“Nhà báo nói láo ăn tiền!”. Không biết từ thời nào mà câu phê bình có tính chất mạ lị này với tất cả các người viết báo đã được phát sinh, cá nhân người viết bài chỉ nhớ loáng thoáng là từ hồi di cư 1954, đã nghe mấy vị huynh trưởng nói câu này rồi. Thật sự, câu này cũng đúng với vài tờ báo “lá cải”, không nhiều trang, và không có bài nghiên cứu, nhận định nào sâu sắc, chỉ có một số hình ảnh diễu cợt và những tin “xe cán chó, chó cán xe”. Tuy nhiên,nhận xét cực đoan này thì hoàn toàn hàm hồ, thô lỗ và có thể nói là “vô ơn” với những tờ báo thời tiền chiến, là phương tiện duy nhất đem lại văn minh, văn hóa cho dân tộc Việt Nam. Nhìn lại lịch sử văn học, chính báo chí thời đơn sơ những năm 1930-1954 là phương tiện duy nhất giúp cho người Việt mở rộng tầm mắt nhìn ra bên ngoài, để thấy văn minh của nhân loại đã phát triển thật xa với dân tộc Việt, mà từ đó tinh thần muốn cho nước Việt cùng tiến theo đà tiến của thế giới mà phát triển thêm.<!>
Điển hình là tờ Nam Phong Tạp Chí, một nguyệt san xuất bản từ 1917 đến 1934, do nhà báo Phạm Quỳnh làm Chủ Nhiệm và Chủ Bút. Nam Phong Tạp Chí là một tờ báo có chủ trương truyền bá chữ Quốc Ngữ cho phần đông dân trí còn đang mê muội, do đó, với những bài văn, thơ, truyện ngắn, phê bình, và tài liệu lịch sử, Nam Phong Tạp Chí là ngọn đuốc soi đường cho trí thức của dân Việt được ngang tầm quốc tế. Điều đặc biệt hơn cả, là từ Nam Phong Tạp Chí, nhiều nhà báo, nhà văn, nhà thơ đã làm giầu cho văn học Việt Nam như Đông Hồ, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Bá Trác, Phạm duy Tốn, Trần Trọng Kim, Tương Phố,Tản Đà, Dương Bá Trạc và Dương Quảng Hàm. Những vị này có thể nói là những cây viết làm giầu nhất cho kho tàng văn học Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều nhà văn đã nhờ báo chí mà nổi tiếng, như Vũ Trọng Phụng, (1912-1939), đã cho đăng những truyện ngắn, những bài phóng sự, phê bình văn học, chính trị, xã hội và văn hóa trên “Ngọ Báo”, “Hải Phòng Tuần Báo” làm chấn động cả xã hội đang mê ngủ với cường hào, ác bá, theo chân thực dân Tây mà tàn hại lớp “dân ngu, khu đen”. Những tác phẩm độc đáo của Vũ Trọng Phụng, với giọng văn châm biếm nhẹ nhàng mà lại đi sát với xã hội, cho đến thế kỷ hiện nay, vẫn là ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ tiếp nối. Ngoài những tác phẩm như “Chống Nạng Lên đường”, “Kỹ Nghệ Lấy Tây”, “Cạm bẫy người”, “Cơm Thầy Cơm Cô”, các tác phẩm “Số đỏ, Giông Tố, Vỡ đê và Làm Đĩ” được giới văn học đánh giá ngang ngửa với những tác phẩm quốc tế.
Cũng từ báo chí, văn học Việt Nam đã hãnh diện có nhà văn Ngô Tất Tố, bậc Thầy của tiểu thuyết và truyện dài. Ông đã viết trên An Nam Tạp Chí, Thần chung, Phổ Thông, Đông Dương, Hải Phòng Tuần báo, Thực Nghiệp, Con Ông, Đông Dương Thời Báo, Tân Văn.... Với sức viết của một người khổng lồ, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm vĩ đại, chỉ trích giới quan lại, phong kiến. Trong số các tác phẩm nổi tiếng của ông như “Tắt Đèn, Việc Làng, Tập Án Cái Đình, thì “Lều Chõng” là một tác phẩm lớn, soi sáng cả một thời văn học Việt Nam dưới ảnh hưởng của Tây Thực Dân.
Bên cạnh đó, có thể nói không người Việt Nam nào biết đọc sách mà không biết đến nhóm Tự Lực Văn Đoàn gồm các nhà báo, nhà văn có tư tưởng văn minh độc đáo. Những truyện ngắn, truyện dài đăng trên các báo Phong Hóa của Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Tú Mỡ, sau này thêm Vy Huyền Đắc, Thanh Tịnh... cũng là những ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ văn chương tiếp nối.
Như thế, có thể nói Báo Chí là Linh Hồn của Văn Hóa Việt Nam, vậy tại sao lại phũ phàng nói là “Nhà Báo Nói Láo Ăn Tiền!”? Trong thời hiện đại, trên xứ người, những tờ Nhật Báo ra hàng ngày cũng là những nguồn tin đáng tin cậy, tuy có thiên kiến chính trị cũng như những tờ báo Mỹ, nhưng vẫn cố gắng đi theo đường lối của những người dẫn đường cho trí thức của cộng đồng. Dĩ nhiên, trước đây khoảng trên một thập niên, có vài tờ lá cải phát hành loạn xạ, viết tầm bậy tầm bạ, chuyên chỉ trích phê bình thiên hạ với văn phong bình dân, chợ búa, nhưng dần dần, với sự nhận xét thích đáng của độc giả, những tờ lá cải đó lần lượt đi vào âm phủ. Hiện nay, trong kế hoạch xâm nhập vào cộng đồng Việt Nam của Nghị Quyết 36, cũng lai rai có vài cơ quan truyền thông (chưa thấy báo giấy của Cộng Sản) như truyền hình, TV trên Internet, chuyên “đâm bị thóc, chọc bị gạo” cộng đồng, mạ lị và chụp mũ tất cả những nhân vật chống Cộng có hiệu quả, hầu làm cho những người đó khó giải thích và từ đó mất uy tín với cộng đồng, không thể đoàn kết cộng đồng trong mục đích duy nhất là chống Cộng nữa. Nhưng không thể dựa vào sự kiện ấy mà vơ đũa cả nắm, phê bình toàn thể giới nhà báo Việt Nam. Đặc biệt là từ khi vị Tổng Thống của Hoa Kỳ phê bình toàn bộ báo chí là “Fake News”, thì có một số người Việt cũng theo đó mà chê trách toàn bộ báo chí Việt là “Nhà Báo Nói Láo Ăn Tiền”, rồi bỏ không đọc báo Việt nữa. Đó là nhận định quá thô thiển. Trong hai thập niên trở lại đây, với sự sử dụng email tràn ngập của người Việt, nhiều nhân vật có thiên kiến chính trị cực đoan về đảng phái, về tôn giáo, hay vì những lý do cá nhân, đã lợi dụng sự Tự Do phát biểu của Hoa Kỳ, để thẳng tay phóng lên Net những câu phê bình tàn tệ những nhà báo khác chính kiến với mình. Những vị này không hề biết đến lý luận mà chỉ dùng những ngôn từ chứng tỏ tác giả thiếu văn hóa, văn học, và văn chương, hoàn toàn không thích hợp với các cuộc tranh luận thẳng thắn. Theo nguyên tắc tranh luận quốc tế, người tranh luận chỉ chú trọng vào lý luận của đối phương mà tấn công, chứ không bao giờ tấn công cá nhân của người đó (gia cảnh, học lực, vị trí xã hội). Việc phát ngôn phóng túng này, thực tế, không thích hợp với một xã hội Dân Chủ, Tự Do nhưng văn minh nhất thế giới.
Lẽ ra, những người cực đoan ấy nên áp dụng câu “Nhà Báo Nói Láo Ăn Tiền” cho toàn thể báo giới của Cộng Sản Việt Nam vì hiện nay, Việt Nam có trên dưới 700 tờ báo, nhưng không có tờ nào là của tư nhân, mà toàn là Báo Đảng, chuyên phát tin láo lếu của Nhà Nước đưa ra. Nhiều chuyện láo cực kỳ mà báo Cộng Sản cũng tỉnh bơ đưa lên giấy, thí dụ như kể chuyện một anh bộ đội, đang núp dưới hầm, thấy một chiếc trực thăng của miền Nam bay qua, anh ta nhẩy lên, nắm lấy phần đuôi của trực thăng và quật xuống. Thế là chiếc máy bay tan tành. Một bộ đội Cụ Hồ khác dùng súng trường bắn 3 phát vào một chiếc phản lực “Thần Sấm” của Mỹ, làm rớt chiếc phản lực này, giết chết cả chục tên địch! Chuyện hài hước nhất là một chiến sĩ phi công lái máy bay núp trong mây, tắt máy, chờ máy bay địch bay qua, thì nổ máy lại, và nhào ra bắn hạ máy bay địch trong chớp mắt. Gay cấn hơn là chỉ một mình anh chiến sĩ đã hạ nguyên một Tiểu đoàn lính miền Nam gồm hơn 500 người! Anh này còn có tài ném lựu đạn xa vài trăm thước, một kỷ lục mà trên toàn thế giới, không ai phá nổi.. Một chiến sĩ khác đi lạc trong rừng gặp cọp, mà chỉ với một con dao nhỏ, đã đâm chết một con cọp khổng lồ.
Với những thành tích xạo như thế, những tờ báo Cộng Sản mới đích thực là những kẻ “nói láo, ăn tiền”. Người Việt hải ngoại, những ai còn tinh thần chống Cộng chân chính vẫn mong cho có ngày báo chí ở Việt Nam hết nói láo để cho toàn dân vùng dậy chống chế độ độc tài, bán nước hại dân này.
Chu Tất Tiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét