Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Xin Đừng Nói Tại Tuổi Già - Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

 

Sau khi đổ xăng, ông Minh lên xe lái về nhà. Đi được một đoạn, ông nghe thấy tiếng kim khí chạm vào xi măng rồi tiếng loong coong tiếp theo. Đang chạy trên đường phố nhiều xe, ông không ngừng lại để coi xem vật gì rơi. Một thoáng nghĩ, ông đoán đó là chiếc nắp bình xăng để trên mui xe đã rơi mất tiêu. Lại quên rồi. Ông tự nhủ, với một chút chán nản.Về đến nhà, ông ngần ngại một lúc rồi than vãn với bà vợ là hồi này mình già nên hay quên quá, và kể cho vợ nghe mất cái nắp bình xăng.Vợ mỉm cười, nói: Đây đâu có phải là lần đầu mà ông lo. Ông nhớ khi gia đình mình lái xe về quê cách đây mấy năm, ông quên đến hai lần. Và phải mua nắp khác thay vào.

<!>

Cô con gái đứng gần đó, chêm vào: Bố ơi, bố có nhớ hồi xưa khi bố còn đi làm, đã bao nhiêu lần trước khi ra khỏi nhà, bố cứ kiếm cặp kính đọc sách của bố, trong khi bố gài nó trên mái tóc. Lúc đó bố đâu đã ở tuổi này.

Ngồi nghĩ lại, ông Minh thấy bà vợ và con gái nói cũng đúng. Đã nhiều lần, cách đây cả chục năm, lâu lâu ông cũng không biết để chìa khóa xe ở đâu, đi chợ bảo mua vài món đồ rồi cũng quên một món, chứ đâu có phải chỉ từ ngày ông về hưu ở tuổi 60 mới hay quên. Vậy mà mỗi khi nghĩ đến cái tuổi đó, ông cũng mang một thoáng suy tư.

Bước vào cái tuổi mà khi mình làm cái gì không giống ai thì thiên hạ cứ bảo ông bà ấy già rồi.

Gặp người bạn xa vắng đã lâu, mình có vui miệng nói ít nhiều câu chuyện thì người phối ngẫu lại nhắc khéo để mình ngưng bớt lại, kẻo nói dài dòng, phiền lòng người nghe.

Đau nhức xương cánh tay và đầu gối, kể lể với bác sĩ thì được trả lời: cụ ơi, cụ già rồi thì nó vậy đó, không sao đâu; hoặc tối ngủ hay thức giấc nửa khuya, không ngủ lại được thì lương y cũng bảo người già thường hay bị bệnh như vậy.

Trăm dâu đổ đầu tằm, cái gì cũng đổ tại già.

Riêng cái vụ “hay quên” thì vô số người, ngay cả bác sĩ đôi khi cũng phán rằng già thì nó lão suy, nói trước quên sau. Và có người cứ canh cánh sợ là già thì sẽ rơi vào tình trạng “lú lẫn, sa sút trí tuệ”.

Mà nói đến bệnh sa sút trí tuệ thì cũng đáng e ngại thật. Một thăm dò ý kiến tại Mỹ coi xem con người sợ gì nhất. Sợ đau tim, ung thư, mù lòa, rớt máy bay, nghèo túng, hoặc thả vào chuồng cọp… Mỗi người có mỗi mối sợ khác nhau, nhưng lo sợ nhất vẫn là mất trí nhớ, lú lẫn, rồi chẳng biết mình là ai, ở đâu, quên ăn quên ngủ, phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình.

Có người bảo, quên như vậy càng sướng chứ sao. Chẳng phải lo nghĩ, chẳng cần để ý tới chuyện đời.

Nhưng, một lão bà vừa mới chôn cất chồng, mà về nhà liên tục kêu tên ông, tìm kiếm ông hết phòng này qua phòng khác. Đôi khi hiểu rõ trắng đen thì vật vã khóc than. Sự việc kéo dài suốt mấy năm trường, cho tới khi bà tạ thế. Bà đã ở trong tình trạng mất trí, lú lẫn. Và như vậy thì sướng nỗi gì!

Trở lại với chuyện hay quên thì cũng có nhiều lý do.

-Một độc giả hỏi thăm là có ông chú 70 tuổi hay bị quên tên người này người khác và ông cụ phải nhờ mọi người nhắc dùm. Khi không thỏa mãn thì ông trở nên hung hăng, đập phá, khó thở, phải uống viên thuốc an thần mới dịu xuống.

Hỏi kỹ thì được biết ông đã bị tai biến não, và cơn suy tim. Sở dĩ ông hay quên vì huyết lên não giảm. Mà huyết giảm thì thiếu nuôi dưỡng, tế bào thần kinh kém hoạt động, và ông ta không nhớ tên người, đồng thời tính tình trở thành bất thường, đôi khi hoang tưởng.

-Một lão bà than phiền không biết để cặp kính đọc sách báo ở đâu; vào phòng tắm rồi không biết để làm gì; mới nghe một câu chuyện mà nửa giờ sau đã quên; bạn bè than phiền bà hẹn tới chơi rồi không tới. Vì quên…. Bà hỏi có thuốc gì phục hồi trí nhớ cho bà.

Lấy thêm chi tiết thì được biết chồng bà mới mất cách đây nửa năm, rồi bà quá thương tiếc mà không ăn không ngủ được, buồn chán chẳng thiết làm gì, ngay cả những thú vui khi trước.

Bà được thầy thuốc cho uống thuốc chữa bệnh trầm cảm mấy tuần lễ thì tình trạng hay quên thuyên giảm. Bà đã bị bệnh sầu não, buồn phiền vì mất người chồng thân yêu.

-Dùng nhiều dược phẩm cũng là rủi ro của kém trí nhớ. do tác dụng phụ của thuốc.

Thuốc lợi tiểu để trị cao huyết áp là một thí dụ. Thuốc làm giảm muối và nước trong máu, hóa chất trong cơ thể thay đổi. Nếu liều lượng quá cao thì huyết áp xuống quá thấp. Não bộ người già rất nhậy cảm với những thay đổi này, sẽ trở nên kém hoạt động về ghi nhớ và tập trung. Và hay quên.

Thuốc an thần, thuốc ngủ cũng ảnh hưởng tới trí nhớ. Cho nên thầy thuốc cần lưu ý ở điểm này và bệnh nhân cũng cần cho thầy thuốc hay mọi khác thường xẩy ra khi dùng thuốc.

-Một vài bệnh kinh niên cũng ảnh hưởng tới trí nhớ.

-Sau nhiều ngày đằng vân giá vũ du thuyết liên lục địa, về đến nhà được ít ngày thì nhà chính khách thấy trong người mỏi mệt, không tập trung tư tưởng được, hay quên và có khó khăn trong giải quyết công việc thường lệ. Nhiều khi nhân viên thấy ông ngồi thẫn thờ như người mất hồn, đi đứng không vững. Thầy thuốc cho là ông bị căng thẳng thần kinh, vì làm việc quá sức. Và đề nghị ông đi nghỉ dưỡng sức.

Ông làm theo nhưng khó khăn vẫn không bớt.

Một hôm ông té xỉu, đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ khám bệnh và phát giác nhịp tim ông rất thấp và không đều. Một máy điều hòa nhịp tim được gắn cho ông và ông trở lại bình thường. Ấy là do ông có bệnh tim mà không hay.

Hay quên trong những trường hợp kể trên đâu có phải là vì tuổi hạc, tuổi cao. Nhưng nếu được xác định là bị bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ, lú lẫn thì quả là bệnh của một số người tuổi cao, người già. Vì thống kê cho hay, 4% người cao tuổi có thể bị bệnh nàỵ.

Trong bệnh Alzheimer, não bộ bị thoái hóa, hóa chất não suy giảm, máu huyết nuôi não cũng ít đi, mà nguyên nhân chưa được tìm ra. Hậu quả của các thay đổi này đưa tới một căn bệnh của thế kỷ. Bác sĩ Lewis Thomas, Khoa Trưởng Đại Học Y Yale coi đây là một bệnh xấu xa nhất trong các bệnh.

Bệnh không những tàn phá bệnh nhân mà còn gây hậu quả tai hại cho gia đình, bạn bè người bệnh. Nó bắt đầu với sự mất khả năng học hỏi, tính toán, suy nghĩ để rồi đưa đến sự khép kín hoàn toàn về tâm trí. Bệnh nhân tiếp tục sống không hồn cho tới ngày nào đó một bội nhiễm sưng phổi, những suy nhược tổng quát giải thoát cho họ.

Kết luận

Óc ghi nhận dữ kiện như một cái máy thu âm, bộ phận hải mã như là một cái nút kiểm soát. Bình thường, nút bấm này tắt, và chỉ mở để ghi khi nào dữ kiện được coi là quan trọng.

Một dữ kiện không quan trọng thường lởn vởn trong đầu một lúc rồi tan biến đi. Cho nên nếu ta có quên tên một người nào đó trong tiệc cưới cũng là chuyện bình thường, giống như là lâu lâu ta quên, không biết chìa khóa xe, chìa khóa nhà để ở đâu.

Nhưng lái xe đi làm mỗi ngày trên cùng con đường mà lạc lối; quên những hẹn quan trọng; kể đi kể lại cùng câu chuyện trong một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với bạn bè, thì là điều đáng ngại.

Những thắc mắc, lo âu, tự hỏi: Ta già rồi chăng? Hay ta đang mắc chứng não suy trầm trọng?

Liệu trí nhớ có bỏ ta ra đi như những con chuột tìm đường chạy trốn khỏi con tầu sắp chìm đắm dưới biển cả mênh mông!

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Không có nhận xét nào: