Happiness là tựa phim hoạt họa ngắn của họa sĩ Steve Cutts người Anh. Phim phơi bày chính xác sự thật tàn nhẫn về đời sống hối hả chẳng khác nào như một cuộc đua chuột (rat race) không ngừng của con người trong xã hội hiện đại. Nguồn gốc chính xác của thành ngữ “rat race” không rõ lắm, có thể xuất phát từ trò chơi đua chuột thiệt nào đó vào những năm 1800 hoặc chuột thí nghiệm từ những năm 1930 tại Hoa Kỳ. Ý tưởng này có lẽ bắt nguồn từ những con chuột thí nghiệm chạy đua qua một mê cung để trở thành con chuột đầu tiên chộp được miếng phô mai. Trong trường hợp này, những con chuột kiếm được miếng phô mai dễ hay khó, khổ nhọc ít hay nhiều là do nhân viên phòng thí nghiệm thiết kế mê cung như thế nào. Số phận con chuột hoàn toàn tùy thuộc vào nhân viên phòng thí nghiệm. <!>
Thành ngữ nào cũng ẩn dụ nghĩa bóng mà có khi không dễ nhận ra từ nghĩa đen. “Rat race” ám chỉ cuộc chạy đua của mấy con chuột… người. Nói chung, các từ điển định nghĩa “rat race” như là một đời sống cạnh tranh khốc liệt, miệt mài theo đuổi mục tiêu không ngừng nghỉ.
Một cuộc đua chuột là một cuộc truy đuổi vô tận mà phần thắng vô cùng hiếm hoi. Thành ngữ đánh đồng con người với những con chuột cố gắng ra sức chạy mãi để chộp được phần thưởng là miếng phô mai, có khi vô ích. Nó cũng có thể dùng để chỉ sự cạnh tranh gian nan để vươn lên sự thành công về tiền bạc hay danh vọng. Thuật ngữ này thường được liên kết với một lối sống mệt mỏi, lặp đi lặp lại mà không có thời gian cho thư giãn hay hưởng thụ.
Lịch sử
Cư dân sống trong các thành phố đông đúc chật hẹp có thể ví như những con chuột trong mê cung, lúc nào cũng dành rất nhiều nỗ lực hối hả chạy quanh, cuối cùng không đạt được ý nghĩa như mong muốn về mặt tập thể hay cá nhân. Sự so sánh này thường được dùng để nói về công việc, đặc biệt là những công việc khổ nhọc lu bù hoặc nặng tính cạnh tranh. Nói chung, nếu một người làm việc quá nhiều thì đúng là họ đang trong một cuộc đua chuột.
Một khía cạnh chính của cuộc đua chuột là con người đành tùy thuộc vào ảnh hưởng điều khiển từ các xung lực bên ngoài, cũng như những con chuột bị tùy thuộc vào mê cung của các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Họ phải chịu đựng nhiều ràng buộc và áp lực từ công việc làm như năng suất làm việc, thời hạn hoàn tất công việc, phẩm chất công việc. Thành ngữ hàm ý rằng công việc là một sự theo đuổi dường như vô tận với rất ít phần thưởng hoặc mục đích. Họ hối hả mỗi ngày chạy đi chạy lại từ nhà đến nơi làm việc giống như một con chuột chạy trong vòng tròn.
Một cuộc đua chuột là một cuộc truy đuổi vô tận, tự đánh bại hoặc vô nghĩa. Cụm từ đánh đồng con người với những con chuột cố gắng kiếm phần thưởng như phô mai, vô ích. Nó cũng có thể đề cập đến một cuộc đấu tranh cạnh tranh để vượt lên về mặt tài chính hoặc thường xuyên.. Thuật ngữ này thường được liên kết với một lối sống mệt mỏi, lặp đi lặp lại mà không có thời gian để thư giãn hoặc thưởng thức.
Thành ngữ “rat race” dùng trong một số tác phẩm
Cuộc đua chuột (The Rat Race) được Jay Franklin dùng làm tựa cho một cuốn tiểu thuyết ông viết vào năm 1947 cho Tạp chí Colliers và xuất bản lần đầu dưới dạng sách vào năm 1950. Ở đầu quyển sách, tác giả hóm hỉnh ghi đại khái là “Viết để riêng tặng cho một số những con chuột ở Washington đi làm mà không có mang theo cạc táp.”
Trong quyển tiểu thuyết khoa học giả tưởng “The Last of the Masters” xuất bản năm 1954 của nhà văn người Mỹ Philip K. Dick có một đoạn đối thoại giữa hai nhân vật người sống dưới sự thống trị của rô-bô như sau:
McLean nhẹ nhàng nói: “Có thể bạn và tôi sau đó sẽ thoát được khỏi cuộc đua chuột này. Bạn và tôi và tất cả những người còn lại, và chúng ta sẽ sống như con người.”
Fowler lẩm bẩm: “Hừm… Cuộc đua chuột. Những con chuột trong một mê cung làm các trò thủ thuật, thực hiện các công việc do người khác bày vẽ ra.”
McClean nhìn vào mắt Fowler tiếp lời: “Ừ, đúng là người khác vì họ không thuộc cùng loài với chúng ta.”
Trong quyển sách loại tiểu sử “The Golden Ham: A Candid Biography of Jackie Gleason”, nhà báo người Mỹ Jim Bishop kể diễn viên truyền hình và điện ảnh nổi tiếng người Mỹ Jackie Gleason nói với vợ: “Television is a rat race, and remember this, even if you win you are still a rat”, ý nói rằng ngành truyền hình là một cuộc đua chuột vì có rất nhiều sự cạnh tranh. Nên nhớ rằng dù bạn có thành công đi chăng nữa thì bạn cũng vẫn là con chuột. Nữ diễn viên điện ảnh Lily Tomlin cũng nói một câu đại để tương tự.
Trong quyển toàn thư “Rise Up and Salute the Sun” của nhà văn nhà thơ nữ người Mỹ gốc Ai Cập Suzy Kassem có câu: “I will not join the rat race because I'm not a rat. And I will not blindly follow a specific faith because I'm not a bat.” Tôi không nhập cuộc đua chuột vì tôi không phải là chuột. Và tôi không nhắm mắt theo một đức tin nào đó vì tôi không phải là dơi.
Thế nào là cuộc đua chuột?
Theo quan điểm thiên tả, cuộc đua chuột là hậu quả của một hệ thống kinh tế dựa trên hành vi khai thác sức người mà ở cấp độ cá nhân không ai có thể tự nguyện thoát ra. Theo Từ điển Cambridge định nghĩa, cuộc đua chuột là một biểu hiện mô tả cách sống của xã hội hiện đại, trong đó mọi người cạnh tranh với nhau để giành quyền lực và tiền bạc. Nguồn gốc của biểu hiện là từ sự quan sát trong phòng thí nghiệm nơi hai con chuột đang cố gắng vượt qua nhau để có được một miếng phô mai. Trong quá trình, chúng tiêu tốn nhiều năng lượng hơn là giá trị của phần thưởng.
Cuộc đua chuột là cách sống của những người sống và làm việc trong một thành phố lớn, nơi mọi người cạnh tranh với nhau một cách mạnh mẽ, khốc liệt, tích cực để thành công hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, có nhiều quyền lực hơn, nhưng không còn dư thời gian để thư giãn hoặc vui hưởng cuộc đời. Ví dụ một luật sư quyền lực ở Chicago là người đang sống trong cuộc đua chuột, trong khi một nông dân chăn nuôi bò sữa hữu cơ ở vùng nông thôn Virginia thì không.
Làm việc trong môi trường của công ty, người ta có cảm giác như đang trong một cuộc đua chuột, nhân viên của công ty có thể tìm cách phá hoại đồng nghiệp, kéo đồng nghiệp xuống để leo lên nấc thang cao hơn.
Một số câu ví dụ
a. “I had to get out of the rat race for a while and think about what was important in life. Do you ever fantasize about leaving the rat race behind?” Tôi phải rời khỏi cuộc đua chuột một thời gian để suy nghĩ kỹ lại xem điều gì là quan trọng trong cuộc sống. Bạn có bao giờ tưởng tượng về việc bỏ cuộc đua chuột không?
b. “Paul got caught up in the rat race and was never at home.” Paul bị cuốn hút vào cuộc đua chuột và không bao giờ ở nhà.
c. “They longed to escape from the rat race and move out of the city.” Họ mong mỏi thoát khỏi cuộc đua chuột và di chuyển ra khỏi thành phố.
d. “Cathy was tired of the rat race and knew she needed to get a less stressful job.” Cathy đã mệt mỏi với cuộc đua chuột và biết rằng cô cần phải có một công việc ít căng thẳng hơn.
e. “The man has been in a rat race all his life. No wonder he is enjoying his retired life to the fullest.” Suốt cả đời ông ta đã ở trong một cuộc đua chuột. Không có gì ngạc nhiên khi bây giờ ông ta tận hưởng cuộc sống nghỉ hưu một cách trọn vẹn nhất.
f. “I am not going to enter this rat race. I may as well do something else.” Tôi sẽ không tham gia cuộc đua chuột này. Tôi cũng có thể làm một việc gì khác.
g. “It is a rat race at my work place. Every person there is looking either for a promotion or to change their job.” Nơi làm việc của tôi đúng là một cuộc đua chuột. Mọi người ở đó ai cũng mong thăng cấp tăng lương hoặc muốn tìm công việc khác.
h. “This school prepares its students for the rat race from the very beginning.” Trường này chuẩn bị học sinh cho cuộc đua chuột ngay từ đầu.
k. “She is still so young, it is sad to see her being so caught in the rat race.” Cô ấy vẫn còn rất trẻ, thật buồn khi thấy cô ấy bị cuốn hút vào cuộc đua chuột.
l. “Marie has struggled for a long time to come out of the rat race.” Marie đã phải vật lộn trong một thời gian dài để ra khỏi cuộc đua chuột.”
m. “Her education qualification and street smart attitude never let her get caught in the rat race.” Nhờ sự khôn ngoan bén nhạy và trình độ giáo dục đầy đủ nên cô ấy không bao giờ bị cuốn vào cuộc đua chuột.
n. “The rat race never appealed much to me. I’m never going to be rich, but I’m happy the way I live.” Cuộc đua chuột không bao giờ hấp dẫn tôi nhiều. Tôi sẽ không bao giờ giàu có, nhưng tôi vui với cách tôi sống.
Cuộc đua chuột bắt đầu từ khi nào?
Cuộc đua chuột đầu tiên của bạn là khi bạn bắt đầu đi học, bắt đầu ý thức về tinh thần tranh đua. Bạn muốn đạt được điểm cao, muốn được khen thưởng, muốn trội hơn chúng bạn trong lớp, trong trường.
Ngay cả trước khi cuộc đua đầu tiên này kết thúc, bạn lao vào cuộc đua thứ hai bằng cách tham gia các lớp huấn luyện cho các kỳ thi cạnh tranh khác sẽ đưa bạn vào một trường đại học danh tiếng. Điều này rất quan trọng vì nó là lợi thế sẽ xác định vị trí đẳng cấp tương lai của bạn trong xã hội, nơi bạn bắt đầu các cuộc đua khác cho các mỹ từ hạnh phúc, sự nghiệp, tiền tài, danh vọng, quyền lực. Bạn sẽ phải chạy đua với những đối thủ chuột người ngang tầm với bạn để xem ai nhanh hơn.
Vì vậy như bạn thấy, cuộc đua chuột không bao giờ dứt, cứ tiếp diễn hết cuộc đua này đến cuộc đua khác. Có thể bạn nghĩ thời gian còn đi học dù là đua chuột nhưng vẫn vui vì bạn còn trẻ và còn có sự hỗ trợ của cha mẹ. Đến khi bạn học xong, bạn trưởng thành, bạn ra đời, cuộc đua chuột trở nên gay go hơn, nhiều áp lực hơn, căng thẳng hơn. Bấy giờ bạn mang trách nhiệm lập thân, tạo dựng sự nghiệp và gầy dựng gia đình, biết bao nhiêu là cuộc đua chuột gay go để đạt được mục đích ưng ý.
Bạn có thực sự muốn thoát khỏi cuộc đua chuột không?
Bạn dám bỏ một công việc đang làm tương đối vững chắc với đồng lương ổn định để nhận một việc làm mới chưa biết ra sao? Trước khi hành động, bạn cần nên dành một phút và tự hỏi “Tôi ghét cuộc đua chuột này vì tôi không hài lòng, hoặc là vì tôi thích ý tưởng thoát khỏi nó?”
Bạn phải cân nhắc kỹ bởi vì theo lẽ thường ai cũng đứng núi này trông núi nọ, nhưng có khi núi nọ đó còn tệ hơn núi này; cuộc chuyển dời có khi gian nan trắc trở. Nếu công việc làm hiện tại căng thẳng quá, làm bạn lao tâm khổ trí quá, bạn nghỉ quách cho xong. Nếu nó không tệ như vậy, nếu nó chỉ là một cuộc đua chuột bình thường thì bạn nên trụ lại đó, phát triển khả năng học hỏi và kinh nghiệm thì bạn sẽ thành công trong sự nghiệp. Vì vậy, trước khi “nhảy núi”, bạn hãy tự hỏi liệu đây có phải là một quyết định đúng hay không để về sau khỏi hối tiếc.
Hãy cố gắng hài lòng với bất cứ điều gì bạn đang có và đừng hối tiếc. Đừng nhìn xung quanh và so sánh bản thân với người khác. Nếu bạn làm như vậy, bạn sẽ luôn không vui. Như hàng triệu triệu người làm việc bình thường khác, mỗi ngày bạn quen dần và thích ứng với cuộc đua chuột, bạn tiếp tục chạy với mọi người, bạn thấy như vậy cũng vui. Bầu không khí ở nơi làm việc không hẳn lúc nào cũng căng thẳng và nghiêm trọng. Bạn đồng đội, đồng nghiệp cũng có thể thắm thiết như bất cứ sự liên hệ nào khác. Sinh hoạt đoàn thể ở sở làm cũng có thể vui nhộn hào hứng như sinh hoạt gia đình.
Thoát khỏi cuộc đua chuột là khi nào?
Thoát khỏi cuộc đua chuột có thể có một số ý nghĩa khác nhau:
a. Di chuyển từ một nơi làm việc hoặc một vị trí địa lý đông dân cư nhiều đua chen để đến một nơi yên tĩnh hơn, thường là vùng nông thôn;
b. Nghỉ hưu, bị ngưng việc hoặc tự ý bỏ việc;
c. Chuyển từ một công việc nhiều căng thẳng đến một công việc nhẹ nhàng hơn dù mức lương thấp hơn;
d. Thay đổi hoàn toàn sang một công việc khác;
e. Làm việc tại nhà;
f. Không bị lệ thuộc vào đồng lương nữa và trở nên độc lập về tài chính;
g. Sống hòa hợp với thiên nhiên;
h. Phát triển một thái độ nội tâm tách rời khỏi những mưu cầu vật chất;
k. Xa lánh các chuẩn mực của xã hội.
Nhà đầu tư tài chính người Mỹ gốc Nhật Robert Kiyosaki nổi tiếng với cuốn sách Rich Dad, Poor Dad xuất bản năm 2000, cuốn sách bán chạy nhất được tạp chí New York Times bình chọn, khuyên ai muốn thoát khỏi cuộc đua chuột thì phải biết cách nhận ra cơ hội đầu tư, chẳng hạn như trong lãnh vực địa ốc, tài chính, chứng khoán, thương mại và kinh doanh. Thay vì mắc kẹt trong cuộc đua chuột dành hết thời gian của đời sống làm việc để có đủ đồng lương trang trải các món thuế, chi tiêu, nợ nần, người đó nên chịu khó học hỏi về tài chính để thay đổi bản thân mình.
Không thoát được cuộc đua chuột thì bạn phải làm gì?
Giả dụ như bạn mắc kẹt trong cuộc đua chuột với người dự thì đông mà giải thưởng thì ít, trong khi bạn có vợ có con phải nuôi dưỡng, nợ nhà nợ xe hàng tháng phải trả góp, bạn phải làm sao?
Bạn phải xin đua chuột đường trường, dịch ra tiếng chuyên môn là làm thêm giờ phụ trội, để có tiền thưởng nhiều hơn.
Bạn phải xin dự thêm cuộc đua khác, nghĩa là bạn kiếm làm thêm một “gióp” nữa mới có đủ tiền trang trải chi phí. Đua chuột ban đêm, đua chuột cuối tuần, cái nào cũng được miễn kiếm thêm lợi tức thu nhập. Bạn chạy Uber được không? À mà không được đâu vì xe bạn cũ quá.
Bạn phải kiểm tra lại tất cả các thói quen chi tiêu để xem bạn có thể cắt giảm khoản chi tiêu nào: cắt cáp tivi, không ăn tiệm, đi làm đem theo bánh mì bơ đậu và chai nước lọc.
Bạn đừng sợ ngày Thứ Hai đầu tuần, một chứng sợ có tên khoa học hẳn hoi là Lunaediesophobia. Nếu bạn làm việc cả bảy ngày một tuần thì bảo đảm bạn sẽ thấy ngày nào cũng như ngày nấy, chẳng có ngày nào là đầu tuần nữa, và bạn sẽ khỏi sợ ngày Thứ Hai.
Câu nói của Jackie Gleason, hay của Lily Tomlin, quả là đúng; vấn đề với cuộc đua chuột là ngay cả khi bạn giành chiến thắng, bạn vẫn là một con chuột. Mặc dù thoát khỏi cuộc đua chuột nghe có vẻ rất hấp dẫn để loại bỏ đời sống nặng về vật chất và sống cuộc sống như một người ẩn dật, nhưng thực tế là hầu như tất cả chúng ta ai ai cũng đều có một đống hóa đơn để trả và ước mơ để thực hiện.
Bí quyết là làm sao để chúng ta vẫn tiếp tục chạy trong cuộc đời đua chuột này nhưng không trở thành chuột.
Phan Hạnh. 1/2020.
Hình minh họa của Steve Cutts (từ phim hoạt họa Happiness).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét