Muốn hay không muốn, năm 2019 đã đi qua, chấm dứt 12 tháng với thật nhiều chuyện xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng có lẽ chính trường nước Mỹ là sân khấu đã diễn ra nhiều màn sôi động, ly kỳ, giựt gân nhất, không riêng với dân Mỹ mà nhiều người bên ngpài nước Mỹ cũng chú tâm theo dõi, vì có liên hệ tới họ. Trước hết là cuộc “khủng hoảng biên giới” phía Nam nước Mỹ, giáp ranh với Mễ-Tây-Cơ. Mới đầu năm, ngày 8.1.2019, Tổng thống Trump đã từ Văn phòng Bầu dục Tòa Bạch ốc nói chuyện với quốc dân Mỹ qua trực tiếp truyền hình về cuộc khủng hoảng di dân và việc cần phải xây dựng bức tường dọc theo biên giới phía nam giáp ranh Mexico.<!>
Ông Trump đã lên tiếng về vấn đề quan trọng này khi chính quyền liên bang đã đóng cửa 18 ngày và sau những cố gắng để tìm một giải pháp với Hạ viện đều thất bại. Trong bài diễn văn ngắn không tới mười phút, ông Trump đã kêu gọi Hạ viện cấp ngân khoản cho đề án của ông để củng cố an ninh ở biên giới phía nam và chấm dứt vụ đóng cửa chánh quyền đã kéo dài qua ngày thứ 18. Ông nhấn mạnh đang có một “cuộc khủng hoảng về nhân đạo và an ninh mỗi lúc một lớn hơn”, và ông hỏi: “Bao nhiêu máu của người Mỹ phải đổ thêm nữa trước khi Quốc Hội làm công việc của mình?”
Ông nói đến con số những tội ác mà di dân bất hợp pháp đã gây ra trên nước Mỹ, và nhân viên công lực đã bắt giữ 266 ngàn di dân bất hợp pháp có hồ sơ hình sự trong vòng hai năm vừa qua. Ông nói:
“Qua những năm dài, hàng ngàn người Mỹ đã bị giết chết một cách tàn bạo bởi những người đã vào đất nước chúng ta một cách bất hợp pháp, và hàng ngàn sinh mạng nữa sẽ bị hủy diệt nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ. Tất cả mọi người dân Mỹ đã bị tổn hại do sự di dân không kiểm soát được. Nó làm hao mòn tài nguyên, công quỹ và giảm bớt việc làm, hạ thấp tiền lương.”
Ông Trump cáo buộc những dân biểu đảng Dân Chủ đã từ chối điều đình với ông ta cho đến khi nào chính quyền mở cửa lại. Ông vạch ra: “Những đảng viên Dân Chủ trước đây đã ủng hộ việc xây dựng một bức tường và đã thay đổi ý kiến sau khi tôi đắc cử tổng thống.” Ông tổng thống khẳng định: “Tình trạng này có thể được giải quyết trong một buổi họp 45 phút. Hy vọng chúng ta có thể đứng lên trên đảng phái chính trị. Chánh quyền liên bang vẫn còn đóng cửa là vì một lý do và chỉ vì một lý do mà thôi: Vì những dân biểu Dân Chủ sẽ không cấp ngân sách cho bức tường an ninh.”
Lên tiếng trả lời ngay sau khi ông Trump chấm dứt bài diễn văn, lãnh tụ Khối thiểu số tại Thượng viện Charles E. Schumer nói: “Ông tổng thống này đã chỉ dùng tấm màn che của Văn phòng Bầu dục để chế tạo ra một cuộc khủng hoảng (manufactured crisis), nung nấu sự sợ hãi và lái sự chú ý ra khỏi những hỗn loạn trong chính quyền của ông ta…..”
Cuối cùng thì Tổng thống Trump cũng đã đặt bà Pelosi trở lại chiếc ghế của bà ta tại Hạ viện khi ông tuyên bố sẽ ký dự luật ngân sách mà Quốc hội vừa thông qua sau khi được hai đảng thỏa hiệp, dù ông không thích, để tránh phải đóng cửa chính quyền thêm một lần nữa, đồng thời ông cũng loan báo sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có tiền thực hiện bức tường biên giới phía nam đã bị Hạ viện bác bỏ trước đây hai tháng.
Sự loan báo của ông Trump đã chấm dứt hai tháng căng thẳng từ khi Hạ viện bác bỏ khoản dự chi 5,7 tỉ đô-la trong ngân sách của hành pháp để thực hiện bức tường biên giới phía nam nước Mỹ và đã đưa tới một cuộc đóng cửa chính quyền liên bang lâu nhất trong lịch sử, 35 ngày. Nó cũng bắt đầu một giai đoạn mới trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump khi ông cho rằng Hạ viện không cho hành pháp xây dựng bức tường là vì lý do chính trị và đã vi phạm nguyên tắc tam quyền phân lập trong nền dân chủ Mỹ.
Trong 50 phút họp báo vào ngày cuối cùng để có thể đóng cửa chính quyền lần thứ hai, TT Trump đã nhấn mạnh lý do phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới phía nam nước Mỹ. Ông nói: “Chúng ta đang nói về một cuộc xâm lăng vào đất nước chúng ta với ma túy, với bọn buôn người, với đủ loại tội phạm hình sự và băng đảng.” Ông đã lặp lại tiếng “cuộc xâm lăng” (invasion) tới bảy lần trong cuộc họp báo.
Ông Trump đã nhiều lần báo động rằng nhiều tội phạm hình sự đủ loại đã xâm nhập nước Mỹ một cách bất hợp pháp từ Mexico để chứng minh cho nhu cầu xây bức tường mà các chính quyền trước từ thời TT Clinton đã bắt đầu thực hiện với sự ủng hộ của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tại Quốc hội.
Các viên chức tại Tòa Bạch Ốc cho biết với tình trạng khẩn cấp quốc gia vừa được ban bố, hành pháp có thể có trong tay 8 tỉ đô-la để thực hiện bức tường mới. Trong số tiền đó có 1.375 tỉ do Quốc hội chấp thuận ngày 14.2.2019, có thể dùng để thực hiện bức rào dài 55 dặm nhằm ngăn chặn di dân lậu đi bộ qua Thung lũng Rio Grande ở Texas. Tòa Bạch Ốc cũng có thể sử dụng 600 triệu đô-la trong quỹ của Bộ Ngân Khố gồm tiền chính quyền liên bang tịch thu trong các hành động phi pháp. Thêm vào đó là 2.5 tỉ được chuyển từ một chương trình của Bộ Quốc Phòng dành cho những hoạt động bài trừ ma túy, và cuối cùng là 3.6 tỉ lấy từ ngân quỹ xây dựng của quân đội.
Chuyện đóng cửa chính quyền Liên Bang và Bức Tường biên giới vừa “tạm yên” lại tới phúc trình của ông Robert Mueller về chuyện “thông đồng” giữa ông Trump và người Nga với cuộc điều tra kéo dài gần hai năm, (17.5.2017- 22.3.2019), mà kết quả là không có bằng chứng ông Trump, hay ban vận tranh cử của ông ta, đã thông đồng với người Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, và cũng không có bằng chứng về tội cản trở công lý.
Tin này như là một “quả bom” được ném vào phe Dân Chủ trong Quốc hội đang nóng lòng chờ đợi tin mừng để “đàn hạc” ông tổng thống. Còn Tổng thống Trump thì vui mừng tuyên bố: “Cuộc chơi đã chấm dứt.” (game over)
Nhưng “cuộc chơi” chưa chấm dứt, và mới chỉ bắt đầu màn 2 khi ông Bộ trưởng Tư pháp William Barr chỉ định ông John Durham, Chưởng lý Hoa Kỳ, để tìm hiểu ngọn nguồn của cuộc điều tra chứa đầy mờ ám nhắm vào ông Trump trong suốt hai năm, đồng thời Tổng Thanh tra Bộ Tư Pháp Michael E. Horowitz cũng mở cuộc điều tra nội bộ về việc FBI lạm dụng Luật FISA để “dò thám” nội bộ ban tranh cử của ông Trump.
Dựa vào lời tố giác của một “người thổi còi báo động” vô danh về cuộc điện đàm của TT Trump với tổng thống nước Ukraine, ngày 24 tháng 9 Hạ viện đã bỏ phiếu theo phe đảng để tiến hành cuộc điều tra “đàn hặc” (impeach) Tổng thống Donald Trump, bị cáo buộc đã “phản bội lời tuyên thệ nhậm chức”, lạm quyền và che đậy tội lỗi. Ông Trump “được” những người “ghét Trump” tô vẽ như một con người cực kỳ tệ hại, cực kỳ xấu xa, cực kỳ nguy hiểm cho nước Mỹ.
Từ đó, mọi “sinh hoạt chính trị” của nước Mỹ đã bị cuốn hút vào vụ đàn hặc ở Hạ viện và hai cuộc điều tra tại Bộ Tư pháp, đưa nước Mỹ vào tình trạng chia rẽ trầm trọng chưa từng thấy. Chia rẽ giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, chia rẽ trong nội bộ hai đảng, chia rẽ trong truyền thông báo chí, chia rẽ trong các cơ quan chính quyền, chia rẽ trong các cộng đồng, và chia rẽ trong mỗi gia đình người Mỹ.
Nhưng, “may mắn thay” cho nước Mỹ, Tổng thống Trump, mặc dù bị đánh phá mọi mặt ngay từ ngày đầu ngồi làm việc trong Văng Phòng Bầu Dục ở Tòa Bạch Ôc, dù khước từ lãnh lương, đứng đầu ngành hành pháp, sau ba năm đã đưa nước Mỹ tới tình trạng tốt đẹp hơn, trái ngược hẳn với các cuộc thăm dò ý dân (polls), với phân tích, nhận định, tiên đoán màu đen của các chính trị gia, kinh tế gia, bình luận gia danh tiếng trước cuộc bầu năm 2016.
Các con số thống kê vào những ngày cuối năm 2019 cho thấy kinh tế Mỹ đang ở trong tình trạng tốt đẹp nhất trong nửa thế kỷ vừa qua, tiền lương tăng trung bình 3% mỗi năm, và thị trường chứng khoán cao vượt mức kỷ lục. Kinh tế phát triển trung bình 2,4 % với tỉ số người thất nghiệp thấp 3,5% chưa từng thấy. Đặc biệt là đời sống của dân lao động và dân da đen đã được cải thiện rất nhiều trong 3 năm qua. Hiện nay, tỉ sổ cử tri da đen chấp nhận thành tích của ông Trump là từ 30% tới 35%, so với 10% trước đây. Không thể phủ nhận sự nở rộ của nền kinh tế Mỹ hiện nay là kết quả của chính sách cắt giảm thuế của TT Trump được ban hành hai năm trước.
Về đối ngoại, không ai có thể phủ nhận trong ba năm qua ông Trump đã thực hiện lời lứa khi ra tranh cử năm 2016: “Make America Geat Again”. Từ ngày làm tổng thống, lãnh đạo siêu cường Hoa Kỳ, ông Trump đã phục hồi niềm tin của đồng minh và chấm dứt sự khinh miệt của kẻ thù, nhất là đối với kẻ thù nguy hiểm số một của nước Mỹ hiện nay: Tập Cận Bình với “Giấc Mơ Trung Quốc” điên rồ.
Thật là trớ trêu, ngày 24.12.2019, một ngày trước lễ Giáng Sinh, và một tuần trước năm mới 2020, TT Donald Trump đã “được” các dân biểu Dân Chủ chiếm đa số tại Hạ Viện, nhân danh dân Mỹ, nhân danh Hiến Pháp, bỏ phiếu buộc tội để “đàn hặc”, truất quyền. Nhân dân Mỹ đã trả ơn, hay thưởng công ông tổng thống về những gì đã làm cho nước Mỹ và dân Mỹ?!
Dù sao thì tất cả những gì đã xảy ra trong năm 2019 cũng đã trở thành quá khứ. Và, năm 2020 đã bắt đầu với những gì sẽ tới. Đó là bản án chung cuộc cho vụ đàn hặc Tổng thống Donaild sẽ do Thượng viên xét xử, đó là kết quả cuộc điều tra của ông John Durham, Chưởng lý Hoa Kỳ, và cuộc tổng tuyển cử ngày 3.11.2020.
Rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra cho những gì sẽ xảy ra trong năm 2020:
- Tổng thống Donald Trump có bị Thượng viện kết tội và truất quyền hay không?
- Kết quả cuộc điều tra của ông Durham sẽ ra sao? Những ai sẽ bị buộc tội và xét xử? Cái “boomerang Công lý” có quay trở lại giáng lên đầu những kẻ chủ mưu vụ gian dối “thông đồng với Nga” và tạo ra cuộc điều tra tai hại, hao tốn 40 triệu đô-la tiền thuế của dân, kéo dài hai năm được gọi là “cuộc săn bắt phù thủy”?
- Cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong ngày thứ ba, 3.11.2020, kết quả sẽ ra sao? Ông Trump có tái đắc cử tổng thống hay không? Đối thủ của ông ta do đảng Dân Chủ đề cử sẽ là ai? Đảng Dân Chủ có giữ được đa số tại Hạ viện hay không?
- Cuộc chiến tranh thương mại với Trung Cộng sẽ diễn tiến ra sao? Số phận của Tập Cận Bình?
Để tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên đây, nhà tiên tri người Anh, Craig Hamilton Parker, với thành tích năm 2016 đã nói đúng việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, vừa phổ biến những tiên tri về các biến cố sẽ xảy ra trong năm 2020 tại Mỹ trên YouTube của ông ta, tóm tắt như sau:
- Donald Trump sẽ không bị truất phế khỏi ghế tổng thống;
- Ông ta bị một trong những người thân tín nhất phản bội – có thể là Rudy Giuliani?
- Đàn hặc sẽ làm gia tăng quyền lực cho ông Trump. Ông ta tố cáo âm mưu một cuộc đảo chánh của quyền lực ngầm (deep-state);
- Joe Biden sẽ bị thất sủng vì một vụ tai tiếng;
- Elizabeth Warren sẽ được đảng Dân Chủ đề cử để ra tranh chức tổng thống vào năm 2020;
- Donald Trump sẽ tái đắc cử tổng thống bằng cách thắng tại các tiểu bang ngoài dự liệu, thí dụ như Florida;
- Cuộc chiến thương mại với Trung quốc sẽ leo thang trong khi những cuộc nổi loạn tràn lan khắp nước Tàu.
Và, dưới đây là những việc được ông Hamilton Parker tiên đoán thêm sẽ xảy ra trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump:
- Donald Trump sẽ bị thương trong một vụ mưu sát;
- Ông ta sẽ bị bệnh bao tử khiến có lúc sẽ phải gián đoạn thi hành nhiệm vụ tổng thống;
- Bão tố, nạn cháy rừng và động đất liên tiếp sẽ đe dọa nhiệm kỳ tổng thống của ông ta;
- Trump sẽ làm dịu sự đấu tranh của phe bảo vệ môi sinh bằng cách tham dự một chương trình thành lập những “công viên ngoài biển” (marine parks) và những khu rừng được bảo vệ ở Phi Châu và Nam Mỹ.
Mặc dù nhà chiêm tinh Craig Hamilton Parker đã đoán đúng việc ông Trump đắc cử năm 2016, trong khi hầu hết những người khác đều nói chắc như bắp bà Hillary Clinton sẽ đại thắng, Trump sẽ đại bại nhục nhã, và ông Trump hiện nay cũng đang nắm nhiều lợi thế so với các ứng cử viên của đảng Dân Chủ, nhưng đang có những thận trọng và dè dặt với những “polls”, những “tiên tri” nói rằng ông Trump sẽ tái đắc cử dễ dàng, nhất là sau khi ông bị đảng Dân Chủ luận tội đàn hặc một cách bất công.
Trên thực tế có những yếu tố bất ngờ tác động vào khiến cho những cuộc thăm dò không chính xác. Sự không chính xác của những “polls” về cuộc bầu cử năm 2016 đã nhắc nhở mọi người nên dè dặt với những tiên tri về cuộc bầu cử năm nay, 2020.
Chờ xem.
Ký Thiệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét