Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

CHUỘT NHÀ - Đỗ Bình

Cuối tháng tư vào xuân nhưng gió vẫn lạnh, cái lạnh buốt da còn xót lại của mùa đông. Sáng nay bầu trời xanh như ngọc thỉnh thoảng có những giải mây trắng hồng lờ lững bay làm đường phố trở nên thơ mộng vì những hàng cây trụi lá đã rợp xanh lá non. Trên cành những cánh hoa màu rực rỡ còn đọng những hạt sương mai long lanh trong nắng như những viên kim cương muôn sắc. Dưới nền trời xanh ngắt là cánh đồng mênh mông sừng sững một tòa nhà mái ngói đỏ đã ngả màu trông như một bức tranh ấn tượng. Người ta gọi đó là khu nhà cổ vì được xây cất từ hồi đệ nhất thế chiến, nơi đây khá xa Paris nên ít có người lui tới. Khu nhà đó lúc đầu dành cho những gia đình lính nhưng sau thế chiến thứ hai chấm dứt rất đông quân nhân đươc giải ngũ và họ đã rời gia đình đi nơi khác lập nghiệp nên những phòng ốc của khú nha bỏ trống, chung cư bỗng trở nên vắng vẻ thiếu không khí nhộn nhịp thuở nào, và cái vỏ hào nhoáng của khu nhà  khi xưa cũng dần tắt theo thời gian!  

<!>

Sau chiến tranh nhờ sự tiến bộ khoa học nền kinh tế Âu Châu khởi sắc và phát triển mạnh nên những phong trào thi đua mở mang đô thị nở rộ khiến những khu đất hoang mọc lên những tòa nhà cao tầng, những hiệu buôn lộng lẫy. Nơi đây còn có những nhà máy, công ty, xí nghiệp lớn nhỏ đủ cỡ do đó người từ các thành phố khác đổ về lập nghiệp phố xá trở nên sầm uất, thế mà căn nhà gạch xưa vẫn còn bị xơ xác! Bộ mặt và bên ngoài chung cư vẫn vậy, lớp sơn màu xám tro lâu ngày đã tróc ngả màu bạc phếch trông đã cũ lại càng xơ xác hơn! Mãi đến gần cuối thập niên 70 vì dân số trong đô thị gia tăng người ta đã sửa sang sơn phết chung cư lại để cho thuê với giá rẻ, nhưng khách đến thuê rất ít người bản xứ, đa số đều là người ngoại quốc từ những phương trời khác nhau như Bắc Phi, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…đến Pháp lập nghiệp, trong đó có cả người Việt Nam tỵ nạn. Tập thể đó dù có khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, chủng tộc hay tôn giáo nhưng họ vẫn sống rất hòa đồng trong chung cư. 

Nhờ sửa sang lại khu nhà cũ nay được khoác lớp áo mới, ở phía trước được trồng hang cây xanh lối đi, phía trong khuôn viên là vườn hoa có những hàng ghế để mỗi khi trời đẹp dân chung cư ra ngồi sưởi nắng. Góc phải khuôn viên là một bãi cát nhỏ với cây cầu tuột bằng gỗ sơn xanh đỏ dành cho trẻ em vui chơi. Bề ngoài chung cư đã được tân trang rông mới mẻ nhưng bên trong khu nhà vẫn không thay đổi mấy, nó có thể mới với những người vừa đến cư ngụ nhưng lại rất cổ với những dãy cao tầng quanh đó. Tuy nhiên trong cái cũ kỹ ấy vẫn phảng phất một thời vàng son dấu tích của những người lính đã từng góp phần dệt lên những trang sử lẫy lừng cho nước Pháp. Phía sau khu nhà cổ là bãi đất rộng đầy cỏ dại mà trẻ con thường tụ tập ra đây, chúng đã biến một khoảnh đất của bãi cỏ hoang thành sân chơi đá bóng. Nơi ấy cũng là nơi chó mèo được chủ dẫn đi dạo, thỉnh thoảng có cả những chú chuột lang thang đi kiếm mồi. Ở xứ nầy người ta rất quí chó mèo và xem chúng như bạn nên lũ chó mèo được cưng chiều bảo vệ đâm sinh tật, lắm lúc chúng gặp chuột lại cong đuôi trốn!  Cuối sân còn có căn nhà chứa đồ cũ và đồ phế thải rất bừa bộn. Vì ít được bảo trì nên lâu ngày tường nhà bị loang lổ, mái ngói cũng mốc rêu trông càng hom hem nhuốc nhác!
Những mảnh đời trầm luân tục lụy đầy bát háo đâu chỉ xảy riêng cho loài người? Cứ thử nghiêng xuống cảnh đời của những loài thú khác nào có ít xôn xao?!  


Trời hôm nay đẹp nhưng còn lạnh điều đó không ảnh hưởng đến sinh hoạt trong căn nhà kho chứa chấp những cặn bã đồ phế thải lại là nơi tụ điểm hò hẹn của loài chuột. Gia đình chuột Lắt cư ngụ trong một góc kẹt đã bao đời. Ả nhóc chuột Lắt rất tinh khôn, tính hay ăn vụng, nhất là thứ vụng ngày nhưng ít bị bắt gặp nên chuột ta đâm tự mãn về sự tinh khôn của mình. Nhưng sự đời đâu có may mắn và êm thắm mãi, nhiều phen nó cũng phải chạy bở vía vì đi kiếm ăn những nơi lạ bị trẻ nít đuổi! Chuột Lắt con than với mẹ:
“-Loài người bọn chúng quả thật ác mồm lắm, mẹ ạ…Chúng đặt tên và xếp loại chúng ta vào loài chuột!”  

Chuột mẹ nhìn con, âu yếm nói:  

“-Con ơi! Hơi đâu mà nghe mồm người, tâm địa của chúng còn hiểm độc hơn nhiều, con à! Lắm đứa còn bẩn hơn cả chuột nữa…thế mà chúng cứ vênh mặt, ngoắc  mồm chê ỏng, chê ong làm ra vẻ đạo đức.... Cũng là mặt chuột trát son phấn đấy con!”  

Chuột con rùng mình, thở dài:  

“-Thảo nào lại lắm bọn đạo đức giả đến thế!”  

Chuột mẹ chu mõm khẽ gãi vào đầu chuột con, thỏ thẻ:  

“-Chớ nên đi xa kiếm ăn, coi chừng chúng bẫy đấy!”  

Chuột con gục gặc đầu lí nhí…dạ. Bỗng chuột con ngoắc đầu nói:  

“-Đêm hôm trước lúc đi kiếm ăn, bới trong bao rác con thấy được cây dồi thơm quá…Chuột Chù và chuột Cống ở cạnh đấy định giật cây dồi của con, nhưng may quá con tha kịp miếng mồi và nhanh chân phóng vào góc kẹt vừa ăn vừa quan sát. Con thấy chuột Chù và chuột Cống cũng phóng đuổi theo nhưng chúng lớn quá đành ở ngoài góc kẹt mà chõ mõm chửi.”  

Chuột mẹ rùng mình, mặt biến sắc mắng yêu:  

“-Mẹ đã nói con phải cẩn thận, chuột hay người vì miếng ăn thì cũng đều gian ác như nhau. Thế…chúng nó chửi con thế nào?”  

Chuột con bỗng tiu nghỉu, buồn xo, trả lời:  

“-Chúng chê chúng ta là loài chuột nhắt…đồ loắt choắt…đồ sống bẩn, chuyên bới rác!”  

Chúng còn nói:  

“-Đáng lý mẹ con chúng mày phải sống nơi kẹt cầu, ống cống như chúng tao, nhưng mày lại bỏ ổ, nay rúc vào gầm giường, mai chui vào xó bếp của nhà người ta để rình mò lén lút, chờ hễ có ai sơ hở hay lơ đễnh là thừa dịp bò ra ăn vụng những cơm thừa nước cặn. Thế…đã không biết xấu hổ mà còn bày đặt làm cao…đồ đượi!”
Chuột mẹ giận run lên, mắt đỏ ngầu, chu chéo nói:
“-Ới trời ơi! Thật là xấu cho Họ nhà Chuột!”  

Và nghiến răng, gằn giọng:  

“-Chúng nó có tốt lành gì đâu con!”  

Chuột mẹ bỗng ngẩng đầu lên, mặt đanh thép rít:  

“-Con tưởng loài chuột Chù thơm lắm sao? Con xem bộ dạng nó đầu đít chẳng cân xứng….đuôi thì ngắn cũn cỡn, mồm lại chù dài ra, nhọn hoắc, trông mà thấy gớm. Cả Làng Chuột phải bỏ chỗ ở hang hốc mà đi vì cái mùi hôi đặc biệt của nó! Thứ chuột rượn ấy chỉ biết hóng đực…nên lúc nào cũng ngúng nguẩy  cong tỡn thấy mà khiếp!”
Chuột mẹ chép miếng nước bọt đỡ khô cổ, rồi lên giọng rủa tiếp:
“-Con tưởng chuột Cống sạch lắm hả? Hủi đấy! Trông nó to xác lại chuyên sống gầm cầu, kẹt cống rãnh. Con xem chân dung họ nhà mõm nhọn nào là chuột Đất, chuột Đồng, chuột Chũi, chuột Khuy, chuột Lang, chuột Bạch….Chẳng con nào giống nó cả!”
Chuột mẹ ghé sát đầu vào chuột con, xuống giọng nói khẽ như sợ có ai nghe trộm:  

“-Nó xơi cả thịt chuột nữa, đấy con!”  

Chuột con rùng mình lạnh xương sống, run run khẽ hỏi chuột mẹ:  

“-Đâu có ai nghe mình nói chuyện, sao mẹ sợ dữ vậy?”  

Mắt chuột mẹ đảo lia, tai vểnh ra, đầu ngoáy qua ngoáy lại, thở đều và hạ giọng nói:  

“-Con ngây thơ lắm…Là chuột mà chẳng hiểu chuột! Chuột là tổ sư của nghành rình mò và báo cáo đấy con….Con người mới học lóm sau nầy thôi!”  

Chuột con giật bắn mình vì sợ hãi. Chuột mẹ ngậm ngùi kết luận:  

“-Rõ là lũ chuột!”  

Chuột con nhướng cổ lên, thắc mắc:  

“-Mẹ nói sao…con chưa hiểu?”  

Mặt chuột mẹ đanh lại, nói:  

“-Con có biết loài người nhìn mình như thế nào không?”  

Chuột con tròn xoe mắt, lắc đầu. Chuột mẹ ngậm ngùi nói:  

“-Họ bảo mình là loài thú gặm nhắm, mõm nhọn, đuôi dài, thường phá hoại mùa màng và gây bệnh dịch truyền nhiễm …. Họ còn kháo nhau rằng "Trải qua bao biến chuyển của thiên nhiên và thời đại, có bao nhiêu loài thú đã tuyệt tích, thế mà loài chuột vẫn an nhiên tồn tại, không những thế, chúng còn sinh sôi nẩy nở mỗi ngày một đông hơn. Mặc dầu con người rất ghê tởm loại thú nầy và tìm đủ mọi cách để tiêu diệt chúng, nhưng người và chuột vẫn quây quần nhau. Thường thì chuột vẫn tránh người nhưng lắm khi chuột đông quá khiến người lại phải tránh chuột!”  

Chuột mẹ nói tiếp:  

“-Con thấy chưa, ý niệm của con người thật ác độc, cái gì bẩn nhất họ trút lên đầu mình, ngay cả việc lên án giữa con người với con người cũng thế, hễ ai có hành động bẩn là họ ví là
chuột. Thế có tức không chứ?!”  

Chuột con mặt hóm hỉnh bò ra khỏi góc kẹt, quay lại nói với mẹ:  

“-Chuột Người đấy, mẹ ạ!”                                                                                                                                                                               ,  

Hai mẹ con chuột cùng rít lên cười và bò đi kiếm ăn.  

 

Sáng nay, chuột Lắt viếng nhà ông Giáo kiếm ăn, nó, tuy trời sinh có hơi loắt choắt nhưng bù lại rất nhanh nhẹn, giỏi luồn lách trong kẹt nhà, xó bếp, chuột ta biết được thói quen của người. Đợi lúc người trong nhà đi vắng mới mon men bò ra kiếm ăn mà chẳng ai quấy rầy cản trở sự vụng trộm. Lắt chạy lung tung hết phòng nầy sang phòng khác, rồi leo lên cả bàn thờ nhảy múa. Lần đầu tiên trong đời nó được hưởng cái diễm phúc hiếm hoi đầy ắp vật chất lẫn không khí tự do như hôm nay. Lắt cong đuôi phe phẩy vui sướng, mõm chúm lại nhọn hơn và rít lên âm điệu the thé. Nó tha hồ chọn lựa những phẩm vật ngon, lạ bày biện trên bàn thờ.  

Chuột Lắt thoạt nhìn cũng dễ coi, nhưng khi nó nghếch mặt lên mắt vừa ti hí lại sưng húp; thêm mấy sợi râu lún phún trên mép nhúc nhích trông rất lém lỉnh và đểu! Nó liếc về dĩa gà, mắt long lên và sáng quắc mùi thơm đã động não làm ứa đầy nước bọt, mấy sợi râu mép cũng co giật cong vút. Lắt liếm mép mon men lánh mình qua nải chuối xanh, dĩa cam óng ả và những quả táo đỏ au thơm phức. Lắt phân vân chưa biết dùng thứ nào trước, bỗng Lắt giật bắn mình, khi thấy những ánh mắt rất nghiêm khắc trong bức ảnh thờ đang chăm chú nhìn nó!. Chuột ta sợ quá, lông dựng đứng, đuôi cụp xuống định phóng chạy, nhưng chân cứ nhũng ra không giữ vững được thân mình; lại thêm tiếng người cười nói xôn xao ngoài hành lang càng làm nó cuống lên. Lắt hoảng hốt, những hương vị đầy quyến rũ của lúc đầu đã vụt mất…Nó thầm than:
"Chao ôi sao những phẩm vật bỗng sừng sững như ngọn đồi cản trở thế này?!"... Nó cố thu hết sức nhắc chân nhưng không tài nào, như đã có ai đã nắm đuôi Lắt giữ lại! Nó ngoáy đầu, mắt đảo ngang dọc tìm lối thoát. Nó điếng hồn như bị thôi miên khi liếc thấy những bức ảnh. Nó muốn thu hình lại cho nhỏ bé hơn để lẫn khuất sau những dĩa phẩm vật, nhưng chân cứ mềm nhũng ra, khụy xuống và thiếp đi trong sợ hãi….Khi tỉnh dậy, việc đầu tiên nó liếc trộm những bức hình; thấy những ánh mắt vẫn bất động. Nó thầm nghĩ:
"có lẽ những người này hiền hơn những lớp người ồn ào mà nó thường phải tránh hàng ngày….hình như họ đang mỉm cười". Lắt cảm như bị hoa mắt nên nhắm lại định thần rồi mở to ra quan sát, tất cả vẫn im lìm bất động, nó an tâm phần nào, vươn mình nhỏm dậy ngoáy đầu nhìn thật kỹ, và chợt hiểu:
"Thì ra tất cả chỉ là hình tượng giống như tượng đá mà có lần theo mẹ đi kiếm ăn nó gặp ngoài công viên".  

Lắt chồm lên, nhún nhảy, cười ha hả. Nó hiểu rồi :
“Những hình tượng nầy đều là người chết, thể nào mà họ hiền đến thế!
 Nó bò lại thật gần bức ảnh, ngắm kỹ từng chân dung và nghĩ: "Biết đâu chẳng có những khuôn mặt ác lúc còn sống đã hiếp đáp gia đình nó chăng?".
Cố tìm nhưng chẳng nhận ra ai, Lắt tự nhủ:
 "Chắc họ là những người xưa nên chưa biết những trò bẫy chuột và ăn thịt chuột".
Nó cảm thấy :
"Chỉ có người chết là tử tế và có thể sống chung được với họ". Lắt càng ngắm những di ảnh:
"Càng thấy họ dễ thương và mờ nhạt, trông buồn quá! Chẳng hiểu do bụi thời gian hay người chết thích mờ nhạt?"

 Mải ngắm những người tử tế, xuýt nữa Lắt quên mất cái bụng đang đói, nó bỏ mặc những hình tượng đang trầm tư thoăn thoắt tiến về dĩa gà đang phơi mình mời gọi. Bộ lông nó xù ra, râu mấp máy vì cơn thèm đã cực điểm. Nó nhấm miếng đùi gà rồi ăn ngấu nghiến, bất chợt nó rít lên sung sướng như chưa bao giờ hưởng được cái thú tuyệt vời nầy. Bỗng nó chợt nhớ chuyện năm ngoái mà bùi ngùi, cái lần theo mẹ rời hang đi xa lắm, sang tận nhà một người hàng xóm rất giàu ở đầu đường để kiếm ăn. Lắt còn nhớ mẹ bảo:  

“-Phải đổi món mới thú! Nhưng thú đâu chẳng thấy mà xuýt nữa bỏ mạng cả mẹ con vì con mèo mun quái ác bên đó! Ôi con mèo, thoạt nhìn đã chết khiếp! Lưỡi nó đỏ lòm, mỗi lần liếm mép răng nhe ra vừa nhọn vừa dài lóng lánh trông mà ớn lạnh.…Huống chi nó lại to béo! Nhìn nó đi qua đi lại mà phát ớn...Nhất là tiếng kêu của nó như chuông ngân nghe lạnh thấu xương sống! Nó đã cụp tai vậy mà thính quá! Mẹ con Lắt núp ở trong kẹt, nín thở nào dám cụ cựa, thế mà nó vẫn biết. Nó hầm hừ đi đi lại lại chờn vờn quanh bếp, rồi đưa chân vào góc kẹt khều. Hú hồn! Tị nữa thì chộp trúng! Chụp hụt nó càng trở nên dữ dằn phát tiếng kêu lảnh lót, rồi nằm phục trong tư thế sẵn sàng nhảy bổ để ăn tươi nuốt sống con mồi. Thời gian vào lúc bình thường thì nhanh quá  nhưng sao lúc này hình như bị dính lại! Bỗng tiếng động của ổ khóa vang lên, cánh cửa bật mở, chủ nhà đi chơi khuya về! Lại thêm một kẻ ác nữa xuất hiện, chắc lần nầy mẹ con mình lúa đời! Chủ nhà  bước vào nhà không biết mèo đang rình mồi ; thấy nó nằm ì trước tủ bếp, lại tưởng là đói nên người chủ cúi xuống ẵm nựng, rồi cho uống sữa.  

-Chao ôi! Sao nó lại trở nên dịu hiền thế kia, nanh vuốt của nó đâu? Mắt nó lim rim nhẹ nhàng đầu rúc vào cổ chủ như muốn tìm hơi ấm. Chủ nhà cúi xuống hôn khẽ vào đầu nó và đưa tay bế vào phòng khách, đặt lên ghế đệm ngủ. Thật là bất công. Cũng là loài vật sống trong nhà, thế mà nó lại được thong dong và chủ nâng niu chiều chuộng. Còn loài chuột mình thì cứ phải lén lút, bị người xa lánh và ruồng bắt! Hú hồn, cũng nhờ người chủ mang nó đi vô tình đã giải thoát mối nguy hiểm cho mẹ con mình.".  


Chuột Lắt hồi tưởng lại chuyện cũ mà rùng mình rồi thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát khỏi hiểm nguy. Nó tiếp tục nhâm nhi, tận hưởng những món ăn lạ, sau khi no nê lăn ra ngủ. Đang ngon giấc, nó bỗng giật mình do những tiếng động ồn ào trước cửa. Mở choàng mắt, chân nó run lên vì thấy chủ nhà đã về. Sợ quá, Lắt cuống lên, đuôi cúp lại, đầu lấp ló sau bình hoa, mõm chõ về hướng chủ nhà, tai vểnh ra như muốn thu hết âm thanh của người để nghe xem đã bị phát giác ra chưa, nên không dám lao xuống.  


Ánh nắng hắt vào căn phòng của nhà cụ Giáo từ phía lớp cửa kính tạo thành những mảng sáng vàng vọt, mờ đục, ấm áp.Trên tường bộ tranh sơn mài cẩn ốc xà cừ Mai Lan Cúc Trúc óng ánh trong vệt nắng mang màu sắc quê hương. Chiếc truyền hình cũ đặt cạnh kệ sách báo. Chính giữa phòng là bộ salon loại đắt tiền đã ngã màu. Bên cửa sổ là chiếc tủ cổ đầy sách cạnh chiếc đèn chụp. Nổi bật nhất vẫn là chiếc tủ thờ được đặt ngay lối vào. Cánh của mở ra,  người chưa bước vào nhà mà tiếng cười nói đã vang ra mãi tận ngoài sân, nhưng hình như trong tiếng cười nói đó có ẩn chứa một nỗi niềm? Họ là ai? Có phải là những người biệt xứ trong lòng luôn ôm ấp một mối sầu quê hương nên mỗi lần gặp nhau họ tha hồ nói tiếng mẹ đẻ. Họ thích bàn đủ chuyện, từ chuyện quốc tế đến quốc nội, họ tranh luận đủ mọi đề tài từ văn hóa, xã hội, quân sự đến chính trị. Họ thích lý luận, nhất là đề tài liên quan đến chính trị thường gây tranh luận rất sôi nổi. Cũng chính vì thế mà lúc đầu lớp người lưu vong nầy rất đông, xúm xít với nhau, sau dần dần mất vợi, lớp nầy đi thì lơp khác tới. Hôm nay là ngày giỗ Ông Bà của cụ Giáo, và cũng là buổi họp mặt nhóm bạn thân.

Cụ Giáo có dáng người cao dong dỏng, nước da trắng, mái tóc bạc phơ làm nổi bật vầng trán rộng đã có nhiều nếp gấp. Khuôn mặt của cụ tuy gầy nhưng sáng sủa vẫn cân đối với chiếc mũi cao, nhất là cặp kính cận dày càng toát lên vẻ thông minh trí thức. Tính cụ rất vui vẻ, lại tử tế hay giúp đỡ người bất luận là ai dù quen lâu hay mới quen, kể cả những người chưa từng gặp mặt đến nhờ cụ viết những đơn từ bằng tiếng Pháp hay chỉ dẫn những điều về an sinh xã hội rất phức tạp mà những người ngoại quốc sống trên đất Pháp thường gặp. Do đó cụ được mọi người chung quanh yêu mến và nể trọng. Người trong chung cư gọi cụ  bằng lời rất thân mật là "Bố già", những người ngoài phố gọi cụ là Giáo sư, và những người bạn thân gọi là cụ Giáo. Nghe nói hồi còn ở quê nhà cụ là giáo sư Đại học, đã từng du học ở Pháp và Hoa Kỳ và đỗ được hai bằng Tiến sĩ, vì thế đa số những người trong giới quan chức của Miền Nam trước kia là học trò của cụ. Vài ngày trước khi Miền Nam mất, đám học trò cũ có đến mời cụ đi nước ngoài nhưng cụ từ chối viện dẫn là già rồi không muốn chết ở xứ người. Ngày CS vào chiếm Sài Gòn cụ bị chính quyền địa phương khép tội là gián điệp do Mỹ gài lại và bị bắt đi tù! Những năm ở tù đã làm cụ sáng mắt, cụ hối hận vì một phút quyết định sai lầm không chịu ra đi nên đã để khổ đến gia đình. Cụ than thở với bạn tù:
"Tôi già đến ngần tuổi nầy mà còn u mê, anh ạ! Học cho lắm, thế mà vẫn bị chúng lừa! Bà nhà tôi cũng bị chúng lừa vì tin chúng sẽ thả tôi nếu chịu đi kinh tế mới. Vợ tôi chỉ muốn cho tôi được thả sớm nên đã nghe theo lời đường mật mà chết trong tức tưởi nở kinh tế mới!."

Bạn tù thương cụ cũng chỉ biết nhìn rồi thở dài trong im lặng! Một ngày trong tù dài lê thê nhưngthời gian thì cứ lặng lẽ trôi hấm thoát cụ đã trải qua mấy mùa xuân xa nhà, nếm đủ mùi tù chịu đựng bao nhọc nhằn đói khổ thế mà không hề hé răng than vãn hay làm mất nhân cách một nhà giáo vì miếng ăn. Cụ nghĩ: "Làm sao hiểu được tận cùng chữ Biết ?»
 Có nhiều thứ ở trên đời dù cho thông minh và cố gắng học hỏi, bỏ nhiều thời gian nghiên cứu đến đâu thì vẫn chẳng bao giờ hiểu hết được! Những bằng cấp mà cụ học hỏi và đạt được kể đã hết mức nhưng lại không đủ nhận biết mình bị gạt vì những cụm từ hoa mỹ: «cải tạo » ?! . Đến khi đã vướng chàm, biết mình bị lừa thì đã quá muộn! Bài học để đời này không những cho riêng cụ, mà còn cho biết bao trí thức khoa bảng đã «mụ» như cụ về Thiên Đàng Xã Hội Chủ Nghĩa! Họ đã vô tình tiếp tay với CS để xây dựng thiên đàng mộng mị, mà hôm nay đất nước nghèo đi chính họ cũng là là những kẻ phá hoại thành trì của tự do để hôm nay họ phải cầm cuốc cặm cụi trên những mảnh đất bươi xới tìm củ khoai củ mì để ăn trong các trại tù! Chẳng cần học vị tiến sĩ, bài học «đời» quá đau cũng đủ để cụ sáng mắt, thấm thía về sự độc tài toàn trị, do đó cụ không thiết tha học tập để mau tiến bộ trở thành: thành viên xã hội. Cụm từ tiến bộ chỉ là cái bánh vẽ dụ những tâm hồn khờ khạo, những trí thức tngây thơ tin đó là cái «chìa khóa» mở cổng tù. Thế rồi đến một ngày cụ vẫn được thả, lý do già yếu, bệnh tật. Họ thả ông và bắt buộc ông phải đi kinh tế mới chịu sự quản thúc của địa phương. Cụ chép miệng nghĩ:
«Cái xã hội nầy ở đâu mà chẳng phải nhà tù! Thật là mỉa mai cho những danh từ trí thức, khoa bảng thường được người đời qúy trọng nhưng nhà nước CS có xem ra gì đâu!»  


Không phải họ không biết cụ là một giáo sư giỏi nghề, nhưng cụ đâu có do họ đào tạo, nghĩa là không phải một đảng viên, không những thế họ còn xem cụ là gián điệp của Mỹ thì làm sao dùng cụ! Ở đất nước này người ta chỉ biết Đảng, người ta đồng hóa yêu đảng là yêu nước nên xúm nhau ca ngợi Đảng, và thích sống với ảo ảnh qua những chiến công chống Tây chống Mỹ, họ hô hào chống đến nỗi nhân dân nheo nhóc thiếu cả manh quần tấm áo mà đất nước nào hề có thật sự được độc lập tự do! Bao xương máu của Bộ Đội, của người dân vô tội bị đổ trong cuộc chiến để giành chiến thắng chỉ làm rạng danh cái thiên đường bịp! Cụ ngậm ngùi cho dất nước đang thiếu từng củ khoai, miếng sắn nhưng «lại thừa» những nhà khoa học, triết học, luật học, nghê thuật..vv... Đã có Đảng, đảng kiêm hết, kiêm luôn chiếc thòng lọng xiết cổ dân! Khi cụ hiểu và thấm thía sự tàn ác của chế độ Cộng Sản thì đã muộn! Cụ lủi thủi trong nông trường để sống qua ngày, rồi một hôm cụ chợt khám phá ra một đìều:
«Muốn tồn tại trước bạo lực để chờ cơ hội giải thoát phải tự biến thành tượng đá.»
Thật vậy, họ xem cụ như  loài cỏ mục, đồ phế thải, một người già mất trí không còn năng lực lao động! Cũng nhờ thế mà cụ lần mò về được Sài Gòn sống tá túc nhà một người bà con để tìm đường vượt biên.  

Mở đầu câu chuyện ở nhà cụ Giáo hôm nay được đưa ra bàn là chuyện ông đốc tờ Thanh Lê, vì cả tháng nay bỗng dưng biệt tích khiến kẻ xấu mồm đã bảo ông về Việt Nam cưới vợ. Nghe thế, ông nổi cáu, than với bạn bè:
“-Thiên hạ ăn no lại rởn mỡ, chuyên bàn những chuyện tào lao! Bầm giập lắm moi mới thoát khỏi ách Cộng sản, nay về đó để chui vào rọ hả? Ở ngoài nầy bộ hết đàn bà rồi sao…mà phải về tận quê lấy vợ?…Moi vắng mặt ít tuần là phải qua Thụy Sĩ để theo một khóa học nhân điện.”  

Bạn bè thấy hoàn cảnh của ông cô đơn nên động lòng khuyên:  

“-Này Mơ xừ Thanh Lê, moi thấy toi dại gái quá, đã mất tiền mà vẫn phải nằm không, lấy quách em thơm nào cho yên thân…già khú rồi đấy!”
Bác sĩ Thanh Lê gân cổ lên cãi:  

“-Ơ hay! Các ông lại lo con bò trắng răng ..Dại thế  quái  nào được!…Thế nào là dại? Quê hương bị mất biển, mất đất trong tay Tàu thì chẳng lo…mà lo mất chút tiền cho gái!…Moi, già meo rồi…lấy gái tơ về mà thờ hả?!”  


Cả đám bạn cười ồ lên căn phòng rền âm thanh rồi trở lại yên lặng. Cụ Giáo bước vào nhà trong lấy gói trà thơm ra pha mời các bạn thưởng thức. Đốc tờ Thanh Lê ngồi lật xem từng trang báo và thả làn khói thuốc từ chiếc ống pipe lan tỏa trên khuôn mặt hằn những nếp thời gian. Sợi khói biến ảo trong khoảng không tạo thành nhiều hình trừu tượng rồi loãng bay, có sợi len vào mái tóc ngả màu sương của nhà văn, bác sĩ Thanh Lê, người nghệ sĩ có tâm hồn đa cảm. Ông hành nghề cầm ống nghe để nuôi nghiệp văn, ông mê văn chương, viết tiểu thuyết diễm tình, văn phong của ông thật bay bướm lả lướt, các nhân vật trong truyện được dàn dựng đầy kịch tính, sướt mướt, thế nhưng ở ngoài đời ông lại lận đận về đường tình ái nên vẫn độc thân ! Hồi còn trẻ ông rất đào hoa, là một y sĩ giỏi, một người lính gan dạ từng xông pha nơi chiến trường. Thuở đó ông rất tự tin, hơi chủ quan ỷ nhà giàu lại thành đạt thêm tính ham vui nên không thích lập gia đình sớm. Đến khi Miền Nam mất ông đâm ra thất vọng, chẳng còn thiết gì nữa đành nhắm mắt buông xuôi theo vận nước đẩy đưa, do đó ông cùng chung số phận với bao chiến hữu khác xách gói vào nhà tù ! Một hôm ông nói với mấy người bạn tù:  

« -Bọn lưu manh chính trị đã thành công trong việc khai thác lòng thành của những kẻ say mê 'tà thuyết' để dẫm lên xương máu của người dân vô tội ! Bạo lực dù có mạnh đến đâu thì cũng chỉ chiếm được đất chứ nào chinh phục được lòng người ? Ở một đất nước mà những người giỏi đều bị bắt nhốt tù hết thì làm sao đất nước đó phát triển ?!»  


   Ở tù được một thời gian không lâu, vì nhu cầu thiếu chuyên viên kỹ thuật, nhà nước Cộng Sản buộc lòng phải thả một số ít chuyên viên kỹ thuật về sớm. Đốc tờ Thanh Lê thuộc diện nầy, nhưng tính ông rất thẳng lại phải nghe những điều trái tai giảng dạy từ cán bộ quản giáo nên ông thường hay lên tiếng « sửa sai» chỉnh lại những lời của quản giáo, điều đó đã khiến ông bị ghép tội chống đối vì châm biếm chế độ, bởi thế ông bị nướng gần chục cuốn lịch và đã trải qua nhiều trại tù từ Nam ra Bắc. Khi đươc thả, ông vượt biên mà không chờ đi theo diện H.O sang Mỹ. Ông thích đi Pháp vì ngày trước ông đã học y khoa bên nầy, hơn nữa trong lòng ông vẫn còn mối hận đối với một số ít chính khách Mỹ vì quyền lợi riêng tư đã phản bội quân đội Việt Nam Cộng Hòa những người bạn từng sát cánh với người Mỹ chiến đấu vì lý tưởng tự do. Ông nghĩ :
«Trên giải đất quê hương Việt Nam người Mỹ đã đổ quá nhiều xương máu. Họ đến mang theo niềm tin khơi mở cho sự tự do như một tia sáng lóe lên trong đêm tối,  rồi tắt ngấm ! Bỏ lại sau lưng  bao triệu người trong  vực thẳn với bao nỗi niềm !…. Họ ra đi nhưng nơi đó vẫn còn những  nỗi niềm ủ dột thành vết hằn sâu kín, khiến biết bao dòng nước mắt chảy mãi !».  

    Thuở mới học xong, về nước, ông có yêu đắm đuối một người con gái và cùng nàng thề non hẹn bể, nhưng đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh chàng không thể ích kỷ sống riêng cho hạnh phúc vì không muốn bị ràng buộc trách nhiệm gia đình nên chưa chịu ngỏ lời cầu hôn. Chàng viện dẫn là sắp trưng tập vào lính, đợi ra trường có chỗ ổn định mới nghĩ tới việc lập gia đình.  

     Biến cố Tết Mậu Thân là động cơ thúc đẩy chàng xin ra làm y sĩ cho một đơn vị tác chiến, mặc dầu đã có lệnh bổ nhiệm chàng về phục vụ tại một Quân Y viện thành phố. Chàng muốn đem chút sở học săn sóc và cứu chữa những thương binh ngoài mặt trận, họ là những người cùng lứa tuổi với chàng đang hiên ngang bước vào cõi chết, xem nhẹ bản thân mình để giữ an lành cho bao kẻ khác, trong số đó có xương máu của rất nhiều bạn bè thời thơ ấu cùng phố, cùng lớp với chàng đã hy sinh để chàng được an nhiên du học Pháp. Chàng không thể vì chút tình riêng mà thiếu trách nhiệm của người trai thời chiến, do đó chàng đã thành khẩn xin nàng thông cảm mà chờ đợi…Nàng đã hứa nhưng do áp lực của gia đình quá mạnh, bố mẹ nàng ham giàu muốn gả nàng cho một thương gia khá tuổi, trí thức gốc Chợ Lớn vì đã nhận quá nhiều ân huệ của phía họ. Vì chữ hiếu nàng đã bóp nát trái tim mình mà đành phụ tình chàng. Cuộc tình đẹp đó bị tan vỡ!  

Thi sĩ Viễn Mơ ngồi im bên cửa sổ bỗng đứng lên cắt bầu không khí yên lặng, hỏi:  

“-Làm gì mà trầm ngâm thế ông Bùi Trần, đang nghĩ chuyện sinh hoạt cộng đồng nữa phải không? Ở Âu Châu một số nước người ta đã xóa bỏ biên giới và thống nhất tiền tệ, sao ông cứ mãi lo chuyện cộng đồng, ông đúng là "ăn cơm nhà vác ngà voi” nhiều năm thế mà chưa mệt hả?!”  

Nhà văn Bùi Trần vừa cười vừa nói:  

“-Nghiệp dĩ cả đó, ông ơi ! ".  


Thời gian thoảng như cơn gió hấm thoắt mà đã mấy chục năm xa xứ! Mấy chục năm so với dòng lịch sử của một dân tộc thì ngắn ngủi, nhưng so với đời người thì thời gian đó lại quá dài, làm sói mòn đi tinh thần vì tự do của lớp người rtị nạn! Bằng hữu thấy Bùi Trần còn hăng say trong sinh hoạt cộng đồng nên rất cảm phục, chỉ có những kẻ thích xu thời mới mỉa mai cho ông là kẻ dại. Có lần ông gặp một kẻ ác ý ở nhà một người bạn, hắn ta mượn hơi rượu diễu cợt ông:
“-Nhìn ông chẳng Việt Nam chỗ nào, sao hăng thế?! Mỹ đã bỏ cấm vận, bây giờ là lúc chúng ta cần phải đem trí tuệ xây xựng lại đất nước.”  

Trông kẻ đối diện mặt phúng phính bơ sữa mồm sặc mùi rượu, lắp bắp những lời yêu nước khẩu hiệu. Nhớ thời kỳ quê hưong còn mịt mờ khói lửa chiến tranh thuở ấy đất nước rất cần thanh niên phục vụ nhưng chẳng thấy ông ta đâu?  Ông ta sợ chết đã đành, nhưng lại thích hô hào yêu nước trước những bằng hữu thời du học đã trở về quê hương dấn thân vào cuộc chiến. Thời đó ông núp dưới chiêu bài phản chiến ở lì xứ người để tránh đạn mà không dám trở về dù Sài Gòn hay Hà Nội. Đến khi đất nước hết chiến tranh ông dở bài ca «con cá sống vì nước» ca ngợi tổ quốc, lấy cớ xây dựng lại quê hương về nước xoành xoạch như đi chợ…chẳng biết để kiếm gái hay kiếm ghế quyền lực?  Những hạng người ấy chỉ biết đến quyền lợi cá nhân thì làm  sao dám ở lại luôn quê nghèo đến ngày nhắm mắt! Thế nhưng khi gặp các anh em cựu tù nhân chính trị Cộng sản, ông ta cứ ngoác mồm hùng hổ đòi tận diệt Cộng sản đến sợi tóc…như để che dấu một mặc cảm? Nếu như cứ im ỉm mà hưởng thụ chắc đỡ xốn mắt mọi người!  

Ông Bụi Trần cau mày định không trả lời nhưng thấy nụ cười đểu hiện trên môi của người đối diện nên nghiêm nghị nói:  

“ –Vâng, Thưa ông, chỉ có ông là người Việt Nam yêu nước, còn tôi chẳng phải !! Nếu ông thuộc sử Việt mà quên mất trang viết về giống Bách Việt thì tiếc quá ?!Trong Bách Việt chỉ còn lại mỗi một Lạc Việt tồn tại là nhờ có sự hăng hái đấu tranh chống lại ngoại xâm. nếu không hăng hái thì giống Lạc Việt cũng bị tiêu diệt. Trông ông bơ sữa và men Tây ẩn đầy trong hơi thở nên ngôn ngữ và điệu bộ có vẻ trưởng giả nên ông không thấy rõ mình?! Còn tôi, quê hương ở trong tim! Tôi yêu Việt Nam vì nơi ấy đất nước còn nghèo đói, và bất công”  

Người đối diện xìu mặt ngượng ngùng, nhún vai và bỏ đi.

 

 Người có mái tóc bồng bềnh hoa râm, cặp mắt buồn, dáng cao gầy mặc chiếc áo khoác màu xanh đậm đứng bên cửa sổ phòng khách là thi sĩ Viễn Mơ. Đó là một con người khoa học nhưng tâm hồn thật giản dị, xem đời như mây khói, thích thả hồn theo mây gió hơn là đứng trên bục giảng. Dù tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng trông ông rất trẻ, trên môi hay nở nụ cười nên nào ai biết trong con người ấy có những niềm đau ẩn dấu? Dù là một giáo sư tiến sĩ toán nhưng ông lại không giải nổi những con toán đơn giản của gia đình vì cuộc đời còn quá nhiều ẩn sốNgoài toán ra, ông còn rất thông thạo về nhiều ngoại ngữ, cứ mỗi lần có thi hứng, ông lại ứng khẩu dăm câu thơ "liên ngữ". Ông thích làm thơ chẳng phải để trở thành thi sĩ mà là để tâm sự cùng thơ. Có điều ông vẫn cảm thấy hài lòng khi bằng hữu gọi ông là thi sĩ. Ông giải thích:  

“-Học để lấy bằng cấp tuy có khó thật, nhưng chỉ cần cố gắng chịu khó, học năm nay không đỗ thì năm sau, học riết rồi cũng đỗ, Chứ làm thơ là phải có tâm hồn, và còn do thiên ph. Người làm thơ vốn có sẵn năng khiếu, cần đọc sách nhiều trau dồi kiến thức thì sẽ sáng tạo những  bài thơ hay và sâu sắc. Nhưng nếu là nhà thơ chân chính thì phải có tâm hồn và phong cách thanh cao! ". Bạn bè có kẻ chê, người phục nên có lần ông bị hỏi:
“-Ông quả đúng với cái tên Viễn Mơ, làm thơ đã khó hiểu, lại pha trộn ngôn ngữ, thế thì ai cảm được?!”  

Mặc dù biết mình đang bị diễu cợt, nhưng thi sĩ Viễn Mơ vẫn mỉm cười và nhỏ nhẹ trả lời:  

“-Thơ là ngôn ngữ của ngôn ngữ, là nghệ thuật của nghệ thuật, do đó việc sử dụng liên ngữ trong thi ca là lẽ tự nhiên, làm đẹp ngữ nghĩa. Hơn nữa, thơ là tiếng nói của tâm hồn, chỉ cần xin các ông bỏ những bằng cấp của các ông ở nhà, nhớ khóa kỹ cửa lại, rồi đến đây xin lắng tâm hồn xuống cùng tầng số với tâm hồn tôi để nghe tiếng thơ…thì các ông sẽ hiểu ngay!”  

Một người bạn trong nhóm, khôi hài nói:  

“-Chúng tôi mà thả hồn theo ông thì lạc quách cả lối về…người ta lại tưởng một lũ điên dạo phố thì chết!”  

Cả nhóm ồ lên cười.  

Tiếng động của chiếc phi cơ bay ngang làm chuột Lắt hoảng sợ tưởng có người trèo lên bắt nên phóng vào góc bàn thờ nằm im làm đổ chiếc bình đựng hoa. Mọi người cùng buột miệng:  

“-Chuột! Chuột!”  

Đốc tờ Thanh Lê đứng phắt dậy, hỏi:  

“-Nhà cụ Giáo có chuột?”  

Vị giáo sư già gật đầu nói:  

“-Nhà nầy có chuột, các anh ạ! …Ổ của nó là cái kho ngoài kia kìa…”  

Thi sĩ Viễn Mơ vỗ đùi cười rú:  

“-Nhiều lúc sống với chuột còn khá hơn sống với người đấy, các cụ ạ!”  

Nhà văn Bùi Trần chen:  

“-Thế thì cụ Giáo tha hồ nghe tấu khúc bốn mùa!”  

Đốc tờ Thanh Lê nhăn mặt:  

“-Moi nói thật, trong đời…moi ghét nhất là chuột, thứ nhì là đỉa, thứ ba mới tới rắn!”  

“-Thế ông không sợ cọp, beo hả?” Nhà văn Bùi Trần hỏi.  

“-Là người ai mà chẳng có nỗi sợ riêng, cọp beo tuy dữ nhưng nó biết thân phận nên ở mãi tận rừng sâu, ai vào đó đâu…mà sợ…còn rắn có loài độc, có loài không…dù là loài độc, mình có đạp lên nó mới mổ…đỉa là loài hút máu, lại rất dai, nhưng vẫn diệt được…chỉ có loài chuột là bẩn thỉu không những nó gây bệnh dịch hạch còn chui vào nhà người phá phách!”  

 Bùi Trần phá lên cười:  

“-Nói như ông trên cõi đời này đâu chỉ có loài chuột…thế…bộ người không bẩn, không phá hoại sao?!”  

“-Đúng như thế những thứ được gọï là bẩn và phá hoại thì đều đáng tởm cả ông ạ!”  

Nói xong Thanh Lê quay lại hỏi:  

“-Cụ Giáo đã có cách nào diệt chuột chưa? Cụ tính nuôi đồ ăn hại đó mãi sao?”  

Cụ Giáo uống hớp nước trà và chậm rãi trả lời một hơi:  

“-Chẳng dấu gì các anh, tôi cũng muốn diệt quách cái loài phá hoại đó đi, khổ nỗi nó đông quá! …diệt con nầy thì nó lại sinh con khác, có khi còn dữ và phá hơn. Chỉ mới réo đến tên nó, vậy mà nó đã chui vào tủ cắn thủng mấy bộ đồ…, lại còn leo lên cả bàn thờ ông bà mình nữa chứ…Đừng xem thường nó, các anh ạ!”  

Nhà văn Trần đề nghị:  

“-Muốn chuột khỏi phá bàn thờ chỉ có cách dời bàn thờ đi chỗ khác, chuột sẽ mất dấu, nói theo cách mới là "thất nghiệp".  

-“Không được đâu, anh ạ…Ai lại dời bàn thờ gia tiên đi chỉ vì một con chuột?!”  

Đốc tờ Thanh Lê lắc đầu khua tay nói:  

“-Ông tưởng dời đi mà được  yên sao?…dời đi chỗ nào mà hủi không bò đến!”  

Nhà văn Bùi Trần rít hơi thuốc, mắt lim dim hỏi:  

“-Thế ông đã nghĩ được cách gì chưa?”
“-Theo moi nên kiếm một tay thiện xạ trong đám bạn cũ, độp một phát là 'toi đời' nhà chuột!”  

Cụ Giáo hoảng lên, xua tay:  

“-Ấy chết không được đâu, anh Đốc ạ!”  

“-Cụ sợ gì chứ?”, Bùi Trần hỏi.  

“-Xin các anh bớt nóng, biện pháp ấy không được đâu…vả lại tôi e rằng lâu ngày các ông ấy không còn dùng đến súng, lỡ bắn trật lại trúng vào di ảnh của ông bà tôi thì tội chết….”  

Mặt đốc tờ Thanh Lê đổi sắc, kéo gân cổ nói:  

“-Cụ khinh chúng tôi quá!”  

Cụ Giáo ôn tồn nói:  

“-Ấy chết nào ai dám nghĩ thế!”  

Nhà văn Bùi Trần nói chen vào:  

“-Sá gì con chuột Lắt mà tốn viên đạn, tôi đề nghị làm một con chuột khổng lồ bằng giấy, đặt ở dưới bếp, lần sau chuột lắt có chui vào nhà sẽ ngán mà cút mất vì thấy sư  tổ loài chuột đang chực ở đấy.”  

Cụ Giáo bỏ tách trà xuống bàn, lắc đầu nguây nguẩy:  

“-Đã tởm không muốn nhìn cái mặt chuột…, ai mà lại làm hình nộm chuột. Nhìn thấy nó mà bực mình chết sớm hả?!”  

Đốc tờ Thanh Lê bỗng vỗ đùi kêu cái đét, đứng dậy, nét mặt nghiêm nghị:  

“-Các ông hở một tí là sợ thì sao lũ chuột nó không lộng hành được!”  

Đôi mắt của Đốc tờ Thanh Lê bỗng sáng quắc, ông lướt tia nhìn chậm rãi vào ánh mắt từng người và đanh mặt nói:  

“-Chỉ còn cách đốt quách căn nhà này đi thì đám chuột cháy queo râu….và cả họ nhà chuột sẽ bơ vơ, chẳng còn cơ hội phá bàn thờ tổ tiên nữa!”  

Cụ Giáo cười ha hả nói:  

“-Ối giời ơi! anh Đốc sắp điên rồi!…Xin anh! Nếu đốt căn nhà này không những ở tù mà mình lại phạm tội đốt bàn thờ tổ tiên!”  

Đốc tờ Thanh Lê cũng cười ha hả nói:  

“-Cụ lại sợ không có chỗ ở hay sao?…Xin cụ yên tâm. Nói thì
nói vậy…đâu lẽ chỉ vì một con chuột nhắt mà đốt nhà cụ?”  

Mọi người quay sang nhìn thi sĩ Viễn Mơ đang trầm ngâm suy tư. Đốc tờ Thanh Lê hỏi:  

“-Sao ông Viễn Mơ suốt nãy giờ lại im lặng thế …đang làm thơ hả?”  

Thi sĩ Viễn Mơ bẽn lẽn nhỏ nhẹ:
“-Các ông bàn đến chuột mà tôi phát ngấy…Chuột hai chân vừa nhanh vừa gian ác…nhan nhãn khắp nơi sao không thấy ai đề nghị diệt?!”  

Đốc tờ Thanh Lê cười nói:  

“-Đám chuột ấy mà bị diệt, thiếu gì kẻ phải tự tử vì bị phá sản nghề buôn chuôt…”  

Mọi người cùng phá lên cười. Thi sĩ hắng giọng, nghiêm mặt nói:  

“-Theo tôi…những gì thuộc về tính chuột, các vị đã bàn, do đó chỉ cần cho chuột ăn những món ăn của chuột; chẳng hạn chuột Chù vì hôi nên thích hào nhoáng thì cho nó món ăn có hình dạng mề đay và cái tên rất kêu…Chuột Cống ở bẩn lại thích ăn thịt đồng loại thì món ăn có hình đô la…Nhất là phải cho chúng ăn no, chỉ một thời gian, tôi tin nó sẽ mập ú, to lớn và nặng nề…lúc đó vì thân xác phì nộn, khệnh khạng, nó sẽ không thể nào leo lên bàn thờ được!”
Cụ Giáo cười rú lên:  

“-Tôi hiểu rồi…Lúc đó nó sẽ là con chó con, con mèo trong nhà!”  

Nhà văn Bùi Trần thêm vào:  

“-Nó hôi quá chó mèo nào chịu nổi nó!”  

Đốc tờ Thanh Lê vút giọng từng tiếng:  

“-Lúc đó chó mèo sẽ xúm vào đuổi nó đi, các cụ ạ!”  

 

Chuột Lắt suốt nãy giờ nằm im, thấy mọi người mải mê tranh luận, không ai chú ý nên phóng cái ào xuống sàn nhà và thoắt mình biến qua cửa sổ trước sự ngơ ngác của bao cặp mắt người. Cụ Giáo la lên:  

“-Ấy, đấy…các ông thấy chưa ? Bàn mãi cách diệt chuột mà nó..nó nằm sẵn trên bàn thờ từ lúc nào rồi!….”  

Thi sĩ Viễn Mơ cười rú lên :  

“-Tôi đã nói rồi…chuột và người là hai thực thể không thể tách rời nhau được!”  

Cụ Giáo bần thần chưa biết nói gì thêm, mặt xịu xuống như cố nén một ít nhiều bực bội.  

 

Tiếng động cơ của những chiếc xe ủi và cần trục nổ dòn đang phá sập khu nhà kho, làm náo động cả bầu không khí bên ngoài, cụ Giáo mở cửa bước ra xem.  

“-Chào cụ Giáo!”  

“-Ai đó?”  

“-Cháu Sơn đây mà!”  

“-À, cậu Sơn ! Xin lỗi, ồn quá tôi không nghe rõ ! Cậu đang làm gì thế?”  

“-Dạ, Cháu coi công xưởng nầy. Cháu đang cho nhân viên phá sập khu nhà kho để thiết lập một cơ sở thương mại nơi đây.”  

“-À, ra thế!”  

“ Khoảng đất hôi hám quá ! Mà ..chuột, chao ôi, sao nhiều quá ! Chúng có hay vào phá nhà Cụ không?”  

“-Tránh sao khỏi! Chúng leo lên cả bàn thờ gặm nhắm hết cả các đĩa trái cây, còn làm đổ cả các tấm hình ông bà…”  

“-Cụ yên tâm. Lần nầy chúng không còn vào phá nhà cụ nữa đâu. Chúng bị xe ủi đất cùng hai xe cần trục cán chết vô số, còn lại một ít, chắc phải tìm chỗ xa nào khác….”  

“-Tốt quá!  Cảm ơn Trời Phật.  Cậu có rảnh vào xơi chén nước, nói chuyện cho vui…”  

“-Cám ơn Cụ. Cụ cho lát nữa, ủi xong chỗ nầy, con sẽ vào hầu chuyện cụ.”  

Cụ Giáo bước vào nhà, mặt mày hớn hở:  

“- Các anh ơi…Khỏi lo, khỏi lo nữa rồi…”  

“-Sao? Cụ đã tìm ra được cách diệt chuột?”  

“-Không. Có điều chúng sẽ không còn ở đây được…Căn nhà kho chứa đầy chuột bọ tồn tại cả gần thế kỷ nay bị cáo chung chỉ vì người ta sẽ biến khu đất hoang nầy thành một trung tâm thương mại!…”  

Đốc tờ Thanh Lê cười ha hả:
“-Thế là toi đời lũ chuột!…Chỉ có kinh tế thị trường là diệt được chuột…ha ..ha…”  

Cụ Giáo liếc nhìn lên bàn thờ mà lòng cảm thấy nhẹ nhõm như trút được mối sầu.

Trong bãi rác của một khu vực chung cư khác. Hai mẹ con chuột Lắt đang nằm vật ra thở dốc:  

“Thật là khủng khiếp như động đất mẹ ạ !… Xúyt ..tí nữa là con… xẹp lép rồi!»  

«Mẹ cũng thế ! Lúc đoàn xe ủi đến, mẹ chỉ lo cho con không chạy kịp dưới sự xốc xới của bọn gian ác!»  

« Bây giờ con mới thấy loài người quá thâm hiểm và gian ác! Họ chỉ muốn tiêu diệt hết loài chuột của mình!»  

«Con ơi! Llàm sao họ tiêu diệt hết được ; vì trên cõi đời ngày nào còn những nơi trú ngụ như hang hốc, cống rãnh, rác rưởi và sự vụng trộm thì ngày ấy chúng ta vẫn còn đất sống!»
Chuột Lắt :« Ha...ha..ha.. Vậy con cũng giống người? »
Chuôộ t Mẹ : «Cũng gần như thế. Họ là chuột hai chân, còn ta là người bốn chân đấy con! Nhưng loài chuột đâu có nghiã lý gì so với loài ngườ i về gian ác. Loài người còn có đạo đức luân lý lý tưởng chủ nghiã nếu giả hiệu thì nó còn khủng khiếp hơn !»  

 

Căn phòng cụ Giáo lại vang tiếng cười nói như pháo. Bên ngoài mấy cành liễu mơn trớn mấy nụ hoa. Dưới dãy tòa nhà cao tầng những vạt nắng chiều xiêng xiêng loang góc phố và khu công viên những sợi nắng vàng lung linh trải dài trên thảm cỏ biếc, trong vũng sáng đậm sắc màu quê hương ấy thoảng có niềm đau!./.  


Đỗ Bình  

 

Paris tháng tư năm 2000  

Không có nhận xét nào: