Sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc năm 1945, bối cảnh lịch sử thay đổi khi chủ nghĩa phát xít với phe Trục Đức-Ý-Nhật tan rã, nhưng một chủ nghĩa khác còn độc tài và toàn trị hơn phát xít là chủ nghĩa Cộng Sản đã xuất hiện và lan rộng như vết dầu loang. Thế giới lại bị chia hai: một bên là thế giới Tự Do với Hoa Kỳ đứng đầu, và một bên kia là thế giới Cộng Sản do Liên Xô lãnh đạo. Để chống lại làn sóng đỏ, từ năm 1945 đến 1958, một phong trào chống Cộng rộng lớn được phát động lấy tên Thượng Nghị Sỹ McCarthy báo động hiểm họa của cộng sản trên đất Hoa Kỳ. <!>
Năm 1950, TNS McCarthy lên danh sách công bố có đến 205 tên cộng sản đã xâm nhập vào Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và hàng trăm vụ điều tra qua Quốc Hội về những nhân vật bị nghi ngờ thân cộng trong cả chính giới và quân đội Mỹ. Chủ nghĩa chống cộng tích cực này lại mang tính cách cực đoan và hung hãn nên tuy gây được làn sóng bài cộng trên cả nước, nhưng lại gây nhiều yếu tố tiêu cực làm phân hóa nước Mỹ lúc bấy giờ, làm cho người dân sợ hãi và làm lu mờ ý tưởng tự do và dân chủ mà Mỹ Quốc đang là ngọn đuốc cho thế giới.
Bởi thế bước qua hai thập niên ’60 và ’70 đã dấy lên hai phong trào tại Mỹ Quốc. Phong trào thứ nhất là chống Cộng (anti-Communist): đưa đến việc chính phủ Hoa Kỳ quyết định giúp chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) làm tiền đồn chống Cộng tại Đông Nam Á, và đưa quân Mỹ vào tham chiến tại nam Việt Nam. Bên cạnh đó là phong trào thứ nhì: chống lại những người chống cộng (anti anti-Communist), và rất nhiều người trong phong trào chống lại người chống cộng này, là những văn nghệ sĩ có tiếng, sau đó đã tham gia vào phong trào phản chiến chống chiến tranh Việt Nam ngay tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, và làm tê liệt bộ máy chiến tranh của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á, làm phương hại đến tiềm năng chống cộng của chế độ VNCH, và hoàn toàn có lợi cho cộng sản.
Sau 27 năm quyết liệt chống lại làn sóng đỏ (1945-1972) tại Châu Á, Hoa Kỳ đột nhiên thay đổi chính sách đối kháng thành sách lược hợp tác với Trung Cộng khi Tổng Thống Richard Nixon và viên cố vấn người Do Thái Henry Kissinger qua Bắc Kinh dự yến tiệc linh đình với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai năm 1972. Qua hiệp ước Thượng Hải Shangai, Mỹ-Hoa đã bước qua lằn ranh thù địch để hợp tác song phương tại Thái Bình Dương, và hậu quả của nó là Mỹ bỏ rơi đồng minh VNCH và vùng Đông Dương để đổi lấy mậu dịch với Hoa Lục.
Các vị tổng thống của Hoa kỳ trong giai đoạn này đều là những nhà lãnh đạo có tinh thần chống Cộng như Tổng Thống Dwight Eisenhower, TT John F. Kennedy, TT Lyndon B. Johnson, và TT Richard Nixon. Theo nhiều phân tích gia, năm 1972 Mỹ đến Hoa Lục để hòa với Tầu, kéo Tầu về phía mình, nâng Tầu lên để đánh Nga. Đến khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ năm 1989, và bước qua thế kỷ thứ 21 khi nước Tầu trở thành cường quốc thứ nhì trên thế giới, và có khả năng xâm nhập vào thị trường nhiều nước tại Châu Á, Châu Phi, và Châu Mỹ La Tinh một cách mạnh mẽ, và âm mưu toan tính lật đổ ngôi vị hàng đầu của Mỹ, thì Hoa Kỳ đang thực sự đứng trước một kẻ thù mới đầy nguy hiểm là Trung Cộng.
Tại Hoa Kỳ, trong bốn thập niên qua và trải qua năm đời tổng thống, có hai nhà lãnh đạo thuộc đảng Cộng Hòa, được xem như hai vị tổng thống nổi bất nhất về đường lối chống cộng sản. Vị thứ nhất là Tổng Thống thứ 40 Ronald Reagan, là một nhà lãnh đạo anh minh, không những đem lại sự phồn vinh cho nước Mỹ, mà chính là người đã chỉ vào bức tường ô nhục ở Bá Linh và thách thức Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Mikhai Gorbachev giật sập nó xuống. TT Reagan cũng là người đã kéo Liên Xô vào cuộc chạy đua vũ trang trên mặt đất và trong không gian, khiến cho Liên Xô kiệt quệ. TT Reagan cũng là người được ghi nhận có công lớn làm sụp đổ Liên Bang Xô Viết, và khối Đông Âu, và đưa thế giới sang một trang mới của lịch sử. Đối với những người tỵ nạn Việt Nam trong chương trình nhân đạo Humanitarian Operation (H.O.) khởi sự từ năm 1990, TT Ronald Reagan còn là một vì ân nhân và anh hùng của họ. Với lòng thương yêu mà TT Ronald Reagan dành cho các quân dân cán chính VNCH còn bị giam giữ, lưu đầy hơn 10 năm trong các trại giam của cộng sản tại Việt Nam (sau ngày miền Nam sụp đổ tháng 4-1975), Đặc Sứ (envoy) của tổng thống - cựu Đại Tướng John Vessey đã thương thuyết thành công với Hà Nội, và sau đó tất cả các tù nhân chính trị đã được thả ra, và được qua Mỹ định cư với gia đình của họ. Vị tổng thống thứ hai chống cộng chính là đương kim Tổng Thống thứ 45 Donald Trump của Hoa Kỳ. Sau bốn đời tổng thống từ George H.W. Bush, Bill Clinton, George W. Bush, đến Barrack Obama, hầu như nín lặng trước sự bành trướng đầy đe dọa của Trung Cộng, ngay trong năm thứ nhì của nhiệm kỳ đầu tiên, TT Trump đã lên tiếng mạnh mẽ tại các diễn đàn trên thế giới kể cả Liên Hiệp Quốc về hiểm họa của chủ nghĩa xã hội, và kêu gọi tây phương đoàn kết để tận diệt thứ chủ nghĩa chỉ đem lại nghèo đói và tàn phá cho bất kỳ đất nước nào áp dụng nó, gần Mỹ nhất là Venezuela và Cu Ba. Đến thời của Tổng Thống Doanld Trump, ông không còn nhìn nước Nga là kẻ thù của Mỹ nữa, mà kẻ thù chính mà Mỹ nhắm vào bây giờ là Trung Cộng, bởi lẽ nếu không ngăn chặn từ bây giờ, chỉ trong vài thập niên nữa, Trung Cộng có khả năng vượt Hoa Kỳ và trở thành bá chủ thế giới. Theo các phân tích gia, chiến lược của Mỹ hiện nay là hòa với Nga để đánh Tầu.
TT Trump đang trực diện với Chủ Tịch Tập Cận Bình, cuộc chiến mậu dịch còn nhiều khó khăn và không đơn giản, nhưng theo nhà nghiên cứu đầy kinh nghiệm về China là Gordon Chang, tác giả cuốn “The Coming Collapse of China” (Sự sụp đổ sắp đến của Tầu), sau cuộc họp thượng đỉnh với Bắc Hàn tại Hà Nội cuối tháng 2 vừa qua khi TT Trump bỏ cuộc họp ra về: Tổng Thống Trump đang gửi một thông điệp mới đến ông Tập (sending a new message to China).
(Tin Tổng Hợp)
Phạm Gia Đại
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét