Hà Nội chưa thức giấc!
Tôi, Thi và Uyên (chị của Thi), cả ba chúng tôi đạp xe song song bên nhau trên đường phố Hà Nội. Chẳng ai nói với ai lời nào, nhưng sao tôi vẫn thấy thật gần gũi và thân thương với nhau quá. Gần gũi như những cây sấu dọc hai bên đường, vươn cành khoác vai nhau thủ thỉ dưới ánh đèn điện lờ mờ trong sương sớm.
Tất cả cảnh vật chung quanh, bỗng dưng tôi cảm nhận như có một cái gì rất “của riêng mình” để yêu chúng hơn, để thấy mình là chúng và chúng cũng chính là mình. Cái cảm giác lâng lâng đầy hòa ái ấy, phải chăng nó xuất phát từ sự tinh khiết, yên tĩnh của một buổi sáng sớm thanh bình. Hay nó đến từ hình ảnh của Thi, người con gái đang đạp xe bên tôi mà tôi hết mực yêu thương. Tôi tự mỉm cười với ý nghĩ đó.
Hình ảnh của tôi và Thi không thể tách rời nhau và cũng không thể tách rời ra khỏi thành phố Hà Nội.
Thành phố này đã ghi lại biết bao nhiêu kỷ niệm kể từ những ngày chúng tôi vừa mới quen biết. Tôi nhớ lại, những ngày Thi còn như con chim nhỏ truyền cành, tung tăng trên đường phố trong những dịp đi chơi cùng tôi.
Nàng thường nắm tay tôi kéo đi cho nhanh hơn mỗi khi tôi la cà dừng chân hay đi chậm lại. Chợt đến một ngày, cái ấm áp mềm mại của đôi bàn tay ấy như có một điều gì khác lạ. Và tôi nhận ra một sự thay đổi lớn sâu kín trong tôi: tôi đã yêu nàng. Sự khắng khít cứ tăng lên mãi theo ngày tháng bên nhau. Và để hôm nay, không thể nghi ngờ, nàng sẽ là người đi bên tôi đến trọn cuộc đời như một định mệnh đã được an bài.
Tôi đưa tay sang xoa nhẹ bàn tay Thi. Hai chúng tôi nhìn nhau cùng mỉm cười. Uyên cũng mỉm cười với chúng tôi một cách bâng quơ.
Chúng tôi đạp một vòng theo bờ hồ Hoàn Kiếm, một hồ mang dấu tích lịch sử của thời vua Lê Lợi, và người ta từng ví nó như hình ảnh của một đóa hoa đẹp được đặt giữa lòng thủ đô Hà Nội. Vài cây cổ thụ quanh hồ chìa cành nằm xoài mình trên mặt nước, soi bóng lung linh dưới ánh đèn đường. Tháp Rùa mờ mờ trong sương.
Tầu điện chưa chạy nên thiếu tiếng leng keng. Lác đác vài chiếc xe xích lô đi tìm khách sớm, chậm chạp, uể oải như người còn đang ngái ngủ. Thỉnh thoảng lắm mới có một hai chiếc ô-tô con chạy đi vội vã, phá tan bầu không khí yên tĩnh của phố phường.
Hà Nội vẫn ngủ!
Ba chúng tôi vui chân đạp xe về hướng Hồ Tây. Hồ Tây là hồ lớn nhất Hà Nội. Xung quanh Hồ có nhiều thắng cảnh, cộng thêm vào với nhiều truyền tích dân gian. Có những truyền tích ngàn năm, tới bây giờ vẫn chưa ai giải mã được.
Gió mát quá!
Chúng tôi khóa xe bên cây cổ thụ rồi lững thững đi bộ trên con đường nhỏ dọc theo bờ hồ. Bóng chùa Trấn Quốc ẩn hiện lờ mờ. Đèn điện dọc đường Cổ Ngư và ven Hồ Tây không đủ sức phá tan đi sương sớm đang bao phủ mặt hồ. Không gian nơi đây trở nên huyền ảo, trầm mặc và thật nên thơ.
Tôi nắm tay Thi cùng chạy lên phía trước. Uyên bước vội theo sau. Chạy được một quãng ngắn, trong lúc “ngẫu hứng”, tôi nhắc bổng Thi lên quay một vòng. Thi ép mặt vào vai tôi cười khúc khích. Tôi đặt nàng xuống rồi lại nắm tay nhau chạy tiếp. Chạy thêm một quãng nữa mới dừng chân, cùng dang tay rộng hít thở vài hơi thật dài. Tôi khoác vai Thi đi ngược trở lại phía sau đón Uyên cũng đang bước tới.
Ba chúng tôi lại cùng đi bên nhau. Tôi hứa với Uyên, có dịp nào thuận tiện, tôi sẽ đưa Thi và nàng đi chơi một vòng Hồ Tây. Tôi sẽ giảng giải cho nàng về những thắng tích quanh vùng. Uyên nhìn tôi cảm động với đề nghị ấy.
Vừa đi, tôi vừa kể cho Uyên nghe về những kỷ niệm ban đầu của tôi và Thi đã từng trải qua trên con đường này, thường vào những buổi chiều nhàn rỗi hay trong những ngày nghỉ học cuối tuần. Uyên bóp nhẹ vào cánh tay Thi như để chia sẻ niềm hạnh phúc của cô em. Thi không thể che dấu được sự sung sướng của mình trên nét mặt. Đôi lúc, Thi bụm miệng cười mỗi khi tôi “kể xấu” về nàng.
Trời đã bắt đầu sáng dần...
Hà Nội đã tỉnh dậy. Sinh hoạt của thành phố bùng lên rất nhanh. Tiếng xe cộ, tiếng rao hàng, tiếng người qua lại chẳng mấy lúc đã trở nên đông đúc, ồn ào.
Giữa những tiếng ồn ào của nơi đô hội ấy, tiếng chuông chùa Trấn Quốc bỗng ngân lên và văng vẳng vang xa. Tiếng chuông chùa dõng dạc, điểm từng tiếng một, bình thản như bước chân thiền hành của các vị thiền sư, đi để mà đi chứ không phải đi để tới nơi nào. Dõng dạc, bình thản nhưng nó vẫn huyền diệu, có khả năng đưa lòng người về với “chân như”.
Chúng tôi nhìn nhau như hỏi ý. Và cũng không cần ai phải lên tiếng, chúng tôi cùng quay bước về phía chùa Trấn Quốc, nơi phát ra tiếng chuông ngân.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc nằm trên một ốc đảo ngay ven bờ Hồ Tây. Những hàng cây cau và những cây cổ thụ quanh chùa in bóng trên mặt nước.
Chùa có lịch sử lâu đời. Nơi đây, Thái hậu Ỷ Lan - thời nhà Lý - thường có những buổi đàm luận với các vị sư nổi tiếng đương thời về nhiều đề tài liên quan đến Phật giáo.
Cũng nhờ vào đó, ngày nay chúng ta mới có thêm những tài liệu quý báu để truy tìm ra được phần nào về lai lịch và sự phát triển của Phật giáo Việt Nam ở vào thời kỳ đầu. Chùa đã bị đổi tên nhiều lần và cũng mang nhiều dấu vết thăng trầm. Trịnh Sâm đã từng biến chùa này thành “cung hành lạc” để vui thú cùng cung nữ. Bà Huyện Thanh Quan đã có bài thơ trách cứ về sự việc này. (Xin đọc bài “Những Năm Tháng Ấy-Hà Nội ngày xưa” của cùng người viết)
Chúng tôi bước theo dải đất dài, nối liền từ bờ hồ vào ốc đảo, dẫn đến cổng chùa. Chùa mang dấu vết rêu phong của thời gian hàng nhiều thế kỷ. Càng vào sâu bên trong, chùa càng được mở rộng ra. Ngoài chính điện to lớn là dẫy nhà ngang dùng làm nơi sinh hoạt và tiếp khách thập phương hàng ngày. Bên trong chính điện, ngoài thờ Phật ở chính giữa, còn thờ thần như các bà Thánh Mẫu ở hai bên hông điện, một hình ảnh về sự hòa hợp của hai tôn giáo Phật-Nho.
Tiếng chuông “đại chung” vẫn dõng dạc ngân vang. Tôi và Thi tò mò trèo lên tháp chuông. Nơi đây, một chiếc chuông to treo trên “giá” gỗ. Tôi nghe nói chuông này được đúc vào năm Cảnh Hưng thứ ba đời Tây Sơn. Một chú tiểu độ chừng mươi tuổi, ngồi bên đánh chuông với nét mặt thật hồn nhiên. Tôi bấm tay Thi đi xuống cầu thang để đừng làm kinh động tới chú.
Bước vào chính điện, tôi thấy Uyên đang thắp hương, đứng lẩm bẩm khấn vái trước bàn thờ các bà Thánh Mẫu. Tôi và Thi cùng thắp hương lễ Phật. Đứng bên nhau, tôi liếc mắt sang Thi thấy nàng nghiêm trang và “người lớn” hẳn lên. Tôi mỉm cười.
Lễ xong, Thi quay sang hỏi tôi:
- Em liếc thấy anh mỉm cười. Đang lễ Phật mà anh cười à?
Tôi không trả lời Thi. Ra tới ngoài sân tôi mới hỏi đùa lại:
- Đang lễ Phật mà em liếc anh à?
Thi che miệng cười nhỏ.
Uyên vén vạt áo dài ngồi xuống thềm chùa, trên nét mặt vương vất một chút gì trầm mặc, ưu tư. Nàng nói với tôi:
- Mỗi lần em bước vào chùa, em thấy lòng mình thật thanh thản. Mọi hình ảnh trầm luân của cuộc đời dường như được xóa đi trong tâm trí em. Mùi nhang thơm đưa em về một nơi nào thật an bình. Em mới hiểu các vị vua đời Trần, các ngài không muốn làm vua mà chỉ thích đi tu. Vừa làm hết trọng trách với đời là vội vàng tìm về với đạo. Người xưa hay hơn chúng ta bây giờ nhiều anh nhỉ?
Tôi nhìn Uyên và chia sẻ với lời tâm sự của nàng:
- Anh hoàn toàn đồng ý với Uyên. Cứ như vua Trần Thái Tông, ngài trốn triều đình lên núi Yên Tử cầu tìm làm Phật. Triều đình phải đến tận nơi đó mời ngài trở về cung. Khi thắng quân Nguyên năm ngài vừa tròn bốn mươi (40) tuổi, ngài nhường ngôi cho con là vua Trần Thánh Tông rồi vào Hoa Lư lập cung Thái Vi để tu hành. Nhưng thật ra, ngài đã thực hiện con đường đời-đạo song hành: khi làm vua lo việc nước, ngài vẫn chăm lo tu đạo; khi đi ẩn tu, ngài vẫn để tâm lập hậu cứ ở Hoa Lư để phòng chống quân Nguyên sau này. Uyên còn nhớ câu chuyện ấy chứ?
- Thưa anh, em còn nhớ!
- Tốt lắm! Về nhà nhớ nhắc anh nói thêm cho Uyên nghe về một bản văn của ngài, tức bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của vua Trần Thái Tông còn lưu lại tới ngày nay.
Uyên nhìn tôi với ánh mắt biết ơn:
- Em cám ơn anh nhiều lắm!
Thi cũng nắm cánh tay chị nói thêm:
- Anh ấy đọc quên cả ăn! Em phải dục mãi anh ấy mới chịu buông sách. Anh nói phải đọc gấp vì chị sắp lên chơi.
Uyên nắm tay Thi:
- Chị cũng cám ơn em luôn! Hai người là một mà!
Chợt Thi xoa bụng mình, nhõng nhẽo:
- Em đói!
Tôi nói đùa:
- “Con gái mười bẩy bẻ gẫy xừng trâu” có khác, lúc nào cũng kêu đói!
Thi nhăn mặt cãi lại:
- Em mười sáu mà!
Tôi cười to:
- Em thích làm người lớn! Anh tưởng em đòi tăng tuổi mình lên tới mười tám nữa đấy chứ!
Thi biết mình bị lừa nên “véo” tôi một cái nhẹ:
- Em ghét anh!
Tôi và Uyên cùng cười. Tôi cũng bắt chước Thi xoa bụng mình:
- Anh cũng đói! Để anh vào trong bếp xem có cơm chay không nhé! Cơm chay ngon lắm đấy!
Uyên vội cản:
- Mới sáng sớm, nhà chùa làm gì đã có cơm chay!
Thi nhẩy nhẹ lên, khẽ vỗ tay như hoan hô ý kiến “xin ăn” của tôi. Đúng lúc có chú tiểu đi ngang qua sân, tôi liền hỏi:
- Chú tiểu ơi, nhà chùa có cơm chay cho khách thập phương không chú!
- Thưa thí chủ, nhà chùa chỉ ăn một bữa vào giờ Ngọ (giữa trưa) thôi ạ!
Tôi vờ ôm bụng tỏ ra thất vọng. Tôi hỏi đùa thêm:
- Thế nhà chùa còn cơm nguội không chú?
Chú tiểu biết chúng tôi hỏi đùa nên chỉ mỉm cười bước vào chính điện.
Chúng tôi sợ “thất lễ” với chú tiểu nên phải “bấm bụng” nhịn cười cho tới khi chú đi khuất.
Thi lườm tôi:
- Anh không tha cho ai hết! Vào chùa mà cũng còn đùa nghịch. Phật phạt anh bây giờ!
Uyên nói ngay:
- Anh ấy không sợ Phật phạt đâu, mà chỉ sợ cô em gái của chị phạt đấy thôi!
Tôi nói với Uyên:
- Phạt gì thì phạt! Cô ấy đừng “véo” và đừng “cắn” anh là được.
Thi hỏi:
- Thế phạt anh bằng cách nào?
Tôi đi lùi nhanh ra phía cổng chùa, tay chỉ chỉ vào má tôi như có ý bảo “phạt anh bằng cách hôn anh đây này”
. Thi phồng má “không!” một tiếng rồi đuổi theo tôi. Tôi vừa chạy ra khỏi cổng chùa thì đi chậm lại.
Thi nhõng nhẽo:
- Em phạt anh! Anh phải cõng em ra xe!
Tôi vờ ghé lưng như để cõng Thi lên. Thi nhìn chung quanh rồi cười:
- Em tha cho anh lần này đấy!
Nói xong nàng quay lại để đi cùng với chị.
Tôi đề nghị:
- Anh mời hai cô đi ăn phở nhé!
Thi nắm tay chị kéo đi:
- Đi ăn phở đi chị! Anh ấy mới “lĩnh lương” mà.
Uyên rút tay ra khỏi tay Thi:
- Ăn ngoài tốn tiền lắm! Về nhà ăn cơm với món gà kho gừng của mẹ. Không ăn mẹ giận đấy!
Thi ngúng nguẩy, nũng nịu đi theo chị.
Nắng sớm đã lên cao. Chúng tôi lấy xe, đạp thẳng về nhà.
Về tới nhà, chúng tôi vội vàng thay quần áo để chuẩn bị ăn sáng. Uyên luôn tỏ ra nhanh nhẹn trong việc bếp núc. Chỉ một thoáng chúng tôi đã có sẵn sàng một bữa cơm ngon. Nói là ăn sáng, nhưng đúng ra, với những món ăn được đặt trên bàn phải được gọi là bữa ăn trưa mới đúng.
Sau phần dọn dẹp khi ăn xong, cả ba chúng tôi lại có dịp ngồi cùng nhau trò chuyện bên đĩa mít. Thi đang loay hoay đun nước pha trà. Tôi biết, như đã hứa với Uyên, bổn phận của tôi bây giờ là phải nói cho Uyên nghe về bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần.
Tôi đưa cho Uyên đọc sơ qua bài “tựa” đó. Tôi không quên nhắc nàng là toàn bộ quyển “Thiền Tông Chỉ Nam” đã bị thất lạc, nay chỉ còn giữ lại được bài “tựa” này mà thôi. Sau phần giảng giải, tôi tạm kết luận:
- Theo sự hiểu biết của anh, cứ dựa theo bài “tựa” trên ta có thể nhặt ra được một vài điểm tương đồng của ngài Trần Thái Tông với ngài Lục Tổ Huệ Năng, vị Tổ thứ sáu (thứ 6) của Thiền tông Trung Hoa.
1 - Cùng nói Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu thành Phật
2 - Cùng cầu thành Phật chứ không cầu gì khác
3 - Cùng ngộ bằng kinh Kim Cang bởi câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ
tâm"
Sau khi tôi nêu lên những nét tương đồng, Uyên ngẫm nghĩ một chút rồi mới nói:
- Các vị đạt đạo, họ cùng có cái nhìn giống nhau anh nhỉ!
Tôi hỏi Uyên:
- Uyên có nhớ hôm chúng ta cùng đi nghe sư cụ làng mình giảng kinh không?
- Thưa anh, em nhớ!
- Uyên còn nhớ sư cụ giảng kinh Kim Cang. Hiểu được những gì, em nói cho anh nghe!
Uyên cười chữa thẹn:
- Hôm đó em bị phân tâm nên em không hiểu bài thuyết pháp ấy!
Uyên chép miệng:
- Mà có chú tâm nghe, chắc em cũng chẳng hiểu nổi!
Tôi vờ tắng hắng, lên giọng hỏi Thi:
- Thế còn cô này, có hiểu gì không?
Thi nhẹ phùng má nói ”không!” một tiếng nhỏ rồi mới cười cười trả lời tôi:
- Không ạ! Hôm đó em ngồi ngủ gật! Mà em không ngủ gật chắc em cũng chẳng hiểu!
Thi nói với giọng thách thức:
- Anh hiểu thì bây giờ anh nói lại cho chúng em nghe đi!
Tôi giữ vẻ nghiêm trang, ngửa mặt nhìn lên trần nhà, dõng dạc tuyên bố:
- Anh cũng không hiểu!
Nói xong tôi vẫn nhìn lên trần nhà cười khà khà. Cả hai cô cười rũ ra. Thi đưa tay cù vào nách tôi:
- Thế mà lên giọng ông thầy! Anh chỉ giỏi bắt nạt chúng em!
Tôi cuời:
- Chúng ta đừng xấu hổ vì không hiểu nổi kinh Kim Cang. Cụ Nguyễn Du, trong một bài thơ, cụ tự thú đọc kinh này trên một nghìn lần mà vẫn không “ngộ” được. Chúng ta là thá gì mà đòi hiểu ngay. Đừng xấu hổ nữa! Kinh này đức Phật dùng để giảng dậy cho những vị hàng Bồ tát thôi mà.
Tôi xoay người về phía Thi:
- Thôi, để anh nói một chút về bộ kinh này, một chút thôi. Nếu không, em lại bảo là anh chỉ biết bắt nạt “trẻ con”.
Thi “véo” nhẹ vào đùi tôi:
- Này “trẻ con” này! Đã không hiểu lại còn đòi nói. Em không nghe nữa đâu!
Uyên ngồi đối diện với Thi ở phía bên kia bàn, lườm cô em:
- Cái cô này! Để anh ấy nói ra những cái “không hiểu” đã nào!
Thi vênh mặt:
- Thế thì cho anh nói đấy!
Tôi sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn rồi mới nói:
- Anh nói theo sách mà anh vừa mới đọc thì anh hiểu hình như nó như thế này:
Cả cuốn kinh Kim Cang chỉ tóm tắt để trả lời hai câu hỏi của ngài Tu Bồ Đề (tên một đệ tử của Phật):
1. Làm sao để hàng phục tâm.
2. Làm sao để an trụ tâm.
Sau phần giải thích sơ lược vài điểm về kinh Kim Cang qua những mẩu truyện Thiền cho hai cô dễ hiểu, tôi nói thêm như một lời kết luận:
- “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” ấy cũng chính là cái thân tâm “đối cảnh vô tâm” trong bài kệ “Cư Trần Lạc Đạo” của vua Trần Nhân Tông. Ở trong trần mà không bị nhiễm bởi trần là cách sống đạt đạo, an nhiên tự tại của ngài. Vua Trần Nhân Tông làcon vua Trần Thánh Tông và là cháu nội của vua Trần Thái Tông.
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc sang hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Dịch :
Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà sẵn ngọc tìm đâu nữa
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Cơ tắc sang hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Dịch :
Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà sẵn ngọc tìm đâu nữa
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Thi lại nghiêng nghiêng đầu hỏi tôi:
- Anh có hiểu những gì anh đang nói không?
Tôi mau mắn trả lời:
- Không!
Thi ôm cánh tay tôi, cười trêu:
- Hi! Hi! Hi! . . . Thế mà em cứ tưởng anh hiểu!
Thi nép đầu vào vai tôi:
- Em ghét anh lắm!
Nghe thế, tôi véo nhẹ má Thi, nhái theo lời cụ Hồng nói với vợ trong tuyệt phẩm Số Đỏ của nhà văn Vũ Trong Phụng:
- “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi !”.
Thi ngúng nguẩy:
- Em ghét anh!
Tôi cười lập lại:
- “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”
Uyên cũng nhìn tôi đùa nhái theo lời cụ Hồng hỏi lại bà vợ:
-“Thế sao nữa, hả bà?”
Chúng tôi cùng cười to. Thi không quên cắn nhẹ vào cánh tay tôi trước khi bỏ đi lấy thêm nước pha trà.
Tôi tủm tỉm cười tự nghĩ cuộc nói chuyện của tôi với Uyên và Thi về Kinh Kim Cang chẳng khác nào như mẩu đối thoại vừa rồi của cụ Hồng với bà vợ trong truyện Số Đỏ.
NGUYỄN GIỤ HÙNG (CN09)
THAM KHẢO:
*/ Kinh:
- Kinh Kim Cang
- Bảo Pháp Đàn Kinh.
- Bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của vua Trần Thái Tông (do HT Thích Thanh Từ dịch)
*/ Hình minh họa Sưu tầm trên NET.
GHI CHÚ:
* Trích đoạn mở đầu (nhập đề) của bài viết “ VÀI NÉT VỀ TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO CỦA VUA TRẦN THÁI TÔNG” nằm trong loạt bài “Những Năm Tháng Ấy” của N.G.H (CN09).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét