Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

Chuyện Mặn Chuyện Nhạt - TRÀ LŨ

image 

Note: Một số những hình trong bài này là hình minh họa
Đầu thu năm nay có ngày Thứ Sáu 13, mấy bà trong làng tôi tin là ngày xui nên bảo nhau không đi chơi không đi mua sắm trong ngày này. Người ta còn tin số 6 cũng là số xấu. Ấy thế mà hãng máy bay Phần Lan không tin, vẫn có chuyến bay mang tên 3 con số 6. Chuyến bay AL 666 ngày thứ Sáu 13 vừa qua vẫn đầy khách. Ông Phần Lan này ngon a. Tôi hỏi anh John là tại sao người da trắng cho con số 6 là xấu, thì anh cười hì hì rồi bảo:
<!>
- Chính bác đã trả lời rồi đó. Da trắng bảo số 6 là xấu, vì họ tin theo tiếng Việt Nam. Chữ Sáu đọc lên nghe mài mại như chữ Xấu mà.
Các cụ đã thấy cái anh bạn da trắng này láu cá chưa! Xin kể thêm chuyện về cái anh John vui tính này. Tuần qua, anh và vợ là Chị Ba Biên Hòa đi chợ mua thức ăn. Anh chị vào một hiệu thực phẩm của người Phi Luật Tân, mua luôn một lúc 10 gói rau đay đông lạnh. Từ khi anh chị kết thân với bọn tôi thì anh chị mê luôn món canh rau đay ăn với cà chấm mắm tôm của phe Bắc Kỳ trong làng. Xưa kia, anh da trắng này đâu biết gì rau đay, chị Ba người Nam đâu biết gì rau đay, thế mà cả hai anh chị bây giờ đã lây máu Bắc Kỳ, nay đều mê món Bắc Kỳ này như điên.

Sang Canada này rồi tôi mới biết dân Phi Luật Tân cũng ăn rau đay như mình, nhưng cách nấu khác nhau. Chợ Phi Luât Tân đầy rau đay. Anh kể cho tôi nghe rằng khi Chị Ba đứng trả tiền thì thấy mấy người bán hàng Phi Luật Tân cứ nhìn anh chị rồi bấm nhau mà cười tủm tỉm. Anh chị không hiểu tại sao. Khi về tới nhà thì anh gọi điện thoại hỏi một người Phi Luật Tân bạn của gia đình về việc đi mua rau đay bị người bán hàng cười tủm tỉm một cách bí mật. Anh bạn này phá ra cười rồi trả lời ngay: Theo quan niệm về ăn uống của dân Phi Luật Tân thì rau đay là rau kích dục mạnh nhất. Chèng đéc ơi, vậy sao? Đây là lần đầu tiên tôi mới nghe sự lạ này. Các cụ độc giả có biết chuyện này chưa? Hóa ra ông bà tôi ngày xưa ở quê nhà, quanh năm chỉ rau đay với tương cà nên mới đông con đông cháu vậy sao? Họ cười anh chị John là phải, ăn một gói đã đủ lên mây, đây anh chị mua luôn một lúc 10 gói!
Cũng đầu tháng Chín với ngày Thứ Sáu 13 này, ở Quebec đang có một quả bom sắp nổ lớn. Đó là quả bom về tôn giáo và văn hóa. Lâu nay người da trắng ở đây khi trông thấy mấy bà Hồi Giáo cuốn khăn che đầu che mặt thì họ ngứa mắt lắm. Ngày xưa, họ đã ngứa mắt với mấy ông Sikh cuốn khăn trên đầu, nhưng không ngứa nhiều bằng khi thấy mấy bà mấy cô Hồi Giáo. Chính quyền tỉnh bang Quebec đang làm luật để ngăn cấm các công chức không được ăn bận theo lối đó. Vừa đây lại có thống kê cho biết 1/3 dân Quebec cũng muốn cấm luôn nhân viên tư chức gốc Hồi Giáo che đầu che mặt. Nhóm Hồi Giáo đang làm ầm lên việc này. Họ dự định tổ chức 2 ngày hội thảo ở Palais des Congrès ở Montreal vào đầu tháng 9 để bàn về tự do tôn giáo, nhưng họ đã phải bỏ ý định này vì chính quyền ở đây không cho phép. Lý do là vì hội nghị sẽ có 4 diễn giả Hồi giáo từ Paris tới. Đây là 4 giáo sĩ cực đoan, họ mà tới đây thì họ sẽ mang lửa đến. Chính quyền Quebec đang thảo một đạo luật mang tên ‘Charter of Values’, Hiến Chương Các Giá Trị,…
Anh John bình luận: Chúng ta phải có can đảm nói lên một sự thật như Tổng thống Vlamir Putin của Nga đã nói trước Quốc hội Nga ngày 4 tháng 2 đầu năm nay. Bài diễn văn này rất ngắn, nhưng cô đọng, nói hết sự thực và nhắm thẳng vào nhóm di dân thiểu số. Bài diễn văn này đã được các dân biểu Nga đứng lên vỗ tay lâu 5 phút, như vậy có nghĩa là dân Nga tán thành lập trường của Putin. 

Ông nói thế này: Nước Nga là của người Nga. Bất cứ nhóm di dân thiểu số nào đến đây cũng phải sống như người Nga, tôn trọng luật pháp và văn hóa của người Nga. Nhóm nào muốn sống theo luật Sharia của Hồi Giáo thì hãy đi chỗ khác. Nhóm thiểu số này cần nước Nga chứ nước Nga không hề cần họ. Phong tục tập quán nước Nga không thể thỏa hiệp với phong tục tập quán của nhóm thiểu số. Xin các nhà làm luật nhớ kỹ điều này. Họ không phải là người Nga.

Cả quốc hội Nga đã đứng lên vỗ tay.
Hình như trước đây Thủ tướng Úc Đại Lợi hay Tân Tây Lan cũng đã nói y như vậy: Xin mời mấy mợ trùm khăn bịt mặt đi chỗ khác!

Ai cũng mong một bài diễn văn như thế ở Quebec.
Ngay sau đó, một nguyện đường Hồi giáo ở Chicoutimi tại đây đã bị xịt máu heo và một bảng chữ đã được viết lên tường: Tín đồ Hồi Giáo nên đồng hóa hoặc hồi hương.
Đó là tin lửa văn hóa đang cháy đỏ rực ở bầu trời Quebec miền đông. Còn miền tây Canada cũng có màu đỏ rực nhưng không phải trên trời mà đỏ rực dưới nước. Các cụ phương xa đọc đến đây chắc không thể đoán được việc đỏ rực này đâu. Để tôi xin thưa ngay: Đó là màu đỏ của gần 8 triệu con cá hồi. Các cụ biết những đặc điểm của cá hồi chứ. Tôi thích cái tên ‘Hồi’ này quá. Hồi đây nghĩa là trở về, là hồi hương sinh quán. Con cá hồi được sinh ra trong miền nước ngọt, sống và lớn lên trong miền nước ngọt một năm. Khi tới tuổi dậy thì hai tuổi, con cá bỏ miền nước ngọt trong sông mà bơi ra biển, sống trong nước mặn. Con cá trưởng thành trong nước mặn, yêu nhau trong nước mặn, mang bầu trong nước mặn. Sau ba năm vùng vẫy trong đại dương nước mặn thì đàn cá tự quay về sinh quán nơi chúng đã sinh ra, chúng từ miền nước mặn lại trở về miền nước ngọt. Con cá cái thì vùng vẫy vượt dòng sông, vượt mọi thác ghềnh, tới đầu dòng sông, để đẻ trứng. Đẻ xong thì cá mẹ hết sức, trút hơi thở cuối cùng…
Việc cá hồi từ biển bơi vào đang diễn ra tại con sông Adams thuộc tỉnh bang British Columbia miền tây Canada, và được xem là một cuộc hồi hương lớn nhất trong 100 năm nay. Cá đẻ trứng ở đầu nguồn vào tháng 10 hằng năm. Mọi con cá hồi đều nhớ mùi của dòng sông sinh quán. Chúng địng hướng di chuyển bằng mùi. Con cá tìm ra lộ trình trở về một cách dễ dàng, không bao giờ đi lạc. Khi vào tới vùng nước ngọt thì cá thôi ăn và từ màu trắng chuyển sang màu đỏ sáng. Cả một khúc sông đỏ rực là thế. Cá hồi có khả năng bơi ngược dòng sông, vượt qua các dòng nước chảy xiết, từ đại dương vào tới sông Adams là một lộ trình dài hơn 500 cây số. Các con cá cái nhất định bơi cho tới cuối dòng là nơi chúng đã sinh ra rồi mới đẻ trứng, rồi kiệt sức mà nằm xuống. Theo dự kiến của Bộ Ngư Nghiệp Canada thì trong tháng 10 năm nay sẽ có chừng 8 triệu con cá hồi hồi hương, trong số này phân nửa là cá cái sẽ đẻ trứng. Lượng cá hồi hương năm nay được dự báo là nhiều gấp hai lần số thường lệ hằng năm.
Du khách có thể đến ngắm đoàn cá hồi vĩ đại này tại công viên Roderick Haig-Brown ngay bên bờ sông Adams. Các cụ phương xa nghĩ sao? Cụ ngắm hoa anh đào trên mặt đất, cụ ngắm đàn di điểu trên trời, nay cụ có muốn ngắm đoàn cá biển dưới nước không?
Nghe tôi hỏi câu này, không biết các cụ phương xa nghĩ sao, chứ ông ODP trong làng tôi thì cười ha ha rồi nói tướng lên: Các cụ Việt Nam làm mắm ở Phan Thiết ơi, mời các cụ đến gặp tôi ngay. Trời cho chúng ta một núi cá để làm nước mắm, tại sao chúng ta lại thờ ơ là làm sao? Ta chả cần phải ra khơi bắt cá gì cả. Chúng đẻ trứng xong, kiệt sức, nằm lăn ra ngay bờ sông, ta chỉ việc lấy rổ xúc đem vào ướp muối là có nước mắm ngay. Mọi thứ đều dễ, đều nhẹ, đều trong tầm tay.
Ông ODP nói xong rồi nhờ tôi viết lời kêu gọi gửi bạn bốn phương. Ông bảo tôi phải giúp tối đa và nói cho to tiếng chứ hồi mùa hè năm ngoái ông có lên tiếng mời gọi con cháu Cụ Võ Văn Vân ở Saigon mà chả thấy ai đáp ứng gì cả. Các cụ còn nhớ việc này không? Canada mỗi năm cho phép giết mấy triệu con hải cẩu ở Bắc Cực để bảo vệ ngư nghiệp. Dân thương mại đã giết hải cẩu và chỉ lấy bộ da để xuất cảng. Da hải cẩu rất có giá trong giới thời trang Âu Châu. Họ chỉ lấy bộ da mà thôi còn các thứ khác họ đều vất đi hết. Trong các thứ vất đi này thì ông ODP tiếc nhất một thứ quý giá là quả thận hải cẩu. Cụ Võ Văn Vân ngày xưa đã chế ra một dược phẩm nổi tiếng ‘Tam Tinh Hải Cẩu Bổ Thận Hoàn’, một dược liệu tương đương với xuân dược Viagara ngày nay. Ông ODP bảo ngày xưa ở Saigon làm sao mà cụ Võ Văn Vân có được quả thận của hải cẩu, nếu có thì may lắm là có một vài miếng nhỏ. Bây giờ hằng năm Canada vất đi cả một núi thận tam tinh!
Vậy tôi xin trình các cụ: Làng tôi đang thành lập công ty chế tạo thuốc Tam Tinh Hải Cẩu và nhà máy chế biến nước mắm Cá Hồi. Cụ nào giàu tiền giàu sáng kiến và giàu sức khỏe xin liên lạc ngay với ông ODP là tổng giám đốc hai đại công ty này nha. Kho vàng đang nằm trong núi cá hồi, núi hải cẩu, hoàn toàn miễn phí, tại sao ta không lấy?

Trên đây là các tin nổi cộm ở Montreal miền đông và British Columbia miền tây Canada, còn miền trung là Toronto này thì sao? Thưa, tháng Chín vừa qua là tháng văn hóa, dân làng tôi đã đi xem hội chợ của các sắc dân thiểu số mệt nghỉ. Không có ngày cuối tuần nào mà không có hội chợ. Gần nhà tôi nhất, giữa tháng vừa qua, là hội chợ của dân Ukraine, một nước đông Âu nằm trong khối Nga Xô ngày xưa. Họ có mặt ở đây rất đông. Đa số là dân cũng chạy trốn CS như người Việt mình. Hai ngày cuối tuần họ đã chiếm một đoạn đường quan trọng nhất để diễn hành, để trình diễn văn nghệ, để bày các sản phẩm.
Riêng người Việt Nam mình thì cũng có nhiều sinh hoạt văn nghệ, và nổi bật nhất là buổi ra mắt sách của thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Các cụ biết hai bài ca nổi tiếng ‘Lên Xe tiễn em đi’ và ‘Mùa Thu Paris’ của nhạc sĩ Phạm Duy chứ? Lời nhạc là lời thơ Cung Trầm Tưởng đó. Buổi ra mắt sách do Hội Y Sĩ Việt Nam ở Toronto đỡ đầu, BS Nguyễn Duy Sản làm trưởng ban tổ chức với sự góp sức của nhà văn hào sảng Tôn Kàn. Ông thi sĩ Cung Trầm Tưởng, trên 80 tuổi vàng, đầu tóc đã bạc phơ, nhưng sắc người còn hồng hảo khỏe mạnh, tiếng nói còn rổn rảng như tiếng chuông. Ông nói chuyện rất có duyên. Hội trường có hơn 200 chỗ ngồi mà dân ta ngồi đầy. Bao nhiêu sách ông đem theo đều bán hết. Trong buổi ra mắt có mục cho độc giả lên nói chuyện với tác giả. Một cụ ông tóc bạc đã lên phát biểu đòi nợ. Ông làm cả hội trường cười. Ông bảo ngày xưa, hồi đầu thập niên 1960 ở Saigon, tối thứ Bảy nào ông cũng phải đi nghe nhạc ở quán Anh Vũ đường Bùi Viện. Ông đến không phải để nghe ca sĩ Thái Thanh hay Thanh Thúy hát mà để nghe Lệ Thanh hát. Cô ca sĩ trẻ Lệ Thanh hát hai bài ‘Mùa Thu Paris’ và ‘Tiễn Em’ hay vô cùng. Tiếng hát của cô đã làm say đắm nhiều con tim. Vì lời bài hát là lời thơ của Cung Trầm Tưởng. Ông Tưởng đã vẽ ra một công viên Lục Xâm Bảo đẹp quá. Qua lời thơ, qua tiếng hát Lệ Thanh, ông độc giả này đã nghĩ rằng công viên này đẹp vô cùng, cho nên mấy năm sau ông đi du học ở London, từ London ông đã bay sang Paris chỉ để xem công viên Lục Xâm Bảo.
Tới xem xong thì ông thất vọng hoàn toàn, vì nào công viên này có gì đẹp đâu, ngoài mấy ghế đá vá mấy gốc cây già. Ông độc giả này mới sáng mắt ra: Công viên này đẹp thơ mộng vì ông thi sĩ có người yêu ‘em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ’ bên cạnh. Ông cho rằng mình đã bị thi sĩ Cung Trầm Tưởng đánh lừa, nên đã mất tiêu 200 đô la tiền xe, nên buổi này ông gặp được thi sĩ thì đòi bồi thường…
Lời thơ Cung Trầm Tưởng và dòng nhạc Phạm Duy có ma lực, đã hút hồn biết bao người. Phe liền ông trong làng chúng tôi đã mang chuyện thơ chuyện nhạc ra bàn luận suốt một buổi sáng Thứ Bảy tuần qua.

Ông ODP bảo nếu không có cà phê thì chắc chúng ta không có nhiều hứng nói lâu như vậy. Thế là từ đề tài thơ Cung Trầm Tưởng chúng tôi đã bàn sang chuyện cà phê. Bồ chữ ODP lại thao thao. Ông bảo hồi 1954 khi mới di cư vào Nam, nghệ thuật uống cà phê của ông đâu đã lên cao như bây giờ. Anh H.O. thời đó còn con nít, chưa biết gì về cà phê Saigon nên xin ông kể cho nghe. Ông ODP kể ngay. Rằng cà phê thời đó ở Saigon dở ẹc, chưa có ai biết khai thác ngành cà phê cả. Lúc đó, cà phê là món nước uống như nước trà. Hoặc trà hoặc cà phê. Hễ ăn uống là ra tiệm hủ tíu, với bánh bao, với há cảo, với xíu mại. Hồi đó là thời huy hoàng của các vua A Coóng, vua A Hoành… Các tiệm hủ tíu cũng là các tiệm bán cà phê. Thời 1954 Saigon chưa biết đến cà phê phin. Lúc đó là cà phê bí tất. Sở dĩ gọi là cà phê bí tất vì các chú Tàu dùng cái túi vải đổ cà phê vào rồi cho vào cái siêu nước sôi. Các chú quấy một chập thì có cà phê mang ra cho khách. Đó là nước thứ nhất. Sau đó đến nước thứ hai. Cái túi cà phê nhúng đi nhúng lại trông y như cái bí tất.
Hồi 1954, dân Bắc Kỳ di cư thấy mấy ông Nam Kỳ uống cà phê thì tròn xoe cả mắt: các ông ngồi ghế kiểu nước lụt, chân dưới chân trên. Cà phê sau khi khuấy nhẹ cho tan đường thì được đổ ra cái đĩa phía dưới. Đổ ra nhưng không uống ngay, các ông còn khề khà vấn thuốc hút, phải một hơi thuốc đã rồi mới bưng cái đĩa lên nhâm nhi. Vừa uống vừa bàn chuyện đua ngựa, chuyện tuồng Tàu, chuyện số đề số đuôi, uống cà phê như thế mới là người sành điệu.
Hồi đó quán hủ tíu có khắp nơi, và hầu như có một mẫu chung: phía trước hiệu bao giờ cũng là một xe hủ tíu khói nghi ngút. Xe làm bằng gỗ, thiết kế hầu như giống nhau. Phía trên là những tấm kiếng vẽ hình các nhân vật trong Tam Quốc Chí, Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi, Triệu Tử Long… phía dưới mới là những thùng nước lèo, nước sôi, khói lên nghi ngút. Phía bên trong cái xe này mới là những cái bàn, những cái ghế đẩu. Trên bàn bao giờ cũng bày sẵn bánh bao, bánh tiêu, dầu cháo quảy, xíu mại.
Mãi về sau, đầu thập niên 1960 cà phê phin (filtre) mới xuất hiện. Nó bắt đầu từ Nhà Hàng Kim Sơn ở góc đường Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực. Nhà hàng này đã khai sáng ra việc bày bàn ghế ngoài hiên để khách hàng vừa uống cà phê vừa ngắm thiên hạ qua lại. Rồi cà phê phin lần lượt xuất hiện ở nhà hàng La Pagode, Continental, Givral, Brodard… Rồi từ uống cà phê đi thêm bước nữa là nghe nhạc, từ nhạc đĩa tiến lên nhạc sống, và quán cà phê Anh Vũ trên đường Bùi Viện ra đời, rồi Jo Marcel trên đường Hai Bà Trưng, rồi Đêm Màu Hồng trên đường Tự Do… Vừa uống cà phê vừa nghe nhạc sống.
Các cụ đã thấy ông ODP có một bộ nhớ đáng kinh ngạc chưa. Hỏi cái gì ông cũng biết. Càng việc ngày xưa ông càng nhớ. Anh John nghe ông kể xong thì thấy hình ảnh tách cà phê ở Việt Nam hồi xưa thơ mộng và ngon quá. Ông cứ tiếc là hồi đó mà được quen ông, rồi được theo ông đi uống cà phê, nhất là theo ông đi quán Anh Vũ vừa uống cà phê vừa nghe Lệ Thanh hát thì thật là tuyệt vời.

Trên đây là các chuyện văn chương chữ nghĩa mà các nhà quân tử chúng tôi bàn ở quán cà phê vào sáng Thứ Bảy. Vì câu chuyện hấp dẫn nên các nhà quân tử đã miên man bàn luận kéo dài đến quá trưa. Thế là chúng tôi ăn trưa luôn ở đây. Sau đó chúng tôi kéo về nhà cụ Chánh để họp làng.

Chúng tôi quên khuấy bữa nay là lễ Tết Trung Thu. Phe các bà tíu tít làm cơm buổi chiều. Cơm xong là phần uống trà và ăn bánh trung thu. Mọi năm thì cụ Chánh mua bánh ở phố Tàu, nhưng năm nay, đọc tin trên báo thấy anh Tàu bây giờ làm bánh tầm bậy, toàn chất độc, nên cụ Chánh đề nghị các bà làm mấy món ăn dân tộc, chè đậu xanh, chè đậu đen với các loại xôi. Không ngờ cỗ xem trăng mà sang trọng, đầy màu sắc dân tộc và ngon đến thế.
Anh John định mang câu chuyện về cà phê ra bàn tiếp thì cụ B.95 lên tiếng trước. Cụ bảo cả tháng nay chờ mong tiếng cười của anh John. Cụ bảo cụ đã được nghe nhiều chuyện cười Anh Pháp Mỹ, mà chưa hề được nghe chuyện cười từ phía nước Nga. Cụ bảo chuyện cười cơ, chứ khi còn ở Việt Nam thì cụ đã nghe và bị bắt buộc phải nghe bao nhiêu thứ liên hệ tới Nga Xô, như chuyện Xuân Diệu và Tố Hữu nhận cụ Xít Ta Lin là ông nội, như chuyện Nga Xô lên mặt trăng trước Mỹ… Cụ nghe đầy lỗ tai rồi. Cái anh John này cũng chả thua gì ông ODP bao nhiêu, cũng là một thứ bồ chữ. Anh bèn mang cái máy iPad gì đó ra bấm bấm mấy cái rồi nói ngay: Cháu mới đọc được một bài viết rất hay đăng trên tờ báo uy tín bên Anh, đó là báo The Times, nhân ngày kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười bên Nga. Bài báo mang tên: ‘Mười Chuyện Tiếu Lâm hay nhất thời Liên Xô’. Đây là chuyện số 1:

- Ba công nhân bị bắt vào nhà tù. Họ hỏi nhau tại sao phải tù. Anh thứ nhất nói: Vì ngày nào tôi cũng đi muộn 10 phút nên tôi bị buộc tội phá hoại. Anh thứ hai nói: Tôi thì trái lại, ngày nào tôi cũng đi sớm 10 phút nên bị buộc tội gián điệp. Anh thứ ba nói: Ngày nào tôi cũng đến sở đúng giờ, tôi bị buộc tội xài đồng hồ ngoại.

Đọc đến đây xong thì anh John tuyên bố hết chuyện thứ nhất. Cả làng ngơ ngác: Cái gì vầy nè? Đây là chuyện được chấm giải hay nhất bên Nga sao?
Cụ B.95 giơ tay can cả làng, xin cứ để anh John đọc tiếp chuyện thứ hai. Anh liền đọc tiếp chuyện được giải hai.
…Rằng có bữa kia một anh mật vụ KGB vào một công viên đi tuần. Anh thấy một cụ già đang đọc sách. Anh hỏi cụ đang đọc sách gì, cụ già trả lời cụ đang đọc sách dạy tiếng Do Thái. Anh mật vụ hỏi tại sao cụ đang ở Nga mà lại học tiếng Do Thái, cụ trả lời:
- Để sau khi chết, tôi lên thiên đàng thì tôi có thể nói chuyện với tổ phụ Abraham và Moses, hai tổ phụ là người Do Thái nên tôi phải biết tiếng Do Thái.
- Anh mật vụ bảo: Lỡ cụ không được lên thiên đàng thì sao?
- Nếu tôi không được lên thiên đàng mà phải xuống hỏa ngục thì tôi không cần học tiếng Nga vì ở đó có rất nhiều lãnh tụ Liên Xô.

Rồi anh John tuyên bố hết chuyện tiếu lâm thứ hai của Nga.
Cả làng tôi nghe xong thì không hề cười hay vỗ tay vì không ai thấy chuyện hay ở chỗ nào.
Chính cụ B.95 cũng thấy chán mấy chuyện cười này nên đành xin ngưng chuyện Nga. Cụ bảo anh John hãy kể cho cụ nghe chuyện tiếu lâm nào mà anh cho là hay nhất. Anh bèn nói:
Cháu luôn luôn đi tìm chuyện tiếu lâm hay nhất trên thế giới, mà cho tới hôm nay cháu chưa thấy chuyện nước nào hay như chuyện Việt Nam. Nhiều chuyện lắm. Không phải chuyện tiếu lâm bây giớ mới hay mà chuyện tiếu lâm Việt Nam ngày xưa cũng đã hay quá sức. Theo văn học sử thì người Việt Nam đầu tiên phổ biến chuyện tiếu lâm bằng chữ quốc ngữ là Cụ Trương Vĩnh Ký với cuốn ‘Chuyện Khôi Hài’ xuất bản năm 1882 ở Saigon. Người thứ hai là Cụ Phạm Duy Tốn với cuốn ‘Tiếu Lâm An Nam’ xuất bản năm 1924 ở Hà Nội. Cụ Phạm Duy Tốn là bố của nhạc sĩ Phạm Duy. Trong tập này cháu thấy chuyện ‘Đi xin lửa’ là hay nhất. Cụ Tốn viết thế này:

- Có một ông già đã ngoài 70. Một trưa hè kia ông đang nằm võng ngủ thì có cô con gái hàng xóm trạc 18 qua xin lửa. Ông bảo cô:
- Lửa ở bếp, cứ lại thổi lấy.
Chẳng may bếp nguội, thổi mãi không được, chị phải chổng mông, ghé mồm, lấy hơi, phồng má, thổi một cái rõ mạnh. Không ngờ vãi ra một cái ‘bủm’. Ông lão giật mình, ngồi nhỏm dậy, nhìn cô gái rồi nói:
- Thôi! Thế là chị làm bạt vía ông Thổ Công nhà tôi rồi. Tôi bắt đền chị đấy!
Cô con gái kia thẹn đỏ mặt, thấy ông lão nói bắt đền thì sợ quá, mới chắp tay van rằng:
- Cháu lạy ông, cháu trót dại, xin ông tha!
- Tha thế nào được. Vía ông Thổ Công nhà tôi có phải là chuyện chơi đâu. Tôi phải đi trình làng mới được. Chị hãy đi ông Lý với tôi.
Nói rồi ông lão đứng dậy ra bộ đi thật. Chị con gái thấy thế sợ cuống, vội vàng chạy lại nắm áo ông lão mà kêu xin rằng:
- Cháu lạy ông vạn lạy, ông đừng làm thế kẻo người ta cười cháu chết. Ông bảo cháu cái gì cháu cũng xin vâng.
Ông lão không nghe cứ làm già, chị kia năn nỉ van vỉ mãi. Lúc đó ông lão mới bảo rằng:
- Thế thì chị phải nằm xuống để tôi thu vía ông Thổ Công nhà tôi lại.
Cô con gái túng thế phải chịu. Ông lão thu một hồi lâu, rồi tha cho cô ả về. Ông lão thì nhọc lử cò bợ, nằm thẳng cẳng như người chết rồi.
Cô ả quen mùi, trưa hôm sau lại dẫn xác đến nhà ông lão, te tái nói rằng:
- Ông ơi, cháu lại đánh rắm!
Ông lão thở không ra hơi, nằm từ hôm qua cũng chưa lại hồn. Ông lắc đầu rồi nói:
- Chị có ị ra đấy lão cũng chịu thôi!

Và anh John xin hết chuyện. Cả làng vỗ tay rồi cười ầm lên, mãi mới thôi. Hai cô Huế thì vỗ tay lâu nhất, miệng thì cứ xuýt xoa: sao mà chuyện Bắc kỳ hay đến thế! Chuyện kể cách đây đã hơn 80 năm mà còn hay thấm thía. Ý thì tục, văn thì không tục mà nhẹ nhàng.

Để cho làng vãn cơn cười, ông ODP mới hỏi anh John:
- Theo anh thì câu chuyện này nói về cái gì? Anh John đáp ngay: Đây là câu chuyện ông già dê xồm, và cô gái ‘biết mùi chùi không đi’. Ông ODP gật đầu đồng ý, rồi nói thêm: Đây là câu chuyện cổ, cụ Tốn viết cách đây 80 năm, tôi đoán chắc chuyện này đã có trong dân gian trước nữa, cụ Tốn chỉ chọn lọc rồi đăng mà thôi. Trong chuyện này có nói đến việc đi xin lửa. Đây là một nét văn hóa nói lên đời sống làng xã Việt Nam ngày xưa. Thuở ấy, ai nấu bếp xong cũng phải giữ lửa, tức là lấy tro phủ lên lớp than hồng. Giữ lửa như vậy liên tục. Khi nào muốn nấu thì cơi lớp than này ra rồi thổi lửa lên. Cô gái sang xin lửa tức là nhà cô gái đã vô ý để tắt bếp, đã không giữ lửa. Muốn có lửa thì phải mang cái ‘bùi nhùi’ sang xin lửa nhà bên cạnh. Ngày xưa chưa có que diêm.
Cụ B.95 nghe đến đây thì gật đầu đồng ý. Bác nói đúng quá. Ngày xưa ngoài Bắc quê tôi là như vậy đó. Con gái nấu bếp xong mà không giữ lửa là bị ăn đòn ngay. Cô con gái trong chuyện là cô gái nấu bếp mà không giữ lửa nên phải đi xin lửa hàng xóm là thế. Tôi xin hỏi anh John câu này: Chuyện anh vừa đọc là chuyện cười đã 100 tuổi, mà còn mặn đến thế. Chuyện Canada chuyện Mỹ có mặn đến thế không? Anh John lắc đầu: Chuyện các nước khác thua chuyện Việt Nam hết. Chứng cớ là báo Reader’s Digest, một tạp chí uy tín thế giới, có nhiều mục chuyện cười. Họ kén chọn các chuyện cười do độc giả gửi tới. Số tháng 10 này, trang 132, có đăng chuyện Vỏ Xe Hơi như sau:
Chồng tôi tích trữ vỏ xe hơi đã lâu, nay muốn tống khứ đi. Anh ấy mang hết những vỏ xe này ra trước garage, viết một tấm bảng ‘Free’ to tướng. Thế mà mấy tuần lễ qua chẳng ai thèm lấy. Chồng tôi đổi chiến thuật, anh bỏ tấm bảng ‘Free’ đi, rồi thay vào đó một tấm bảng khác, đề ‘giá $20 một cái’. Hôm trước hôm sau là bao nhiêu vỏ xe bị ‘ăn cắp’ hết.
Chuyện này được giải thưởng đấy các cụ ạ. So chuyện này với chuyện Việt Nam trên đây, các cụ nghĩ sao cơ?

Trà Lũ

Andy Van

Great Day GIF by memecandy

Không có nhận xét nào: