Thanh Lan với Viễn Kính Tiệm hình
Thập niên 90, đọc tờ báo Xuân ở trong nước, có bài viết của một nhà báo thi sĩ nói về những giai nhân nổi tiếng của Sài Gòn năm xưa gồm Cô Ba Xà Bông, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga và tác giả thêm tên ca sĩ Thanh Lan vào danh sách này. Cô Ba Xà Bông là hình của một phụ nữ đẹp trên nhãn hiệu cục xà bông do công ty của thương gia Trương Văn Bền sản xuất nổi tiếng cả nước khoảng thập niên 1940.
<!>
Thanh Lan đàn ghi ta
Thẩm Thúy Hằng đẹp nổi tiếng đến nỗi nhạc sĩ Phạm Duy khi viết những bài Tục Ca đã ví von rằng “tôi có người yêu mông to như Thẩm Thúy Hằng”.
Hồi còn nhỏ tôi thường hay nghe các người lớn so sánh về nét đẹp “ con nhỏ đó có cái miệng đẹp giống Thanh Nga”.
Và Thanh Lan đầu thập niên 1970 đã nên danh, là thần tượng của giới trẻ, sinh viên học sinh, là ca sĩ hát nhạc Việt, nhạc Pháp, nhạc Anh nhuần nhuyễn.
Tuần trước, ngồi nói chuyện với Thanh Lan trong quán cà phê, tôi nhắc lại bài báo Xuân đó thì chị rất vui. Sài Gòn một thuở hoa lệ, có biết bao nhiêu người đẹp, thế mà được đưa vào danh sách Tứ Đại Mỹ Nhân của một thời vàng son năm cũ, thì thật là một điều vinh hạnh.
Tên thật là Phạm Thái Thanh Lan- Phạm họ cha, Thái họ mẹ. Thanh Lan kể là ông ngoại từng làm gia sư cho Cựu hoàng Bảo Đại. Chị sinh năm 1948 tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An rồi theo ba má vào Sài Gòn. Thanh Lan được dạy dỗ chu đáo, biết đàn dương cầm, học trường trung học Pháp, học Đại học Văn Khoa Sài Gòn ban Anh văn; chỉ còn thiếu một môn là hoàn tất bằng Cử Nhân thì thời thế thay đổi. Thời đó, nữ ca sĩ mà học đại học Sài Gòn thì rất hiếm, cho nên Thanh Lan được giới học sinh sinh viên ngưỡng mộ.
Thanh Lan khóc khi hát Chiều Winnipeg, Asia 14
Sau khi Sài Gòn mất tên thì biết bao nhiêu người vượt biển, Thanh Lan vượt biển mấy lần thất bại, bị tù và mãi đến năm 1994 mới qua được Mỹ và tiếp tục sinh hoạt ca nhạc với cộng đông hải ngoại.
Trong cuốn băng nhạc Asia 14, Thanh Lan hát bản Chiều Winnipeg của Trần Chí Phúc. Điều đặc biệt là chị đã khóc trong lúc trình diễn quay hình ở Montreal Canada, đôi mắt đẫm lệ. Tôi hỏi tại sao khóc thì chị trả lời bài hát làm xúc động.
Tôi chú ý một điều thú vị học được từ một bác sĩ nhãn khoa giải thích rằng thường khi khóc đôi mắt lệ chảy hai hàng, cho nên trong một số cảnh phim, tài tử khóc mà chỉ có một dòng lệ chảy và mắt khô ráo thì đó là nhờ xảo thuật điện ảnh.
Thanh Lan xuất hiện lần đầu trên truyền hình Việt Nam với ca khúc Chiều Tưởng Nhớ của Lan Đài. Bài hát Gọi Người Yêu Dấu của Vũ Đức Nghiêm do Thanh Lan trình bày đầu tiên và trở thành nhạc phẩm đặc biệt trong cả suốt cuộc đời ca hát .
Thanh Lan được giải thưởng văn học nghệ thuật Tổng Thống năm 1970, bộ môn Điện Ảnh. Chị cho xem tấm hình chụp chung với nữ tài tử Kim Vui ( phim Chân Trời Tím ) trong khuôn viên Dinh Độc Lập.
Poster Đêm Nhạc Sinh Nhật Thanh Lan, 30-3-2019 Bleu Night Club
Sau này Thanh Lan trở thành thi sĩ với 3 tập thơ phát hành bằng Anh ngữ, Pháp ngữ và Việt ngữ. Xin trích mấy câu:
“ Bạn có khi nào ngồi lặng thinh. Lắng nghe tiếng cô đơn thủ thỉ. Trong nức nở mưa đêm rên rỉ. Nước mắt của mưa âm thầm rơi.
Trong tâm tưởng hiện ra bao ảo giác. Những bóng đêm lướt nhẹ quanh mình. Một đoạn phim quay chậm lung linh. Tất cả hầu như là không thật.
Bạn có khi nào như hóa đá. Tượng đá bất động giữa đêm đen. Muốn giải thoát linh hồn băng giá. Giam cầm trong đơn độc con tim.
Bạn có khi nào tự hỏi mình.Vì sao, vì sao thế, bỗng nhiên. Mất mát và trống vắng triền miên. Mà vẫn chẳng thấy mình run sợ.
Tượng đá có cảm xúc gì không? Bạn có thấy tượng kia nhỏ lệ. Dưới cơn mưa cúi đầu hoài thế. Có biết chăng đau khổ là gì.?
Chẳng hi vọng hay tuyệt vọng chi. Không có ngày mai để lo nghĩ. Biết bấu víu vào ai đâu nhỉ. Lắng sâu trong buồn bã làm gì.? Tượng đá vẫn suy tư…( Tiếng Cô Đơn)
“ Do you happen to stay still? And listen to the sound of solitude. The tears of the mourning rain .Softly falling as if mute.”… ( The Sound of Solitude )
“ Vois, ces’t le printemps qui revient. Vois, le soleil chasse l’hiver. Tois, penses- tu encore à moi. À nos baisers d’autrefois. Quand tu es là. Plus de tourments quand je suis dans tes bras. Plus de souffrances. Tu les effaceras… ( Je t’aime, reviens )
Cuộc đời Thanh Lan thật tài hoa trong nghệ thuật: ca, kịch, phim và làm thơ. Trong một lần gặp gỡ mấy năm trước, chị tâm sự đại ý rằng trên cuộc đời này đàn ông tốt cũng nhiều; nhưng đời mình không gặp được người nào…
Có lẽ những người phụ nữ đẹp tài hoa khó mà hòa hợp với người đàn ông nào cả. Có lẽ cô đơn là điều cần thiết để cuộc sống nghệ thuật thăng hoa. Cô đơn để dễ dàng sáng tạo. Triết gia Nietzche đã từng thốt lên “ Triết học là đời sống của băng lạnh và núi cao”. Và Thanh Lan vẫn còn có một mặt đời kia rộn ràng với sân khấu và sinh hoạt nghệ thuật.
Có lẽ những người phụ nữ đẹp tài hoa khó mà hòa hợp với người đàn ông nào cả. Có lẽ cô đơn là điều cần thiết để cuộc sống nghệ thuật thăng hoa. Cô đơn để dễ dàng sáng tạo. Triết gia Nietzche đã từng thốt lên “ Triết học là đời sống của băng lạnh và núi cao”. Và Thanh Lan vẫn còn có một mặt đời kia rộn ràng với sân khấu và sinh hoạt nghệ thuật.
Câu nói người xưa thật thấm thía rằng kiếp nghệ sĩ là con tằm phải nhả tơ khi nào còn sống. Chúc mừng Thanh Lan vẫn tung tăng trong vườn hoa nghệ thuật.
Đêm nhạc thính phòng và dạ vũ mừng sinh nhật Thanh Lan, Màu Kỷ Niệm sẽ diễn ra vào Thứ Bảy 30 tháng 3 năm 2019 tại Bleu Night Club, 14160 Beach Blvd, Westmister, CA 92685. Liên lạc Thanh Lan Entertainmet 714- 606- 7683.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét