Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Lòng bao dung của cô đồng nát 9 năm ròng lặng lẽ chôn cất 20.000 hài nhi bị bỏ rơi - Đúng là Thiên Thần tại Thế.

alt

Ai cũng biết sinh mạng của con người là quý giá. Ai cũng hiểu tình mẫu tử thiêng liêng đến nhường nào. Nhưng không phải ai khi đã trót phạm lỗi lầm cũng có đủ dũng cảm chọn quyền sống cho con. Trong cái ai oán của lòng người ấy, may sao vẫn có những con người như cô Cúc. Một người đi nhặt đồng nát đã 9 năm nay tự tay chôn cất cả 2 vạn hài nhi.<!>

Cô Đỗ Thị Cúc sinh sống tại xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Gia đình cô làm nông, chồng hành nghề mộc, còn bản thân cô cũng làm thêm nghề nhặt ve chai để có thêm thu nhập những lúc nông nhàn. Công việc của hai vợ chồng cô đủ để nuôi mẹ già gần 90 tuổi và bốn con thơ.
Tuy không khá giả gì nhưng đã từ 9 năm nay, cô Cúc đã dành rất nhiều thời gian, tâm sức và tài chính của mình để làm một công việc mà không nhiều người dám nghĩ đến. Cô đi thu nhặt các hài nhi ở các bãi rác bệnh viện về chôn cất. Tính đến nay, con số các hài nhi được bàn tay cô Cúc nâng niu, an táng đã lên tới 2 vạn. 2 vạn đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi với hình hài không còn nguyên vẹn.

Cơ duyên

Cô Cúc đến với công việc đặc biệt này một cách rất tình cờ. Vào một buổi đi nhặt túi ni lông và các đồ phế thải nơi bãi rác, cô Cúc tìm thấy một chiếc bọc, bên trong là 7 hình hài đỏ hỏn, dập nát. Nâng niu những đứa trẻ trên tay, cô Cúc biết điều mình cần làm.
Khi ấy, trong túi chỉ có 36 nghìn nhưng cô vẫn quyết định đi mua vải và hộp nhựa. Cô sẽ chôn cất các em. Tuy đã không còn sự sống, nhưng những hài nhi ấy vẫn đã từng là những con người. Cô nhẹ nhàng bọc bảy hài nhi vào tấm vải, rồi đặt mỗi em vào một chiếc hộp. Cô chôn cất 7 hình hài nhỏ bé trong khoảnh đất của nhà mình, nơi hai người con của cô cũng đang an nghỉ. Từ giây phút đó, cô cũng quyết định dành mảnh đất của mình cho những sinh mệnh xấu số không có cơ hội được làm người.

Sau khi an táng 7 hài nhi đầu tiên, cô Cúc bắt đầu hành trình dài thầm lặng của mình. Cô đang giữ liên hệ với ba bệnh viện lớn và rất nhiều phòng khám. Mỗi khi có trẻ bị mẹ bỏ rơi, cô sẽ đến để xin các con về chôn cất. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, cô Cúc còn để các em trong hộp nhựa. Nhưng sau một năm, cô đã sắm những chiếc tiểu tí hon, để chôn cất những đứa trẻ chưa được chào đời.

Người ngoài gièm pha, chồng luôn ủng hộ

Những ngày đầu cô Cúc đi làm công việc này, bà con chung quanh không hiểu nên thường có lời ra tiếng vào. Khi cô lui tới những bệnh viện, những cơ sở khám bệnh để xin hài nhi về chôn cũng không nhận được sự tin tưởng từ ban đầu. Mọi người đặt câu hỏi rằng liệu có thể tin tưởng người phụ nữ này.
Bị từ chối, nhưng cô Cúc không nản, cô cũng không bỏ cuộc. Bất kể nắng mưa, cô vẫn kiên trì đến xin các con về. Theo thời gian, các y bác sĩ cũng đã hiểu được cô. Hàng xóm, láng giềng cũng không còn nhìn cô lạ lùng như trước. Mọi người bắt đầu trân trọng và ủng hộ.
Trong quãng thời gian 9 năm ấy, đã có lần cô Cúc lập nhóm để những người có cùng suy nghĩ cùng chung tay làm công việc thiện lành này. Nhưng nhóm cô lập cũng chỉ duy trì được một thời gian ngắn, những tình nguyện viên tham gia không đồng hành cùng cô được lâu.

Không có được nhiều sự ủng hộ từ bên ngoài, nhưng gia đình cô Cúc lại rất mực ủng hộ những điều cô đang làm. Chồng cô từ những ngày đầu đã luôn ở bên, động viên và trợ giúp cho cô. Đó cũng là lý do tại sao, trong căn nhà ba gian của gia đình cô, mọi người đã rất quen thuộc với hình ảnh những chiếc tiểu, những mảnh khăn trắng. Với nhiều người, đó là những hình ảnh tang thương, khó có thể chấp nhận rằng chúng tồn tại hàng ngày, ngay trong cuộc sống.
Nhưng với gia đình cô Cúc, những chiếc tiểu, đôi khi được làm từ những mảnh xi măng đúc khuôn ấy không lạnh lẽo, không đáng sợ. Ngược lại, nó mang ý nghĩa của sự an ủi và nâng niu. Cũng thật lạ lùng, trên trái đất này lại có một nơi mà sự sống và cái chết ở bên nhau lặng lẽ nhưng bình yên đến thế. Phải chăng ở đó, sự trân trọng sự sống, tình thương đã xóa nhòa nỗi sợ tử – sinh.

Đừng bỏ con, tôi sẽ giúp
Bên cạnh việc xin các hài nhi về chôn cất, cô Cúc còn để lại địa chỉ của mình tại các phòng khám với lời nhắn: Nếu người mẹ trẻ nào gặp khó khăn, xin đừng bỏ con. Hãy liên lạc với cô, cô sẽ trợ giúp, chỉ xin để những đứa trẻ có được cơ hội làm người.

Cách đây hơn ba năm, cô nhận được điện thoại của một bà mẹ trẻ ở Hưng Yên. Không nao núng, người phụ nữ có vóc dáng mạnh mẽ ấy đã đạp xe đi hết 70 cây số trong đêm, để tới khuyên can, để tới “ứng cứu” hai mẹ con cô gái hoàn toàn xa lạ. Cô Cúc chia sẻ, hôm đó phải đạp xe trong đêm, nhưng cô không hề thấy sợ hãi, bởi cô cảm nhận được những đứa trẻ vẫn luôn ở bên cạnh cô, dõi theo và đồng hành cùng cô.
Ngày hôm ấy, cô Cúc đã thuyết phục thành công người mẹ trẻ. Cô gái sau cùng đã hạ sinh một bé trai kháu khỉnh, đáng yêu. Đã có 78 đứa trẻ may mắn như bé trai ở Hưng Yên đó. Các em được sống nhờ tấm chân tình của một người hoàn toàn xa lạ.

Nhưng đáng nhớ hơn cả đối với cô Cúc là trường hợp của hai bé sinh đôi Bảo Quốc và Bảo Khánh. Mẹ của hai em khi ấy mới là học sinh lớp 12. Biết tin mình mang bầu, cô gái trẻ đã giấu gia đình. Không biết từ đâu, cô gái có được liên lạc của cô Cúc nên gọi điện cầu cứu. Khi ấy thai đã 8 tháng tuổi, quá lớn nên không thể bỏ. Hơn thế nữa, đó còn là thai đôi, là hai sinh linh vô tội.

Nghe tin, cô Cúc vay liền 10 triệu đồng để lên viện ứng cứu cho người mẹ trẻ non nớt. Để rồi, Bảo Quốc và Bảo Khánh đã được đến với thế giới này. Vì mẹ của hai bé giấu thai, nên hai đứa trẻ sinh ra yếu đuối hơn những trẻ bình thường khác. Nhưng các em giờ được sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của “mẹ Cúc”, người đã cứu sống rồi lại cưu mang sự sống của các em.

Giờ hai cậu bé đã có hẳn một gia đình lớn với bố mẹ, bà nội và bốn anh chị. Có lẽ với hai bé, được gặp “mẹ Cúc” là một trong những mối nhân duyên lớn nhất trong cuộc đời.
Trong cuộc sống này còn có rất nhiều những người có tâm, có tấm lòng như cô Cúc. Trên khắp dải đất nhỏ này, cũng đang có rất nhiều người ngày ngày đi nhặt những hài nhi bé bỏng. Nhưng dù có thêm nhiều nữa những người như cô Cúc, nỗi đau cũng chỉ được xoa dịu một phần. Bởi cô Cúc và những người đi nhặt hài nhi khác chỉ có thể cho các em một nơi an nghỉ, nhưng không thể cho các em sự sống.

Sự sống thật sự, niềm hạnh phúc thực sự của các em nằm trong tay những người mẹ trẻ. Xin các chị hãy dũng cảm đối diện với những lầm lỡ của mình và để cho các con có một cơ hội được sống. Lỗi lầm đã phạm sẽ được tha thứ theo thời gian, theo sự trưởng thành, chín chắn. Nhưng việc bỏ đi một sinh linh vô tội và non nớt dù với bất cứ lý do gì cũng là một tội ác không bao giờ có thể chuộc lại. Bởi vì sự sống là trân quý nhất.

Không có nhận xét nào: