FB Phạm Đình Trọng Nhà văn Nguyên Ngọc (hàng đầu, bìa trái) cho biết: "Nguyên tắc của Văn đoàn Độc lập là không chỉ tôn trọng mà còn cố gắng phát huy tối đa sự đa dạng, đa nguyên của văn học" Ban Vận động Văn đoàn Độc lập thông báo họ không kỷ niệm 5 năm hoạt động "vì lý do an ninh" trong lúc một thành viên nói với BBC rằng "người ta báo trước là mình không được tổ chức công khai". Thông cáo của tổ chức xã hội dân sự nêu trên đăng tại trang Vanviet.info nói họ "quyết định hủy bỏ buổi kỷ niệm 5 năm hoạt động và trao giải Văn Việt lần thứ tư vào hôm 3/3 vì lý do an ninh".Ban Vận động Văn đoàn Độc lập quy tụ những cây bút quen thuộc như Bùi Chát, Bùi Minh Quốc, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Đặng Tiến, Đỗ Lai Thúy, Đỗ Trung Quân, Giáng Vân, Hoàng Hưng, Nguyễn Duy, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang Lập, Phạm Đình Trọng...Hoàng Hưng: 'Chúng tôi không muốn làm liệt sỹ quá sớm'
<!>
Cũng trong dịp này, bài phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc, trưởng ban Vận động Văn đoàn Độc lập đăng trên Vanviet.info cho biết: "Chúng tôi là những người cầm bút không muốn để cho ai dùng mình cả. Có thể có một câu châm ngôn mới: "Hãy nói cho tôi biết ai nuôi và dùng Hội của anh, tôi sẽ nói cho anh biết hội của anh là cái thứ hội gì!".
"Nguyên tắc của chúng ta là không chỉ tôn trọng mà còn cố gắng phát huy tối đa sự đa dạng, đa nguyên của văn học, bới chính văn học sinh ra là để nói lên và bảo vệ tính đa dạng, đa nguyên của thế giới, của cuộc sống và con người."
'Đã báo trước'
Hôm 4/3, dịch giả Phạm Nguyên Trường, thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, nói với BBC: "Theo như tôi biết, người ta đã báo trước là mình không được tổ chức kỷ niệm công khai."
"Năm ngoái thì người ta phá ngay từ đầu bằng cách cắt điện, cắt nước tại nơi tổ chức ở Sài Gòn."
"Sau đó mọi người đành kéo vào quán ăn một tô phở."
"Năm nay thì không biết lý do cụ thể là gì nhưng năm ngoái, người ta nói với ban tổ chức là cuốn 1984 [tiểu thuyết của nhà văn George Orwell] do tôi dịch có những đoạn mà giới an ninh văn hóa bảo là nói về họ, nên không được trao giải cho cuốn này."
"Nếu cứ trao giải thì người ta sẽ phá."
Ông Nguyên Trường nói thêm: "Tất nhiên là chính quyền không khuyến khích các cá nhân tham gia Văn đoàn Độc lập."
"Đây là tổ chức tư nhân nên họ không kiểm soát được, nên họ sẽ ngăn chặn thôi."
"Theo như tôi hiểu, người ta chỉ làm phiền những buổi tụ tập đông người [của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập] chứ còn đăng bài trên trang web thì toàn những người già già thôi thì người ta cũng không làm gì."
Bàn về chuyện kiểm duyệt xuất bản sách, dịch giả Phạm Nguyên Trường nhận định: "Tôi thấy tình hình kiểm duyệt sách hiện khá tùy tiện."
"Ông kiểm duyệt lúc làm căng, lúc không căng. Đã cấm đoán mà chẳng có theo luật lệ gì cả."
"Cùng một cuốn nhưng nhà xuất bản này thì bị cấm còn nhà xuất bản khác thì làm được nên cuối cùng chẳng hiểu nó như thế nào."
Fb Phạm Đình Trọng Nhà văn Nguyên Ngọc
'Đối trọng với Hội Nhà văn của nhà nước'
Hồi năm ngoái, một đại diện của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập nói với BBC rằng "nên lấy làm mừng" về văn bản của Ban Tuyên Giáo lệnh đề nghị "rút toàn bộ tác phẩm của nhà văn có tên trong Văn đoàn Độc lập ra khỏi sách giáo khoa."
Mạng xã hội rò rỉ một văn bản do ông Võ Văn Phuông, phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, "đề nghị Ban Cán sự Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia tổ chức Văn đoàn Độc lập ra khỏi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn mới."
Văn bản cũng nêu: "Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới phải bám sát định hướng của Đảng. Sách giáo khoa Ngữ văn mới phải thể hiện sâu sắc nội dung giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc và chủ nghĩa nhân văn cao cả."
Thời điểm đó, ông Hoàng Dũng, thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, nhà nghiên cứu ngôn ngữ và cũng là giảng viên ở TP. Hồ Chí Minh, bình luận: "Đã có không ít nhà văn tên tuổi bị trục xuất khỏi văn đàn, tác phẩm bị tiêu hủy, mà có phải ai cũng may mắn có một văn bản như thế đâu."
"Thì đấy, giấy trắng mực đen Ban Chấp hành Hội Nhà văn chỉ ra quyết định truất ba năm hội tịch Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán nhưng mãi 30 năm sau hội tịch của họ mới được phục hồi!"
"Còn Nguyễn Mạnh Tường từ năm 1957 đến 1993, không biết do lệnh của ai, hoàn toàn bặt tiếng, không có một tác phẩm nào được in, cho dẫu là một bài báo nhỏ!"
"Chuyện xửa chuyện xưa? Không, chuyện nảy chuyện nay đấy: một bài đăng báo không vừa ý một quan chức có trách nhiệm quản lý, là có thể bị bóc tức khắc, đôi khi chỉ cần một cú điện thoại, thậm chí - người ta đồn - một cái tin nhắn!"
"Cho nên, trước một văn bản như thế này, nên lấy làm mừng! Chỉ mong từ nay, tất cả những chỉ thị kiểm duyệt văn chương đều có văn bản. Để cho các thế hệ sau hiểu được, chứ mọi chuyện cứ thì thụt trong bóng tối thì quả thực phải kêu lên như Nguyễn Trọng Tạo: "Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi. Câu trả lời thật không dễ dàng chi!".
"Tôi hiểu là văn bản của Ban Tuyên Giáo là áp dụng cho sách giáo khoa phổ thông sắp tới, chứ không phải sách giáo khoa hiện hành. Mà dự thảo Chương trình Ngữ văn như đã công khai trên báo chí thì chỉ quy định sáu tác phẩm bắt buộc, trong đó có duy nhất một tác phẩm văn học hiện đại là 'Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.'
"Còn các nhà văn khác, kể cả người thuộc Văn đoàn Độc lập là nhà văn Nguyên Ngọc, xuất hiện trong phần các văn bản gợi ý, tức người viết sách giáo khoa có thể đưa vào hay không."
Ông Hoàng Dũng cũng nói thêm: "Về cách hành xử của chính quyền với Ban vận động Văn đoàn độc lập và giải Văn Việt của tổ chức này, tôi chỉ có thể nói: "Hết ý kiến!"
"Nói thế này thì gần sự thật hơn: người ta muốn đẩy Ban vận động Văn đoàn Độc lập đến chỗ đối trọng với Hội Nhà văn của nhà nước."
"Rất nhiều nhà văn có tên trong Ban vận động Văn đoàn Độc lập đồng thời cũng là hội viên của Hội Nhà văn đấy chứ. Nhưng tháng 5/2015, sau việc lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam chỉ thị loại bỏ khỏi danh sách đi dự Đại hội lần thứ 9 những ai là thành viên Ban vận động Văn đoàn Độc lập, tước bỏ một trong những quyền cơ bản của hội viên, xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người cầm bút thì nhiều người trong số đó mới tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam."
"Chúng tôi là chúng tôi, trước sau không "đối trọng" với bất kỳ ai cả."
"Còn chuyện vượt qua rào cản kiểm duyệt, định hướng của bất kỳ ai, tổ chức nào, không cứ là của Ban Tuyên Giáo thì đó chẳng phải nguyên tắc và là - ở Việt Nam - ước mơ của người cầm bút hay sao?
Trả lời câu hỏi của Ben Ngô - "Khái niệm tự do sáng tác có tồn tại ở Việt Nam hay không?", ông Hoàng Dũng đáp: "Tôi tưởng anh hỏi: "Người Việt Nam có tự do hay không?"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét