Thị trấn Coober Pedy được xây dựng dưới lòng đất (Ảnh: Vnexpress)
3.500 người sinh sống ở thị trấn Coober Pedy Coober Pedy là một thị trấn nhỏ ở miền Nam nước Úc, cách Adelaide 850 km. Nơi đây là một vùng đồng bằng cằn cỗi, vài ngôi nhà thưa thớt cách nhau xa cả vài chục mét, có khí hậu sa mạc khắc nghiệt, nắng vàng khô hạn như thiêu đốt con người, nhiệt độ luôn ở mức 35-45 độ C ngay cả trong bóng râm, nhưng ban đêm có thể giảm xuống dưới 0 độ C, độ ấm hiếm khi vượt quá 20% và bầu trời thường không có mây. Để chống đỡ với sức nóng như chảo lửa, người dân ở thị trấn Coober Pedy chọn cách sống trong các hang đá men sườn đồi. Họ đã đào đất, xây dựng hẳn một thị trấn dưới lòng đất, và Coober Pedy ra đời từ đó.
Năm 1858, thị trấn được gọi là Cánh đồng Opal, đặt theo tên của nhà thám hiểm châu Âu John McDouall Stuart – người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Năm 1920, thị trấn đổi tên thành Coober Pedy, theo ngôn ngữ địa phương của những người thổ dân có nghĩa là “cái hố của người da trắng”.
Hình ảnh phía trên của thị trấn Coober Pedy (Ảnh: Lonely Planet)
Khách du lịch đến thị trấn Coober Pedy đều không khỏi ngạc nhiên bởi rất nhiều khối hình trụ nhô lên mặt đất. Đó là những ống thông khói và trục thông gió của các căn nhà dưới lòng đất. Vật liệu chính bên trong các ngôi nhà ở Coober Pedy là đá sa thạch có màu sắc tuyệt đẹp mang lại sự ấm áp, sang trọng và kiên cố cho ngôi nhà. Dù nhiệt độ trên mặt đất có lên tới 50 độ C vào mùa hè hay dưới 0 độ vào mùa đông thì nhiệt độ trong những căn nhà dưới lòng đất luôn ở mức 24 độ C.
Coober Pedy là một trong những khu vực có điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt (Ảnh: vnexpress)
Cảnh quan khu vực này trên mặt đất hoang vắng, ít bóng người, tựa như một thị trấn bỏ hoang đã lâu. Nhưng cũng có trạm xăng hay vài cửa hàng nhỏ, nhà hàng, đồn cảnh sát, trường học, bệnh viện.
Thị trấn có cả quán bar, nhà hàng, khu vui chơi và khách sạn ngầm (Ảnh: Explore Shaw)
Trái ngược lại, ở dưới lòng đất thì lại sầm uất và náo nhiệt với khoảng 3.500 người sinh sống với 50 sắc tộc khác nhau, như Sri Lanka, Philippines, Hy Lạp, Argentina và Anh Quốc. Ngoài nhà ở, thị trấn dưới lòng đất ở Úc có cả bảo tàng, nhà thờ, phòng trưng bày nghệ thuật, khu vui chơi, quầy bar,… Thậm chí, họ có hẳn một khách sạn cho thuê, phục vụ những khách du lịch Úc muốn trải nghiệm cuộc sống dưới lòng đất.
Những ngôi nhà dưới lòng đất này có lối đi vào nhà liền kề với phố bên ngoài. Các căn phòng được thiết kế khéo léo để giữ nhiệt độ thích hợp và được bài trí khá tiện nghi, không khác gì trên mặt đất với giường ngủ sạch sẽ, tủ quần áo, tivi, bếp nấu. Việc cung cấp nước cho thị trấn đến từ một nguồn dẫn ngầm dài 24 km về phía bắc của thị trấn Coober Pedy.
Một nhà thờ dưới lòng đất, đáp ứng được nhu cầu tôn giáo của người dân thị trấn Coober Pedy (Ảnh: Zing)
Coober Pedy – Thủ phủ các loại đá quý dưới lòng đất
Ít ai biết rằng, thị trấn Coober Pedy từng là một khu khai thác mỏ. Theo nhiều nghiên cứu, khoảng 150 triệu năm trước, thị trấn này nằm dưới đại dương, khi nước trên mặt đất bị đẩy lên cao, nước biển rút xuống làm các khoáng chất silica chảy vào khe nứt đá. Trải qua hàng chục triệu năm, chúng chuyển thành các loại đá quý nhiều màu.
Năm 1915, các thợ mỏ tiến hành dựng lên những ngôi nhà dưới lòng đất trong để thoát khỏi cái nóng của mùa hè và đêm sa mạc lạnh của mùa đông. Lâu dần họ định cư luôn tại đây, sinh con đẻ cái và tạo lập thành một thị trấn dưới lòng đất. Khi đó, nhà ở trên mặt đất bị bỏ hoang hoàn toàn.
Thị trấn cung cấp hơn 70% sản lượng đá opal trên thế giới (Ảnh: Vnexpress)
Ngày nay, thị trấn Coober Pedy là địa điểm khai thác và sản xuất số lượng lớn opal trắng có chất lượng cao trên thế giới. Được biết, Opal là một khoáng vật quý hiếm hơn cả hồng ngọc và kim cương rất được ưa chuộng dùng trong các đền đài, cung điện. Ngày nay, opal được xem là một món hàng trang sức có giá trị cao. Khoảng 70% lượng opal trên thế giới đều đến từ thị trấn nhỏ bé này, thế nhưng không hề có một công ty khai khoáng nào ở đây, vì cách duy nhất để khai thác opal là đào tay.
Hàng năm, vào cuối mùa hè sẽ có một lễ hội nhỏ được tổ chức, người dân thị trấn Coober Pedy tụ tập lại để ca hát, nhảy múa, diễu hành và tham gia các hoạt động trên mặt đất.
Du khách tới tham quan có thể tìm kiếm vận may của mình (Ảnh: Coober Pedy Website)
Thị trấn Coober Pedy được mệnh danh là Hollywood của vùng sa mạc, do địa hình kỳ lạ khiến người ta liên tưởng đến những hành tinh khác. Thị trấn từng được sử dụng làm bối cảnh cho các bộ phim như Pitch Black, Mad Max Beyond Thunderdome, Red Planet, Until the End of the Worldvà Priscilla, Queen of the Desert.
Nhiều bộ phim Hollywood chọn Coober Pedy làm bối cảnh phim (Ảnh: Zing)
Nếu bạn có dịp đi đến thị trấn Coober Pedy, bạn sẽ nhìn thấy những miệng hố như thể “hố tử thần” khá rộng và sâu, tối đen, nhưng đó chính là những cửa ngõ dẫn đến thị trấn dưới lòng đất độc nhất vô nhị ở Úc. Không chỉ tò mò mà du khách đến đây thường tràn trề hy vọng và muốn tìm kiếm vận may của mình khi cố gắng tìm được một chút vàng hay đá quý.
(Nguồn Sưu Tầm)
Xem thêm:
Inside Coober Pedy, the Australian mining town where residents live, shop, and worship underground
Living underground in the Australian Outback
1,700 People Live In An Underground Village In The Desert
Kỳ thú thành phố dưới lòng đất Coober Pedy ở Úc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét