Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

Đời Tuổi Trâu - Đặng Hà Nội

 Cứ khoảng đầu tháng hai tại Minnesota mùa đông hãy còn dây dưa với tuyết bao phủ trắng xoá, đường trơn trượt cộng thêm gió lạnh buốt vậy mà khi nhìn lại lịch giật mình khám phá Xuân lại sắp về với người Việt tha hương.   Ối chà! Năm con Trâu là năm tuổi của mình đây! Nhiều người nghĩ rằng năm tuổi là năm hạn. Nhưng tôi mỉm cười vì bây giờ ai mà lại tin chuyện vớ vẩn như vậy. Năm Canh Tý vừa qua mới là năm hạn cho tất cả mọi người với bệnh dịch Cô Vi reo rắc năm châu bốn biển gây tang tóc cho hơn 450,000 người Mỹ tử vong, chính trường Hoa Kỳ xôi động, xâu xé, chia rẽ nhau trầm trọng, thất nghiệp tràn lan… Nhưng thôi nên đổi đề tài thành ra tôi chỉ viết về những năm con Trâu mà tôi trải qua như là một chứng nhân trên hai lục địa cũng như là dịp để ôn lại những quá khứ vui buồn, thụ hưởng những gì của hiện tại, và dọn đường cho tương lai. 

 <!> 

Tuổi Sửu theo bói toán thì người tuổi này lương thiện, tâm lý vững vàng, chịu khó làm việc đồng áng nên bác nhà nông âu yếm thủ thỉ dụ ngọt vào tai trâu:   “Trâu ơi, ta bảo trâu này,   Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta   Cấy cầy vốn nghiệp nông gia   Ta đâu trâu đấy ai mà quản công… “   Rồi bác quất roi đen đét vào lưng trâu làm trâu lầm lũi kéo cầy trả nợ cho bác suốt đời. “Khổ như trâu” là như thế! Nên tôi cứ thắc mắc mãi nên hồi nhỏ có lần tôi hỏi mợ tôi:   -“ Mợ ơi, con sinh vào tuổi con Trâu, chắc cực lắm mợ nhỉ?   Mợ tôi nhìn tôi mỉm cười rồi trấn an tôi:   -“Không khổ đâu con ơi! Con sinh vào năm giờ chiều, giờ trâu đang đi về chuồng. Nhàn lắm con ạ!”   Tôi nghe mẹ nói câu mát rượi hợp ý thích chí cười khanh khách!   Bao nhiêu ký ức chợt trở về với tôi như là chìa khóa mở cửa cho tương lai. Hằng chục năm trôi qua để lại những kỷ niệm vui buồn cho tôi những bài học và kinh nghiệm để giúp tôi có thể biết về mình nhiều hơn.   Kỷ Sửu 1949: Nghé con chào đời   Tuổi Trâu của tôi bắt đầu vào mùa hè năm Kỷ Sửu tại Hà Nội. Nơi chôn nhau cắt rốn là nhà thương Saint Paul tọa lạc không xa Chùa Một Cột. Người vú của tôi mà gia đình gọi là U Được bế tôi về nhà ngay gần hồ Halais để nhập bọn với ba ông anh và sáu bà chị đang háo hức chờ đón xem mặt thằng cu. Khái niệm “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” của dân Việt Nam hồi đó sao quá thịnh hành!   Cậu tôi có việc làm vững chãi tại Sở Bưu Điện bên cạnh Bờ Hồ nên đã cung phụng đầy đủ cho bầy đoàn thê tử trong khi mợ tôi là nữ tướng trong nhà. Tuy không được đến trường vì là phận gái nhưng học được bao nhiêu ngón nghề gia chánh để trở thành một phụ nữ tề gia không chê vào đâu được. Giỗ chạp, thêu thùa, bánh trái, ướp trà mạn sen, gọt củ thủy tiên … đều qua tay khéo léo của mợ tôi. Tuy người gầy gò, mảnh khảnh với chiếc khăn nhung quấn trên đầu đúng mốt của phụ nữ Hà Thành hồi đó nhưng đã là người vợ và người mẹ gương mẫu xây dựng một gia đình xung túc cho chúng tôi.   Mợ tôi là người Nam Định thuộc một gia đình khá giả trong khi cậu tôi là thanh niên chân quê nhà nghèo tại Lục Nam. Ông đã có óc cầu tiến nên tự lập lên Hà Nội du học và thành tài trong sự khâm phục của họ nội. Hai ông bà làm lễ cưới gặp nhau lần đầu tiên trong đêm tân hôn qua sự xắp xếp của ông mai bà mối. Đây cũng chuyện thường tình của văn hóa Việt Nam hồi đó!   Là cậu bé sinh ra ở Hà Nội và di cư vào Saigon sớm nên không nhớ gì nhiều về thành phố ngàn năm văn vật này. Chỉ nhớ mình là thằng nhóc con nhút nhát, rụt rè hãy còn mặc quần hở mông chạy lông nhông trong nhà. Tối thì được ngủ với U Được trong ngôi biệt thự xây theo kiểu Pháp có rất nhiều cây ăn trái như nhãn, khế và sân thượng rộng rãi mà có thể nhìn ra hồ Halais mà nay gọi là Thiền Quang. Nơi đây gia đình hay mướn thuyền dạo mát và có lần thằng tôi trượt chân té xuống hồ may U Được nắm tóc kéo tôi lên! Gần đó có một vườn hoa mà tôi cũng hay được U bế tới chơi, nay rất thích thú biết rằng vườn hoa này được đặt tên cúng cơm của tôi: Thống Nhất.   Khi tôi lên hai thì mợ tôi sinh thêm một em trai nên tôi may mắn có thêm cặp bồ đi chơi với nhau nhưng cũng có khi chọc đánh nhau chí choé. Ông anh cả và một bà chị đi du học bên Pháp khi tôi còn nhỏ tuy vậy gia đình vẫn nhộn nhịp đông đúc như một tiểu đội lính đóng đô khu hồ Halais.   Theo lịch sử thì hồi đó năm Kỷ Sửu chính quyền Pháp trao chủ quyền toàn bộ lãnh thổ cho Quốc Gia Việt Nam cầm đầu bởi Quốc Trưởng Bảo Đại. Dầu vậy chính phủ Pháp hãy còn nhiều quyền hành tại Việt Nam. Sống trong thế giới nhỏ bé với trí óc non nớt thằng cu chỉ biết trên đời có ba giống dân: ta, tây và tầu. Dân ta thì ai cũng biết nói tiếng Việt, cái gì có chữ ta là dính dáng tới Việt Nam hay những gì của mình: nhà ta, hành ta, quần áo ta, tiếng nước ta… Nhưng khi có chữ tây thì liên quan tới Pháp và có vẻ to lớn, đẹp và ngon lành hơn như: dân Tây thì cao lớn, tóc vàng, mũi lõ, nói tiếng Tây, thực phẩm thì có hành tây, bánh mì tây, ăn mặc thì có quần tây, ở nhà tây… mỗi lần mợ tôi có dịp làm cơm tây đãi khách thì anh chị em chúng tôi lòng như mở hội vì được nếm món lạ đặc mùi bơ sữa. Còn nhắc đến tầu thì dính tới Trung hoa như món thịt kho tầu tôi thích, mực tầu, người Tầu nhang nhác giống người Việt nhưng nói tiếng Ba Tầu xí xa xí xô. Mỗi lần có đám cưới thì được đi ăn cơm tầu tại nhà hàng tầu thì thích thú lắm!   Những ngày vui đùa hồn nhiên của tuổi ấu thơ dưới sự đùm bọc của bố mẹ, anh chị và người u bị thay đổi hoàn toàn khi hiệp định Genève được ký chia đôi Việt Nam. Thế là cậu mợ tôi sửa soạn một cuộc đổi đời lần thứ nhất cho gia đình khi tôi lên năm. Cậu tôi nhận nhiệm sở mới ở   Saigon đi trước, sau đó mợ tôi mới dẫn dắt lũ con cùng U Được lên máy bay về phương Nam nắng ấm vào mùa thu 1954 tuy xa lạ nhưng vẫn là quê hương.   Tân Sửu 1961: Tôi yêu Saigon!   Một con giáp qua đi là tới năm Tân Sửu khi tôi tròn tuổi 12. Chúng tôi như những đám mạ non được nhổ và trồng lại trên mảnh đất mới nay đã bám rễ và cố gắng mọc xanh mướt tại Sài Thành Hoa Lệ.   Cậu tôi được lên chức tại Bưu Điện Trung Ương nên được ở nhà sau sở trên đường Hai Bà Trưng gần trung tâm Saigon. Đây có lẽ là thời gian tuyệt diệu của tôi vào tuổi thiếu thời trong căn nhà tân thời tiện nghi với cây cối xung quanh và sân thượng rộng rãi.   Dù trường học Lasan Taberd gần nhà nhưng tôi may mắn trúng tuyển đi học lớp đệ Thất tại trường trung học công lập Nguyễn Trãi ở gần khu Đa Kao và buổi tối đi học thêm Anh Văn tại trường Khải Minh khu Tân Định. Tuổi đã lớn nên được nhiều tự do hơn.   Cộng thêm với thằng em Độc Lập chúng tôi như cặp bài chùng như đi họp Sói Con sáng chủ nhật tại công viên bên cạnh sân vận động trên đường Phan Đình Phùng hay các ngày trốn ngủ trưa đi xem ciné hai phim tại rạp Casino Đakao. Thích xem phim cao bồi John Wayne đánh nhau với da đỏ, khi đến đoạn cuối John Wayne cưỡi ngựa đến cứu bồ cả rạp vỗ tay reo hò, còn khi nào phim cũ đứt giữa chừng thì rạp nhộn lên tiếng huýt sáo! Anh chị cũng hay dẫn đi coi ciné tại mấy rạp sang hơn như Eden hay Đại Nam. Tuy tuổi 12 nhưng chân dài nên khi qua ông soát vé phải khòm lưng thấp vì mua vé hạng trẻ em!   Tối mùa hè nóng nực hai anh em rủ nhau đi bắt ve sầu tại vườn sau nhà thờ Đức Bà. Chúng hãy còn là côn trùng nằm dưới đất đúng bẩy năm mới xuất hiện bò lên cây và anh em chúng tôi mang về nhà để trong mùng và ngắm chúng từ từ lột xác ướt nhem rồi thành con ve có cánh khô ráo bay tứ tung. Nếu không trúng mùa ve chúng tôi đi bắt dế ngay trên đại lộ mang tên tôi. Đường này ban tối sáng rực với đèn néon nên các cô chú dế ham ánh hào quang bay loạn xạ. Anh em chúng tôi chờ khi nào cô chú nào hạ cánh nghỉ mệt là nhào đến chộp liền. Dế đực thì giữ để làm màn đá dế thú vị với tiếng dế gáy om sòm còn dế mái thì làm quà cho đàn gà mợ tôi nuôi trong vườn.   Thế giới chúng tôi lúc đó đâu có nhiều đồ chơi đắt tiền như bây giờ, chỉ cần mấy cái que, đôi đũa, trái banh tennis cũ hay mấy hòn sỏi anh em bạn bè túm năm tụm ba tụ họp nhau để vui đùa với các trò chơi mộc mạc với vật dụng sẵn có nhưng không kém phần hứng thú.   Nếu chúng tôi có rủng rỉnh tiền mừng tuổi hay tiền lương cậu cho thì chúng tôi hay ra Chợ Cũ mua chim chóc, cá vàng về nuôi nhưng tội nghiệp chúng chẳng thọ được lâu.   Chung quanh nhà có nhiều hàng qùa thu hút cái thú ăn vặt của chúng tôi. Nhiều món Nam lạ miệng rẻ tiền với dân Bắc Cờ di cư nên được chúng tôi ủng hộ tận tình. Trước cửa Bưu Điện là có quán Hương Lan bán bánh mì thịt nguội, pâté chaud, bánh ngọt hấp dẫn và còn thêm các gánh hàng bán các món mà các cô nghĩ tới sẽ thèm rỏ rãi như: cóc, soài xanh, tầm ruột ngâm   với cam thảo, thêm vào đó là món phá lấu, bò bía tuyệt cú mèo của mấy ông Tầu. Khí hậu Saigon hầu như nóng suốt năm nên chúng tôi ưa thích mút chùn chụt đá nhận có đổ thêm si-rô xanh đỏ, các ly chè đậu đỏ bánh lọt ngọt ngào, ly chanh muối chua chua mặn mặn… làm chúng tôi mát lòng mát dạ dưới ánh nắng chói chang của Saigon.   Món ăn vặt mà có lẽ tôi ưa chuộng nhất là món gỏi đu đủ bò khô của ông già áo đen người Bắc có hàm răng đen mã tấu trên đường Nguyễn Du gần nhà. Khách phần nhiều là học sinh trường đạo Lasan Taberd bao quanh xe của ông. Một đĩa nhôm nhỏ có một dúm đu đủ xanh bào, vài miếng gan cháy cắt sợi, một tí rau húng rắc lên cộng thêm nước dấm pha tỏi, xì dầu và tương ớt đỏ cay xuýt xoa, chỉ có vậy thôi nhưng cũng làm lòng thằng bé vui suốt buổi chiều! Xe bán dạo làm sư huynh giám thị trường ngứa mắt xua đuổi làm ông già đẩy xe chạy có cờ. Có lần tôi bị tóm khi đang ăn hàng! “Em có học trường này đâu!”. Cuối tuần thì xe của ông già áo đen dọn   lên khu ăn vặt gần quán Nước Mía Viễn Đông trên đường Pasteur.   Sau hiệp định Genève chúng tôi tưởng sẽ được sống an bình trên đất lành miền Nam nhưng quân Cộng Sản Bắc Việt bắt đầu nhen nhúm chuyển quân qua ngả Lào và Căm Bốt đánh du kích muốn nuốt thêm miền Nam còn lại. Chính Phủ Hoa Kỳ với sự lãnh đạo của Tổng Thống trẻ tuổi đẹp trai, John F. Kennedy, đã từng tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức vào tháng Hai, 1961 “ … chúng ta sẽ trả bằng mọi giá, chịu đựng bao gánh nặng, đối đầu các khó khăn, ủng hộ bạn đồng minh, chống lại kẻ thù để bảo đảm cho sự tồn tại và thành công của tự do.” hay ”… we shall pay any price, bear any burden, meet any hardship, support any friend, oppose any foe, to insure the survival and the success of liberty.” Nên vào tháng Năm 1961 ông đã ra lệnh gởi trực thăng và 400 Lính Mũ Xanh Lực Lượng Đặc Biệt (Green Berets) cùng với hơn 100 cố vấn quân sự để trợ giúp Nam Việt Nam dưới sự lãnh đạo của chính phủ Ngô Đình Diệm.   Một trang sử chiến tranh đã và đang bắt tràn lan trên quê hương yêu dấu vào khoảng thời gian này.   Quí Sửu 1973: Lời Hứa Không Giữ   Thế rồi 12 năm trôi qua với bao nhiêu biến chuyển cho vận mệnh quốc gia và gia đình tôi. Thân phận của nước nhược tiểu bị xâu xé bởi các quyền lực ngoại bang làm điêu linh cho bao nhiêu gia đình miền Bắc lẫn miền Nam. Súng đạn sản xuất từ đâu mang tới khiến cho quê hương tôi tràn ngập khói lửa trong cảnh huynh đệ tương tàn? “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết” là câu tục ngữ thích hợp.   Chính phủ Ngô Đình Diệm sau bao nhiêu năm cầm quyền bị lật đổ và bao nhiêu biến cố thay đổi chính quyền theo sau. Hoa Kỳ đã thật sự nhảy vào cuộc chiến với các trận ném bom miền Bắc và mang quân tới Nam Việt Nam trong khi Nga Sô và Trung Cộng cũng hổ trợ cho quân xâm lăng Cộng Sản. Biến cố Tết Mậu Thân 1968 xảy ra khi Việt Cộng tấn công khắp nơi và ngay cả Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tại Saigon cũng bị nguy hại nặng nề. Đây là một ngã rẽ trong chiến tranh và lính Mỹ từ từ bắt đầu rút lui trong khi phong trào phản chiến lan rộng tại Hoa Kỳ.   Thế rồi việc gì đến cũng phải đến, ngày 27-2 năm 1973 Hiệp Định Hoà Bình Paris được ký kết nhằm mang lại hòa bình và chấm dứt chiến tranh. Hoa kỳ đã phũ phàng phủi tay bỏ cuộc chơi. Đình chiến – Lính Mỹ rút lui – Hai bên thả tù binh. Nhưng thật ra hiệp định được ký chỉ là một hành động giữ thể diện cho chính phủ Mỹ còn quân Cộng Sản vẫn ngang nhiên tung hoành trên quê hương miền Nam.   Trước ngày Tết Quí Sửu một tin đánh ngang trời đến với chúng tôi. Một người anh là bác sĩ quân y từ trần vì công vụ khi lái xe cứu thương tại Quảng Trị. Anh để lại bà vợ trẻ và đứa con nhỏ. Cái Tết này như là Tết buồn nhất. Nhà tôi đã dọn về đường Hiền Vương (Võ Thị Sáu) ngay trước cửa Đền Đức Thánh Trần nên đêm 30 nằm nghe tiếng pháo nổ mừng xuân vang lừng nhưng trong lòng quặn đau vô hạn.   Cậu tôi nay đã về hưu với số tiền hưu bổng khiêm nhường sống yên bình bên gia đình với bà vợ cùng ba cô gái và con út là tôi. Em trai tôi, Độc Lập, đã mất hơn mười một năm về trước sau cơn bạo bệnh nên tôi bất đắc dĩ làm phận con út nhỏ nhoi trong nhà. Hai anh chị lớn đã lập gia đình ở xa và một người chị du học bên Mỹ.   Tuổi Trâu vậy mà cũng gặp nhiều may mắn trong trường đời vì tôi được miễn dịch gia cảnh với lý do là con trai độc nhất còn lại và trúng tuyển vào học tại Trường Đại Học Sư Phạm Saigon ban Anh Văn. Bõ công bao nhiêu năm mài lũng quần học thêm môn này bây được tận dụng để trở thành giáo sư Anh Văn. Lớn lên trong chiến tranh nhưng được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản và một nền lễ giáo cổ truyền và có cơ hội trở thành một thầy giáo là một giấc mơ đầy ắp của tôi.   Saigon năm 1973 vẫn được coi là chốn an toàn. Trừ các cơ sở trọng yếu được bảo vệ với các bao cát, các cuộn giây thép gai giăng khắp, du khách ngoại quốc đến Saigon không ngờ đó là thành phố trong chiến tranh. Saigon vẫn ngựa xe như nước, áo quần như nêm, lúc thì cao sang như cô gái kiều diễm bước ra phố lúc thì bình dị như tiếng ca vọng cổ vang lên từ máy radio trong xóm nghèo Tân Định.   Không còn tiếng bom của B-52 từ xa vọng về rung chuyển thành phố hay đêm rực sáng với ánh sáng hỏa châu nhưng Sài Gòn sau bao nhiêu biến cố vẫn ráng chịu đựng vươn sống với tia hy vọng yếu ớt chim hòa bình sẽ xuất hiện trên vùng trời mà không ngờ chẳng bao lâu nữa Saigon sẽ bị đổi tên.   Quân đội Mỹ dần dần rút lui trên chiến trường nhưng văn hoá Mỹ vẫn còn vương vãi cho dân Việt Nam. Sách báo, ca nhạc, thời trang, truyền hình… có mác Mỹ được giới trẻ nhận đón cuồng nhiệt. Vì học ban Anh Văn nên tôi ham mê mua sách báo cũ bán ê hề trên lề đường Lê Lợi hay lấy cớ đi học tại Thư viện Abraham Lincoln yên tĩnh nhưng thật ra học thì ít mà lựa đọc sách báo Mỹ thì nhiều. Các bài hợp với học trình, hình ảnh mầu mè hấp dẫn và tin tức trung thực nóng hổi trong khi báo chí Việt Nam bị kiểm duyệt không tường thuật đầy đủ làm cho tôi thông hiểu hơn về văn hóa Mỹ và tình thế của cuộc chiến. Trong vài năm nữa tôi sẽ là giáo sư Anh Văn và có thể được du học sang Mỹ giống như vài thầy cô của tôi nên khoảng thời gian này mộng đi Mỹ bắt đầu nhen nhúm từ đây.   Cậu tôi bị đột quỵ bất thình lình qua đời không một lời chăn trối vào đầu mùa hè năm 1974 làm cho nhà vắng vẻ hơn.   Khoảng tháng Ba 1975 tình hình chiến sự tại Nam Việt Nam sắp sửa hạ màn. Không có sự góp sức của quân đội Hoa Kỳ và viện trợ cắt giảm, quân đội Việt Nam Cộng Hòa cố gắng tranh đấu tới cùng để bảo vệ non sông nhưng thất bại nặng nề. Ban Mê Thuật, Quảng Trị, Đà Nẵng và Huế… dần dần bị rơi vào tay quân xâm lăng Cộng Sản. Chiến tranh như vết dầu loang tiến gần tới Saigon, gia đình chúng tôi lại đồng lòng một lần nữa khăn gói tất tưởi từ giã Saigon trong cơn hấp hối và định cư bên Mỹ.   Bài tường thuật chi tiết về cuộc di tản này được ghi lại trong bài “Sứ Mệnh Của Anh Kha” đã được đăng trong Việt Báo mục Viết Về Nước Mỹ năm 2017.   Dưới sự dẫn đầu của người anh rể Mỹ ba mươi họ hàng thân thích trong số đó có tôi cùng cả trăm dân di tản khác ngồi xổm chật ních trong chiếc máy bay vận tải C-130 của Không Quân Hoa Kỳ kín đáo rời Saigon ngày 26 tháng Tư.   Máy bay vướt lên không gian và tôi nhìn xuống Saigon lần cuối. Ngỡ ngàng vì chỉ còn hai tháng nữa là tôi được bổ nhiệm dạy học nhưng cũng háo hức chờ một tương lai sáng lạn như bầu trời tự do xanh ngắt đang mở rộng trước mắt.   Thế rồi chúng tôi ghé qua các địa danh xa lạ như Căn Cứ Không Quân Clark bên Phi Luật Tân và đảo Wake trên Thái Bình Dương. Nơi đây chúng tôi bàng hoàng xúc động nghe tin Saigon xụp đổ khi xe tăng của lính miền Bắc rầm rộ nghiến nát đường phố thân yêu, đạp cửa vào Dinh Độc Lập để đạt được ý đồ của đạo quân xâm lăng.   Hành trình di tản chấm dứt khi máy bay hạ cánh âm thầm vào giữa đêm thanh vắng đầu tuần tháng Năm và được đưa về tại Trại Tị Nạn Ft. Chaffee tại Arkansas để bắt đầu một cuộc sống mới. Nghe nói máy bay đến ban đêm để tránh cuộc biểu tình ban ngày tại phi trường của dân chúng địa phương chống cuộc di cư của dân Việt Nam.   Sau ba tuần sống tại trại tôi là người đầu tiên trong nhóm may mắn được bốc ra trại dưới sự bảo trợ của ông bạn quen người Mỹ. Ngay sau ngày ra trại là tôi được ông ta ghi tên vào Đại Học Brigham Young tại Provo, Utah để tiếp tục học vấn cho kịp khóa mùa hè.   Lại một lần nữa khi tôi như là cây lúa gần trổ bông rồi thế sự đưa đẩy được bức gốc tức tưởi bất thình lình và dúi trồng lại trên mảnh đất rộng lớn đầy thử thách.   Kiếp trâu bây giờ được mang ra đồng thử sức cầy bừa sau bao năm sống nhởn nhơ trong chuồng. Sau giờ học tôi làm chân rửa bát cho cafeteria của trường. Lúc đầu cứ tưởng phải ngồi xổm rửa chén bát như ở nhà nhưng rất ngạc nhiên được mang tới một phòng lớn ngột ngạt hơi nước với hệ thống máy rửa khổng lồ. Người rửa chén chỉ việc làm theo đường dây truyền xếp chén dĩa dơ vào cái giá plastic rồi đẩy qua máy rửa và đợi máy rửa xong thì cho chén dĩa sạch hãy còn nóng hổi vào giá khác.   Đến mùa hè tôi cũng mạo hiểm đi kiếm việc và vẫn là nghề cũ nhưng tại một sòng bài nổi tiếng tại thành phố nghỉ mát South Lake Tahoe, California thơ mộng. Rồi sau bao nhiêu ngày tháng học hành, làm việc cho nhà thờ và di chuyển tôi mới được đoàn tụ với mợ tôi cùng hai bà chị tại Minneapolis vào cuối thu 1978.   Sau bao năm lưu lạc tại Utah, California, Hawaii, Paris và Michigan của bốn mẹ con chúng tôi, bây giờ chúng tôi mới được đùm bọc nhau tại hai phòng apartment xưa cũ. Còn gì bằng bây giờ tôi lại được nếm các món ăn quen thuộc ngon lành qua tài nấu nướng của mợ tôi. Trong cái lạnh buốt da của Minnesota tôi lùng kiếm được một công việc mà tôi hằng mong ước: dạy học. Tuy chỉ là phụ giáo trong chương trình Song Ngữ tại Khu Học Chính Minneapolis nhưng đó là bước chân vào ngưỡng cửa của nghề giáo mà nghiệp chướng đã an bài. Kiếp trâu đi cầy ban ngày và đi học ban đêm để lấy bằng dạy học, tối mù mới được về chuồng. Cứ như vậy một ngày như mọi ngày.   Chương trình Song Ngữ dạy hai thứ tiếng hồi đó rất thịnh hành cho học sinh tị nạn Việt Nam, Lào, Căm Bốt và Hmong. Nhưng có người chống đối vì chương trình này quá tốn phí và học sinh phải ưu tiên học tiếng Anh. Thành ngữ “Sink or swim” hay “ Chìm hay bơi” có nghĩa là cứ để học sinh tị nạn đi học như học sinh thường và mặc xác chúng thất bại hay thành công. Tuy nhiên phần nhiều các học sinh tị nạn, nhất là các em Việt nam chỉ học lớp Song Ngữ trong thời gian ngắn và sẽ theo kịp được học sinh bản xứ và nhiều khi còn trội hơn trong lớp.   Minneapolis nổi tiếng là thành phố có nhiều hồ và dân cư thân thiện phần nhiều là gốc Scandinavian (Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch) nên dân Việt Nam cũng khá đông. Thấm thoát tôi được nhập tịch làm công dân Hoa Kỳ khoảng đầu thập niên 1980 sau cuộc thi. Thấy tôi là thầy giáo nên ông thẩm phán hỏi tôi một câu tương đối khó:   -“What’s the Bill of Rights?” hay “ Mười tu chánh án đầu tiên là gì?”   Tôi đang dạy về môn Sử Hoa Kỳ nên thuộc bài trả lời làm ông thẩm pháp chặn lại:   -“That’s enough, you’re passed!” hay “Thôi đủ rồi! Anh đậu rồi!”   Thế là tôi là dân Mỹ hợp pháp giống như các đồng nghiệp người Mỹ tại trường. Nghĩ lại mình cũng như là một thành phần được đưa vào nồi lẩu gồm nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng hãy còn giữ được sắc thái mùi vị riêng, không giống như hồi xưa cho rằng ai vào dân Mỹ phải được đồng hóa như là nhảy vào lò luyện thép “melting pot” để trở thành dân Mỹ chính cống ai cũng giống ai!   Ất Sửu 1985: Hôn Nhân và Gia Đình   Thế rồi bao nhiêu năm cầy xâu và vẫn độc thân như câu ca dao này làm tôi giật mình:   Trâu kia kén cỏ bờ ao   Anh kia không vợ đời nào có con   Người ta con trước, con sau   Thân anh không vợ như cau không buồng   Cau không buồng như tuồng cau đực   Trai không vợ cực lắm ai ơi!   Người ta đi đón, về đôi   Thân anh đi lẻ, về loi một mình   Thành ra trâu tôi bấy giờ mới bắt đầu xục xạo đi kiếm người bạn trăm năm. Sau bao nhiêu cuộc giới thiệu không thành tôi được làm quen với một em gái của bạn bà chị đang học tại Georgia Technical College ở Atlanta năm cuối. Hồi còn là sinh viên với đôi vai gầy đeo kính trắng hay thơ thẩn vào tiệm sách trên đường Lê Lợi xem sách báo cọp và nay được ông tơ bà nguyệt xe sợi chỉ hồng vào chân của đôi trẻ dưới sự bằng lòng của ông bà chủ tiệm sách.   Em như ngọn cỏ phất phơ   Anh như con nghé nhởn nhơ giữa đồng   Sau ngày lễ tốt nghiệp của nàng là lễ cưới và chàng đưa nàng về dinh tại Minnesota đúng vào năm tuổi Ất Sửu. Ai bảo năm tuổi là năm hạn nhỉ?   Thế là nay tôi không còn lông bông nữa! Sợi chỉ hồng sao mà chắc thế! Khoảng hơn một năm sau tin mừng đến khi chúng tôi có đứa con gái đầu lòng ra đời. Dân Việt nam phần nhiều ai cũng mong con trai đầu nối dõi. Nhưng sang Mỹ khái niệm này chắc có phần thay đổi.   “Ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng” là câu an ủi cho vợ chồng son có con gái đầu của các cụ ngày xưa.   Rồi liên tiếp hai năm một lần chúng tôi có thêm hai thằng cu nuôi bở hơi tai. Có một điều là chúng tôi tự tay nuôi nấng chúng, không bao giờ để ai trông giùm ngay khi có bà nội ở bên cạnh. Tôi đi cày bới trên cánh đồng bao la đầy chữ nghĩa ban ngày rồi về chuồng lại được nhà tôi giao cho đàn nghé nheo nhóc để nàng làm ca đêm. Cứ như vậy nhưng chả than vãn nếu có thì cũng chẳng ai nghe! Làm thầy giáo luôn luôn được khuyến khích dùi mài kinh sử thêm để cải tiến chức nghiệp của mình và cũng để sung bổ số lương. Đây cũng là một cách làm gương cho con cái có ý tưởng tốt về nghề giáo mà xã hội không đánh giá cao nhất là cho dân gốc Việt.   Việt Nam, quê hương sao quá xa vời cả một đại dương nghìn trùng. Mãi cho đến năm 1994 Tổng Thống Bill Clinton mới nhấc bỏ luật cấm vận thương mại với chính phủ Việt Nam làm dân bên nhà và dân gốc Việt vui mừng chào đón tin này.   Đinh Sửu 1997 : Bay về Phương Đông   Chương trình Song Ngữ tại Minneapolis không còn thịnh hành nữa nên tôi chuyển sang dạy môn ESL bậc tiểu học cho học sinh Hmong. Dù thế nào dạy học sinh thiểu số không gian nan bằng dạy   lớp thường xuyên vì chúng dễ dạy bảo hơn. Làm nghề giáo chỉ bận bịu trong niên học nên ba tháng mùa hè tới là chúng tôi dắt díu nhau đi du lịch. Tôi có xin được ngân sách của chính phủ để đi học lớp hè ba tuần về nghệ thuật của họa sĩ nổi tiếng Winslow Homer tại Đại học Syracuse, New York nên cả nhà chui vào chiếc xe minivan phiêu lưu đến miền Đông nước Mỹ.   Đàn nghé nhà tôi được nuôi ăn cỏ Mỹ thơm lớn như thổi vừa đi vừa chọc nhau trên xe làm ông tài đỡ buồn ngủ. Nhân dịp này đến cuối tuần chúng tôi đi ghé thăm nhiều nơi nổi tiếng như thành phố New York không bao giờ ngủ với Tượng Nữ Thần Tự Do và Tòa Tháp Đôi (Twin Towers), Thác Niagara hùng vĩ và thành phố Toronto, Canada. Lúc đó chưa có máy GPS nên lái xe hay bị lạc. Sợ nhất là khi đến khu Harlem dữ dằn của New York mà không dám bước ra xe hỏi đường.   Đây là chuyến đi rất bổ ích cho gia đình để hiểu biết hơn về thế giới bên ngoài. Rồi sau đó trâu tôi nhờ thẻ thông hành của nước Mỹ đã được chắp cánh bay xa về phương Đông nhờ các bài viết xin ngân sách của tổ chức “ Fund for Teachers” hay “Quỹ Dành cho Giáo Sư”, học bổng của Fulbright và chương trình dạy Anh Văn “Teaching English in China” để thăm viếng, học hỏi hay làm công tác thiện nguyện. Giáo sư không bị ràng buộc trong bốn bức tường của lớp học nhưng có thể mở rộng tầm nhìn thế giới bằng những cuộc du lịch ngoại quốc không tốn tiền. Việt nam, Nhật Bản và Trung hoa là nơi tôi đã đặt chân đến.   Kỷ Sửu 2009: Đàn Nghé Đã Lớn và Trâu Về Chuồng   Đầu năm 2009 Barack Obama tuyên thệ nhậm chức vụ Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 44 gốc Phi Châu đầu tiên như là một luồng gió mới thổi đến chính trường Hoa Kỳ. Khi bầu cử 2008 tới các con tôi đã trưởng thành trên đất Mỹ và ý thức được sự quan trọng của cuộc bầu bán nên chúng đã tham gia nhiệt tình lôi kéo theo cả bố mẹ. Cả ba đứa đã bước chân vào Đại Học nên chúng tôi đỡ lo phần nào dù rằng phải giúp chúng một phần việc trang trải học phí.   Tôi còn nhớ khi lần đầu tiên bế đứa bé đầu lòng và hoang mang không biết nuôi con làm sao. Nghe ai nói nuôi con dễ lắm nhưng cho đến khi qua cầu thì mới hay. Theo thiển ý đáng hai xu của tôi là hãy làm gương tốt cho con cái noi theo, để con cái phát triển óc tự lập khi còn nhỏ và nói nhẹ nhàng với con đừng la hét vì hoa nở vì mưa rào mà không bằng sấm sét.   Khi tôi có dịp sang Trung hoa dạy Anh văn mùa hè trong thập niên 2000, tôi mang cả nhà theo. Cô con gái rượu trong tuổi 15 được tôi cho dạy thử một lớp và mấy năm sau đó nó thường đến lớp giúp tôi trong ngày “Mang Con Cái Tới Trường” hay “Take Your Son or Daughter to School”. Chúng tôi không ngạc nhiên mấy khi nó muốn học ngành Sư phạm dạy ESL giống bố sau ngày tốt nghiệp trung học.   Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã từng nói trong bài diễn văn tại trường Đại Học Pennsylvania năm 1940: “Chúng ta không có thể chuẩn bị cho tương lai của con cái nhưng ít nhất chúng ta có thể chuẩn bị con cái cho tương lai.” hay “We may not be able to prepare the future for our children but we can at least prepare our children for the future”. Thật là đúng vì bố mẹ không thể nào ước mơ một tương lai hoàn hảo cho con cái nhưng có thể trang bị kiến thức, tài khéo và giúp đỡ cần thiết cho chúng để làm cho thế giới của chúng tốt đẹp hơn.   Kéo cầy được mấy năm nữa thì tôi đã thấy bắt đầu mỏi mệt vì dạy học trở nên gay go ngay cả với người dạy lâu năm nên trâu tôi làm đơn xin về chuồng vào năm 2014.   Hai đứa lớn đã lập gia đình có nghề nghiệp đàng hoàng là giáo sư và cảnh sát, đứa út còn độc thân làm dược sĩ bên Cali và chúng tôi có thêm hai đứa cháu nội trai kháu khỉnh nên cảm thấy an vui vì đã làm tròn bổn phận. Đứa nào cũng có cuộc sống riêng nên bây giờ mới thư thái tính chuyện cho hai mái đầu bạc.   Trâu đã được về chuồng nhưng có cửa khác để thoát nhàm chán. Đó là cửa máy bay mở rộng để đi du lịch kỳ thú vui chơi ngày tháng còn lại. Hai vợ chồng già dắt díu về thăm quê hương, ngắm cảnh mùa xuân và mùa thu quyến rũ ở Kyoto, ăn quà vặt tại Singapore, lễ chùa bên Thái Lan và Miến Điện, ngửi hoa xứ tại Bali, đi du thuyền bên Trung Mỹ và Bắc Âu, ghé thăm Đài Loan và ăn cơm tây bên Âu Châu. Rồi mấy chị em của bà xã còn rủ rê đi khám phá các Công Viên Quốc Gia tại Mỹ như Bryce, Zion, Grand Canyon, Teton và Yellowstone. Chân còn cứng thì còn đi. Mark Twain, nhà văn nổi tiếng của Mỹ đã viết:   “Hai mươi năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn đã làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió. Thám hiểm. Mơ Mộng. Khám Phá.”   Đầu năm 2020 hai vợ chồng mò mẫn sang Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tránh tuyết Minnesota thì nàng Cô Vi cũng bắt đầu len lỏi từ Trung Hoa sang Âu Châu. May mắn lúc đó tin tức hãy còn mù mờ nên chúng tôi cứ theo lịch trình mà đi cho đến khi ngày gần về Mỹ tại Lisbon ông chủ nhà Airbnb chỉ cho chai khử trùng sanitizer để dùng thì mới ngỡ ra Cô Vi đang bắt đầu hoành hành mạnh bên Âu Châu. Về lại Minnesota được mấy ngày thì chính phủ ra lệnh cấm máy bay Âu Châu hạ cánh trên đất Mỹ!   Thế là mộng du lịch vỡ tan tành. Ngoài đại dịch Cô Vi nước Mỹ còn bao nhiêu hiểm họa đổ dồn đến như bão lụt miền Nam, cháy rừng miền Tây, biểu tình nổi loạn nhiều nơi và cơn sốt nóng hổi của chính trị tại Washington DC. Năm 2020 là năm nhiều người không muốn nhớ lại và không dễ dàng quên.   Năm Tân Sửu 2021: Cầu Chúc Cho Tương Lai   Đại dịch COVID thật tồi tệ nhưng đã làm cho chúng ta tử tế và thông cảm với nhau nhiều hơn. Thế giới chung quanh hình như đi chậm lại, không còn bon chen như xưa và cảnh vật xanh tươi sáng sủa hơn.   Trước thềm Tết Tân Sửu xin chúc cho mọi người đều được chích ngừa đại dịch, chương trình Cứu Trợ Dịch COVID được chấp thuận và có hiệu quả, kinh tế chóng được hồi phục, tình hình chính trị bớt bão táp, thầy cô và học trò được đến trường giảng dậy và học hành an toàn và các phi trường được rộng mở để ngành du lịch phát triển để tôi có dịp xổng chuồng vui chơi nốt những ngày còn lại của tuổi Trâu.

Đặng Hà Nội

Không có nhận xét nào: