Xếp hàng mua dầu hôi
Đọc trên Facebook thấy có bạn viết về lò dầu hôi, một loại bếp “hiện đại” trong thời kỳ “điêu linh” mà chỉ những gia đình “khá giả” mới có thể sở hữu một cái trong nhà để nấu nướng.Dĩ nhiên lò dầu hôi dùng dầu lửa để làm chất đốt trong thời kỳ bao cấp, thay cho củi hoặc than. Lý do để loại lò này xuất hiện vì nhà nước mở ra những “của hàng chất đốt” trong đó có bán dầu hôi cho dân theo “chế độ tem phiếu”.
Những nơi này còn có khi mang một cái tên rất ngộ nghĩnh: “Cửa hàng chất đốt thanh niên”. Không phải nơi đây bán những chất đốt cho thanh niên mua về để đốt cuộc đời minh, mà đó là nơi bán dầu hôi do thanh niên quản lý, đứng ra bán theo tem phiếu!
Tem phiếu mua chất đốt
Dầu hôi là một trong những mặt hàng do nhà nước quản lý nên mới xuất hiện một sản phẩm “ăn theo” là… lò dầu hôi. Những cơ sở nhỏ lẻ của dân bắt đầu nắm bắt cơ hội đứng ra chế các loại lò đốt bằng dầu hôi.
Lò dầu hôi
Khi đi học tập về, tôi có thời gian đứng trông hàng cho một bà chị họ trong chợ Bình Tây ở tít trong Chợ Lớn. Cửa hàng của bà có bán lò và các “phụ tùng” cho bếp dầu hôi. Khi hết hàng, tôi chạy vào tổ sản xuất nhỏ lẻ của một “xì thẩu” người Hoa để lấy hàng về bán.
Đó là cơ duyên cho tôi gặp gỡ… lò dầu hôi. “Đầu óc kinh doanh” giúp tôi nảy sinh “kế hoạch” làm ăn trong thời buổi “gạo châu, củi quế”. Tôi tính toán, dân Sài Gòn được mua dầu hôi của nhà nước nên lò dầu hôi là một mặt hàng phải nói là “ăn khách”, “bán đắt như tôm tươi”.
Lò dầu hôi trong gia đình
Nghĩ là làm ngay. Tôi lên Cống Quỳnh mượn chiết xe đạp mini của một bà cô, chiếc xe đạp đã lâu không dùng đến. Từ Quận 1 tôi đạp xe vào “cơ sở sản xuất lò dầu hôi” của xì thẩu trong Chợ Lớn để lấy hàng. Rồi từ đó, chiếc xe đạp mini tỏa đi khắp các chợ lớn cũng như nhỏ ở Sài Gòn.
Bạn hàng của tôi là những chủ sạp trong chợ. Thay vì phải tự vào Chợ Lớn lấy hàng, nay có một cậu thư sinh đến giao hàng nên bà nào cũng vui, tuy “tiền công chuyên chở” hơi đắt một chút nhưng được cái tiện lợi đủ bề.
Mặt hàng tôi mua của “xì thẩu” có đủ các thứ liên quan đến lò dầu hôi. Quan trọng nhất là “họng lò”, được coi như “trái tim” với nút điều chỉnh ngọn lửa. Giữa lò là một ống hình trụ và có thêm một ống có đục lỗ thoáng khí vây quanh để giữ ngọn lửa bốc lên theo chiều thắng đứng.
Ngoài ra còn có tim đèn (bấc) để hút dầu với cấu trúc tương tự như các loại đèn dầu thường thấy trong thời kỳ còn thắp đèn dầu từ thời… “Chị Dậu”. Loại bếp phổ biến có 12 tim, những người cẩn thận còn kiểm tra tim trước khi nấu.
Họng lò và tim lò
Khi tim bếp có ngọn lửa màu xanh là bếp trong tình trạng hoàn hảo nhưng lửa màu đỏ là dấu hiệu tim bếp có vấn đề. Lúc đó phải cắt tim cho đều hoặc thay bộ tim bếp mới. Đó là lúc các bà nội trợ tìm đến những sạp bán đồ phụ tùng lò dầu hôi trong chợ và “nuôi sống” anh chàng bỏ mối!
Đó cũng là những “đồ phụ tùng” cần thiết, là những mặt hàng tôi chuyên chở đến những sạp trong chợ, từ những chợ lớn như Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu cho đến những sạp nhỏ trong những chợ… không tên!
Các bà chủ sạp rất “thông cảm” với anh bỏ mối khi tôi thú thật “không thể cho gối đầu”, có nghĩa là “tiền trao, cháo múc”. Các bà vui vẻ trả tiền ngay khi nhận hàng, không như những mối hàng chuyên nghiệp khác, họ thường có “chế độ gối đầu”.
Cũng có bà hiểu anh chàng này vừa từ trại cải tạo trở về, vốn liếng chẳng có bao nhiêu nên lấy hàng là một hình thức “làm phúc”, giúp đỡ người vừa được… đổi đời. Tình người Sài Gòn là vậy!
Với chiếc xe đạp mini và những đồ phụ tùng bếp lò được xâu thành chuỗi phía sau, tôi đã “ngao du” khắp các chợ ở Sài Gòn. Chợt nhớ đến câu thơ của thi sĩ “điên” có tên Bùi Giáng:
“Sài Gòn, Chợ Lớn ngao du
Đi lên, đi xuống đã đời… du côn!”
Một chiếc lò cũ
Quả là một kinh nghiệm hiếm có khi được thâm nhập vào cái xã hội buôn bán nhỏ lẻ của “Hòn Ngọc Viễn Đông” khi miền Nam thất thủ.
Bây giờ ngồi viết lại chuyện xưa mà vẫn còn nghe đâu đây văng vẳng tiếng những đồ phụ tùng bếp lò rổn rảng phía sau lưng chiếc xe đạp mini.
Ôi, một thời… “điêu linh”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét