Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

Bé Ký – Nữ Họa Sĩ Của Vỉa Hè Đô Thành – qua đời - Saigon Nhỏ

ORANGE COUNTY, California – Nữ họa sĩ Bé Ký, một tên tuổi gắn liền với hội họa của người Việt Nam, qua đời vào chiều Thứ Tư, 12 Tháng Năm, tại nhà ở Westminster, hưởng thọ 83 tuổi. Nhật báo Người Việt cho biết, tin này được ông Hồ Thành Cung, con trai của họa sĩ Bé Ký, chia sẻ. Ông Cung kể: “Mẹ mất vào khoảng 2 giờ đến 6 giờ chiều. Tôi về nhà thì thấy bà mất trong lúc ngủ và đang nắm tay ba. Mẹ tôi không chỉ là một người mẹ bình thường, và còn là một họa sĩ thành công với nhiều tác phẩm đầy tình mẹ con.” Nhiều người nói, ngắm tranh “mẹ và con” của Bé Ký không biết chán. Dù chỉ vài nét mộc mạc, bà cũng chuyển tải được tình thương của một người mẹ Việt Nam.
<!>
Một số tranh của họa sĩ Bé Ký.

Theo Wikipedia, họa sĩ Bé Ký (sinh năm 1938) tên thật là Nguyễn Thị Bé, quê ở Hải Dương. Bà mồ côi cha mẹ từ năm lên tám. Ngón vẽ của bà phần lớn là tự học nhưng bà cũng được các họa sĩ Trần Đắc, Trần Văn Thọ và Văn Đen chỉ dẫn thêm. Họa sĩ Trần Văn Thọ nhận bà làm con nuôi. Bà tên Bé, ông bố nuôi đặt cho bà bút danh Bé Ký, với lý do thật đơn giản: “Bé, mày ký vào đấy, tức là Bé Ký!”


Họa sĩ Bé Ký lúc còn trẻ. (Hình: Gia đình cung cấp)

Vào Nam sau khi đất nước chia đôi, bà được chú ý đến sau buổi triển lãm tranh đầu tiên năm 1957 ở hội Pháp văn Đồng minh (Alliance française) do René de Berval bảo trợ. Tranh bà sau được trưng bày ở Hội Việt Mỹ và Trung tâm Pháp. Cho đến năm 1975 bà đã đi triển lãm ở Paris và Đông Kinh. Sau năm 1975 vì không thích ứng được với lối mỹ thuật “hiện thực xã hội chủ nghĩa “(socialist realism), sinh hoạt của bà bị hạn chế. Vượt biên không thành, gia đình bà càng gặp nhiều khó khăn.

Năm 1989, bà cùng chồng là họa sĩ Hồ Thành Đức xuất cảnh sang Mỹ. Từ đó đến nay tranh Bé Ký đã được trưng bày ở nhiều phòng tranh và bảo tàng mỹ thuật tại Mỹ kể cả Viện Smithsonian. Tranh Bé Ký thuộc trường phái sketchings tức phác họa bằng bút lông trên giấy và lụa. Thời kỳ sau năm 1989 tranh Bé Ký thu nạp thêm dạng sơn mài.
Triển lãm


Họa sĩ Bé Ký. (Hình: hoasivietnam.wordpress.com)

Ngày 6 tháng Mười Hai năm 1957, Bé Ký được ông René de Berval, phê bình gia mỹ thuật cho tạp chí France d’Asie (Sài Gòn) và Journal d’Extrême Orient, bảo trợ cuộc triển lãm đầu tiên tại cơ sở Alliance Francaise (Pháp Văn Đồng Minh Hội). Sau cuộc triển lãm, bà trở thành “Nữ Họa Sĩ Của Vỉa Hè Đô Thành”, một biệt hiệu thân mật được dân Sài Gòn dành cho. Từ năm 1957 đến năm 1975, Bé Ký đã có đến 18 cơ hội khai mạc phòng tranh (16 lần tại Sài Gòn, 1 lần tại Pháp vào năm 1959 và 1 lần tại Nhật Bản, vào năm 1969, cùng với 9 họa sĩ khác quốc tịch). Sau 1975, bà bày tranh chung tại Ba Lan vào năm 1984, và 8 lần tại Hoa Kỳ, khi đã định cư tại Mỹ. Trong 8 lần này, có hai lần được xem là rất quan trọng trong việc đưa tên tuổi Bé Ký đi càng rộng trong giới thưởng ngoạn của thế giới.


Bác sĩ Phạm Biểu Tâm cắt băng khánh thành phòng triển lãm tranh của Bé Ký (1962). (Hình: erct.com)

Cuộc Triển Lãm Quốc Tế Women: Beyond Borders, tại Santa Barbara Contemporary Arts Forum (California) với mục đích giới thiệu tiếng nói hội họa của phái nữ toàn thế giới, được tổ chức năm 1995, kéo dài đến năm 2000. Trong năm năm, cuộc triển lãm này được di chuyển qua một số quốc gia có họa sĩ được mời tham dự: Mỹ, Do Thái, Nhật Bản, Á Căn Đình, Kenya, Úc, Tây Ban Nha, Mễ Tây Cơ, Thụy Điển, Ý, Cu Ba, Pháp, Phần Lan. Bé Ký góp mặt trong cương vị hội họa của Việt Nam. Hiện nay cuộc triển lãm này đã được chuyển về lại Hoa Kỳ, và trở thành một phần trong một phòng tranh thường trực mở cửa lâu dài.

Cuộc triển lãm không kém phần quan trọng thứ hai có tên: “Cuộc Triển Lãm Quốc Tế Về Tình Yêu, Gia Đình Và Niềm Tin” tại Johnson Art Collection, vào ngày 23-9-2006 đến 21-10-2006. Chỉ có hai hoạ sĩ Việt Nam được mời tham dự : Bé Ký và Hồ Thành Đức, bên cạnh Yuroz (Armenia), Milon Townsend (Hoa Kỳ), Max Rodriguez (Cuba), Adrian Wong Shue (Jamaica), Ushangi (Georgia), Hank Garcia (Hoa Kỳ), Edward McCluney (Mỹ gốc Phi Châu).


Hình Bé Ký năm 1962 lúc 23 tuổi. (HÌnh: erct.com)
Tranh Bé Ký đậm chất dân gian, nhưng không thiếu chất kinh điển

Trong bài viết trên RFA, nhà báo Mặc Lâm cho rằng nét vẽ của Bé Ký đã tối giản đến cùng cực. Ông viết:

“Đơn giản đến như vậy tưởng không còn cách nào đơn giản hơn. Mà thật vậy, cuộc đời của người nữ họa sĩ này cũng đơn giản như bút tích của bà trên từng khung vải. Nét vẽ của Bé Ký là cả một câu hỏi lớn cho người thưởng ngoạn, bởi lẽ tranh của bà quá đơn sơ, hồn nhiên mà lại đầy sức sống. Tranh Bé Ký đặc sắc ở nét. Nét của Bé Ký lại đứng rất riêng, rất cường tráng nhưng lại ngọt ngào ca dao tục ngữ. Xem tranh Bé Ký một lần sau đó không thể lầm tranh của bà với bất cứ tranh của ai khác.“

“Có một dạo, người ta cho là tranh của bà quá đơn sơ, gần với loại tranh dân gian và do đó khó thể gọi là tuyệt tác để được treo trong một viện bảo tàng nào đó. Nhận xét như vậy chỉ đúng một phần, cái phần cốt lõi là tranh của bà đậm chất dân gian nhưng không phải vì thế mà âm hưởng nghệ thuật của tranh Bé Ký thiếu chất kinh điển.”

Nhà phê bình Thụy Khuê lại nhận định theo một góc nhìn khác.

“Hội họa Bé Ký chỉ thuần túy nét, bà dùng mực Tàu, ở lối vẽ này cứ hoa tay lên là phải thành, phải đạt, không thể sửa. Trước khi vẽ, người họa sĩ phải xong bức họa rồi. Khi ngọn bút bắt đầu là bức tranh kết thúc.”

Tính chất này của hội họa còn gọi là ngẫu hứng hoặc trực giác, mà cũng là thiền: Trực giác định hình, khi người nghệ sĩ thấy được ‘ánh sáng’, ‘ngộ’ rồi thì họ hoàn thành tác phẩm. ‘Ánh sáng’ ấy là chất liệu, là nguồn cội của ký họa.”


Tranh họa sĩ Bé Ký.

Tranh Bé Ký đương nhiên được rất nhiều người trong giới sinh hoạt văn học nghệ thuật bày tỏ những nhận xét và hầu hết đều tán thưởng. Nhà văn Võ Phiến viết tám câu thơ tặng Bé Ký:

“Bao năm cách nước xa non

Mượn hình nương tiếng lần con đường về

Lấy câu lục bát làm quê

Trông tranh Bé Ký nghĩ tre đầu đình

Nghe câu quan họ Bắc Ninh

Sống bao xúc cảm ân tình chứa chan…

Đó đây thấp thoáng quê hương

Những mảnh quê hương bên ngoài bờ cõi

Những mảnh quê hương trong tầm tay với

Những mảnh quê hương của giới lưu vong

Nghìn trùng vẫn núi vẫn sông”

(Những mảnh quê hương ngoài biên giới- Võ Phiến)

Nhà thơ Du Tử Lê từng viết mấy dòng:

“Tranh Bé Ký đơn giản, mộc mạc, như tâm hồn chị. Một chấm đen thay cho con mắt. Một vạch cong thay cho niềm vui hay nỗi buồn. Vậy mà, tài tình, lạ lùng xiết bao, ở những nét bút đơn giản kia, không ngừng dấy lên những rung động Việt Nam, rất Việt Nam. Có dễ chẳng một cuốn sách, một tác phẩm biên khảo nào tả chân-dung-tâm-hồn người phụ nữ Việt Nam được như tranh Bé Ký. Tôi cho tranh Bé Ký là dương bản hồn tính người mẹ Việt Nam vậy.”

Giờ thì người vẽ “hồn tính người mẹ Việt Nam” đã từ giã cõi tạm, bỏ lại người bạn đời, họa sĩ Hồ Thành Đức, và cây bút vẽ nằm chổng chơ, thương nhớ! [SGN]

Không có nhận xét nào: