Thủ Tướng Đức Angela Merkel chỉ ra rằng Châu Âu mới là nơi phải gánh chịu những hậu quả của các cuộc phiêu lưu của Mỹ. Trong hình, bà Angela Merkel (phải) và Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence tại Hội Nghị An Ninh Munich lần thứ 55 ở Munich, miền Nam nước Đức, vào ngày 16 Tháng Hai, 2019. (Hình: Christof Stache/AFP/Getty Images)
<!>
Vào lúc kết thúc hội nghị, hôm Chủ Nhật, 17 Tháng Hai, người đứng ra tổ chức, ông Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Washington, đưa ra một kết luận bi quan: “Chúng ta có một vấn đề hầu như không sao giải quyết được.”
Bản chất của vấn đề có thể thấy rõ trong suốt ba ngày hội nghị. Mỹ không những đụng đầu với các đối thủ Nga và Trung Cộng mà còn với cả các đồng minh tại Châu Âu và những bộ phận của hệ thống trật tự thế giới mà chính Washington bỏ công nhiều năm để xây dựng.
Quan trọng hơn nữa là sự lo sợ mà người ta có thể cảm thấy được là cái keo dán nối liền các nước phương Tây của các giá trị dân chủ đang từ từ tan rã.
Người ta có thế thấy sự chia rẽ này qua những tràng pháo tay được nổ ra hay không trong những bài diễn văn của các nhân vật. Khi Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence đọc bài diển văn trong một sảnh đường đầy ắp đến 800 người tham dự bao gồm cả các vị tổng thống, thủ tướng và các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao các nước thì chỉ có một vài tiếng vỗ tay lẻ tẻ từ phía phái đoàn Mỹ tham dự mà thôi. Trong khi đó bài diễn văn của bà Thủ Tướng Đức Angela Merkel thì được những tràng pháo tay giòn giã đón nhận mỗi khi bà dừng lại để lấy hơi.
Vì sao lại có một sự khác biệt trong cách đón nhận hai bài diễn văn như vậy?
Bài diễn văn của ông phó tổng thống Mỹ là đánh dấu mức cao điểm của một tuần du thuyết tại các thủ đô Châu Âu, đặc biệt là cuộc hội nghị tại Warsaw trong đó Washington tìm cách ép buộc các đồng minh Châu Âu đi theo mình trong việc chế ngự chế độ thần quyền tại Iran.
Thế nhưng bài diễn văn ở Munich vượt xa hơn, bảo các đồng minh Châu Âu hãy “học sống với Trump” và các chính sách cứng rắn của Trump mà cho người ta thấy rõ quan điểm “America First” về hợp tác với chính quyền Trump: Mỹ đơn phương quyết định và các đồng minh chỉ có quyền đi theo, một chính sách mà theo bà Constqanze Stetzenmuller, một chuyên gia cao cấp của viện nghiên cứu Brooking Institution tại Washington gọi là chính sách “You’d better join us or else.”
Trong bài diễn văn ông Pence đòi hỏi Châu Âu phải tích cực ủng hộ đường lối cứng rắn của Mỹ đối với Iran, Venezuela và nguy cơ xâm nhập không gian ảo của Trung Quốc bằng cách cấm công ty Huawei tham gia vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở điện thoại di động thế hệ thứ 5, tức 5G. Một trong những viên chức cao cấp Châu Âu có mặt gọi bài diễn văn này là “bẩn thỉu.”
Bài diễn văn trả lời của bà Angela Merkel cũng rất thẳng thừng, nói rõ quan điểm của Châu Âu về chính sách độc đoán đế quốc của Mỹ, đặc biệt là những cố gắng của ông Trump nhằm cô lập Iran và chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump.
Bà chỉ ra rằng Châu Âu mới là nơi phải gánh chịu những hậu quả của các cuộc phiêu lưu của Mỹ kể cả việc đột ngột rút quân ra khỏi Syria và Afghanistan. Người Âu, bà thủ tướng Đức nói thêm sẽ không đi theo Mỹ trong việc hủy bỏ thỏa hiệp hạch nhân với Tehran và họ sẽ tiếp tục tìm những giải pháp đa phương cho các vấn đề tỷ như thay đổi khí hậu.
Trả lời khuyến dụ của ông Trump rằng các công ty xe hơi của Đức là một nguy cơ cho an ninh Hoa Kỳ, bà chỉ ra rằng cơ sở sản xuất xe hơi lớn nhất của công ty Đức BMW là tại tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ, chứ không phải là Bavaria nơi công ty này có tổng hành dinh.
Có lẽ trong hội nghị này sung sướng nhất là Trung Cộng. Trung Cộng đã gởi một phái đoàn khổng lồ sang Châu Âu tham dự, do ông Dương Khiết Trì, quốc vụ khanh đặc trách ngoại vụ, dẫn đầu để tìm cách hợp tác với Châu Âu trên phương diện canh tân và kỹ thuật cao chống lại một nước Mỹ càng ngày càng thù nghịch đối với Trung Quốc.
Và quả thật, thái độ kiêu căng của chính quyền Trump đã tạo ra hậu quả tốt cho Trung Quốc. Chỉ vài ngày sau khi ông Pence đòi hỏi các nước Châu Âu phải không cho phép công ty Trung Quốc Huawei tham gia vào việc cung cấp thiết bị cho hệ thống 5G, cả Anh và Đức vốn trước đây đã ngầm ngăn chặn không cho các công ty viễn thông của mình mua thiết bị của Huawei nay đổi giọng nói rằng có thể dùng thiết bị của Huawei trong một số trường hợp. Và New Zealand vốn đã chính thức cấm không cho Huawei dự thầu cung cấp thiết bị 5G nay cũng nói rằng có thể xét lại.
Nhưng sự chia rẽ càng ngày càng sâu đậm giữa Châu Âu và Mỹ cũng là một mối lo đáng kể cho những nước Châu Âu, nhất là những nước nhỏ đứng trước sự đe dọa của Nga. Cựu Tổng Thống Estonia Toomas Lives đuợc ghi lại là đã lo lắng đưa ra câu hỏi: “Những hành động của Mỹ càng ngày càng làm cho người ta lo sợ và khiến người ta phải tự hỏi ‘Chúng ta phải làm gì bây giờ? Chúng ta có thể tự đi một mình hay không?’”
Câu trả lời là không; ít nhất là trong giai đoạn hiện thời. Cái dù an ninh mà Hoa Kỳ phủ cho Châu Âu quá lớn và sức hút kinh tế quá mạnh. Ngay cả những người chủ trương một Châu Âu độc lập cũng phải công nhận là không có Mỹ và sau Brexit, không có Anh, Châu Âu phải mất một thời gian dài mới có thể xây dựng được một lực lượng mạnh đủ để bảo đảm an ninh cho mình.
Đúng là Tàu cười, Mỹ khóc, Tây lo.
Lê Mạnh Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét