Trong tháng 7 vừa qua, chính quyền Tổng Thống Trump đã bắt đầu đánh thuế lên một số hàng hóa của Trung Hoa nhập cảng vào Hoa Kỳ. Các biện pháp này hiện giờ mới chỉ được áp dụng trong một phạm vi giới hạn. Nhưng Hoa Kỳ cũng đã loan báo là sắp tới sẽ có những đợt thuế nhập cảng rộng lớn hơn nhắm vào hàng hóa đến từ Trung Hoa.<!>
Trước sự căng thẳng về mậu dịch này, Đặc San Lâm Viên xin giới thiệu phần chuyển sang Việt ngữ của Huỳnh Thạnh bài viết của Reutes Chinese leadership is facing a rare backlash for its handling of the US trade dispute (1) đã đăng trên CNBC.com ngày 09/8/18.
Một cuộc chiến tranh mậu dịch đang gia tăng với Hoa Kỳ đang gây ra những sứt mẻ (rifts) trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Hoa, với một số nhà phê bình nói rằng lập trường dân tộc quá mức của Trung Hoa (overly nationalistic Chinese stance) có thể đã làm cứng rắn thêm vị thế của Hoa Kỳ, theo như bốn nguồn tin thân cận với chính quyền.
Chủ Tịch Tập Cận Bình vẫn nắm vững được quyền lực, nhưng đã có nổi lên một làn sóng bất thường phê bình về chính sách kinh tế và cung cách mà chính quyền đối phó với cuộc chiến tranh mậu dịch, và điều này cho thấy đã có những rạn nứt hiếm hoi trong Đảng Cộng sản đương quyền.
Một phản ứng mạnh mẽ đang được cảm thấy ở những cấp cao nhất của chính quyền, có thể sẽ đánh trúng một phụ tá thân cận của họ Tập, đó là Wang Huning nhân vật đầu não về ý thức hệ (ideology chief) và còn là một chiến lược gia, theo hai nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận trong vòng các giới lãnh đạo.
Là một học giả nổi tiếng và có ảnh hưởng mà quan điểm đã được một vài nhóm trong đảng ủng hộ, ông ta cũng đã bị tấn công vì quan điểm ồn ào và cứng rắn của ông về sức mạnh củaTrung Hoa.
Wang, kiến trúc sư của "Giấc Mơ Trung Hoa", một viễn kiến của họ Tập dành cho Trung Hoa để biến quốc gia này trở nên hùng mạnh và thịnh vượng, đã được vị lãnh đạo Trung Hoa giao cho nhiệm vụ khéo léo kiến tạo ra hình ảnh của một Trung Hoa cực kỳ yêu nước, và hình ảnh đó đã chỉ khiêu khích Hoa Kỳ, theo các nguồn tin đó cho biết.
"Ông ta đang gặp rắc rối vì đã không khéo tuyên truyền và thổi phồng Trung Hoa quá mức," một trong những nguồn tin, có liên hệ với hệ thống lãnh đạo và tuyên truyền của Trung Hoa, cho biết.
Văn phòng phát ngôn viên của đảng đã không đáp ứng lời yêu cầu bình luận về Wang và mối liên hệ của ông ta với Chủ Tịch họ Tập, hoặc liệu Trung Hoa có sai lầm trong thông điệp của họ trong cuộc chiến tranh mậu dịch hay không.
Có một cảm giác đang gia tăng trong chính quyền Trung Hoa rằng quang cảnh (outlook) cho một Trung Hoa đã "trở nên không hấp dẫn" (become grim), theo như một vị cố vấn chính sách của chính quyền, tiếp theo sau sự suy đồi trong quan hệ mậu dịch giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ. Vị cố vấn này đã yêu cầu ẩn danh.
Những cảm giác đó cũng được chia sẻ bởi các tiếng nói có ảnh hưởng khác.
"Nhiều kinh tế gia và các nhà trí thức đang bực bội về những chính sách chiến tranh mậu dịch của Trung Hoa," một học giả của một trung tâm nghiên cứu chính sách (policy think tank) của Trung Hoa đã nói với Reuters, với điều kiện ẩn danh do bởi tính nhạy cảm của vấn đề. "Quan điểm bao quát là lập trường hiện tại của Trung Hoa đã quá cứng rắn và giới lãnh đạo rõ ràng là đã đánh giá tình hình sai lạc."
Quan điểm đó đối nghịch hẳn với suy nghĩ lúc đầu năm nay của nhiều học giả Trung Hoa, vốn đã rao giảng về khả năng của Trung Hoa có thể kháng cự được những bất trắc trong sự bất đồng nghiêm trọng về mậu dịch khi đuơng đầu với sự yếu kém chính trị được cảm thấy nơi ông Trump ở bên nhà.
Trung Hoa nghĩ rằng họ đã đạt được thỏa thuận với Washington vào tháng Năm để tránh khỏi một cuộc chiến tranh mậu dịch, nhưng đã bị ngỡ ngàng khi chính quyền Trump, dưới mắt của Bắc Kinh, đi ngược lại thỏa thuận đó.
"Tiến trình từ một cuộc xung đột cho tới chiến tranh mậu dịch đã làm cho mọi người suy nghĩ lại mọi thứ", vị cố vấn về chính sách nói. "Điều này được xem là có liên quan đến việc phóng đại sức mạnh của Trung Hoa bởi một vài tổ chức và các học giả Trung Hoa có ảnh hưởng đến cảm nhận của Hoa Kỳ và ngay cả những quan điểm trong nước."
Một giới chức quen thuộc với các nỗ lực tuyên truyền của Trung Hoa nói rằng thông điệp đã bị đi lạc.
"Trong chiến tranh mậu dịch, dòng suy nghĩ trong tuyên truyền đã cho rằng Trump là điên," giới chức đó cho biết. "Thực ra, điều làm ông ta sợ là chúng tôi trở nên mạnh mẽ."
MỘT TRUNG HOA TỰ TIN?
Dưới trướng họ Tập, các giới chức chính quyền ngày càng trở nên tự tin qua việc công khai tuyên bố rằng đúng là Trung Hoa đang đứng ở vị trí lãnh đạo thế giới, gác bỏ hẳn một câu châm ngôn đã từ lâu được biết đến của Đặng Tiểu Bình, một vị cựu lãnh đạo tối cao đã nói quốc gia này cần phải "im lặng chờ thời và giấu đi sức mạnh (bide its time and hide its strength)."
Sự tự tin đó đã được thể hiện rõ rệt khi chính quyền Trung Hoa đẩy mạnh sáng kiến Vòng Đai và Con Đường (Belt and Road initiative) của họ để phát triển các tuyến đường mậu dịch giữa Đông và Tây và có một thái độ hung hăng (hard line) về các vấn đề lãnh thổ như Biển Đông và Đài Loan.
Hu Angang, một giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa và là một chuyên gia trong lãnh vực "chủ nghĩa Trung Hoa xuất chúng" (Chinese exceptionalism), là một người nổi tiếng bênh vực quan điểm cho rằng Trung Quốc đã đạt được "toàn diện quyền lực quốc gia" (comprehensive national power).
Trong những tuần gần đây, ông Hu đã phải đối diện với một phản ứng mạnh mẽ từ công chúng, với các nhà phê bình đổ lỗi cho ông ta đã khiến Hoa Kỳ lo ngại về Trung Hoa qua sự thổi phồng và phóng đại sức mạnh kinh tế, kỹ thuật và quân sự vẫn còn tương đối của quốc gia này.
Vẫn theo vị cố vấn về chính sách, một số người trong các giới chức chính thức cũng chia sẻ quan điểm như trên về ông Hu.
Ông Hu từ chối đưa ra lời bình luận khi được hãng tin Reuters tiếp xúc.
Các rạn nứt bên trong đảng xuất hiện khi thị trường chứng khoán Trung Hoa và tiền tệ đã bị trì trệ, và chính phủ đã phải vật lộn để chống đỡ nền kinh tế nhằm giảm bớt tác hại của cuộc chiến tranh mậu dịch.
Trong những tuần lễ gần đây, Trung Hoa đã khuyến khích cho vay tiền nhiều hơn và cam kết sử dụng chính sách tài chánh - bao gồm giảm thuế và thêm nhiều tài trợ cho các chính quyền địa phương - để chống lại sự tăng trưởng kinh tế đang bị chậm lại và sự bấp bênh đang gia tăng một phần do bởi cuộc chiến tranh mậu dịch đang leo thang.
Chủ Tịch họ Tập cũng còn có những trận hỏa hoạn khác cần dập tắt, trong đó gồm cả sự tức giận của công chúng về trường hợp gian lận thuốc chủng ngừa và các cuộc biểu tình ở Bắc Kinh trong tuần này bởi các nhà đầu tư trong các hệ thống cho vay trực tuyến bị thất bại (failed online lending platforms).
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo cao cấp được biết là có những cuộc họp bí mật thường niên, rất có thể tại khu nghỉ mát ven biển Beidaihe, để lại một khoảng trống trong chính sách khi họ Tập và các giới chức khác đều biến mất trên các phương tiện truyền thông của nhà nước. Dựa trên những gì đã xảy ra trong những năm trước, điều này có thể kéo dài đến hai tuần.
Vẫn còn chưa rõ liệu ông Wang, đứng đầu ngành tuyên truyền, sẽ phải nhận chịu hậu quả nào, và cũng có thể có những lý do khác cho những căng thẳng trong nội bộ đảng có liên quan đến ông ta.
Một nguồn tin thứ ba có những liên hệ với giới lãnh đạo đã nói với Reuters rằng sự căng thẳng đã liên quan đến việc Wang phản đối sự sùng bái nhân cách đã được thành hình chung quanh họ Tập.
Wang vẫn còn giữ một vai trò quan trọng trong truyền thông nhà nước, và các nhà ngoại giao và các nguồn tin từ giới lãnh đạo nói rằng ông ta không có khả năng bị loại khỏi Ủy ban Thường vụ, cơ quan đảng điều hành Trung Hoa, đó là một việc chưa từng xảy ra.
Mặc dù các phương tiện truyền thông chính thức trong những ngày gần đây đã đầy ngập những bình luận chống đối Hoa Kỳ và chiến tranh mậu dịch, tuy nhiên đã có những dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi trong thông điệp của Trung Hoa gửi ra.
Bắc Kinh đã bắt đầu hạ thấp giọng về vấn đề Made in China 2025, chính sách kỹ nghệ do nhà nước hậu thuẫn và đó là cốt lõi đưa đến những than phiền của Washington về những tham vọng kỹ thuật của Trung Hoa.
Băng tần nói tiếng Anh của đài truyền hình quốc gia của Trung Hoa (CGTN), nhắm đến người ngoại quốc, cũng đang tập trung nói về việc người Mỹ bình thường sẽ bị ảnh hưởng bởi giá đắt hơn khi mua những món hàng tiêu dùng rẻ tiền làm tại Trung Hoa và sự thiệt hại mà những thuế nhập cảng sẽ gây ra cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Nhưng suy nghĩ trong các giới trong chính quyền Trung Hoa là thiệt hại đã xảy ra rồi - và Trung Hoa đã học được một bài học đáng nhớ là sự tuyên truyền trong nước của họ ngày nay đang bị soi mói (scrutinized) ở các nước ngoài theo một cách thế mà trước đây chưa từng có.
"Sẽ là một điều không thể thực hiện được cho Trung Hoa để ‘im lặng chờ thời và giấu đi sức mạnh (bide its time and hide its strength)', nhưng tối thiểu chúng tôi cũng có thể kiểm soát được khối lượng tuyên truyền của chính chúng tôi và kể lên câu chuyện của Trung Hoa một cách thích hợp," một người bên trong giới làm chính sách nói.
"Khi kích thước của nền kinh tế Trung Hoa còn nhỏ, bên ngoài ít chú ý đến nhưng Trung Hoa hiện nay đang bị theo dõi chặt chẽ (closely watched)."
Huỳnh Thạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét