Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Mừng Phật Đản năm 2021 - Sương Lam


Đây là bài số năm trăm sáu mươi bốn (564) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon. Lễ Phật Đản là 1 trong 3 ngày lễ lớn của đạo Phật. Ngày lễ Phật Đản năm 2021 rơi vào ngày 26/5 dương lịch. Một số Quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản thì thường tổ chức lễ Phật Đản vào 8/4 âm lịch (tức ngày 19/05/2021 dương lịch) Một số nước khác theo Phật giáo Nam Tông thì tổ chức Lễ Phật Đản vào 15/4 âm lịch hoặc 15/5 dương lịch.
<!>
Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal (một số Quốc gia vùng Nam Á) và các nước theo Phật giáo nguyên thủy, lễ Phật Đản thường diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha theo lịch Phật giáo và lịch Hindu (tháng 4 hoặc tháng 5).

Năm nay tuy vẫn còn trong cơn dịch Covid 19 nhưng bây giờ là mùa Phật Đản, các chùa trên thế giới nói chung và ở Portland, Oregon nói riêng vẫn đang tổ chức Lễ Phật Đản để mừng ngày Đức Phật Thích Ca ra đời cứu độ chúng sinh. Là Phật Tử chúng ta đều hân hoan chào đón Ngày Phật Đản cũng như các tín đồ Công Giáo đón mừng lễ Giáng Sinh mừng Chúa ra đời.

Có nhiều người muốn tìm hiểu rô ràng Phật Đản là gì và khi nào thì Phật Tử sẽ đón mừng ngày sinh đặc biệt này. Xin mời quý bạn đọc một tài liệu dưới đây được người viết sưu tầm trên Wikipedia đem về đây chia sẻ với quý bạn nhé.

Phật Đản (chữ Nho 佛誕 -nghĩa là ngày sinh của đức Phật-; hay là Vesak, Pali; tiếng Phạn: Vaiśākha, Devanagari:, Sinhala: -nghĩa là ngày lễ vào tháng vesākha theo lịch Ấn Độ giáo, tương ứng vào khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch) là ngày kỷ niệm Đức Phật sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni, năm 624 TCN, diễn ra vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm.

Theo truyền thống Phật giáo Đông Á, ngày này chỉ là ngày kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích Ca; tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyềnPhật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp (kỷ niệm Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn).

Trước năm 1959 các nước Đông Á, thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch[1]. Nhưng Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo, Tích Lan, 25 tháng 5 đến 8 tháng 6 năm 1950, các phái đoàn đến từ 26 nước là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch[2].

Ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc,[3] những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi, được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng 5 dương lịch.

( Nguồn: Trích trong Wikipedia).


Ngày xưa người viết là một đoàn sinh của Gia Đình Phật Tử Chánh Minh sinh hoạt ở chùa Giác Tâm gần ngã tư đường Chi Lăng và Vỏ Di Nguy Phú Nhuận. Trong những ngày đại lễ của Phật Giáo như Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, các đoàn sinh GĐPT đều tổ chức những buổi văn nghệ rất huy hoàng, vui vẻ để chào mừng những ngày lễ quan trọng này. Các đoàn sinh của đoàn Thiếu Nữ, Thiêu Niên cũng thi đua ca múa, diễn kịch, làm bích báo dán tường rất là rộn rịp, vui vẻ và cái bút danh Sương Lam cũng được xuất hiện dưới những bài thơ, bài viết trên các tờ bích báo, tập san văn nghệ của GĐPT Chánh Minh từ dạo ấy.

Xin mời quý bạn đọc những vần thơ vụng dại nhưng rất chân thành mừng Ngày Khánh Đản của đoàn sinh thiếu nữ Sương Lam vào thập niên 60 dưới đây nhé.

Ngày Khánh Đản

“Đời trần thế đầy đau thương lầm lỗi
Ngài ra đời để cứu độ chúng sanh
Gieo thương yêu với muôn vạn điều lành
Giúp nhân loại khỏi si mê lạc hướng

Nay đốt nén hương trầm con vọng tưởng
Đến ngày xưa Đấng Giác Ngộ ra đời
Cứu chúng sinh đang lặn hụp chơi vơi
Trong bể khổ của mê mờ đau khổ

Ngày Khánh Đản muôn đời con vẫn nhớ
Lâm Tỳ Ni muôn thuở vẫn còn danh
Ca Tỳ La rạng rỡ một hoàng thành
Bao năm tháng không phai mờ lịch sử

Ngày Khánh Đản muôn lòng người Phật Tử
Đều hân hoan tưởng nhớ đến Cha Lành
Một người cha muôn thuở của chúng sanh
Con thành kính đốt nén hương kính Phật”

(Nguồn: Trích trong bài thơ Mừng Khánh Đản của Sương Lam- GĐPT Chánh Minh 1963)


Thời gian trôi quá nhanh quá. Bây giờ người viết đã là “người không còn trẻ” nữa vẫn đi chùa đón mừng Ngày Phật Đản hằng năm nơi xứ người. Một duyên may cũng đã đến với người viết là vợ chồng người viết đã có phúc lành được viếng thăm vườn Lâm Tỳ Ni ở Nepal, nơi Đức Phật được sinh ra dưới cây hoa vô ưu, trong chuyến hành hương Phật tích Ấn Độ vào năm 2007.

Cuộc hành hương chú trọng vào 4 nơi quan trọng mà trong nhà Phật gọi là Tứ Động Tâm. Đó là:

1.- Nơi Đức Phật đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni.
2.- Nơi Đức Phật thành đạo dưới cội bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng.
3.- Nơi Đức Phật giảng kinh Chuyển Pháp Luân cho 5 anh em Kiều Trần Như
trong Vườn Lộc Uyển.

4.- Nơi Đức Phật nhập Niết Bàn ở Vườn Sa La Song Thọ.

Chúng ta vẫn nghĩ rằng cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, của Chúa Jesus là những huyền thoại, Nhưng có đến tận nơi nhìn thấy các Phật tích, thánh địa thì chúng ta có thể tin rằng Đức Phật, Chúa Jesus là những nhân vật có thật trong cõi đời trần thế. Quý Ngài được sinh ra đời để thi hành sứ mạng cao cả là cứu độ chúng sinh, truyền giảng những lời dạy rằng con người cần phải thương yêu, từ bi, hỷ xả, bác ái.

Xứ Ấn Độ rất nóng. Chúng ta đi hành hương chiêm ngưỡng lại những Phật tích với phương tiện xe cộ đầy đủ tiện nghi máy lạnh, chân mang giày ấm chân, đầu đội nón che nắng che mưa. Thế mà ngày xưa Đức Phật và các đệ tử chân không, đi từ nơi này sang nơi khác vạn dặm xa xôi để hành đạo thì phải biết là vất vả như thế nào rồi. Đặc biệt Đức Phật lại là một vị thái tử sống trong cung điện nguy nga, vợ đẹp con xinh, thế mà sau khi đi qua bốn cửa thành chứng kiến kiếp người đau khổ vì sinh lão, bịnh, tử nên Ngài quyết tâm rời bỏ cung vàng điện ngọc, xuất gia đi tìm chân lý để truyền dạy chúng sinh học tập thực hành để có thể thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Thật là một công đức vô lượng, đáng được kính ngưỡng.

Niềm Vui đón mừng Ngày Phật Đản đã được Thượng Tọa Thích Tánh Tuệ diễn tả qua bài thơ Phật Đản Rạng Niềm Vui dưới đây. Kính mời quý Phật tử thưởng thức.

Kính tri ân Thầy Thích Tánh Tuệ,

Phật Đản Rạng Niềm Vui


Chuông chùa nhè nhẹ ngân trong sớm
Loan báo tin mừng Phật đản sinh
Hương Từ dìu dịu niềm vui chớm
Nở đẹp trên môi khắp hữu tình..

Thức dậy đi em Phật đản về!
Ánh hào quang rạng giữa đời mê
Cỏ cây, sông núi.. bừng khai hội
Một ngày an lạc khắp sơn khê.

Chắp tay sen búp trước Phật đài
Ngước nhìn theo bảy bước hoa khai
Phật về rạng rỡ vầng dương chiếu
Rọi nắng Từ bi ấm vạn loài..

Nơi nơi chốn chốn báo tin lành..
Nghe những ưu phiền tan biến nhanh
Lắng đọng tâm tư cùng hướng Phật
Đồng niệm Như Lai dạ chí thành…

– Phật về, như rưới mưa mùa Hạ
Cõi đời nghiệt não hóa thanh lương.
Chúng con xin cúi đầu thâm tạ
Mừng kiếp nhân sinh hết lạc đường..

Tha thiết dâng lên tiếng nguyện cầu
Trong mùa Phật đản khắp năm châu
Thái bình, An lạc tràn muôn lối
Thế giới hòa vui Ánh Đạo Mầu.

Như Nhiên Thích Tánh Tuệ

Nhân Mùa Phật Đản người viết cũng xin kính mời quý thân hữu thưởng thức Youtube
Phật Đản Sanh Cứu Khổ - thơ: Lê Nguyễn Nga, nhạc: Cao Minh Hưng, ca sĩ: Tú Uyên


Xin cảm niệm công đức nhà thơ Lê Nguyễn Nga, nhạc sĩ Cao Minh Hưng, ca sĩ Tú Uyên.
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 564-ORTB 989
Sương Lam


Không có nhận xét nào: