mời bạn đọc bước dần vào những giây phút tưởng nhớ về Anh Tú – tiếng hát một thời yêu dấu của nhiều người.

LÀM SAO EM BIẾT BIA ĐÁ KHÔNG ĐAU

Tối qua ngồi đánh máy bài viết của Cẩm Vân về Anh Tú, bài tuy ngắn nhưng lại đầy ắp kỷ niệm về một người Anh đã xa thật xa. Tự nhiên, đánh máy đến đâu, mắt lại rưng rưng làm nhạt nhòa những giòng chữ trên khung hình của máy. Chợt trong con tim lại vang vang lên mấy giòng nhạc TCS ngày cũ:

“Tình ngỡ đã phôi pha,
nhưng tình vẫn còn đầy
Người ngỡ đã đi xa
nhưng người vẫn quanh đây”

Nhớ quá bạn ơi. Nhớ những kỷ niệm của bạn bè ngày nào, những ngày buồn vui ca hát, ăn uống, tâm sự bên nhau. Có thể đó là những đêm hội ngộ ăn khuya ngồi xẹp dưới đất giữa lòng phố Sàigòn. Có thể đó là những buổi tối ăn cơm ở SG Bistro, Thanh Mai, The Block của khu Bolsa xứ lạ. Mười mấy năm qua, chúng ta đã là những người bạn của nhau theo giòng đời. Những người bạn thật quý, thật thân và tình bạn cứ thế mà lớn dậy. Ngày vui thì quá ít, mà những ngày giông bão thì cứ như gió bay, cứ như sóng cuốn.. lôi kéo đi bao tình yêu, bao khuôn mặt. Niềm vui của một vòng tròn nhỏ, chỉ toàn vẹn khi có đầy đủ những khuôn mặt của Vân Triệu, Nga Lộc, Tấn Hà, Chung Tử Lưu, Châu Tuấn.. và sau này vòng tròn nhỏ đó có thêm Quốc Việt, Anh Tú, Thái Hòa.. Vòng tròn không quá lớn, nhưng dư thừa để con tim mỗi người bay nhẩy một cách hồn nhiên và sống thật thà. Không giả hình. Không mặt nạ. Ôi những giờ khắc đó sao quá tuyệt vời và lôi cuốn. Giờ đây, chúng ta đã mất nhau từ lúc Anh Tú ra đi.

Anh Tú – một chất keo từng hàn gắn những lung lay đổ vỡ khi tan biến đi thì cái vòng tròn nhỏ cũng đến lúc tan dần. Mới đó mà đã 10 năm người rời bỏ cõi này. “Một người về đỉnh cao”, và chúng ta, những người bạn của Anh có phải là những người đang còn ở vực sâu, để nghe mỗi ngày tâm hồn có nhiều lúc chùng xuống nhớ về một người thân đã không còn hiện diện.

Ước gì con tim TQB giờ này có thể biến thành đá sỏi, để được sống vô tình hơn, thản nhiên hơn trên mỗi vết thương… Nhưng, liệu lúc đó, con tim có chắc được sống thật hồn nhiên như ngày xưa cũ hay không, hay tự chính con tim đó cũng đang dâng lên lời thì thầm tự hỏi:

“Làm sao em biết sỏi đá không đau?”

Phạm Khải Tuấn và những giòng thơ thật buồn nhớ về Anh Tú
Tác giả Trái Tim Bên Lề, Quả Tim Khô Máu, Đời Hát Cho Người…lúc nào cũng dành cho Anh Tú những quý trọng. Sau này, vô tình gặp lại Anh Tú giữa Sàigòn năm 2002, PKT lại càng không quên nụ cười và sự cởi mở của Anh Tú. Khi được mời viết vài giòng về Anh Tú, PKT đã ghi ngay những cảm xúc của mình về Anh Tú như sau…

Thôi thì…Anh đã đi rồi
Giọng ca ấm áp, ôi thôi đâu còn
Triệu người thương tiếc héo hon
Gọi tên…Anh đã không còn về đây
Chiều chiều dước bóng hàng cây
Ai nhìn mây xám giăng đầy…nhớ Anh
Đành tâm trời nỡ sao đành
Gọi Anh đi lúc đời xanh…vẫn còn
Tú ơi…rồi nước với non
Từ đây vắng bóng…không còn thấy Anh
Dòng đời sẽ mãi nhắc Anh
Vẫn nghe Anh hát loanh quanh bên đời
Hồn Anh bay khắp muôn nơi
Về đây chứng giám bao lời tiếc thương
Mình đi chung một con đường
Con đường nghệ thuật..sầu vương tháng ngày.
Anh đi…nhưng vẫn ở đây
Mỗi khi nhắc tới, lệ đầy mi ai
Thôi thì trên bước tương lai
Xin Anh chúc phúc những ai tốt lòng
Tôi đây số phận long đong
Xin dâng một nén nhang lòng về Anh
Chúc Anh trên chốn cao xanh
Vẫn vui, vẫn hát..longlanh sáng ngời
Ai rồi…cũng bỏ cuộc chơi
Tương lai…rồi cũng về trời với Anh
Hẹn Anh..ngày tháng loanh quanh.

Cẩm Vân & Khắc Triệu và những kỷ niệm không thể nào quên với Ca Sĩ Anh Tú
Cách đây tròn 10 năm trước, đúng 8g00 tối ngày thứ tư 3 tháng 12 năm 2003, gia đình The Uptight mới chịu thật sự đầu hàng và chấp nhận cái sự thật đau lòng là Anh Tú đã vĩnh viễn ra đi. Sau những nghi thức làm lễ, đúng 8g30 tối, giây của máy trợ tim mới thật sự được tháo rời khỏi thân xác của Anh.

Trước đó 14 tiếng, khoảng 6g00 sáng Cali, người viết nhận được một cú điện thoại từ Việt Nam gọi sang với giọng Cẩm Vân nghẹn lời mừng rỡ đầu giây: “Anh Bảo ơi, em vừa nghe tin Anh Tú có thể sống lại hả anh? Anh có nghe tin nhịp tim Anh Tú vừa đập lại không? Em nghe nói là chỉ số 0.6 hay 1.6 gì đó”.. Dù không tin, trái tim tôi vẫn thót theo từng tiếng reo vui của Cẩm Vân bên kia đầu giây. Sau đó CV gọi cho Anh Tuấn Ngọc, gọi Tấn Hà, Lộc Nga.. để báo tin cho từng người.

Nhắc lại chuyện cũ, để bạn đọc thấy được những tình bạn rất đẹp ngời của họ từ nửa vòng trái đất vẫn rất gần. Không phải chỉ thế, họ còn là những đồng nghiệp, những người bạn đã từng đến với nhau bằng một tấm lòng không đố kỵ bởi những chữ “hải ngoại, quê nhà”.

Biết bao nhiêu kỷ niệm của Cẩm Vân, Khắc Triệu và Anh Tú, Tuấn Ngọc những ngày ở Việt Nam và tại Mỹ. Sinh nhật của Cẩm Vân tổ chức tại Bleu Club ngày 29 tháng 5/2003, các nghệ sĩ đã lên sân khấu hát thật vui như Tuấn Ngọc, Phương Hồng Quế, Kim Tuyến, Mạnh Tấn, Chung Tử Lưu.. và màn song ca của Anh Tú – Cẩm Vân với Killing me softly with his song cùng Cát Bụi Tình Xa đã làm ngẩn ngơ mọi tâm hồn có mặt trong đêm sinh nhật hôm đó. Đây không phải là lần đầu cả hai đứng hát chung bên nhau, mà họ đã từng có những đêm vui như thế tại phòng trà Em & Tôi, Đồng Dao cùng những buổi hát ở Nha Trang.. Số báo chủ đề Hoài Niệm Anh Tú kỳ này, nếu không có bài của Cẩm Vân & Khắc Triệu, sẽ là một thiếu sót lớn. Chỉ một lời mời, vài giờ sau, bài viết đã được gửi ngay với tất cả ân cần, chân tình. Mời bạn đọc những giòng kỷ niệm xưa với Anh Tú qua ngòi viết Cẩm Vân & Khắc Triệu:

Vĩnh biệt Anh – Thủy Tinh Dễ Vỡ – giản dị nhưng quý phái nhẹ nhàng vẫn mãi ngân vang, trong sáng và ở mãi trong tim của mọi người.

Thật vậy, giọng Anh hát mỏng manh, trong sáng, nhẹ nhàng, giản dị nhưng quý phái đến độ chúng tôi đã ví giọng hát Anh là Thủy Tinh dễ vỡ. Tôi lúc nào cũng chọn và để sẵn trên kệ CD của mình – nơi mà dễ lấy nhất, để khi cần, mình không phải vất vả tìm kiếm. Mỗi khi bị stress và mệt mỏi, thì giọng hát của Anh đã giúp cho chúng tôi tìm được cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Giọng hát đó của Anh như cơn gió mát mùa Hè. Và con người của Anh, như những mùa Xuân nắng ấm luôn đem cho người khác những niềm vui và hy vọng vô bờ. Chúng tôi yêu cả giọng hát và con người của Anh nên đã đặt Anh ở một vị trí rất riêng của mình.

Chúng tôi chỉ mới quen Anh sau lần Anh về Sàigòn trình diễn, nhưng ngay khi lần gặp đầu tiên, đã thấy khoảng cách giữa chúng tôi và Anh vô cùng gần gũi. Sau những show hát chung ở phòng trà Em & Tôi và những Tour ở Nha Trang, chúng tôi có dịp ăn uống chung với nhau rồi ngồi ca hát cho đến sáng. Nhờ vậy, nên tôi biết ngoài ca hát, Anh còn một biệt tài nữa là kể chuyện tiếu lâm thật là Duyên. Những câu chuyện Anh kể, dù đã có nghe rồi, nhưng vẫn không thể tránh được cảnh cười nghiêng ngửa trước tài hài hước dí dỏm độc đáo của Anh. Chúng tôi và nhiều người còn nể phục anh hơn nữa, khi Anh ra tay nấu ăn. Nào là miến gà, gỏi cá. Món nào cũng rất trứ danh, ăn một lần là bảo đảm nhớ mãi.

Những lần Anh về Sàigòn, ngày nào chúng tôi cũng gặp Anh. Sau những show diễn, đêm nào Anh cũng đến vũ trường Liberty (nơi đóng đô của chúng tôi). Anh hát say sưa và đam mê vô cùng. Ban ngày thì Anh và chúng tôi thường đi loanh quanh ngoài đường phố. Anh thích uống café, tán dóc, thích ăn bún riêu gánh ở Tạ Thu Thâu trước cửa chợ Sàigòn. Nhớ có lần nhà chúng tôi cúng Giỗ Tổ, Anh cũng đến dự và mang theo 2 con heo quay, một con vịt quay, một con gà cùng với thật nhiều trái cây nào là sầu riêng, chôm chôm, xoài, nhãn.. Anh nói: Cho Anh Tú cúng với, vì từ xưa đến nay, Anh Tú chưa bao giờ biết cúng Tổ, mà Tổ thì đãi Anh Tú mấy mươi năm rồi. Sau đó thì Anh Tú cũng đã làm tất cả những điều như mọi ca sĩ khác làm – là lấy tàn nhang bôi lên miệng, lên cổ và lên má. Trông Anh thật dễ thương làm sao. Giờ đây thì Anh đã ra đi vĩnh viễn. Anh ra đi trong sự yêu thương vô hạn của đồng nghiệp, bạn bè và khán giả. Chúng tôi nhớ mãi câu Anh thường nhắc nhở chúng tôi là Triệu Vân à, nên nhớ rằng thêm một người thương mình tức là bớt một người ghét mình. Chúng tôi đã nằm lòng câu nói này và cố gắng thực hiện nó trong đời sống hàng ngày của mình.
Anh Tú ơi! Vĩnh biệt Anh! Thủy Tinh Dễ Vỡ vẫn mãi ngân vang, trong sáng nhẹ nhàng giản dị nhưng vẫn mãi quý giá trong tim của mọi người. Khắc Triệu & Cẩm Vân

( Tưởng nhớ 10 năm Anh Tú giã từ cuộc chơi âm nhạc và bạn bè )

Không có nhận xét nào: