Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Tại sao xã hội Việt Nam ngày càng “tào lao xịt bụp”? - CAO HUY THỌ

Có ai thông thái giải đáp giùm được không?…
1- Tại sao một người phụ nữ với cách ăn nói mà bất cứ những ai có học hành tử tế đều không thể nói như thế, nhưng lại thu hút hàng triệu người theo dõi? Trong khi đó, những tờ báo chính thống với bộ máy hàng trăm con người, cày như trâu nhưng có nằm mơ cũng không bằng một góc bà ấy! Có người giải thích rằng vì bà ấy đã bóc mẽ được các ngôi sao showbiz. Nhưng thế thì hỏi tiếp: Sao một danh hề lại hô một phát có 14 tỷ đồng làm từ thiện, trong khi bộ máy các cơ quan báo chí chính thống, bộ máy Mặt trận Tổ quốc kêu khản cổ không ra?
<!>
2- Tại sao một chàng trai trẻ như Khá Bảnh khi đi về Yên Bái đã có cả ngàn học sinh đeo đi đón, lên mạng buông ra vài lời thì có cả triệu view?

3- Tại sao một đội bóng như Hoàng Anh Gia Lai tuy xét về trình độ còn xa lắc xa lơ với đỉnh thế giới, nhưng trang YouTube của đội này thì sánh vai với những Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich, M.U. trong top 5 thế giới về lượng người theo dõi? Tại sao những đội bóng Hà Lan, Bỉ bình thường chỉ có 10-20 ngàn người theo dõi trang web của họ bỗng dưng tăng vọt đến con số triệu khi thuê các cầu thủ Việt Nam sang ngồi ghế… dự bị? Nhưng rồi con số triệu ấy chả mang lại lợi ích gì mà chỉ thuần là sự phiền toái, nên họ đều tiễn các cầu thủ Việt Nam về nước cho đỡ nhức đầu với những làn sóng tấn công từ “Fan ViNa”, khi cầu thủ con cưng không được ra sân!

4- Tại sao một cô gái Việt Nam đi dự thi Hoa hậu Hoàn vũ chỉ xếp hạng 21 nhưng xét về bình chọn trên mạng thì dẫn đầu?


Có vô vàn câu hỏi như thế đã được đặt ra về những hiện tượng bất thường trong xã hội Việt Nam. Và cũng đã có vô vàn câu trả lời. Đại loại: rằng dân trí Việt Nam thấp (cái này nhạy cảm lắm, nên ai đưa ra đều nhận gạch đá đủ xây biệt thự); rằng dân ta rảnh rỗi, thất nghiệp nhiều. Thậm chí, nặng nề hơn, rằng người Việt Nam đang khủng hoảng niềm tin. Những người lẽ ra nói đáng phải được tin thì hỡi ôi, chả đáng tin chút nào; vậy nên nhiều người hoang mang, đi tìm những cái gì tuy bỗ bã, nhưng lại có vẻ thật…

Với cá nhân mình, tôi thử lý giải thế này: Ở nước mình không có sự rạch ròi. Ví dụ trong lĩnh vực báo chí, ở các nước tiên tiến, đâu là lá cải, đâu là báo tử tế đều rõ ràng lắm. Con người, dù trí thức hay không trí thức, đều có máu tò mò, ưa chuyện giật gân, và đặc biệt là hậu trường ngôi sao. Mấy thứ ấy, báo lá cải đáp ứng đủ. Có điều, người ta đọc xong là vứt sọt rác, không hề đọng lại điều gì trong đầu. Mấy tờ lá cải, mấy ông danh hề cứ lo chuyện mua vui cho thiên hạ, xong đút tiền vào túi mà đi hưởng thụ. Còn ở ta, lá cải, danh hề gì cũng vỗ ngực nói chuyện đạo đức; còn những nhà đạo đức (đương nhiên nói chuyện đạo đức “hay như sách”) thì trong thực tế thối hoăng! Và rồi, giờ đây thì tới báo tử tế cũng chạy theo lá cải để kiếm view… Tất cả đều đảo lộn. Ông cũng như thằng-Thằng cũng như ông!

Tuy nhiên, tất cả mọi sự giải thích đều chưa thật thuyết phục, vì chỉ là góc nhìn hạn hẹp của một người, hay một nhóm người. Trong khi đó, những nghiên cứu khoa học, nhằm đưa ra các bằng chứng thuyết phục để chứng minh cho một góc nhìn thì hoàn toàn không có.

Còn nhớ hồi nhân vật Khá Bảnh đình đám trên mạng, tôi đề xuất báo nhà (*) làm một chuyên đề ra tấm ra món. Cụ thể, phải gặp Khá Bảnh để giải mã con người này; phải gặp các em học sinh ở Yên Bái để hỏi, tìm hiểu xem các em tìm thấy điều gì hấp dẫn ở anh chàng này; phải phối hợp với các nhóm điều tra xã hội học… vân vân và vân vân… Bởi đừng nghĩ đơn giản rằng đó là một tên giang hồ vặt, có gì mà lớn chuyện. Ồ, không lớn chuyện sao được, khi thủ lĩnh thanh niên đi đâu chả có bạn trẻ nào tự động đi đón, còn Khá Bảnh cứ như người hùng. Tôi từng hỏi một cậu học sinh lớp 9 ở Sài Gòn nghĩ gì về Khá Bảnh? Cậu nhỏ đáp: Anh ấy hay mà. Anh ấy đâu phải là người hư hỏng. Mọi người xem clip anh ấy dạy đàn em chưa? Đi xe máy vào làng không được nẹt pô nhé, gặp người lớn phải thưa gởi nhé… Và kèm theo mỗi lời dạy là một roi phết vào mông.

Ồ, vậy Khá Bảnh dạy đàn em giang hồ vặt rất chuẩn mà. Vì vậy, túm Khá Bảnh cho vào tù vì một cái tội chứa hàng cấm không thuyết phục được đám trẻ là fan của cậu ta. Và chưa kể, không có Khá Bảnh này thì có Khá Bảnh khác mọc lên mấy hồi

Thế thì phải làm sao để trả lời hàng loạt các câu hỏi nêu ra? Đó là việc của các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về xã hội vậy. Tôi vẫn nhớ như in các nhà nghiên cứu xã hội ở Hàn Quốc một thời tranh luận với nhau dữ dội trước tình trạng giới trẻ nước này nhuộm đầu vàng như Tây phương. Người ta sợ giới trẻ “Ù-pa” mất gốc. Thế rồi World Cup 2002, các nhà xã hội học Hàn Quốc lao vào thống kê, nghiên cứu, phỏng vấn… cái biển người xuống đường ủng hộ đội tuyển quốc gia họ. Và cuối cùng kết luận được đưa ra: “Đầu vàng” cũng chả sao, đó chỉ là hình thức; còn máu vẫn là Triều Tiên mà thôi. Và thế là, dựa trên những nghiên cứu nghiêm túc để có kết luận đó, sự kiện dân Hàn với World Cup đã được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho trẻ con về lòng yêu nước.

Vì vậy, cần lắm những nghiên cứu xã hội học về các hiện tượng-sự kiện bất thường ở Việt Nam hiện nay, để có câu trả lời thật khoa học: đáng lo hay không đáng lo? Nếu đáng lo thì phải làm gì?… Nhưng nghiệt một điều, ai là nhà nghiên cứu xã hội học đủ tâm và tầm để làm? Hay lại ngốn một mớ tiền rồi “đẻ” ra một công trình đầu voi đuôi chuột, xong đem đút vào ngăn kéo làm bạn với bụi thời gian? Tôi nhớ ngày xưa đi học, có một ông thầy là giáo sư tiến sĩ khoác chiếc áo “nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam” rất đáng kính; nhưng hỡi ôi, sau này bị phanh phui mới biết ông ta là trùm đạo văn…

Nghĩ đến đó tụt hết cả hứng!
(*) Tác giả là thành viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ


Không có nhận xét nào: