Có những buổi xế trưa, khi chợ quận đã tan và đã được dọn dẹp sạch sẽ, cô thứ tám tên Hường bế em tôi và dắt chú út tôi cùng tôi ra chơi ở ngoài nhà lồng chợ. Cô đặt em tôi nằm trên mặt thớt thịt làm bằng một khoanh thân gỗ tròn đã hơi trũng khoảng giữa vì dùng lâu ngày. Mặt thớt đã được rửa sạch nên mát mẻ. Cô bảo tôi đứng trông chừng em một lúc để cho cô đi chơi nhảy cò cò trên nền xi-măng với mấy đứa bạn cỡ chín, mười tuổi như cô.
Một hôm chúng tôi đang chơi đùa trong chợ thì có một tốp xe nhà binh chở quân lính Pháp đi hành quân dừng lại bên chợ. Chúng tôi tò mò đứng bên đường nhìn họ nói chuyện với nhau xí xô xí xào. Một vài người lính trong bọn họ chìa bánh bisquit ra và vẫy tay bảo chúng tôi đến gần. Thấy bánh, đám trẻ tức khắc nhào đến xòe những bàn tay nhỏ xíu xinh xắn ra. Những người lính Pháp này trong giây phút thanh bình đó có thể cũng chỉ là những người cha thường tình đang cảm thấy nhớ con thơ cách xa ngàn dặm nơi quê nhà. Ngoài bánh bisquit, họ còn cho bọn con nít chúng tôi pâté foie, nho khô và bánh mì kho nữa.
Dĩ nhiên chúng tôi ăn món nào cũng ngon cả vì thực ra hàng ngày đâu có món quà vặt nào khác hơn là bánh rế của người chủ nhà người Việt gốc Hoa mà cũng là chủ lò bánh rế trong quận. Người ta gọi nó là bánh rế vì hình dáng của nó trông giống như là một cái rế dùng để bắt nồi cơm đang nóng. Bánh làm bằng bột mì trộn hột gà do khuôn nặn ra sợi dài có gai được khoanh lại những vòng tròn chồng tréo nhau thành một bánh và được chiên trong vạc dầu dừa lúc nào cũng sôi sùng sục. Chúng tôi được gặm những cái bánh bị bể hoặc bị chiên quá lửa vớt ra không kịp bị sẫm màu.
Cắn bánh rế lâu ngày làm cho cái răng cửa của tôi lung lay như sào chống dưới mương cho người ta vịn khi qua cầu tre lắc lẻo. Cái răng gập ghềnh làm cho tôi rất khó chịu khiến cho tôi ngứa tay nắm nó bẻ qua bẻ lại. Nhưng nó vẫn không gẫy. Cả nhà tôi ai cũng nhát gan, trừ ông Phầy người Tàu chiên bánh rế. Ông bảo tôi ngửa mặt nhìn lên cột nhà và đếm thầm những đuôi điếu thuốc vấn còn lại mà ông nội tôi hút xong dán lên đó. Chúng trông giống như là những con dơi muỗi đậu trên thân cây dừa. Trong lúc thằng nhỏ đang đếm, ông Phầy quấn một đoạn chỉ vào cái răng sữa từ lúc nào và giật mạnh. Cái răng đã rơi ra ngoài. Tôi đưa lưỡi rà vào chỗ trống, nghe vị mặn của chỗ thịt rỉ máu. Má tôi lượm cái răng, úm ba hồn bảy vía, rồi liệng nó lên trên nóc nhà, chẳng hiểu để làm gì.
Chiều đến khi nước bắt đầu lớn trên con rạch sau nhà cũng là lúc má tôi đi làm rẫy về. Mẹ mang về nào rau, nào cải, nào nấm rơm. Đôi khi có thịt cá nữa. Cô sáu phụ mẹ tôi nấu nướng một lúc, bữa ăn chiều rồi cũng xong. Má tôi dắt hai chú cháu tôi ra sàn nước tắm. Chú tôi biết lội sớm vì gan lì và khỏe mạnh dễ nuôi. Còn tôi mảnh khảnh yếu xìu, ngả lên té xuống liền liền khiến cho hai đầu gối không bao giờ liền thẹo. Đã vậy, tôi lại thêm cái bịnh sài đầu, má tôi phải thỉnh thoảng nấu nước lá ổi tắm gội cho tôi. Tôi đòi má để cho tôi lội xuống rạch trong khi má tôi ngồi trên sàn nước lúc nào cũng nắm chặt tay tôi. Tôi lấy hơi nín thở và cố ngụp đầu dưới nước lặn thật lâu khiến cho má tôi phải lo lắng vội kéo tôi lên, tôi lấy làm khoái chí cười nắc nẻ.
Trên bờ, cô tám còn tẩn mẩn tần mần đứng dựa gốc cây sua đũa mải mê hát nghêu ngao, không hay biết là có cả bầy sâu rọm đeo lên lưng áo. Đến khi thấy một con đã bò lên tay, cô mới hoảng kinh hồn vía hét lên và nhảy ùm xuống nước tuy rằng cô không biết lội. Má tôi nói con gái không được tắm sông vì dưới sông có Thằng Trỗng hay níu chân. Số phận đẩy đưa, sau nầy cô Tám cũng lên Saigon ở chung với cô Ba, cô Bảy. Cô đi làm công trong một câu lạc bộ của Mỹ, may lọt vào mắt xanh như ve chai của một ông kỹ sư làm cho hãng sữa Foremost, được ông cưới về làm vợ, hưởng cuộc sống đầy đủ yên vui hạnh phúc.
Ông nội tôi như một cái bóng lặng lẽ. Cái bóng ấy càng trở nên to lớn hơn khi nó in lên vách lúc đêm về. Sự có mặt của một đứa cháu nội đích tôn và đứa con trai út không giúp ông quên được nỗi buồn mất vợ, mất con, mất cha, mất mẹ, cửa nát nhà tan, gia đình ly tán. Chú cháu tôi bị rầy la nhiều hơn là được vỗ về trìu mến. Ban ngày ông thường hay vắng mặt, nếu không ngả nghiêng bên chén rượu cay ngoài quán chợ thì cũng lè nhè giữa đình đám nhà nọ nhà kia.
Một lần ông đi nhậu say về khuya té ngoài bờ ruộng rồi nằm ở đó ngủ luôn một giấc cho tới sáng mới lò mò về nhà, may không bị trúng sương trúng gió gì, hoặc bị rắn hổ mây cắn chết như có người trong xóm đã từng bị. Những lúc ở nhà, ông hay ngồi bó gối trên bộ ván ngựa thừ người ngó mông lung ra ngoài ngõ, trên môi lúc nào cũng gắn chặt một điếu thuốc vấn. Ông rất ít nói và nhất là không hề vui chơi với con cháu. Đến hồi cha tôi và cô ba tôi làm việc có tiền trên Saigon thì ông nằm liên miên trong nhà thương vì đau bịnh dai dẳng rồi mất. Đám tang ông được cha tôi tổ chức rình rang, như thể để đền bù lại quãng đời thống khổ đã qua của người cha bất hạnh.
(Những ngày nơi quê nội - PH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét