Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

THẰNG NGỤY CON - Ngô Viết Trọng

Khi bị chuyển về khám đường Bà Rịa, tôi bị nhốt vào một căn phòng rất nhỏ. Trong phòng ấy đã có sẵn một người: ông Đoàn. Cửa phòng là một bửng sắt khá dày, bị sét rỉ toàn bộ, chứng tỏ nó đã khá lâu đời. Sét rỉ đã xoi tấm cửa này thủng nhiều lỗ cỡ đầu ngón tay. Đặc biệt có một lỗ dưới cùng rộng có thể thò lọt cả bàn tay. Những lỗ đó đã cho chúng tôi chút ánh sáng trong căn phòng ít khi được mở này. Một hôm, tôi đang rầu rĩ bỗng nghe nhiều giọng nữ xôn xao bên ngoài. Tôi chạy lại cửa dán mắt vào mấy lỗ thủng. Thì ra phòng tù nữ ở gần phòng tôi được cho ra tắm giặt. Thật là một cảnh sinh hoạt rộn ràng. Tiếng gàu thau chạm nhau rổn rảng, tiếng người thúc giục nhau, chen lấn cãi cọ nhau ỏm tỏi. Họ giặt đồ, tắm rửa, chải tóc, phơi quần áo….trông ai cũng làm việc với vẻ gấp rút. Người quá đông mà chỉ có hai cái giếng, thì giờ cho phép lại giới hạn, nên họ sợ hết phần…
<!>

Tôi bỗng giật mình khi thấy một thằng nhỏ từ trong hiên nhảy ra. Nó chạy vụt lại phía hai con vịt xiêm đang rỉa lông cho nhau trước cửa phòng tôi làm chúng hoảng hốt bay xa một đoạn. Một người đàn bà gọi với:

-Không được nghịch, mẹ đánh đấy!

Thằng nhỏ đứng lại. Qua giây phút hoảng hốt, đôi vịt lại tiếp tục rỉa lông cho nhau. Thăng nhỏ khoảng chừng ba bốn tuổi, trắng trẻo, kháu khỉnh làm sao! Tại sao nó lại lọt vào chốn tù ngục này? Nó làm sao chịu được cảnh thiếu ăn, thiếu bạn bè, thèm khát đủ thứ, ngày ngày ru rú trong một căn phòng chật hẹp với không khí ngột ngạt, hôi hám ấy? Tâm tính nó sẽ ra sao về sau?

Thằng nhỏ có vẻ khoái đôi vịt xiêm lắm. Nó đang say sưa ngắm chúng thì mẹ nó gọi trở về phòng. Nó vừa đi vừa ngoái cổ nhìn lui làm mẹ nó phải giục mấy lần. Tôi quay lại hỏi ông Đoàn:

-Bên phòng nữ có một thằng nhỏ dễ thương quá! Vì sao nó phải vô trong này ông biết không?

Ông Đoàn nói:

-Nghe đâu cha nó là một viên thiếu tá đã đi Mỹ còn mẹ nó là một nhân viên Thiên Nga. Khi tôi vô đây đã thấy có nó rồi! Lúc đó nó mới biết đi lẫm đẫm.

Tôi tức cười thốt lên:

-Sau này có thể nó phải ghi vào lý lịch: Mới một tuổi tôi đã phải sống trong lao tù khổ sai của bọn cộng sản man rợ…

Mấy hôm nay tôi chỉ được phát mỗi ngày hai vắt nhỏ bột sắn xay chia làm hai bữa với một ít canh cải bẹ xanh mặn chát. Không hiểu thằng nhỏ có được phát tiêu chuẩn khẩu phần không hay phải ăn vào phần của mẹ nó? Tôi nói:

-Thằng nhỏ mặc sức mà thèm đường thèm sữa!

Ông Đoàn cười:

-Ông khỏi lo! Mấy ngày thăm nuôi nó được cán bộ thả đi lung tung, người ta cho nhiều quà lắm. Ngay tại phòng nó lại có rất nhiều người đã từng làm mẹ, làm chị, chẳng ai nỡ để một đứa nhỏ dễ thương như thế đói đâu! Tôi đã từng thấy một con chó mẹ nằm cho mấy con mèo con bị mất mẹ bú. Thiên tính thương trẻ của các bà làm mẹ hẳn còn cao hơn nhiều!

Tôi cảm thán:

-Vậy sao? Hoá ra nó lại sướng hơn lũ con tôi! Tôi có ba thằng con, thằng út có lẽ cũng cỡ tuổi nó. Khi tôi đi tù nó mới vừa đúng một tuổi, chưa biết đứng. Trước kia mình đâu biết dành dụm lo xa, khi vào tù tôi chẳng có chút gì để lại cho vợ con cả. Nghĩ đến cảnh một người đàn bà chân yếu tay mềm phải chạy vạy để nuôi sống ba đứa con giữa lúc này tôi đau ruột lắm Nhưng ăn năn cũng muộn mất rồi!

Mấy hôm sau phòng tù nữ lại được mở cho ra tắm giặt. Thằng nhỏ sau khi tắm rửa xong lại chạy sang trước phòng tôi. Không thấy đôi vịt, nó ngồi vào bậc thềm lưng dựa vào cửa phòng. Tôi thò ngón tay ra lỗ thủng chọt vào lưng nó một cái. Nó giật mình nhỏm dậy quay lại:

-Hết hồn!

Tôi lấy làm thú vị khi nghe một thằng tí hon lại dùng cái tiếng “hết hồn” có vẻ người lớn đó. Biết tôi đùa, thằng nhỏ lại ngồi xuống chỗ cũ. Tôi hỏi:

-Cháu tên gỉ?

-”Ngụy con”!

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

-Chú hỏi cháu tên là gì?

-”Ngụy con”!

-Ai đặt tên ấy cho cháu?

-Mấy chú cán bộ!

-Thế mẹ cháu không đặt tên cho cháu à?

-Có, mẹ cháu đặt tên “con”, mấy chú cán bộ thì kêu “ngụy con” rồi các cô dì trong phòng cũng kêu cháu là ” ngụy con”!

Trời đất ơi! Cái tên này có thể tạo một ấn tượng khó đoán khi thằng nhỏ khôn lớn! Tôi định hỏi vài câu nữa nhưng nó đã bị mẹ nó gọi về phòng.

Rồi ngày thăm nuôi đến – ngày đó coi như ngày Tết của khám đường. Các phòng giam đông người đều được mở cửa suốt thời gian cho thăm để người ta tiện đưa đồ thăm cũng như dẫn dắt những người được gặp mặt người thân ra vào. Những người được ra gặp người thân phải mặc đồ lành sạch. Ai không có phải đi mượn đồ của người khác. Vì vậy, ngày thăm nuôi tù vẫn ăn mặc sáng sủa khác hẳn ngày thường. Các tên cán bộ cũng giả dối dẹp bớt cái vẻ nghiêm khắc hàng ngày để hồ hởi thưởng thức những hơi khói thơm…

Những người không được thăm cũng vui hơn vì ít nhất cửa phòng mở họ cũng hưởng được chút ánh sáng và không khí dễ thở. Họ cũng có thể hưởng ké được chút quà tươi hoặc sớt được phần ăn tiêu chuẩn của những người được thăm không dùng tới. Những phòng ít người phần nhiều đang bị kỷ luật, ít được thăm, cửa đóng im ỉm, nhưng ít nhất ngày đó họ cũng yên trí không bị cán bộ quấy rầy.

Nói chung, trong ngày thăm nuôi, bất cứ ai đang sống tại khám đường cũng chia được ít nhiều niềm vui, dù chỉ là niềm vui tạm bợ giữa một hoàn cảnh bất hạnh. Kẻ hưởng được hạnh phúc thật sự hoạ chăng chỉ có một người: “thằng ngụy con”!

Trong lúc cán bộ và tù trật tự bận rộn mang đồ thăm hoặc dẫn tù đi gặp người thân thì thằng nhỏ tung tăng chạy hết phòng này đến phòng khác. Nó rất khôn, cứ gặp cán bộ lại cất giọng lảnh lót “chào cán bộ” thật dễ thương. Vì thế không ai la rầy, cản trở nó cả.

Tôi nghĩ chính thằng nhỏ là một nhân tố làm giảm bớt vẻ ngăn cách giữa cán bộ và tù. Đến đâu nó cũng được tiếp đón nồng hậu, quà cứ nườm nượp vào tay nó. Bao nhiêu lần nó sung sướng ôm đầy quà trên tay: bánh tráng, cốm bắp, kẹo…về giao cho mẹ nó. Trông nét mặt hớn hở của nó vào những lúc ấy ai mà chẳng vui lây!

Rồi một tháng trôi qua, lại đến kỳ thăm nuôi. Hôm ấy trời mưa lâm râm và có gió hiu hắt. Tôi lại dán mắt trước cửa hưởng ké niềm vui của mọi người. Thằng nhỏ lại thả sức tung tăng đi nhận quà. Thấy trời hơi lạnh, lại sợ con bị ướt nên mẹ nó đã cẩn thận bận thêm cho nó một cái áo mưa bằng nylon khá gọn.

Lần ấy, có lẽ vì quà tặng hơi nhiều, thằng nhỏ lại không biết sợ lạnh, nó cởi cái áo mưa làm đồ đựng. Khi nó đang ôm bọc quà hí hửng chạy về phòng thì gặp Sơn, một tên cán bộ hung ác, nghiêm khắc nhất khám đường. Gã tươi cười một cách đểu cáng đón nó lại:

-”Ngụy con” có nhiều quà quá, chia cho chú với nào!

Thằng nhỏ lính quýnh giẫm vào chỗ đất trơn, té oạch một cái làm quà văng lung tung. Tên Sơn cúi xuống lượm giùm. Xong, gã vờ bốc lấy một gói giấy, bảo:

-Gói này cho chú xin nghe!

Thằng nhỏ tưởng thật hoảng hốt:

-Không được đâu! Gói này không được đưa cho cán bộ coi!

Nghe thằng nhỏ nói hơi lạ tai, tên Sơn nghi ngờ mở cái gói ra xem. Gã bỗng trừng mắt đạp vào ngực thằng nhỏ một cái làm thằng bé ngã bật ngửa. Thằng nhỏ nằm lặng đi một hồi rồi mới khóc nấc ra tiếng. Ai nấy chới với chưa hiểu chuyện gì thì nghe tiếng tên Sơn nạt lớn:

– Đ.M. đồ cái giống nguỵ ra khác, chưa ráo máu đầu đã học phản động!

Quay lại phía tù trật tự, tên Sơn hét:

-Bắt nó quỳ dưới cột lưới bóng rổ!

Lập tức thằng nhỏ bị lôi dậy, kéo đi. Liền đó tên Sơn dẫn một anh tù trật tự khác đến phòng B5. Gã đứng trước cửa hoạnh hoẹ hỏi chuyện. Lát sau một anh tù vừa mới được thăm nuôi hồi sáng bước ra khỏi phòng. Tên Sơn bắt anh tù đứng nghiêm rồi tha hồ đấm đá người tù tội nghiệp. Anh tù nhiều lần bị ngã nhưng tên Sơn lại bắt đứng lên để đấm đá tiếp hết sức tàn bạo.

Trong chốc lát anh tù đã xác xơ, rục rã. Nhưng tên Sơn vẫn chưa tha, gã còng cắp cánh tay anh ta lại rồi sai người đưa vào phòng kỷ luật. 

Trời vẫn mưa lâm râm, gió vẫn hiu hắt. Thằng nhỏ vẫn quỳ dưới chân cột lướí bóng rổ. Tên Sơn vẫn tiếp tục ra vào kiểm soát việc thăm nuôi.

Quá nóng ruột, người mẹ phải liều vói mặt ra khỏi phòng van xin chéo véo. Nhưng tên Sơn cứ phớt lờ, cả giờ sau gã mới chịu cho thằng nhỏ tội nghiệp về phòng. Người nó lạnh như cục nước đá, run lập cập, nói không thành tiếng….

Buổi tối, khi đưa cơm vào phòng tôi, tên Sơn còn ác độc cảnh cáo:

-Các anh coi chừng, chớ lợi dụng “thằng ngụy con” để thông tin tức với nhau! Dù là chỉ hỏi thăm sức khoẻ tôi cũng trị trắng máu ra!

Giờ thì tôi đã hiểu là anh bạn tù ở phòng B5 đã phạm nội quy của khám đường. Về sau tôi được biết rõ hơn là anh này đã gởi quà với mấy lời nhắn cho một người quen ở phòng tù nữ. Vụ trừng phạt ấy cứ lởn vởn ở trong đầu tôi suốt đêm. Tội nghiệp thằng nhỏ đã bị đòn lại phải chịu đựng ướt lạnh suốt mấy giờ.

Sáng sơm hôm sau, tôi đã phải thức giấc bởi tiếng kêu cứu từ phòng tù nữ:

-Báo cáo cán bộ A5 có người bệnh nặng!

Tôi giật mình: biết đâu lại là thằng nhỏ? Tiếng từ phòng trực hỏi lại:

-Nặng bao nhiêu ký?

Tiếng kêu cứu từ phòng nữ có vẻ khẩn thiết hơn:

-Báo cáo cán bộ, phòng A5 có người sắp chết!

-Nghe rồi, đợi đó giải quyết!

Chừng nửa giờ sau tôi nghe có người nói chuyện ồn ào trước sân. Có lẽ cán bộ y tế đã đến.

Rồi cả khám đường yên ắng trở lại. Gần sáng tôi lại bị ông Đoàn đánh thức:

-Ông nghe gì không?

Tôi lắng tai để nghe. Trời ơi, rõ là tiếng kêu khóc thảm thiết của một người đàn bà:

-Con ơi con, sao nỡ bỏ mẹ mà đi như thế con ơi! Con tôi chưa đầy ba tuổi đã biết gì đâu mà phản động, đau đớn lắm trời ơi!…

Tôi giật mình thở dài: Trời ơi, thằng nguỵ con!

Liền đó tôi nghe có tiếng nạt nộ:

-Để con bị sưng phổi không chiụ lo báo cáo sớm, bây giờ không để người ta chôn cất còn khóc gào đổ thừa cho ai?

Tiếp đó, tôi lại nghe nhiều tiếng khóc nấc nghẹn ngào, đau khổ, uất hờn của người đàn bà tội nghiệp …

(Nguồn: Sài Gòn trong tôi - Ngô Viết Trọng) 

Không có nhận xét nào: