Sau khi Thủy Quân Lục Chiến Cao Xuân Huy “lên tàu”, nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh yêu cầu Phan Văn Đuông và tôi lên Hồn Việt TV để anh phỏng vấn về tác giả và tác phẩm “Tháng Ba Gẫy Súng”, trước ống kính, tôi nói với anh Trinh rằng Cao Xuân Huy viết đúng nhưng chưa đủ, phải thêm vài cuốn Gẫy Súng nữa mới thấy hết cái bi thương và lý do gây nên thảm cảnh đó. Trong chương trình Huynh Đệ Chi Binh của nhà văn Huy Phương trên SBTN nói chuyện về việc đồng bào thôn An Dương, Thuận An, Huế, đã cải táng nấm mồ tập thể 132 quân nhân tử trận trên bãi biển Thuận An vào những ngày cuối tháng 3/1975, nhân dịp này ông có phỏng vấn tôi một số chi tiết liên quan đến “biến cố” Thuận An.<!>
Buổi nói chuyện của ông đã được phổ biến trên TV khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và gây xúc động cho nhiều người, nhất là những gia đình có chồng, con, anh, em, còn mất tích trên bãi cát này, nên quý vị đó đã gọi điện thoại cho tôi yêu cầu nói rõ thêm về cuộc rút quân của Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến.
Thời gian của mỗi buổi nói chuyện chỉ trong vòng 20 phút trong khi muốn hiểu rõ đầu đuôi thì phải cần cả ngày. Quý khán thính giả đã xem chương trình của anh Huy Phương như các anh Tô Đức Hạnh (Alhambra, anh của cố Đại Úy Tô Thanh Chiêu), Phan Hữu Hạnh (Witchita), Nguyễn Công Thân (AZ), Lữ Minh Đức (San Francisco), Đỗ Văn Minh (Houston TX) và nhất là chị Hồng Bạch (San Jose) đã khóc ngất khi hỏi tin tức về em trai là Trung Sĩ Thủy Quân Lục Chiến Lâm Phi Hạnh mất tích tại Thuận An. Vì vậy tôi xin được nói rõ THÊM về những điều tôi đã nghe và thấy trong nhiệm vụ của một người trực trung tâm hành quân Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến tại Non Nước, Đà Nẳng và tôi tham khảo thêm bài viết của các Mũ Xanh khác. Ngoài nhà văn Cao Xuân Huy với “Tháng Ba Gẫy Súng” đã in sách và xuất bản, còn thì mỗi người lính Thủy Quân Lục Chiến bị đẩy ra bãi cát Thuận An đều có “cây súng bị gẫy”, nhưng mới chỉ phổ biến trong nội bộ Thủy Quân Lục Chiến mà thôi, đó là:
- Tháng Ba Buồn Hiu của Tiểu Cần, âm thoại viên của Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến. (1)
- Những Người Lính Bị Bỏ Rơi của Bác Sĩ Thủy Quân Lục Chiến Phạm Vũ Bằng. (2)
- Người Lính Sau Cùng Tuyến Sông Bồ của Thiếu Úy Phan Văn Đuông. (3)
-Tiểu Đoàn 7 Thủy Quân Lục Chiến Từ Cuộc Di Tản 23/3/75 của Thiếu Tá Phạm Cang, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 7. (4)
- Ngày Tháng Không Quên của Tango Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. (5)
(1 và 2 đăng trong web Thủy Quân Lục Chiến. Còn 3, 4, 5 đăng trong Tuyển Tập II Thủy Quân Lục Chiến, khi trích dẫn tôi sẽ dùng những số này để rút gọn thay vì viết đầy đủ tên bài viết)
Chiến đấu là có thắng thua, mà phần quyết định thắng thua thường do khả năng chỉ huy và tài lãnh đạo của cấp chỉ huy. Viết về một chiến thắng thì quá dễ dàng. vui trong bụng và làm hài lòng những người tham dự, nhất là những cấp chỉ huy và lãnh đạo trận đánh đó. Nhưng rất dễ “lãnh đạn” khi viết về một chiến bại, dù cho là “Can Trường Trong Chiến Bại”. Viết về biến cố Thuận An thì lại càng khó. Nó không chỉ là chiến bại, mà là một tan hoang! Tan hoang không hoàn toàn do địch quân*, mà có phần trách nhiệm chỉ huy cao cấp của cuộc rút quân đó! Lại càng khó khi những nhân vật chỉ huy cao cấp đó còn đây. Không khéo lại bị mang vạ là hỗn hào, sao dám phê bình thượng cấp?
Biết vậy nhưng tôi vẫn phải viết, viết để trả lời cho những người đã khóc, đang khóc và còn khóc mãi khi thân nhân của họ là những oan hồn* chưa tìm được nơi tạm trú, những hồn hoang vẫn còn lang thang trên pháp trường cát Thuận An vào những buổi hoàng hôn.
Biết vậy nhưng vẫn phải viết khi mà những người lãnh đạo cuộc chiến nay quay sang bưng bô cho kẻ thù như ông thủ C-K, như cụ thủ T-K chào dạy thuộc cấp xưa rằng dịch quân của họ cũng là người “iêu-lước”. Các cựu thủ KK thà cứ thủ như bình, không cần nói lời xin lỗi. Nhưng lại mở miệng ra làm ô nhiễm môi trường thì tôi đành phải cầm viết. Hơn nữa khi tôi ghi lại những dòng này là đã đọc các hồi ký của những người trách nhiệm ở bãi biển Thuận An, tôi đọc và tôi viết ở cái tuổi gấp đôi khi các ông KK mang sao trên cổ áo. Nếu tôi không ghi lại bây giờ mà để thêm vài năm nữa thì lại sinh lẩm cẩm, lẫn lộn giữa bạn và thù.
(* Khi nghe tin Sư Đoàn 1 Bộ Binh và Thủy Quân Lục Chiến đã rút thì Thiếu Tá Hoàng Trai, Chị Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 1 tại Dạ Lê mới cho Trung Tâm Huấn Luyện rút theo. Trước khi rút, ông còn dùng xe jeep chạy khắp thành phố Huế để nhìn lại “quê hương” một lần chót mà không hề hấn gì, chỉ gặp một vài trái pháo rơi vãi đó đây, áp lực địch không mạnh, tức là hậu quả thê thảm trong giai đoạn rút quân là do vị chỉ huy cao cấp và ban tham mưu không nắm vững tình hình hoặc bỏ “nhiệm sở”.
Trong buổi nói chuyện trên SBTN, nhà văn Huy Phương hỏi tôi:
- Nhiệm vụ của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến tại vùng I.
- Lý do rút quân và diễn tiến cuộc rút quân. Những gì xẩy ra trên bãi biển Thuận An?
- Tổn thất như thế nào? Có bao nhiêu Thủy Quân Lục Chiến về được Đà Nẵng?
- Nếu có mặt của vị chỉ huy cao cấp (?) tại chỗ thì tình thế sẽ ra sao?
- Hoạt động của Thủy Quân Lục Chiến sau đó và những ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Xin trả lời:
Cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào năm 1971, một cuộc chiến kỳ quái thí quân, rồi sau đó tới “Mùa Hè Đỏ Lửa”, tái chiếm Cổ Thành đã khiến hai binh chủng Nhẩy Dù và Thủy Quân Lục Chiến bị tiêu hao khá nặng. Tổng trừ bị là vậy, nhưng rồi sau đó thượng cấp biến Tổng Trừ Bị thành “binh chủng” Địa Phương Quân và Nghĩa Quân của vùng I, đóng đồn giữ đất, cắm chốt, đào giao thông hào, trải quân từ bờ biển vào tận dãy Trường Sơn. Một Trung Đội Trưởng còn biết sự cần thiết của lực lượng trừ bị, vậy mà giới lãnh đạo lại không biết điều đó sao!
Sau khi Ban Mê Thuột bị mất ngày 10/3/75 thì ngày 13/3/75. “thượng cấp” mới giật mình tỉnh cơn mê, không có tổng trừ bị bèn vội vàng kéo Dù về Nam, và để trám vào chỗ trống đó là kéo Lữ Đoàn 258 và Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến, đang giữ đất ở Quảng Trị, Huế di chuyển vào Đà Nẵng, Thường Đức, thay thế Dù, và chỉ còn lại Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến phòng thủ tuyến sông Bồ và bảo vệ Huế. Lực lượng thay thế 2 Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến với 5 ngàn tay súng là Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân với quân số 1400.
Ban Mê Thuột bị mất, Dù về Nam, Thủy Quân Lục Chiến xuôi vào Đà Nẳng đã ảnh hưởng rất lớn đến các lực lượng chiến đấu ở Quảng Trị, Huế, đấy là chưa nói đến áp lực địch gia tăng và dân chúng hoảng loạn bắt đầu di tản, thì việc phòng thủ Huế đã quá mong manh.
Lúc 14.30 giờ ngày 24/3/75, Tại căn cứ Hải Quân Thuận An, Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I Tiền Phương Lâm Quang Thi họp với Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Đại Tá Hy Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn I Tiền Phương, Đại Tá Duệ Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó Thủy Quân Lục Chiến để bàn kế hoạch rút quân. Kế hoạch đã được trình lên Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I và được chấp thuận. Khoảng 17 giờ 30 cùng ngày Đại Tá Hy đi trực thăng đến trao công điện cầm tay cho Đại Tá Nguyễn Thành Trí lệnh rút quân và Đại Tá Trí ra lệnh cho các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến thi hành vào lúc 18 giờ ngày 24/3/75.
Trong phạm vi bài viết này, tôi không đề cập tới lệnh rút quân của Quân Đoàn I Tiền Phương đã được soạn thảo vội vàng như thế nào và tôi cũng không đề cập tới việc rút quân của các đơn vị bạn như Sư Đoàn I Bộ Binh, Biệt Động Quân, Thiết Giáp .v.v… mà chỉ đề cập tới lệnh rút quân ban cho Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến.
Đại Tá Nguyễn Thành Trí Tư Lệnh Phó Thủy Quân Lục Chiến kiêm Tư Lệnh lực lượng Tây-Bắc, mà nỗ lực chính là Lữ Đoàn 147, đã viết trong “Những Ngày Tháng Không Quên” như sau:
- “Tướng Thi quyết định đề nghị kế hoạch rút quân khỏi Huế lên Tướng Trưởng như sau: Lực lượng Tây Bắc Huế do tôi chỉ huy sẽ rút về Thuận An, sau đó đi chuyển về cửa Tư Hiền. Tại đây, Hải Quân và Công Binh Quân Đoàn I sẽ phối hợp thiết lập cầu phao để các cánh quân vượt sông nhanh chóng và dễ dàng. Sư Đoàn 1 Bộ Binh do Tướng Điềm chỉ huy sẽ rút theo trục Quốc lộ 1 và sẽ tập trung về điểm vượt sông, song song với cánh quân Thủy Quân Lục Chiến. (5 trang 538).
- “Sáng sớm ngày 25 tháng 3, Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến báo cáo đã hoàn tất việc tập trung bên này bờ biển, cách Thuận An 9 cây số về phía Đông Nam (5 trg 539). Khoảng 1030 giờ, qua tần số không lực, Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến nhận được lệnh của Quân Đoàn 1 Tiền Phương hãy chuẩn bị tại chỗ để tàu vào bốc, kế hoạch di chuyển về cửa Tư Hiền bị hủy bỏ vì không thể thực hiện được cầu phao do tình trạng an ninh và thủy triều bất lợi. (5 trg 540).
Tư lệnh lực lượng Tây Bắc ra lệnh rút lúc 18 giờ ngày 24/3 mà sáng sớm ngày 25/3, chỉ trong vòng hơn một đêm mà Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến đã di chuyển từ tuyến sông Bồ (Tiểu Đoàn 5) và sẵn sàng tại điểm tập trung, phía Nam cửa Thuận An 9 km, tiếp tục đi chuyển về cửa Tư Hiền để vào Đà Nẵng là một cuộc hành quân lui binh rất khó khăn nhưng Lữ Đoàn 147 đã hoàn tất đúng với lệnh của Quân Đoàn I Tiền Phương. Tuy nhiên đến 10 giờ 30 thì kế hoạch thay đổi, vì không bắc được cầu phao qua cửa Tư Hiền* nên Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến dừng quân tại chỗ để tàu Hải Quân vào bốc.
(* cửa Thuận An và Tư Hiền rộng như một con sông lớn nối liền biển với các đầm nước trong đất liền, phòng thủ và vận chuyển tại cửa Thuận An là trách nhiệm của Duyên Đoàn 12 và tại cửa Tư Hiền là Duyên Đoàn 13, thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải)
Rút quân bằng đường bờ biển vào Đả Nẵng qua cửa Tư Hiền thì yếu tố quyết định là phải có cầu phao tại đây, hay tối thiểu phải là các tàu há mồm để chuyển quân từ bờ này sang bờ kia. Tướng Tiền Phương đã ra lệnh cho Hải Quân và Công Binh thi hành, vậy mà chỉ trong một đêm đã báo cáo kết quả là không thực hiện được. Thượng cấp ra lệnh khi chưa cho thám sát địa thế, khi phương tiện chưa sẵn sàng, chưa nghiên cứu thủy triều, hay thuộc cấp (Hải Quân & Công Binh) không tuân lệnh hành quân? Điểm chết người là ở chỗ này đây.
Bãi biển từ cửa Thuận An đến cửa Tư Hiền là một hòn đảo cát, Đông Tây Nam Bắc là nước, đã ra đến đây rồi thì đường rút quân vào Đà Nẳng chỉ có duy nhất vượt qua cầu phao tại cửa Tư Hiền. Nhưng bắc cầu phao đâu phải vẽ trên giấy? Kết quả là thế đấy!
Nhưng thôi, không có cầu phao thì Quân Đoàn I Tiền Phương ra lệnh dừng quân tại chỗ để tàu Hải Quân vào đón. Thật là tuyệt diệu vừa nhanh chóng, an toàn, vì dưới tay Quân Đoàn là cả một lực lượng Hải Quân hùng hậu đầy đủ tầu thuyền của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải, ông biết mọi đặc tính của vùng biển này như trên bàn tay. Nhưng rồi chuyện gì xẩy ra? Xin nghe Đại Tá Tư Lệnh lực lượng Tây-Bắc nói:
- Khoảng 13 giờ, (ngày 25/3), một Hải Vận Hạm (LSM) đến bãi bốc, nhưng lại đậu cách xa bờ 200m, làm sao binh sĩ lội ra được trong tình trạng sóng to gió lớn lại còn phải đem theo thương binh và tử sĩ? Nếu có vài chiếc LCM để chuyển quân từ bờ ra tàu lớn thì mọi việc đã có thể giải quyết tốt đẹp, vì loại tàu LCM có thể vào sát bờ hơn. Thấy không thể giúp gì được nên chiếc LSM di chuyển đi nơi khác sau khi hứa sẽ gọi tàu LCU đến để bốc quân (5 trg 540).
Từ khi ra lệnh dừng quân đến khi tàu đến phải mất gần 3 tiếng đồng hồ (10:30-13:00)? Đến rồi lại bỏ đi! Thiếu Tá Phạm Cang Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 7 Thủy Quân Lục Chiến nói về trường hợp tàu Hải Quân vào đón (kể trên) như sau:
- Tàu đậu cách bờ 200m lại thêm sóng to gió lớn là một trở ngại vô cùng khó khăn. Từng toán 20 Thủy Quân Lục Chiến nắm tay nhau lội ra tàu nhưng bị sóng đánh dạt vào bờ trông thật thê thảm! Các đơn vị cố gắng nhiều lần nhưng đến 5 giờ chiều thì không một quân nhân nào ra đến tàu được. Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng gọi các Tiểu Đoàn Trưởng đến họp (3, 4, 5, 7, Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh) và ra lệnh phòng thủ tại chỗ để chờ xuống tàu theo kế hoạch Alfa” (4 trg 489).
Ngồi chờ tàu vào đón từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tàu đến rồi tàu lại đi vì sai kế hoạch, trong khi địch quân thì có 7 tiếng đồng hồ, quá dư thời gian để bám sát đuổi theo, trận chiến xảy ra, địch đã núp sẵn trên các cao điểm, hướng đủ mọi loại súng vào quân ta. Thiếu Tá Nguyễn Trí Nam Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 4 và Đại Úy Tô Thanh Chiêu Đại Đội Trưởng Đại Đội 3 tử thương vào lúc này. Kế hoạch Alfa như thế nào và đã được thực hiện ra sao? Thiếu Tá Cang viết tiếp:
- Tối hôm đó (25/3) Lữ Đoàn đóng quân đợi thi hành kế hoạch Alfa tức là xuống tàu Hải Quân vào lúc 12 giờ đêm, theo thứ tự Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn, Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh rồi tới các Tiểu Đoàn 4, 3, 5 và 7. Thế rồi 12 giờ đêm đã tới, 1 giờ đã qua rồi 3 giờ sáng, các con tàu vẫn không vào bờ! Xa xa ngoài khơi, ánh đèn các con tàu vẫn còn đó, nhưng mọi vật hình như bất động! Đến 8 giờ sáng ngày hôm sau (26/3) mới có một chiếc LCM vào đón thương binh và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn.” (4 trg 490).
Hành quân lui binh khó khăn gấp trăm lần hành quân tấn công, vậy mà Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến với các Tiểu Đoàn 3, 4, 5, 7 và Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh đã thi hành đúng theo lệnh, dừng quân trên đảo cát để tàu vào đón, nhưng chờ gần một ngày một đêm (10:30 sáng ngày 25/3 đến 8 giờ sáng ngày 26/3) vẫn không có con tàu nào, chúng vẫn bất động trước mặt. Nhưng địch quân nó có “bất động” như tàu không? Chúng không ngu mà đã thần tốc bám theo, mỗi khắc giá đáng ngàn vàng thì gần 24 giờ đồng hồ “ta đứng, địch đuổi” chuyện gì sẽ xẩy ra? Địch đã dư thừa thời gian đuổi theo và tăng cường quân số quyết tấn công Lữ Đoàn 147, nên khi chiếc LCM vào đón thương binh là chúng tấn công bằng hoả tiễn và 12.7 ly, Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng bị thương Thiếu Tá Phạm Cang chỉ huy Lữ Đoàn thay thế Đại Tá Nguyễn Thế Lương. Nếu đêm 25/3, kế hoạch Alfa được thi hành, địch chưa đuổi kịp thì không xảy ra đại hoạ. Đã quá trễ khi địch đã sẵn sàng hướng súng vào tàu, vào quân ta như những tấm bia trên thềm bắn. Thiếu Tá Phạm Cang Xử Lý Thường Vụ Lữ Đoàn viết:
- Nếu đêm qua kế hoạch Alfa được thi hành thì ít nhất một nửa Lữ Đoàn có thể thoát khỏi khu vực này để lên tàu. Nhưng không rõ vì lý do gì không thực hiện được. Khoảng 10 giờ sáng Hải Quân cho biết sẽ có LCM vào đón. Tôi ra lệnh cho Tiểu Đoàn 4 và 3 xuống tàu theo như đã định, nhưng khi LCM vừa cập bến thì quân nhân các đơn vị bạn cùng dân chúng cũng nhanh chân tranh nhau xuống tàu gây nên cảnh hỗn loạn. Vì số lượng người quá đông nên tàu mắc cạn. Vị chỉ huy tàu yêu cầu ai không phải Thủy Quân Lục Chiến thì xuống bớt tàu mới có thể ra khơi được. Nhưng ai là người chịu xuống khi biết rằng đây là cái phao cuối cùng. Tuyệt vọng! Tự sát và Việt cộng tác xạ vào gây thêm cảnh chết chóc cho những ngươi xung quanh. (4 trang 491).
Lời của Thiếu Tá Phạm Cang trên đây cũng như Trung Úy Cao Xuân Huy trong “Tháng Ba Gẫy Súng” đã nói giống nhau về con tàu vào đón quân trễ 24 giờ so với lệnh hành quân của Quân Đoàn I Tiền Phương (10 giờ 30 ngày 25/3 đến 10 giờ ngày 26/3) khiến nó trở thành cái quan tài sắt chứa bao nhiêu xác người, có khác chăng là chi tiết giữa cái nhìn của Đại Đội Trưởng và Tiểu Đoàn Trưởng. Đó là hậu quả mà người dân thôn An Dương, Thuận An, Thừa Thiên Huế vừa cải táng nấm mồ tập thể của 132 tử sĩ Việt Nam Cộng Hoà, tuy không xác định được danh tánh nhưng phần lớn là Thủy Quân Lục Chiến. Còn bao nhiêu lần 132 xác nữa vẫn còn nằm rải rác khắp đó đây dưới cát hoặc thủy triều kéo ra biển khơi?
Từ 10 giờ sáng, con tàu đến trễ 24 tiếng đã mắc cạn biến thành “con tàu ma” thì chẳng còn “ma” nào vào đón Lữ Đoàn 147 nữa. Họ phải làm gì đây? Trong cơn nắng hè giữa bãi cát, cả Lữ Đoàn đang chết khát giữa biển nước mênh mông. Đến 2 giờ chiều Tướng Lâm Quang Thi bay trực thăng ngoài biển khơi gọi máy hỏi quân số dưới đất còn bao nhiêu, Thiếu Tá Cang trả lời:
- Ngoài 5 Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, còn có các đơn vị bạn đi theo, tổng số khoảng 3000.
Vị Tướng tiền phương hứa sẽ có tàu lớn (?) vào đón và rồi ông bay đi và im lặng vô tuyến. Đến 4 giờ chiều, tức 2 giờ sau lời ông Tướng hứa thì Thiếu Tá Phạm Cang Xử Lý Thường Vụ Lữ Đoàn nhận được lệnh từ Tư Lệnh Phó Thủy Quân Lục Chiến rằng không còn tàu nào nữa! Đại Tá ghi lại (5 trg 541) như sau:
- Chiều đã xuống, Bộ Chỉ Huy nhẹ Sư Đoàn đã gọi bất cứ hệ thống vô tuyến nào có thể xen vào để xin tiếp tục gửi tàu đến bãi bốc, nhưng mọi trả lời nhận được đều bi quan và tuyệt vọng.
Kể từ 4 giờ chiều ngày 26/3, cả Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến coi như đã bị đưa ra pháp trường cát Thuận An. Trước mặt là biển Đông, sau lưng là đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung, phía Bắc là cửa Thuận An và phá Tam Giang, Nam là cửa Tư Hiền, giữa bãi cát mênh mông không nơi che dấu thì có thể làm gì được đây?
Đã 6 giờ chiều, những người lính Thủy Quân Lục Chiến phải quyết định thật nhanh, Thiếu Tá Phạm Cang cho họp các Tiểu Đoàn Trưởng để đi đến một quyết định: “Tiếp tục đánh và đi về phía Nam”, đi về cửa Tư Hiền dù biết rằng không có cầu phao, nhưng hy vọng vào cái cầu bằng “bọt nước” tức là hy vọng vào Duyên Đoàn 13 thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải còn trấn giữ ở đây. Nhưng tất cả đúng là “bọt nước”, không tầu, không cầu, không bạn, hết đạn, hết lương thực, hết nước, chỉ còn súng địch thì không tử trận cũng tự sát, và bị bắt! Còn ai thoát được?
Trong một bài viết của vị Tướng Tư Lệnh Tiền Phương, ông đã nói rằng “đa số Thủy Quân Lục Chiến đã về tới Đà Nẵng”. Xin thưa, chỉ duy nhất một LCM vào đón thương binh lúc 8 giờ sáng ngày 26/3, nhưng bị Việt cộng bắn nên vội rút ra! Bác Sĩ Phạm Vũ Bằng là người được lệnh ra đón thương binh đã kể lại trong bài viết “Những Người Lính Bị Bỏ Rơi” nói rõ con số, bài này đã gửi tới cựu Trung Tướng Lâm Quang Thi Tư Lệnh Tiền Phương, có đoạn như sau:
- Vào lúc 2 giờ chiều ngày 26/3, thì một chiếc LCM từ từ cập bến, khi bửng tàu mở ra, tôi rất mừng vì thấy màu áo rằn ri quen thuộc, đi đầu là mấy anh em khiêng xác của 3 tử sĩ, xác họ được gói kỹ trong những chiếc poncho, một trong 3 xác này là Thiếu Tá Nguyễn Trí Nam Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn.4 Thủy Quân Lục Chiến, sau đó là Đại Tá Nguyễn Thế Lương Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 147, ông bị thương ở chân, mặc dù được các quân y tá dìu xuống cầu tàu nhưng ông di chuyển rất khó khăn và đau đớn. Theo sau Lữ Đoàn Trưởng là bác sĩ Rậu, bác sĩ Khoa và toán y tá cùng khoảng 100 thương binh. Cuối cùng là khoảng hai trăm quân nhân thuộc các Tiểu Đoàn Thủy Quân Lục Chiến hiện đang bị kẹt lại tại bãi biển Thuận An. Tôi nhanh chóng phân loại các thương binh rồi ra lệnh mang họ lên đoàn xe tải thương để về căn cứ Non Nước.
Trên đây là ghi lại thật tóm tắt diễn biến xảy ra trên pháp trường cát Thuận An. Còn câu hỏi của nhà văn Huy Phương rằng nếu có sự chỉ huy của giới chức “có thẩm quyền” thì tình thế có thay đổi không? Vì tế nhị ông đã không hỏi đích danh “thẩm quyền” là ai, nhưng tôi có thể khẳng định “thảm hoạ” Thuận An không do cấp chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến. Lữ Đoàn Trưởng bị thương đã có người thay thế và các Tiểu Đoàn Trưởng 3, 4, 5, 7, Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh vẫn luôn sát cánh cùng thuộc cấp. Xin nghe tâm sự của Cao Xuân Huy về Tiểu Đoàn Trưởng Đinh Long Thành của mình:
- Làm Tiểu Đoàn Trưởng được mấy ngày thì chạy, chết mất Tiểu Đoàn phó*, chết mất một Đại Đội Trưởng*, banh luôn một Đại Đội, một Đại Đội cũng đang lênh đênh trên biển ngoài sự kiểm soát của ông… Vậy mà ông vẫn chạy ngược chạy xuôi, cố gắng tập trung, gom góp những thằng mang bảng tên màu đỏ Tiểu Đoàn 4 để hướng dẫn, để biết tin tức, để khích lệ tinh thần. Ông đã không lợi dụng tình trạng tan rã của Tiểu Đoàn để bỏ trốn một mình. Phải chi Quân Đội chỉ có tinh những cấp chỉ huy như Thiếu Tá Cang, Thiếu Tá Thành (Tháng 3 Gẫy Súng, trg 93).
Không chỉ có Tiểu Đoàn Trưởng, mà Tiểu Đoàn Phó cũng thế. Phạm Cang nói về Tiểu Đoàn Phó Lê Quang Liễn (có em ruột đi theo anh nhưng bị tử thương) như thế này:
- Khi một tàu vào gần bờ để bốc thương binh tử sĩ, Thiếu Tá Liễn ôm xác người em trai bơi ra tàu vừa kịp lúc tàu kéo “bửng” lên nên cả hai anh em Liễn, người sống và người chết nằm gọn trong tàu. Vừa khi tàu lui ra thì Liễn nhẩy xuống biển, bơi lại vào bờ để tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội và rồi bị bắt cùng đồng đội.
Gặp Liễn tôi hỏi động cơ nào đã khiến anh hành động như thế thì Liễn nói:
- Không có gỉ ghê gớm lắm đâu anh, đơn giản là các Tiểu Đoàn Trưởng Cang, Tiền, Sử, Thành còn trên bờ, lính tôi còn trên bờ, tôi phải trở lại để sống chết với anh em. Nếu bây giờ gặp hoàn cảnh như thế, tôi vẫn làm như thế.
Những cán bộ nồng cốt của Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến là như thế đó nhưng không thể làm gì hơn, họ chỉ là Bộ Binh (nói chung) không có quyền điều động tàu thủy và tàu bay. Ngay cả Đại Tá Tư Lệnh Phó cũng phải than trời:
- Kêu cứn tàu vào bốc nhưng mọi trả lời đều tuyệt vọng. (5,trg 541)
Nên nhớ rằng Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến trực thuộc quyền điều động của Quân Đoàn I Tiền Phương, nằm ngoài thẩm quyển điều động của Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến. Khi biết Lữ Đoàn 147 đang bị sa lầy, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến đành phải ra mật lệnh cứu nguy. Đại Úy Nguyễn Quang Đan, Chánh Văn Phòng của Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, gửi cho tôi một e-mail nguyên văn như sau:
- Thưa niên trưởng. Một buổi sáng tháng 3/75, tôi quên ngày rồi, tôi đọc lệnh hành quân từ Tướng Thi gửi xuống, tôi trình ngay lên Thiếu Tướng Tư Lệnh và xin ông đọc ngay. Đọc xong, ông nói: “đ.m… thế này thì chết lính tao rồi!”. Đó là cái lệnh mà Đại Tá Trí đã ghi lại lệnh rút lui của Tướng Thi. Sau đó Thiếu Tướng Tư Lệnh đi liên lạc với Đại Tá Trí tại Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn. Ngày hôm sau, tôi lấy trực thăng bay ra Thuận An đưa tận tay lá thư của Thiếu Tướng Tư Lệnh cho Đại Tá Lương, kèm theo lời dặn của Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư ĐoànThủy Quân Lục Chiến: “Tìm ra Quốc lộ 1 mà đi”.
Nhưng tiếc thay, đã quá trễ để Đại Tá Lương đổi hướng ra Quốc lộ 1. Lệnh rút theo bờ biển và tàu vào đón là ưu điểm với điều kiện ắt có tàu và đủ điều kiện bắc cầu phao.Nếu không, lui binh theo đường bộ, dọc theo Quốc lộ 1 dù cho có gặp nhiều khó khăn, dẫu có gặp địch kháng cự, cũng không đến nỗi như đã bị dồn vào cửa tử Thuận An, vào thế bí như cái nhìn của Tướng Thủy Quân Lục Chiến và nhiều cấp chỉ huy khác nữa.
Tình thế chắc chắn khá hơn, tốt hơn nếu không muốn nói là không xẩy ra “pháp trường cát” nếu như Tư Lệnh Quân Đoàn I Tiền Phương ra lệnh được cho Hải Quân cho tàu vào đón Thủy Quân Lục Chiến, lệnh cho Không Quân đưa máy bay lên yểm trợ hoả lực ngăn chặn địch quân, cho trực thăng tải thương tiếp tế. Nhưng vì sao lại không có cái c.. gì cả thì Thủy Quân Lục Chiến chúng tôi không biết? Chuyện gì xẩy ra giữa Tướng Tư Lệnh Tiền Phương với Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn I Không Quân, với Phó Đề Đốc Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải và cả với Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I, đây chính là những giới chức có thẩm quyền quyết định để KHÔNG xảy ra pháp trường cát.
Trong lệnh rút quân của Quân Đoàn I Tiền Phương cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh và Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến có nhấn mạnh:
“Kế hoạch hoả lực ngăn chặn phải được áp dụng tối đa trong khi các đơn vị rút quân”.
Đây là một điểm son trong lệnh hành quân của Tướng Tư Lệnh Tiền Phương, nhất là hành quân lui binh. Lui binh nên Pháo Binh cũng lui, chỉ còn Không Quân và Hải Quân là hữu hiệu nhất, mà cả 2 thành phần này chưa hề sứt mẻ. Nhưng “où est Robert đánh đu?” Họ đi đâu cả rồi?
Đà Nẵng có phi trường lớn, Sư Đoàn I Không Quân có nhiều trực thăng, thẩm quyền nào điều động họ đi đâu cho đến nỗi cần trực thăng để tiếp tế đạn, nước uống, thực phẩm cho lính ở bãi cát Thuận An mà không có, Đại Úy Đan, Chánh Văn Phòng và Tiểu Cầm, âm thoại viên của Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến đã phải dùng C&C của Tư Lệnh để tiếp tế vàì thùng lương khô xuống cho anh em. Tiểu Cần đã ghi lại trong bài “Tháng Ba Buồn Hiu”:
- Một số anh em thuộc Tiểu Đoàn Tổng Hành Dinh đang chất những thùng gạo sấy lên trực thăng C&C, tôi phụ một tay để cố sắp xếp sao cho càng nhiều càng tốt, nhưng khoang tàu chỉ có sức chứa 10 thùng là tối đa. Vậy với chỉ một chiếc như thế này thì chở không được bao nhiêu, và phải bao nhiêu chuyến trong lúc hơn 3000 người đang “bụng không, bãi cát trống”? Bay dọc theo bờ biển lên hướng Bắc, khi gần đến vị trí Lữ Đoàn 147 thì phi công hỏi Đại Úy Đan kế hoạch tiếp tế những thùng gạo xấy này thì anh Đan cho lệnh đáp xuống bãi cát, anh em dưới đất phụ vào để giải toả rất nhanh cho trực thăng cất cánh làm chuyến khác. Qua chuyến thứ hai, theo tính toán của anh Đan và phi công thì đáp và cất cánh tốn nhiều thời gian nên các anh cho trực thăng bình phi cách mặt đất chừng 10m rồi chúng tôi xô các thùng gạo sấy xuống, làm cách này rất nhanh, nhưng sau đó thì được biết một vài anh em bị thương vì thùng gạo rơi trúng người!
Cao Xuân Huy đã ghi lại trường hợp tiếp tế này trong Tháng Ba Gẫy Súng:
- Một chiếc trực thăng từ phía biển bay vào, quần trên đầu chúng tôi rồi ném chừng một chục bao cát đựng gạo xấy và thịt hộp. Một sự hỗn loạn xảy ra… Có một bao rơi trúng đầu làm bất tỉnh một người lính… (T3GS, trg 75)
Hải Quân thì có đủ mọi tàu lớn nhỏ và các cấp thừa hành cũng sẵn sàng hy sinh cộng khổ cùng Thủy Quân Lục Chiến, nhưng họ có nhận được lệnh hay không, lệnh ra có đúng lúc đúng chỗ hay không? Đón quân trên bờ mà cho tàu lớn đậu xa bờ 200 thì đón ai? Đón các “thằng chỏng*” chăng? Trong khi nếu điều động đúng lúc, đúng chỗ, đúng loại là tàu “há mồm” thì hoàn tất kế hoạch chính xác nhanh chóng an toàn và thành công. (* thằng chỏng tức người chết trôi).
Hải Quân và Quân Vận Vùng I Duyên Hải có tàu há mồm không? Thiếu Tá Phạm Cang viết:
“Khoảng 10 giờ sáng 25/3, trên tần số Không-Lục, tôi nhận ra tiếng người bạn cùng khoá, Thiếu Tá Trần Văn Thao, anh chỉ huy đoàn tàu quân vận (5 chiếc LCM) từ Đà Nẵng ra Thuận An để đón Biệt Động Quân, nhưng không thể nào liên lạc được. Anh hỏi tôi có thấy anh em mũ nâu không, nhìn quanh tôi chỉ thấy vài anh thôi, tôi cho Thao biết. Thao nói với Cang: “tôi sẽ đưa các bạn vào Đà Nẵng, chuẩn bị và đánh dấu bãi bốc” (4 trg 487).
Đúng lúc đó thì Cang nhận lệnh di chuyển về phía Nam đề gặp Long Mỹ, tức Đại Tá Nguyến Thế Lương Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 147, để vào Đà Nẳng bằng tàu 801, nên Cang cám ơn Thao, còn Thao mang 5 tàu LCM đi đâu thì không ai biết, trong khi đó thì Lữ Đoàn 147 ngồi chờ mãi đến 13 giờ mới có LSM đến, lại đậu xa bờ, không cứu được ai. Tiểu Đoàn 7 đã mất dịp được LCM của Thiếu Tá Thao cứu. Điều này chứng tỏ lệnh cho tàu của Hải Quân vào đón Thủy Quân Lục Chiến là một mớ “bòng bong”, bòng bong đến nỗi không ai hiểu nổi?
Còn câu hỏi về hoạt động của Thủy Quân Lục Chiến vào những ngày cuối của cuộc chiến thì tôi xin trả lời thật vắn tắt như sau:
Lúc 7 giờ sáng ngày 29/3/75, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cùng với Đại Tá Nguyễn Thành Trí Tư Lệnh Phó Thủy Quân Lục Chiến và quân nhân các cấp bơi ra tàu Hải Quân tại bãi biển thuộc căn cứ (phi trường) Non Nước, Đà Nẵng. Về đến Vũng Tàu thì đóng quân trong căn cứ cũ của Quân Đội Úc sát ngay bãi biển sau Vũng Tàu, đồng thời Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến lại kiêm Quân Trấn Trưởng Vũng Tàu, kiểm soát mọi tàu thuyền. Phải nói thẳng rằng không có một đơn vị nào lại có điều kiện thuận lợi để “ra đi” như Thủy Quân Lục Chiến, nếu muốn.
Nhưng, trong khi giới chức cao cấp tại Sàigòn nhao nhao tìm trốn thì Thủy Quân Lục Chiến lại tiếp tục lên đường chiến đấu, đánh từ Long Khánh, Long Thành, Long Bình và cứ điểm tử thủ cuối cùng là Căn Cứ Sóng Thần Thủ Đức và rồi phải gẫy súng theo lệnh Tổng Thống! Và rồi từ Tư Lệnh Phó, các Lữ Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng, Trưởng Phòng, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện, các Đại Đội Trưởng đều vào tù. Các Trung Tá Nguyễn Văn Nhiều, Nguyễn Đằng Tống, Huỳnh Văn Lượm, Thiếu Tá Trần Văn Hợp .v.v… đã “tử nạn” trong tù.
Thưa quý đọc giả.
Cực chẳng đã tôi mới phải cố gắng ghi lại ngắn gọn diễn tiến biến cố “Thuận An” để trả lời cho những vị có chồng, con, anh, em, “mất tích” tại đây vào những ngày cuối tháng 3/75. Mỗi lần nghĩ đến là đầu tôi bốc khói, nếu không kiềm chế để viết thì tôi dễ xúc phạm đến các thượng cấp có trách nhiệm về mạng sống của những nấm mồ như nấm mồ 132 bộ xương mà đồng bào thôn An Dương, Thuận An đã cải táng và vào thời điểm này (tháng 1/2011) các ân nhân ấy đang chuẩn bị lập Trai Đàn Chẩn Tế.
Dẫu biết rằng “thời thế thế thời phải thế”, không xoay đổi được vận nước, nhưng nếu như quý thượng cấp có trách nhiệm điều quân khiển tướng làm việc như những người lính chúng tôi, cùng lính chúng tôi chiến đấu, dẫu có thua, thì đâu xẩy ra những nấm mồ tập thể 132 bộ xương và còn bao nhiêu nữa đang nằm trong cát, dưới đáy biển Thuận An và khắp mọi miền đất nước!
Thưa quý vị có thân nhân nằm lại Thuận An cũng như tôi có anh em nằm lại đó mà chưa tìm ra tung tích thì hãy hãnh diện thay vì thương tiếc. Anh em họ sống chiến đấu bên nhau thì khi chết cũng nằm bên nhau, chung một nấm mồ tập thể ngay tại nơi họ đã chiến đấu, chắc những anh linh đó cũng chẳng muốn xa lìa đồng đội để về nằm riêng lẻ một mình. Xin nhớ đến các anh linh đã hy sinh cho chúng ta được sống, một lời cầu nguyện chung.
Nếu ai còn nhớ đến các anh linh tử sĩ thì hãy nhớ đến họ bằng câu kinh tiếng kệ, cây nhang, bó hoa, tùy lòng đóng góp cho Trai Đàn Chẩn Tế*. Hãy tin tưởng rằng không ai trong chúng ta, con dân Việt Nam Cộng Hoà, dám tìm danh lợi trên xác chết. Các anh sống khôn khi cầm súng chiến đấu thì thác cũng thiêng. Xin các anh phù hộ cho những người có tấm lòng, dù ở hải ngoại hay tại thôn An Dương, Thuận An, Huế.
(*Thủy Quân Lục ChiếnVN tạm thời đã đóng góp 2 ngàn mỹ kim đến ban tổ chức Trai Đàn Chẩn Tế Những Anh Hùng Tử Sĩ Việt Nam Cộng Hoà)
Tô Văn Cấp
** DQY tôi là một người lính đã trải qua những giờ phút sinh tử trên cái pháp trường cát Thuận An này, theo tôi những bài viết trên đây hầu hết là của anh em Thủy Quân Lục Chiến cho nên cũng chưa phải là đầy đủ vì lúc đó phía Thủy Quân Lục Chiến chỉ có Lữ Đoàn 147, còn Sư Đoàn 1 Bộ Binh thì nguyên vẹn với 4 Trung đoàn 1, 3, 51, 54 của Sư Đoàn 1, cùng Liên Đoàn 11 Biệt Động Quân của Đại Tá Thiệt, Pháo binh, Thiết giáp, cộng thêm Địa Phương Quân của các Tiểu Khu Quảng Trị, Tiểu Khu Thừa Thiên, rồi lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia, Nghĩa quân… ước tính tổng quân số chưa kể Không Quân và Hải Quân khoãng hơn 3 Sư Đoàn với vủ khí còn đầy đủ, Quốc lộ 1 nối liền Đà Nẵng – Huế là 100 km, qua các đèo Hải Vân, Phú Gia và Phước Tượng còn do Qân Lực Việt Nam Cộng Hoà trấn giữ chưa bị cắt đứt (Huế mất ngày 25/03/1975) tới ngày 27/03 các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến trên đèo mới có lịnh rút về Đà nẵng! Nếu tôi muốn nói là Nếu cho rút bằng đường bộ thì với lực lượng như vậy khó mà ngăn chận, có lẻ ngày 28/03 là về tới Đà nẵng sẽ không có cảnh “Pháp trường cát Thuận An” hay “Tháng ba gãy súng của Cao xuân Huy”, Nhưng do báo cáo của ai đó? mà Tướng Tư Lịnh phó Quân Đoàn 1 Lâm Quang Thi (một ông Tướng giỏi về nhảy đầm, dành thời giờ tham dự Dạ vũ ở tư gia của chủ Tân Tân hơn là xem bản đồ trận liệt) hủy bỏ kế hoạch rút quân bằng đường bộ với lý do cao điểm 600 gần Đỉnh Bạch Mã, nhìn xuống Đèo Phú Gia đã bị Việt cộng chiếm giữ, nên sẽ trở ngại cho cuộc hành quân lui binh. Thật ra Đỉnh 600 cũng còn do các đơn vị của Trung Đoàn 51 Sư Đoàn 1 Bộ Binh trấn đóng, sau khi Huế mất ngày 25/03, vài đơn vị chưa biết nhưng vì không liên lạc vô tuyến được nên kéo quân khỏi vùng đồi 600 và hướng về Huế đến cuối tháng 03 mới đầu hàng!, cũng như vậy anh em binh lính diện yếu kém của Trung Đoàn 3 trấn đóng trên Đỉnh Teapoint Tây Bắc Huế hướng Quảng Trị cũng giữ vững căn cứ cho đến 01/04 mới xuống núi và bị bắt vì không tiếp tế, hết lương thực, đạn dược. Tất cả gặp nhau trong trại tù Cồn Tiên – Ái Tử – Bình Điền, Tôi không muốn đổ lổi tại ai thế này thế nọ, vận nước đã thế thì đành chịu thế thôi. Mọi chuyện đã được sắp đặt trước cả rồi, cuộc chiến Việt Nam chỉ là con cờ trong bàn cờ thế giới của Mỹ, Nga, Tàu cộng… Mỹ để mất miền Nam Việt Nam, đẫy tới cuộc đối đầu Liên Xô và Tàu cộng dẫn tới kết quả chủ nghĩa Cộng sản bị đánh gục tiêu tan ở Nga, Đông Âu, Ba Lan, Tiệp Khắc… chuyện khui những giếng dầu Bạch Hổ, Vũng Tàu là con mồi nhử của Mỹ. Cuộc cờ còn dài, hãy chóng mắt lên coi Mỹ làm thịt thằng chệt sắp tới đây. **
Captovan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét