Nhiều người hay đem những đức tính cao quý của người Nhật ra để so sánh, để thấy người Việt mình tệ biết chừng nào. Rồi nhiều người khác kêu rằng so sánh như vậy là khập khiễng. Khập khiễng vì nước Nhật giàu có và văn minh từ lâu, sao bì được. Tui thấy vầy: Có thể phú quý sinh lễ nghĩa; rách quá, đôi khi cũng khó mà thơm, thế nhưng văn minh là chuyện khác. Không phải cứ giàu là văn minh, và ngược lại (tui, và chắc các bạn cũng vậy, đã nhiều lần chứng kiến lắm kẻ giàu nứt đố nhưng văn minh vẫn là zero đó thôi).
Không nói đâu xa xôi, sát bên nách mình thôi, nước Lào nè. Trời ơi, họ văn minh khủng khiếp. Chân đã đi nát mặt địa cầu nhưng nếu hỏi tui yêu quý dân tộc nào nhất, câu trả lời sẽ là Lào. Người Nhật văn minh vì đôi khi họ buộc phải gồng lên làm điều đó để thỏa mãn những chuẩn mực tối thiểu của một nền văn hóa khắt khe, dần dà thành bản tính đặc hữu giống nòi. Người Lào thì khác, họ văn minh một cách rất hồn nhiên, như máu họ sẵn có, như ngàn đời nay vẫn vậy, chẳng cần cố gắng gì.
Nước Lào tươi đẹp, tươi đẹp vì xanh mát, trong lành và bình yên. Người Lào hồn nhiên, hiền hậu, chân thật, lịch sự và điềm đạm. Từ lao động chân tay đến trí thức, cảnh sát hay doanh nhân, ai ai cũng toát lên một thần thái an lạc. Nước Lào ít có người giàu, phần lớn những người giàu nhất là doanh nhân Hoa kiều và Việt kiều. Vì người Lào ít kinh doanh. Nếu có, họ cũng đóng cửa sớm lắm. Khi thấy mới 5 giờ chiều họ đã đóng cửa hàng, tui hỏi sao sớm quá, không bán thêm vài tiếng nữa, anh chị cười cười “Thôi, nhiêu đó đủ rồi, về ăn cơm rồi xem ti vi”. Là không phải họ lười biếng, là không phải họ hổng biết kinh doanh, là không phải họ chê tiền, chỉ là họ biết đủ. Làm được điều này như họ khó, khó lắm.
Ở Lào rất rất hiếm có chuyện cướp giật hay mất trộm ngoài đường. Chiếc xe máy dựng trước thềm nhà không khóa, sáng ra vẫn y nguyên. Nửa khuya, giữa ngã tư thênh thang vắng, người ta vẫn dừng đúng vạch đèn đỏ. Giao thông bên ấy rất tuyệt vời, thi thoảng giữa thủ đô cũng có kẹt xe giờ tan tầm nhưng tuyệt nhiên không có chen lấn hay bóp còi, không có cáu gắt hay bực dọc. Khi bạn băng qua đường, dù không trên vạch trắng, xe cộ thấy bạn từ xa, họ đã hãm tốc. Thành phố lúc nào cũng lằng lặng, ngày cũng như đêm. Đi mua sắm, lựa chọn đã đời, xách đít không đi ra, họ vẫn vui vẻ chắp tay chào. Và còn nhiều nữa...
Vũ trường ở Lào, nói thiệt, như cái quán hủ tíu bên mình vậy, sơ sài, nghèo nàn và vắng vẻ. Nhưng bảo tàng và thư viện rất to, nhà hát rất đẹp, lúc nào cũng đông.
Tự suy ra nhé.
Để tui kể chuyện này cho nghe, hồi SEA Games 25, lúc biết bóng đá Việt Nam vào được chung kết và cơ hội thắng Malaysia để vô địch là rất cao, tui rủ thằng bạn bay qua Viêng Chăn để ủng hộ đội nhà, để sướng với cảm giác vô địch. Trần ai kiếm được vé máy bay, qua tới nơi, khách sạn sang hèn, nhà trọ lớn nhỏ không còn một chỗ trống. Dân Việt Nam ngập tràn bên đó, phần lớn đi đường bộ qua cửa khẩu Lao Bảo. Anh taxi cũng khốn đốn tới khuya để chở tụi tui đi tìm nơi ở, rồi anh xin lỗi vì không giúp được. Thì thôi, kiếm chỗ nào có mái che, lăn ra ngủ vậy, cổ động viên bóng đá chứ có phải doanh nhân đi nghỉ dưỡng đâu. Nghe vậy, anh taxi hổng chịu. Anh nói ở đây an toàn, không sợ gì con người nhưng anh sợ nửa đêm gió sương... Rồi anh mời tụi tui về nhà, gọi vợ mình dậy nấu mì cho ăn. Khách tắm rửa xong, vợ chồng anh nhường cho họ phòng ngủ của mình. Sáng ra, anh chở đi tìm vé vào sân vận động (ui trời, dân bán vé chợ đen toàn Việt Nam tràn qua). Gửi biếu anh chị tiền, họ nhất mực không nhận, chỉ lấy tiền taxi. Vậy đó.
Ai mơ ước người Việt được như người Nhật thì cứ việc. Tui tỉnh táo và thực tế hơn, mơ ước dân mình được như... dân Lào./-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét