Năm thành viên Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết bị tuyên y án, trong ngày 18 tháng 3 lên tiếng phản đối bản án với lời hô “đả đảo phiên tòa bất công, đả đảo đảng Cộng sản” sau khi tòa bác bỏ kháng cáo của họ.
Theo kế hoạch phiên xử phúc thẩm 5 thành viên Liên Minh Dân Tộc Tự Quyết gồm các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung (tức sư thầy Nhật Huệ) diễn ra tại Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM vào ngày 18 tháng 3. Phiên xử kết thúc vào trưa cùng ngày và tòa giữ nguyên các bản án sơ thẩm.
Trước đó, vào hôm 5/10 năm ngoái, bản án sơ thẩm được tuyên với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đối với 5 người lần lượt là: Ông Lưu Văn Vịnh 15 năm tù giam, Nguyễn Quốc Hoàn 13 năm tù, Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù, Từ Công Nghĩa 10 năm tù và Phan Trung (tức sư thầy Nhật Huệ) 8 năm tù về cùng tội danh.<!>
Ngoài ra, những người này còn bị quản chế 3 năm tại địa phương sau khi chấp hành xong bản án.
Bà Lê Thị Thập, vợ ông Lưu Văn Vịnh là người duy nhất được vào phòng xét xử để xem tòa án xét xử chồng mình sau các cuộc tranh luận “nảy lửa” với tòa án và nhân viên an ninh.
Những thân nhân của các bị cáo còn lại phải vào một phòng khác và xem qua màn hình.
Bà Thập kể lại với chúng tôi như sau:
“Thực sự phiên xử thứ hai này là phiên tòa đầu tiên tôi được chứng kiến. Thì cũng như phiên tòa trước, họ cũng chỉ có đọc và tuyên thôi.
Thẩm phán thì cũng nhảy vào miệng các bị cáo chốt và nói, chứ các bị cáo cũng không được nói hẳn đầu đuôi.
Cũng như phiên tòa trước, họ cũng bác bỏ hầu hết các lời biện hộ của luật sư.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho 4/5 bị cáo nói với Đài Á Châu Tự Do vào trưa ngày 18/3 cho rằng đây là bản án bất công.
“Tôi tin bản án này xét xử cho họ là hết sức bất công, tôi đánh giá cho rằng đây là những công dân có tinh thần tự giác rất cao, họ muốn có sự đóng góp, cống hiến cho đất nước bằng những suy nghĩ của họ. Và họ chỉ mới trao đổi với nhau về những suy nghĩ như vậy thôi thì họ đã bị bắt rồi.
Thậm chí là ghép họ vào tội rất tày trời, hình phạt rất nặng từ 12 năm trở đi đến 20 năm, chung thân và tử hình.
Tôi rất là tiếc vì chính quyền có thái độ rất nghiêm khắc trong vấn đề này, nghiêm khắc đến mức hà khắc.”
Theo vị luật sư thường xuyên tham gia bào chữa cho những người bất đồng chính kiến với chính quyền thì việc kết án những người này, vô tình làm mất đi những công dân có ý thức dân tộc cao, có những tư tưởng phóng khoáng để đóng góp cho đất nước.
Đề cập đến thái độ của những người hoạt động khi bị xét xử vào sáng nay, luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng ông rất cảm phục những người này.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho hay, bài bào chữa của ông nêu ra 5 ý kiến để tranh luận với Viện kiểm sát nhân dân TPHCM, tuy nhiên phía chính quyền tỏ ra hời hợt trong tranh luận mặc dù để cho luật sư có không gian để bào chữa.
Theo vị luật sư thuộc đoàn luật sư TPHCM này, ông cho rằng những bị cáo không có ý thức chủ quan lật đổ chính quyền, họ chỉ bàn nhau sẽ đứng ra đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo đất nước khi chính quyền của đảng Cộng sản sụp đổ, và vì thế không có khách thể bị xâm phạm, tội phạm không thể hoàn thành.
Như hiện nay Hiến pháp quy định tên nước là nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thì chính quyền là chính quyền của nước CHXHCN Việt Nam chứ không có chính quyền nhân dân,” luật sư Mạnh đặt vấn đề với Viện kiểm sát.
Một vấn đề quan trọng khác theo luật sư Mạnh là cơ quan An ninh điều tra đã vi phạm điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự khi từ chối chấp nhận ông và luật sư Nguyễn Văn Miếng tham gia bào chữa cho các bị cáo từ giai đoạn điều tra đối với tội danh có khung hình phạt lên đến tử hình.
Tuy nhiên những luận điểm của luật sư Mạnh ở phiên tòa đều đáp lại bằng cách tranh luận hời hợp, không đi vào trọng tâm của vấn đề theo nhận xét của ông này./.
Xin Giúp Chúng Tôi CHIA XẺ XA THÊM
Facebook
|
Thành viên Liên minh dân tộc hô 'đả đảo' khi bị y án 15 năm tù
- 2 giờ trước
Getty Images Các thành viên của Liên minh Dân tộc Tự quyết hô "Đả đảo phiên tòa, đả đảng Cộng sản" trước phiên tòa
Tòa án Nhân dân TP HCM hôm 18/3 quyết định tuyên y án sơ thẩm đối với 5 thành viên Liên minh Dân tộc Tự quyết Việt Nam.
Trước đó, tòa sơ thẩm 5/10/2018 tuyên Lương Văn Vịnh, 52 tuổi, 15 năm tù; Nguyễn Quốc Hoàn, 42 tuổi, 13 năm tù; Nguyễn Văn Đức Độ, 44 tuổi, 11 năm tù; Từ Công Nghĩa, 26 tuổi, 10 năm tù và Phan Trung (sư thầy Nhật Huệ), 43 tuổi, 8 năm tù.
Tòa sơ thẩm kết tội 5 thành viên "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79 BLHS vì đã thành lập "tổ chức phản động với tên gọi Liên minh dân tộc Việt Nam".
Cả 5 người đều phủ nhận các cáo buộc và khẳng định mình vô tội.
Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 19/3, bà Lê Thị Thập, vợ ông Lưu Văn Vịnh, nói:
"Chồng tôi không hề có ý lật đổ chính quyền, chồng tôi chỉ có mong muốn rằng công an, an ninh phải bảo vệ toàn nhân dân. Chứ không phải chỉ bảo vệ riêng mỗi chế độ của đảng. Tôi nghĩ rằng chính quyền chỉ vì một ý kiến nhỏ của chồng tôi mà đã sợ hãi, rồi quy chụp bắt kết tội cho chồng tôi là không đúng."
Bà Thập cho rằng bàn án 15 năm "không làm chồng tôi run sợ, càng để anh mạnh mẽ hơn lên, và tôi hơn hai năm qua chứng kiến làm việc với công an, an ninh tôi càng hiểu được rằng tại sao chồng tôi phải lên tiếng."
Bà cho biết, từ ngày chồng bị bắt đi, phía công an đã canh me, cản trở công việc làm ăn, đe dọa tất cả khách hàng, bạn bè, người thân khi đến mua đồ hoặc thăm hỏi mẹ con bà.
"Rồi tôi thuê nhà đến đâu họ cũng hù dọa chủ nhà không được cho tôi thuê. Trong thời gian chồng tôi bị biệt giam để họ điều tra, mỗi khi tôi đến gửi đồ họ lại ra chặn tôi, cho đến giờ mỗi khi có sự kiện gì họ cũng cho người canh cửa nhà tôi, không cho đi đâu."
Nhưng dù vậy, "Tôi sẽ luôn đồng hành cùng anh và giúp anh đòi lại công lý cho anh," bà Thập nói.
'Đả đảo Cộng sản, Đả đảo phiên tòa'
Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 19/3, luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, trong phiên tòa hôm qua, ông ấn tượng mạnh với "thái độ kiên cường, bất khuất" của cả 5 thành viên Liên minh Dân tộc Việt Nam.
Lê Thị Thập/UGC Bà Lê Thị Thập cùng chồng, ông Lưu Văn Vịnh trước khi ông bị bắt
"Điều đáng nhớ nhất là giây phút cả năm người đều vung đôi tay bị còng, liên tục thét vang 'Đả đảo phiên tòa', 'Đả đảo phiên tòa bất công' và 'Đả đảo Cộng sản'" - điều hiếm thấy trong các phiên tòa chính trị.
Tòa án Nhân dân TP HCM cho rằng nhóm đã "tuyên truyền đả kích, bôi nhọ, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, tòa án căn cứ vào các chứng cứ chủ chốt như: Tài liệu "Cương lĩnh", "Tinh kỳ" (tức lá cờ) và các lời khai của họ, đồng thời, qua sự kiện 5 người trên cùng uống cà phê với nhau trong một quán cà phê.
"Tuy nhiên, trong phần bào chữa thì luật sư chúng tôi đã bác bỏ những điều này, vì các tài liệu đều vô danh, không ghi tên tuổi của ai cả. Lời khai thì được thu thập trong hoàn cảnh cơ quan an ninh điều tra từ chối luật sư tham gia, cho dù chính họ liên tục có yêu cầu luật sư."
"Đồng thời, tại tòa thì họ đều phản cung vì cho rằng phải ký các biên bản ghi lời khai vì bị dùng nhục hình, đe dọa, bị bức cung... Riêng đối với các ông Nguyễn Văn Đức Độ và Từ Công Nghĩa thì hầu như không có chứng cứ xác đáng nào trực tiếp cho rằng họ có tham gia cả."
Theo báo Tiền Phong, Hội đồng Xét xử cho rằng các bị cáo kêu oan nhưng không có nội dung nào mới để Hội đồng Xét xử cấp phúc thẩm xem xét.
Luật sư Mạnh cho biết đúng là không có chứng cứ, tài liệu gì mới kể từ phiên tòa sơ thẩm đến phúc thẩm, nhưng "không cần phải có nội dung mới thì Hội đồng Xét xử mới xem xét. Mà Hội đồng Xét xử có toàn quyền đánh giá lại đường lối xét xử của cấp sơ thẩm để sửa một phần hay toàn bộ, hoặc hủy bán án sơ thẩm nếu cần thiết."
"Theo quan điểm của các luật sư bào chữa, thì kháng cáo kêu oan của họ là hoàn toàn đúng đắn, có cơ sở pháp lý để Hội đồng Xét xử tuyên họ không phạm tội và trả tự do cho họ."
Getty Images Ông Lưu Văn Vịnh, chủ tịch Liên minh Dân tộc tự quyết, bị y án 15 năm tù giam
"Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, trong các vụ án hình sự liên quan đến chính trị, thì chưa từng có phiên tòa phúc thẩm nào chấp nhận đơn kêu oan của các bị cáo cả. Và chúng ta đều biết và hiểu lý do của điều đó."
Khả năng theo đuổi công lý là 0%
"Sau khi xét xử phúc thẩm thì bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định thì còn có một 'cánh cửa hẹp' khác là thủ tục khiếu nại để yêu cầu kháng nghị xem xét giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án," luật sư Mạnh nói.
"Nói 'cánh cửa hẹp' là đối với các vụ án thông thường. Nhưng đối với các vụ án hình sự có liên quan đến chính trị, thì tương tự như thủ tục phúc thẩm, cũng chưa từng có vụ án nào được mở được cánh cửa này cả. Đó là thực tế. Cho nên, chúng tôi đã tư vấn cho để thân chủ và thân nhân của họ quyết định. Nếu họ vẫn muốn tiếp tục theo đuổi tìm công lý thì chúng tôi vẫn sẵn sàng song hành cùng họ, cho dù, sự khả thi chỉ là 0%."
Ông Lưu Văn Vịnh bị cho là "đối tượng cầm đầu" vì tư cách là chủ tịch liên minh. Ông đã bị bắt giữ từ 6/11/2016.
LHQ yêu cầu VN trả tự do cho ông Vịnh
Hồi tháng 8/2018, Nhóm Công tác của Liên Hợp Quốc về Giam giữ Tùy tiện đã kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Vịnh.
Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng, Hà Nội đã không cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào về việc ông Vịnh có các hành động bạo lực.
Nhóm cũng khẳng định tội "xâm phạm an ninh quốc gia" của Việt Nam là rất mơ hồ và thiếu chính xác, vì không phân biệt giữa hành vi bạo lực có khả năng đe dọa đến an ninh quốc gia và hành vi thực hiện các quyền tự do cơ bản được ghi nhận theo luật nhân quyền quốc tế.
Nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc còn đề nghị phía Việt Nam phải báo cáo cụ thể về thời gian, hình thức ông Vịnh được thả, nếu chấp thuận đề nghị thả, và phải đền bù cho ông Vịnh.
Kèm theo đó, Việt Nam phải tiến hành điều tra nếu có những vi phạm xâm hại quyền của ông Vịnh và phải chỉnh sửa luật pháp vốn tạo điều kiện cho những hình thức vi phạm.
Nhưng có vẻ phía Việt Nam đã không tuân theo những kiến nghị này của Liên Hiệp Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét