Từ y sĩ tiền tuyến Hoàng Cơ Lân đến Commando Trần Đình Vỵ đón Xuân Paris.
Giao Chỉ, San Jose
Viết tặng đại tá Trần Đình Vỵ và đại tá y sĩ Hoàng Cơ Lân
Phi lộ: Ngày xưa trước 75 rạp Rex Sài Gòn chiếu phim“Les héros sont fatigués ”. Câu chuyện về những người lính già mỏi mệt. Sau 75 chúng tôi chạy qua Mỹ đọc thơ Cao Tần: “Hỡi người chiến binh một đời anh dũng, mày lang thang đất lạ đến bao giờ?”. Anh lính già chợt thấy mỏi mệt. Khi tạm thời lo xong chuyện cơm áo, chợt nhớ anh em. Giao Chỉ viết bài ca họp khóa. “ Bước chân đi mặt còn ngoảnh lại, phía chân trời xiềng xích trông theo”. Biết rằng con đường còn lại không phải dành cho người mỏi mệt. Từ đó hưởng ứng không mệt mỏi các phong trào kháng chiến phục quốc rồi chuyển qua các cuộc tranh đấu thực tế cho HO, SOS. thuyền nhân, con lai, đoàn tụ, quốc hận, quân lực, hội Tết, biểu tình, thương binh, nghĩa trang….Chúng tôi không phải là anh hùng nhưng chúng tôi tiếp tục cuộc chiến không mỏi mệt. Chỉ đơn thuần là những người cao niên cô đơn không chịu già. Mãi mãi tuổi 80.
Hỏi bác Giao Chỉ:
Trong suốt thời gian qua, nhiều bạn trẻ và cũng có quý vị cao niên qua chút tình truyền thông đã gửi cho chúng tôi những câu hỏi. Trong số những đề tài đưa ra có nhiều vấn nạn thời sự và cũng có các câu hỏi rất tổng quát. Chúng tôi xin chia xẻ với độc giả bốn phương. Như sau:
Người già nên yên nghỉ sớm?
Đây là trường hợp đại tá y sĩ Hoàng Cơ Lân bị lên án vì đã phê bình tổng thống Trump. Ông bị các dư luận viên cả trong nước và hải ngoại chê bai và thậm chỉ mắng chửi thậm tệ. Chính chúng tôi cũng hân hạnh cùng chung danh sách bị đánh phá nặng nề. Duy có điểm đáng lưu ý là thiên hạ khuyên nhẹ nhàng hoặc khuyên nặng nề rằng các ông già nên ngồi yên mà chờ đến lúc về với quân khu 9 suối. Bình luận này dù là tình cảm xây dựng hay phỉ báng cũng làm cho tôi rất muốn viết thành một đề tài thảo luận. Xin nói trước rằng bài n ày. Chúng tôi không bàn chuyện bầu cử giữa 2 đảng tại Hoa Kỳ. Không nói chuyện ông tổng thống Trump. Chỉ đơn thuần lên tiếng về việc các ông già chúng tôi nên làm gì hay chỉ ngồi nhẹ nhàng chờ chết.
Chuyện bằng hữu bên Tây: Từ bên Pháp, qua tin tức và hình ảnh tôi biết 2 chiến hữu cao niên là bác đại tá Hoàng Cơ Lân và đại tá Trần đình Vỵ . Hàng năm vẫn mặc quân phục mang cờ vàng tham dự các ngày hội lớn với cựu quân nhân Pháp. Đặc biệt là những ngày chiến sĩ trận vong. Các bác lại còn quan tâm cả đến những người lính gốc Việt tha hương tham chiến đệ nhất và đệ nhị trên chiến trường Pháp quốc. Bác Lân năm nay gần 90, bác Vỵ ngoài 90 nhưng sự suy tư vượt ra khỏi hoàn cảnh chính trị. Những người lính Việt khố xanh khố đỏ của thời xưa cũng chỉ vì hoàn cảnh mà mặc quân phục dưới nhiều mầu cờ sắc áo. Sau cùng chỉ còn tình chiến hữu. Những người một thời sống chết bên nhau và ý nghĩa của tình chiến sĩ bàn giao cho thế hệ kế tiếp. Hình ảnh 2 ông đại tá già của VNCH đứng tưởng niệm và thắp hương cho các người Việt ngày xưa gọi là đi lính cho Tây tại những nghĩa trang gần như bị bỏ quên ở phương trời Pháp Quốc làm tôi vô cùng xúc động. Làm sao tôi không trạnh lòng nghĩ tới những tay cũng gọi là chiến binh VNCH nỡ lòng nào mà lên tiếng chửi bởi các ông quan già một thời binh lửa trên chiến trường tồi tệ của chiến tranh Việt Nam.
Tiếng súng tàn nhẫn bắn vào các ông già chúng tôi nếu là tiếng AK 47 của cộng sản đã đành. Sao lại có cả tiếng súng M16. Bác Hoàng Cơ Lân, dưới nhãn quan của tôi là người chiến binh hãnh diện của VNCH. Ông là y sĩ nhưng sống trong hồn chiến binh Mũ Đỏ. Nếu các bạn thực sự tôn trọng cấp bậc xin gọi ông là đại tá chứ không phải là cựu đại tá. Sự lên tiếng của bác sĩ Lân về tình hình chính trị tại Mỹ rất hợp lý và can đảm. Phản ánh bản lĩnh không thay đổi của một sĩ quan VNCH cương trực và hãnh diện. Không hề thay đổi. Còn việc nhận định đúng hay sai là tùy người đối diện. Các bạn nói rằng ông bác sĩ già từ phương trời Âu biết gì về nước Mỹ mà bàn luận linh tinh. Nhầm. Thế giới bây giờ bước vào thế kỷ G5 trái đất chỉ nhỏ như trái ban trong bàn tay. Dù ở đâu, muốn biết là biết hết.Chúng tôi hãnh diện đứng bên nhau dù là ở Paris hay Cali.
Phần đại tá Trần đình Vỵ của chúng tôi mới quả thực là huyền thoại nhà binh. Chàng trai này say mê binh nghiệp đã gia nhập vào Com măng đô từ năm 17 tuổi. Khi ông đeo lon trung sĩ biệt động đánh nhau với du kích cộng sản ngay trong thành phố Nam Định thì tôi vẫn còn học trung học Nguyễn Khuyến. Tiễn Tây về nước bác Vỵ đã tốt nghiệp sĩ quan và chức vụ sau cùng là đại tá tiểu khu trưởng Quy Nhơn. Con người mặc quân phục suốt đời chưa chấm dứt binh nghiệp năm 1975. Tại Pháp ông đại tá VNCH xin đi lại từ đầu. Sau cùng ông giải ngũ binh đoàn Lê Dương nổi danh của Pháp với cấp bậc đại tá. Ngày nay, đúng như vậy, trên khung trời Mạng Ảo con người gần 100 tuổi mang 2 lon đại tá Tây và Ta vẫn bay lượn với Email thiên hạ sự. Bác Vỵ và bác Lân của tôi là những người anh hùng không mỏi mệt. Nếu các bạn thêm tên tôi vào danh sách những ông già còn làm chuyện thế sự, chúng tôi rất hân hạnh.
Đây là lý do tại sao.
Những quân nhân cao cấp của VNCH qua Mỹ năm 1975 ở tuổi trung bình từ 40 đến 50. Nếu bị tù cộng sản sẽ ra hải ngoại lúc gần 60 tuổi. Bạn đem theo những gì. Một tâm trạng bi thảm vì nước mất nhà tan. Nhưng thực sự vẫn còn vốn quý của lớp người đầy kinh nghiệm, dù bao gồm cả niềm đau tan hàng gẫy súng. Các sỹ quan cấp tá của VNCH tuy trở thành cựu quân nhân nhưng phần đông có nhiều bạn bè cố vấn Hoa Kỳ cũng vào tuổi về hưu với cấp bậc rất cao. Cả tầng lớp hàng ngàn cố vấn Mỹ rất thông cảm và hết lòng chia xẻ với các đơn vị trưởng Việt Nam. Riêng tôi với kinh nghiệm cá nhân có anh đại úy cố vấn đối nhiệm hiền lành thời xưa. Khi trở về Mỹ đại úy Treger trở thành phụ tá bộ trưởng cựu chiến binh. Anh ta đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc sưu tầm tài liệu cho Việt Museum. Đặc biệt anh là người cam đoan sẽ bay về Việt Nam nếu tôi về thăm nghĩa trang Biên Hòa mà bị cộng sản làm khó dễ. Dù chuyện này chưa xảy ra nhưng năm trước anh đã qua San Jose thăm chúng tôi và vẫn giữ mãi tác phong của anh đại úy trẻ kính cẩn chào ông đại tá VNCH. Với bạn Triger ông đại tá VNCH của ủy ban Pathfinder mãi mãi là đại tá. Không bao giờ là cựu đại tá. Thêm một thí dụ khác. Quý vị chắc đã từng nghe vị đại tướng anh hùng Mỹ Quốc trong trận Trung Đông. Qua kỷ niệm lúc làm cố vấn cho tiểu đoàn nhảy dù của thiếu tá Ngô Quang Trưởng sau này ông đã viết sách ca tụng vị tướng VN tư lệnh quân đoàn I. Ông xếp trực tiếp của tôi là trung tướng Đồng văn Khuyên khi qua Mỹ, hầu hết các tướng lãnh Hoa Kỳ đều là chỗ quen biết và kính trọng. Sau vài năm đám bạn bè tướng lãnh cũ đều thăng cấp đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuyệt đối những vị như tướng Trưởng và tướng Khuyên hoàn toàn không có cơ hội trông cậy vào sự quen biết và ảnh hưởng lớn lao của tình nghĩa cũ trong chiến tranh.
Tiếc thay đối với các niên trưởng của chúng tôi, cuộc chiến cũ không còn nữa. Thực sự chúng ta rất cần các vị niên trưởng tiếp tục làm việc. Trong hoàn cảnh hiếm hoi và cô đơn, tôi tham dự 8 kỳ họp với các giới chức trên thủ đô để tranh đấu về việc tìm tự do cho tù tập trung cải tạo. Những buổi họp và vận động mở đường cho chương trình HO sau này. Phần lớp gặp các nhà đấu tranh dân sự như bà Khúc Minh Thơ, bà Chi Ray, Ông Nguyễn Ngọc Linh, Nguyễn ngọc Bích v v. Phải chi mà có được các tướng tá vận động các vị tư lệnh quốc phòng Hoa Kỳ. Quay sang đề tài Cứu người vượt biển cũng cùng chung vấn nạn. Toàn là dân tỵ nạn biểu tình khóc dưới trời mưa trước Bạch Cung khi ông Carter từ trên lầu ngó xuống. Các vị niên trưởng trong quân đội nếu cùng nhau ngồi lại và tích cực tham dự sẽ có dịp lôi kéo biết bao nhiêu cố vấn Mỹ nay đã trở thành các tướng lãnh của các quân binh chủng Hoa Kỳ.
Vào giữa thập niên 80 đã có một buổi họp mặt các tướng lãnh tại San Jose, tổng thống Thiệu có tham dự. Ông dự trù thăm dò con đường đặt lại vấn đề hiệp định Paris và xây dựng lại VNCH. Nhưng xem chừng ước mơ không thực tế nên ông đã rút lui. Riêng các tướng lãnh thành lập nhóm Diên Hồng nhưng rồi cũng không bền vững. Đối với giới tướng lãnh đã một thời trách nhiệm toàn quyền về việc lãnh đạo đất nước thì nhu cầu ái hữu không còn thực tế. Một vài bài báo vo ve và những cuộc xuống đường rất nhạt nhẽo chống đối cũng đủ làm cho hàng ngũ sĩ quan cao cấp tan hàng rất dễ dàng. Mục tiêu ngồi lại thì lớn lao nhưng phần lớn lấy cớ tuổi già nên sẵn sàng ngồi chờ thế sự trôi qua như mây trời lãng đãng. Có thể chỉ còn mấy anh già điên chưa mỏi mệt tiếp tục đến giờ phút cuối cùng.
Ngày xưa đa số sĩ quan cao cấp chết vì trực thăng như kỵ binh chết trên mình ngựa. Nếu đi xe Jeep sẽ chết vì mìn nhưng vẫn để bao cát dưới chỗ ngồi để che chở cho bàn tọa. Báo đăng cáo phó các cấp hàng ngày. Ngày nay xông ra chỗ ba quân, suốt nửa thế kỷ chưa có anh nào bị chửi mà chết, tại sao lại e ngại. Cái khối sỹ quan cao cấp với kinh nghiệm lãnh đạo chỉ huy nếu tiếp tục được các cố vấn Mỹ hỗ trợ trong việc đấu tranh HO, SOS, Nghĩa trang, Thương phế binh quả phụ và nhân quyền tại Viet Nam thì may mắn biết bao cho cộng đồng. Nhưng…. Còn cái đám cái gì cũng chửi, gặp ai cũng chửi thì bất khả tranh luận. Nhưng còn những bạn lương thiện. Xin biết rằng chỉ còn một vài anh già chưa mỏi mệt vẫn muốn làm một điều gì cho đến khi suôi tay. Sao bạn lại can ngăn. Chúng tôi là những người không mỏi mệt. Nếu ghét bỏ xin cứ gọi là thằng đừng gọi là cựu đại tá. Quê lắm. Nhưng nếu chửi đại tá tụt quần và đu càng là chữ của Việt Cộng, coi chừng dễ bị lẫn lộn. Nếu tiếp tục đánh phá vô tội vạ thì ông bà đến 30 tháng tư lại phải đứng lên cảm ơn Việt Cộng. Nhờ nó đánh ông văng nên dậu đổ bìm leo. Ngày xưa nếu gặp đại tá hay thù vặt, bố bảo các cháu cũng không dám chửi ông. Dù cháu chưa chết ông cũng cho lên Nghĩa Trang quân đội nằm chờ. Bây giờ, ở xứ lạ quê người, ông già hơn cả tổng thống Mỹ. Ông muốn nói gì ông nói. Dù ở bên Tây hay bên Mỹ, quý ông sẽ sống đến tận cùng cuộc đời.
Le séjour en Indochine
…….Plus tard, le général de Lattre de Tassigny, commandant le Corps expéditionnaire français en Extrême-Orient, décide la création de 8 commandos Nord-Vietnam, unités légères avec des supplétifs encadrés par des sous-officiers et officiers français. L'objectif est de porter des coups au viet-minh en employant les mêmes méthodes que lui. Le nombre de commando monte à 45, dont le n°24 commandé par l'adjudant-chef Vandenberghe avec deux fidèles adjoints, le sergent Puel, un Béarnais issu comme lui du 49e régiment d'infanterie, et de Tran Dinh Vy, un ancien instituteur qui finira, plus tard, colonel de la Légion étrangère…..
Parmi ses hommes se trouvaient le caporal Ehret, jeune Alsacien ; Hubert, un opérateur-radio métis ; le sergent Gracelli, le sergent Puel (24 ans, médaille militaire et 6 citations, il sera tué en même temps que son chef) et le sergent vietnamien Tran Dinh Vy (qui plus tard, après un passage dans l'armée vietnamienne et la chute de Saïgon, finira comme colonel de la Légion étrangère avec Légion d'honneur, médaille militaire et 20 citations tant françaises qu'américaines et vietnamiennes). Il est à noter que Vanden était sur le tableau d’avancement pour le grade de sous-lieutenant juste avant sa mort.
Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét