Các thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhóm điều tra nguồn gốc của coronavirus COVID-19 đến Viện Virus học Vũ Hán vào ngày 3 tháng 2. (Ảnh của HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images) - Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn cuộc sống trên thế giới trong hơn một năm. Số người chết của nó sắp lên tới ba triệu người. Tuy nhiên, nguồn gốc của đại dịch vẫn không chắc chắn: Các cuộc bàn thảo chính trị của các chính phủ và các nhà khoa học đã tạo ra những đám mây mù dày đặc làm người ta mụ mị, mà dường như báo chí dòng chính khó lòng xua tan.
<!>
Sau đây tôi sẽ sắp xếp thông qua các sự kiện khoa học hiện có, mang manh mối về những gì đã xảy ra nhằm cung cấp những bằng chứng cho người đọc để họ tự xét đoán. Sau đó, tôi sẽ cố gắng đánh giá vấn đề phức tạp về trách nhiệm, bắt đầu từ chính phủ Trung Quốc nhưng mở rộng ra hơn nữa.
Đến cuối bài, bạn có thể đã học được rất nhiều về sinh học phân tử của virus. Tôi sẽ cố gắng giữ sao cho quá trình này không đến nỗi quá nhọc nhằn. Nhưng ta không thể thiếu khoa học, bởi vì hiện tại, và có lẽ còn rất lâu nữa, nó là sợi dây dẫn lối chắc chắn duy nhất xuyên qua mê lộ.
Virus gây ra đại dịch được biết đến với tên chính thức là SARS-CoV-2, nhưng có thể được gọi tắt là SARS2. Như nhiều người đã biết, có hai thuyết chính về nguồn gốc của nó. Một là nó tự nhiên nhảy từ động vật hoang dã sang người. Thuyết kia là virus đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, từ đó nó đã thoát ra ngoài. Thuyết nào đúng là vấn đề vô cùng quan trọng nếu chúng ta hy vọng ngăn chặn một sự cố thứ hai như vậy.
Tôi sẽ mô tả hai lý thuyết, giải thích lý do tại sao mỗi lý thuyết đều hợp lý và sau đó hỏi lý thuyết nào cung cấp lời giải thích tốt hơn về các sự kiện có sẵn. Cần lưu ý một điều quan trọng là cho đến nay không lý thuyết nào có bằng chứng trực tiếp. Mỗi thuyết phụ thuộc vào một tập hợp các phỏng đoán hợp lý nhưng cho đến nay vẫn thiếu bằng chứng. Vì vậy, tôi chỉ có thể cung cấp những manh mối, chứ không phải kết luận. Nhưng những manh mối đó chỉ ra một hướng cụ thể. Và sau khi suy luận về hướng đó, tôi sẽ phác họa vài điểm nút trong cái mớ bùng nhùng của thảm họa này.
Câu chuyện về hai lý thuyết. Sau khi đại dịch bùng phát lần đầu vào tháng 12 năm 2019, các nhà chức trách Trung Quốc báo cáo rằng nhiều trường hợp đã xảy ra tại chợ thịt sống – nơi bán thịt động vật hoang dã – ở Vũ Hán. Điều này khiến các chuyên gia nhớ đến đại dịch SARS1 năm 2002, trong đó virus dơi đã lây lan đầu tiên sang cầy hương, một loài động vật bán ở chợ thịt sống, và từ cầy hương lây sang người. Một loại virus tương tự ở dơi đã gây ra một trận dịch thứ hai, được gọi là MERS, vào năm 2012. Lần này vật chủ trung gian là lạc đà.
Việc giải mã bộ gen của vi rút cho thấy nó thuộc về một họ vi rút được gọi là beta-coronavirus, (virus SARS1 và MERS cũng thuộc về họ này). Mối quan hệ này đã ủng hộ ý tưởng rằng, giống như chúng, đây là một loại virus tự nhiên đã nhảy từ dơi, qua vật chủ động vật khác, sang người. Mối liên hệ giữa thị trường thịt động vật, điểm giống chủ yếu với dịch SARS1 và MERS, đã sớm bị phá vỡ: các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm thấy các ca bệnh sớm hơn ở Vũ Hán mà không có mối liên hệ nào với thị trường thịt động vật. Nhưng điều đó dường như không thành vấn đề khi ngay sau đó người ta hy vọng bằng chứng đi xa hơn nhiều trong việc hậu thuẫn cho sự xuất hiện tự nhiên của virus.
Nhưng Vũ Hán lại là nơi có Viện Virus học Vũ Hán, một trung tâm hàng đầu thế giới về nghiên cứu coronavirus. Vì vậy khả năng virus SARS2 thoát ra từ phòng thí nghiệm là không thể loại trừ. Hai kịch bản có vẻ có lý về nguồn gốc đã được đưa ra.
Ngay từ rất sớm, nhận thức của công chúng và truyền thông đã được định hướng có lợi cho kịch bản ‘xuất hiện tự nhiên’ bởi những tuyên bố mạnh mẽ của hai nhóm khoa học. Những tuyên bố này lúc đầu không được xem xét một cách nghiêm túc như đáng phải thế.
“Chúng tôi cùng nhau lên án mạnh mẽ các thuyết âm mưu cho rằng COVID-19 không có nguồn gốc tự nhiên”, một nhóm các nhà virus học và những người khác đã viết trên tờ Lancet vào ngày 19 tháng 2 năm 2020, lúc còn quá sớm để không ai có thể biết chắc chuyện gì đã xảy ra. Các nhà khoa học “kết luận một cách áp đảo rằng con coronavirus này có nguồn gốc từ động vật hoang dã”, họ nói, với lời kêu gọi tập hợp đầy khích động độc giả hãy ủng hộ các đồng nghiệp Trung Quốc trên tuyến đầu chiến đấu với căn bệnh này.
Trái với khẳng định của những người viết bức thư trên, ý kiến cho rằng virus có thể đã thoát ra từ do phòng thí nghiệm gợi nghĩ đến một tai nạn, chứ không phải âm mưu. Chắc chắn cần phải xem xét nó, chứ không phải vứt bỏ thẳng tay. Một dấu hiệu nổi bật của các nhà khoa học tốt là họ làm hết sức để phân biệt giữa những gì họ biết và những gì họ không biết. Theo tiêu chí này, những người ký tên trong bức thư Lancet đã cư xử như những nhà khoa học tồi: Họ đang đảm bảo với công chúng những sự kiện mà họ không thể biết chắc chắn là đúng.
Sau đó, hóa ra lá thư Lancet do Peter Daszak, chủ tịch của EcoHealth Alliance ở New York, tổ chức soạn thảo. Tổ chức của Daszak đã tài trợ cho nghiên cứu coronavirus tại Viện virus học Vũ Hán. Nếu virus SARS2 thực sự thoát ra từ nghiên cứu mà ông tài trợ, thì Daszak sẽ có khả năng tiềm tàng là phạm tội. Xung đột gay gắt về lợi ích này không được công bố cho độc giả của Lancet. Ngược lại, bức thư kết luận, “Chúng tôi tuyên bố không có cạnh tranh về lợi ích.”
Peter Daszak, một thành viên của tổ điều tra nguồn gốc của coronavirus COVID-19 thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nói chuyện qua điện thoại di động tại Thung lũng Quang học Hilton Wuhan ở Vũ Hán. (Ảnh của HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)
Các nhà virus học như Daszak có nguy cơ cao bị quy trách nhiệm về đại dịch. Trong suốt 20 năm, hầu như ngoài sự chú ý của công luận, họ đã chơi một trò chơi nguy hiểm. Trong các phòng thí nghiệm của mình, họ thường xuyên tạo ra những loại vi rút nguy hiểm hơn những vi rút tồn tại trong tự nhiên. Họ lập luận rằng họ có thể làm như vậy một cách an toàn, và bằng cách vượt lên trên thiên nhiên, họ có thể dự đoán và ngăn chặn “sự lan truyền” tự nhiên, sự lây chéo vi rút từ vật chủ động vật sang người. Nếu SARS2 thực sự thoát ra từ một thí nghiệm trong phòng thí nghiệm như vậy, thì một đợt dội ngược kinh hoàng có thể xảy ra, và cơn bão phẫn nộ của công chúng sẽ tác động đến các nhà virus học ở khắp mọi nơi, không chỉ ở Trung Quốc. Antonio Regalado, một biên tập viên của Tạp chí Công nghệ MIT, nói: “Nó sẽ phá nát tòa nhà khoa học từ trên xuống dưới”.
Tuyên bố thứ hai có ảnh hưởng to lớn trong việc định hướng thái độ của công chúng là một bức thư (nói cách khác là một mẩu ý kiến, không phải một bài báo khoa học) được công bố vào ngày 17 tháng 3 năm 2020 trên tạp chí Nature Medicine. Các tác giả của nó là một nhóm các nhà virus học do Kristian G. Andersen thuộc Viện Nghiên cứu Scripps dẫn đầu. “Các phân tích của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng SARS-CoV-2 không phải được tạo ra trong phòng thí nghiệm hay một loại virus bị thao tác có mục đích”, năm nhà virus học tuyên bố trong đoạn thứ hai của bức thư của họ.
Thật không may, đây là một trường hợp khoa học tồi tệ khác, theo nghĩa đã xác định ở trên. Đúng vậy, một số phương pháp ‘cắt và dán’ cũ hơn dùng cho các bộ gen virus vẫn giữ lại các dấu vết thao tác. Nhưng các phương pháp mới hơn, được gọi là phương pháp tiếp cận “no-see-um” hoặc “liền mạch”, không để lại những dấu vết rõ rệt. Các phương pháp điều khiển vi rút khác cũng không, như các phương pháp truyền nối tiếp, chuyển vi rút lặp đi lặp lại từ môi trường nuôi cấy tế bào này sang tế bào khác. Nếu một virus đã bị thao tác, cho dù bằng một phương pháp liền mạch hay bằng cách truyền nối tiếp, không có cách nào để biết rằng nó có bị thao tác hay không. Andersen và các đồng nghiệp của ông đã bảo đảm với độc giả của họ về một điều gì đó mà họ không thể biết.
Phần thảo luận trong bức thư của họ bắt đầu như sau: “Không chắc là SARS-CoV-2 xuất hiện thông qua thao tác phòng thí nghiệm đối với một loại coronavirus giống-SARS-CoV có liên quan.” Nhưng khoan đã, chẳng phải người dẫn đầu nói rằng rõ ràng là vi-rút chưa bị thao tác sao? Mức độ chắc chắn của các tác giả dường như trượt vài nấc khi đưa ra lý lẽ của họ.
Ta sẽ thấy rõ lý do trượt nếu nắm vững ngôn ngữ kỹ thuật. Hai lý do mà các tác giả đưa ra để cho rằng ‘việc thao tác không chắc đã có’ là hoàn toàn không thuyết phục.
Đầu tiên, họ nói rằng protein đột biến của SARS2 liên kết rất tốt với mục tiêu của nó, thụ thể ACE2 của con người, nhưng làm như vậy theo cách khác với cách tính toán vật lý cho thấy là phù hợp nhất. Do đó, chắc chắn là virus đã xuất hiện do chọn lọc tự nhiên, không phải do thao tác.
Nếu lập luận này có vẻ khó nắm bắt, đó là vì nó quá gượng ép. Giả định cơ bản của các tác giả, không nói rõ, là bất kỳ ai cố gắng tạo ra một virus dơi gắn với tế bào người đều có thể làm như vậy chỉ bằng một cách. Đầu tiên, họ sẽ tính toán sự phù hợp mạnh nhất có thể giữa thụ thể ACE2 của người và protein đột biến mà virus bám vào nó. Sau đó, họ sẽ thiết kế protein đột biến cho phù hợp (bằng cách chọn đúng chuỗi các đơn vị axit amin cấu tạo nên nó). Bài viết của Andersen nói vì protein đột biến SARS2 không phải là thiết kế tốt nhất được tính toán này, do đó nó không thể bị thao tác.
Nhưng điều này bỏ qua cách mà các nhà virus học thực tế làm để gắn các protein đột biến vào các mục tiêu đã chọn, cách này không phải dùng tính toán mà dùng cách ghép các gen protein đột biến từ các virus khác hoặc bằng cách truyền nối tiếp. Với phương pháp truyền nối tiếp, mỗi khi thế hệ con cháu của virus được chuyển sang nuôi cấy tế bào hoặc động vật mới, thì những virus nào chuyển thành công hơn sẽ được chọn, cho đến khi xuất hiện một liên kết thực sự chặt chẽ với tế bào người. Chọn lọc tự nhiên đã thực hiện tất cả những công việc nặng nhọc. Suy đoán trong bài viết của Andersen về việc thiết kế một protein đột biến của virus thông qua tính toán không liên quan đến việc liệu virus có bị thao tác bởi một trong hai phương pháp kia hay không.
Lập luận thứ hai của các tác giả phủ nhận sự thao tác thậm chí còn được gia công nhiều hơn. Mặc dù hầu hết các vật sống sử dụng DNA làm vật liệu di truyền của chúng, nhưng một số loại virus sử dụng RNA, người anh em họ hàng gần gũi của DNA. Nhưng RNA rất khó thao tác, vì vậy các nhà nghiên cứu làm việc trên coronavirus, vốn dựa trên RNA, trước tiên sẽ chuyển đổi bộ gen RNA thành DNA. Họ thao tác phiên bản DNA, bằng cách thêm hoặc thay đổi các gen, và sau đó sắp xếp để bộ gen DNA bị thao tác được chuyển đổi trở lại thành RNA có khả năng lây nhiễm.
Chỉ một số nhất định trong số các trụ cột DNA này đã được mô tả trong các tài liệu khoa học. Nhóm Andersen viết, bất kỳ ai thao tác virus SARS2 đều “có thể” đã sử dụng một trong những trụ cột đã biết này, và vì SARS2 không có bất kì nguồn gốc nào trong số những trụ cột ấy, do đó nó không bị thao tác. Dễ thấy rằng lập luận này không thuyết phục. Trụ cột DNA khá dễ tạo, vì vậy rõ ràng rất có thể SARS2 đã được thao tác bằng cách sử dụng một trụ cột DNA chưa được công bố.
Vậy đó. Đây là hai lập luận do nhóm Andersen đưa ra để ủng hộ tuyên bố của họ rằng virus SARS2 rõ ràng không bị thao tác. Và kết luận này, không có cơ sở gì ngoài hai suy đoán không thể đi đến kết luận, đã cam đoan với báo chí thế giới rằng không thể có vụ SARS2 đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm. Một bài phê bình kỹ thuật về bức thư Andersen đã hạ nó bằng những lời lẽ gay gắt hơn.
Khoa học được cho là một cộng đồng các chuyên gia tự điều chỉnh, những người liên tục kiểm tra công việc của nhau. Vậy tại sao các nhà virus học khác không chỉ ra rằng lập luận của nhóm Andersen đầy những lỗ hổng lớn đến mức ngớ ngẩn? Có lẽ bởi vì ở các trường đại học ngày nay nói ra có thể rất tốn kém. Sự nghiệp có thể bị hủy hoại vì bước ra ngoài ranh giới (cho phép). Bất kỳ nhà virus học nào dám thách thức quan điểm mà cộng đồng đã tuyên bố đều có nguy cơ bị hội đồng các nhà virus học tư vấn cho cơ quan phân phối tài trợ của chính phủ từ chối đơn xin tài trợ tiếp theo.
Các bức thư của Daszak và Andersen thực sự là những tuyên bố mang tính chính trị, không phải khoa học, nhưng lại có hiệu quả đáng kinh ngạc. Các bài báo trên báo chí dòng chính liên tục tuyên bố rằng sự đồng thuận của các chuyên gia đã loại bỏ nghi vấn phòng thí nghiệm hoặc cực kỳ khó xảy ra. Các tác giả của chúng phần lớn dựa vào các bức thư Daszak và Andersen, không hiểu những lỗ hổng to lớn trong lập luận của họ. Các tờ báo dòng chính đều có các nhà báo khoa học trong ê kip của họ, cũng như các mạng lớn, và các phóng viên chuyên môn này được cho là có thể chất vấn các nhà khoa học và kiểm tra các khẳng định của họ. Nhưng những khẳng định của Daszak và Andersen hầu như không bị thách thức.
Những nghi ngờ về sự xuất hiện tự nhiên. Sự xuất hiện tự nhiên là lý thuyết ưa thích của giới truyền thông cho đến khoảng tháng 2 năm 2021 và chuyến thăm của ủy ban Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới Trung Quốc. Thành phần và quyền truy cập của ủy ban bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ. Các thành viên của nó, bao gồm cả Daszak nổi tiếng, liên tục khẳng định trước, trong và sau chuyến thăm của họ rằng việc thoát ra từ phòng thí nghiệm là cực kỳ khó xảy ra. Nhưng đây không hoàn toàn là chiến thắng tuyên truyền mà các nhà chức trách Trung Quốc có thể đã hy vọng. Điều trở nên rõ ràng là người Trung Quốc không có bằng chứng để đưa ra ủy ban ủng hộ lý thuyết xuất hiện tự nhiên.
Điều này thật đáng ngạc nhiên vì cả virus SARS1 và MERS đều để lại nhiều dấu vết trong môi trường. Loài vật chủ trung gian của SARS1 đã được xác định trong vòng bốn tháng sau khi dịch bùng phát và vật chủ của MERS trong vòng chín tháng. Tuy nhiên, khoảng 15 tháng sau khi đại dịch SARS2 bắt đầu, và sau một cuộc tìm kiếm được cho là mạnh, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã không tìm thấy quần thể dơi ban đầu, hoặc loài trung gian mà SARS2 có thể đã nhảy lên, hoặc bất kỳ bằng chứng huyết thanh học nào cho thấy bất kỳ khối dân cư nào của Trung Quốc, bao gồm cả Vũ Hán, đã bị phơi nhiễm virus trước tháng 12 năm 2019. Sự xuất hiện tự nhiên vẫn là một phỏng đoán, lúc đầu tuy có vẻ hợp lý, đã không thu được một mẩu bằng chứng hậu thuẫn nào trong hơn một năm.
Và chừng nào điều đó vẫn còn, thì điều hợp lý là phải chú ý nghiêm túc đến phỏng đoán thay thế, rằng SARS2 đã thoát ra từ một phòng thí nghiệm.
Tại sao lại có người muốn tạo ra một loại virus mới lạ có khả năng gây ra đại dịch? Kể từ khi các nhà virus học có được các công cụ để thao tác gen của virus, họ đã lập luận rằng họ có thể vượt qua một đại dịch tiềm ẩn bằng cách khám phá khả năng một loại virus ở động vật nào đó có thể thực hiện bước nhảy sang người gần đến mức nào. Và điều đó biện minh cho các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm trong việc nâng cao khả năng lây nhiễm sang người của các virus nguy hiểm trên động vật, các nhà virus học khẳng định.
Với lý do căn bản này, họ đã tái tạo lại virus cúm năm 1918, chỉ ra cách virus bại liệt gần như tuyệt chủng có thể được tổng hợp từ chuỗi DNA đã được công bố của nó, và đưa một gen đậu mùa vào một virus có liên quan.
Việc làm tăng những khả năng của virus như thế này được gọi một cách nhẹ nhàng là các ‘thí nghiệm tăng chức năng’. Với coronavirus, người ta đặc biệt quan tâm đến các protein đột biến, nhô ra xung quanh bề mặt hình cầu của virus và có vai trò khá quyết định về những loài động vật nào mà nó sẽ nhắm tới. Chẳng hạn, vào năm 2000, các nhà nghiên cứu Hà Lan chắc phải được các loài gặm nhấm ở khắp mọi nơi biết ơn vì họ đã xử lý gen protein đột biến của một con coronavirus-chuột để nó chỉ tấn công mèo.
Những protein đột biến trên bề mặt của coronavirus xác định loài vật mà nó có thể nhiễm. Ảnh: CDC.gov
Các nhà virus học bắt đầu nghiên cứu về những coronavirus dơi một cách ráo riết sau khi chúng trở thành nguồn gốc của cả dịch SARS1 và MERS. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu muốn hiểu cần có những thay đổi nào xảy ra trong các protein đột biến của virus dơi trước khi nó có thể lây nhiễm sang người.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán, do bà Shi Zheng-li [Thạch Chính Lệ] hay “Người đàn bà Dơi”, chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về virus dơi lãnh đạo, đã tổ chức các chuyến thám hiểm thường xuyên đến các hang động tràn ngập dơi ở Vân Nam, miền nam Trung Quốc và thu thập khoảng một trăm loài coronavirus dơi khác nhau.
Sau đó bà Shi hợp tác với Ralph S. Baric, một nhà nghiên cứu coronavirus xuất sắc tại Đại học Bắc Carolina. Công trình của họ tập trung vào sự tăng cường khả năng của virus dơi tấn công con người để “khảo sát tiềm năng xuất hiện (tức là tiềm năng lây nhiễm sang người) của các CoV dơi [coronavirus dơi] đang lưu hành.” Để theo đuổi mục tiêu này, vào tháng 11 năm 2015, họ đã tạo ra một loại virus mới bằng cách lấy cột trụ của virus SARS1 và thay thế protein đột biến của nó bằng một protein từ virus dơi (được gọi là SHC014-CoV). Loại virus được chế tạo này có thể lây nhiễm sang các tế bào của đường thở của con người, ít nhất là khi được thử nghiệm với quá trình nuôi cấy những tế bào như vậy trong phòng thí nghiệm.
Virus SHC014-CoV / SARS1được gọi là chimera (quái vật đuôi rắn mình dê đầu sư tử) vì bộ gen của nó chứa vật chất di truyền từ hai chủng virus. Nếu virus SARS2 được chế biến trong phòng thí nghiệm của Shi, thì nguyên mẫu trực tiếp của nó sẽ là chimera SHC014-CoV/SARS1, mối nguy hiểm tiềm tàng khiến nhiều nhà quan sát quan tâm và gây thảo luận sôi nổi.
Simon Wain-Hobson, nhà virus học tại Viện Pasteur Paris nói: “Nếu virus thoát ra ngoài, không ai có thể đoán được quỹ đạo của nó.”
Baric và Shi đề cập đến những nguy cơ rõ ràng trong bài viết của họ nhưng cho rằng chúng nên được cân nhắc dựa trên lợi ích của việc báo trước sự lan tỏa trong tương lai. Là những nhà khoa học có thẩm quyền thẩm định, họ viết, “có thể thấy rằng theo đuổi các nghiên cứu tương tự xây dựng các virus chimeric dựa trên các chủng đang lưu hành là quá liều lĩnh.” Do các hạn chế khác nhau đang được áp dụng đối với nghiên cứu tăng-chức-năng (GoF), theo quan điểm của họ các vấn đề đã đi đến một “giao lộ của các mối quan tâm nghiên cứu GoF; tiềm năng chuẩn bị cho và giảm thiểu các đợt bùng phát trong tương lai phải được cân nhắc với nguy cơ tạo ra các mầm bệnh nguy hiểm hơn. Trong việc phát triển các chính sách tiến tới, điều quan trọng là phải xem xét giá trị của dữ liệu mà những nghiên cứu này phát ra và liệu các loại nghiên cứu virus chimeric này có bảo đảm cái lợi của việc tiếp tục nghiên cứu so với các nguy cơ gắn liền với chúng hay không. ”
20, tháng Năm 2020, ảnh của Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, nơi tiến hành nghiên cứu coronaviruses dơi. (Ảnh: Kyodo News via Getty Images)
Tuyên bố đó được đưa ra vào năm 2015. Từ nhận thức muộn màng của năm 2021, người ta có thể nói rằng giá trị của các nghiên-cứu-tăng-chức-năng trong việc ngăn chặn đại dịch SARS2 là bằng không. Nguy cơ là thảm khốc, nếu thực sự virus SARS2 đã được tạo ra trong một thí nghiệm tăng-chức-năng.
Bên trong Viện Virus học Vũ Hán. Baric đã phát triển và dạy cho Shi một phương pháp chung để sử dụng coronavirus dơi tấn công các loài khác. Các mục tiêu cụ thể là tế bào người được nuôi lớn trong các mẻ cấy và nhân hóa chuột. Những con chuột trong phòng thí nghiệm này, vật đóng-thế rẻ tiền và phù hợp với đạo đức cho các đối tượng là con người, được xử lý gen để mang phiên bản người của một loại protein gọi là ACE2 bám trên bề mặt của các tế bào trên đường thở.
Shi quay trở lại phòng thí nghiệm của mình tại Viện Virus học Vũ Hán và tiếp tục công việc mà bà đã bắt đầu về công nghệ xử lý gen coronavirus để tấn công tế bào người. Sao chúng tôi có thể chắc chắn như vậy?
Bởi vì, bằng một sự quanh co kỳ lạ trong câu chuyện, công việc của bà đã được tài trợ bởi Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), một bộ phận của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Và các đề nghị tài trợ cho công việc của bà, vốn là một vấn đề có hồ sơ công khai, nêu chính xác những gì bà định làm với số tiền đó.
Các khoản tài trợ được giao cho nhà thầu chính, Daszak của EcoHealth Alliance, ông này giao thầu phụ cho Shi. Dưới đây là phần trích dẫn từ các khoản tài trợ cho các năm tài chính 2018 và 2019. (“CoV” là viết tắt của coronavirus và “S protein” đề cập đến protein đột biến của virus).
“Thử nghiệm dự đoán về sự lây truyền giữa các loài của CoV. Các mô hình dự đoán về phạm vi vật chủ (tức là tiềm năng xuất hiện) sẽ được kiểm tra bằng thực nghiệm bằng cách sử dụng di truyền ngược, các xét nghiệm liên kết giả-virus với thụ thể, và các thí nghiệm lây nhiễm virus trên một loạt các mẫu cấy tế bào từ các loài khác nhau và chuột được nhân hóa. “
“Chúng tôi sẽ sử dụng dữ liệu chuỗi protein S, công nghệ nhân bản lây nhiễm, thí nghiệm lây nhiễm trong ống nghiệm và trong cơ thể và phân tích liên kết thụ thể để kiểm tra giả thuyết rằng% các ngưỡng phân kỳ trong chuỗi protein S đoán trước tiềm năng lan tỏa.”
Theo ngôn ngữ phi kỹ thuật điều này có nghĩa là Shi bắt đầu tạo ra các coronavirus mới với khả năng lây nhiễm cao nhất có thể cho các tế bào của con người. Kế hoạch của bà là lấy các gen mã hóa cho các protein đột biến sở hữu nhiều loại ái lực đo được đối với tế bào người, từ cao đến thấp. Bà có thể sẽ chèn từng gen đột biến này vào cột trụ của một số bộ gen virus (“di truyền ngược” và “công nghệ nhân bản lây nhiễm”), tạo ra một loạt virus chimeric. Sau đó, những virus chimeric này sẽ được kiểm tra khả năng tấn công các mẻ nuôi cấy tế bào người (“trong ống nghiệm”) và chuột được nhân hóa (“trong cơ thể”). Và thông tin này sẽ giúp dự đoán sự dễ “lây lan”, sự nhảy của coronavirus từ dơi sang người.
Quan điểm phương pháp luận này được tạo ra để tìm kiếm sự kết hợp tốt nhất giữa trụ cột của coronavirus và protein đột biến để lây nhiễm các tế bào người. Phương pháp này có thể đã tạo ra các virus giống SARS2, và thực sự có thể đã tạo ra chính virus SARS2 với sự kết hợp phù hợp giữa trụ cột của virus và protein đột biến.
Vẫn chưa thể khẳng định rằng Shi đã tạo ra hay chưa tạo ra SARS2 trong phòng thí nghiệm của bà vì các hồ sơ của bà đã được niêm phong, nhưng có vẻ như bà chắc chắn đã đi đúng đường đã vạch ra khi làm như vậy. Richard H. Ebright, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Rutgers và là chuyên gia hàng đầu về an toàn sinh học nói: “Rõ ràng là Viện Vi rút học Vũ Hán đã xây dựng một cách có hệ thống các coronavirus chimeric mới và đang đánh giá khả năng lây nhiễm các tế bào người và chuột biểu hiện ACE2 ở người”.
“Ebright nói, “Cũng rõ ràng là, tùy thuộc vào bối cảnh bộ gen không đổi được chọn để phân tích, công trình này có thể tạo ra SARS-CoV-2 hoặc một tiền thân gần của SARS-CoV-2.” “Bối cảnh bộ gen” là nói đến trụ cột của virus cụ thể được sử dụng làm cơ sở thử nghiệm cho protein đột biến.
Kịch bản thoát-ra-từ-phòng-thí-nghiệm về nguồn gốc của vi rút SARS2, như bây giờ có lẽ đã là hiển nhiên, không chỉ là chỉ đạo theo hướng của Viện Vi rút học Vũ Hán. Đây là một đề xuất chi tiết, dựa trên dự án cụ thể do NIAID tài trợ.
Ngay cả khi khoản tài trợ yêu cầu kế hoạch làm việc được mô tả ở trên, làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng kế hoạch đã được thực hiện trên thực tế? Về điều này, chúng ta có thể dựa vào lời của Daszak, người đã phản đối rất nhiều trong 15 tháng qua rằng kịch bản thoát ra từ phòng thí nghiệm là một thuyết âm mưu lố bịch do những kẻ đánh Trung Quốc bịa đặt ra.
Vào ngày 9 tháng 12 năm 2019, trước khi sự bùng nổ của đại dịch được biết đến rộng rãi, Daszak đã trả lời một cuộc phỏng vấn, trong đó ông ta nói về cách các nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán đã lập lại chương trình protein đột biến và tạo ra các coronavirus chimeric có khả năng lây nhiễm cho chuột nhân hóa.
“Và bây giờ, như bạn biết, sau 6 hoặc 7 năm làm việc này, chúng tôi đã tìm thấy hơn 100 coronavirus mới liên quan đến SARS, rất gần với SARS,” Daszak nói vào khoảng phút thứ 28 của cuộc phỏng vấn. “Một số trong số chúng xâm nhập vào tế bào người trong phòng thí nghiệm, một số có thể gây bệnh SARS trên các mô hình chuột được nhân hóa và không thể điều trị bằng trị liệu kháng thể đơn dòng [therapeutic monoclonals], và bạn không thể tiêm vắc-xin chống lại chúng. Vì vậy, đây là một mối nguy hiểm rõ ràng và đang hiển hiện….
“Người phỏng vấn: Ông nói rằng đây là những loại coronavirus đa dạng và người ta không thể tiêm vắc xin chống lại chúng cũng như không có phương tiện chống virus – vậy chúng ta phải làm gì?
“Daszak: Ờ, tôi nghĩ là… coronavirus – bạn có thể thao tác chúng trong phòng thí nghiệm khá dễ dàng. Protein đột biến thúc đẩy rất nhiều điều xảy ra với coronavirus, trong nguy cơ lây truyền từ động vật sang người. Vì vậy, bạn có thể hiểu được trình tự của nó, bạn có thể xây dựng protein và chúng tôi làm việc rất nhiều với Ralph Baric tại UNC để làm điều này. Chèn vào cột trụ của một loại virus khác và thực hiện một số công việc trong phòng thí nghiệm. Vì vậy, bạn có thể dự đoán nhiều hơn khi bạn tìm thấy một chuỗi. Bạn đã hiểu sự đa dạng này. Giờ đây, tiến trình hợp lý của vắc-xin là, nếu bạn định phát triển vắc-xin cho bệnh SARS, bây giờ mọi người sắp gọi SARS là đại dịch, nhưng chúng ta hãy chèn vào một số thứ khác và có được một loại vắc-xin tốt hơn”. Các phần chèn vào mà ông ta đề cập đến có lẽ bao gồm một phần tử được gọi là vị trí phân cắt furin, được thảo luận dưới đây, làm tăng rất mạnh khả năng lây nhiễm của virus đối với tế bào người.
Bằng lối nói rời rạc, ngắc ngứ, Daszak đang đề cập đến thực tế là một khi bạn đã tạo ra một loại coronavirus mới có thể tấn công các tế bào của con người, bạn có thể lấy protein đột biến và làm cơ sở cho vắc-xin.
Người ta chỉ có thể tưởng tượng phản ứng của Daszak khi ông ta nghe nói về sự bùng phát của dịch bệnh ở Vũ Hán vài ngày sau đó. Ông ta hẳn phải biết rõ hơn ai hết mục tiêu của Viện Vũ Hán là làm cho virus coronavirus dơi lây sang người, cũng như những yếu kém của viện trong việc bảo vệ cho các nhà nghiên cứu của chính họ khỏi bị nhiễm bệnh.
Nhưng thay vì cung cấp cho các cơ quan y tế công cộng nguồn thông tin dồi dào mà ông ta có quyền sử dụng, ông ta đã ngay lập tức phát động một chiến dịch quan hệ công chúng để thuyết phục thế giới rằng đại dịch không thể do một trong những loại vi-rút mà viện đã chế biến gây ra. “Ý tưởng rằng loại vi-rút này thoát ra từ một phòng thí nghiệm chỉ thuần túy là một chuyện vớ vẩn. Đơn giản là nó không đúng sự thật,” ông ta tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 4 năm 2020.
Các sắp đặt an toàn tại Viện Virology Vũ Hán. Daszak có thể không biết, hoặc có lẽ ông ta đã biết quá rõ, lịch sử lâu dài của các loại virus thoát ra từ ngay cả những phòng thí nghiệm tốt nhất. Virus đậu mùa đã ba lần thoát khỏi các phòng thí nghiệm ở Anh vào những năm 1960 và 1970, gây ra 80 ca nhiễm và 3 trường hợp tử vong. Các vi rút nguy hiểm đã bị rò rỉ ra khỏi phòng thí nghiệm hầu như hàng năm kể từ đó. Trong thời gian gần đây, virus SARS1 đã tỏ ra là một nghệ sĩ chạy trốn thực sự, rò rỉ từ các phòng thí nghiệm ở Singapore, Đài Loan và không dưới bốn lần từ Viện Vi rút Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Một lý do khiến SARS1 rất khó xử lý là không có vắc-xin để bảo vệ nhân viên phòng thí nghiệm. Như Daszak đã nhắc đến trong cuộc phỏng vấn ngày 19 tháng 12 được trích dẫn ở trên, cả các nhà nghiên cứu Vũ Hán nữa cũng đã không thể phát triển vắc-xin chống lại coronavirus mà họ đã thiết kế để lây nhiễm tế bào người. Có thể họ đã không được bảo vệ chống lại virus SARS2, nếu nó được tạo ra trong phòng thí nghiệm của họ, như các đồng nghiệp ở Bắc Kinh của họ chống lại SARS1.
Một lý do thứ hai cho sự nguy hiểm nghiêm trọng của các coronavirus mới là do mức độ an toàn cần thiết của phòng thí nghiệm. Có bốn mức độ an toàn, được ký hiệu BSL1 đến BSL4, với BSL4 là mức độ nghiêm ngặt nhất và được thiết kế cho các mầm bệnh chết người như vi rút Ebola.
Viện Virus học Vũ Hán đã có một phòng thí nghiệm BSL4 mới, nhưng tình trạng sẵn sàng của nó đã khiến các thanh tra Bộ Ngoại giao (Mỹ) đến thăm nó từ Đại sứ quán Bắc Kinh vào năm 2018 khá lo ngại. “Phòng thí nghiệm mới thiếu trầm trọng các kỹ thuật viên và nghiên cứu viên được đào tạo thích hợp cần thiết để vận hành an toàn phòng thí nghiệm có tính cách ly cao này,” các thanh tra viết trong một bức điện ngày 19 tháng 1 năm 2018.
Tuy nhiên, vấn đề thực sự không phải là tình trạng không an toàn của phòng thí nghiệm BSL4 ở Vũ Hán mà là thực tế là các nhà virus học trên toàn thế giới không thích làm việc trong điều kiện BSL4. Bạn phải mặc một bộ đồ không gian, thực hiện các thao tác trong những tủ kín và chấp nhận rằng mọi thứ sẽ lâu hơn gấp đôi. Vì vậy, các quy tắc ấn định cho mỗi loại vi rút một mức độ an toàn nhất định là lỏng lẻo hơn một số người có thể nghĩ là thận trọng.
Trước năm 2020, các nhà virus học ở Trung Quốc và các nơi khác tuân theo các quy tắc yêu cầu các thí nghiệm với virus SARS1 và MERS phải được tiến hành trong điều kiện BSL3. Nhưng tất cả các coronavirus dơi khác có thể được nghiên cứu trong BSL2, cấp độ thấp hơn kế nó. BSL2 yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn khá tối thiểu, chẳng hạn như mặc áo khoác và găng tay phòng thí nghiệm, không hút chất lỏng trong pipette [ống thủy tinh chia vạch để chuyển một thể tích nhất định chất lỏng] và treo các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sinh học. Tuy nhiên, một thử nghiệm tăng chức năng được thực hiện trong BSL2 có thể tạo ra một tác nhân dễ lây nhiễm hơn cả SARS1 hoặc MERS. Và nếu nó xảy ra, thì các nhân viên phòng thí nghiệm sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao, đặc biệt là nếu chưa được tiêm chủng.
Phần lớn công việc của Shi về tăng cường chức năng trong coronavirus được thực hiện ở mức độ an toàn BSL2, như được nêu trong các ấn phẩm của bà và các tài liệu khác. Bà đã nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Science rằng “Nghiên cứu coronavirus trong phòng thí nghiệm của chúng tôi được thực hiện trong các phòng thí nghiệm BSL-2 hoặc BSL-3.”
“Rõ ràng là một số hoặc tất cả công việc này được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn sinh học – mức độ an toàn sinh học 2, là mức độ an toàn sinh học của một phòng khám nha khoa tiêu chuẩn của Hoa Kỳ – sẽ gây ra nguy cơ lây nhiễm cao không thể chấp nhận được cho nhân viên phòng thí nghiệm khi tiếp xúc với một virus có các đặc tính truyền nhiễm của SARS-CoV2.” Ebright nói.
“Cũng rõ ràng,” ông nói thêm, “công việc này lẽ ra không bao giờ nên được tài trợ và không bao giờ nên được thực hiện”.
Đây là quan điểm mà ông giữ bất kể đã từng có virus SARS2 bên trong một phòng thí nghiệm hay không.
Có vẻ như mối quan tâm về điều kiện an toàn tại phòng thí nghiệm Vũ Hán đã không bị đặt sai chỗ. Theo một tờ thông tin do Bộ Ngoại giao phát hành vào ngày 15 tháng 1 năm 2021, “Chính phủ Hoa Kỳ có lý do để tin rằng một số nhà nghiên cứu trong WIV đã bị bệnh vào mùa thu năm 2019, trước khi ca bệnh đầu tiên của đợt bùng phát được xác định, với các triệu chứng phù hợp với cả hai COVID-19 và các bệnh thông thường theo mùa”.
David Asher, một thành viên của Viện Hudson và là cựu cố vấn của Bộ Ngoại giao, đã cung cấp thêm thông tin chi tiết về sự cố tại một cuộc hội thảo. Ông nói: Hiểu biết về sự cố này đến từ sự kết hợp giữa thông tin công khai và “một số thông tin cấp cao do cộng đồng tình báo của chúng tôi thu thập”. Ba người làm việc tại phòng thí nghiệm BSL3 của viện này đổ bệnh cho nhau trong vòng một tuần với các triệu chứng nghiêm trọng phải nhập viện. Đây là “cụm đầu tiên được biết đến mà chúng tôi biết, gồm những nạn nhân của cái mà chúng tôi tin là COVID-19”. Ông nói, không thể loại trừ hoàn toàn bệnh cúm nhưng trong những trường hợp này thì có vẻ không phải.
(Còn tiếp một kỳ)
* Chiếc hộp Pandora: điển cố trong thần thoại Hy Lạp, là chiếc hộp kỳ bí do nàng Pandora cất giữ với lời căn dặn của thần Zeux không được mở nó ra. Nhưng vì tò mò nàng Pandora đã làm trái lời thần Zeux, và thế là những gì từ trong chiếc hộp xuất hiện đã khiến cho mọi điều bất hạnh như thiên tai, bệnh tật, chiến tranh… tràn ngập khắp thế gian. Cuối cùng, chiếc hộp chỉ còn sót lại một điều là “hy vọng” để cho loài người để có thể tiếp tục sống.
Nguồn bản gốc: https://thebulletin.org/2021/05/the-origin-of-covid-did-people-or-nature-open-pandoras-box-at-wuhan/
Tác giả Nicholas Wade:
Nicholas Wade là một nhà văn, biên tập viên và tác giả khoa học đã làm việc trong bộ biên tập của Nature, Science và New York Times trong nhiều năm.
Dịch giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét