Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

Cạnh tranh - Tiến bộ - Văn minh – Văn hóa - NGUYỄN THÙY

 

Xin giải thích những từ ngữ nầy trước khi trở lại vấn đề Cạnh tranh, chiếm hữu :

Tiến bộ là mức độ tốt hơn, cao hơn, thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn trong mọi hoạt động so với trước. Một học sinh hiểu nhiều, biết rộng là tiến bô trong việc học. Dùng ngựa để di chuyển là tiến bộ hơn đi bộ vì đi nhanh hơn, bớt phải mệt mọi trong di chuyển. Chiếc cày máy tiến bộ hơn chiếc cày tay. Xay lúa bằng máy là tiến bộ hơn giã gạo bằng chày. Một ca sĩ biết luyện giọng đúng theo Ký âm pháp, biết diễn tả đúng nội dung ý lời bản nhạc, dĩ nhiên tiến bộ hơn là lúc mới bắt đầu tập hát hoặc tiến bộ hơn kẻ chỉ hát theo karaoké,…

<!>

         Văn Minh. Các định nghĩa trước nay thường chưa mấy rõ ràng và thường lẫn lộn giữa Văn minh và Văn hóa, càng định nghĩa càng thấy mối quan hệ giữa Văn minh, Văn hóa khiến nghĩ rằng hai vấn đề hầu như không tách rời nhau. Xin không nêu một số định nghĩa đó nơi đây.

         Theo người viết, Văn minh chỉ tất cả mọi thành tựu của con người và loài người do trí thông minh, cái Sống của thể xác và của ý thức qua cái ‘Biết Làm’ (le Savoir faire) nhằm ‘cách vật trí tri’ nghĩa là hiểu biết và nắm bắt mọi qui luật vận hành của tự nhiên và của thế giới bên trong con người cùng vận hành của xã hội, từ đó, phát huy óc sáng tạo đưa đến chinh phục, khai thác , cải biến thiên nhiên và xã hội, tạo thêm những nguồn năng lượng cần thiết cho cuộc sống qua những phát minh, sáng chế phương pháp, dụng cụ, phương tiện khiến cuộc sống, cuộc đời ngày càng đầy đủ, thuận tiện, thoải mái hơn. Một người đơn độc có thể văn minh như Robinson trong rừng sâu biết làm nhà trú mưa nắng, biết làm hàng rào, biết làm cung tên chống lại thú vật,…Nhưng cái Văn minh đơn độc đó khó lòng tiến bộ, khó lòng tiến lên mức độ cao hơn. Chỉ khi sống thành xã hội, do cạnh tranh giữa nhau mà Tiến bộ, Văn minh mới luôn luôn tiến triển, mói có Văn hóa để Văn minh và Văn hóa cùng đun đẩy nhau dẫn về Tiến hóa..

         Văn hóa, theo người viết, là trạng thái sinh hoạt của một xã hội theo cái ‘Biết sống’ (le savoir être) trong việc tổ chức cuộc sống chung hay cuộc đời (môi trường đồng loại) giữa người và người thuận hảo, an lạc, thiện lương, hạnh phúc trong việc kết hợp mọi thành tựu của cái Biết Làm về tất cả mọi lãnh vực phù hợp với  những quan điểm về Vũ trụ quan, nhân sinh quan, xã hội quan có tính cách truyền thống qua lịch sử của một cộng đồng chủng tộc hay của một dân tộc, quốc gia.

Có nguời bảo rằng Văn hóa là cái gì còn lại sau khi mọi thứ khác đã quên đi. (‘Văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên  đi tất cả, là cái  vẫn  thiếu  khi người ta đa học qua tất cả ‘: La Culture, c’est ce qui reste quand on a tout oublié ; c’est ce qui manque quand on a tout appris – Edouard Herriot). Nhưng ‘cái còn lại’, ‘cái vẫn thiéu’ là cái gì ? Người viết nghĩ ‘cái còn lại’, ‘cái vẫn thiếu’  đó là phần tinh hoa, phần quí giá nhất đã gìn giữ và nuôi dưỡng Sự Sống. Dựa vào đó, người viết có thể mượn ẩn dụ sau đây để định nghĩa : ‘Văn hóa là thảm cỏ xanh trên nền mộ cổ’ (cái Sống (thảm cỏ xanh) phát sinh từ cái chết (mộ cổ). ‘Thảm cỏ xanh’ là ‘sức sống’, là cái ‘ý chí tiềm thế’ (volonté de puissance, theo F. Nietzche), cái năng lực ‘tự xuất tính, tự lộ liễu chân tính mình’, cái ‘tính thể của Ðạo thể’ (l’essence de l’Être), cái ‘Tâm Không, Tâm như’, cai ‘Thánh linh’ nơi từng hiện thể hướng dẫn hiện thể vượt thoát cái ‘Tất định qui luật’ hầu hòa nhập vào cái ‘Tất định như nhiên’ trên đường hội nhập vào Ðạo Thể nguyên sơ.

Văn Minh do cái Biết Làm (le Savoir faire) , được đun đẩy bỡi hai Cái Sống Thân Xác và cái Sống của Ý Thức để phục vụ hai cái sống đó mỗi ngày thêm cao, thêm đầy đủ, sung mãn.

Văn Hóa do cái Biết Sống (le Savoir être, le Savoir vivre ensemble), được đun đẩy bỡi cái Sống Vô Thức để thăng hoa hai cái Sống Thân Xác và Ý Thức.

 Văn minh và Văn hóa, theo người viết, khác nhau ở những điểm sau :

1) Văn minh có tính cách lịch sử 

Văn minh chỉ sự tiến bộ  của cái ‘Biết Làm’ về mọi mặt.

Cách thức’canh tác cơ giới’ ngày nay không chịu ảnh hưởng cũng như không bắt nguồn từ chế độ canh tác thủ công ngày xưa tuy cùng mục dích là sản xuất ra lương thực, của cải. Cách thức mua bán qua Internet ngày nay không do từ lối buôn bán trực tiếp trao đổi hàng hóa giữa người bán và người mua như ngày trước. Cả hai lối sản xuất và thương mãi trên do cái ‘Biết Làm’ chỉ có tính cách nói lên tiến trình phát triển kinh tế (sản xuất, phân phối, tiêu thụ) qua diễn trình lịch sử chứ không có tính cách truyền thống.

Cũng thế, quan niệm ‘trái đất tròn, quay quanh nó và quanh mặt trời’ không bắt nguồn và cũng không liên hệ gì với quan điểm trước kia cho rằng trái đất vuông, đứng im và mặt trời quay quanh trái đất cùng trái đất là trung tâm vũ trụ’. Cả hai chỉ nói lên lịch sử diễn tiến của tri thức con người chứ không hệ tại nhau, chi phối nhau .

        Sở dĩ cái ‘Biết Làm’ hay nói chung cái ‘Biết về mặt Khoa học, Kỹ thuật, cái Biết thuần lý’ dù cao hay thấp,  chỉ có tính cách lịch sử mà không có tính cách truyền thống vì đấy là cái ‘Biết của trí thông minh’, cái Biết do trí năng nhiều khi tiệm tiến nhưng nhiều khi ‘nhảy vọt’ có thể xóa hẳn cái Biết cũ, đoạn tuyệt hẳn với quá khứ.

Ngày nay, tại các xứ văn minh, không còn cách giả gạo bằng chày mà dùng máy xay lúa, không còn từng người gặt lúa mà gặt bằng máy gặt. Cách giả gạo bằng chày, gặt lúa bằng sức từng người và cách giả gạo, gặt lúa  bằng máy, không liên hệ với nhau về mặt truyền thống mà chỉ liên hệ về mặt phát triển của tri thức trong lao động thôi. Sự việc đi tiểu, đi tiêu nơi bồn cầu vệ sinh trong nhà không bắt nguồn cũng không liên hệ gì với lối ‘đái đường, ỉa đồng’ trước kia. Những khám phá, phát minh trong hậu bán thế kỷ XX đến nay đã phũ nhận, loại trừ một số quan điểm khoa học các thế kỷ trước, mở ra một trạng thái văn minh khác trước, chứng minh thêm nhận định trên. Chẳng hạn, sự phát minh ra máy điện toán cá nhân  khiến con người không còn sử dụng máy đánh chữ cơ khí nữa. Nhìn chung, Văn minh chỉ mức độ tiến bộ của tri thức con người qua diễn trình lịch sử, mục đích nhằm cải tiến cái sống về mặt cơ năng ngày càng đầy đủ, tiện nghi, sung mãn hơn.

         2) Văn hóa vừa có tính lịch sử vừa có tính cách truyền thống :

Như đã nói, Văn hóa phục vụ cái ‘Biết Sống’ thể hiện nơi cái ‘Biết sống chung giữa nhau và cho nhau’ qua cái ‘Biết cư xử, đối đãi nhau’ giữa người và người. Văn hóa chỉ nẩy sinh trong môi trường đồng loại nghĩa là lúc con người biết kết tập nhau thành xã hội. Một Robinson đơn độc nơi rừng sâu, không sống cùng đồng loại với mình nên chỉ có Văn minh mà không có Văn hóa.

Văn hóa có tính cách lịch sử lẫn tính cách truyền thống vì được thể hiện qua tiến trình lịch sử vừa chịu ảnh hưởng vừa kế thừa từ quá khứ, trở thành phong tục, tập quán, nề nếp chung cho cả cộng đồng xã hội trong cách thức giao tế, tiếp xúc, đối đãi giữa người và người. Cái ‘nếp sống chung’ đó có căn rể từ những quan niệm tiềm ẩn về vũ trụ, nhân sinh, xã hội mỗi lúc một mạnh mẽ và cũng có thể thay đổi ít nhiều qua lịch sử.

Chúng ta biết rằng ‘dân tộc’ là sự kết hợp số đông người có cùng những điểm tương đồng : huyết thống, ngôn ngữ, màu da, cùng quan niệm về tín ngưỡng,…quây quần nơi một địa bàn sinh hoạt, chung sức nhau, bảo vệ nhau, cùng phát triển mọi khả năng, tạo lập cuộc sống chung cho nhau. Tất cả những điều nầy tạo nên những đặc điểm văn hóa riêng từng dân tộc. Việc tang ma, chôn cất, thờ phượng ông bà, cha mẹ lúc qua đời (cái biết ‘xử thế’ với người chết) chẳng hạn, mang tính truyền thống vì được kế thừa từ quá khứ, vừa mang tính lịch sử vì được thực hiện khác nhau ít nhiều qua từng giai đoạn lịch sử và theo từng dân tộc (chôn cất hay thiêu xác, làm lễ tại nhà thờ, nhà chùa, để tang lâu hay mau, chôn riêng hay cùng chôn ở nghĩa trang, làm kỵ giỗ hay chỉ viếng thăm nghĩa trang để tưởng niệm,…). Các chế độ hôn nhân ‘độc hôn’(một vợ, monogamie) hay ‘đa hôn’ (polygamie), quan niệm ‘hôn nhân trong dòng họ’ hay ‘ngoài dòng họ’, quan niệm thờ cúng tiền nhân, hiếu thảo, đạo nghĩa vua tôi, cha con, vợ chồng, thầy trò, anh chị em, bạn bè,…do ‘truyền thống’ đạo đức, luân lý khác nhau giữa các dân tộc. Rõ ràng nhất, ta được thấy nơi tình yêu trai gái và vị trí người đàn bà trong xã hội. Bên Ðông phưong, chịu ảnh hưởng của Luân lý Khổng Mạnh, với quan niệm ‘trọng nam khinh nữ’, ‘nam nữ thụ thụ bất thân’, người phụ nữ không cần phải học hành nhiều, chỉ giữ bổn phận thừa gia, nội trợ, sinh con đẻ cái cho gia đình người trai, luôn bị gò bó trong ‘tam tùng, tứ đức’, chuyện hôn nhân phải do ‘cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy’,… ; trong lúc Tây phương, người con gái được tự do sống theo ý mình hơn và được hưởng mọi quyền lợi như nam giới.

         Dù có được thay đổi ít nhiều và khác nhau từng dân tộc, tất cả mọi liên giao tâm tư, quyền lợi, bổn phận,… đều luôn liên hệ với truyền thống. Những tín điều, nguyên tắc đức lý, những ‘từ bi, bác ái, những nguyên tắc pháp lý bảo đảm công bình, bình đẵng giữa người và người dù có khác nhau ít nhiều giữa các dân tộc là những điều kiện phát sinh từ cuộc sống xã hội (cuộc đời) để duy trì và bảo đảm cuộc sống chung  thuận hòa, êm đẹp vì con người không sống đơn độc, riêng mình  mà luôn cần đến kẻ khác, nghĩa là cần đến xã hội . Và vì sống thành xã hội nên phát sinh những tập quán, phong tục, nề nếp lễ nghĩa được gìn giữ và tiếp nối, truyền đạt qua từng thế hệ. Chính tính cách truyền thống của cái ‘Biết cư xử’, cái ‘Biết sống chung’ nầy tạo nên cái ‘căn tính, cái lý lịch’ của từng dân tộc mà mỗi cá thể trong cộng đồng dân tộc mang nặng nơi mình. Người ta nói đến cái ‘hoài nghi lý lịch’, cái ‘khủng hoảng lý lịch’ (le doute identiaire, la crise identiaire) là do sự đánh mất truyền thống về cội nguồn văn hóa.

          Sở dĩ cái ‘Biết sống’, nói rõ hơn là cái ‘Biết sống chung’, cái ‘Biết xử thế’, ngoài tính cách lịch sử, còn có tính cách truyền thống vì đấy là cái ‘Biết của Tâm năng’, nói theo tiếng Việt là cái ‘Biết của tấm lòng’. Cái Biết của Tâm năng (énergie psychique) khác với cái Biết của Thể năng (énergie physique)  và Trí năng (énergie intellectuelle). Vì đấy là cái Biết của Tâm, của Thánh linh tức phần Vô thức của Thượng Ðế, của Thể tính Như lai, của Ðạo thể. Cái Biết của Tâm, của Thánh linh luôn là thế, là vậy, như nhiên, đồng nhiên, có thể cách thức biểu hiện có khác nhau tùy theo hoàn cảnh, tùy theo từng giai doạn lịch sử (do thời dại, do tác động của cái Biết làm) nhưng tựu trung không biến dạng, biến thể (cũng như cái ăn, cái uống là điều kiện tất nhiên, tất yếu, thường hằng cho bất kỳ ai, bất kỳ dân tộc nào, bất kỳ ở đâu, thời nào, khác nhau ở chất ăn, chất uống cùng cách chế biến, sử dụng tùy từng nơi, từng lúc). Cái Tâm hay Thánh linh không phải im lìm, bất động nhưng cũng không biến đổi mà chỉ chuyển dịch từ khởi nguyên đến chung cục của dòng Tiến hóa. Phải đứng trên dòng Tiến hóa mới nhận ra dòng chuyển dịch của Tâm, của Thánh linh. Ta thường nghe than thở rằng sao tôi ăn ở hiền lành, thánh thiện, chẳng hề làm hại ai mà sao cứ khốn đốn, truân chuyên, đày đọa, trong lúc bao kẻ ác đức lại hạnh phúc tràn trề, giàu sang, uy quyền,… đủ cả. Có thể giải thích sự việc nầy theo chữ ‘Duyên’ nơi nhà Phật, nhưng thiết tưởng chưa thể thật đúng (xem chương nói về Phật giáo).

 Hai quan điểm nhận thức về Tự nhiên :  

Ði xa hơn chút, Văn minh (cái Biết làm)  và Văn hóa (cái Biết sống)  có căn rể từ hai quan điểm nhận thức về Tự nhiên, về Vũ trụ.

      1) Quan điểm Vật linh  (animisme) : Quan điểm nầy cho rằng mọi sự, mọi vật, nói chung là vạn hữu, là thiên nhiên gồm tất cả mọi hiện thể vật và người đều mang sẵn nơi mình một ‘nguyên lý nội tại’ (principe interne) thường được gọi là ‘linh hồn’ làm nguyên nhân cho tất cả mọi hiện tượng, mọi sinh hoạt tâm lý, sinh lý để vừa tác động chính mình vừa tác động đến bên ngoài, từ đó vừa tạo tác, duy trì cuộc sống riêng mình (cái Biết Làm) vừa tạo điều kiện bảo tồn cuộc sống của mọi thứ khác để tất cả cùng được sống chung với nhau, cho nhau (cái Biết Sống chung). Ðiều nầy được tìm thấy nơi các triết thuyết xưa nay, cho rằng thiên nhiên là một ‘sinh thể’ (corps vivant)  không chỉ mang ‘sự sống’ nơi mình mà còn mang chứa một ‘trí thông minh’, một cái ‘Biết Làm’ để tác động với bên ngoài vừa nuôi dưỡng, vừa duy trì vừa phát triển cuộc sống mình vừa, qua đó, giúp mọi thứ khác cùng sống chung vói mình như Cây cối tạo nên dưỡng khí cho sự sống của mọi vật khác.  ‘’Mỗi chiếc cây, mỗi con vật đã tham dự với tâm năng mình vào tiến trình sống của linh hồn vũ trụ ; với trí thông minh (trí năng) tham dự vào sinh hoạt tinh thần của mình và với tính cách cơ năng nơi mình vào tổ chức thể chất mình’’ (13) .

Do đó, một số thần thoại và triết thuyết  xem Thiên nhiên là ‘Người Mẹ’ -Mẹ Thiên nhiên (Mère Nature)-  đã sinh thành, nuôi dưỡng, bảo bọc, chở che là làm phát triển mọi ‘đứa con’ của mình (tức vạn hữu). Cũng do đó nên mọi từ ngữ chỉ Thiên nhiên nơi nhiều dân tộc thường dùng theo ‘giống cái’ từ ‘phusis’ tiếng Hy Lap, ‘natura’ tiếng La Tinh đến ‘die Natur’ tiếng Ðức, ‘Nature’ tiếng Pháp (14) .  Bên Ðông Phương, Lão Tử cũng bảo : ‘’Có tên là Mẹ vạn vật’’ (Hữu danh vạn vật chi Mẫu - Ðạo Ðức Kinh). Không rõ chế độ ‘mẫu hệ’ có bắt nguồn từ khái niệm nầy không ? Dần dần, căn cứ vào sự sinh đẻ của sinh vật nơi cõi hiện tượng, người ta cho rằng chỉ riêng yếu tố nữ không đủ nên phải có yếu tố nam  (15) . Có lẽ do sự việc nầy, người ta hình dung (bằng ý niệm) một đấng Hóa Công, một vị Thượng Ðế từ giống cái sang giống đực rồi sang ‘vô tính’ hay ‘trung tính’ (neutre) đã tạo nên cả hai yếu tố Nam Nữ. Nhiều nhà khoa học cho rằng vị Thượng Ðế đó, nếu có, là vị ‘Thượng Ðế Toán học’ (Dieu mathématique), ‘Thượng Ðế Tiến hóa’ (Dieu évolutionniste) cũng như trong Văn chương, nhiều nhà thơ, nhà văn quan niệm một ‘Thượng Ðế thi tính’ (Dieu poétique), các quan niệm nầy không nói gì đến cái ‘giới tính’ của Thượng Ðế..

Bên Ðông Phương, từ ngàn xưa, cho rằng ‘Vạn vật đồng nhất thể’ và ‘chúng sinh vốn đồng đẵng’. Cái Thể đó hàm chứa nơi mình hai yếu tố ‘Ðực, Cái’ tức ‘Dương và Âm’, cặp Lưỡng Nhất theo Ðạo học Ðông Phương để sinh thành mọi thứ. Người Việt Nam thường bảo ‘Cha Trời, Mẹ Ðất’ ‘Ðạo Ông Bà’ bao gồm cả hai yếu tố ‘Nam, Nữ, Ðực, Cái, Âm, Dương’ (cơ sở nơi hai từ Ông, Bà). Chính cái ‘yếu tố nội tại’ nầy được kế thừa, tiếp nối qua các thế hệ nên mang tính cách truyền thống nơi từng hiện thể và nơi toàn thể cộng đồng.

Quan điểm ‘Vật Linh’ nầy, theo người viết, đã tạo nên Văn hóa dù có đưa dẫn đến nhiều mê tín, dị đoan, đến Ðạo Phù Thủy (chamanisme),…Quan điểm nầy có thể xem là cơ sở tạo nên Tôn giáo cùng là suối nguồn của tính lãng mạn nơi con người và khuynh hướng trữ tình trong Nghệ thuật. Theo quan điểm Vật linh, thiên nhiên hay vũ trụ hiện tượng phát sinh từ một Nguồn gốc và huớng đến một Cứu cánh nào đó. Vì thế, sự sống, cuộc sống của mỗi hiện thể vật và người mang chứa một ý nghĩa và hướng đến một cứu cánh giống như mỗi hoạt động của ta nhằm đến một mục đích. Dân tộc Việt Nam chúng ta từ thời lập quốc đến nay hầu như theo khuynh hướng nầy.

2) Quan điểm Cơ giới : Quan điểm nhận thức thứ hai về Tự nhiên là quan điểm Cơ giới (mécanique) trong Khoa học. Các khoa Vũ trụ học (Cosmologie), Sinh học (Biologie), Sinh Hóa học (Biochimie), Vật Lý học (Physique), Di Truyền học (Génétique), cùng với Kỹ Thuật học (Technologie), Kinh Tế học (Économie) lại cho rằng Thiên Nhiên (la Nature) chỉ là khối vật chất ù lỳ, bất động, chẳng có tính cách gì được gọi là sự sống, là cứu cánh, mục đích, giá trị tự thân. Thiên nhiên chỉ là nguồn tài nguyên cho con người khai thác, vận dụng ; giá trị của thiên nhiên là do con người gán cho tùy theo lợi ích mà con người thỏa măn nhiều hay ít nhu cầu của đời sống và tùy thuộc vào mọi qui luật cạnh tranh thị trường về mặt kinh tế.

Những lối gọi ‘Mẹ Thiên nhiên’, ‘Cha Trời, Mẹ Ðất’,…chỉ là tưởng tượng, những hình ảnh bóng gió, ẩn dụ trong thơ ca, thuộc phần cảm tính của nghệ sĩ và tôn giáo chứ không có thật, và dẫn đến việc thờ phụng, sùng bái thiên nhiên một cách vô lý, ngăn chặn mọi hoạt động của tri thức con người.

Quan điểm ‘cơ giới’ nầy không hẳn mới có gần đây mà đã có từ xưa kể từ lúc con người biết sử dụng lửa, biết thuần hóa một số thú vật, biết trồng đôi cây trái đầu tiên, biết chế tác dụng cụ bằng đá, bằng cây rồi bằng sắt. Một số thần thoại đã nói đến những anh hùng chinh phục các sức mạnh thiên nhiên như truyện thần Horus thắng tê giác, thần Apollon thắng con rắn Python, truyện thánh George đánh bại con rồng,…Việt Nam ta cũng có những truyện tương tự như Lac Long Quân thắng các yêu tinh. Quan điểm nầy thực sự mạnh mẽ từ thế kỷ XVII. Rồi cũng do óc tưởng tượng của người nghệ sĩ mà cái Biết Làm của con người càng được kích thích để thêm bao truyện nói lên khả năng hăm hở chinh phục, khai thác thiên nhiên như truyện Bác sĩ Faust, truyện Frankenstein hay ‘thần Prométhée hiện đại’ của Mary Shelly (1818) mào đầu cho ham muốn và khả năng của con người chẳng thua gì thần thánh. Ngay cả Kinh Thánh Ki-Tô giáo, trong sách Sáng Thế của Moise, khi viết ‘’Hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất’’ cũng đã nói lên ý muốn của Thượng Ðế bảo con người phải quản trị thiên nhiên.  Rồi bao nhiêu nhà khoa học, kỹ thuật học cùng các ý thức hệ Duy vật và các chủ trương Kinh tế duy nghiệm, duy thực, duy lợi càng chứng tỏ khả năng siêu đẵng của con người, đẩy lùi quan điểm Vật linh trước đây để chỉ còn tin tưởng vào ‘quyền lực thống trị’ của con người đối với thiên nhiên, vạn vật. Ngày nay, với khoa Di Truyền học, Sinh học, Thần Kinh học,…, người ta cho rằng mọi khả năng con người về mặt tâm linh (tâm năng) không là những gì thiên phú, thiên bẫm (inné) mà cũng chỉ là do hoạt động của các tế bào thần kinh qua tác dụng của các gène di truyền . Khoa ‘Sinh sản vô tính’, khoa sinh đẻ trong ống nghiệm, khoa tạo nên những ‘những bé thiên tài’ (bébés einstein) cùng việc chế tạo những ‘người máy tự động, biết suy nghĩ’, chế tạo những ‘bộ óc nhân tạo’, chế tạo ra những tế bào từ các ‘tế bào gốc’ (cellules souches)  càng chứng tỏ thêm khả năng con người và chứng tỏ thiên nhiên chỉ là khối vật chất vô tri thuộc quyền khai dụng của con người cho cuộc sống con người thôi.

Nhưng rồi, Khoa học, Kỹ thuật học cùng các chủ trương Kinh tế duy thực, duy lợi trên, càng tiến đến đỉnh cao, do cái Biết Làm tạo nên nền Văn minh duy lý cao độ, lại phải đối diện với bao vấn nạn về mặt ý nghĩa, cứu cánh cuộc sống, cuộc đời, về nhân quyền, nhân phẫm, về Tự do, về giá trị con người nghĩa là những vấn đề thuộc Văn hóa. Thêm nữa, tiến bộ của Khoa học, Kỹ thuật cũng khiến bao nhà khoa học rùng mình trước những thành tựu có thể dẫn đến hủy diệt  con người và cả nhân loại như những vũ khí tối tân sát hại khối lớn sinh linh trong nháy mắt cùng sự ‘băng hoại’ của môi trường sống.

Văn minh càng tiến thì hầu như Văn hóa lại bị đe dọa. Từ những vấn nạn đó, con người phần nào lại muốn trở lại với thiên nhiên với những môn học mới như ‘Sinh đức lý học’ (tạm dịch Biothétique), ‘Sinh thái học’ (Écologie),…cùng bao nhiêu phong trào đòi hỏi nhân quyền, lên án diệt chủng càng lúc càng lên cao. Liệu ‘’nhân quyền tức quyền sống của con người sẽ chỉ còn và hoàn toàn được hiểu cũng như được biện minh bằng ‘quyền của lợi tức’ (droit du profit) và quyền con người được thay thế bằng ‘quyền của các di thể’ cùng lúc Tự do của con người không còn liên hệ gì đến nhân loại mà chỉ liên hệ đến tính cách riêng biệt của khối Nhiễm sắc thể’’  như  nhà Bác học kiêm Di truyền học Pháp Axel Kahn đã bảo (16) .

Trước hai quan điểm ‘Vật linh’ và ‘Cơ giới’ đó, nhà Sinh vật học người Anh Rupert Sheldrate, chuyên biệt về khoa ‘Sinh hóa học’ và ‘Sinh học về tế bào’ (biologie cellulaire) , qua tác phẫm ‘The Rebirth of Nature’ đã nói đến ‘Sự trở lại với Thiên nhiên nơi Khoa học’ (La Renaissance de la Nature en Sciences), phối kết mọi quan điểm khoa học lâu nay, cho rằng : ‘’Mọi cơ chế sinh thể không chỉ thừa hưởng di thể mà thừa hưởng cả những diện trường cộng hưởng. Những di thể được kế truyền theo cách thức thể chất bỡi tổ tiên và cho phép sinh sản những kiểu mẫu riêng biệt của các phân tử protéines ; những diện trường cộng hưởng lại được thừa kế không theo cách thể chất (phi thể chất)  mà bỡi phản hưởng cộng hưởng, không chỉ với tổ tiên mà còn với mọi phần tử cùng chủng loại. Cơ chế sinh thể đang phát triển hoà điệu với các diện trường cộng hưởng của chủng loại mình và do đó rút chất liệu từ một ký ức tập thể’’ (17) .

Quan điểm nào cũng có phần đúng. Tuy nhiên, chỉ thiên về một quan điểm thôi thì, theo người viết, khó có thể có Tiến hóa đúng nghĩa.

Quan điểm Cơ giới do cái Biết Làm làm nẩy sinh Văn minh nhưng Văn minh chưa hẳn là Văn hóa mặc dù thành tựu của văn minh có được xã hội sử dụng để Văn hóa thêm nẩy nở nghĩa là Cuộc sống chung (cuộc đời) thêm dễ dàng, đầy dủ, tốt đẹp hơn. Sự việc con người đổ bộ lên Cung Trăng là sự việc của Văn minh chứ chưa là sự việc Văn hóa. Quan điểm Vật Linh chú trọng cuộc Sống chung nhưng nếu chỉ thể sẽ đưa xã hội vào trạng thái tĩnh chỉ, tịnh trí khiến cuộc sống trì trệ, tù đọng. Ðấy là tình trạng các xã hội Ðông phương, chú trọng việc tu chứng tức phát huy cái sống ‘nội tâm’ mà lảng quên cái ‘Biết Làm’ khai thác khả năng con người trong việc tạo tác những nguồn năng lượng mới cho cuộc sống cơ năng. Nơi Ðông phương, ta thấy rất nhiều bậc đạo gia, thánh nhân, hiền nhân, bồ tát, quân tử nhưng lại ít nhà thông thái, nhà khoa học,…trong việc nghiên cứu, tìm tòi, khai phá ngoại giới. Chúng ta ‘tiến bộ, văn minh’ do cái ‘Biết Làm’ ; chúng ta có ‘Văn Hóa’ do cái ‘Biết Sống’.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà cái ‘Biết Làm’ tức Văn minh tiến những bước thần tốc trong lúc cái ‘Biết sống chung’ hầu như không theo kịp.

Dĩ nhiên, không ai nghĩ phải cản ngăn những tiến bộ của cái Biết Làm vì như thế là hạn chế Tự do trong đó có cái Tự do tìm tòi, Tự do phát minh và là cản ngăn sự phát triển của tri thức. Nhưng nếu Văn hóa tức cái ‘Sống chung cho nhau’ không đồng nhịp với cái Biết Làm (Văn minh) thì mọi thứ tốt đẹp mà con người và nhân loại ước mong : Tự do, Nhân quyền, Nhân phẫm, Công bình, Bác ái, Hoà bình, Hạnh phúc,…không thể nào thực hiện được. Người ta đã nói đến ‘sự độc tài của di thể’ (la dictature des gènes – Axel Kahn), và toàn nhân loại đang phải bị khống chế bởi ‘sự độc tài của công nghệ truyền thônng’ (qua những tập đoàn tư bản toàn cầu như Google, Face book, Amazon,.Huwaie, ), tóm lại là một thứ  ‘Chế độ kỹ trị’ (régime technocratique)  trong đó, chỉ giai cấp Biết Làm (giai cấp trí thức – classe savante, knowledge class) nghĩa là lớp người có trình độ khoa học, kỹ thuật cao cấp, những chuyên viên thượng thặng về mọi lãnh vực, nắm độc quyền an bài xã hội và quần chúng nhân dân chỉ còn phải tuân thủ. Một chế độ kinh khiếp như hay hơn mọi chế độ độc tài vì không thể nào chống đối do ‘kỹ thuật vạn năng’ sẽ nhân danh Văn minh, Tiến bộ, Phát triển hủy diệt vô cùng hiệu quả mọi chống đối, xem quần chúng là lớp người kém cõi, không có hoặc không theo kịp cái ‘Biết Làm’ của giới cầm quyền để trở thành trở lực cho Văn minh, Tiến bộ.  Tình trạng đó sẽ xảy ra một khi giai cấp Biết Làm nầy không có hoặc thiếu tinh thần Văn hóa, không tôn trọng cái ‘Sống chung’ của toàn thể xã hội mà chỉ nghĩ đến cái ‘Sống chung’ của riêng lớp người Biết Làm đó thôi. Chúng ta hẳn thấy chế độ thực dân ngày nay không cần thiết dựa vào sức mạnh vũ trang mà dựa vào sức mạnh kinh tế ; chủ nghĩa tư bản không cần bóc lột sức người, sức của của quần chúng một cách độc ác như trước mà trở thành một thứ ‘chủ nghĩa tư bản quyến rủ’ (18) khai thác, vận dụng và bóc lột phần Tâm linh con người do cái Biết Làm tạo ra hàng hóa nhiều, tiên lợi, đẹp mắt, rẻ tiền và luôn luôn đổi mới. Thoạt nghe rất hấp dẫn nhưng chỉ đưa cuộc sống vào vô nghĩa, bấn loạn vì hoàn toàn phải ví đuổi tiện nghi, phải bắt kịp thời trang, thời thượng mà lại không đủ khả năng và điệu kiện. Thời gian sống càng lúc càng hối hả, không gian sống càng lúc càng bức xúc, thần trí càng lúc càng bấn loạn. Trong tác phẫm ‘Nhân loại mới : từ Nhất Thể khởi nguyên đến Nhất Thể hồi phục’, người viết đã nhận định về thực trạng xã hội tiền tiến Tây phương : ‘’Trật tự mà bât an, tự do mà ràng buộc, sung mãn mà nghèo nàn’’ ‘’Áp bức không nguyên nhân, khổ đau không chứng cớ, tội ác không tìm ra thủ phạm’’ . Cũng trong tác phẫm nầy, những căn bản làm nền tảng xây dựng xã hội Tư bản hiện nay là ‘Tự do, Bình đẵng’ trở thành ‘’những thứ mà kẻ yếu luôn đòi hỏi, biến thành vũ khí của kẻ mạnh để nhân danh và là của cải của những ai có phương tiện, có điều kiện’’ (19).                 

Nhà Khoa học (bác sĩ và di truyền học) Albert Jacquard đã phần nào bi quan, nhận thấy rằng : ‘’Thực sự, chúng ta từ nay đang đối diện với một vũ trụ độc hướng. Và cái chiều hướng duy nhất đó, chính là chiều hướng của tiền bạc. Giá trị buôn bán. Vấn đề đặt ra là diều đó liên quan đến cái nhìn của chúng ta về con người, bỡi vì, thực ra, sự đánh giá con người cuối cùng chỉ căn cứ trên giá trị kinh tế thôi. Tôi từ Canada về và chúng tôi đã bàn thảo về lớp người trí thức. Lớp trí thức  ngày nay là gì ? Lớp trí thức chẳng khác gì một cá nhân đã đem lại nhiều tiền bạc cho một hảng xưởng. Không thể chấp nhận được. Phải phản ứng vì cuối cùng chính phẫm giá con người bị đe dọa ! Rốt cuộc, tất cả chúng ta đều bị xếp vào hàng ngũ những gái điếm. ! Một kỹ sư ca ngợi tính thông minh của mình không đáng gíá gì hơn một gái điếm khoe khoan bộ phận kín của cô ta. Dĩ nhiên, cả hai không cùng một bộ phận nhưng, thật ra cũng cùng một thái độ thôi ! Ðiều đó có nghĩa biến mọi khả năng của chúng ta thành tiền bạc, một bên bằng cách đưa mông, một bên sử dụng khối óc. Nhưng cứu cánh, thật ra chỉ là tiền bạc, duy nhất chỉ là tiền bạc. Và khi cứu cánh chỉ là tiền bạc, chúng ta đã hành xử theo cung cách của gái điếm’’ (20). Nhận xét phần nào quá đáng nhưng không phải hoàn toàn sai. Phong trào  ‘Toàn cầu hóa Kinh tế’ liệu có nhằm thực hiện được sự thịnh vượng chung cho toàn thế giới hay chỉ là phương tiện thu tóm kinh tế toàn cầu vào trong tay một số tổ hợp tư bản tài phiệt ? Sự việc dùng tế bào ADN vào canh tác, tạo nên những loại ngũ cốc  ‘di thực’ (transgéniques)  có nhằm giải quyết nạn đói trên thế giới hay chỉ phục vụ ‘doanh nghiệp thực phẫm’ tư bản ?

Các nhà Khoa học, Kỹ thuật thường nghĩ đến Tiến bộ, Văn minh, Phát triển về mặt sống cơ năng và cho rằng những Tiến bộ, Văn minh đó sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề của cuộc sống, đưa con người đến toàn thiện, toàn mỹ (21) mà quên nghĩ rằng cái xấu, cái ác cũng do đó mà tiến bộ, văn minh. Một tên cướp dĩ nhiên tiến bộ hơn một tên cắp vặt ; giết người bằng súng dĩ nhiên tiến bộ, văn minh hơn giết người bằng dao mác.

        Xa lìa Văn hóa thì cái Biết Làm sẽ dẫn đến một thứ ‘lý thuyết ưu sinh’ (eugénisme)  chủ trương hủy diệt số người bất toàn  về cơ thể hay cho rằng không đủ khả năng tinh thần (kém, chậm, ngu đần,…) để chỉ còn số người ‘ưu việt’ về mặt Biết Làm nầy như một đôi nhà khoa học qua các lý thuyết của họ như Alexis Carrel, James Watson (22) . Quan điểm của đôi nhà khoa học đó đã ít nhiều đưa dẫn đến những thứ chủ nghĩa như Ðức Quốc Xã hay những chủ trương cực đoan khác về Văn minh (nền Văn minh duy lý của Tây phương),  về ý thức hệ (Cộng sản), về Tôn giáo  (như Hồi giáo quá khích). Nhìn chung, dù các nhà Khoa học, Triết học  có giàu từ tâm đến mấy thì thành tựu của họ vẫn đươc sử dụng vào mục đích Tư hữu, Chiếm hữu dù về  của cải vật chất hay của cải tinh thần (tôn giáo).

Qua những dữ kiện trên, ta thấy rằng cái ‘Biết Làm’ (Văn minh) mà không đi đôi với cái ‘Biết Sống chung’ (Văn hóa) thì không thực sự phục vụ được con người cùng cuộc sống của nó và của nhau, cũng không là điều kiện đủ cho Tiến hóa.

         Hậu bán thế kỷ XX và những năm đầu của Thiên niên kỷ III đang đối diện với bước ‘nhảy vọt’ của cái ‘Biết Làm’ trong lúc cái ‘Biết sống chung’ không theo kịp đà Văn minh. Bao nhiêu hiểm họa đang giăng bày trước mắt nhân loại : vũ khí hạch tâm, vũ khí sinh học, vũ khí internet, nạn khủng bố, nạn bá quyền nước lớn, nạn ô nhiễm môi sinh, nạn nổ bùng nhân số,…càng lúc càng trầm trọng ; sự chạy theo vận tốc của kỹ thuật và thời trang, sự ưa chuộng cảm giác mạnh, sự mất giá của gia đình, của Tôn giáo, đạo đức,…còn bao nhiêu hiểm họa khác. Tuy nhiên, người viết nghĩ rằng đấy có thể là giai đoạn quá độ của Văn minh để chuyển sang giai đoạn ‘hội nhập Văn minh và Văn hóa’ với một nền Pháp lý và Ðức lý mới làm nền cho tổ chức Chính trị, Kinh tế hầu thiết lập một ‘trật tự mới’ cho toàn thể địa cầu (xin xem các phần sau – sự xuất hiện của Ông Donald Trump, Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ đắc cử năm 2016, co thể xem là một báo biểu cho sự việc nầy). Thế giới hiện nay đang phải trải chịu những ‘đổ vỡ’ trầm trọng suốt mặt, một cuộc ‘khủng hoảng thần trí’ (crise d’esprit theo Paul Valéry)  về khắp mọi lĩnh vực do cơn sốt cao độ của Văn minh nhưng chính đang trong cơn ‘quặn thắt cuối cùng’ để ‘sinh thành’ trở lại (như trường hợp người thai phụ đau đớn đến cùng cực để sinh hạ đứa con)., có nghĩa để tạo dựng một nền Văn hóa, Văn minh phổ quát’  mà không loại trừ mọi sắc thái Văn hóa, Văn minh của từng dân tộc. Văn minh, Văn hóa ngày nay, không còn tính cách cục bộ, địa phương rời rạc, không còn dời địa bàn từ vùng nầy sang vùng khác mà tiến đến giai đoạn ‘toàn cầu hóa’ có nghĩa đươc phổ biến khắp địa cầu. Từ lâu, người ta đã nói đến nền ‘Văn minh liên lục địa’, ‘Văn minh liên châu’ (civilisation intercontinentale) hay ‘Văn minh hành tinh (civilisation  planétaire) ; điều nầy, người viết nghĩ, tất yếu sẽ đến do yêu cầu của Tiến hóa. Sự việc đã xảy ra. Máy Ðiện toán (computer, Ordinateur) và Internet hiện nay hầu như chi phối hết mọi sinh hoạt của con người, của xã hội trên khắp toàn cầu không chỉ về giao thông, truyền thông mà cả về mọi mặt khác.

Người viết nghĩ rằng không nên nhìn Thiên nhiên thuần theo một quan điểm nào -Vật linh hay Cơ giới- để Văn hóa không làm ngưng đọng Văn minh, cũng không dể Văn minh làm phương hại Văn hóa. Nghĩa là phải kết hợp cả hai cái ‘Biết Làm’ và ‘Biết Sống’ cùng lúc. Như thế phải kết hợp cả hai loại Biết : cái ‘Biết tìm cầu’ và cái ‘Biết Thể nghiệm’, (23).  Nói theo M. Heidegger là hai loại Tư Tưởng : ‘Tư Tưởng quy hoạch’ (pensée calculante, tức cái Biết Làm) Tư Tưởng suy niệm’ (pensée méditante, tức cái Biết sống)  hầu sao cho  ‘Trí tuệ mở vào Huyền nhiệm’ cùng lúc thể hiện được cái Bình đẵng tánh trí trước mọi sự, mọi vật’.  (esprit ouvert au secret et égalité d’âme devant les choses) như lời M. Heidegger trong thiên cảo luận ‘Sérénité’ (24).  Thời điểm ‘Muôn vật đổi mới’, ‘Ta làm mới lại tất cả’, thời điểm ‘Ðáo bỉ ngạn’ qua lời Jésus và lời Phật Thích Ca có thể xem là báo biểu cho hành trình đó. Theo đó, thiết nghĩ, theo người viết, nhiệm vụ nhà trí thức bất cứ thuộc lãnh vực nào cũng nên luôn luôn ‘Văn hóa hóa’ mọi tư duy và hành động của mình để mọi thứ do cái Biết Làm của mình và của tập thể phục vụ được cái Biết Sống của toàn thể trong cuộc sống, cuộc đời của toàn thể trên mặt đất nầy. Sự việc nầy đưa đến trách nhiệm phải ‘’Thiện Hóa’' Sự Sống.

___________________

Chú Thích :

13/- « Chaque plante et chaque animal participaient psychiquement au processus vital de l’âme du monde, intellectuellement à l’activité de son esprit et matériellement à l’organisation de son corps »- Collingwopod, trich sẫn bởi Rpert Sheldrade trong ‘The Rebirth of Nature’, bản dịch Pháp ngữ ‘L’Âme de la Nature’ của Paul Couturiau, édt du Rocher, Paris 1992, trang 57.

14/- Xem ‘L’Âme de la Nature, sđd trên

15/- Có lẽ, theo đó chế độ chuyển từ mẫu hệ sang phụ hệ. Canh tác lúc đ9ầu do người nữ trong lúc săn bắn, chài lưới, chăn nuôi do người nam. Dần dần do nhu  cầu sản xuất và nhu cầu sinh sản, sức lực người nữ nhường bước cho sức mạnh người nam.

16/- « Les droits de l’homme seraient remplacés par le droit des gènes et, par conséquent, la liberté d’une personne ne serait plus liée à son humanité mais à la singularité de son génome. »- Axel Kahn, xem ‘L’Avenir n’edt pas écrit’, sđd, trang 219

17/- « Les organismes vivants héritent non seulementdes gènes mais aussi de champs morphiques. Les gènes sont transmis matéeiiellementpar les ancêtres et permettent de prooduire des types paericuliers de molécules protéiques ; les champs morphique son hérités  de facon non-matérielle, par résonnance morphique, non seulement avec les acêtres mais encore avec tous lrs membres de son espèce. L’organisme en développement s’accorde aux champs morphiques de son espèce et puise donc dans une mémoire collective »_  Rupert Sheldrake, bản tiếng Pháp ‘l’Âme de la Nature’, sđd, trang 128. ‘Diện trường cộng hưởng’ hay ‘trường  cộng hưởng’ (champ morphique) là trường ứnng dụng một tập họp E trong một tập họp F. Cả hai tập họp E và F đều mang nơi mình một kết cấu nội tại. ‘Phản ứng cộng hưởng’ (résonnance morphique) là biên độ hay độ rộng của những chấn động phản hồi qua lại với nhau.

18/- Capitalisme de déduction – Thierry Gaudin : ‘2100, récit du prochain siècle’, édt. Payot, Paris 1990

19/- Nguyễn Thùy và Trần Minh Xuân : « Nhân loại mới : từ Nhất Thể khởi nguyên đến Nhất Thể hồi phục », viết lén lút tại Sài-Gòn năm 1979, nxb Mékong Tỵ Nạn, San José, USA 1992

20/-« En réalité, nous nous désormais face à un univers unidimensionnel de l’argent, la valeur marchande. Ce qui est pour la fièvre aphteuse l’est pour n’importe qui : c’est général. Le problème c’est que cela s’étend aussi à notre vision des hommes parce qu’au fond, on finit par évaluer les êtres humains en fonction de leur valeur économique. Je reviens du Canada où nous nous interrogions sur les élites. Qu’est-ce qu’ne élite aujpurd’hui ? Ce n’est autre qu’un individu qui feraiit gagner beaucoup d’argent à so entreprise. C’est insupportable ! Il faut réagir, car, c’est finalement la dignité que vous évoqueriez qui  est menacé ! Au bout du compte, nous sommes tous ramenés au rang de putain ! Un ingénieur qui loue son intelligence ne vaut guère ùoeux qu’une putain qui loue son sexe ! Ce n’est  certes pas le même organe, mais , au fond, c’est la même attitude ! Cela revient à transformer en argent nos diverses capacités, l’une consistait à montrer ses fesses, l’autre ç utiliser son cerveau. Mais la finalité, il ne faut pas s’y tromper, c’est le fric, et uniquemment le fric. Et quand la finalité n’est que l’argent, nous adoptons un comportement de putain »-A.Jacquard : ‘L’Avenir n’est pas écrit’ (tác phẩm đối thoại giữa hai khoa học A.Jacquard và A.Kahn với sữ tham dự của nhà báo Fabrice Papillpon nêu vấn đề tranh luận. Tuy có đôi điểm khhác nhau nhưng cả hai đều là những nhà khoa học giàu tính nhân bản). Tác phẩm dp &dt. Bayard, 2ème tirage, Paris 2001, trang 61.

21/-Yuy nhiên nhiều nà khoa học luôn đề cập đến những thành quả của cáo ‘Biết Làm’ qua những tiến bộ, văn minh sẽ khoến xạ hội nhân loại tốt đẹp hoàn toàn về tất cả mọi ma95t như Michio Kaku trong tác phẩm ‘Vioisions’, nhưng người viết không tìm thấy những luận cứ đáng tin tưởng  mấy vì sách nầy nói nhiều đến khả năng hơn là tổ chức cuộc soống chung của xã hội theo cái ‘Biết Sống’.Cả quyển ‘2001, Rcit du prochain siècle’ của Thierry Gaudin, tuy phân tích đủ mọi mặt nhưng chưa nêu rõ cách thế nào hoà hợp ‘con người bên trong’ và ‘con người bên ngoài’ đẻ tiến tới ‘xã hội của trí  thông minh’ có thể phục vụ mỹ mãn cái ‘Sống Chung’ của toàn thể nhân loại.

22/- Alexis Carrel (1873-1944), bác sĩ ngưòi Pháp, Nobel Y học 1935 ấn hành tác phẩm ‘L’Homme cet inconnu’ trong ó ông công khai nêu lên sự loại trừ, tiêu diệt một số lớp ngưòi ca phạm và bị bệnh tâm thần trong những phòng hơi ngạt, phạ2n nào chủ trương ‘chủng tộc ưu việt’ của Ði71c Quốc Xã đã dực vào quan điểm nầy – xem ‘L’Avenir n’est pas écrit’, sđđ ; phần chú thích nơi trang 224.  – James Watson (nhà sinh học Mỹ, Nobel 1962 cùng với Francis Crick và Maurice Wilkins đã tìm ra cấu trúc của DNA năm 1953, trong cuộc « Hội thảo về ‘Tính chất trí tuệ’ (hay cơ sở trí tuệ ?) trong lãnh vực của vật sống » (la propriété intellectuelle dans le domaine du vivant) do Viện Hàn Lâm Khoa ọc tổ chức năm 1995, đã phản bác quan điểm ‘Nhân quyền’ của Bác sĩ Axel Kahn, cho rằng : « Tôi nghĩ rằng trong mười nghìn năm tới,điều được xem là chủ yếu của lịch sử con người sẽ không là Jésus Christ hay Mahomet hay những nhà triết lý hay thần bí học khác mà mà Charles Darwin..Một hậu quả của cách mạng của Darwin là nếu các người quan niệmcon người có nhữg quyền bất khả ly nhượng, điều đó cũng áp dụng cho con chó, rồi con chuột nhắc, cho con men giấm….Vị thần do truyềnvà những khoa Sinhkỹ-thuật-học cống hiến cho chúng tanhiều khí cụ để ảnh huởng vào tiến hóa, và, điều đó cảnh giác  một số người về những khả năng mà lâu nay thưòng được xem là độc quyền của những sức mạnh siêu nhiên…Nhưng sau roết, không phải lần đầu tiên, con người tự xem mình là Thượng Ðế…Con người đã thực hiện điều đó bằng cách thuần dương thú vât, bằng cách phát triển canh nông » (Je pense que dans les dix mille ans qui viendront, celui qui s’imposera comme la figure dominante de l(Histoire de l’Homme ne sera pas Jésus Christ, ou Mahomet ou d’autres grands philosophes ou mystiques, mais Charles Darwin…Une conséquence de la révolution darwinennne est que si vous avancez que l’homme a des droits inalinéables, cela s’appliquera aussi au chien, puis à la petite souris, à la mouche de vinaigre…Le génie génétique et les biotechnologies nous ont donné de puissants outils por influencer l’évolution, et cela en alarme certains car ces pouvoirs étaient jusqu’alors considérés comme l’apanage des puissances surnaturelles…Mais, après tout, ce n’est pas la première fois que l’Homme se prend pour Dieu…Il l’a fait en domestiquant les animaux..,en développant l’agriculture  - Trích dẫn bởi Axel Kahn trong tác phẩmcủa ông ‘Et l’Homme dans tout cà ?’, Nil édt. Paris 2004, trang 67 – James Watson không nói đến ‘chủng tộc ưu việt’ nhưng tin tưởng thuyết Tiến Hóa của Darwin. Thuyết nầy với quan điểm ‘tuyển trạch tự nhiên’ (sélection naturelle) cho rằng một chủng loại nào đó tồn tại và tiến hóa do có khả năng ưu việt hơn các chủng loại khác.

23/- Theo Hoà thượng Thích Viên Lý, trong phần giới thiệu (26/06/1992) tác phẩm «Vật Lý học và Phật học » của Giáo sư khoa ọc Vương Thủ Ích, người Ðài Loan, bản dịch Việt ngữ của Vân Uyên, Viện Triết Lý Việt Nam & Triết Học Thế giới xuất bản, California, USA 1994, trang 8.

24/- Xem ‘Questions III’, Gall. Paris 7980, sđd.

Nguyễn Thùy

Không có nhận xét nào: