Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

9 dưỡng chất tự nhiên tốt cho người bệnh tiểu đường type 2


9 dưỡng chất này giúp bệnh nhân tiểu đường tránh được tình trạng đề kháng insulin, trong đó loại số 2 đã được chứng minh lâm sàng có cải thiện các dấu hiệu và có khả năng đảo ngược các triệu chứng rối loạn chuyển hóa.Thực phẩm lên men hỗ trợ hệ vi sinh vật của chúng ta. (Ảnh: Casanisa/Shutterstock)
1. Vitamin D
Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo được cơ thể sản xuất khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vitamin D còn có trong một số loại thực phẩm và chất bổ sung. Vitamin D, thực chất là một loại hormone, thúc đẩy nhiều hoạt động sinh học, bao gồm hấp thụ canxi, phát triển và sửa chữa xương, và chuyển hóa glucose. Tác động tích cực của vitamin D đối với lượng đường trong máu khiến nó trở thành chất dinh dưỡng cần có để hỗ trợ bệnh nhân tiểu đường và tiền tiểu đường.
<!>
2. Probiotics

Probiotics là một chất bổ sung sức khỏe đường ruột nổi tiếng, nhưng bạn có biết chúng có thể hỗ trợ sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường? Bổ sung probiotic là chủ đề của nhiều nghiên cứu, đã được chứng minh có cải thiện nhiều dấu ấn sinh học ở bệnh nhân tiểu đường.

Probiotic, từ thực phẩm lên men hoặc ở dạng bổ sung đã trở thành một trong những liệu pháp hỗ trợ an toàn cho bệnh nhân tiểu đường type 2.

Được công bố trên tạp chí Pharmacological Research, một đánh giá và phân tích tổng hợp các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng về tác dụng của việc bổ sung probiotic và prebiotic ở bệnh nhân tiểu đường cho thấy những chất này làm giảm đáng kể các protein phản ứng C đánh dấu stress oxy hóa so với giả dược.

Ngoài ra, bổ sung probiotic và prebiotic giúp tăng tổng khả năng chống oxy hóa ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Trong một nghiên cứu khác, việc bổ sung probiotic chất lượng cao có liên quan đến sự cải thiện đáng kể trong huyết sắc tố glycated và hàm lượng insulin lúc đói trên bệnh nhân tiểu đường type 2.

3. Magie

Người ta ước tính rằng 61% người trưởng thành ở Hoa Kỳ thiếu magiê. Tiêu thụ ít chất dinh dưỡng quan trọng này có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính bao gồm bệnh tim mạch, loãng xương và tiểu đường type 2. Bệnh nhân tiểu đường type 2 thậm chí có thể nhạy cảm hơn với sự thiếu hụt magie.

Mở rộng nghiên cứu cho thấy lượng magiê (Mg) hấp thụ vào chế độ ăn uống cao hơn dường như tương ứng với tỷ lệ bệnh tiểu đường thấp hơn, một nghiên cứu năm 2016 đã xem xét các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đủ điều kiện và phát hiện ra rằng điều trị bằng magie làm giảm lượng đường huyết lúc đói và cải thiện các thông số nhạy cảm với insulin ở bệnh nhân tiểu đường.

Các nghiên cứu khác cho thấy thiếu magiê có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh tiểu đường và bổ sung liều cao có thể cải thiện tình trạng kháng insulin và có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng ở bệnh nhân tiểu đường type 2
.
4. Vitamin C

Axit ascorbic, thường được gọi là vitamin C, là một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do, các phân tử không ổn định được cho là nguyên nhân gây ra tổn thương tế bào liên quan đến bệnh tật và lão hóa.

Giống như tất cả các loại vitamin và khoáng chất, tiêu thụ lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày là chìa khóa cho sức khỏe tối ưu, đặc biệt là đối với bệnh nhân tiểu đường type 2 và những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Thiếu vitamin C có liên quan đến chứng viêm mãn tính, đau khớp và vết thương chậm lành. Đây cũng là các triệu chứng thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Bổ sung vitamin C đã được chứng minh là cải thiện kiểm soát đường huyết và huyết áp ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, và có bằng chứng cho thấy rằng lượng vitamin C tỉ lệ nghịch với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

5. Chất béo Omega-3

Chất béo omega-3 đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể của bạn và đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường type 2. Những axit béo thiết yếu này xây dựng cấu trúc cho màng tế bào và được tìm thấy trong não, võng mạc và tinh trùng với nồng độ cao.

Các nghiên cứu chứng minh rằng chất béo omega-3 có thể cải thiện triệu chứng liên quan đến bệnh tiểu đường type 2 bằng cách tăng cường trao đổi chất và giảm nguy cơ mắc bệnh đi kèm.

Một nghiên cứu trên bệnh nhân tiểu đường type 2 được cho ăn dinh dưỡng lỏng cho thấy những người tiêu thụ sữa công thức giàu omega-3 có phản ứng đường huyết thấp hơn đáng kể so với bệnh nhân tiêu thụ công thức dinh dưỡng tiêu chuẩn. Họ cũng chứng minh được nhiều năng lượng hơn với nồng độ insulin thấp hơn đáng kể.

Thực phẩm như cá béo đánh bắt tự nhiên, hạt lanh và hạt chia có nhiều omega-3. Quả óc chó là một nguồn tuyệt vời khác và thậm chí có thể cải thiện các thông số trao đổi chất ở bệnh nhân tiểu đường type 2.

6. Củ nghệ

Có ít nhất 2.736 bản tóm tắt khoa học về nghiên cứu củ nghệ trên GreenMedInfo.com. Siêu gia vị này là một trong những chất tự nhiên có tác dụng phòng chống bệnh tật, bao gồm cả bệnh tiểu đường type 2. Curcumin là thành phần hoạt động chính trong gia vị của nghệ, chịu trách nhiệm tạo ra màu cam tươi và có các tác dụng chống viêm nổi bật.

Một nghiên cứu từ Nhật Bản cho thấy curcuminoids và sesquiterpenoids (một loại terpene khác trong nghệ) ngăn chặn sự gia tăng mức đường huyết ở chuột mắc bệnh tiểu đường type 2. Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí Diabetes Care cho thấy curcumin có thể là một liệu pháp hiệu quả để ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2 ở nhóm tiền tiểu đường.

Trong nghiên cứu, các đối tượng được kê đơn bổ sung curcumin hoặc giả dược trong chín tháng. Sau thời gian điều trị, 16,4% đối tượng trong nhóm dùng giả dược được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2, trong khi không ai trong nhóm bổ sung curcumin đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán.

Ngoài ra, nhóm bổ sung curcumin cho thấy mức độ kháng insulin thấp hơn và có chức năng tế bào tốt hơn theo đánh giá mô hình nội môi (HOMA).

7. Bột vỏ hạt mã đề Psyllium

Psyllium là một chất xơ thực vật hòa tan được sử dụng để điều trị rối loạn đường ruột và nhuận tràng hàng ngày. Đối với người bệnh tiểu đường, bột vỏ hạt mã đề còn có công dụng điều hòa cholesterol trong chế độ ăn uống và lượng đường trong máu.

Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, mỗi ngày sử dụng một muỗng cà phê bột vỏ hạt mã đề có tác dụng giảm cholesterol huyết thanh và cải thiện kiểm soát đường huyết ở những bệnh nhân có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2. Hàng ngày sử dụng loại chất xơ hòa tan này trở thành một liệu pháp bổ sung hiệu quả cho chương trình phòng ngừa bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu năm 2002 về công dụng của bột vỏ hạt mã đề trên bệnh nhân tiểu đường type 2 chỉ ra tác dụng điều trị trong việc kiểm soát trao đổi chất, cũng như giảm nguy cơ bệnh tim mạch vành. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng tiêu thụ chất xơ này không ảnh hưởng xấu đến nồng độ vitamin hoặc khoáng chất ở bệnh nhân.

8. Gừng

Gừng đã được sử dụng trong cả chế biến ẩm thực và y học trong hàng nghìn năm. Đây là một phương pháp điều trị tại nhà phổ biến cho các bệnh như cảm lạnh thông thường, buồn nôn và đau bụng, nhưng nó cũng có thể là một biện pháp hỗ trợ cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2.

Một nghiên cứu của Iran về việc bổ sung gừng cho thấy rằng dùng 3g bột gừng mỗi ngày trong ba tháng đã cải thiện các chỉ số đường huyết và lipoprotein và tăng cường khả năng chống oxy hóa toàn diện trên những người tiền tiểu đường.

Các nghiên cứu khác hỗ trợ việc sử dụng bổ sung gừng như một phương pháp điều trị hiệu quả để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2. Tất nhiên, bạn có thể thêm củ gừng tươi hoặc khô vào sinh tố, súp và các công thức nấu ăn khác.

9. Quế

Quế được biết đến như một liệu pháp hữu ích cho bệnh tiểu đường type 2 khi một nghiên cứu năm 2003 cho rằng một lượng nhỏ quế mỗi ngày có thể làm giảm mức đường huyết lúc đói. Y học cổ truyền xác nhận quế là một trong những thảo dược tự nhiên có công dụng duy trì sức khỏe.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tiểu đường, Béo phì và Chuyển hóa đã thừa nhận lịch sử này cũng như tiềm năng của quế trong hỗ trợ điều trị tiểu đường.

Một phân tích tổng hợp năm 2011 về các nghiên cứu lâm sàng về tác động của việc ăn quế đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 2 và / hoặc tiền tiểu đường cho thấy rằng tiêu thụ quế (toàn bộ hoặc chiết xuất) làm giảm mức đường huyết lúc đói có ý nghĩa thống kê. Bổ sung quế cũng đã được chứng minh là làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương ở bệnh nhân tiểu đường type 2.

Nhóm Nghiên cứu GMI chuyên nghiên cứu các vấn đề sức khỏe và môi trường quan trọng, đặc biệt chú trọng đến sức khỏe môi trường. Nghiên cứu chuyên sâu và tập trung của chúng tôi sẽ khám phá nhiều cách mà tình trạng hiện tại của cơ thể con người phản ánh trực tiếp trạng thái thực của môi trường xung quanh.

Nhóm Nghiên cứu GMI
Thu Anh biên dịch

Xem thêm:
Tắm nước nóng thường xuyên có liên quan đến việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với bệnh tiểu đường loại 2 (Type 2 diabetes) như giảm trọng lượng cơ thể, giảm lượng đường trong máu, vòng eo, chỉ số khối cơ thể và huyết áp tâm trương.
Một nghiên cứu mới cho thấy việc tiếp xúc với nhiệt thường xuyên thông qua tắm nước nóng có thể là một cách dễ chịu để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. (B-D-S Piotr Marcinski / Shutterstock)

Nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy mối liên hệ giữa kiểm soát lượng đường trong máu, khối lượng cơ thể và thường xuyên tắm nước nóng.

Ngâm mình lâu trong bồn tắm nước nóng có thể giúp những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 giảm các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh. Nghiên cứu mới được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Âu Châu về Bệnh tiểu đường (EASD) cho thấy rằng thường xuyên tắm nước nóng có liên quan đến việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Đây là nghiên cứu đầu tiên nhằm xác nhận tác dụng của nhiệt liệu pháp trên số lượng lớn bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 2 và thường xuyên tắm nước nóng. Nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng liệu pháp nhiệt có thể kiểm soát lượng đường trong máu và tỷ lệ mỡ trong cơ thể, cho thấy nó có thể được sử dụng như một công cụ điều trị cho bệnh nhân tiểu đường loại 2.

Nghiên cứu do Tiến sĩ Hisayuki Katsuyama thuộc Bệnh viện Kohnodai, Nhật Bản dẫn đầu. Ông và các đồng nghiệp đã xem xét 1,297 bệnh nhân người Nhật mắc bệnh tiểu đường loại 2. Ở Nhật Bản, hầu hết các ngôi nhà đều được lắp đặt bồn tắm, và tắm là một thói quen truyền thống và phổ biến trong cuộc sống.

Một bảng câu hỏi được sử dụng để thu thập thông tin từ 1,297 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 2 thường xuyên đến khám bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Kohnodai từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019.

Các bệnh nhân được chia thành ba nhóm theo tần suất tắm.
Nhóm đầu tiên tắm từ bốn lần trở lên mỗi tuần
Nhóm thứ hai tắm từ một đến bốn lần mỗi tuần
Nhóm thứ ba tắm ít hơn một lần mỗi tuần

Người ta xác định rằng tần suất tắm trung bình là 4,2 lần một tuần và thời gian tắm trung bình là 16 phút. Tần suất tắm tăng có liên quan đến việc giảm trọng lượng cơ thể, chỉ số khối cơ thể (BMI), vòng eo, huyết áp tâm trương và hemoglobin glycated.

Glycated hemoglobin (HbA1c), một xét nghiệm theo dõi lượng đường trong máu, được phát hiện là bị ảnh hưởng bởi việc tắm nước nóng.
Nhóm 1: (tắm nhiều nhất) có HbA1c trung bình là 7,10%
Nhóm 2: 7,2%
Nhóm 3: 7,36%

Chỉ số khối cơ thể BMI cũng được tìm thấy có liên quan đến tần suất tắm bồn nước nóng, với nhóm 1 có chỉ số BMI trung bình thấp nhất (25.5kg/m2), tiếp theo là nhóm 2 (26.0/m2) và nhóm 3 (26.7/m2).

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng có sự giảm huyết áp tâm trương liên quan đến việc tăng tần suất tắm. Tất cả các kết luận đều được điều chỉnh theo tuổi, giới tính và lượng thuốc huyết áp.

Các tác giả của nghiên cứu kết luận: “Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng việc tiếp xúc với nhiệt hàng ngày thông qua việc tắm bồn nước nóng có ảnh hưởng có lợi đến các yếu tố nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường loại 2.”
Biến chứng dài hạn của bệnh tiểu đường

Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường có thể rất sâu rộng, theo nghiên cứu mới được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Âu Châu (EASD).

Nghiên cứu cho thấy tuổi thọ của một người mắc bệnh tiểu đường loại 1 ít hơn người không mắc bệnh tiểu đường tám năm, và người mắc bệnh tiểu đường loại 2 sống ít hơn hai năm so với người bình thường không mắc bệnh tiểu đường.

Do đó, bắt buộc phải nghiên cứu để tìm ra một loạt các phương pháp điều trị để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Tắm nước nóng để giúp giảm chỉ số BMI và lượng đường trong máu là một cách dễ dàng mà mọi người có thể thực hiện để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

Mat Lecompte là nhà báo tự do về sức khỏe. Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên trên Bel Marra Health.

Mat Lecompte -Thu Anh biên dịch

Không có nhận xét nào: