Getty Images Quỹ Phan Châu Trinh đóng cửa vài tháng sau ồn ào vụ Giáo sư Chu Hảo, một trong những người đồng sáng lập quỹ, bị khai trừ khỏi ĐCSVN
Một số ý kiến của các học giả trẻ cho rằng sẽ còn nhiều con đường khác để đưa tri thức thế giới tới độc giả Việt Nam sau khi Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh ngừng hoạt động.
Việc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (PCT) ngưng hoạt động xảy ra chỉ vài tháng sau ồn ào Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố khai trừ Giáo sư Chu Hảo, một trong những người đồng sáng lập Quỹ.<!>
'Sự kiện đáng buồn'
Nhà báo Bill Hayton của BBC nhận định rằng đây là "bước thụt lùi của tự do tri thức" ở Việt Nam.
Nguyễn Vi Yên, một trí thức trẻ hiện là Chủ nhiệm nhóm Tinh Thần Khai Minh và từng có thời gian làm việc cho Giáo sư Chu Hảo, nhận định với BBC hôm 25/2 rằng "đây là một sự kiện đáng buồn cho xã hội nói chung".
"Tôi từng tham gia vào các hoạt động của Quỹ như Trao giải Sách hay, sinh hoạt học thuật, trao giải văn hóa Phan Châu Trinh, giao lưu với các anh chị cô chú trong Quỹ. Trong thời gian đó tôi thấy một điều là thực sự trong giới trí thức, học thuật của Việt Nam thì Quỹ Phan Châu Trinh hoạt động tốt nhất, mạnh nhất trong việc ủng hộ giới trí thức. Họ dấn thân vào công cuộc khai dân trí và xa hơn nữa là thúc đẩy phong trào dân chủ ở Việt Nam."
"Cá nhân tôi thực sự rất trân trọng hoạt động của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Bước ngoặt đầu tiên khiến tôi bước chân vào con đường hoạt động dân chủ là khi tôi đọc cuốn Bàn về Tự do của John Stuart Mill do NXB Tri Thức ấn hành. Cuốn sách này cũng nằm trong dự án Tủ sách Tinh hoa Thế giới do Quỹ Phan Châu Trinh bảo trợ."
"Những công việc của Quỹ Phan Châu Trinh trong suốt 11 năm vừa qua đóng góp không hề nhỏ trong việc thúc đẩy xã hội Việt Nam phát triển từ tầng sâu." Nguyễn Vi Yên, Chủ tịch nhóm Tinh Thần Khai Minh
"Từ đó tôi thấy chính từ những hành động, công việc nho nhỏ như vậy của Quỹ Phan Châu Trinh đã thúc đẩy người trẻ dấn thân vào các công việc xã hội như thế nào, mà tôi chính là một trường hợp điển hình."
"Ngoài việc ngoài việc xuất bản, Quỹ còn vinh danh cách cuốn sách và các nhân vật có ảnh hưởng, có tầm vóc đối với xã hội. Những công việc như vậy của Quỹ Phan Châu Trinh trong suốt 11 năm vừa qua đóng góp không hề nhỏ trong việc thúc đẩy xã hội Việt Nam phát triển từ tầng sâu."
"Việc đóng cửa Quỹ, theo tôi, không tạo ra bước ngoặt hay đà mới cho một nhóm khác hình thành, mà thậm chí còn gây ra cảm giác tiêu cực về việc đàn áp những người đấu tranh ở trong nước," Vi Yên nói.
Tuy nhiên, Vi Yên cũng như một số trí thức khác ở Việt Nam vẫn nhìn thấy những con đường khác để đưa kiến thức, văn hóa và tinh hoa của thế giới về cho độc giả Việt Nam.
Con đường khác?
Nguyễn Vi Yên, chủ nhiệm nhóm Tinh Thần Khai Minh, nói sách của Nhà xuất bản Tri Thức đã giúp cô mở mang kiến thức và quyết định đi theo con đường đấu tranh cho dân chủ
Nhìn lại việc kỷ luật Đảng, sau đó là khai trừ Đảng Giáo sư Chu Hảo do xuất bản một số sách được cho là "có nội dung sai phạm, trái quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng", cùng với việc cấm một số hoạt động giao lưu học thuật khác, Vi Yên cho rằng "từ nay trở đi, những hoạt động sinh hoạt văn hóa, học thuật như vậy sẽ còn bị đàn áp nhiều hơn nữa."
Dù vậy, Vi Yên nói còn có những cách khác để đưa tri thức về Việt Nam trong bối cảnh "đàn áp hiện nay" mà nhóm Tinh Thần Khai Minh do cô khởi xướng là một ví dụ.
"Có thể nhắc đến NXB Giấy Vụn là một NXB độc lập. Hay NXB Vô Danh không cần đăng ký ở Việt Nam nhưng sách của họ vẫn được dịch thuật, ấn loát và lưu hành tại Việt Nam. Đó là cách hay mà không phải phụ thuộc vào nhà nước."
"Một cách khác là thành lập doanh nghiệp xã hội không đăng ký với nhà nước, sau đó nhận quỹ từ các nguồn nước ngoài, hoặc tự gây quỹ tư nhân trong nước để mình hoạt động. Nhóm Tinh Thần Khai Minh cũng hoạt động theo kiểu này. Hiện những nhóm, tổ chức như thế đang trăm hoa đua nở.. Các nhóm sinh hoạt chung với nhau và có thể tự dịch thuật, xuất bản theo cách của mình."
"Tôi nghĩ rằng có thể gặp một số khó khăn như sự cản trở của chính quyền, Nhưng cứ gặp khó khăn này thì mình sẽ có cách khác và cá nhân tôi thì khá lạc quan với những công việc như vậy."
Vi Yên cũng cho rằng chính quyền Việt Nam chỉ có thể ngăn chặn một vài tổ chức chứ không thể chặn toàn bộ, nhất là trong trào lưu hiện nay với nhiều nhóm dân chủ của giới trí thức trẻ được thành lập.
"Điều đó cho thấy khuynh hướng phát triển và vận động của giới tri thức Việt Nam sẽ càng ngày càng tăng lên chứ không thể nào cản trở được."
Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang cũng chia sẻ chung quan điểm của Vi Yên về vấn đề này.
Trên trang Facebook cá nhân, bà Đoan Trang dẫn ý kiến của luật sư Trần Quý Vi rằng các tổ chức xã hội dân sự làm phải đăng ký với nhà nước và làm việc "dựa trên luật pháp" Việt Nam là đi vào "ngõ cụt".
Theo đó, luật sư Vi cho rằng cách hoạt động như Quỹ Phan Châu Trinh là cách làm 'của lớp người đi trước'. Trong khi đó, nếu thực sự muốn chia sẻ kiến thức tới người khác thì không cần phải lập quỹ trong giới hạn 'cho phép' của bất kỳ ai.
Bà Trang cũng bày tỏ ý kiến cá nhân của mình, rằng việc 'xin phép nhà nước' khiến nhiều trí thức Việt Nam tự giới hạn mình trong những việc 'nằm trong khuôn khổ nhà nước cho phép".
"Giả sử có lúc nào trong đầu tôi có ý nghĩ 'chờ xin giấy phép xuất bản', thì chắc chắn 100% là tôi sẽ không bao giờ viết sách Chính trị bình dân hay Học chính sách công qua chuyện đặc khu. Đấu tranh chống độc tài mà lại chỉ làm những việc độc tài ấy cho phép, thì nghĩa là gì? Nghĩa là: Họ không hề có tư tưởng chống độc tài, giành lấy tự do, xây dựng dân chủ," nhà báo Đoan Trang viết.
Đóng cửa vì thiếu nhân lực hay do sức ép?
Cuối tháng Hai, mạng xã hội lan truyền bức thư với chỹ ký được cho là của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ PCT, tuyên bố việc Quỹ ngừng hoạt động "vì lý do khách quan".
Ngay sau đó, Giáo sư Chu Hảo đã chính thức thừa nhận việc đóng cửa Quỹ.
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thành lập năm 2007. Chủ tịch Quỹ là bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó CT nước, con gái ông Phan Châu Trinh.
Bên cạnh cách hoạt động tọa đàm, văn hóa, đào tạo nghiên cứu, Quỹ còn có Tủ sách Tinh hoa Thế giới nhằm "Du Nhập, Phục Hưng, Khởi Phát, Gìn giữ & Lan Tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm góp phần canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21".
Ông Chu Hảo nói với RFA rằng Quỹ ngưng hoạt động không phải do áp lực nào, mà từ 'điều kiện khách quan' là sức khỏe của bà Bình nay 90 tuổi, giảm sút. Trong khi đó không thể tìm được người thay thế hội đủ các tiêu chí mà Quỹ đặt ra.
Dù vậy, Vi Yên nói với BBC rằng nhìn nhận từ các vụ việc với Giáo sư Chu Hảo nói riêng và phong trào dân chủ ở Việt Nam nói chung, "có thể thấy dù chính quyền không gây sức ép trực tiếp thì tất cả những hội nhóm, tổ chức ở Việt Nam đều đang gặp sức ép gián tiếp. Và không thể nói việc đóng cửa này không liên can đến chính quyền được."
Nhà báo Bill Hayton của BBC cho hay vào năm 2008, Đảng Cộng sản Việt Nam ngăn cản Quỹ Phan Châu Trinh trao giải thưởng vinh danh học giả có đóng góp nổi trội cho giáo dục Việt Nam cho Giáo sư người Mỹ Keith Taylor, tác giả cuốn A history of the Vietnamese.
Giáo sư Keith Taylor từng tổ chức các sự kiện nhìn nhận lại Chiến tranh Việt Nam từ quan điểm của miền Nam Việt Nam, được cho là "làm phiền lòng rất nhiều lãnh đạo của Hà Nội", theo Bill Hayton.
Trong khi đó, việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo bắt đầu từ cuối tháng 10/2018, khi trang web của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có bài viết nhận định ông Chu Hảo khi làm Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức đã cho in nhiều sách "có nội dung sai phạm, trái quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng".
Theo đó, từ 2005 đến 2009, ông Chu Hảo xuất bản 5 cuốn bị chính quyền cấm phát hành, như cuốn Đường về nô lệ của F.A. Hayek, cuốn Karl Marx của Peter Singer, cuốn Ông Sáu Dân trong lòng dân.
Cuốn Ông Sáu Dân trong lòng dân cho thấy Nhà Xuất bản có "dấu hiệu khuynh hướng tập hợp những bài viết về những người có quan điểm khác với chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm "gợi ý", "gợi mở" một hướng đi khác, cách nhìn khác không có lợi cho sự nghiệp xây dựng đất nước". Trang web của Ủy ban Kiểm tra Trung ương viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét