Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

Ông Vua cho xây dựng cầu Trường Tiền - Chương TX

“ Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Anh theo không kịp
Tội lắm em ơi!...[14]. “
   Lên ngôi năm Kỷ Sửu 1889 khi 10 tuổi, vua 
   Thành Thái cho lập trường Quốc học, ban chỉ dụ    xây cầu Trường Tiền để thuận cho dân đi lại.
<!>

Theo sách Đại nam liệt truyện, năm 1889, vua Đồng Khánh đột ngột qua đời khi 24 tuổi. Hoàng tử Bửu Đảo con vua Đồng Khánh mới 3 tuổi nên không thể nối ngôi. Triều đình Huế xin ý kiến của Tổng sứ Trung Bắc kỳ tìm người khác trong dòng tộc triều Nguyễn nối ngôi. Sau nhiều cuộc nghị bàn, hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Lân, con thứ bảy của vua Dục Đức, được chọn.


Hoàng tử Bửu Lân đăng quang ngày mùng 2 Tết Kỷ Sửu (2/2/1889) tại điện Thái Hòa mà không có ngọc tỷ truyền quốc, cũng chẳng có di chiếu. Triều Nguyễn khi đó xảy ra nhiều biến cố, chỉ bốn tháng thay ba vua


Điện Thái Hòa, nơi vua Thành Thái lên ngôi vua năm Kỷ Sửu. Ảnh: Võ Thạnh

Điện Thái Hòa, nơi vua Thành Thái lên ngôi vua năm Kỷ Sửu. Ảnh: Võ Thạnh

Hiểu rõ tình cảnh của vua cha Dục Đức từng bị phế truất và bối cảnh đất nước lúc bấy giờ, vua Thành Thái nhỏ tuổi, nhưng khá thận trọng. Nhà vua chủ trương không bài ngoại nên ngoài việc học chữ Nho còn học thêm tiếng Pháp, khuyến khích con cái cùng quần thần học chữ Pháp, đọc sách Pháp, đặt mua "báo Tây". Vua chủ động nghiên cứu các thiết bị kỹ thuật tân tiến của phương Tây, thường xuyên vi hành để gần dân, hiểu nỗi thống khổ của dân.

Mặc dù hướng ngoại, thích văn hóa phương Tây, vua Thành Thái không quên chăm lo việc học hành, sách vở theo truyền thống. Nhà vua giao Quốc Sử quán sưu tầm sử liệu từ đầu triều Minh Mệnh đến cuối năm Đồng Khánh để viết sách Liệt truyện. Năm 1896, vua giao cho Viện Cơ mật xem xét lập trường Quốc học trong Kinh thành để chuyên dạy chữ Pháp đồng thời với chữ Hán.

Sách Đại nam thực lục ghi chép: "Việc học hành muốn mở mang tất phải luôn đổi mới, việc dạy dỗ muốn chuyên sâu tất phải lập trường. Học có rộng thì sau mới thông tuệ mà làm được việc, dạy có chuyên sâu thì sau mới tinh nghiệp mà thành tài. Nước ta từ Quốc Tử Giám ở kinh cho đến các tỉnh, phủ, huyện không đâu không có học hành.

Nho học thì đã tường nhưng Tây học còn khiếm khuyết nhiều... Nay chuẩn cho phép mở trường học chữ Tây gọi là trường Quốc học để chuyên dạy nói chữ Pháp và dạy thêm chữ Hán. Chuẩn cho các học sinh tuổi từ 15 đến 20 phàm là công tử, tôn sinh, ấm tử con cháu quan viên người nào đã thông chữ Nho cùng sinh viên Quốc Tử giám và học sinh các trường tỉnh người nào tình nguyện nhập học dù tuổi quá 20 mà tư chất tuấn tú đều theo lệ chi học bổng cho đến học"


Cầu Trường Tiên bắc qua sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh

Cầu Trường Tiên bắc qua sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh

Dòng sông Hương trước mặt Kinh thành Huế người dân qua lại nhiều song bất tiện vì không có cầu. Sau khi Cơ Mật viện tấu cần xây dựng cầu sắt bắc qua sông Hương, mùa thu năm 1896, vua Thành Thái ban chỉ dụ xây dựng cầu.

Sách Đại nam thực lục ghi chép: "Chính trị nhân đức không gì quan trọng bằng gia ơn cho dân. Gần đây, phàm tiến hành làm các cầu đường là để tiện cho dân vậy. Nay theo lời Cơ Mật viện tâu nói phía trước sông Hương là quan lộ, nghĩ nên làm một chiếc cầu sắt để tiện thông hành, duy vì phí tổn rất lớn nên còn phải chờ tính toán trù biện".

Một năm sau khi vua Thành Thái ban chỉ dụ xây dựng cầu sắt, tháng 4/1897, Toàn quyền Đông Dương Doumer đến Huế và bàn bạc với triều đình tập trung đầu tư để có công trình bền vững lâu dài. Nhà vua sai bộ Hộ trích giao 190.000 đồng, số còn thiếu Pháp giúp đỡ. Việc thi công cầu được giao cho hãng Eiffel. Khi cầu Trường Tiền xây dựng, vua đặt viên đá đầu tiên.

Sau hai năm xây dựng, cây cầu gồm 6 nhịp dầm bằng thép hình chiếc lược ngà (bán nguyệt), nền lát gỗ lim, dài hơn 400 m tính từ hai mố, lòng cầu rộng 6 m. Cầu hoàn thành và được đặt theo tên của nhà vua là cầu Thành Thái. Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hương.

Năm 1907, thực dân Pháp phát hiện vua Thành Thái có tư tưởng chống Pháp khi thành lập đội nữ binh trong cung và tự nghiên cứu các bản thiết kế vũ khí. Để trừ mối họa, thực dân Pháp ép ông phải thoái vị. Để hợp thức hóa, Tòa Khâm sứ cùng Hội đồng phụ chính bố cáo cho quốc dân biết nhà "vua bị điên", nên vì quyền lợi của đất nước chính phủ Pháp - Việt đã phế vua và lập vua mới


Sau khi tự "phê chuẩn" vào chiếu thoái vị do các đại thần soạn thảo, vua Thành Thái bị áp giải vào Sài Gòn rồi bị quản thúc tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Năm 1916 ông bị đày sang đảo Reunion, châu Phi cùng với người con trai cũng bị Pháp phế truất đó là vua Duy Tân.

Sau năm 1945, vua Thành Thái trở về Việt Nam và sống cùng gia đình tại Vũng Tàu. Ngày 20/3/1954, ông mất tại Sài Gòn, thọ 75 tuổi. Hài cốt của nhà vua sau được an táng cùng vua cha là Dục Đức tại An Lăng, phường An Cựu, TP Huế.

Trải qua hơn 100 năm tồn tại với ba lần đổ sập và nhiều lần được đổi tên, cây cầu do vua Thành Thái ban chỉ dụ xây dựng nay được gọi là cầu Trường Tiền. Công trình trở thành biểu tượng của Huế

Cầu Trường Tiền còn được gọi là Cầu Tràng Tiền[1], là chiếc cầu dài 402,60 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67 m. Khổ cầu 6 m [2], được thiết kế theo kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương. Đầu cầu phía bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu cầu phía nam thuộc phường Phú Hội; ở ngay giữa thành phố Huế thuộc Việt Nam.

Không có nhận xét nào: