Trong bài Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ của Trần Gia Phụng ghi nhận: “Quốc ngữ là chữ viết chung của dân chúng cả nước. Từ thời Ngô Quyền lập quốc (939), các triều đại cầm quyền đã mượn chữ Nho (chữ Hán) để sử dụng trong hành chánh, học thuật. Dầu vậy, người Việt vẫn nói tiếng Việt, không công nhận chữ Nho là quốc ngữ, và tìm cách sáng tạo ra quốc ngữ cho riêng mình Đầu tiên, người Việt dựa trên chữ Nho để chế ra chữ Nôm. Chữ Nôm được ghi nhận chính thức xuất hiện vào thế kỷ 13, khi Nguyễn Thuyên, lúc đó đang là hình bộ thượng thư dưới triều Trần Nhân Tông (trị vì 1279-1293), làm bài văn “Tế Cá Sấu” bằng chữ Nôm. Vào thời nầy, chữ Nôm được xem là quốc ngữ bên cạnh chữ Nho, nên tập thơ chữ Nôm của Chu Văn An (1292 - 1370) được ông gọi là Quốc Ngữ Thi Tập (Tập thơ Quốc Ngữ). Tuy nhiên, chữ Nôm cấu tạo trên căn bản chữ Nho, nên muốn học chữ Nôm thì phải biết chữ Nho tức chữ Hán. Vì vậy chữ Nôm khó học, không phổ thông trong dân chúng, và ít được sử dụng.<!>
Từ thế kỷ 17 trở đi, một thứ chữ mới xuất hiện. Nhờ giản dị, dễ sử dụng, sau ba trăm năm thử nghiệm, thứ chữ nầy càng ngày càng trở nên phổ thông và biến thành quốc ngữ, mà ngày nay người Việt đang sử dụng…
Vì vậy, để truyền đạo cho người Việt, các giáo sĩ phải viết kinh sách bằng tiếng Việt. Học nói thì không cần chữ nghĩa, nhưng kinh sách thì phải có chữ nghĩa. Không thể dùng chữ Nôm để viết tiếng Việt, các giáo sĩ ký âm thẳng tiếng Việt bằng mẫu tự La-Tinh, rồi mới dùng thứ chữ mới ký âm nầy để viết sách giáo lý bằng tiếng Việt. Mẫu tự La-Tinh chỉ gồm 24 chữ cái, có thể dùng để lắp ghép thành các từ ngữ trong tiếng Việt, nên thứ chữ mới nầy giản dị, dễ học, dễ viết, dễ sử dụng, dễ truyền bá…” (TGP)
Vì vậy chữ Nôm và chữ Việt được dùng hiện nay đều gọi là chữ Quốc Ngữ. Chữ có nghĩa là văn tự, Nôm có nghĩa là lời nói hay là Nam (đối lập với Trung Hoa) nghĩa là văn tự của lời nói hay văn tự của nước Nam, nó đối lập với văn tự chính thống chữ Nho. Trước đây có nhiều người gọi Hán Nôm không đúng mà gọi là Nôm. Ngày xưa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng dựa vào hình tượng chữ Hán để hình thành chữ viết cho dân tộc họ.
Bậc tiền nhân của ta ngày xưa với óc sáng tạo nên dựa vào chữ Nho thêm vào các bộ để đọc như tiếng nói nên trải qua hơn một nghìn năm sau đó - từ thế kỷ 10 cho đến thế kỷ 20 - một phần lớn các tài liệu văn học, triết học, sử học, luật pháp, y khoa, tôn giáo và hành chánh được viết bằng chữ Nôm. Dưới triều đại nhà Tây Sơn, toàn bộ các văn kiện hành chánh được viết bằng chữ Nôm trong 24 năm, từ 1788 đến 1802. Những văn bản như sổ sách, công văn, giấy tờ, thư từ, khế ước, trước bạ… đôi khi có xen chữ Nôm khi không thể tìm được một chữ Nho mang nghĩa tương đương chỉ các danh từ riêng (như tên đất, tên làng, tên người)…
Theo vài giả thuyết cho nguồn gốc chữ Nôm có từ xa xưa như Phạm Huy Hổ trong Việt Nam Ta Biết Chữ Hán Từ Đời Nào? cho rằng chữ Nôm có từ thời Hùng Vương. Văn Đa cư sĩ Nguyễn Văn San lại cho rằng chữ Nôm có từ thời Sĩ Nhiếp cuối đời Đông Hán thế kỷ thứ 2. Nguyễn Văn Tố dựa vào hai chữ "bố cái" trong danh xưng "Bố Cái Đại Vương" do nhân dân Việt Nam suy tôn Phùng Hưng mà cho rằng chữ Nôm có từ thời Phùng Hưng thế kỷ thứ 8… Tuy nhiên nguồn gốc chữ Nôm có từ thời Ngô Quyền được xác định rõ ràng nhất.
Nguyễn Trãi (1380-1442) - Thánh Tổ ngành Chiến Tranh Chính Trị QLVNCH – nhà thơ và bậc quân sư lỗi lạc đã tham gia cuộc Khởi Nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh thống trị nước ta trong thời kỳ Bắc thuộc. Khi cuộc khởi nghĩa thành công vào năm 1428, Nguyễn Trãi trở thành khai quốc công thần nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam.
Thế nhưng, năm 1442, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên… Tháng 8 năm 1464, sau 22 năm, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu giải oan cho ông và truy tặng tước hiệu là Tán Trù Bá, bãi bỏ lệnh truy sát của triều đình với gia quyến Nguyễn Trãi và ra lệnh bổ dụng con cháu ông làm quan. Năm 1467, Lê Thánh Tông ra lệnh sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi. Sau khi Nguyễn Trãi bị nạn 70 năm, ngày 8 tháng 8 năm 1512, vua Lê Tương Dực truy tặng Nguyễn Trãi tước Tế Văn Hầu, chế văn truy tặng có câu:
“Long hổ phong vân chi hội, do tưởng tiền duyên
Văn chương sự nghiệp chi truyền, vĩnh thùy hậu thế”
(Gặp gỡ long hổ phong vân, còn ghi duyên cũ
Truyền tụng văn chương sự nghiệp, để mãi đời sau).
Nguyễn Trãi được coi là một nhà tư tưởng lớn của nền văn hóa Việt Nam thời đại nhà Hậu Lê khi thoát khỏi thời kỳ Bắc thuộc.
Theo Lê Quý Đôn chép trong sách Đại Việt Thông Sử, những tác phẩm lớn của Nguyễn Trãi như Quân Trung Từ Mệnh Tập là tập sách gồm những văn thư do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Thái Tổ gửi cho các tướng tá nhà Minh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và văn răn tướng sĩ, từ năm 1423 đến năm 1427. Lam Sơn Thực Lục là quyển lịch sử ký sự ghi chép về công cuộc 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn, do vua Lê Thái Tổ sai soạn vào năm 1432. Ức Trai Thi Tập là tập thơ bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi, gồm 105 bài thơ, trong đó có bài Côn Sơn Ca nổi tiếng, sách gồm 3 quyển, Nguyễn Trãi soạn, Trần Khắc Kiệm biên tập (Văn nghiệp của Nguyễn Trãi được lưu lại hậu thề nhờ công lao của Trần Khắc Kiệm vâng chỉ dụ của Lê Thánh Tông đã sưu tập tác phẩm Nguyễn Trãi sau khi ông bị giết, nhưng tác phẩm ấy đã thất lạc. Đến đời Nguyễn, Dương Bá Cung, người cùng làng Nhị Khê với Nguyễn Trãi, vì kính yêu di sản của Ức Trai tiên sinh mà đi khắp từ Nam ra Bắc dò hỏi tác phẩm, sưu tầm biên chép lại). Chí Linh Sơn Phú là bài phú bằng chữ Hán, kể lại sự kiện nghĩa quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh lần thứ ba vào năm 1422. Băng Hồ Di Sự Lục là thiên tản văn bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi làm vào năm 1428, kể về cuộc đời Trần Nguyên Đán. Sách Luật Thư, 6 quyển, nay không còn, được Nguyễn Trãi soạn vào khoảng thời gian 1440-1441.
Chí Linh Sơn Phú là bài phú bằng chữ Hán, kể lại sự kiện nghĩa quân Lam Sơn rút lên núi Chí Linh lần thứ ba vào năm 1422. Băng Hồ Di Sự Lục là thiên tản văn bằng chữ Hán do Nguyễn Trãi làm vào năm 1428, kể về cuộc đời Trần Nguyên Đán. Sách Luật Thư, 6 quyển, nay không còn, được Nguyễn Trãi soạn vào khoảng thời gian 1440-1441. Bình Ngô Đại Cáo được hậu thế nhìn nhận là “thiên cổ hùng văn”.
Quốc Âm Thi Tập là tập thơ bằng chữ Nôm của Nguyễn Trãi, gồm 254 bài thơ, chia làm 4 mục: Vô Đề (192 bài, Vô Đề lại chia ra: Ngôn chí 21 bài; Mạn thuật 14 bài; Trần tình 9 bài; Thuật hứng 25 bài; Tự Thán 41 bài; Tự Thuật 11 bài; Bảo Kính Cảnh Giới (gương báu răn đe) 61 bài; và nhiều bài có tựa riêng v.v...), Thời Lệnh Môn (21 bài), Hoa Mộc Môn (34 bài), Cầm Thú Môn (7 bài). Đây là tập thơ Nôm tổng hợp rất đa dạng, phong nhú, nhiều bài thơ xưa nhất của Việt Nam còn lại đến nay. Với thi phẩm Quốc Âm Thi Tập, Nguyễn Trãi là người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam.
Trong 254 bài thơ ở Quốc Âm Thi Tập, chỉ có 71 bài làm theo thể thơ Đường luật, 183 bài còn lại là những bài thơ phá thể, cấu trúc tương tự thơ Đường về phương diện đối ngẫu nhưng số chữ thì tự do, bảy chữ chen với sáu, có khi năm chữ. Và khi số chữ thay đổi, thì tương quan bằng trắc, tự nhiên cũng phải thay đổi, gần gũi với các thể thơ ở thế kỷ XX và sau nầy.
Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi thể hiện sâu sắc tâm hồn dân tộc, cảm quan về thiên nhiên, quê hương, đất nước. Nhờ sử dụng ngôn ngữ dân tộc, Nguyễn Trãi bộc lộ tình cảm, sắc thái trữ tình, thế giới nội tâm và mọi nỗi ưu phiền một cách tự do, linh động. Quốc Âm Thi Tập là thơ của người ẩn, cảnh sắc là cảnh sắc ở ẩn. Nguyễn Trãi trong thiên nhiên thôn dã với tình yêu sâu sắc. Tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, cuộc sống và nỗi đau buồn trước thế sự, thế thái nhân tình.
Quốc Âm Thi Tập, Nguyễn Trãi khai sinh nghệ thuật dùng ngôn ngữ của dân gian của tiếng Việt cổ làm thăng hoa Quốc Ngữ của dân tộc.
Trích dẫn số bài thơ Xuân chữ Nôm của Ức Trai Nguyễn Trãi.
Đất nước lầm than dưới sự thống trị của quân nhà Minh, trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi lên án tội ác của giặc Minh (bản dịch của Ngô Tất Tố):
“Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,
Để trong nước lòng dân oán hận.
Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ,
Bọn gian tà bán nước cầu vinh.
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế,
Gây binh kết oán trải hai mươi năm.
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,
Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc.
Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng,
Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán;
Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa.
Nặng nề những núi phu phen,
Tan tác cả nghề canh cửi.
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi…”.
Trước thảm cảnh như vậy, đất nước không có mùa Xuân nên khi Lê Lợi đánh ta quân giặc, giành lại chủ quyền của giang sơn nên mùa Xuân dân tộc mới trở về với người dân. Và, Nguyễn Trãi đã hòa mình với mọi người, sáng tác thơ Xuân. Thơ Xuân của Nguyễn Trãi có nhiều thơ chữ Hán, nổi tiếng như bài Trại Đầu Xuân Độ, sau đó sáng tác nhiều bài thơ chữ Nôm. Nguyễn Trãi sáng tác thơ Xuân trải qua hai gian đoạn: Lúc dấn thân vào đời, làm quan đại thần nhà Hậu Lê và khi bị giam lỏng ở Đông Quan (theo bài tựa của Nguyễn Khắc Kiệm) hay bị Lê Thái Tổ ruồng bỏ sau khi bị giam vì bị nghi có liên quan với án Trần Nguyên Hãn, tuy được tha và vẫn giữ chức quan, nhưng không được làm việc gì.
Bài thơ Đầu Xuân Đắc Ý như khởi đầu cho giai đoạn đầu nhà Hậu Lê:
“Đường tuyết thông còn giá in,
Đà sai én ngọc lại cho nhìn.
Xuân chầy liễu thấy chưa hay mặt,
Vườn kín hoa truyền mới lọt tin.
Cành có tinh thần ong chửa thấy,
Tính quen khinh bạc bướm chăng gìn.
Lạc Dương khách ắt thăm thinh nhọc,
Sá mựa cho ai quẩy đến bên”.
Một hình ảnh khá quen thuộc nhưng trong thơ ít ai nhắc đến với cây chuối và mùa Xuân:
“Tự bén hơi xuân tốt lại thêm,
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm.
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu, gượng mở xem”.
(Ba Tiêu)
Cây chuối trong thơ là hình ảnh là cây chuối xuân vì khi mọi người dùng lá chuối để gói bánh chưng, bánh tét mỗi khi xuân về nên rất gần gũi với truyền thống của dân tộc. Tác giả đã nhân cách hóa với hình ảnh Ba Tiêu.
“Và tháng hạ thiên bóng nắng dài,
Thu đông lạnh lẽo cả hòa hai.
Đông phong từ hẹn tin xuân đến,
Đầm ấm nào hoa chẳng tốt tươi”.
(Hoa Xuân)
Hoa đào cũng là hình ảnh báo hiệu mùa Xuân:
“Một đoá đào hoa khá tốt tươi,
Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười.
Đông phong ắt có tình hay nữa,
Kín tịn mùi hương dễ động người”.
Với bốn mùa “bóng nắng dài” của hạ và “lạnh lẽo” của thu đông chờ xuân đến hoa trái trở về với thiên nhiên và con người.
Xuân với truyền thống của ta không chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày Tết mà còn kéo dài qua bài Vãn Xuân:
“Tính từ gặp tiết lương thần,
Thiếu một hai mà no chín tuần.
Kiếp thiếu niên đi thương đến tuổi,
Ốc dương hoà lại ngõ dừng chân.
Vườn hoa khóc tiếc mặt Phi tử,
Trì cỏ tươi nhưng lòng tiểu nhân.
Cầm đuốc chơi đêm này khách nói,
Tiếng chuông chưa đóng ắt còn xuân”
Ngày tháng ở Côn Sơn, nơi đó ông đã ca ngợi “Côn Sơn có suối nước trong. Tai nghe suối chảy như cung đàn cầm” nhưng vào thời điểm mùa xuân đến với Nguyễn Trãi trong lặng lẽ, cô liêu được trang trải qua bài thơ chữ Hán Mộ Xuân Tức Sự:
“Nhàn trung tận nhật bế thư trai
Môn ngoại toàn vô tục khách lai
Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão
Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai”.
(Cả ngày nhàn rỗi đóng cửa phòng sách
Không có khách tục nào bước tới cửa
Nghe tiếng cuốc kêu biết ngày xuân đã muộn
Một sân hoa xoan nở trong màn mưa bụi)
Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,
Những lệ xuân qua tuổi tác thêm.
Chẳng thấy ngoài hiên tơ liễu rủ?
Một phen liễu rủ một phen mềm.
Và, bài thơ Tiếc Cảnh chữ Nôm với nỗi sầu:
“Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,
Những lệ xuân qua tuổi tác thêm.
Chẳng thấy ngoài hiên tơ liễu rủ,
Một phen liễu rủ một phen mềm”.
Nguyễn Trãi cảm xuân với phong tục truyền thống thức khuya chờ giao thừa và đêm trừ tịch với hình ảnh:
“Mười hai tháng lọn mười hai
Hết tấc đông trường sang mai
… Chong đèn chực tuổi cay con mắt
Đốt trúc khua ma đắng lỗ tai”
(Đêm Trừ Tịch)
Từ cảm thức trước xuân như vậy nên nhà thơ vừa trân trọng vừa luyến tiếc thời gian, luyến tiếc tuổi trẻ:
“Ba bảy mươi nào luống nhọc thân,
Được thua đã biết sự phân vân.
Chớ cười hiền trước rằng dại,
Cầm đuốc chơi xuân bởi tiếc xuân”.
Bài thơ Mai bày tỏ tâm sự nhà thơ khi thất sủng:
“Xuân đến cây nào chẳng tốt tươi
Ưa vì mày tuyết sạch hơn người
Gác đông ắt đã từng làm khách
Há những Bô tiên kết bạn chơi”.
Trong nỗi cô đơn đó, làm bạn với lão tiên Lâm Bô, ẩn sĩ đời Tống, sớm hôm chỉ lấy việc trồng mai và nuôi hạc làm bầu bạn.
Hơn hai thập niên về trước, tôi viết bài Tấm Lòng Của Nguyễn Trãi dựa vào câu nói của vua Lê Thánh Tôn “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” (Tấm lòng Nguyễn Trãi đẹp như sao Khuê). Từ lúc dấn thân vào đại cuộc để giành lại giang sơn, xã tắc, lúc làm đại thần trong triều, Nguyễn Trãi luôn tâm niệm phục hưng triều trại nhưng tình đời đổi thay bị thất sủng quy ẩn rồi bị hàm oan với bản án đầy oan nghiệt cho dòng họ. Đất nước mất đi bậc nhân tài đức độ. Trong Văn Học Việt Nam còn lưu lại hậu thế tài hoa của Nguyễn Trãi, thơ của ông là hồn dân tộc, của nhân gian, của bao thế hệ.
Nguyễn Trãi gắn liền với thiên nhiên, với bốn mùa, với đời sống của người dân như chu kỳ cuộc sống.
“Đông đã muộn, lại sang xuân
Xuân muộn thì hè lại đổi lần
Tính kể từ mùa cỏ nguyệt
Thu âu là nhẫn một hai phân”.
Với quan niệm của kẻ sĩ, trong cuộc sống ô trọc nầy, Nguyễn Trão quan niệm:
“Được thua phú quý dầu thiên mệnh
“Được thua phú quý dầu thiên mệnh
Chen chúc làm chi cho nhọc nhằn”.
Vua Lê Thánh Tông, bậc minh quân và cũng là nhà thơ đã bày tỏ lòng tiếc thương với Nguyễn Trãi:
“Đáng tiếc thay, Nguyễn Trãi là bậc khai quốc công thần mà cả triều đình ta không ai sánh kịp. Ông đã giúp đức Thái Tổ đánh tan quân giặc, và thời bình, ông đã giúp đức Thái Tôn chăm sóc cho dân một cuộc sống thái bình thịnh trị. Kẻ gian kia đã bày mưu hãm hại một trung thần!”. Và, nhờ lòng tri ân của vua Lê Thánh Tông mới có những tác phẩm văn học của Nguyễn Trãi được tồn tại qua bao thế kỷ.
Vương Trùng Dương
Xuân Kỷ Hợi 2019
(K1/ĐH/CTCT/ĐL)
(Tác giả gởi)
(K1/ĐH/CTCT/ĐL)
(Tác giả gởi)
Copy từ BanVanNghe
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét