Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 2, 2015

Nắng ngọt ngào - Truyện Đỗ Dung


1.
Bữa tiệc thật vui, mọi người xúm xít chúc tụng, thỉnh thoảng có tiếng điện thoại reo, lại thêm lời chúc mừng của những người bạn ở xa. Hôm nay sinh nhật Diễm, một người đàn bà trên sáu mươi tuổi! Nàng ngồi giữa đám bạn bè, tưởng như ngày nào, ríu rít như lũ học trò của thời Trưng Vương áo trắng. Vẫn những giọng nói bỡn cợt, bông đùa, vẫn những lời trêu ghẹo, nghịch ngợm… Tạm quên đi những hệ lụy, những nhục nhằn, đau khổ của kiếp nhân sinh, chỉ còn có ta, có mi, chỉ còn có con nhỏ này, con nhỏ nọ.
Rồi cuộc vui nào cũng đến lúc phải tàn, phải chia tay. Thời tiết sang Đông lạnh buốt, trăng thượng tuần treo lơ lửng trên bầu trời cao. Diễm một mình một bóng, co ro trong chiếc aó khoác trở về căn nhà nhỏ. Có tiếng thở đều vọng ra từ phòng của mẹ. Nàng rón rén về phòng mình.
– Cô đã về đấy à?
– Dạ con đây, mẹ còn thức ạ? Con tưởng mẹ đã ngủ say.
– Nào đã ngủ được đâu. Cô đi chơi có vui không? Xem cửa ngõ cẩn thận rồi đi ngủ đi!
Thay quần áo xong, Diễm ra đứng tì tay bên thành cửa sổ, nhìn lên trời đêm xanh thẫm, nghĩ đến mẹ già ở phòng bên, nghĩ đến mình, nghĩ đến thời gian trôi… Nàng thương mẹ, thương mình xót xa. Là con thứ trong một gia đình đông anh em, lẽ ra người hủ hỉ bên mẹ không phải là nàng, nhưng như có sợi dây ràng buộc vô hình nên bây giờ trong căn nhà nhỏ này có hai người đàn bà cô đơn chung sống.
Mẹ Diễm sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, nho phong, nên nuôi dạy các con theo nền nếp cổ xưa. Cụ muốn các con của cụ lớn lên, sống như những hình ảnh cụ đã dựng xây, ôm ấp. Nhưng theo thời gian, những người con của cụ lần lượt trưởng thành, tách rời vòng tay của cụ để tạo lập những gia đình nhỏ riêng. Cụ có dâu, có rể nhưng cụ vẫn coi con trai, con gái của cụ như những đứa nhỏ của thời thơ ấu mà cụ nâng niu, đùm bọc!
Diễm nhớ đến Huy, đến mối tình đầu của một thời con gái. Huy cho Diễm những câu nói ngọt ngào, những ân cần chăm sóc. Diễm đã yêu Huy, yêu say đắm, nồng nàn, yêu với mộng mơ, lãng mạn của tuổi mới lớn. Nàng tưởng tượng ra một mái ấm trong đó có Huy, có nàng và một bầy con nhỏ sống trong êm đềm, hạnh phúc. Rồi do chiến cuộc lan tràn, nên mặc dù Huy là bác sĩ vẫn bị động viên, vẫn phải theo đơn vị ra nơi địa đầu giới tuyến. Thỉnh thoảng nhận những lá thư của Huy với bao lời nói xa xôi, bóng gió, như những lời ngầm hẹn ước thủy chung, nàng sung sướng đợi chờ. Mẹ nàng tỉnh táo hơn, có những cảm nghĩ từ trái tim của người mẹ. Cụ đã khuyên nhủ, nhắc nhở con gái phải nghĩ đến tuổi thanh xuân, con gái chỉ có một thời. Nhưng trái tim có những lý lẽ riêng của nó, nàng bình tĩnh đợi chờ và đã để vuột mất bao cơ hội có được những bến bờ bình an. Mẹ nàng thương nên giận nàng. Rồi từ giận đến ghét. Hồi đó, nàng tưởng mẹ đã ghét nàng, ghét cay, ghét đắng.
Ba mươi Tháng Tư tang tóc đau thương, Diễm theo gia đình di tản. Mất tin tức của Huy, nàng vẫn âm thầm chờ mong. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, nàng phải hội nhập với cuộc sống mới, trở thành cô giáo dạy lũ trẻ con đủ mọi sắc tộc. Bỗng một ngày nàng được tin Huy. Chàng cũng đã định cư ở Mỹ và… đã có vợ con. Tim nàng tan nát. Ðiều mà nàng tưởng là tình yêu đã thực sự không phải. Nàng thầm tự hỏi phải chăng nàng đã ngu muội nên quá tin vào những lời hứa hẹn bâng quơ, xa xôi, hay vì định mệnh khắt khe khiến cuộc tình của nàng nổi trôi theo vận mệnh chung của đất nước.
Rồi sau đó, ánh mắt của vài chàng trai cũng làm cho Diễm thoáng rung động, song cũng chỉ như những cơn gió thoảng qua… Cho đến một ngày Khiêm chợt đến. Chàng đang cô đơn, nàng cũng lẻ bóng. Cả hai đã ở vào lứa tuổi chững chạc, trưởng thành. Hai tâm hồn xích lại gần nhau một cách dễ dàng. Sau một đám cưới đơn giản, Diễm đã được sống trong hạnh phúc và một bé gái chào đời. Nàng bằng lòng với hạnh phúc nhỏ bé, giản dị. Nàng hầu hạ chồng con, chăm sóc cho Khiêm và bé Uyên từng miếng ăn, thức uống, từng manh quần, tấm áo. Nàng yêu người cùng nàng chung chăn gối, yêu đứa con nhỏ tha thiết. Dưới mắt mẹ nàng lại khác. Cụ nhìn ra những khuyết điểm cuả Khiêm, cụ xót xa thương con gái. Với lòng thương bao la của người mẹ, cụ nghĩ con gái cụ phải được sống trong nhung luạ, phải được o bế, cưng chiều. Cụ không muốn con cụ làm thân nô lệ. Cụ có biết đâu, đối với Diễm, được hầu hạ chồng con là điều hạnh phúc.
Chuyện nhỏ góp thành chuyện lớn, chuyện bé xé ra to. Khiêm không khôn khéo, tế nhị mà mẹ nàng lại quá cứng cỏi. Những cuộc cãi vã nho nhỏ giữa mẹ vợ và con rể bắt đầu xảy ra. Diễm biết rằng “nhân vô thập toàn”, nên những khuyết điểm nhỏ của Khiêm cũng như những khắc nghiệt của mẹ nàng đều có thể chấp nhận. Ở giữa, nàng chẳng biết phải làm sao. Nàng là người đàn bà giầu tình cảm, yếu đuối, ngược lại với tính cứng rắn của mẹ. Cụ hay nhìn vào những điều xấu để chê bai, còn nàng lại thích tìm ra những ưu điểm của người để thương, để quý. Khiêm có nóng nảy, độc đoán, không dịu dàng, mềm mỏng nhưng Diễm cảm nhận được sự lo lắng, thương yêu của chàng. Mẹ nàng không chấp nhận bất cứ ai hành hạ con mình. Cụ can thiệp vào cuộc sống của vợ chồng nàng hơi nhiều, nhưng nàng biết đó là do tấm lòng thương con của một người mẹ. Càng ngày sự xung khắc giữa mẹ và chồng càng trầm trọng, cho đến khi sự việc không thể hàn gắn, nàng phải đứng trước sự chọn lựa giữa mẹ và chồng!
Khoảng thời gian đó, Diễm như muốn phát điên, bên tình, bên hiếu. Mẹ nàng cũng già xộc hẳn đi, mặt hằn lên nét đau khổ. Khiêm quát tháo om sòm. Nhà thê lương không một tiếng cười. Con bé Uyên co rúm vì sợ hãi… Cuối cùng vợ chồng nàng phải ngồi xuống nói chuyện và đồng ý chia tay.
Mẹ Diễm đòi hỏi những điều tuyệt đối mà cõi đời này làm gì có tuyệt đối! Các anh chị em nàng đều có gia đình riêng và hạnh phúc. Mẹ nàng ở nhà con nào cũng bắt nhặt, bắt khoan. Con dâu, con rể cố gắng chiều cụ nhưng hạnh phúc gia đình nhỏ của họ quan trọng hơn, họ phải giữ gìn, bảo vệ. Cụ rơi vào nỗi cô đơn mà cụ tự tạo ra. Diễm xót thương mẹ già còm cõi nên mua nhà đón mẹ về ở chung.
Có những đêm dài cô đơn trăn trở, Diễm nhìn mình trong gương, nhìn bóng mình trên vách, cảm thấy tuổi xuân vùn vụt qua mau. Nàng cũng nhớ làn da ấm, vòng tay êm, nên càng nhớ Khiêm tha thiết. Đôi khi nàng thầm trách mẹ, vì cụ mà nàng rơi vào tình cảnh này. Nghĩ lại, nàng cũng trách luôn cả Khiêm. Sao chàng không giữ nàng lại, không cùng nàng tranh đấu. Phải chăng tình yêu của chàng không đủ mạnh, không đủ đầy như nàng tưởng. Suy cho cùng thì nàng cũng có lỗi, lỗi yếu đuối, nhu nhược và mơ hồ trong tâm thức, nàng thầm công nhận mình thương mẹ hơn và coi tình yêu của mẹ là một thứ tình yêu bất diệt và chắc chắn. Ðã có những lúc nàng bắt gặp ánh mắt ái ngại của mẹ khi mẹ thấy nàng lủi thủi và đôi khi nàng còn nghe cả tiếng thở dài của mẹ.
Mấy năm đầu sau khi chia tay với Khiêm, Diễm sống lặng lẽ, câm nín. Chỉ cuối tuần nàng mới về với Khiêm và Uyên, dành cả tuần lo cho mẹ. Cụ càng già càng khó tính và khắt khe hơn. Một bầy chín người con, cả trai lẫn gái, đều thành đạt, đều là những người con có hiếu. Vậy mà cụ vẫn không vui. Bao giờ cụ cũng cho là Diễm hợp với cụ nhất, nên cụ chỉ có thể ở được với nàng. Không hiểu sao cụ lại rất ghét Khiêm, ghét thậm tệ, đến nỗi chàng không dám ghé thăm và khi đến với Khiêm nàng phải lén lút, vụng trộm… Nếu mỗi con người sinh ra đời dưới một vì sao, thì không biết nàng sinh ra dưới vì sao nào. Nàng đã hy sinh hạnh phúc gia đình nhỏ của nàng vì muốn đem lại niềm vui cho mẹ lúc cuối đời. Nếu mẹ vẫn không vui thì sự hy sinh của nàng thành ra vô nghĩa. Khiêm dự tính về hưu sẽ sống ở Việt Nam, Uyên đã lớn, rồi cũng có gia đình riêng. Còn Diễm, nàng vẫn… chơ vơ. Nàng cầu mong mẹ khỏe mạnh, vui sống để nàng còn có nơi chốn trở về.
Đêm thật sâu, Diễm kéo tấm màn che cửa sổ, bước vào giường, tắt đèn và cuộn mình trong chăn ấm. Nàng nghĩ đến bữa tiệc đã qua, nghĩ đến những người bạn dễ thương, những chương trình mà các bạn đã sắp xếp cho nàng khi nghỉ hưu. Những giọt nước mắt đã khô và nàng lại mỉm cười…
2.
Chỉ còn hai tuần nữa là Tết. Trời cuối Đông, gió bớt lạnh và nắng đã hanh vàng, nhẹ nhàng xua đi màu xám ảm đạm. Khoác lên mình chiếc áo len mỏng, Diễm ra khu vườn nhỏ, vươn vai thở hít khí trời. Giàn nho trơ những cành khô như đang thoi thóp đợi hồi sinh, chậu quỳnh lá xanh mướt đang say sưa uống từng giọt nắng và những khóm cúc vàng, tím đã hé nụ, mỉm cười... Theo thường lệ mỗi sáng Thứ Bẩy, từ tinh mơ Diễm và các bạn đã ríu rít gọi nhau để cùng ra công viên đi bộ quanh hồ hoặc ra biển đi dọc theo bãi cát. Sáng nay, vì Diễm mới trở về sau khi đưa mẹ sang Hoa Thịnh Ðốn thăm gia đình ông anh Cả nên chả thấy ai gọi và nàng cũng lười biếng nằm nướng đến bây giờ.
Không đi cũng thấy nhớ, không biết Vũ Dung đang làm gì, chắc lại tíu tít bên chồng con. Trong các bạn, có lẽ cô nàng là người hạnh phúc nhất, mặt luôn vui tươi, hí hởn, gần ai người ấy cũng vui lây. Hồng Tước đáng yêu, nhìn đời với cặp mắt bao dung, chuyện gi nàng cũng coi là chuyện nhỏ, luôn an ủi, vỗ về bạn bằng những lời nói chân thật, chí tình. Kim Lan dịu dàng, nhẹ nhàng với những ân cần, chu đáo rất Việt Nam. Còn Minh Phú, Lưu Định, Minh Hà, Vân Bằng, Ninh, Ly… Những người bạn quanh Diễm đã tiếp cho nàng sức sống sau cơn khủng hoảng về gia đình. Bóng hình những người bạn ở nơi xa xôi như Bướm Betty, Ngân Khánh, Đỗ Dung, Minh Châu, Vân Anh, Hồng Mai, Phương Khanh, Ngọc Bảo, Lệ Hải, Bích Hà… hiện lên trong tâm trí nàng. Từng khuôn mặt, từng khuôn mặt, với từng nét đặc biệt riêng. Nàng yêu các bạn vô cùng!
Nhóm đi bộ của Diễm có năm người: Vũ Dung, Hồng Tước, Kim Lan, Minh Phú và Diễm. Lợi dụng con số 5 nên họ tự phong là “Ngũ Long Công Chúa”. Những lúc Minh Phú bận việc không tham dự thì bộ tứ laị thành “Tứ Đại Cô Nương”. Bọn họ thân nhau còn hơn chị em ruột, chia sẻ với nhau mọi chuyện, kể cả những khắc khoải, ưu tư trong cuộc sống cũng như những niềm vui chợt đến, chợt đi… Mỗi buổi sau khi đi bộ họ kéo nhau vào “shopping mall”, rồi ghé tiệm ăn và vẫn ăn quà vặt như ngày xưa. Có những đề tài được họ đem ra bàn tán để rồi rúc ra, rúc rích cười với nhau vì những chuyện tiếu lâm hoặc ấm ức, bực mình vì sao con nhỏ bạn mình lại… ngu quá vậy!
Một hôm, Trác xuất hiện, như một tình cờ hay như một sự sắp đặt không cần biết. Chỉ biết rằng Diễm, người đàn bà đã ly dị, trên sáu mươi và chàng, một người đàn ông góa gần bảy chục, hai kẻ cùng cô đơn. Buổi gặp mặt đầu tiên cũng cho Diễm những xao xuyến. Nàng cười thầm sao mình lai bồi hồi như con gái mười tám lần đầu tiên đi hẹn với người yêu. Trác còn phong độ ở tuổi gần cổ lai hy, giọng nói ấm áp, ánh mắt trìu mến… Ngồi đối diện nhau trong tiệm ăn, Diễm tiếc thầm sao không gặp nhau mười năm về trước, khi nàng mới chia tay với Khiêm và vợ của Trác vừa qua đời.
Như đọc được tư tưởng nàng, Trác nói:
– Đời không có gì là muộn màng Diễm ạ. Quan trọng là chúng mình có hiểu nhau không và có chịu đựng được nhau không.
Ở Việt Nam Trác là bác sĩ, sang đây chàng thành nghệ sĩ. Sau khi về hưu chàng tìm vui trong những ban nhạc và cũng dạy đàn.
– Diễm có muốn học đàn không, anh sẵn sàng dạy… không công cho Diễm.
Nói xong, chàng đưa Diễm hai cây đàn Mandolin bảo cầm về, hôm nào tiện sẽ bắt đầu học. Buổi hội ngộ đầu tiên cho Diễm một thoáng bâng khuâng.
Tiếp đến là những email tìm hiểu, những điện thoại thăm dò ý tứ. Những lời nói ân cần, trìu mến làm lòng nàng như ấm lại, tự ái đàn bà được vuốt ve. Có tình yêu ở tuổi cuối đời này không. Nàng luẩn quẩn, loanh quanh tìm câu giải đáp. Cuộc đời nàng đang tạm bình yên. Nàng đã về hưu, còn Khiêm ở Việt Nam đã có vợ mới. Điều này cũng chẳng trách được khi hai người đã cùng ký tấm giấy ly hôn. Uyên đã lớn, đã ra trường và có người yêu. Diễm cũng đã quen với nếp sống chung, với những chướng ách của mẹ. Hàng ngày, hàng tuần giỡn hớt, bông đùa với các bạn Trưng Vương thuở nhỏ, bạn gần và bạn xa.
Một buổi sáng giọng Trác ở đầu dây kia, nồng ấm:
– Hôm nay trời đẹp quá, Diễm có rảnh không, cho anh mời Diễm đi chơi!
– Anh định đưa Diễm đi đâu?
– Đi chùa hay nhà thờ, chỗ nào Diễm thích. Anh muốn đến một nơi yên tĩnh cho thanh thản tâm hồn.
Qua những lần điện thoại Diễm biết chàng theo Công Giáo, còn gia đình nàng theo đạo Phật. Vì nghĩ đến Trác, nàng chọn đi nhà thờ.
Hai người quỳ lễ, thấy chàng ngước nhìn tượng chúa như đang thành kính nguyện cầu, lòng Diễm cũng nao nao.
Khi ra về chàng nhìn sâu trong mắt Diễm và hỏi:
– Trước tượng chúa Diễm nghĩ gì, cho anh biết được không?
– Lạy chúa con là người ngoại đạo, nhưng con tin có chúa ở trên cao.
– Chịu con gái Bắc kỳ, em trả lời khéo lắm!
Diễm mỉm cười và không dám hỏi lại anh nghĩ gì vì nàng rất sợ nghe chàng tâm sự:
– Con qùy lậy chúa trên trời, sao cho con lấy đuợc người con thương.
Có sự chăm sóc, để ý của người khác phái cũng làm con tim Diễm vui trở lại. Nụ cười như rạng rỡ hơn, quần áo chải chuốt hơn. Mọi việc không qua được những cặp mắt “cú vọ” của nhóm “Ngũ Long Công Chúa“ và vấn đề liền được đem ra mổ xẻ tận tình:
– Em ơi, cẩn thận nghe em, đừng tin lời đường mật mà đổ thóc giống ra ăn đấy!
– Mi à, mi phải suy nghĩ cho kỹ nghe! Ở tuổi chúng mình còn chữ tình yêu viết hoa không?
– Mi phải biết làm tính cộng, tính trừ. “Positive” thì tiếp tục còn “Negative” thì liệu mà gài số dze, nghe em!
Những lúc ngồi một mình, nghĩ về những lời bàn ra, tán vào của bạn bè, Diễm lại bật cười. Ở cái tuổi “nhĩ thuận” mà vẫn cứ như những cô nữ sinh áo trắng ngày xưa nói chuyện về chàng nọ, chàng kia… Nàng chợt nghĩ đến cô Hiền, một giáo sư Trưng Vương lên xe hoa ở tuổi bảy mươi lăm, chú rể mới bát tuần đại khánh. Những lần gặp sau này, nàng thấy thầy cô rất vui vẻ. Cô tâm sự là cô chỉ cầu xin được ba năm thật Hạnh Phúc, sau đó già yếu thì sẽ nương tựa vào nhau. Cô sẵn sàng hầu thầy nếu cô còn sức khỏe. Phải chăng cô đã gặp được người yêu thật sự!
Buổi tối, mẹ Diễm không có nhà, có một mình, nàng chả thiết chuyện nấu nướng. Lấy nửa chén cơm nguội, rắc chút muối mè, nàng ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành, đếm từng hột cơm mà nhai. Những lúc cô đơn như thế này nàng cần một hình bóng, một bờ vai. Những khi buồn tủi nàng cũng mong có một vùng ngực bình yên để nép vào nương tựa, một vòng tay âu yếm vỗ về. Nhìn những cặp vợ chồng bền chặt đến đầu bạc răng long nàng không khỏi thèm thuồng, ganh tị. Nàng mơ ước một gia đình nhỏ, hạnh phúc giản dị mà suốt đời nàng không có. Ôi buồn! Khi đọc bài viết “Ai sẽ là tôi” cuả Trần Mộng Tú, nàng lại càng thêm buồn thấm thía. Ai sẽ là “tôi”, ai sẽ là người ngồi bên giường khi nàng đau ốm. Ai sẽ là người thăm viếng khi nàng phải ở trong nhà già. Cả một viễn ảnh thê lương. Nàng bỗng nhớ đến Trần Vũ Thị Phúc, một cô bạn cùng khóa, Phúc được cải tử hoàn sinh vì tấm lòng yêu thương chân tình của Kevin, một mối tình đẹp của thế kỷ. Họ đã làm đám cưới trên giường bệnh khi cô dâu hấp hối và với mãnh lực của tình yêu, Phúc đã chiến thắng được tử thần. Kevin đã bỏ tất cả, danh vọng, sự nghiệp, tiền bạc để chăm sóc Phúc. Đổi lại, Kevin được gì. Đó chẳng là TÌNH YÊU viết hoa sao!
Tình yêu là gì, phải chăng là một sự cho đi và nhận lại, là hai người tri kỷ, là hai người tin cậy nhau, thông cảm nhau, có thể chia sẻ chuyện buồn vui, cũng như nâng đỡ, an ủi nhau khi cần… Có thể đó là những ý tưởng lãng mạn, còn trong thực tế, nếu sống chung thì sao. Phải đối đầu với biết bao nhiêu vấn nạn: Bệnh hoạn đau yếu của tuổi già. Một ngày là nghĩa nhưng chưa biết rằng ai sẽ hầu ai, đang khỏe mạnh đấy mà biết đâu một sớm, một chiều… Rồi lại con anh, con tôi… Rồi lại anh bừa bãi, tôi ở sạch. Anh thích tiêu tiền, tôi thích cần kiệm. Tiền nào của anh, tiền nào của chung…
Như bạn ở xa đã thì thầm qua phone:
– Diễm ơi, ở tuổi chúng mình, sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, ai cũng đã có những thói quen riêng thành nếp rồi, khó mà thay đổi lắm. Mi liệu có hợp với ông ta không? Liệu ông ta có hợp với mi không? Suy nghĩ cho kỹ vì không còn thời gian để mà uốn nắn nhau đâu. Không ai có thể sửa ai được đâu. Cứng như thép hết rồi.
– Mi ơi, cứ giữ ở mức độ tình bạn lại hay hơn. Ai ở nhà nấy, lâu lâu tìm đến nhau, an ủi vỗ về khi cần thiết và thỉnh thoảng cùng nhau đi du lịch, đi chơi xa vài ngày… Như thế vẫn có một giới hạn và lúc nào cũng tương kính như tân.
– Diễm ơi, ta biết mi là người chịu thương, chịu khó, tình lụy, lụy tình, vướng vào lại khổ thôi. Lại có người để mà hầu. Mi nên nhớ còn Cụ nữa đó!
Khổ quá, Diễm không quen làm tính cộng, tính trừ, cũng không quen phân bì hơn thiệt. Nàng là người đàn bà yếu đuối. Thôi xin cứ để mặc số trời.
Mùa Xuân đến cây cối sẽ đâm chồi, nảy lộc. Chim chóc sẽ cất tiếng hoan ca… Nhưng đâu đây lại văng vẳng tiếng ai đang hát:
– Ta quen nhau mùa Thu, ta thương nhau mùa Đông, ta yêu nhau mùa Xuân để rồi tàn theo mùa Xuân...
Chả ai biết được ngày mai! Trăng rằm sáng vằng vặc đang dịu dàng len qua cửa sổ. Lòng Diễm có thanh thản không mà nghe như mình đã thở dài. Hai cây đàn ngoan ngoãn nép mình trong góc phòng như đang nhìn nàng tha thiết... Sao nàng vẫn lủi thủi cô đơn!
3.
Những lời tâm tình qua điện thoại vẫn dùng dằng như thể không bao giờ chấm dứt:
– Thôi, khuya quá rồi, anh đi nghỉ kẻo mệt.
– Ồ… Xin lỗi em, đã khuya quá. Mai anh sẽ gọi em. Chúc em ngủ thật ngon. Bye!
– Dạ… Em cũng chúc anh ngủ ngon.
Giọng Trác dịu dàng còn như bịn rịn, chưa muốn rời. Buông điện thoại, lòng Diễm như chùng xuống, mơ mơ, say say. Nàng lạ lẫm với chính nàng. Nằm vùi mình trong chăn ấm, đầu óc miên man, bềnh bồng. Mới mấy tháng nay thôi, nàng như con người khác, không còn là nàng của những ngày xưa cũ nữa. Từ khi chia tay với Khiêm, Diễm vẫn giữ một tấm lòng chung thủy. Sự đổ vỡ của họ không phải tại họ hết yêu thương nhau, nên nàng vẫn hy vọng một ngày đoàn tụ và dù sao Khiêm cũng là cha của con gái Diễm. Khi nghe tin Khiêm đã về Việt Nam, đã có vợ mới, lòng nàng đau như dao cắt. Không trách được Khiêm vì hai người đã đồng ý ly dị. Trong tình trường, Diễm luôn là kẻ khờ khạo, nhưng thôi thà để cho người phụ ta. Tủi thân, tủi phận đấy nhưng lòng Diễm như băng giá. Nàng cố gắng gạt bỏ những hình ảnh cũ, những kỷ niệm xưa để tìm sự thanh thản cho tâm hồn. Nàng tự nhủ rằng cuộc đời mình coi như đã xong, bây giờ lo phụng dưỡng mẹ già và đợi ngày bé Uyên lập gia đình rồi sẽ tìm vui với bầy cháu ngoại.
Sự việc đẩy đưa… Sang năm nay mẹ Diễm có ý định muốn đi thăm các con, các cháu. Ở tuổi trên chín mươi, cụ còn khỏe nên muốn đi chơi một vòng, do đó cụ sẽ vắng nhà mấy tháng. Con bé Uyên mới có người yêu, đang say sưa với mối tình nồng thắm của tuổi trẻ nên cũng xao lãng với mẹ. Một mình trong căn nhà vắng, Diễm lủi thủi, cô đơn. Nhiều đêm ngước mắt nhìn những vì sao lung linh trên nền trời cao nàng không biết ngôi sao bản mệnh của mình ở đâu mà cả đời chưa một lần được hưởng hạnh phúc lâu dài. Nàng đã chấp nhận định mệnh và đã đi gần hết cuộc đời!
Về hưu… hết những lo âu phiền toái của công viêc nhưng cuộc sống thật trống trải, u buồn. May thay nhóm bạn Trưng Vương cũ tìm về với nhau. Như cá gặp nước, Diễm lại lao đầu vào công việc để tìm quên. Nàng đưa vai vác cái ngà voi cho các bạn trong những lần tụ họp, hội hè. Nhóm bạn ở gần rủ nhau đi tập tài chí, line dancing, học làm đồ gốm, sáng tạo các kiểu nữ trang và cuối tuần cùng nhau đi bộ… Tình bạn cũng an ủi, cũng cho Diễm những ấm áp trong những ngày lạnh lẽo mùa Đông và như những làn gió mát xua đi những nóng nực của mùa Hè. Các bạn nàng ai cũng có cặp, có đôi chỉ có nàng và Kim là hai người nửa đường đứt gánh. Các bạn cũng cố tìm người để gán ghép. Nàng chỉ mỉm cười và thầm nghĩ già chừng này tuổi rồi mà còn khoác gông vào cổ nữa sao. Nếu có duyên từ trẻ thì mới ráng lãnh nợ để chiu đựng nhau lúc về già chứ.
Thế rồi như có sự huyền nhiệm, buổi gặp mặt đầu tiên với Trác tâm hồn Diễm xao xuyến, bâng khuâng. Trác đề nghị dạy đàn, nàng yêu cầu cả nhóm cùng học. Trong những buổi học, những lần gặp gỡ, những ân cần săn sóc làm con tim nàng mềm đi. Trác rất đứng đắn, nghiêm trang, ít nói. Nàng cũng hiểu thêm về Trác. Cô đơn, chàng tìm vui trong những lớp dạy đàn, dạy hát cho ca đoàn ở nhà thờ, chàng chăm làm việc thiện. Chàng là người của gia đình, yêu vợ, thương con. Vợ chàng cũng là bạn cùng khóa với Diễm ở Trưng Vương, xinh đẹp, dịu dàng, chẳng may bị bạo bệnh nên vắn số. Chính những đặc tính đó của chàng khiến Diễm bồi hồi và lòng nàng chao đảo. Khác với một vài người cũng đã đến làm quen mà nàng không tin tưởng vì những lời bông lơn, cợt đùa nên nàng không mảy may rung động. Không những thế, nàng còn cảm thấy tự ái bị va chạm, tổn thương!
Rồi từng bước, từng bước nhẹ nhàng Trác và Diễm gần gũi nhau hơn, quyến luyến nhau hơn. Nghĩ về nhau thì thấy thương thương, rồi xa nhau thì thấy nhung nhớ. Nàng vẫn thường tự hỏi có còn tình yêu ở lứa tuổi này không mà sao lại nhung nhung, nhớ nhớ và nghe như đâu đây có sự êm ái, ngọt ngào…
Chị Quỳnh, làm chung sở với Diễm, góa chồng từ năm chị chưa đầy bốn mươi, chắp nối với một ông hơn chị vài tuổi khi chị mới nghỉ hưu. Chị tâm sự rằng chị đang hạnh phúc. Chồng cũ của chị chết trong trại tù cải tạo, chị chỉ có một người con trai nay đã có gia đình. Chị đã cả đời quên mình chỉ để lo lắng cho con. Con chị cũng rất hiếu thảo và thương mẹ nhưng vợ chồng nó không muốn ở chung. Nó đã nói thẳng với chị là con rất thương mẹ và con biết là mẹ cũng rất thương con. Con muốn tránh trước những chuyện có thể làm mẹ buồn. Chúng con ở riêng và nếu có chuyện gì xảy ra thì con xin thưa với mẹ trước là con sẽ về phe vợ vì mẹ thì không bao giờ bỏ con, còn vợ con có thể bỏ con được. Thoạt tiên những lời nói ấy làm chị đau đớn lắm. Cả đời chị đã hy sinh cho con, những tưởng về già có nơi nương tựa. Chị ở lại một mình trong căn nhà vắng, trống trải, trơ trọi. Đêm nằm nhiều khi giật mình vì tiếng kẹt cửa hay tiếng gỗ cựa mình. Những lúc ốm đau, uể oải, chị thật tủi thân. Chị vẫn chưa quen lối sống độc lập, cứng cỏi của những người già bản xứ. Chị đã gặp anh, bạn thân của chồng trong một tiệc cưới, vợ con anh đã chết hết trên đường vượt biển. Bạn bè cũ xúm vào gán ghép, thúc đẩy và tạo cơ hội để anh chị gần nhau, cuối cùng hai anh chị đồng ý sống chung.
– Diễm ơi, tình già có những cái đẹp của tình già, nhà ấm áp hơn, khi vui có người để kể và khi buồn có người để chia. Mình không biết mình còn ở cõi đời này bao lâu nữa. Một năm, năm năm, mười năm hoặc ngắn hơn, hay dài hơn thế? Ở một mình buồn lắm, thảm sầu lắm, em ạ.
Chị Vân bên Pháp có hai cô con gái, cũng ly dị ở tuổi hơn bốn mươi, nay hai con có gia đình riêng và chị cũng mới ở chung với ông bạn già, cũng khuyên:
– Tuổi sáu mươi bây giờ còn trẻ lắm, em không thể ngồi trong xó tối mà nhai gặm nỗi cô đơn. Vấn đề là làm sao tìm được người hiểu mình, thương mình thật tình và cùng tôn trọng nhau. Có như thế mới khắc phục được những lẩm cẩm của tuổi già, những phức tạp của đời sống. Hai đứa con gái của chị hồi bé không bao giờ dời mẹ, thấy ai đến gần tán tỉnh mẹ là khóc lóc, buổi tối ôm gối đòi ngủ chung thế mà khi lập gia đình cũng vẫn quý “privacy” hơn. Tuổi trẻ mà em, thương con nên đành thương cho trót. Khi chị sống chung với ông này các cháu mừng lắm, yên chí có người ở bên mẹ, lo lắng cho mẹ, không áy náy với mặc cảm bỏ rơi mẹ chúng nó.
Sắp đến ngày mẹ Diễm trở về, phải làm sao đây. Mẹ nào mà chẳng yêu con, mẹ nào chẳng muốn con hạnh phúc. Nhưng ở thế hệ của cụ, liệu cụ có hiểu cho không hay cụ lại cho là nàng già rồi mà không nên nết.
Mẹ Diễm cũng goá chồng ở tuổi sáu mươi, đã hơn ba mươi năm cô đơn, quạnh quẽ. Cụ là con út của một gia đình thế gia, vọng tộc, được cả nhà cưng chiều, khi lập gia đình cũng hạnh phúc ấm êm. Một bầy anh em Diễm lần lượt ra đời, như những nắm bông gà con ríu rít bên gà mẹ. Hồi tưởng lại thuở bé hình như mẹ nàng chỉ biểu lộ sự thương yêu con qua những lo lắng chu toàn về miếng cơm, manh áo, săn sóc sự học hành của các con nhưng rất ít nói lời yêu thương. Cụ răn dạy con theo lối cổ, nghiêm khắc. Chị em Diễm kính yêu nhưng… sợ. Đến tuổi trưởng thành, từng đứa, từng đứa dời vòng tay mẹ để tạo lập gia đình riêng. Cụ có cảm giác mất mát. Cụ cho dâu rể là những người đã cướp đoạt các con của cụ, những vật sở hữu của người mẹ quyền uy. Các con đã không hiểu được mẹ và mẹ thì cũng chẳng thể nói được với các con. Dâu rể là người dưng làm sao hiểu được những rắc rối phức tạp đó. Cứ thế mẹ con càng ngày càng xa cách. Các con không dám hỗn hào với mẹ nhưng từ từ lánh xa. Diễm được mẹ nuôi dạy từ bé, quen phong cách của gia đình, cũng khó nói ra những lời yêu thương. Nàng ao ước được nói với mẹ một cách dễ dàng. Mẹ có biết là con yêu thương, xót xa mẹ đến chừng nào không? Ngày xưa mẹ già, con trẻ… không thể nào hiểu được nhau, nay mẹ già và con không còn trẻ nữa, sự suy tư có thể gần nhau hơn, dễ cảm thông hơn. Mẹ ơi, con thương mẹ, con muốn những năm cuối của cuộc đời mẹ có tâm thanh thản, nhẹ nhàng. Con yêu mẹ, mẹ ơi. Diễm thầm thì nói với mình như đang ngồi bên mẹ nàng.
Nàng ao ước Trác và nàng đủ thân và tình yêu cùa hai người đủ mạnh để nàng không phải lựa chọn giữa TÌNH và HIẾU như lần trước. Nàng mong được cả hai. Liệu tình của Trác có đủ để họ cùng nhau tìm cách lấy lòng mẹ nàng không. Rồi hai người chiều cụ, làm cụ vui để cụ xóa bỏ sự lo lắng, sợ hãi mất con mà cụ lại có thêm một người thân nữa.
Cứ như thế hồn Diễm lênh đênh, chiếc máy CD đầu giường buông những ca từ mượt mà của Trịnh Công Sơn và nàng thiếp ngủ trong… “Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng… “
Buổi sáng Diễm bị đánh thức bằng tiếng chuông điện thoại mẹ nàng gọi từ miền Ðông:
– Hôm nào cô sang đây?
– Dạ hai ngày nữa mẹ ạ. Mẹ đi chơi có vui không?
– Thì… cũng vui, tôi ra phi trường đón cô nhé!
– Thôi khỏi mất công mẹ ạ, con đi cùng hai chị bạn.
– Ờ… nghe nói cô học đàn hả?
– Con với mấy chị bạn đang học Mandolin, học cho vui thôi mà.
– Ừ… thì cô cứ học cho vui.
Hai ngày nữa Diễm sang Hoa Thịnh Đốn cùng Hồng Tước và Hương Kiều Loan để ngắm hoa đào nở. Cũng nhân dịp này nàng muốn trắc nghiệm lại lòng mình, tình cảm của mình với Trác. Nghe tiếng nói của mẹ qua máy Diễm cảm nhận một sự dịu dàng, một âm hưởng ấm áp mặc dù vẫn với lối nói thường xuyên của Cụ.
Nghiệm lại nàng thấy như có sự an bài của Thượng Đế, mọi diễn biến xảy ra đều đúng thời, đúng lúc. Nàng đã gặp mấy người con cuả Trác, có tình cảm thương mến dạt dào. Con bé Uyên ríu rít: “Mẹ có “boyfriend” cho vui, con không muốn mẹ khóc hoài, mẹ vui con cũng vui…” Tuổi trẻ lớn lên ở bên này phát biểu rất hồn nhiên. Tóm lại mọị chuyện như thuận duyên. Xin cảm tạ Phật Trời, cảm tạ các Đấng Bề Trên.
Diễm dạo quanh khu vườn nhỏ, bây giờ đang là mùa Xuân, cây cối như đang hân hoan mỉm cười. Năm nay những bông hoa như to hơn, màu sắc tươi hơn. Cành đào đầy nụ, giò lan nặng trĩu vì hoa, những cây bonsai giữ những bụi nước nhỏ li ti như còn ngậm sương sớm. Nắng lung linh, gió nhè nhẹ rung rinh… Diễm như đang mơ… mơ mơ, màng màng, say… say say... Nàng như được bọc mình trong nắng, nắng vàng óng như tơ và nắng thật ngọt ngào.

Đỗ Dung

Không có nhận xét nào: