Mùa Tết về, với cư dân thành phố Huế, bao giờ cũng là một mùa âm âm cô hồn, bàng bạc dòng lịch sử… Dân họ nói, nhà mới xây sau này không đặt miếu, bị oan hồn phá rồi cũng phải làm. Ngày 23 tháng Năm, Ất Dậu (dương lịch là 5/7/1885), kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phải rời cung điện chạy ra vùng rừng núi Quảng Bình, cầm đầu cuộc kháng chiến Cần vương. Khi quân Pháp từ Mang Cá đánh ra, phối hợp cùng quân Pháp từ Tòa Khâm sứ bên kia sông Hương – chỗ Đại học Sư phạm bây giờ – đổ quân đánh vào, quân lính và dân chúng chết như rạ, sau đó người ta phải đào hố chôn tập thể.
<!>
Mấy chục năm sau, người ta phát hiện được một hố như thế, bèn hốt cốt đem cải táng ở chân núi Ngự Bình, rồi lập miếu thờ, hàng năm cứ tới ngày 23 tháng Năm lại tổ chức cúng tế rất long trọng. Truyền thống đó vẫn còn giữ được cho tới bây giờ, dù biết bao thế hệ đã qua đi. Cái miếu tuy nhỏ nhưng nổi tiếng nên được dùng để chỉ con đường chạy ngang trước miếu, thành ra đường Âm Hồn.
Đó là chuyện thời cung đình.
Một năm sau Tết Mậu Thân 1968, Huế có những câu chuyện liêu trai trí dị lắm, nhưng tóm lại vầy, đêm 30 Tết ở đâu vui chơi, chứ dân Huế là ra cúng oan hồn cái đã…
Mùa Tết về, với cư dân thành phố Huế, bao giờ cũng là một mùa âm âm cô hồn, bàng bạc dòng lịch sử. Chiến cuộc Mậu Thân 1968 tại nơi này đã để lại hàng ngàn nỗi tang tóc mà cho dù có cả trăm năm sau, những ngôi miếu nhỏ trước nhà dân, những ngôi miếu xóm, miếu phường vẫn khắc dấu những cái chết oan khiên.
Tết về, người dân Huế nhộn nhịp đón Tết, nhưng ở đâu đó, giữa lòng thành phố, vẫn có nhiều người nặng lòng với nhiều cái chết năm Mậu Thân, họ đã dùng phần lớn quỹ thời gian của mình để phục vụ những việc âm linh.
Hình như mỗi người đều có cuốn lịch riêng của mình, trong nhà hoặc trong đầu. Tôi biết mỗi tờ lịch có câu chuyện của nó, cả chuyện hôm qua, hôm nay, lẫn ngày mai. Câu chuyện của từng tờ lịch trong cuốn lịch chung được gọi là lịch sử…
Còn nhớ sau 1975, dân Huế viện lý do để lấy ngày 23 tháng Năm âm lịch cúng giỗ luôn những vong hồn Mậu Thân mà lẽ ra là tháng Chạp, tháng Giêng mới cúng giỗ là vì thời bao cấp, đền đài, chùa chiền, lăng tẩm chi cũng bị nhà nước đập tuốt hết.
Nếu mình cúng vào tháng Chạp, tháng Giêng mà trưng bàn ra trước sân thì bị bắt, khó lắm. Mình phải dựa vào ngày 23 tới 30 tháng Năm (âm lịch) vì ngày đó ít nhạy cảm hơn, có tính cách mạng hơn… Bởi 23 tháng Năm âm lịch năm 1885 là ngày kinh thành Huế thất thủ.
Sau Mậu Thân, chứng kiến cảnh người chết quá nhiều, đi đâu cũng gặp chết, làm cái nhà mà cũng lo lắng, phải bốc đất đi đến thầy địa lý coi thử dưới nền nhà mình có xác người hay không. Oan hồn uẩn tử nhiều lắm… Thế nên sau Mậu Thân, nhà nào cũng lập miếu thờ.
Người xứ Huế nói rằng những âm hồn Mậu Thân khó thể siêu thoát vì nặng oán khí lắm. Nặng oán khí vì chính người Huế đã giết người Huế. Những người lính Cộng sản Bắc Việt ở Mậu Thân, nghe nói hành xử cũng rất nhân đạo, không giết người hàng loạt, họ chỉ bắn vào các doanh trại quân đội đối phương, và đốt phá các doanh trại này là chính.
Trong khi đó, những người được gọi là Việt cộng nằm vùng, vốn có những mối tư thù nào đó với người dân Huế, bởi vì đa phần dân Huế tin tưởng vào chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Chính những kẻ nằm vùng này đã nương gió mà bẻ măng, nhân lúc chiến cuộc nổ ra dữ dội, đã đến bắt trói gô nhiều thanh niên, trí thức Huế và mang đi thủ tiêu bằng cách đập đầu, chôn sống…
“Sống cũng như thác thôi, tội nghiệp lắm! Trước đây o không cúng, từ Mậu Thân đến giờ, năm nào o cũng cúng, có ít thì cúng ít, có nhiều thì cúng nhiều, thì cũng một mâm chè xôi, thức mặn có gì cúng nấy, trong đó thì hai bó củi để đốt suốt lễ cúng và áo giấy vàng mã nhiều nhất…”.
Trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử, người Huế vẫn không thể nào quên được biến cố lịch sử đầy đau thương Tết Mậu Thân đó. Tập tục cúng âm hồn Tết Mậu Thân trở thành một nét đặc trưng quần tụ trong bản sắc văn hóa của chốn Thần kinh.
Muôn đời sau vẫn mãi nhớ Tết Mậu Thân là cái Tết mà người dân Huế đã chít khăn tang, và trong ba ngày Tết, có lẽ không nơi nào trên đất nước này lại có những bữa giỗ trùng ngày với nhau nhiều đến vậy…
https://vietnamthoibao.org/vntb-mieu-am-hon-o-hue/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét