Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020

Từ màn ảnh đến đời thật Mạnh Kim

Người đẹp Ana de Armas trong No Time to Die (MGM) 
Bộ phim mới nhất về điệp viên James Bond 007 (No Time to Die) sẽ được trình chiếu vào tháng 4-2020.Như 24 phim về James Bond trước đó, No Time to Die cũng sẽ thu hút khán giả bằng ba yếu tố: một chị “Bond girl” xinh đẹp (lần này là Naomie Harris), những pha hành động ngoạn mục, và đặc biệt các thiết bị kỹ thuật hiện đại đến mức siêu tưởng. Trong The World Is Not Enough, James Bond (Pierce Brosnan thủ diễn) sử dụng chiếc ca-nô không chỉ có thể lướt trên mặt nước như cá chuồn, lặn như cá heo mà còn phóng trên cạn như môtô! Có một điểm đáng chú ý: nhiều sản phẩm kỹ thuật trong các phim James Bond “quái” đến mức tưởng chừng không thể có thật, nhưng không ít trong số đó đã đi trước khoa học thực tế một bước – theo John Cork, đồng tác giả quyển James Bond: The Legacy
<!>
Đi trước thời đại hàng chục năm!
Thập niên 1960, trong From Russia With Love, người ta thấy James Bond dùng một vali đồ nghề trong đó có một con dao, 50 đồng vàng Anh, 40 băng đạn, một khẩu AR-7 nòng gấp và một hộp hơi cay. Trong các phim 007 sau, đồ chơi của James Bond ngày càng hiện đại – từ một chiếc máy bay có thể xếp gọn trong một toa xe ngựa (The Living Daylights – 1987), chiếc ba-lô có động cơ tên lửa đẩy (Thunderball – 1965) cho đến tàu ngầm có thể ngụy trang thành tảng băng (A view to a kill – 1985). Tất nhiên, đó là những sản phẩm được thai nghén từ trí tưởng tượng và thể hiện trên màn bạc nhờ kỹ xảo.
Dù vậy, cũng có nhiều đồ chơi James Bond đã đi trước thời đại. Trong From Russia With Love năm 1963 chẳng hạn, lần đầu tiên, người ta thấy máy nhắn tin, sản phẩm chưa từng có ở thời điểm đó (cái máy kêu bíp-bíp ở cảnh James Bond đang ái ân nhưng chàng điệp viên vẫn tranh thủ thực hiện xong “điệp vụ” trước khi phóng ra xe hơi dùng điện thoại gọi về căn cứ). 14 năm sau, máy nhắn tin mới phổ biến, và đến tận nay, không phải xe hơi nào cũng có điện thoại. Trong Tomorrow Never Dies, James Bond dùng điện thoại di động Ericsson làm thiết bị điều khiển từ xa cho chiếc BMW. Trong The World Is Not Enough, James Bond mang một đồng hồ Omega có thể điều khiển từ xa chiếc BMW. Cũng trong phim trên, James Bond còn có cặp kính nhìn thấu áo vest để quan sát đối phương có giấu súng hay không (một cảnh dạ hội trong phim này, James Bond dùng kính để ngắm chị em!).
Trong The World Is Not Enough, James Bond có cặp kính nhìn thấu qua quần áo! (GQ)
Trong The Living Daylights, James Bond có một chìa khóa mở được 99.9% ổ khóa trên thế giới; chìa khóa này còn có thể xịt hơi cay và cả thuốc nổ! Trong Moonraker, chàng điệp viên hào hoa có một máy ảnh cực nhỏ có thể chụp trong điều kiện tối thui tối mò. Trong A View to a Kill (1985), James Bond sử dụng cặp kính gắn thiết bị quay phim cực nhỏ và microphone (thiết bị này giờ nhan nhản thị trường). Trong Octopussy (1983), James Bond được trang bị thiết bị liên lạc cực kỳ hiện đại: máy phát tín hiệu giấu trong quả trứng Fabergé và máy nhận tín hiệu nằm trong cây bút của mình. Trước đó rất lâu, năm 1964, trong Goldfinger, James Bond 007 có một thiết bị bắt sóng nằm ở đế giày (thiết bị tương tự hiện không còn là chuyện giả tưởng).
Trong Licence to Kill (1989), James Bond dùng khẩu súng nhận biết dấu tay riêng (mà nếu vô tình rơi vào tay người khác, nó sẽ không hoạt động). Hiện tại, Colt – một trong những hãng sản xuất súng ngắn lớn nhất ở Mỹ – đang nghiên cứu loại súng không chỉ nhận biết dấu tay chủ sở hữu mà còn xác định chủ qua giọng nói hay bằng thiết bị điều khiển vô tuyến giấu trong người chủ sở hữu. Trong Live and Let Die (1973), James Bond dùng đồng hồ Rolex với mặt kính có thể biến thành lưỡi cưa cắt ngọt lịm sợi dây thừng, và nó còn tỏa từ trường làm “tấm khiên” che James Bond khỏi đường đạn địch! Trong Octopussy, James Bond có một đồng hồ bắt được tín hiệu liên lạc. Gần đây, một cảnh sát ở Cambridge (Anh) cũng chế được chiếc đồng hồ có thể nhận tín hiệu hình ảnh từ trực thăng. Với xe hơi lặn như tàu ngầm như chiếc Lotus Esprit trong The Spy Who Loved Me, hiện người ta có thể mua dễ dàng tại Mỹ hay Anh…
Thiết bị “ba-lô bay” trong Thunderball (1965) nay đã trở thành hiện thực (Telegraph)
“Người đẹp” xe hơi
Một trong những sản phẩm gần như không bao giờ thiếu trong các phim James Bond là xe hơi. Sang trọng, thời trang và đỏm dáng, xe hơi trong các phim 007 là một loại “người đẹp”. Tuy nhiên, người đẹp này luôn nguy hiểm. Trong Goldfinger và Thunderball, James Bond dùng chiếc Aston Martin DB5. Không chỉ có thể phóng với vận tốc 320km/giờ (198 mile/giờ), Aston Martin DB5 còn được trang bị súng máy Browning 30 ly, ống xịt dầu ở đuôi (làm xe rượt theo bị trượt), kính chống đạn và ghế có thiết bị đẩy trong trường hợp thoát thân khẩn cấp.
Tiến bộ hơn Aston Martin DB5, “người đẹp” Lotus Turbo Esprit (do hãng Lotus-Anh chế tạo) trong The Spy Who Loved Me và For Your Eyes Only có thể phóng hơn 200km/giờ (124 mile/giờ) với động cơ thường, nhưng có thể đạt 400km/giờ (248 miles/giờ) bằng động cơ đẩy. Ngoài ra, Lotus Turbo Esprit có thể biến thành tàu ngầm nhỏ. Nếu dùng ở “chế độ” tàu ngầm, Lotus Turbo Esprit lặn với vận tốc khoảng 22 knot (khoảng 25 mile/giờ). Chưa hết, nó còn có hệ thống radar, kính viễn vọng, máy xịt khói đánh lạc hướng đối phương (như con mực xịt mực!), dàn tên lửa đối không và cả súng phóng lao. Chiếc kế nữa là Aston Martin Volante: trang bị súng laser, tên lửa, động cơ đẩy tự hành, lốp bám mặt băng… Với động cơ V8 mạnh 480 mã lực, Aston Martin Volante có thể từ tình trạng tĩnh phóng lên vận tốc 100km/giờ (62 mile/giờ) chỉ trong 5.2 giây!
Xe hơi lặn như tàu ngầm, như chiếc Lotus Turbo Esprit (xuất hiện trong phim 007 từ thập niên 1970), giờ chẳng còn là sản phẩm khoa học viễn tưởng (NBC News)
Trong các phim gần đây, James Bond sử dụng xe BMW. Trong GoldenEye, James Bond dùng chiếc BMW Z3 Roadster mui gấp hai ghế ngồi. Xe có hệ thống bung dù phía sau, hệ thống radar và thiết bị dò đường SATVAV… Trong Tomorrow Never Dies, James Bond dùng chiếc BMW 75iL mạnh 326 mã lực với kính chắn đạn và “hệ thống phòng thủ cá nhân” với 12 hỏa tiễn Stinger. “Người đẹp” BMW 75iL cũng dùng lốp xe tự vá và đặc biệt được điều khiển từ xa bằng điện thoại di động Ericsson… Trong bộ phim James Bond thứ 25 No Time to Die sắp ra mắt, dàn xe hơi chủ lực trong phim là bốn model Aston Martin: DB5, DBS Superleggera, Valhalla và V8 Vantage. Cần nhắc lại, một trong hai chiếc DB5 từng xuất hiện trong Thunderball đã được mua trong phiên đấu giá Sotheby’s vào tháng 8-2019 với 6,385,000 USD! Trong bốn chiếc Aston Martin có mặt trong No Time to Die, đáng chú ý nhất là chiếc Valhalla, dự kiến bán chính thức sau năm 2021 với giá ít nhất 1.3 triệu USD!
Ngoài xe hơi, kỹ thuật không thể không kể nữa là trực thăng. Trong You Only Live Twice, James Bond dùng chiếc Little Nellie. Dù trông không dữ dằn như trực thăng Apache của quân đội Mỹ nhưng Little Nellie cũng có súng máy, súng phóng tên lửa và hệ thống tên lửa tầm nhiệt. Cùng Little Nellie, James Bond còn sử dụng chiếc Tiger (trong GoldenEye), có khả năng chịu bất kỳ chấn động điện trường nào và ngăn được hiện tượng nhiễu sóng vô tuyến…
Giá trị của ý tưởng
Nhìn chung, “đồ chơi 007” chia thành ba loại: thiết bị quan sát cực nhỏ, các thiết bị bình thường có thể biến thành súng và thiết bị cấp cứu. Thoạt đầu, những người làm phim chế ra “món” này đến “món” khác trong các thiết bị kỹ thuật tình báo-quân sự-tấn công-phòng vệ cho James Bond chỉ nhằm mục đích duy nhất tạo sự hấp dẫn. Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý là ý tưởng sáng tạo của họ. Năm 1965, ít ai có thể nghĩ ra bộ đồ lặn (mà James Bond lặn ngoài khơi Bahamas như trong Thunderball) lại có thể trở thành hiện thực.
Ngày nay, bộ đồ lặn đã quen mắt với cả trẻ con và trở thành thiết bị không thể thiếu cho dịch vụ du lịch thám hiểm lòng biển. “Tôi bị thôi miên bởi bộ đồ lặn trong Thunderball” – lời kể của Chase Brandon, viên chức tình báo làm việc cho CIA 30 năm và từng là một trong những cố vấn cho các phim James Bond 007. Theo Chase Brandon, các phim James Bond không chỉ hấp dẫn với khán giả bình thường mà giới tình báo lẫn quân đội Mỹ cũng thích xem. Nhiều thiết bị quân sự Mỹ đã ra đời từ chính sản phẩm “ba xạo” trong phim 007.
Chiếc classic DB5 của Aston Martin sẽ tái xuất trong No Time to Die (ảnh: website Aston Martin)
Chase Brandon cho biết quân đội Mỹ từ lâu nghiên cứu loại vũ khí gọi là “cigarette rocket” trong You Only Live Twice. “Cigarette rocket” là thiết bị dùng kích nổ, hoạt động liên hoàn: khi sử dụng, người ta đốt điếu thuốc (thật ra là ngòi nổ) để kích nổ một tên lửa tốc độ cao chỉ nhỏ bằng đầu bút bi. Trong khi đó, CIA nghiên cứu loại vũ khí có tên “Súng vàng” trong The Man With the Golden Gun. Ðây là vũ khí nguy hiểm nhất mà các nhà làm phim “trao” cho “kẻ thù” của James Bond. Khẩu súng được ráp từ một hộp thuốc lá, một bật lửa, một bút bi và một khuy măng sét. Bắn ra viên đạn vàng, nó được thiết kế giết đối phương chỉ bằng một phát…
Một trong những ý tưởng đã thành hiện thực nữa là thiết bị “ba-lô bay” (jetpack). Hơn nửa thế kỷ sau khi “điệp viên 007” Sean Connery đeo cái “ba-lô hỏa tiễn” đào thoát khỏi lâu đài của đại tá Jacques Bouvar trong Thunderball (1965). Năm 2016 người ta mới thấy cuộc biểu diễn ngoạn mục tương tự khi cựu phi công David Mayman đeo sau lưng một jetpack “lả lướt” trên dòng sông Thames (London). Jetpack không còn là thứ đồ chơi của dân mê kỹ thuật. Nó đang dần trở thành sản phẩm thương mại. Hơn thế nữa, hãng JetPack Aviation (California; do David Mayman sáng lập) đã cùng Bộ Tư Lệnh các Chiến Dịch Ðặc Biệt Hoa Kỳ (SOCOM) nghiên cứu chế tạo jetpack cho Navy SEAL. Cùng David Mayman xây dựng công ty JetPack Aviation và biến ý tưởng “ba-lô bay” trở thành hiện thực là Nelson Tyler, chẳng ai khác hơn chính là nhà sáng chế từng giành tượng Oscar hạng mục “thành tựu kỹ thuật” với vai trò sáng tạo kỹ thuật khi ông tham gia thực hiện phim 007 The Spy Who Loved Me (1977).
MK
Westminster, CA

Không có nhận xét nào: