Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Danh Nhân Đất Việt - Thầy TUỆ SĨ

Tuệ Sỹ, tục danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1943 tại Paksé, Lào, quê tại Quảng Bình, Việt Nam. Ông là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với Chính phủ Việt Nam. Ông hiện là Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Ông thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật.[1] Lúc bị bắt năm 1984, ông và Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đang soạn thảo quyển Bách khoa Phật học Ðại Tự diển.
<!>
Ông quy y Phật lúc 7 tuổi, học Phật pháp trong Viện Hải Đức tại Nha Trang, rồi sau đó là tại Thiền viện Quảng Hương Già Lam tại Sài Gòn.

Ông tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học năm 1964, Viện Đại học Vạn Hạnh phân khoa Phật học năm 1965, được đặc cách bổ nhiệm là Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ nhiều công trình nghiên cứu và khảo luận triết học nổi tiếng. Ông là Chủ bút của tạp chí Tư tưởng do Viện Đại học Vạn Hạnh phát hành. Ông cũng làm thơ, viết một số truyện ngắn đăng trên tạp chí Khởi hành (1969–1972), Thời tập (1973–1975). Ngoài ra, ông cũng hiểu biết rất nhiều trong lĩnh vực triết học Tây phương. Ông là người đầu tiên thuyết trình về Michel Foucault tại Việt Nam.

Sau năm 1975 ông về lại Nha Trang, đến năm 1977 thì vào TP. Hồ Chí Minh sống tại Thị Ngạn Am, chùa Già Lam. Đầu năm 1978, ông bị đưa đi học tập cải tạo 3 năm, đến năm 1981 thì được trả tự do.

Ngày 1 tháng 4 năm 1984 ông bị bắt cùng với ông Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát). Tổ chức Ân xá Quốc tế tin rằng nguyên nhân việc bắt giữ Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu là do 2 ông là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) và các lưu tâm cũng như kính trọng các công trình nghiên cứu về Phật giáo và tác phẩm của họ đã phát sinh vào thời điểm chính quyền Việt Nam đang cố gắng kiểm soát hội Phật giáo.

Tháng 9 năm 1988, ông và Lê Mạnh Thát bị tuyên án tử hình vì tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Tháng 11 năm 1988, sau một cuộc vận động giảm án, bản án được giảm xuống còn tù chung thân. Ngày 1 tháng 9 năm 1998, ông được thả tự do từ trại Ba Sao–Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam. Trước khi thả, nhà cầm quyền CS yêu cầu ông ký vào lá đơn xin khoan hồng để gửi lên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ông trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi!”. Công an nói không viết đơn thì không thả, thầy không viết và tuyệt thực. Chính quyền Cộng sản đã phải phóng thích ông sau 10 ngày tuyệt thực. Một năm sau đấy, do vì tiếp tục hoạt động cho GHPGVNTN, ông cùng với Thích Quảng Độ lại bị đe dọa giam giữ và bị công an triệu tập tra hỏi.

Năm 1998, tổ chức Human Rights Watch đã tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards cho ông và 7 người Việt khác (Hoàng Tiến, nhà văn Lữ Phương, Nguyễn Ngọc Tần, Phạm Thái Thuỷ, Thích Trí Siêu và 2 người được giấu tên). Tháng 4 năm 2000, công an đã đến khám xét chùa nơi cư ngụ của Thích Quảng Độ và Thích Tuệ Sỹ. Năm 2004, đài RFA tin rằng ông Thích Tuệ Sỹ vẫn còn đang quản thúc tại gia.

Tác phẩm:
   
      1. Sáng tác

Bát quan trai giới
Cửa Vào Tuyệt Đối
Chiến tranh, tình yêu, hoài niệm và truyện ngắn Võ Hồng
Dẫn vào Tâm Kinh Bát Nhã
Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo
Du-già Bồ-tát giới
Duy-ma-cật Với Các Đại Thanh Văn
Duy tuệ thị nghiệp
Đạo Phật và thanh niên
Đối Biện Bồ Tát
Giấc mơ Trường Sơn (thơ)
Giới thiệu Phẩm Phương Tiện Thiện Xảo, Kinh Duy-ma-cật
Giới thiệu Phẩm Văn-thù thăm bịnh, Kinh Duy-ma-cật
Giới thiệu Trung Luận kệ tụng - Phạn Tạng Hán đối chiếu toàn dịch
Giá trị đối chiếu trong những tương quan văn hóa
Góc Tùng
Huyền thoại Duy-Ma-Cật
Kinh Hoa Nghiêm: Lý tưởng Bồ-tát và Phật
Khái niệm về số trong Kinh Dịch
Lễ Tháng Bảy Cho Những Oan Hồn Phiêu Bạt
Lô Sơn Chân Diện Mục
Mười huyền môn: trật tự của thế giới trong tương quan vô tận
Nguồn gốc của một thế giới quan vô tận
Ngục trung mị ngữ
Nhân đọc Triết Học Thế Thân
Những điệp khúc cho dương cầm (thơ)
Những Giá Trị Phổ Quát Của Bồ Tát Hành
Piano Sonata 14
Phát triển Tâm Từ
Phật Dạy Chăn Trâu
Reduction to the Nothingness
Sự hủy diệt của một trào lưu tư tưởng
Sư Thiện Chiếu
Tánh không luận là gì?
Tinh hoa triết học Phật giáo
Tư tưởng Phật giáo đối diện với hư vô
Từ Thiền đến Hoa Nghiêm
Thắng Man Giảng Luận
Thanh Sắc Thi Ca
Thiền và Bát-nhã
Thuyền ngược bến không
Tô đông pha những phương trời viễn mộng
Trật tự của thế giới trong tương quan vô tận
Trú xứ của Bồ-tát
Văn Minh Tiểu Phẩm
Về những minh họa từ Thiền Uyển Tập Anh
   
      2. Dịch Thuật

A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận 1,2,3,4, và 5
Các Tông Phái Phật giáo
Kinh Duy Ma Cật sở thuyết
Luận Thành Duy Thức
Tạp A-hàm
Tăng nhất A-hàm
Trung A-hàm
Trường A-hàm
Thiền Luận 2 và 3

===

Tuệ Sỹ - Thái độ của nhà sư nhập thế

Cung cách dung dị, hiền từ tay lần chuỗi hạt chẫm rãi, tự tại trong nhà Thiền, bên tách trà sen bốc hơi ấm, đó là hình ảnh thân thương, tôn kính toát ra từ vị Sư Trụ Trì nơi các Tổ Đình, Cổ Tự của nhiều thập niên, nhiều thế kỷ qua. Hình ảnh ấy là biểu tượng của các bậc Thạch Trụ Thiền Gia, Long Tượng Thạc Đức, là bài thuyết pháp vô ngôn, thân giáo thanh tịnh, giới đức tinh nghiêm. Đó chính là nơi quy ngưỡng của hàng Phật tử bằng lý tưởng tu tập và phụng sự làm lợi ích, an lạc cho tha nhân.

Dưới mọi hành trạng, ứng xử thích nghi với đời, để thể hiện công hạnh độ sinh, ban vui cứu khổ mà tinh thần nhập thế của đạo Phật tùy duyên, vô tướng hiện bày khắp chốn, thời gian cho từng người, cho từng quốc gia, xã hội. Tinh thần nhập thế ấy, đã trải dài suốt một dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam mà cũng là dòng lịch sử Phật giáo thế giới, qua bao thăng trầm vinh nhục của loài người.

Bằng bài học nhập thế, nhằm góp phần xây dựng quê hương thanh bình thịnh trị cho dân tộc được hạnh phúc, tự do cho những thế hệ kế thừa có tình thương đồng loại, Thầy Tuệ Sỹ đã đi trên con đường mà từ ngàn xưa chư vị Tổ Sư, Tiền Nhân đã đi, đã hành sử những hạnh nguyện mà các bậc Thầy đã ứng xử qua thái độ nhập thế như là một hiện thân vì con người.

1. Thái độ nhập thế qua công trình trước tác, dịch thuật, thơ văn.

Để góp phần làm giàu đẹp cho gia tài văn hóa nước nhà, cũng như Đạo pháp, Thầy đã dành phần lớn thời gian, công sức để trước tác, dịch thuật Kinh Luật Luận, nghiên tầm các hệ phái triết học, tư tưởng Đông Tây và cũng chính từ đó, Thầy đã đi vào “Những Phương Trời Viễn Mộng.”

* Lãnh vực Đạo học, Kinh Luật Luận:

Bằng sở tri lịch lãm, kiến văn sâu xa mà nhất là cổ ngữ chữ Nho, Pàli, Sankrit là phương tiện duy nhất để phiên dịch Tam Tạng. Những bộ kinh Thầy đã hoàn tất như bộ A Hàm, Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Thắng Man Phu Nhân...

Bộ Kinh A Hàm được xem là bộ Kinh tiêu biểu cho nền tảng của Phật giáo Nguyên Thủy. Tất cả những thời kinh mà Đức Phật đã thuyết giảng trên con đường hoằng hóa, làm tươi mát cho mọi đời sống từ Vua quan cho đến hàng dân dã, từ tầng lớp đạo sỹ cho đến hàng nông nô, từ những tướng cướp giết người cho đến hàng kỹ nữ lang bạc, tất cả đều được hóa độ để trở thành bậc Thánh. Đó là tinh thần giáo pháp làm sống dậy tình người, ngày thêm hương sắc để đưa đến chân trời thánh thiện.

Thầy dịch bộ A Hàm, cho chúng ta thấy được rằng: lời Phật dạy xây dựng một đời sống chân hạnh phúc gia đình quốc gia xã hội. Đây được xem như tinh thần nhập thế tích cực. Đời sống của người cư sỹ Phật tử hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. Một cái nhìn rất nhân bản và cấp tiến trên tình thương yêu đồng loại, liên đới giữa cá nhân và cộng đồng loài người trên thế giới. Các mối tương quan tốt đẹp giữa Cha Mẹ và con cái, giữa Thầy và trò, giữa bạn bè và bà con xóm giềng, giữa người chủ và thợ... Thầy đã mang hành trang chữ nghĩa, ý kinh để làm nguồn cảm hứng giác ngộ cho những ai đem tâm sưu khảo, nghiên tầm và áp dụng giáo pháp vào đời sống hằng ngày, để từ đó chứng đắc giáo pháp nơi tự thân mà được giải thoát.

Tinh thần nhập thế thứ hai là Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết và Thắng Man Phu Nhân, đây là hai bộ Kinh được tiêu biểu cho hạnh Bồ Tát tại gia của Trưởng giả Duy Ma Cật và Phu Nhân Thắng Man. Nơi đây, tinh thần nhập thế được mở rộng, hoàn toàn xả kỷ vị tha, phá trừ mê lậu vọng chấp, để thẳng tiến đến chân trời Phật tánh bình đẳng. Phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển là điều Thầy thường khuyên nhủ học Tăng phải thông Hán học, giỏi Pàli và rành Sankrit vì đó là những ngoại ngữ mà người muốn dịch thuật Kinh Luật Luận không thể không thông. Do vậy, Thầy đã dạy Phạn ngữ và Pàli hầu như suốt thời gian cho Tăng sinh Phật Học Viện để chuẩn bị cho nền dịch thuật sau này.

Thái độ nhập thế của Thầy được biểu lộ qua “Tự Ngôn” của bộ luật Tứ Phần: “Chúng tôi hy vọng những đệ tử kế thừa y bát của Hòa Thượng sẽ chú tâm thực hiện các Phật sự này, một là để không phụ ân đức giáo dưỡng tài bồi của Sư Trưởng, hai là góp phần vào sự tăng trưởng hưng thịnh của Tăng già, tiếp nối mạng mạch của chánh pháp, làm chỗ nương tựa và phước điền cho thế gian.”

Như vậy, công trình nghiên cứu dịch thuật của Thầy nhằm mục đích là hoàn thành bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam để cho người Phật tử dễ dàng trì tụng, tham vấn mà không còn lệ thuộc vào ngôn ngữ cũng giống như các quốc gia khác. Đây là công trình lâu dài và to lớn mà Thầy đã góp một phần quan trọng trong công việc phát huy và bảo tồn nền văn hóa, học thuật đạo pháp.

* Lãnh vực thế học thơ văn:

Mang hành trang vào đời bằng ngôn ngữ thi ca, Thầy đã tham cứu các tư tưởng triết học từ Âu sang Á. Trong bài Cogito Bát Nhã - Dưới ánh sáng của Hiện Tượng Luận, nơi đây Thầy đã gặp Descartes, Husserl là những nhà toán học, triết học, đã đề cập đến trong cuốn “Tư Tưởng Dẫn Đạo Vào Hiện Tượng Học”. Husserl định nghĩa: “Hiện tượng học là một khoa học căn bản đặt nền cho triết học; nó được gọi là khoa học về hiện tượng.” Hay trong bài so sánh các vấn đề triết học Phật giáo, Thầy đã có lệ ngôn: “Cogito là một danh từ La Tinh có nghĩa là “Tôi suy tưởng” rút trong nguyên lý triết học của Descartes: “Cogito ergo sum - tôi suy tư tức tôi hiện hữu”...

Sau này Husserl, Sartre, Heidegger lần lượt theo Descartes suy niệm về bản thể của tri thức và đem lại cho danh từ Cogito những nội dung khác nhau. Do đó, chúng tôi cũng có ý mượn danh từ Cogito là một đề mục cho sự nghiên cứu bản thể tri thức siêu nghiệm của Đức Phật, trong loạt bài so sánh triết học Đông Tây của chúng tôi mang tính triết học lồng vào tư tưởng Tánh Không Luận là gì ? Thầy đã mượn lời nói của Heidegger: “Aus der Erfahrung des Denkens”. “Có thể vay mượn những lời nói như vậy để khởi đầu cho sự chờ đợi tiếng vọng đáp ứng của những gì đó đang ẩn mình trong bóng tối... kiên trì và dừng lại để chờ đợi trong sự bế tắc là liều lĩnh ký thác mình cho một cuộc chơi ngoạn mục của thiên diễn, là liều lĩnh đứng lại giữa dòng thác đổ của vạn hữu.”

Trong cái thường có cái bất thường. Trong cái thuận dòng có cái nghịch dòng được diễn bày thiên lưu thiên biến, trong ý niệm triết học, tư tưởng, tri thức mà Thầy đã tạo dựng nên khung trời nghịch thường đó: “Không chịu tiệm tiến từng bước vững chắc như những đợt nhảy của con chim hồng: nhảy bên bờ nước, nhảy đến tảng đá, nhảy trên đất cạn, nhảy trên cành cây, nhảy lên gò cao và cuối cùng bay trong thương khung để lông cánh làm đẹp cho bầu trời.” Và để từ đó trả lời Tánh Không Luận là gì? Như là: “Khi con bướm mùa hè dừng lại trên đóa hoa, khép lại đôi cánh và đong đưa theo cơn gió của cỏ nội hoa ngàn.” Hay một định nghĩa khác: “Trong tư tưởng, mọi sự trở thành cô liêu và lững thững.” Ấy là Triết học Tánh Không được nói bằng ngôn ngữ của Thầy với thái độ của kẻ sĩ nhập thế.

Từ chân trời triết lý phương Tây, Thầy đã trực nhập vào nền triết học Đông phương tiêu biểu là nền triết học Trung Hoa. Những nhà thơ Đào Tiềm, Dã Đảo, Lý Bạch, Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị ... Thầy đã đều gõ cửa ghé thăm để bầu trời thơ của Thầy phiêu diêu lãng đãng, như hương, như sắc hiến tặng cho đời.

Đại diện cho nền triết học Trung Hoa là Kinh Thi và Kinh Dịch. Nơi đây, chúng ta nghe Thầy nói:

“Kinh Thi và Kinh Dịch như đôi cánh của con chim nhạn chuyên chở định mệnh của lịch sử Trung Hoa bay lượn suốt mấy mươi thế kỷ trên vòm trời Viễn Đông. Dịch trải rộng con đường cho những bước đi lịch nghiệm trong cuộc tồn sinh; Thi là tâm nguyện khẩn thiết và trung thực từ giữa chỗ sâu thẳm của tình người và lòng người được mang ra để lịch nghiệm cuộc lữ mà Dịch đã phơi bày ra đó. Âm hưởng của Thi là tiếng vang của nhịp bước trong cuộc lữ.”

“Lý Bạch là một trong những tay lái cự phách và có thể là nhất. Lãng đãng với tài hoa vừa lãng mạn vừa kiêu hùng nên quyến rũ và tạo ra một trường say sóng. Say trong một buổi tiệc, lượm lặt những vật phế khí của trời đất, để thống ẩm cuồng ngông. Gậy lục ngọc của Lý Bạch được mượn để gõ lên đầu lịch sử, đẩy lịch sử vào mê cung bát trận đồ.”

“Thơ vẫn là một cuộc lịch nghiệm Riêng và Chung của Thời Đại và Lịch Sử. Từ cuộc Riêng, Thơ nương theo đôi cánh Thi và Dịch để đi về nơi Hoằng viễn, dẫn lịch sử uyên nguyên tụ hội với thời đại.”

Bằng cách nói của biện chứng pháp hay để kết thúc ý niệm triết lý, tư tưởng, Thầy viết:

“Bao lâu con người còn đắm chìm trong triết lý, khái niệm và ngôn từ của triết lý, thì bấy lâu, con người vẫn là một kẻ lữ hành trong đêm trường kinh khiếp.”

Thật sự Thầy muốn khơi dậy, đánh động tri thức tự tri, tự giác để đi trên con đường tu chứng hơn là triết lý, luận giải, phải thể hiện một đời sống thực tế có ích, có lợi cho chúng sanh, hơn là lý luận suông. Dù sự lợi ích ấy nhỏ nhặt, khiêm tốn, bình dị.

Phương trời viễn mộng, như là bầu trời thơ của Thầy đã kết tinh một tấm lòng vì quê hương, dân tộc, về một chặng đường lịch sử nguy nan, khốn khó mà con người phải mang nặng trên đôi vai sinh tử của thời đại. Phương trời viễn mộng đó, mênh mông những vần thơ mang tính tự tồn, độc lập, kiêu hùng của dòng lịch sử quê Cha, đất Tổ mà Thầy luôn mãi là đứa con của giống nòi, lênh đênh theo dòng sử mệnh quê hương.

“Tiếng trẻ khóc ngân vang lời vĩnh cửu
Từ nguyên sơ sông máu thắm đồng xanh
Tôi là cỏ trôi theo dòng thiên cổ
Nghe lời ru nhớ mãi buổi bình minh.

Buổi vô thủy hồn tôi từ đáy mộ
Uống sương khuya tìm sinh lộ viễn trình
Khi nắng sớm hôn nồng lên nụ nhỏ
Tôi yêu ai, trời rực ánh bình minh.”

(Bình Minh – Tuệ Sỹ)

Từ thời lập quốc, từ thủa sơ khai của nước nhà Lạc Việt là thời thái bình, an cư lạc nghiệp, đó là buổi bình minh, là tiếng khóc đầu đời của dân tộc Việt có mặt trên dải đất dấu yêu. Để xây dựng cho giang sơn gấm vóc, bao anh hùng liệt nữ đã tô đậm non sông bằng máu đỏ của thân mình để làm tươi thắm ruộng đồng, mà hôm nay Thầy tiếp nối dòng sông lịch sử ấy, đem nước mát, phù sa phì nhiêu cho dân sinh nhuần đượm. Nhưng nay, thời thanh bình thịnh trị đó đã không còn để Thầy phải viết lên tâm tư qua “Bài Ca Cuối Cùng”:

Chim trời xếp cánh
Hát vu vơ mấy tiếng trong lồng
Nhớ mãi rừng cây thăm thẳm
Ủ tâm tư cho hạt thóc cay nồng
Rát bỏng với nỗi hờn tủi nhục

Nó nhịn ăn
Rồi chết gục
Ta đã hát những bài ca phố chợ
Người ăn mày kêu lịch sử đi lui
Chàng tuổi trẻ cụt chân từ chiến địa
Vỗ lề đường đoán mộng tương lai
Lộng lẫy chiếc lồng son
Hạt thóc căng nỗi hờn
Giữa tường cao bóng mát
Âm u lời ca khổ nhục
Nó nhịn ăn
Và chết.

Hình ảnh này là thực trạng của quê hương Việt Nam chúng ta hôm nay. Thầy đã đi từng vỉa hè, góc phố, chứng kiến cảnh trạng đau thương từ muôn người đến muôn vật, từ tình cảm đơn côi đến cái nhìn nhãn quan tổng thể. Thái độ nhập thế không chủ quan, phiến diện mà là tâm trạng đau buồn cho quê hương, dân tộc, ngang qua những hình ảnh xót xa đau đớn. Nỗi đau của dân tộc cũng là nỗi đau của chính mỗi người trong chúng ta. Nỗi đau của người Mẹ mất con, nỗi đau của bà con ruột thịt chia lìa, của cửa mất nhà tan, của một dân tộc bị lưu đày:

“Đêm qua chiêm bao ta thấy máu
Từ sông ngân đổ xuống cõi người
Bà Mẹ xoi tim con thành lỗ
Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời
Lồng son hạt cơm trắng
Cánh nhỏ run uất hận
Tiếng hát lịm tắt dần
Nó đi về vô tận.”

(Bài Ca Cuối Cùng – Tuệ Sỹ)

Bằng cái nhìn thẩm thấu, vì chan chứa tình thương đến mọi loài, vạn vật ngay cả loài vô tình cũng chiếu cố chẳng làm ngơ, khi mà tâm thức của Thầy bừng dậy như là sự sống của vạn loài chúng sinh.

“Lon sữa bò nằm im bên chợ
Con chó lạc
Đến vỗ nhịp
Trời mưa
Tôi lang thang
Đi tìm cọng cỏ
Nó nhìn tôi vô tư.”

(Tĩnh Thất 5 - Tuệ Sỹ)

Nỗi ưu tư của Thầy đã hòa quyện cùng nỗi ưu tư của mọi người, của từng cái sống và cái chết, cái hữu tình, cái vô tình, cái sứ mạng thiêng liêng cao cả được hiện hữu nơi đây:

"Lời rao trong ngõ hẻm
Đồng hồ điện !
Cầu dao !
Công tắc !
Những lời rao chợt đến, chợt đi
Một trăm năm mưa nắng ra gì
Cánh phượng đỏ đầu hè ai nhặt?"

(Tĩnh Thất 8 - Tuệ Sỹ)

Nhập thế để thấy thảm cảnh trên quê hương mình hôm nay, mà ai trong chúng ta có chút suy tư về dòng máu, con tim người dân nước Việt đều nhận chân ra một thực trạng như lời thơ của Thầy trong bài trường ca Tĩnh Thất:

"Con trâu trắng thẫn thờ góc phố
Nỗi hoài hương nhơi mãi nhúm trăng mòn
Đám sẻ lạnh gật gù trên mái đỏ
Sương chiều rơi có thấy lạnh nhiều hơn ?
Một chuỗi rắn rình mò trong hẻm nhỏ
Không bụi đường đâu có chỗ đi hoang ?"

Ngay đến những dã thú, loài vật cũng không có chỗ để đi trong ý nghĩa tự do của dân tộc ngay trên quê hương mình. Nhưng, dẫu có tang thương đến hoa kia cỏ này đi nữa, Thầy vẫn một lòng trung trinh với dòng lịch sử mấy nghìn năm văn hiến, được phát xuất từ núm ruột của Tổ tiên:

“Người đi đâu bóng hình mòn mỏi
Nẻo tới lui còn dấu nhạt mờ
Đường lịch sử
Bốn nghìn năm dợn sóng
Để người đi không hẹn bến bờ"

(Tĩnh Thất 24 - Tuệ Sỹ)

Và, với bổn phận, trách nhiệm của người dân, Thầy tự đặt hướng đi cho chính mình, việc làm cho chính mình. Vì, nếu không tự mình có trách nhiệm với quê hương dân tộc, không xây dựng lại cơ đồ thì ai sẽ đi xây dựng lại đất nước cho mình? Dù tấm thân có nhỏ, đôi tay có gầy như cọng cỏ lề đường, thì cũng mở lòng che chở trong tình đồng loại để nghe tiếng thì thầm của sông núi:

“ta không buồn
có ai buồn hơn nữa?
người không đi,
sông núi có buồn đi?
tia nắng mỏng xoi mòn khung cửa
để ưu phiền nhuộm trắng hàng mi
ta lên bờ,
nắng vỗ bờ róc rách
gió ở đâu mà sông núi thì thầm?
kìa bóng cỏ nghiêng mình che hạt cát
ráng chiều xa, ai thấy mộ sương dầm?"

(Tĩnh Thất 4 - Tuệ Sỹ)

 2. Thái độ nhập thế qua cung cách giáo dục như là tư tưởng vượt thoát của con đường Bồ Tát Đạo

Thầy đứng trên bục giảng của Đại Học Vạn Hạnh thời rất trẻ, những giáo sư đồng nghiệp được xem như bạn vong niên, do đó mà Thầy được gọi là “Chú Sỹ”. Mặc dù nhỏ tuổi, nhỏ con nhưng ai cũng ngưỡng phục cái đầu không nhỏ, cái kiến thức rộng rãi, cái chí nguyện cao vời và cái hạnh thâm trầm tinh tế của Thầy. Thầy đem sở học của mình trao truyền lại cho sinh viên và luôn luôn lưu tâm đến thế hệ kế thừa. Thầy thường hay nói:

“Đất nước có giàu đẹp vững mạnh đều trông nhờ vào lớp người tuổi trẻ hôm nay. Nguồn năng lượng để cung cấp cho đất nước là khả năng và kiến thức của tuổi trẻ. Nếu ngày nay tuổi trẻ không được đào tạo, học hành kỹ lưỡng thì đó là cái lỗi của thế hệ Cha Ông, chúng ta phải thấy điều đó mà ra công xây dựng tài bồi cho tuổi trẻ.”

Thầy luôn ưu tư đến con đường giáo dục và lúc nào Thầy cũng muốn dạy, dù có lớp học hay không, hoặc năm ba người mà dốc chí học, Thầy cũng không ngần ngại hướng dẫn. Hiện nay, Thầy có lớp giảng Duy Thức Học cho quý Thầy Cô cũng như Phật tử ở khắp thế giới trên Paltalk, đó là tinh thần giáo dục của Thầy. Từ nơi đại học phổ thông cho đến lớp cao đẳng chuyên khoa Phật Học, Thầy đem sự hiểu biết của mình trong Kinh Luật Luận giảng dạy lại cho các thế hệ sau, như trong bài Đạo Phật và Thanh Niên, Thầy viết:

“Lời Phật cần ghi nhớ: “Chúng sanh là kẻ thừa tự những hành vi mà họ đã làm” và còn có lời Phật khác nữa: “Hãy là kẻ thừa tự chánh pháp của Như Lai, chớ đừng là kẻ thừa tự tài vật.”

“Các bạn trẻ học tập để chuẩn bị cho mình xứng đáng là kẻ thừa tự. Kế thừa gia nghiệp của Cha Ông, của dòng họ. Kế thừa sự nghiệp của dân tộc. Kế thừa di sản của nhân loại. Dù đặt ở vị trí nào, bản thân của các bạn trẻ, trước hết sẽ phải là người thừa kế thành công hay thất bại trong sự nghiệp kế thừa của mình, đó là trách nhiệm của từng người, của từng cá nhân. Hãy tự đào luyện cho mình một trí tuệ, một bản lãnh để sáng suốt lựa chọn hướng đi, và dũng cảm nhận chịu trách nhiệm những gì ta đã lựa chọn và gây ra cho bản thân và cho cả chúng sanh.”

Giáo dục theo phương pháp tự tri, tự giác để thừa tiếp gia tài quê hương, dân tộc mà gia tài đó phải được đón nhận bằng đôi tay cẩn trọng, bằng trái tim nồng ấm của tuổi trẻ. Sự giáo dục con người, không phải chỉ giảng dạy bằng chữ, bằng nghĩa, bằng văn chương từ ngữ, mà Thầy luôn khơi tạo ý thức tự thân qua cái nhìn xuyên suốt dòng lịch sử nước nhà. Sự giáo dục trách nhiệm cá nhân với chính nó. Sự giáo dục mối tương quan giữa mình và người. Sự giáo dục tình cảm gắn bó giữa gia đình và xã hội. Đây chính là sự giáo dục nhập thế mà Thầy đã vạch ra cho tuổi trẻ hôm nay, hướng thân lập mệnh trên hành trình xây dựng đất nước. Tính chất giáo dục này chính là tư tưởng vượt thoát, không vướng mắc bởi những thế lực thế gian, đảng phái mà chỉ một lòng hướng tâm thuần túy, trên sự hưng thịnh của quê hương dân tộc.

Sự giáo dục được thấm nhuần tinh thần Bồ Tát Đạo, biết hy sinh để cống hiến cho đời. Con đường Bồ Tát hành sử là hóa độ chúng sanh, tạo niềm bình an hạnh phúc cho kẻ khác. Giáo dục vượt thoát để không bị câu thúc nơi thế tục, quyền lực thế gian vây hãm. Nhưng, hôm nay, nền giáo dục vượt thoát, tự tri đó đã bị dập vùi, tẩy xóa, đó là nỗi đau thương của Thầy cũng như của bao người còn chút tình quê hương đất nước.

Thái độ giáo dục nhập thế như là cái nhìn sâu vào những vết hằn, vào những vết sẹo loang lổ trên thân hình dân tộc, quê hương, Đạo pháp, để thấy tận mắt bằng trái tim non của tuổi trẻ, bằng ý thức gầy dựng và bảo tồn di sản ngàn đời của Cha Ông, mà dường như bị ném vào bóng tối. Trong cung cách của nhà giáo dục nhập thế, Thầy đã vực dậy những gì đã bị sụp đổ, chỉ cho thế hệ trẻ nhìn thấy nỗi tủi nhục, thương đau, qua Thư Gửi Tăng Sinh Thừa Thiên-Huế:

“Thế hệ các con được giáo dục để quên đi quá khứ. Nhiều người trong các con không biết đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là gì; đã làm gì và cống hiến những gì cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, hòa bình dân tộc, trong những giai đoạn hiểm nghèo của lịch sử dân tộc và đạo pháp của đất nước - Một quá khứ chỉ mới như ngày hôm qua, di sản vẫn còn đó nhưng đã bị chối bỏ một cách vội vàng - Di sản được tích lũy ròng rã hằng thế kỷ, bằng bao tâm tư khổ lụy đau thương bằng máu và nước mắt của biết bao Tăng Ni, Phật tử; mà những người gầy dựng nên di sản đó bằng bi nguyện và hùng lực của mình, có vị bị bức tử bởi bạo quyền, có vị suốt năm tháng dài chịu tù đày, bị lăng nhục. Nhưng sống hay chết, vinh hay nhục, không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia.”

Trước ngưỡng cửa vong thân của một thế hệ, và thấy đó là hiểm họa của dân tộc quê hương, vì thế trên mọi lãnh vực: văn hóa, giáo dục, thi ca... Thầy đều thể hiện tinh thần phụng sự của mình cho công cuộc hồi sinh một quê hương quá nhiều đổ nát. Do đó, con đường giáo dục toàn diện là nền tảng quan trọng cần phải xây dựng, bảo trì. Thầy cũng như mọi người chúng ta đều nhìn thấy tương lai đất nước như thế nào, khi một quốc gia với hệ thống giáo dục lỏng lẻo, nhiều thế hệ con em bị thất học, dân trí thấp kém và đầy dẫy những tệ nạn xã hội ?

3. Thái độ nhập thế qua bản án tử hình và cái dũng của sỹ phu.

Nếu là một con người bình thường, không lưu tâm đến sự thịnh suy của đất nước, không đặt hướng đi để kéo quê hương dân tộc dừng lại để không bị rơi vào hố thẳm suy vong, thì chắc hẳn Thầy không bị bao lần tù tội, để đưa đến bản án tử hình năm 1984. Và nếu không phải là một Tăng sỹ với tâm nguyện xây dựng quê hương, đất nước được thanh bình, tự do và nhất là một thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có tiếng nói trung thực, thẳng thắn thì chắc rằng Thầy đã không bị canh gác, giam lỏng như trong một nhà tù lớn. Vì tâm lượng của một kẻ sỹ chân chính đối với đất nước, vì tiền đồ của Đạo pháp đối với lý tưởng xuất gia mà Thầy đã khởi xướng ý thức độc lập, Thầy đã khuyên nhủ đàn hậu duệ qua Thư Gửi Tăng Sinh Thừa Thiên-Huế:

“Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình.”

Chính thái độ nhập thế trực diện với chính quyền Hà Nội hôm nay, mà Thầy được xem như người tù của chế độ, do đó nhà cầm quyền đã không ngần ngại trao cho Thầy bản án tử hình.

Thầy đã không khiếp nhược khi bị kết án tử hình, Thầy vẫn tích cực đấu tranh viết các văn kiện, kháng thư, giác thư gởi đến chính quyền Hà Nội, Tập Thơ Ngục Trung Mị Ngữ, các văn thư tường trình Phật sự Giáo Hội được viết trong suốt thời gian ở tù cho đến ngày được thả, nhưng không ký giấy phóng thích, vì: “Không ai có quyền kết án tôi, thì cũng không ai có quyền ân xá tôi.”

Thầy đã gửi cho Quốc hội Hòa Lan bản văn Một Khía Cạnh Của Vấn Đề Nhân Quyền Tại Việt Nam, Tham Nhũng Một Quốc Nạn:

“Ở đây, tôi cũng xin bầy tỏ sự cảm kích sâu xa đối với cộng đồng Việt Nam hải ngoại đang đấu tranh cho một nước Việt Nam trong sáng và tự do. Tôi cũng xin gởi lời cám ơn đến các nhân sĩ Hòa Lan, trong tình cảm nhân loại đã trực tiếp can thiệp với chính phủ Việt Nam cho tôi được sang thăm viếng đất nước Hòa Lan, để có thể có điều kiện tự do hơn nói lên tiếng nói thầm lặng mà đã hơn một phần tư thế kỷ bị bóp nghẹt.”

Trong khuôn khổ một bài nói chuyện về thái độ nhập thế của Thầy, bị giới hạn bởi thời gian, hẳn sẽ có nhiều điều thiếu sót, có lẽ chúng ta nên đọc lại những bài viết của Thầy trong tác phẩm “Tuệ Sỹ Đạo Sư Thơ và Phương Trời Mộng” để nhìn thấy rõ tâm tình của Thầy hòa quyện với non sông gấm vóc, với dân gian làng nước, một tình người đơn sơ thuần hậu, mộc mạc chân thành, luôn ấp ủ tinh thần quật cường, khí khái truyền thống của giống nòi, dù chặng đường lịch sử ấy có thăng trầm, thành bại, kẻ sỹ vẫn ngẩng cao đầu không thẹn với đất trời:

“Hoàn cảnh đất nước Việt Nam như thế cho nên dân ta phải chịu quá nhiều đau thương và tủi nhục. Đối với giới trí thức nói riêng, mà xã hội Việt Nam truyền thống rất tôn trọng, điều tủi nhục lớn nhất là họ không thể thay những người dân thấp cổ bé miệng nói lên một cách trung thực tất cả những uất ức, những khổ nhục mà họ phải chịu. Bởi vì, tại Việt Nam ngày nay những người có thể nói thì ngòi bút đã bị cong; những người muốn nói thì ngòi bút đã bị bẻ gẫy.

Nhưng tôi rõ một điều, và điều đó đã được ghi chép trong lịch sử: Trí thức chân chính của Việt Nam không bao giờ khiếp nhược.”

Thầy đã vì quyền lợi của quốc gia dân tộc mà đạo đạt ý nguyện, giải bày nỗi thống khổ, bất công của người dân lên các cấp chính quyền, nhưng, giống như tiếng kêu trong sa mạc, âm vang của tiếng vọng từ xa, tiếng gào thét vẫn không đến tai những người cầm quyền, chi bằng tự mình dấn thân đến cửa công quyền để tận tay gửi Giác Thư đến các lãnh đạo:

“Qua Kháng Thư này, mà với nhiều lý do như tôi đã trình bày, nó không được đạo đạt lên Đảng và Nhà nước theo đúng các quy định hành chính phiền hà của pháp chế xã hội chủ nghĩa, tôi muốn tự mình dẫn thân đến trước cổng bạo lực chuyên chính, dù biết chắc sẽ bị nghiền nát trước khi thoáng thấy những bóng mờ trên chín tầng vời vợi của uy quyền tuyệt đối; tự dẫn thân đến đó để cáo tri cùng quốc dân đồng bào, bày tỏ sự hèn kém, bất lực của mình trước vô vàn thống khổ mà đồng bào phải âm thầm chịu đựng.”

Đó là tâm tình và ý chí dõng mãnh của Thầy trước bạo lực, không cúi đầu khiếp sợ, giữ vững lập trường đứng về phía dân tộc và Đạo pháp, và cũng chính vì ý chí kiên cường đó mà Thầy phải chịu bản án tử hình của chế độ hôm nay. Thế nhưng, Thầy vẫn thanh thản, tự tại biểu hiện qua những bài thơ được viết ở trong tù, đó là chất liệu sống của bậc xuất trần không phiền, chẳng nhiệt, khi hiểu được rằng hóa độ chúng sanh cần phải giàu lòng từ bi, hỷ xả. Chính đức tánh từ bi, hỷ xả là thái độ nhập thế vững chãi để chiến thắng mọi trở lực bạo quyền, mọi sức mạnh và chướng duyên của lòng thù hận. Thầy đã đem tâm không để hóa giải tâm chấp thủ, đem lòng vị tha mà hóa độ kẻ hẹp hòi để tạo sự bình an và tịnh lạc cho tất cả. Thầy đã tự hỏi mình trong tập thơ “Ngục Trung Mị Ngữ” qua bài Tự Vấn:

Vấn dư hà cố tọa lao lung
Dư chỉ khinh yên bán ngục trung
Tâm cảnh tương trì kinh lữ mộng
Cố giao già tỏa diện hư ngung
Hỏi Mình
Hỏi mình sao phải lao tù?
Song thưa cửa ngục có tù được mây?
Kiên trì cuộc lữ vàng bay
Lời xưa còn đó phút giây không sờn.

Thân ở trong tù, nhưng tâm Thầy vẫn thư thái nhàn tịnh. Một tâm thức rỗng suốt để thấy mình với người không khác. Nỗi bi lụy của thế gian là nỗi đau của chính mình. Sự tù đày nghiệt ngã của các bậc Thầy Tổ, pháp lữ là nỗi đau rót vào trái tim của Chư vị Bồ Tát hóa thân vì đời mà kham nhẫn. Một tâm thức sâu thẳm để hàm tàng, chứa đựng tất cả hình ảnh của sum la vạn tượng, như hồ nước lặng im trong vắt chiếu soi hình bóng sơn hà đại địa như nhiên. Từ sự tĩnh lặng của chân tâm mới thấy rõ những nét thật hư, giả huyễn, những máu và nước mắt của trần gian nhiều hệ lụy, mà tự thân Thầy cũng đang ở trong cõi đời đầy nghiệt ngã ấy, qua bài thơ Cúng Dường:

Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn

Cúng Dường

Đây bát cơm tù con kính dâng
Cúng dường Đức Phật đấng Tôn Thân
Thế gian chìm đắm trong máu lửa
Lệ nhỏ không lời, lòng xót thương.

Tu hành là cầu mong giải thoát, nhưng sự giải thoát không từ bỏ thế gian. Tu hành từ nơi thế gian, nhưng cũng chính từ nơi thế gian để giác ngộ. Thầy đem tinh thần giác ngộ tung rải cho thế gian được tươi nhuận, thắm hồng.

Thái độ nhập thế ấy, bàng bạc trong tất cả thơ văn của Thầy, cũng như trong sinh hoạt thường nhật. Cuộc sống đơn sơ trong một căn phòng nhỏ, chung quanh bốn vách tường là những giá sách, ban ngày dịch thuật, trước tác, tối ngủ ngay trên chiếc ghế làm việc, không giường, không võng, không cầu kỳ trước tiện nghi vật chất. Bởi Thầy thấy được nỗi đau khốn cùng của người dân đói khổ, thấy đất nước nghèo nàn tụt hậu, mất hướng mà tự thân của Thầy cũng đang sống giữa lòng quê hương đói nghèo, tụt hậu ấy. Trong tinh thần từ bi, Thầy đang chia sẻ từng bài thuyết pháp, từng buổi giảng kinh, từng lời giáo huấn cho mọi người, cho hàng hậu học nhằm xây dựng tình người được gần lại với nhau, để nhìn cho rõ hình ảnh quê hương, tự tình dân tộc mà dựng xây bồi đắp, qua bài Đạo Phật với Thanh Niên:

“Chúc các anh chị có đầy đủ nghị lực để chinh phục những vương quốc cần chinh phục, để chiến thắng những sức mạnh cần chiến thắng.”

Đó là thái độ của nhà Sư, là tinh thần nhập thế trong ý nghĩa mong cầu hòa bình an lạc cho quê hương dân tộc Việt Nam hôm nay.

Chiều Thơ Nhạc – Giới Thiệu Tác Phẩm
“Tuệ Sỹ Đạo Sư Thơ và Phương Trời Mộng”
Nguyên Siêu

===

THƠ TÌNH TUỆ SỸ

Trong số những sáng tác của Thiền sư Thích Tuệ Sỹ, một số lớn được sáng tác trong thời gian một năm tác giả rút về sống cô độc làm rẫy trong rừng Vạn Giã từ 1976 đến 1977. Những bài thơ này được gom lại trong tập “Giấc mơ Trường Sơn”. Ngoài những bài thơ về núi rừng, về vũ trụ, về kiếp nhân sinh, còn có một số không ít bài về tình yêu, rất tha thiết và truyền cảm, là một điều khá ngạc nhiên khi tác giả là một thiền sư.

Nhớ con đường thơm ngọt môi em

Tóc em tung bay sương chiều khói biếc
Dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng
Tình hay mộng khi Trường Sơn xa hút
Ðến bao giờ mây trắng gởi tin sang

Hồn tôi đi trong rừng lang thang
Vọng lời ru từ ánh trăng tàn
Mắt em nhỏ ngại ngùng song cửa
Nghe tình ca trên giọt sương tan

Bóng tôi xa đêm dài phố thị
Nhớ con đường thơm ngọt môi em
Ơi là máu, tủi hờn nô lệ
Bóng tôi mờ suối nhỏ đêm đêm

Gót chân em nắng vàng xua viễn phố
Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim
Ôi ta nhớ như đêm dài thượng cổ
Sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim.

Bài thơ có bốn đoạn, mỗi đoạn bốn câu, tổng cộng chỉ có 16 câu. Cũng như các bài tình ca khác trong tập “Giấc mơ Trường Sơn”, bài thơ này là những lời tâm tình của tác giả đang sống một thời gian trong rừng vì một lý do nào đó, nói rõ hơn là rừng Trường Sơn, gởi gắm tâm sự mình đến một người con gái đang ở lại thị thành, hay là một thị trấn nào đó. Người thiếu nữ không tên hẳn là người yêu, hay cũng có thể chỉ là một người mà tác giả thầm thương nhớ.

Tác phẩm được sáng tác theo thể thơ mới, bắt đầu bằng một đoạn thơ 8 chữ, tiếp đến là hai đoạn thơ 7 chữ và cuối cùng chấm dứt bằng một đoạn thơ trở về 8 chữ.

Trong bài thơ, tác giả nói về mình, hoàn cảnh và nơi chốn mình đang ở, nói về người thiếu nữ, và nói lên niềm nhung nhớ của mình. Trong bài thơ 16 câu thì tác giả dành 5 câu nói về mình, 6 câu nói về người con gái ở xa, và 5 câu nói lên tâm trạng nhớ nhung. Một sự phân phối không thể nào sòng phẳng, đồng đều hơn.

Về chàng trai

Trong năm câu, tác giả cho biết nơi chốn mình đang ở và những chi tiết chung quanh khung cảnh sống của mình, một khu rừng hoang vắng ở một nơi xa xôi: “Hồn tôi đi trong rừng lang thang”, và: “Bóng tôi xa đêm dài phố thị”

Trong khung cảnh đó, có những nét thơ mộng: “Vọng lời ru từ ánh trăng tàn”

Nhưng quan trọng hơn là những nét đau thương, bi đát đáng ngại, chìm trong một bầu không khí buồn ảm đạm, nhưng tác giả không nói rõ thêm vì sao:

Ơi là máu, tủi hờn nô lệ

Bóng tôi mờ suối nhỏ đêm đêm.

Chúng ta hình dung một khung cảnh âm u bí hiểm, đầy bất trắc. Mặc dù có ánh trăng yếu ớt chiếu trên cao nhưng cảnh vật dưới đất chìm trong bóng tối, dưới những tàn lá dày. Một con suối giữa khu rừng hoang vắng và một bóng người lẻ loi. Người đọc không biết gì hơn về hành động của nhân vật này và hình như anh cũng không có một mục đích gì rõ rệt, vì hồn tôi đi trong rừng lang thang.

Nói tóm lại, chúng ta không biết gì nhiều về chàng trai trong rừng, chỉ biết chắc chắn rằng ngày đêm anh bị ám ảnh bởi hình ảnh một người con gái ở nơi phố thị.

Về nàng thiếu nữ

Tác giả bắt đầu bài thơ bằng hai câu nhắc đến kỷ niệm người con gái ở miền xa. Và hình ảnh đầu tiên về trong ký ức nhà thơ là mái tóc nàng:

Tóc em tung bay sương chiều khói biếc
Dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng

Khung cảnh hiện ra mang đậm màu sắc lãng mạn: “sương chiều khói biếc”. Hình ảnh không có gì mới nhưng vẫn giữ một sức gợi cảm cao. Một cuộc lên đường, một buổi chia tay xảy ra vào một chiều sương xuống bao giờ cũng làm cho cuộc chia ly thêm nặng sầu thương, hoặc thêm bi hùng, tùy theo hoàn cảnh, như hai câu trong bài “Tây tiến” của Quang Dũng:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ.

Ngoài “sương chiều” còn thêm “khói biếc” làm cho khung cảnh mang thêm một nỗi buồn vời vợi, khi ta nhớ rằng cảnh khói sóng trên sông vào lúc hoàng hôn trong những tác phẩm cổ điển bao giờ cũng gây nên một nỗi buồn man mác.

Tiếp theo là một hình ảnh rất mới: tóc em “dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng”. Tác giả trình bày ở đây một hình ảnh siêu thực, là một kỹ thuật rất mới trong thi ca. Đừng tìm hiểu tính cách “hợp lý” trong hình ảnh này. Vì thi ca siêu thực ép buộc ta nhìn thực tại dưới một góc cạnh hoàn toàn mới, khác lạ so với những gì các giác quan của ta cảm thấy trong điều kiện bình thường. Nhưng không phải muốn viết gì cũng được để tạo ra một hình ảnh “siêu thực”. Chúng ta biết chất liệu của thơ là ngôn ngữ. Đối với thi ca siêu thực thì điều này lại càng hết sức quan trọng. Hình ảnh siêu thực trước hết là một sự kết hợp ngôn ngữ thật hài hoà, tạo ra một chuỗi âm thanh quyến rũ, chiếm được sự đồng tình của người đọc. Việc này hoàn toàn không dễ. Ở đây chúng ta có thể thấy dấu ấn của một thi sĩ nhiều tài năng. Trong tay một người thợ xoàng, chúng ta chỉ có những kết hợp vụng về, ngây ngô.

Chữ bâng khuâng cũng giúp nhiều cho sức gợi cảm của hình ảnh. Tiếng Việt cũng như nhiều ngôn ngữ khác, có một số từ rất khó tìm một từ với ý nghĩa hoàn toàn tương đương trong một ngôn ngữ khác, như bâng khuâng, xao xuyến, bồi hồi, băn khoăn… có khả năng biểu lộ những ngỏ ngách sâu kín nhất của tình cảm con người. Điều này chứng tỏ mức độ tinh tế của một ngôn ngữ.

Hai câu tiếp theo:

Mắt em nhỏ ngại ngùng song cửa
Nghe tình ca trên giọt sương tan

Tác giả tiếp tục dùng phép đề dụ khi nhắc đến người con gái, tức là nói đến một phần thân thể để chỉ toàn người: từ mái tóc đến mắt em, và tiếp theo sẽ là gót chân em.

Hình ảnh người con gái bên song cửa không có gì mới, còn có tính cách ước lệ. Lưu Trọng Lư đã viết:

Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời.

(“Một mùa đông”)

Cũng như hình ảnh cổ điển của người chinh phụ:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.

(Chinh phụ ngâm)

Nhưng Tuệ Sỹ bổ túc chân dung người con gái bằng “mắt em nhỏ ngại ngùng” và một chi tiết rất lãng mạn: “nghe tình ca trên giọt sương tan” để vẽ lên bức tranh một người thiếu nữ ngây thơ trong trắng chưa phải va chạm với cuộc đời, yêu thích mộng mơ và lãng mạn cùng những thú vui giản dị.

Và hai câu sau cùng:

Gót chân em nắng vàng xua viễn phố
Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim

Chân dung người thiếu nữ bên song cửa được hoàn tất với “gót chân em” và “những ngón hồng”. Tính ngây thơ của nàng lại được nhắc lại với “Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim”, tăng thêm cảm giác nàng còn là một người trẻ tuổi trinh trắng, một con chim nhỏ hay một con gà con chưa đủ sức để tự vệ giữa bầy quạ ác.

Đoạn thơ trước là một đoạn thơ 7 chữ, chấm dứt bằng câu “Bóng tôi mờ suối nhỏ đêm đêm” gieo một không khí buồn tẻ, bi quan và ảm đạm cho bài thơ. Qua đoạn cuối cùng, với sự xuất hiện trở lại của người thiếu nữ, là những câu thơ 8 chữ, mở đầu bằng: “Gót chân em nắng vàng xua viễn phố”

Việc đầu tiên mà sự xuất hiện của nàng xua đi chính là bóng đêm và bầu không khí thê lương, nặng trĩu trước đó. Câu thơ chỉ có thêm một chữ mà chúng ta có cảm tưởng như câu dài ra nhiều, không gian như mở rộng ra. Cùng lúc với người thiếu nữ hiện ra, ánh nắng chói chan cũng tràn vào.

Bài thơ có bốn đoạn. Đoạn 1 và đoạn 4 là những đoạn thơ 8 chữ, bắt đầu bằng: “Tóc em tung bay…” (đoạn 1) và “Gót chân em…” (đoạn 4). Ở giữa là hai đoạn thơ 7 chữ, bắt đầu bằng: “Hồn tôi đi…” (đoạn 2) và “Bóng tôi xa…” (đoạn 3). Những đoạn này chủ yếu nói về chàng trai, có vẻ như chìm trong bóng tối nặng nề, u ám. Hai đoạn mở đầu và kết thúc bài thơ là những đoạn thơ 8 chữ, trùng hợp với kỷ niệm và hình ảnh người thiếu nữ, với những câu thơ rộng thênh thang giữa ánh sáng, thơ nhạc và niềm lạc quan.

Nhà thơ dùng những từ xưa như viễn phố, hay phố thị trên đây, và thượng cổ trong đoạn chót, cho bài thơ những nét hoài cổ, kín đáo và trang trọng, cộng thêm với những hình ảnh cổ điển tản mát trong bài thơ, khiến chúng ta hình như nghe phảng phất đâu đó giọng thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

Gác mái ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Nỗi niềm thương nhớ

Sau khi cho biết về mình, vẽ lên chân dung người con gái trong tâm tưởng, là những câu thơ tỏ bày niềm nhung nhớ day dứt của nhà thơ. Ngay trong đoạn đầu tác giả đã chỉ ra khung cảnh của niềm nhung nhớ:

Tình hay mộng khi Trường Sơn xa hút
Ðến bao giờ mây trắng gởi tin sang

Tác giả và nàng thơ như ở hai phương trời cách biệt, không có một phương cách liên lạc nào. Nếu người xưa trông vào tin nhạn thì nhà thơ chỉ có thể nhìn mây trời tìm một dấu hiệu nào đó, nhưng mây đâu có chuyển được tin mà nhìn mây lại làm cho lòng thương nhớ thêm nặng trĩu.

Nhớ con đường thơm ngọt môi em

Đây là cách hành văn tiêu biểu của ngôn ngữ thơ. Trên thực tế, không có con đường nào giữ lại được mùi thơm của môi em. Chàng thi sĩ chỉ có thể nhớ con đường của những kỷ niệm, con đường xưa em đi, rồi từ đó tưởng tượng ra bóng dáng em và nhớ lại mùi thơm ngọt môi em. Lời thơ rất vắn tắt, cô đọng, để cho cảm xúc và trí tưởng của người thưởng thức thơ lấp vào những khoảng trống bằng những kỷ niệm của riêng mình.

Ôi ta nhớ như đêm dài thượng cổ
Sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim

Bài thơ chấm dứt bằng hai câu biểu lộ lòng nhung nhớ không nguôi. Bài thơ chấm dứt nhưng lòng nhớ thương còn kéo dài triền miên không dứt. Từ thượng cổ ở đây không phải hiểu theo nghĩa đen mà với tất cả hàm ý của nó. Thượng cổ là một khoảng thời gian dài đăng đẵng, còn hoang sơ, tăm tối, trong lịch sử loài người. Niềm nhớ nhung cũng dài hun hút, man sơ và hoang dại, bắt nguồn từ những vùng sâu thăm thẳm của tâm tư.

Bài thơ đã bắt đầu với một hình ảnh siêu thực với những sợi tóc và một khúc ca: dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng, thì nay cũng chấm dứt bằng một hình ảnh siêu thực với cùng những yếu tố đó, những sợi tóc và một khúc ca: sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim. Dòng tư tưởng của tác giả trở về mức khởi đầu, làm thành một vòng tròn khép kín. Nếu tác giả phân phối đồng đều số câu nói về mình, về người con gái phương xa và về tình cảm nhớ nhung, chúng ta thấy là những gì tác giả cho biết về mình rất ít, rất vắn tắt, và tác giả đã dành những hình ảnh giàu gợi cảm, giàu tính thơ nhất khi nói về người tình xa vắng và những tình cảm nhớ nhung của mình.

Thiền sư và tình yêu

Trong tập Giấc mơ Trường Sơn, ngoài bài thơ “Nhớ con đường thơm ngọt môi em” chúng ta còn được đọc những câu thơ về tình yêu giàu tình cảm, giàu hình ảnh thơ, chứng tỏ một bút pháp cực kỳ điêu luyện của nhà thơ đạo sĩ:

Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

(“Một thoáng chiêm bao”)

Hay:

Anh đem giấc mộng đi hoang
Biết đâu mà kiếm trăng ngàn cho em?


Nhưng đáy mắt không căm thù đỏ cháy
Vì yêu em trên cây lá đọng sương mai.


Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy.
Ôi hạnh phúc, anh thấy mình nhỏ bé,
Chép tình yêu trên trang giấy trắng thơ ngây.

(“Ác mộng”)

Và còn nữa:

Còi xa vắng giữa trưa nào lạc lỏng,
Môi em hồng ta ước một vì sao.

(“Tiếng gà gáy trưa”)


Anh vẫn nhớ những con đường bụi đỏ
Và tình yêu trong ánh mắt rã rời.

(Anh sẽ về thăm phố cũ)

Toàn là những lời thơ trau chuốt, và thiết tha, chân thật, phần lớn nhuộm màu sắc lãng mạn.

Tác giả Thích Tuệ Sỹ và đã giữ những trách nhiệm quan trọng trong Giáo Hội Phật Giáo và kể từ sau khi Tăng thống Thích Quảng Độ qua đời vào tháng 2-2020, Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ được ủy thác đảm nhận trách nhiệm xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Sau khi đọc những dòng thơ trữ tình với lời thơ thật tha thiết, ta có thể hỏi: một nhà sư có thể viết một bài thơ tuyệt diệu về tình yêu như vậy sao? Hay là thiền sư vẫn chưa thoát khỏi vòng tục lụy? Vẫn còn mắc phải những vấn vương tình ái?

Trong một bài viết năm 1988 về Tuệ Sĩ và Lê Mạnh Thát, học giả Phạm Công Thiện nhận xét: “Tuệ Sỹ có tâm hồn thi sĩ chơi vơi, sống trọn vẹn trong thế giới nghệ thuật và thi ca, thổi sáo, chơi dương cầm, làm thơ, say mê thi sĩ Ðức Hoelderlin, đọc hết toàn tập Đường thi ngay nguyên tác, viết một tác phẩm sâu sắc thơ mộng nhan đề Tô Ðông Pha, Những phương trời viễn mộng. […] Từ lúc hãy còn rất nhỏ cho tới lớn khôn trưởng thành, Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đều sống một đời tu hành khắc khổ và trong sạch hoàn toàn, không bao giờ ham mê danh vọng thế tục, không bao giờ để ý đến địa vị xã hội và chẳng bao giờ biết đến tiền bạc lợi lộc cho chính bản thân.” (1)

Thiết nghĩ, chúng ta có thể nhìn vấn đề như sau: Hoà thượng Tuệ Sỹ là một học giả đa tài, một chuyên gia về Phật học, một nhà lý luận về tư tưởng Đông Tây, và một nhà thơ xuất sắc hiếm có. Từ xưa đến nay, tình yêu là nguồn cảm hứng chủ yếu của thơ. Không một nhà thơ lớn nào có thể bỏ qua lãnh vực đó, và Tuệ Sỹ đã chứng tỏ ông cũng là một nhà thơ lớn trong chính lãnh vực dồi dào xúc cảm nhất của thơ.

Ông biết rất rõ tâm lý con người để có thể diễn tả một cách thuyết phục những lối đi thơ mộng của tình yêu, những tâm tư thầm kín của lòng người, mà không nhất thiết biểu lộ những tình cảm của riêng mình.

Mặt khác, trong những câu thơ nói về tình yêu, chúng ta nghĩ là tình yêu thơ mộng nam-nữ, nhưng thật ra có thể đó chỉ là biểu hiện trong thi ca của một tình rộng lớn hơn là tình người. Trong tập Giấc mơ Trường Sơn chúng tôi có trích dẫn trên đây một bài thơ ngắn tựa là “Một thoáng chiêm bao”:

Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

Chúng ta hiểu là nhà thơ nói về một người thiếu nữ do các chi tiết “mắt biếc ngây thơ”, “khoé môi cười”… Tác giả Tuệ Sỹ hay lập lại một số ý tưởng, dùng lại những câu văn, ngôn từ cũ trong một sáng tác mới. Thì đây, khoảng 30 năm sau những sáng tác gom trong tập Giấc mơ Trường Sơn, trong một tập thơ mới, Những điệp khúc cho dương cầm xuất bản năm 2009 (2), bài thơ mang số 22 lập lại những tình cảm tha thiết với cùng những ngôn từ quen thuộc:

Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói,
Vẫn yêu người từ khoảnh khắc chiêm bao
Từ nguyên sơ đã một lời không nói
Nhưng trùng dương ngưng đọng cánh hoa đào
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi
Vì yêu người ta vói bắt trời sao.

Cũng những lời lẽ đó nhưng chúng ta lại nhận thấy tình cảm ở đây chính là tình người bao la, vẫn bàng bạc trong một số lớn thi phẩm của Thiền sư Thích Tuệ Sỹ.

Chính tác giả Tuệ Sỹ đã quan niệm rằng cuộc đời của nhà thơ không phải là sống với mộng mơ mà thật là một cuộc đời khổ hạnh: “Người làm thơ, cuộc đời bị đày ải truân chuyên, trong đó cũng có cái ảo diệu của vị chua, vị mặn. Suốt đời học Thiền, suốt đời vẫn đày đọa thân tâm, đày đọa trong cái Không và cái Tĩnh. Đày đọa đó mà kỳ thực không là đày đọa. Cũng vậy, suốt đời làm thơ thì suốt đời khổ lụy lao đao, nhưng không là khổ lụy lao đao. Chỗ ảo diệu đó, chưa đạt đến cõi thượng thừa của thi ca, làm sao hiểu nổi?” (3).

Vĩnh Đào

(1) Phạm Công Thiện, “Hai vị thiền sư”, Báo Nguồn Sống số 16-17, San Jose, California, 1989.

(2) Những điệp khúc cho dương cầm – Refrains pour piano, NXB Phương Đông, 2009. Gồm 23 bài thơ ngắn, song ngữ Việt-Pháp đối chiếu, do nữ họa sĩ Pháp Dominique de Miscault chuyển ngữ và trình bày.

(3) Tuệ Sỹ, Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng, nxb Ca Dao, Sài Gòn, 1973.

Không có nhận xét nào: