Hình minh họa
Tháng 4-1969 tôi được lệnh thuyên chuyển từ quận Phú-Lộc đến quận Hương-Thủy, cũng với chức vụ Phú Quận Trưởng.
Quận Hương-Thủy là một quận lớn của tỉnh Thừa Thiên, nằm kế cận thành phố Huế. Quận có 10 xã, dân cư đông đúc, kinh tế khá phồn thịnh, phần lớn dân chúng sống về nghề nông. Trong địa bàn quận có phi trường Phú Bài, là phi trường duy nhất của tỉnh Thừa Thiên. Căn cứ chính của Sư Đoàn 101 Không Vận Hoa Kỳ tọa lạc ở xã Thủy Lương, cạnh phi trường Phú Bài. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh VNCH đóng ở xã Thủy Phương , cũng thuộc quận Hương Thủy.
<!>
<!>
Đến nhận nhiệm vụ tại quận Hương Thủy, mỗi ngày tôi đi làm bằng xe gắn máy, vì văn phòng quận chỉ cách thành phố Huế khoảng 10 cây số. Ở một góc của sân quận có một xe Jeep nhà binh nằm ở đó, từ lâu không được sử dụng , nên có vẻ cũ kỷ lắm. Trung Tá Quận Trưởng cho biết xe đó còn tốt, Ông Phó có thể chùi rửa lại để dùng. Tôi cho kéo xe đi rửa. Chỉ cần thay bình điện, thay bougie và châm dầu nhớt là xe đã chạy được. Vì quận hành chánh không có xe, nên tòa hành chánh tỉnh không cấp tài xế. Trung Tá Quận trưởng biết điều đó nên nói với tôi : “Bên Chi Khu có một nghĩa quân tên là Phụng biết lái xe, tôi sẽ biệt phái anh ấy sang lái xe cho Ông Phó”. Từ đó, mỗi ngày tôi đi làm hay đi công tác ở các xã, đều sử dụng chiếc xe Jeep ấy.
Trung Tá Quận Trưởng làm việc rất tích cực : ông đi hành quân, đi thăm viếng đồng bào ở các xã xa xôi , hay đi khuyến khích tinh thần làm việc cho viên chức xã ấp…suốt ngày đêm. Sự làm việc tận tụy của Trung Tá Quận Trưởng đã kích thích tôi làm việc nhiều hơn sự đòi hỏi của vai trò người Phó Quận Trưởng. Nhiều đêm, tôi cùng Trung Tá Quận trưởng đi thăm một vài xã kém an ninh để khích lệ tinh thần làm việc của viên chức, cán bộ xã ấp, hoặc kiểm tra sinh hoạt của Nhân Dân Tự Vệ chẳng hạn. Vì vậy, người lái xe cho tôi, chú Phụng, cũng phải vất vả ngày đêm với tôi. Và ngẫu nhiên, chú ấy trở thành người cận vệ thân tín của tôi.
Tôi có một người bạn là Đại Úy Châu, Đại Đội Trưởng Đơn Vị Lôi Hổ, đóng quân ở Phú Bài, có cho tôi một khẩu súng M18. Tôi giao cho chú Phụng khẩu M18 đó để đem theo xe. Một hôm, tình cờ Đại Tá Tỉnh Trưởng thấy người cận vệ của tôi đeo khẩu M18, ông nói đùa : “Cận vệ của Ông Phó Quận Trưởng mà trang bị còn ngon hơn cận vệ của Đại tá Tỉnh Trưởng, chỉ sử dụng M16 thôi !” Tôi liền bảo chú Phụng đưa ngay khẩu M18 ấy cho người cận vệ của Đại Tá Tỉnh Trưởng. Mấy hôm sau, tôi đã xin ngay được một khẩu M18 khác của Đại Úy Châu, kể cả cái áo khoát có gắn 6 băng đạn của súng M18 và trao lại cho Phụng.
Chú Phụng, người cận vệ của tôi, là một thanh niên cao lớn hơn những người bình thường. Chú ấy đã từng theo học môn phái võ thuật “Thần Quyền”.
Những khi đi công tác ban đêm, chú ấy thường nói với tôi : “Ông Phó đừng lo, chừng nào em chết rồi thì tụi nó mới có thể đến gần Ông Phó”. Khi tôi làm việc ở văn phòng Quận, chú Phụng thường đứng hoặc ngồi trước văn phòng. Thấy ai lãng vãng gần đó, lập tức chú ấy đến hỏi ngay. Trung Tá Quận Trưởng rất bằng lòng với sự tận tụy của chú ấy đối với tôi.
Trong thời gian này, một biến cố đã xảy đến cho chú Phụng : một hôm, chú ấy đi hớt tóc, khi đang nằm ngữa để cạo mặt, thì có một thanh niên lạ mặt nhảy vào kê súng lục vào bụng chú ấy và bóp cò. May mắn là viên đạn trúng vào cái bút nịt bằng đồng, nên viên đạn đi chệch hướng , nhưng cũng làm cho chú ấy lòi ruột. Chú được đưa đi bệnh viện , mổ vá ruột. May mắn, chú ấy thoát chết !
Sau khi xuất viện về làm việc lại như cũ, tôi hỏi chú ấy: “ tại sao lại có người muốn giết em ?”. Chú ấy thố lộ rằng : “Em và Côi, bạn em, lâu nay cầm đầu một băng nhóm,chuyên bảo kê cho những cơ sở làm ăn với cơ quan của Hoa Kỳ đóng ở quanh phi trường Phú Bài như : Thầu đổ rác, thầu giặt ủi, cung cấp nước đá , các quán bar v.v. Gần đây , có một nhóm khác muốn cạnh tranh, giành địa bàn họạt động của tụi em, nhưng tụi nó yếu thế, phải rút hết vào Đà Nẳng. Vì vậy chúng thù em”.
Mấy hôm sau chú Phụng xin nghĩ 5 ngày để lo công việc nhà. Lúc này tôi đã có một tài xế do Toà Hành Chánh tỉnh gửi đến, nên việc chú Phụng xin nghỉ 5 ngày cũng không có gì trở ngại đến việc đi lại của tôi.
Sau 5 ngày nghỉ phép, khi trở lại làm việc, chú Phụng đã cho tôi biết rằng sau khi bị ám sát nhưng may mắn thoát nạn, chú đã cho đàn em điều tra ra tên kẻ ám sát cũng như băng nhóm của chúng, đang ẩn náu tại làng Thanh Bồ ở Đà Nẳng. Chú đem theo 6 đàn em, trang bị súng ống đầy đủ, kể cả khẩu M18 và lựu đạn bi. Vào Đà Nẳng, nhóm của chú đã thanh toán sạch băng đảng ấy! Chú bình thản trở lại công việc hàng ngày của mình xem như không có chuyện gì xảy ra.
Nghe câu chuyện chú Phụng kể, về việc thanh toán nhóm băng đảng nào đó, đã có tội định ám sát chú ấy. Mặc dù chúng nó đắc tội với chú, nhưng chú đã trả thù quá mạnh tay. Tôi bàng hoàng sững sốt. Tôi đã nghiêm khắc nói với Phụng : “Dù là em trả thù, nhưng em đã hành động quá tàn ác. Anh không muốn em tiếp tục làm những chuyện như vậy nữa. Em hãy giải tán băng nhóm của em và từ nay em hãy sống lương thiện như những người dân bình thường khác !”
Mấy ngày sau, chú Phụng thành khẩn nói với tôi : “Thưa ông Phó, tuân lệnh ông Phó, em đã giải tán băng “Ó Xanh” của em. Em đã chia cho đám đàn em mỗi đứa một số tiền để chúng làm ăn, và ra lệnh chúng nó giải tán. Em cám ơn ông Phó. Tứ nay em sẽ sống như một người dân bình thường. Tất cả ngày giờ của em , sẽ dành để lo an ninh cho ông Phó mà thôi.”
Những lúc đi công tác ở các xã kém an ninh, chú Phụng thường nhắc nhở tôi : “Nếu bị phục kích, Ông Phó cứ nằm sát xuống đất, em sẽ nằm trên lưng ông Phó, sẽ không có một viên đạn nào tìm đến Ông đâu!” Chú ấy tin rằng, với khẩu M18 và cả chục lựu đạn bi, chú dư sức đồi phó với cả tiểu đội chúng nó.
Tháng 12-1972, tôi được lệnh thuyên chuyển ra tỉnh Quảng Trị, giữ chức Phó Tỉnh Trưởng. Chú Phụng muốn theo tôi. Vấn đề đặt ra là chú Phụng đi theo tôi ra Quảng trị có hợp pháp không. Tôi đã hỏi Phòng Tổng Quản Trị tại Tiểu Khu Thừa Thiên, nơi đây đã trả lời cho tôi rằng nghĩa quân thuộc quyền quản trị của Chi Khu, nếu ông Chi Khu Trưởng chấp thuận cho đi và cấp Sự Vụ Lệnh cho chú ấy, thì xem là hợp pháp. Từ đó, chú Phụng theo tôi ra Quảng Trị.
Có một dịp tình cờ gặp Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình (Phủ Đặc Ủy Trung Uơng Tình Báo) ở văn phòng Ông Phụ Tá Ngân, tôi đã hỏi Thiếu Tướng Bình : “Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh có quyền có cận vệ không ?”Thiếu Tướng Bình cho tôi biết, ở những tỉnh kém an ninh như Bình Long, Kiến Tường, Quảng Trị, Hậu Nghĩa, Quảng Đức v.v. thì Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh có quyền có cận vệ. Tôi trình lại điều ấy cho Đại Tá Tỉnh Trưởng và Đại Tá đã biệt phái cho tôi một nghĩa quân nữa, làm người cận vệ thứ hai.
Thời gian phục vụ ở Quảng Trị, tôi có nhiều dịp làm việc với Thiếu Tá Nhi, Quận Trưởng Hải Lăng. Thỉnh thoảng Thiếu Tá Nhi mời tôi xuống quận vào buổi chiều sau giờ làm việc. Thường thì tôi đem theo một chai Martell, hoặc Napoleon, có khi là một chai Hennessy. Một hôm, Thiếu Tá Nhi rót cho chú Phụng một ly , bảo là cho phép chú ấy uống. Nhưng chú Phụng lễ phép thưa với Thiếu Tá Nhi: “Xin cám ơn Thiếu Tá, em không dám uống, em cần tỉnh táo để lo an ninh cho Ông Phó”
Tháng 12-1972, tôi có ý định đi viếng Thánh Địa La Vang đổ nát, tôi xin máy bay trực thăng của MACV để đưa tôi đến đó. MACV đồng ý nhưng với điều kiện là máy bay chỉ đáp xuống La Vang trong 5 phút mà thôi. Chú Phụng rất lo lắng về chuyến đi này, chú khuyên tôi không nên đi. Nhưng tôi quyết tâm phải đi thăm La Vang. Chú ấy khẩn thiết yêu cầu tôi phải mặc áo giáp để đề phòng tụi nó bắn sẻ.
Máy bay trưc thăng xanh trắng của MACV đưa tôi đến Thánh Địa La Vang. Tôi nhìn một vòng, quanh nơi trực thăng hạ cánh, nhìn cây nấm nơi Đức Mẹ đang đứng. Bom đạn đầy trời như vậy mà không có vết một viên đạn nào chạm vào cây nấm bằng ciment to lớn, nơi có Thánh Tượng Đức Mẹ. Tôi rất sung sướng nhìn thấy Tượng Đức Mẹ an toàn một cách lạ lùng! Tôi vội vã trở lại máy bay. Sau 5 phút, trực thăng đã cất cánh, đưa tôi rời khỏi Thánh Địa La Vang. Chuyến thăm viếng La Vang tuy ngắn ngũi nhưng đã để lại trong lòng tôi biết bao cảm xúc !
Lâu lắm chú Phụng mới xin phép về Huế thăm gia đình một hai ngày. Tất cả thì giờ còn lại, chú đều dành để lo vấn đề an ninh cho tôi.
Cuối năm 1973, tôi được lệnh thuyên chuyển về phục vụ tại tỉnh Phong Dinh, Cần Thơ. Chú Phụng phải trở về lại tỉnh Thừa Thiên. Vì chú ấy thuộc cấp số nghĩa quân của quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Sau biến cố 30 tháng 4 năm 75, tôi hoàn toàn mất liên lạc với chú Phụng.
Cho đến năm 1983, thình lình chú ấy tìm đến nhà tôi ở Cần Thơ để thăm tôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết. Chú Phụng ôm chầm lấy tôi và cảm động nói : “Em không ngờ được gặp lại Ông Phó. Ông Phó có mạnh khỏe không ? Có bệnh hoạn gì không ? Mạ em có dặn em là bất cứ giá nào cũng phải tìm cho được Ông Phó. Nay em đã mãn nguyện, và chắc chắn Mạ em cũng vô cùng sung sướng khi biết Ông Phó đã được trở về với sức khỏe bình yên”. Chú ấy đem biếu tôi 5 kg gạo, một ít khoai khô và đậu phụng trồng trong vườn nhà của chú ấy. Tôi cảm động ứa nước mắt khi nhận món quà tình nghĩa mà chú ấy đã mang từ Huế vào Cần Thơ cho tôi. Từ ngày ấy, tôi và chú Phụng thường xuyên liên lạc với nhau.
Tháng 11-1992, tôi được đi định cư ở Mỹ theo diện HO. Khi tiễn đưa gia đình chúng tôi ở sân bay Tân Sơn Nhứt, chú Phụng thành khẩn nói với tôi : “Nay mai, dù ở xa xôi, nhưng Ông Phó muốn em làm gì Ông Phó cứ sai bảo em”
Những năm tháng sống xa quê hương, khi nghĩ đến lăng mộ của ông bà, cha mẹ hư nát theo thời gian, trong lòng không khỏi buồn phiền, lo âu. Tôi nghĩ đến chú Phụng và đã nhờ chú ấy tu sửa, trông coi lăng mộ ông bà, cha mẹ của tôi và của nhà tôi nữa. Những lăng mộ này đều tọa lạc tại tỉnh Thừa Thiên.
Năm 2008, chúng tôi về thăm Huế sau nhiều năm xa cách. Chú Phụng đón vợ chồng tôi tại phi trường Phú Bài (Huế). Chú đưa chúng tôi đến khách sạn Sông Hương, nơi đó chú đã đặt phòng trước cho chúng tôi.
Về thăm Huế đúng vào mùa hè, nên trời nóng lắm, nhà tôi không muốn đi ra ngoài nhiều. Tuy nhiên khi chúng tôi muốn ăn một món ăn đặc biệt nào của Huế, chú Phụng cũng sẵn sàng mua đem về khách sạn cho chúng tôi. Vì vậy, dù không đi đâu, chúng tôi cũng được thưởng thức những món ăn nổi tiếng của Huế như bánh khoái Đông Ba, bún bò Ngự Viên, bánh ướt thịt nướng Kim Long, bánh bèo Chợ Cạn, bánh canh Nam Phổ .. Tất cả đều được ăn tại khách sạn.
Về Huế lần này, nhà tôi mong muốn được ăn mít ướt , một đặc sản của Huế, mà đã trên 50 năm rồi chúng tôi không được ăn. Sau một ngày, thím Phụng đã mua được một trái, hớn hở đem đến khách sạn cho chúng tôi. Thím ấy cho biết : “Em đã nhờ nhiều người đi khắp các chợ quanh thành phố để tìm mua, sau 2 ngày, may mắn mua được trái mít ướt này ở một chợ nhỏ thuộc xã Thủy Biều ( Long Thọ)”.
Một hôm , hai người bạn thân của tôi, cùng nhau học trung học ở Quốc Học Huế, đã hơn 50 năm rồi, có nhã ý mời vợ chồng tôi đi ăn “cơm niêu” ở Nam Giao. Tiệm “cơm niêu” nầy trang trí theo lối xưa, từ bàn ghế cho đến những bức tranh cổ treo trên tường. Khi đã ngồi vào bàn, chờ thức ăn của nhà hàng mang lên, chúng tôi thấy ba thanh niên đi lui ,đi tới ở những bàn kế cận. Tôi tò mò hỏi chú Phụng, chú trả lời : “Thưa Ông Phó, đó là tụi đàn em đang làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho Ông Phó đó!”Khi chúng tôi đi bất cứ nơi đâu, lúc nào cũng có một xe nhỏ, với 3 thanh niên ngồi trên đó, đi theo xe của chúng tôi.
Tôi được biết ở Huế có một quần thể rất đẹp gọi là “Huyền Không Sơn Thượng” nằm xa thành phố. Tôi ngõ ý muốn đến đó xem. Nhưng chú Phụng cương quyết không cho chúng tôi đi. Chú nói: “Đó là một nơi vắng vẻ, lại xa thành phố, Ông Phó không nên đi”
Hôm tiễn đưa chúng tôi trở về Mỹ, chú Phụng cầm tay tôi thổn thức : “Kính chúc Ông Bà thượng lộ bình an. Em mong năm tới, ông bà lại về thăm Huế, để em có cơ hội phục vụ ông bà . Em cầu xin Trời Phật cho em bình yên sức khỏe để em hoàn thành tâm nguyện của mình là được làm Người Cận Vệ Suốt Đời cho Ông Phó!”
Bửu Uyển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét