Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Trong Vùng Quên Lãng - Song Thao


Chiếc ghế xích đu đủ chỗ cho ba bốn đứa con nít nay vừa đủ chật chội cho hai mẹ con tôi ngồi. Tôi không gọi mẹ là mẹ mà gọi là mợ. Từ thuở nhỏ đã như vậy. Và tất cả anh chị em chúng tôi đều gọi như vậy. Mợ tôi xích người sang một bên, nói. “Ông ngồi xuống đây!” Tiếng “ông” đẩy tôi xa mợ tôi, ít nhất là nơi bộ nhớ trong đầu bà. Chiếc xích đu này có từ bao giờ? Dễ ra cũng dư bốn thập niên rồi. Thằng cháu đầu lòng của bà chị tôi nay đã vượt quá số tuổi bốn mươi. Hồi đó, chiếc sân nhỏ trước nhà còn được trải sỏi trắng tinh làm lạo sạo những bước đi. Khi sỏi hao hụt dần, nền đất pha xi măng lộ ra như những mảng sẹo trên lưng một con chó già, thì cậu tôi mới cho tráng xi măng cả khoảng sân.
<!>
Chiếc đu vẫn đứng vững đó, dù trên sân sỏi hay trên mặt xi măng. Ba màu sơn xanh đỏ trắng nguyên thủy đã được phủ lên không biết bao nhiêu lớp sơn sậm màu. Hai lỗ tròn trên khung sắt dùng để giữ hai chiếc móc nối liền với hai sợi xích sắt cột chiếc ghế ngồi đã bị ăn mòn xuống vẽ thành hình một giọt nước. Cậu tôi đã khoan hai lỗ khác sát bên cạnh để thay thế. Những chiếc lỗ bỏ đi nay đã lên đến con số sáu trông như những cặp mắt già nua dính với giọt nước mắt buồn bã nhìn vào hàng ba có hai cây hoa sứ Thái Lan quanh năm đầy hoa đỏ.

“Mợ còn nhớ cái sân này trước kia là sân sỏi không?”

“ Ừ! Sân sỏi đẹp chứ! Vậy mà ông Hưng ông ấy bỏ đi!”

Hưng là tên cậu tôi. Chẳng biết từ lúc nào mà “ông ấy” đã được thế bằng “ông Hưng” lạnh tanh. Tôi gợi tới.

“ Mợ biết cậu con giờ ở đâu không?”

“ Ở bên nhà con Nga chứ đâu!”

Khi cậu tôi nằm xuống một năm trước đây, bà hình như không ý thức được là người chồng bẩy chục năm đã thực sự từ giã bà. Suốt thời gian quan tài cậu tôi nằm trong phòng khách của gia đình, bà chỉ quanh quẩn nơi phòng trong. Sáng sớm trước khi động quan, các con mới quấn cho bà vành khăn trắng và dìu bà ra phòng khách. Như muốn bà tiễn đưa lần chót người bạn đời chẳng biết hình ảnh có còn nằm trong tâm trí bà không. Vừa trông thấy chiếc quan tài giữa những ánh nến lung linh, bà bật khóc lớn. “Ới con ơi!” Bà cô tôi đứng bên cạnh nhắc: “Ông Hưng nằm trong đó đấy!” Bà ngơ ngác rồi lặng thinh. Những ngày sau đó, nhìn bàn thờ có hình cậu tôi giữa những bình hoa, những đĩa trái cây và làn khói hương vươn lên mỗi buổi sáng khi em tôi thắp nhang, bà dấm dẳn: “Cái ông Hưng này sao cứ ngồi ở đây hoài vậy!”

Tôi cố gợi nhớ cho bà.

“ Cậu con chết rồi!”

Bà nhìn tôi. Con mắt nhấp nhem.

“ Cái ông này chỉ nói gở!”

Nói dứt câu, bà nhìn ngang dọc, nét mặt vô hồn. Rồi bà cười khi nhìn sang hàng rào căn nhà bên cạnh.

“ Nhà này đẹp nhỉ?”

“ Mợ nói nhà anh Kim ấy à?”

“ Ừ! Hồi đó mua rẻ thật. Tôi mách cho anh ấy mua đó. Bà Túc sang chơi cứ tấm tắc khen hoài!”

Bà Túc là bà bác tôi. Khi anh Kim mua nhà thì bà Túc đã mất từ cả chục năm trước rồi! Mợ tôi rất vừa ý khi mách cho ông anh họ tôi mua được căn nhà sát cạnh. Đó là một thành tích mà bà rất thích thú. Anh Kim là cháu cưng của bà, không vợ con, sống một mình, bố mẹ mất hết, hai người anh đang ở bên Mỹ. Bố anh Kim là anh ruột mợ tôi. Ngày di cư năm 1954, bố anh Kim và mợ tôi vào Nam và hai gia đình mua chung một căn nhà vách gỗ mái tôn ở Vĩnh Hội, phía bên kia Cầu Ông Lãnh. Tất cả các anh chị em khác của hai người đã lập nghiệp từ lâu tại Sài Gòn, người nào cũng thành công trong thương trường. Phải đến sáu năm sau, gia đình bác tôi và gia đình tôi mới mua được nhà riêng, người ở Thị Nghè, người ở ngay sát chợ Bến Thành. Anh Kim giờ cũng về Thị Nghè, sát bên cạnh nhà tôi. Không hiểu vì sự thương yêu mợ tôi dành cho anh Kim từ trước hay vì anh ở sát ngay bên cạnh mà mợ tôi vẫn nhớ được anh. Bà cô tôi, ở tận Ban Mê Thuột, thỉnh thoảng mới về chơi ít ngày, vậy mà mợ tôi cũng vẫn nhớ. Có lẽ vì từ sau năm 1975, cô tôi thường ngồi đánh chắn với bà. Mợ tôi rất mê đánh chắn. Đó cũng là một sự lạ. Trong suốt cuộc sống, tôi chẳng bao giờ thấy bà đam mê một món bài bạc nào, chỉ từ sau khi bị cuộc đổi đời bít hết niềm vui, bà mới tìm tới quân bài. Mà bà cũng chỉ đánh cò con với mấy ông chú bà cô tôi thôi.

Trí nhớ của bà hình như có sự chọn lọc. Tôi không nằm trong sự chọn lựa đó tuy là con trai cả mà bà rất cưng quý. Có lẽ vì tôi ở quá xa. Ngày về, vợ chồng tôi đã chọn mua cho bà những thứ bà thích. Khi cả gia đình quây quần trong phòng khách, bà vui ra mặt, còn nói đùa rất duyên dáng. Chiếc va li vừa được mở ra, bà đã cười cười. Gớm! Mùi Mỹ có khác! Nhà tôi đưa biếu bà mấy xấp vải may áo dài mà nàng đã khổ công đi lựa cho thật đúng ý thích của bà ngày xưa, bà vội ôm vào lòng, mặt tươi hẳn lên. Mấy xấp vải may đồ bộ mặc ở nhà cũng hợp ý bà, bà vội cầm, xếp chung với vải may áo dài. Nhưng tới chiếc áo len màu sắc hơi tươi thì bà nhất định không lấy. Thôi, tôi chẳng mặc đâu! Khi tôi trao cho bà đủ loại kẹo chocolat thì bà toe toét thủ ngay vào bụng. Kể cũng lạ, ngày xưa, bà đâu có bao giờ thích kẹo, mua kẹo là để cho các cháu. Vậy mà lúc sau này, bà thích chocolat một cách lạ lùng. Thấy chocolat là cất kỹ, chờ khi không có con cháu là bóc ra ăn. Ăn xong vội dúi giấy gói xuống nệm sa lông. Bà như đã thay đổi thành một người khác. Trước kia, bà đâu có để ý tới chuyện ăn uống. Món ngon vật lạ, bà luôn luôn dành cho con, sau này khi có cháu, thì cháu là nhất. Cái gì cũng cất cho cháu. Thấy bà cười cười nói nói, ai cũng tưởng bà đã nhận ra vợ chồng tôi. Cô em tôi thăm dò.

“ Mợ có biết ai đây không?”

Bà ngơ ngác không phản ứng. Cô em tôi nhắc.

“ Anh chị San đấy!”

Bà vẫn thản nhiên như không. Tôi ướm thử.

“ Mợ có nhận ra con không? Con là San đây!”

Mắt bà như có nước mắt. Vẫn ngơ ngác. Bàn tay ôm mấy xấp vải như lơi ra. Rồi thôi. Tôi muốn ứa lệ. Vợ tôi sững ra với nét mặt rầu rầu bất động. Cô em tôi buông nhẹ.

“ Chờ xem vài ngày nữa mợ có nhận ra anh chị không.”

Những ngày đầu tôi luôn luôn tìm cách gần bà, nhắc lại những chuyện xưa, hy vọng một chuyện nào đó mở được cái nút chặn trong đầu bà. Tôi moi ra hết chuyện này đến chuyện khác nhưng vô ích, tôi vẫn ở ngoài trí nhớ của người mẹ thân yêu. Hai mẹ con lặng lẽ ngồi bên nhau. Tôi hơi nhích chiếc xích đu. Bà ghì lại.

“ Con nhớ hồi nhỏ theo mợ đi mua lụa ở Hà Nội. Hồi đó vui ghê mợ nhỉ?”

Mặt bà sáng lên. Tôi nghĩ mình đã sờ được vào chiếc nút vô hình. Thời vất vả buôn bán ở Hà Nội, tôi nghĩ, là thời bà hãnh diện nhất. Hồi đó, mấy ông bác tôi ở Sài Gòn kinh doanh hàng vải. Mợ tôi là đầu mối thu mua ở Hà Nội. Mỗi tuần, phiên chợ vải họp, mợ tôi lại chọn một đứa con đi theo để ghi số lượng vải và tính tiền. Tôi chẳng còn nhớ là chợ họp ở phố nào trong những con đường mang tên hàng nọ hàng kia của phố cổ Hà Nội. Chợ này có cái đặc biệt là người mua ngồi dọc theo vỉa hè, người bán ôm từng cây lụa Hà Đông đi tới đi lui chào hàng. Mẹ con tôi ngồi nhìn những người dân quê ôm vải đi ngang qua. Thấy loại vải ưng ý thì kêu, trả giá lui tới, ngã giá mới đo vải. Lúc đó tôi mới vào việc. Ghi số lượng, cộng trừ nhân chia giá tiền, xếp vải sau chỗ ngồi. Thường một buổi chợ như vậy là mất nguyên ngày. Buổi trưa, hàng quà bánh ùa tới tấp nập. Đây là phút mà tôi chờ mong. Món gì cũng thích nhưng chỉ được chọn một món. Vòi vĩnh lắm chỉ được thêm cây kem. Trời nắng chang chang, đứng nghểnh cổ nhìn vào những cây kem đủ màu nằm dọc theo chiếc phích tỏa hơi mát rượi như một làn khói mà phân vân. Kem dâu, kem đậu xanh, kem súc cù là, kem bạc hà…quay tít trong trí óc phân vân. Phải chờ tới khi thằng nhỏ bán kem dục giã kẻo kem chảy hết mới rút một cây ra. Rút mà còn tiếc những cây còn lại trong phích. Chính giờ phút được ăn quà ăn kem này là nguồn tranh dành của anh em chúng tôi trong việc tháp tùng mợ tôi đi chợ. Buổi chiều, khi nắng tàn, hai mẹ con mới gọi xích lô, chất vải lên. Ngồi trên xích lô chất một đống vải cao nghễu nghện, gió thổi mát mặt, nhìn quanh hai bên đường phố cũng là cái thú đã tạo nên những cãi vã kèn cựa của anh em chúng tôi.

“ Mợ có nhớ hồi đó mợ hay cho con đi theo mợ nhiều nhất không?”

Bà cười.

“Ừ! Chỉ đi mua lụa vậy mà lãi to nhỉ?”

Tôi nào có biết bà lãi bao nhiêu đâu. Chỉ biết là chiếc túi vải to đùng đựng tiền đi buôn của bà lúc nào cũng no kềnh. Có những lúc thèm mua đồ chơi quá, anh em chúng tôi đã lén rút ít tiền lẻ mà bà chẳng hề biết.

“ Hồi đó mợ mua vải cho bác nào vậy?”

Mặt mợ tôi buồn xo.

“Chết hết rồi!”

Bà ngồi lặng yên. Tâm trí bà như đã nhẩy sang chuyện khác. Các bác tôi đã lần lượt rủ nhau đi hết. Mỗi cái chết là một nỗi buồn sâu đậm nơi bà. Có lẽ bây giờ những nỗi buồn này vẫn còn bám víu trong trí tưởng mù mờ của mợ tôi. Tôi cố luồn lách trong sự mù mờ này.

“ Mợ có nhớ được bác nào không?”

Mợ tôi quay sang tôi, đôi mắt lườm lườm như giận dữ.

“ Cái ông này nói hay nhỉ! Anh em tôi mà tôi không nhớ sao?”

Tôi lì lợm mò tới.

“ Mợ nhớ thì mợ kể ra đi.”

“ Kể ra làm gì!”

Mợ tôi đứng phắt dậy, bỏ đi. Tôi lại mất dấu bà. Ngồi lại một mình, tôi như người mất hồn. Mợ tôi đã đi lạc quá xa. Có cách nào dẫn bà trở về không? Tôi tìm về nẻo quá khứ xa xăm hơn. Trên chiếc ghế nệm đặt ở bên cạnh chiếc tủ đứng, sát ngay chiếc cửa sổ nhìn ra sân, mợ tôi ngồi nhìn bâng quơ, chiếc quạt giấy trên tay bà phe phẩy chậm chạp. Tôi kéo chiếc ghế đẩu tới ngồi sát bên bà.

“ Trời nóng quá mợ nhỉ?”

“ Nóng thì quạt cho mát. Ông có muốn quạt không?”

Bà đưa chiếc quạt cho tôi. Tôi cầm lấy, phe phẩy trước mặt. Được vài cái, tôi chuyển hướng quạt cho bà.

“ Ông nóng sao lại quạt cho tôi? Cái ông này buồn cười thật. Sao ông ở đây hoài vậy?”

Tôi cười.

“ Nhà con thì con ở chứ sao?”

Mợ tôi cười ngoặt ngoẽo.

“ Ông này buồn cười quá! Nhà nào của ông?”

“ Thì nhà của mợ cũng là nhà của con chứ sao! Mợ có biết mợ có bao nhiêu con tất cả không?”

“ Tôi thiếu gì con!”

Tôi nhắc tới tên đứa con mà ngày xưa bà hết mực thương yêu.

“ Mợ có nhớ thằng Trí không?”

“ Trí là con tôi.”

“ Trí nó đâu rồi?”

Mợ tôi yên lặng không nói. Em tôi mất từ năm mới được hai ba tuổi gì đó khi gia đình tôi còn ở Hà Nội. Em Trí chẳng phải là đứa con đầu tiên bỏ gia đình ra đi. Mợ tôi có tới mười một người con. Ba người con gái đầu đều mất sớm, hai em trai tôi cũng không qua hết tuổi thơ. Trí là đứa mất sau cùng. Ngày Trí mất, tôi có theo cậu mợ tôi lên bệnh viện Phủ Doãn. Các bác sĩ bó tay tuy bệnh chỉ là bệnh kiết lỵ thông thường của trẻ em. Khi mợ tôi bồng Trí ra thuê xe về, trời đổ mưa tầm tã. Tôi ngồi trên xe kéo cùng mợ tôi bồng em Trí. Cậu tôi đạp xe đạp bên cạnh. Ngồi trong lòng xe bít bùng, mùi hôi của tấm bạt che mưa sộc vào mũi khó chịu, tôi cứ loay hoay xoay qua xoay lại. Mợ tôi nạt tôi ngồi im. Tôi nhìn lên mặt bà thấy ràn rụa nước mắt. Miệng mợ tôi méo xệch. Bà ghì đứa con bệnh hoạn vào lòng. Khi tới nhà ông phu xe, có lẽ thấy những giọt nước mắt của mợ tôi, đòi thêm tiền vì đã mang xác chết lên xe. Mắt mợ tôi long lên. Ai nói con tôi chết? Hai bên cãi nhau một chặp. Cậu tôi phải dàn xếp trả tiền mới yên. Vào trong nhà, bà mới khóc òa lên. Trí đã chết ngay lúc đang ở trên xe.

“ Con còn nhớ lúc Trí chết.”

Mợ tôi ngồi lặng thinh.

“ Con cùng ngồi trên xe với mợ bữa đó!”

“ Ông biết gì mà nói! Trí là con tôi!”

“ Con cũng là con mợ. Con là San đây.”

Bà thu mình lại, nói nhỏ.

“ Thằng San nó ở xa lắm. Xa như thằng Trí vậy.”

Nhiều năm trước, khi mợ tôi chưa rơi vào căn bệnh lãng quên, lúc tôi mới ra đi được vài năm, tôi đã viết thư về ngỏ ý định bảo lãnh cho cậu mợ tôi đi. Lúc đó bà còn bốn đứa con kẹt lại nên không muốn rời xa những đứa con khốn khó hơn. Khi em tôi ra tù, làm đơn đi theo diện HO, em tôi cũng muốn điền tên cậu mợ tôi vào chung danh sách. Nhưng hai ông bà cũng không đi. Tôi chẳng biết tuổi già níu chân ông bà lại hay lòng thương con đã lấp lối đi của ông bà. Mợ tôi đi vào miền lãng quên khi tôi đã xa bà. Hành lý của mợ tôi lúc đó không có bóng dáng tôi. Bà chẳng bao giờ tin là có ngày tôi trở về bên bà. Khuôn mặt tôi có thể gợi lại một nét quen nhưng không bao giờ đủ rõ để bà nhận ra đứa con xa nhà.

Bà cô tôi nghe tin tôi về, mua vé máy bay từ Ban Mê Thuột về Sài Gòn gặp tôi. Tính cô tôi rất hể hả và thân thiện với các cháu. Biết tôi buồn vì lạc mẹ, bà xốc xổi.

“ Anh để đó cho tôi!”

Bà nói giỡn với mợ tôi.

“ Chị em mình đánh chắn không?”

Mặt mợ tôi tươi hẳn lên.

“ Có hai người mà đánh gì!”

“ Có thằng San đây nữa này!”

Mợ tôi nhìn tôi. Đôi mắt lạnh tanh. Bà dợm đứng dậy. Cô tôi vội hỏi.

“ Chị có nhớ thằng San không?”

“ Nhớ chứ!”

Cô tôi nhìn tôi, nheo mắt, ý nói toan tính của bà đang thành hình. Bà quay sang mợ tôi hỏi.

“ Thằng San con ai vậy?”

Mợ tôi sẵng giọng.

“ Con tôi chứ con ai!”

Cô tôi như mở cờ trong bụng. Bà liếc sang tôi. Cười. Bà nắm tay mợ tôi, chỉ qua tôi.

“ Thằng San đây này!”

Mợ tôi liếc nhìn tôi. Mắt vẫn thản nhiên. Nói như dỗi.

“ Cô này cứ nói giỡn!”

Tôi vẫn không bấu víu được vào trí nhớ của bà. Lỗi tại tôi vì tôi đã bỏ đi quá xa chăng? Vừa lúc bà nghe tiếng thông báo đầu hàng của vị lãnh đạo giờ chót của miền Nam, bà đã bật khóc. Tôi nhớ lúc đó cả gia đình tôi núp dưới chân cầu thang bằng bê tông cốt sắt, nơi được coi là an toàn nhất trong nhà. Bà nhìn lũ con cháu, mếu máo. Rồi đời chúng mày sẽ ra sao? Bà vội vào phòng riêng, lục tủ, mang số vàng bà đã cả đời dành dụm được ra chia đều cho các con trong tiếng nấc uất nghẹn. Mợ chẳng biết rồi sẽ ra sao nên cứ chia cho tụi con, đứa nào tìm đường đi được cứ đi, đừng vì cậu mợ mà chết cả đám! Đường đi, lúc đó hầu như tắc nghẽn. Trước đó, trong những ngày chộn rộn, tôi cũng đã ngây thơ tin tưởng vào những người bạn Mỹ, ghi tên cả nhà cho một chuyến bay được hứa hẹn vào giờ chót sẽ cất cánh. Tôi đã dục mợ tôi thu xếp vài thứ cần thiết mang theo để có thể họ sẽ đưa thân nhân đi trước, những người còn phải làm việc đến giờ chót như tôi sẽ được bốc đi sau. Khi cuống cuồng chọn lựa, chẳng biết mang cái gì, bỏ cái gì, mợ tôi đã như cảm thấy sự tan tác của gia đình. Bà vừa thu vén vừa nức nở. Tiếng khóc bây giờ trong lúc trao vàng cho các con còn nức nở hơn nữa. Cuộc chia lìa như đã có mặt. Những toan tính lúc đó quá phiêu lưu đến liều lĩnh. Nhìn những con, những cháu ngơ ngơ ngác ngác, anh chị em tôi chẳng ai dám đánh cuộc sự sống bằng những ánh mắt thơ ngây vô tội. Khi những đứa con trai của bà theo nhau đi tù, bà đã hết nước mắt, nỗi buồn hình như đã cuộn lại vào bên trong ruột gan. Những ngày chúng tôi tù tội hình như bà cũng tự nhốt tù mình. Khi được thả về, tôi lại toan tính ra đi. Ngày đi, tôi dấu bà, lẳng lặng mang vợ con rời nhà trong buổi sáng tinh mơ. Chuyến đi thất bại, trở về, bà nhìn tôi như trách móc. Bà ôm chặt đám con tôi, nước mắt chảy ra, không nói. Tôi cũng bất động trong ê chề của một lần thất bại. Số vàng bà chia cho, tôi đã nướng hết cho một lần phiêu lưu vô vọng. Tôi không thấy tiếc. Mất còn đâu có nghĩa gì trong thời buổi nhộn nhạo. Tôi cũng không nói với mợ tôi chuyện này nhưng tôi nghĩ là bà biết. Bà cũng chẳng nói gì với tôi. Cả đời bà, hình như bà biết nuốt những buồn đau vào trong lòng. Chỉ lúc những khổ đau lên đến cùng cực, bà mới cay đắng nguyền rủa những kẻ gây ra cớ sự. Những con người không một xúc cảm trước những tàn phá trên mỗi sinh linh cùng một màu da, cùng một máu thịt. Sau này, khi những đứa con đã lần lượt bỏ đi mang theo những đứa cháu cưng của bà, bà mới ngẩn ngơ. Cô em tôi kể là nhiều lúc bà ngồi thừ người ra, mắt ươn ướt, than nhỏ. Tao nhớ là tao có nhiều con cháu lắm mà sao bây giờ chúng nó đi đâu hết rồi!

Tôi đã đành đoạn bỏ đi và tôi đã trở về nhưng bà như không biết có thằng con trở về. Phòng tôi ở trên lầu, bà ở dưới nhà. Mỗi buổi sáng, tôi xuống lầu, bà cười nói.

“ Cái ông này sao cứ ở đây hoài vậy!”

Tôi bá cổ bà.

“ Con ở trên lầu chứ đâu.”

Bà nhìn tôi, ánh mắt như hé chút vui.

“ Ông này chỉ khéo giỡn!”

Hình như bà đã an phận thu người lại trong nỗi mất mát của riêng bà. Bữa ăn bà bưng chén ngồi thu lu một mình trong chiếc ghế ở một góc nhà. Nói thế nào thì nói, bà cũng vẫn nhất định không ngồi chung với cả nhà. Có một bữa trời nắng ráo, bà chịu ngồi vào bàn ăn nhưng chỉ sau khi bà đã nuốt xong chén cơm trên chiếc ghế cô đơn nơi góc nhà. Bà nhìn chúng tôi ăn, cười đùa, với đôi mắt sáng nửa muốn vui vầy, nửa muốn xa cách. Khi chúng tôi nài ép bà ăn tráng miệng, bà bỏ ra sân, ngồi trên chiếc ghế xích đu, giang sơn thứ hai của bà sau chiếc ghế nệm nơi góc nhà tối tăm.

Cũng trên chiếc ghế xích đu này, bà như có ý chờ đợi mỗi lần vợ chồng tôi đi chơi. Bà ngồi đó, nhìn trời nhìn đất, như không biết chán, như không biết mệt. Mỗi lần tiếng cửa sắt kêu lên bà lại nhìn ra, ánh mắt chờ đợi. Có lúc như quá sốt ruột, bà ra đứng tựa cả người vào cửa, ngóng ra ngoài. Một lần chúng tôi về, thấy bà đứng ở cửa, nét mặt mừng rỡ, vội tháo chiếc then ngang, mở cửa.

“ Gớm! Mãi tới giờ mới chịu mò về.”

Nhà tôi đưa cho bà gói bánh. Bà vội mở ra.

“ Hai ông bà này khéo vẽ, lại còn mua quà nữa.”

Bà lấy ra một chiếc bánh, nhìn rồi bỏ lại vào chiếc túi giấy dầu.

“ Trả lại này, tôi chẳng ăn!”

“ Bánh ngon lắm. Con mua tận trên phố đó. Mợ thử đi.”

Bà lắc đầu quầy quậy.

“ Bánh ở đây ấy mà. Ăn làm chi!”

“ Thế mợ thích bánh gì?”

“ Tôi chỉ thích đồ Mỹ thôi!”

Bà nói như giỡn. Sắc mặt không thay đổi.

Kể lại cho cô em tôi nghe, cô cho biết là có lần một cô em họ của tôi từ Mỹ về tới thăm bà, vội vàng quá, quên không mang quà, đành mua bánh ở chợ Thị Nghè mang biếu, bà cũng không nhận, chê là bánh nội, không ăn. Tôi nghĩ chẳng lẽ trong thâm tâm bà sự chán ghét cái xã hội làm bà mất mát đám con cháu đã thành nếp như vậy sao?

Hình như trong tận cùng tâm trí bà chỉ còn những hình ảnh xưa cũ. Trên những tấm hình chụp thời thiếu nữ, bà có một khuôn mặt nhẹ nhõm, có thể gọi là khá đẹp. Thời tuổi trẻ đó, bà chẳng bao giờ nhắc tới. Lúc trước cũng như sau này, khi bà đã lạc vào trạng thái u mê. Vậy mà có những đêm không ngủ được, bà ngồi dậy hát những bài hát xưa chúng tôi chưa bao giờ được nghe, đọc những câu thơ, câu vè có xuất xứ từ những ngày xa tắp nơi một làng quê miền Bắc hay ê a những câu kinh cũ rích cũ rang từ ngày bà còn thơ. Bà đã lùi quá xa về một thời có lẽ bà vẫn thiết tha trong tận cùng thâm tâm.

Ba tuần lễ vợ chồng tôi trở về nếp nhà cũ, chúng tôi như không được sống chung một thời với mợ tôi. Bà không có hiện tại. Quá khứ xa thẳm đã giữ rịt bà trong tay. Hình như trong tim não bà đã có một sự chọn lựa dứt khoát. Chúng chỉ cho phép bà lưu giữ những gì bà thích, ngày xưa. Hình ảnh tôi như đã bằn bặt mất hút, không thể nào tái hiện lại trong bộ nhớ của bà. Hình như bà vẫn mơ hồ cảm thấy có chút thân mật nào đó với tôi nhưng không thể nhận ra đứa con cả chục năm bà không gặp, không thấy.

Ngày phải trở về lại nơi tạm cư, tôi ôm bà, lòng buồn vô tả, nghẹn ngào nói.

“ Con chào mợ. Con phải về rồi.”

Bà nhìn tôi, hỏi.

“ Ông về đâu?”

“ Con về lại Mỹ.”

Bà bỗng cười khẩy, bĩu môi.

“ Mỹ nào nó thèm lấy ông!”

Tôi nhói người. Bà lại lạc vào quá khứ, cái thuở mà những người đi Mỹ thường là những người lấy Mỹ. Vậy mà khi chúng tôi xách va li ra xe, bà cũng bấu chặt vào chiếc cửa sắt, đu người nhìn theo. Không hiểu bà có buồn không!

o O o

Khi tôi trở về lại một năm sau, bà không còn ngồi trên chiếc xích đu quen thuộc nữa. Bà đã nằm trong chiếc quan tài đóng kín. Bà mất vào đúng ngày lễ Giáng Sinh. Khi cô em tôi gọi điện thoại báo tin, tiếng nhạc Giáng Sinh vẫn đầm ấm quanh tôi. Tôi vội lấy vé về. Gặp ngày lễ, chẳng có nơi nào làm việc. Phải ba ngày sau, tôi mới mua được vé giờ chót, đổi ba chuyến bay, bay suốt một ngày một đêm, lên tới tuốt trên đất Nhật mới vòng xuống Sài Gòn. Bà đã phải nằm thêm hai ngày đêm tại nhà để chờ tôi về. Máy bay đáp xuống phi trường vào đúng nửa đêm, vội ra xe, về tới nhà, tôi ôm chiếc quan tài, không chảy được nước mắt. Bà chẳng bao giờ còn nhận được ra tôi nữa! Tôi ngồi thừ người nhìn những ánh nến lung linh trên quan tài soi chiếu vào tấm hình bà. Tấm hình của những ngày bà chưa đi vào chốn quên lãng. Ánh mắt bà nhìn xuống tôi. Ánh mắt lúc đó có lẽ còn có hình bóng tôi.

Ba tiếng đồng hồ sau, dàn kèn tới, âm vang bài “Lòng Mẹ” thô tháp vang lên khắp xóm. Mọi người lục tục tới. Cô em tôi đưa khăn áo sô cho tôi khoác vào. Chiếc áo may sẵn chật ních chật nang như muốn nứt ra. Hồn tôi như cũng muốn nứt ra. Tôi ôm tấm hình bà đi trước quan tài như ôm chính bà một năm trước, khi tôi rời bà ra đi. Mợ có nhận ra con không? Tôi thầm nói. Khi người ta đẩy chiếc quan tài vào lò thiêu, tiếng bánh xe cành cạch từng nhịp chậm rãi, đầu tôi ngật ngừ. Tôi đang mất bà hay tôi đã mất bà từ lâu, khi bà một mình đi vào miền mung lung mờ mịt không ngày tháng. Tôi bỗng bật khóc.

Song Thao

Không có nhận xét nào: