Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Mong manh - Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

 
    Cuối tuần, vào ngày đầu năm Âm Lịch, ngồi đọc lướt qua tin tức, có hai sự kiện đáng suy nghĩ: Dịch cúm Vũ Hán, tạm gọi như vậy, vì vẫn chưa có tên chính thức, do coronavirus, tức 2019-nCoV gây ra, đã lan tràn ra nhiều nước trên thế giới. Tiêu biểu, có 5 ca chính thức được phát hiện ở Mỹ. Tuy rằng nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ loan báo con số bị nhiễm bệnh chỉ vào khoảng 2800 người, nhưng, theo một nữ y tá đang làm việc tại Vũ Hán, loan tin trên mạng xã hội, con số chính thức có thể lên đến 100,000 ca và trên đà tăng nhanh. Con số bán chính thức nầy có thể khả tín được, vì vào thời điểm của dịch SARS trước đây, chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực đem giấu bệnh nhân khi cơ quan WHO đến kiểm tra tại chỗ.
<!>
Theo hai nghiên cứu y khoa vừa được đăng trên tờ báo y khoa Lancet, virus có thể lây lan cho dù nguồn nhiễm bệnh chưa có triệu chứng. Có nghĩa là một người chỉ mới nhiễm bệnh nhẹ đã có thể truyền dịch sang người khác, trước khi triệu chứng được phát hiện.
    Người bị bệnh có nhiều triệu chứng khác nhau, và tương tự như dịch SARS, cũng thuộc chủng loại coronavirus. Tất cả bệnh nhân đều bị sưng phổi, sốt, và ho. Một số chỉ bị triệu chứng nhẹ hơn như mỏi mệt, nhức đầu, và tiêu chảy. So với SARS, thì người nhiễm cúm Vũ Hán, ít bị chảy nước mũi, đau cuống họng hơn. Nói chung, triệu chứng khó phân biệt với cảm cúm thông thường, vì coronavirus cũng tương tự như loại virus gây ra cảm cúm.
    Chỉ trừ khi có tiếp xúc với người bị bệnh hay mới đây có đi du lịch sang Tàu, phần còn lại, khi bị triệu chứng cảm cúm thì không cần phải lo ngại. Tuy nhiên nếu triệu chứng kéo dài, hay những người già, người có sức đề kháng yếu, thì cần quan tâm, tham khảo với bác sĩ.
    Để đề phòng, trước hết nên tránh xa nơi bị nhiễm bệnh. Kế đến, nên rửa tay thường xuyên, và không nên chạm tay vào mặt, mũi, môi miệng và mắt. Tương tự như cúm, virus có thể truyền qua nước nhờn bay qua không khí khi người bệnh hắt hơi, ho sặc. Do vậy, mang khẩu trang có thể giúp ngăn chận được bệnh, nhưng tuyệt đối không luồn ngón tay vào bên dưới khẩu trang, sờ mó vào môi và miệng.
    Coronavirus thuộc loại “zoonotic”, có thể lan truyền từ súc vật sang con người tươmg tự như cúm SARS hay dịch Ebola. Sau đó, chúng sẽ truyền từ người sang người.
    Trong trường hợp của cúm SARS, bắt nguồn từ loài dơi, sau đó được truyền từ loại cầy hương (civet cat), sang người. Sau khi hoành hành ở nước Tàu vào khoảng năm 2002-2003, rồi lan ra 37 quốc gia khác, gây ra tử vong cho 774 người, cúm SARS tự nhiên biến mất.
    Năm 2013 đến 2016, dịch Ebola khởi thuỷ ở West Africa, gây ra tử vong cho khoảng 11,000 người, được nghi ngờ cũng phát xuất từ loài dơi.
    Bây giờ là cúm Vũ Hán, được tường thuật có liên hệ đến việc tiêu thụ động vật hoang dã như dơi, và rắn. Những người bị nhiễm bệnh được biết thường hay mua sắm hay làm việc ở những chợ seafood, hoặc ở những lò sát sinh “thịt lạ” ở Vũ Hán. Nghiên cứu mới nhất, cho biết, khi thử trên người bệnh, cúm Vũ Hán, coronavirus, bắt nguồn từ dơi còn sống. Còn dơi hay rắn đã nấu chín thì không hẳn có thể truyền bệnh. Dù sao đi nữa, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cấm mua bán tiêu thụ thịt động vật sống trong hoang dã.
    Hiện nay vẫn còn quá sớm để biết được tầm ảnh hưởng của cúm Vũ Hán, nhưng thật ra, tương tự như dịch SARS, hay dịch Ebola trước đây, nghe tin thì có vẻ chấn động, nhưng tỉ số tử vong thì không đáng ngại. Vì nên nhớ, “cúm thông thường”, mỗi năm gây ra tử vong cho khoảng 400,000 người trên toàn cầu.

    Một sự kiện khác, thoạt nghe qua thì không có liên hệ gì đến chuyện cúm Vũ Hán, đó là cầu thủ bóng rổ lừng danh Kobe Bryant và con gái, “Gigi” đã bị tử nạn vì rớt máy bay trực thăng ở Calabasas, California. Ông Kobe chỉ mới 41 tuổi và con gái Gianna, 13 tuổi.
    Trong lãnh vực thể thao, Kobe là một thiên tài, là phù thuỷ với trái banh trên sân bóng rổ. Sự ra đi quá sớm của ông đã gây ra chấn động trong giới hâm mộ, và cho nhiều người có tên tuổi khác trên mọi địa hạt.

    Tuy gọi là sống, nhưng rất nhiều khi chúng ta không biết trân quý sự sống, rất mong manh. Ta cho rằng sống là chuyện tự nhiên như mặt trời mọc và lặn mỗi ngày, và quên mất “được sống” là một ân huệ. Vì, sẽ có lúc, mặt trời sẽ mọc, trái đất vẫn quay, và ta không còn hiện hữu nữa.
    Một con virus nhỏ có thể quật ngã hàng trăm, hàng ngàn, hay hàng triệu người, không kể già trẻ lớn bé, đủ mọi thành phần giai cấp giàu nghèo. Cho đến những người lừng danh, được tôn sùng như siêu nhân rồi cũng đến lúc sẽ ra đi mà thôi. Từ vài tháng tuổi, 13 tuổi, 41 tuổi, hay 82 tuổi, ai rồi cũng có một ngày.
    Kobe Bryant hay những người có tên tuổi đã ra đi trước đó như Steve Jobs, Michael Jackson, Elvis Presley, hay ngay cả Albert Einstein, đều để lại những “di sản”, không phải là vật chất, mà quan trọng hơn cả, là những gì họ đã đóng góp cho cuộc sống.
    Mỗi cá nhân chúng ta, tuy không được nổi tiếng để hàng triệu người thương tiếc, nhưng, vẫn có nhiều người thân yêu sẽ luyến tiếc về sự mất mát một khi ta từ giã. Điều quan trọng ở đây, nên sống trọn vẹn mỗi ngày, dành tất cả những yêu thương cho người thân thuộc. Hãy biến những ngày đang sống như một thiên đàng trên cõi đời cho người thân, và cho cả chính mình. Bởi vì, một khi chúng ta ra đi, không có gì là vĩnh cữu, ngoại trừ những “di sản tâm hồn” mà ta để lại. 

BS Hồ Ngọc Minh

Không có nhận xét nào: