Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Việt Minh Cướp Chính Quyền: Cả Nước Bị Lừa Miền Nam Trong Những Ngày Định Mệnh Tháng Tám và Chín 1945 73 Năm Nhìn Lại - Phạm Cao Dương

blank
   Không có lực lượng võ trang đáng kể, Việt Minh chỉ lợi dụng  Thanh Niên Tiền Phong làm lực lượng xung kích, qua sự lừa đảo tập  thể những người trẻ chỉ biết yêu nước và phụng sự quốc gia của Miền  Nam này và họ đã thành công, giống hệt như ở Hà Nội, họ đã lợi dụng và cướp ngang cuộc biểu tình ngày 17 tháng Tám của Tổng Hội Công Chức, được tổ chức để mừng độc lập và ủng hộ Chính Phủ Trần Trọng Kim, không phải để ủng hộ Việt Minh.<!>   
   Tôi có đủ tin tức biết rõ lực lượng Việt Minh.  Họ không có khí giới gì ráo.  Tôi đủ sức giữ Saigon, không để Việt Minh cướp chánh quyền một  khi Bảo Đại chưa thoái vị.
 Huỳnh Văn Phương, Đệ Tứ
  Tổng Giám Đốc Công An Nam Kỳ
   
   Thấy hôn! Tôi không ăn có với kỷ niệm tưng bừng mà “xin cho  tôi can”, đừng nói quá lắm về tài giỏi mà như ông bà ta biểu, “nói năng  phải phân phân, cây đa cậy thần, thần cậy cây đa”.
 Cách mạng ThángTám ở Saigon mà thắng lợi là cũng nhờ có cơ hội, điều kiện giúp cho nó mà thôi.
   Coi, tôi là người tổ chức cướp chính quyền mà thiệt ra tôi có làm  được gì nhiều  đâu. 
 Nguyễn Văn Trấn
  Hung Thần Chợ Đệm
   Hồi Ký Viết Cho Mẹ Và Quốc Hội
 
 “…Người Việt Nam nào đảm đương được và có hy vọng thành công, chúng tôi sẵn lòng tán trợ…
 “Nghĩa là lúc nào chúng tôi cũng vẫn đặt nền độc lập quốc gia lên trên vấn đề quyền tước…”
  
 “Giết thì cứ giết nhưng đừng kêu qua là Việt gian.”
   Hồ Văn Ngà
  Chủ Tịch Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng
 Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất
  
Khi nói tới hai biến cố Việt Minh cướp chính quyền và Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập thời cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm 1945, những ngày người viết gọi là định mệnh đầy đau thương của dân tộc Việt Nam, bình thường người ta chỉ nghĩ tới những gì xảy ra ở hai miền Bắc và miền Trung mà ít hay không nói tới những gì xảy ra ở miền Nam.  Đây là một thiếu sót vô cùng quan trọng cần phải được điều chỉnh. Bài này nhằm phần nào bổ khuyết cho sự thiếu sót kể trên với phần mở đầu nói về sự khác biệt giữa xứ Nam Kỳ và hai xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ, tiếp theo là những gì đã xảy ra ở Nam Kỳ trong những ngày những ngày định mệnh này.
 
1.  Khác Biệt giữa Nam Kỳ với Bắc và Trung Kỳ.-   Khác với Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Nam Kỳ từ sau hai năm 1862 và 1867, rồi 1874 đã là thuộc địa của người Pháp, do đó nằm ngoài thẩm quyền cai trị của Hoàng Đế Việt Nam và Triều Đình Huế, từ đó bị tách rời khỏi hai phần còn lại của đất nước. Nhưng đó chỉ là về lý thuyết.  Trên thực tế người Việt miền Nam vẫn luôn luôn coi mình là người Việt Nam và lúc nào cùng hướng lòng mình về cố quốc, đúng như Nguyễn Đình Chiểu đau đớn triền miên, khắc khoải và thất vọng, tâm sự qua bài thơ viếng Phan Thanh Giản:
 
   Ải Bắc ngày trông tin nhạn vắng,
   Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu
  
Cho tới ít ra là năm 1954 và nhiều năm sau đó, người Nam vẫn tự nhận mình là Người Việt, còn gọi người Bắc là người Bắc. Họ đã nhiệt tâm và liên tục, bằng cách này hay bằng cách khác, thế hệ này sang thế hệ khác, ủng hộ các cuộc đấu tranh chung cho nền độc lập và thống nhất của cả dân tộc, điển hình là các Phong Trào Đông Du và Duy Tân với các nhà ái quốc tiền bối Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, rồi sau này là vận động hướng về quá khứ của các sinh viên Nam Kỳ “du học” ở Đại Học Hà Nội trong nửa đầu của thập niên 1940.  Đây là một nét đẹp nằm sâu trong tâm tư của người dân Nam Kỳ đối với hai phần còn lại của nước Việt Nam, nói chung, và đối với cuộc chiến đấu giành độc lập và thống nhất quốc gia trong thời gian này, nói riêng.  Về điểm này Luật Sư Hoàng Cơ Thụy, tác giả Việt Sử Khảo Luận, người có mặt ở Nam Kỳ trong những ngày này đã viết như sau:
 
 Dân chúng Nam Kỳ mặc dầu đã Tây hóa rất nhiều, song phản ứng rất hào hứng và  đầy thiện cảm với bản tuyên ngôn độc lập của vua Bảo Đại.
 […]
 Toàn dân rất xúc động về nạn chết đói thê thảm ở Bắc Việt, nên hô hào tổ chức  chở gạo để cứu đói.
 Vậy nếu chưa có thống nhất về pháp lý, thì đã có thống nhất trong tâm hồn.  [1]
 
Điều khác biệt là ở Nam Kỳ giới trí thức du học ở Pháp về đã đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị trong tiền bán Thế Kỷ 20, bên cạnh hai tôn giáo lớn mang nặng tính cách Việt Nam là Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo.  Hai tôn giáo này đã có ảnh hưởng rất lớn đối với quần chúng, đặc biệt là quần chúng nông thôn.  Nói cách khác, các vận động giải phóng dân tộc ở đây đa dạng hơn ở hai xứ Bắc và Trung Kỳ rất nhiều.  Ảnh hưởng của Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế với Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Trần Văn Thạch.. từ đầu, hay luôn cả ảnh hưởng của Việt Minh sau này, so với nhóm Đệ Tứ của Tạ Thu Thâu có thể nói là rất yếu ớt, không mạnh như ở miền Bắc. Về sự khác biệt này, Nguyễn Long Thành Nam, tác giả của Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc đã ghi nhận như sau:
 
 Quần chúng miền Nam không bời rời như ở miền Bắc, mà đã thực sự đoàn ngũ  hóa trong hai tổ chức tôn giáo quan trọng là Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo.  Quần  chúng đoàn ngũ hóa bao giờ cũng có năng động tính và sẵn sàng để nhập cuộc hơn là  quần chúng tâm lý mà không có tổ chức.  Các đảng cách mạng xuất hiện tại miền Bắc  như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt, Duy Dân có thể được sự đồng minh ngưỡng  mộ của quân chúng, nhưng không thể chuyển động mau chóng khối quần chúng đó vào  đấu tranh, vì chưa thực hiện được bước sơ khởi là đoàn ngũ hóa quần chúng.
 
 Ngoài ra, tại miền Nam các tổ chức cách mạng mạng hình thức tôn gíáo, cho nên  quy tụ được đông đảo quần chúng, trong khi tại miền Bắc, các tổ chức cách mạng mang  hình thức chánh đảng, cho nên sự quy tụ đảng viên giới hạn hơn.
 
 Ngoài hai tổ chức tôn giáo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo ở vào tư thế đã đoàn ngũ  hóa và sẵn sàng chiến đấu, tại miền Nam lúc đó còn có phong trào Thanh Niên Tiền  Phong, và vài tổ chức võ trang, tuy ít người nhưng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để nhập  cuộc chiến đấu.  Đó là tổ chức Bình Xuyên, tổ chức Nghĩa Sĩ Đoàn, tổ chức thanh Niên  Ái Quốc Đoàn, tổ chức Dân Quốc Quân của Việt Nam Quốc Dân Đảng miền Nam, nhóm  Đệ Tứ, đảng Quốc Gia Độc Lập với thành phần trí thức miền Nam.
 
 Riêng đảng Cộng Sản đệ tam rất yếu thế tại miền Nam, lúc đó chưa có quần  chúng tổ chức, chưa có đơn vị võ trang, chỉ mới có một số cán bộ là Dương Bạch Mai,  Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Giàu, sau được tăng cường lớp cán bộ vừa được thả ra từ các  khám đường như Lê Duẩn, Phạm Hùng được chỉ thị ở lại miền Nam hoạt động, chớ  không về thẳng miền Bắc. [2]
 
2. Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất 
 
Trong bối cảnh chánh trị kể trên, ngày 14 tháng 8 năm 1945, năm ngày trước biến cố 19 tháng 8 ở Hà Nội, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất được thành lập với thành phần gồm có Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, Liên Đoàn Giáo Chức, Tịnh Độ Cư Sĩ, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, nhóm trí thức Đệ Tứ hay quen gọi là Nhóm Tranh Đấu...  Cương lĩnh của Mặt Trận là chống Pháp, chống Thực Dân và ngày chính thức ra mắt dân chúng là ngày 21 tháng 8 trong một cuộc biểu tình qui tụ 200.000 người thuộc đủ mọi từng lớp theo lời kêu gọi của người cầm đầu là Hồ Văn Ngà của Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng kéo tới ủng hộ.  Một bản tuyên ngôn cũng được phổ biến trên báo chí.  Mặt khác, để phòng ngừa quân Pháp trở lại các tổ chức đấu tranh miền Nam còn thành lập bốn sư đoàn dân quân cách mạng bằng cách võ trang quần chúng do các đoàn thể có khả năng như Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Bình Xuyên…tự đảm nhiệm.
 
Tất cả các nỗ lực kể trên đều không mang lại kết quả mong muốn.  Phe Cộng Sản Đệ Tam đã chờ sẵn và đã mau chóng cướp được chính quyền và lịch sử đã chuyển sang một hướng khác.
 
Nhận xét về Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt vào thời điểm này, tác giả Nguyễn Long Thành Nam, cũng là một tín đồ Hoà Hảo rất tích cực đương thời và sau này, đã viết:
 
 Sơ hở căn bản của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất là không nắm lấy chính quyền  trong lúc có phong trào quần chúng ủng hộ như thế.  Thành ra chỉ khơi động phong trào,  tạo không khí thuận lợi, để cho Việt Minh xen vào phỗng tay trên, tuyên bố thiết lập Lâm  Ủy Hành Chánh Nam bộ lãnh đạo đấu tranh, chỉ bốn ngày sau cuộc biểu tình vĩ đại đó.[3]
 
Còn Nguyễn Kỳ Nam, ông này đã ghi chi tiết hơn:
 
 Vừa hay tin Nhựt đầu hàng, ông Hồ Văn Ngà đứng ra kêu gọi các đảng phái  chánh trị đoàn kết lại.
 Ngày 14 tháng 8, các đảng phái đáp lời kêu gọi của Hồ Văn Ngà, đoàn kết sau  Mặt Trận Quốc gia Thống Nhất.
 Trong thời kỳ nghiêm trọng nầy, Nhựt đầu hàng, Đồng Minh sẽ đến tước khi  giới, Pháp làm sao không “đòi” Nhựt trả chủ quyền cho họ, nên đoàn kết là một phương  pháp đấu tranh, một vấn đề sinh tử của cả một dân tộc.
 Nhưng dân chúng đặt vấn đề đoàn kết rất giản dị: nắm tay nhau tranh đấu chống  Pháp, chống thực dân.  Có thế thôi.
  Không một ai chịu ngó xa thêm một chút nữa:
  - Ai lãnh đạo đoàn kết?
  - Đóng góp vào đoàn kết đến độ nào?
  - Phân công làm sao cho công bằng?
  - Phương pháp đoàn kết trong tinh thần nào?
 Lúc đó các đảng phái quốc gia chỉ nghĩ có 3 mục đích:
  - Chống Đế quốc Pháp,
  - Chống thực dân,
  - Bảo vệ an ninh và bài trừ phản động.
 Họ không bao giờ nghĩ đến Cộng sản Đệ tam đang ở trong bóng tối chực cướp  công cuộc kêu gọi đoàn kết, thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất của cánh Quốc  gia.  Cho nên sau lời kêu gọi thống nhất của ông Hồ Văn Ngà, tức thì tất cả các đảng phái  chính trị, tôn giáo nhất tề đứng dậy.
 Việt Nam Quốc gia Độc Lập Đảng, Thanh Niên Tiền Phong, Nhóm trí thức, Liên  Đoàn Công chức, Tịnh Độ Cư Sĩ, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài Giáo v.v…
 Đồng thời nhóm Đệ tứ, thường gọi là nhóm Tranh đấu, cũng xin gia nhập Mặt  Trận.
 Một bản tuyên ngôn đăng tải trên các báo Thủ đô.
 Đồng bào rất có cảm tình với các đảng chính trị, nên nhiệt liệt hoan nghinh Mặt  Trận Quốc Gia Thống Nhất.  Thấy phong trào đang lên cao, Mặt Trận liền đứng ra tổ  chức một cuộc biểu tình để biểu dương lực lượng quốc gia.
 Thế là ngày 21 tháng 8, hai trăm ngàn người gồm đủ các giới nghe theo lời kêu  gọi của Mặt Trận, tham gia cuộc biểu tình và tuần hành qua các đường lớn.
 Như vậy, đến giờ phút nầy, nào thấy có mặt Cộng sản?
 Mà có mặt Cộng sản, chưa chắc có cuộc biểu tình trong vòng trật tự như vậy.
 Nếu ngay bây giờ, mà có người lãnh đạo Mặt Trận thì chánh quyền đã về Mặt  Trận Quốc Gia Thống Nhất rồi.
 Hồ Văn Ngà… lại viết trên mặt báo rằng:
 “…Người Việt Nam nào đảm đương được và có hy vọng thành công, chúng tôi  sẵn lòng tán trợ…
 “Nghĩa là lúc nào chúng tôi cũng vẫn đặt nền độc lập quốc gia lên trên vấn đề  quyền tước…” [4]
 
Cũng về cuộc họp ngày 14 tháng 8, Nguyễn Kỳ Nam cho biết thêm là trong những ngày đầu, tại trụ sở của Mặt Trận ở đường Léon Combes, sau này là đường Alexandre de Rhodes, mỗi đêm đều có nhóm họp và
 
 Có người nói đến Việt Minh.  Nhưng Việt Minh là ai?  Ở đâu?  Chẳng một ai biết.
 Đại biểu các đảng phái đề nghị nên tìm Đại biểu Việt Minh đặng mời gia nhập  Mặt Trận.
 Phan Văn Hùm (nhóm Tranh đầu) tình nguyện lãnh sứ mạng đi liên lạc với Việt  Minh.
 Huỳnh Phú Sổ thản nhiên cuời và nói một cách nửa chơi nửa thiệt:
 -…thì Việt Minh có đâu đây, chớ cần gì phải kiếm?
 Té ra có Trần Văn Giàu, đứng trong hàng ngũ Đảng Quốc Gia Độc lập mà không  ai ngờ Giàu là Đại biểu Việt Minh ở Nam bộ.
 Và mọi người đều biết rõ dĩ vãng của Trần Văn Giàu.
 Hồi 1943, Trần Văn Giàu có đến nhờ anh em cho gia nhập và nhờ can thiệp với  nhà đương cuộc Nhựt, bảo đảm cho Giàu để anh ta dễ bề hoạt động.
 Lúc đó, Giàu bị nhà chức trách truy nã, nên phải bỏ Bà Rịa trốn vào Sài-gòn.
 Anh em trong Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng không thể nhận điều kiện của  Giàu mặc dầu Giàu đã cam kết trên giấy trắng mực đen rằng: “Tôi bỏ hàng ngũ Cộng sản  về với Quốc gia” Giàu ký tên hẳn hòi trên lời cam kết đó.
 
3. Lâm Ủy Hành Chánh xuất hiện 
 
Nhờ len lỏi được vào Mặt Trận Quốc gia Thống Nhất để trở thành “ một cán bộ được trọng dụng và đắc dụng” [5] như trên, Trần Văn Giàu đã hiểu rõ được nhược điểm không có người lãnh đạo của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất này và lợi dụng cơ hội khi thời cơ đến.  Hậu quả là ngày 25 tháng 8, Lâm Ủy Hành Chánh “tự mình ra mắt đồng bào với Trần Văn Giàu đứng đầu sổ, làm Chủ tịch gồm 9 người, phần đông đều là cán bộ cộng sản”. [6]  Theo Nguyễn Kỳ Nam, tất cả xảy ra trong vài ngày sau cuộc biểu tình 21 tháng 8, bắt đầu bằng sự kiện hàng triệu truyền đơn do Việt Minh tung ra, tự xưng là bạn với Nga, với Tàu, với Mỹ, và với Anh… và:
 
 Ngủ qua một đêm, sáng ngày đồng bào Thủ đô thức dậy lấy làm ngạc nhiên thấy  khắp trên đường treo đầu biểu ngữ
 
  “chánh quyền về Việt Minh”
 
 Không một ai hiểu gì ráo!
 Chính các lãnh tụ tham gia trong Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt cũng ngẩn  ngơ…
 Họ hỏi với nhau:
 - Việt Minh là ai?
 - Ai cho Việt Minh nắm chánh quyền, mà bảo rằng: chánh quyền về Việt Minh?
 Đang lúc bối rối và phân vân ấy, nhiều truyền đơn khác tung ra: Kêu gọi đồng bào  tham gia cuộc biểu tình ngày 28 tháng 8… dưới ký tên Việt Minh.
 
 Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt liền triệu tập đại hội.
 Thì ra thiếu mặt “Thanh Niên Tiền Phong”
 Mà Thanh Niên Tiền Phong là một lực lượng đáng kể được cảm tình nồng hậu  nhất của dân chúng.
 Không dự Đại Hội của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt, Thanh Niên Tiền Phong  còn dán yết thị, treo biểu ngữ, rải truyền đơn xác nhận, kể từ chiều ngày 22 tháng 8:  “Thanh Niên Tiền Phong gia nhập Mặt Trận Việt Minh”.
 Bây giờ các lãnh tụ quốc gia mới hiểu ý nghĩa của lá cờ vàng sao đỏ… để sau đổi  thành cờ đỏ ngôi sao vàng.  Và Phạm Ngọc Thạch, lãnh tụ Thanh Niên Tiền Phong lại là  cán bộ Cộng sản.
 Thế là, bên cánh Quốc gia mất đi nửa lực lượng.
 Uy tín của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt bị tổn thương vì Việt Minh.
 
 Nói đến “Thanh Niên Tiền Phong”, người nhớ kẻ không.
 Còn bạn trẻ, thì hầu hết, chỉ nghe nói lại thôi.
 Phong Trào Thanh Niên Tiền Phong quả thật là một phong trào quốc gia có một  lực lượng hùng hậu, một tinh thần dũng cảm, một hy sinh đáng kể, một chủ trương tân  tiến được đồng bào trong Nam triệt để ủng hộ; vì Thanh Niên Tiền Phong sẵn sàng hiến  thân cho Tổ quốc!
 Thanh Niên Tiền Phong là một phong trào phổ biến sâu rộng trong dân chúng.   Nó có một lịch sử vẻ vang mà tất cả mọi người phải công nhận: đó là phong trào giải  phóng dân tộc mạnh mẽ nhứt trong Nam. [7]
 
Có điều người lãnh đạo của tổ chức này, Bác Sĩ Phạm Ngọc Thạch, là người của Cộng Sản Đệ Tam nằm vùng.  Ông này đã lái Thanh Niên Tiền Phong đi theo hướng khác.
 
Nguyễn Long Thành Nam cũng ghi nhận sự bất ngờ của người dân Saigon trước sự xuất hiện của Lâm Ủy Hành Chánh như sau:
 
 Sáng ngày 25-8-1945, nguời dân Saigon mới thức dậy nhìn thấy một cây trụ lớn  sơn màu đỏ chói đặt tại “Bồn Kèn” tức ngã tư đường Charner (Nguyễn Huệ sau này) và  Bonard (Lê Lợi sau này) liệt kê danh sách cơ quan chánh quyền miền Nam với danh  nghĩa Ủy ban Hành chánh Nam bộ Lâm thời gọi tắt là Lâm ủy Hành chánh.
 Sự xuất hiện thật là đột ngột, báo chí không hề loan tin trước, dân chúng cũng  không hề nghe đến một cuộc bầu cử hay chuẩn bị nào.  Lại là một cây trụ sơn màu đỏ  chói như màu máu, đập vào mắt mọi người qua lại.  Đây cũng là một lối đánh úp, đánh  du kích của Cộng Sản, bất ngờ tạo ra một thay đổi đột ngột như cờ Việt Minh xuất hiện  đột ngột tại cuộc biểu tình 17-8-1945 tại Hà Nội, và đặt dư luận cũng như các tổ chức  đấu tranh trước một “đã rồi”.   Những người ngạc nhiên nhất là các chiến sĩ trong cơ quan  lãnh đạo Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt.  Họ không hề được tham khảo ý kiến về việc  thành lập Lâm Ủy và thành phần của nó, mặc dầu mới vài ngày trước Mặt Trận Quốc Gia  Thống Nhứt do sự yêu cầu của Trần Văn Giàu, đã chấp nhận cho Giàu tham gia để có sự  đoàn kết rộng rãi mà ứng phó hữu hiệu với thời cuộc.
 Thành phần của Lâm Ủy Hành Chánh Nam bộ gồm có chín Ủy viên mà hết bốn  Ủy viên là Cộng Sản, bốn Ủy viên thân cộng, chỉ có một độc lập.
 Trần Văn Giàu, chủ tịch kiêm Ủy trưởng Quân sự
 […] Tất cả quyền hành đều tập trung vào tay Trần Văn Giàu, nghĩa là vào Độc tài  Cộng Sản Đệ Tam Quốc tế, chớ không phải là một Chính phủ Liên hiệp (không có một  đại diện nào của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt).
 Các lãnh tụ Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt bất bình, nhưng đã quá trễ.  Đảng  Cộng Sản đã đi trước một nước cờ quan yếu.  Đồng thời Trần Văn Giàu hạ một đòn độc   đâm vào sau lưng Mặt Trận Quốc gia Thống Nhất:  Phạm Ngọc Thạch, lãnh tụ Thanh  Niên Tiền Phong, ra thông cáo tuyên bố rằng tổ chức Thanh Niên Tiền Phong đã rút khỏi  Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt và từ nay gia nhập Mặt Trận Việt Minh. [8]
 
Theo Nguyễn Trọng Xuất, trong bài “Một Quyết Định Mang Tính Lịch Sử” in trong Trần Văn Giàu  Dấu Ấn Trăm Năm, Trần Văn Giàu và phe Cộng Sản đã bàn tính cướp chính quyền ngay từ giữa tháng 8, trong buổi họp tối ngày 15 tháng 8 của Ban Thường Vụ Xứ Ủy Nam Kỳ do Trần Văn Giàu triệu tập ngay sau khi được tin Nhật Bản đầu hàng, ở Chợ Đệm và lập kế hoạch nổi dậy vào đêm 17 hay 18, đồng thời thành lập Ủy Ban Khởi Nghĩa gồm 6 người với Trần Văn Giàu làm chủ tịch và Huỳnh Văn Tiểng làm ủy viên thường trực rồi đêm 16 họp Hội Nghị Xứ Ủy Nam Kỳ mở rộng để thông qua kế hoạch này.  Cuộc họp không suông sẻ vì có hai nhóm đối nghịch nhau về quyết định nổi dậy hay không, khiến Trần Văn Giàu phải cho ngưng lại và đặt câu hỏi “Nếu Hà Nội khởi nghĩa thì trong Nam ta phải làm gì?”  Kết quả là Hội Nghị mở rộng họp lại lần thứ hai vào sáng ngày 21 rồi đặc biệt lần thứ ba vào sáng ngày 23, sau khi Tân An thành công cướp được chính quyền một cách suông sẻ, không bị quân Nhật ngăn cản, kèm với tin Đại tá Cédile đã nhảy dù xuống Tây Ninh để cuối cùng đêm 24 quyết định sẽ biểu tình tuần hành vào sáng hôm sau 25 tháng 8, đồng thời thành lập Ủy Ban Hành Chánh Lâm Thời, gọi tắt là Lâm Ủy Hành Chánh với Trần Văn Giàu làm Chủ Tịch. [9]  
 
Cũng trong tác phẩm Trần Văn Giàu Dấu Ấn Trăm Năm, Tiến Sĩ Sử Học Phan Văn Hoàng trong bài “Cùng Nhau Xông Pha Lên Đàng” cũng cho biết thêm nhiều chi tiết về các hoạt động của Cộng Sản dưới danh nghĩa Việt Minh và Thanh Niên Tiền Phong trong những ngày này.  Chẳng hạn như trong buổi lễ truy điệu Nguyễn An Ninh ngày 20 tháng 8, do Thanh Niên Tiền Phong tổ chức, Tôn Đức Thắng, “một thanh niên cách mạng, một đảng viên của Nguyễn Ái Quốc, hiện bị 20 năm tù ngoài Côn Đảo” ngay lúc mở đầu đã được bầu làm chủ tịch danh dự và Phạm Ngọc Thạch là chủ tịch.  “Diễn giả là Nguyễn Văn Tạo, một cán bộ cộng sản kỳ cựu”.  Mặt khác, căn cứ vào báo Điện Tín, Tiến Sĩ Phan Văn Hoàng cho biết thêm là lần đầu tiên người Nam Bộ được nghe tiếng hô “Vạn tuế Việt Minh” là sau buổi lễ truy điệu Nguyễn An Ninh đêm 20 tháng 8 tại rạp Nguyễn Văn Hảo.  Đêm hôm sau, cũng tại rạp Nguyễn Văn Hảo, Liên Đoàn Công Chức tổ chức buổi diễn thuyết với Trần Văn Giàu là diễn giả. Trong buổi diễn thuyết này, Trần Văn Giàu đã đưa ra nhận định của Đảng cộng sản là “Không phải một mình Đảng đem lại sự độc lập cho Việt Nam [mà] cần phải có nhiều đồng bào, nhiều chánh đảng yêu nước tham dự” và “Xét như vậy, Đảng cộng sản mới kêu gọi tất cả các đảng yêu nước, tất cả dân chúng liên hiệp lại làm một mặt trận để chống bọn đế quốc xâm lăng, để mưu đồ cuộc độc lập hoàn toàn cho nước nhà.  Mặt trận ấy là Việt Nam độc lập đồng minh, tức Việt Minh…” bên cạnh nhiều hoạt động khác của Trần Văn Giàu. [10] 
 
Hồi ký của Nguyễn Kỳ Nam thì lại nói hoàn toàn khác.  Theo Nguyễn Kỳ Nam:
 “Nắm chánh quyền được 5 ngày, từ 25 tới 30 tháng 8, Lâm Ủy Hành Chánh Nam  Bộ mở phiên nhóm Khoáng Đại Hội Nghị, có đủ các Đảng phái Chánh Trị tham  gia.
 Buổi nhóm đó, có các ký giả.
 Tôi không bao giờ quên những câu hỏi và những câu trả lời của Trần Văn Giàu.
 Tôi cũng không bao giờ quên khi Trần Văn Giàu mặc áo sơ mi đứng lên, tay mặt  đập mạnh vào khẩu súng lục nhỏ mang ở bên hông, để trả lời một câu hỏi của Trần Văn  Thạch.
 Nghe và thấy vậy, làm sao không sợ?
 Nhứt là người đứng lên trả lời đó là một cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Đệ  tam.
 Không run, không sợ làm sao… khi mà sáng tinh sương ngày 25 tháng 8, từ nhà  xuống toà báo, đi qua “Bồn kèn” trước Sạc Ne, tôi trong thấy một trụ lớn và vuông, bốn  mặt sơn đỏ lòm, kẻ chữ vàng, danh sách những người được chọn vào Lâm Ủy Hành  Chánh, đứng đầu là Trần Văn Giàu.
 Buổi nhóm Khoáng Đại Hội Nghị hôm đó, Lâm Ủy Hành Chánh để lộ chân tướng  “sát nhơn” rõ rệt.
 Tôi nhớ 2 người chất vấn:  Huỳnh Phú Sổ và Trần văn Thạch.
 Huỳnh Phú Sổ - Phật Giáo Hòa Hảo - mà cũng là lãnh tụ Đảng Việt Nam Vận  Động Hội - tôi sẽ nói sau này.
 Bây giờ, tôi xin nói trường hợp của Trần Văn Thạch – nhóm Đệ Tứ - trước.
 Thạch chất vấnGiàu:
 -Ai cử Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ?
 Thạch chất vấn như vậy là phải, vì như trên đã nói, ngủ một đêm sáng ngày bừng  mắt dậy, bỗng dưng thấy danh sách Lâm Ủy Hành Chánh, kẻ chữ trên một trụ đỏ lòm,  không  biết ai cử Lâm Ủy Hành Chánh? Và cử hồi nào?
 Trần Văn Giàu đứng dạy trả lời:
 -Anh Thạch, tôi biết anh muốn nói gì rồi.  Anh hỏi: “Ai cử Ủy Ban Hành Chánh”,  chớ thật ra trong bụng anh nghĩ: Ta giỏi như vầy mà không ai đem ta vào Lâm Ủy”.  Vậy  tôi xin trả lời: “Chúng tôi tạm thời đảm đương chính phủ. Trong giai đoạn này.  Sau rồi,  chúng tôi giao lại các anh.  Còn trả lời về chánh trị, tôi sẽ gặp anh ở một nơi khác”.
 Trần Văn Giàu vừa nói câu sau vừa để tay mặt nơi cây súng sáu. [11]
 
Viết về Trần Văn Giàu và biến cố Việt Minh cướp chính quyền ở miền Nam, phía những người Cộng Sản, kể cả các nhà nghiên cứu hay sử học đã dùng các từ ngữ vô cùng hoa mỹ như “tinh thần sáng tạo”, “chủ động”, “bản lĩnh, trí tuệ” để ca ngợi.  [12]  Nguyễn Văn Trấn, một lãnh đạo Cộng Sản cao cấp đương thời, quê ở Chợ Đệm là nơi Xứ ủy Nam Kỳ họp ba đêm liền, 21, 22 và 23 tháng 8, để sửa soạn cho ngày cướp chính quyền 24 tháng 8, người sau này được cử làm Giám Đốc rồi Ủy Trưởng Quốc Gia Tự Vệ Cuộc và cũng tự nhận là “Người tổ chức cướp chính quyền ở Saigon”,  đồng thời được mệnh danh là “Hung Thần Chợ Đệm”, lại cho biết những chi tiết khác hơn khi ông viết kể lại chuyện này vào năm 1995, tức nửa thế kỷ sau, “để cho rõ vài chuyện lịch sử bị kể méo”, theo lời ông, như sau: 
 
 Cái năm 1995 năm mà cái chủ nghĩa háo danh nó làm kỷ niệm rập rình, bắt tôi,  trái với lòng hết sức, nhưng vì nợ nuớc phải rập theo.
 Rập theo khoe không phải vì công khanh mà để cho rõ vài chuyện lịch sử bị kể  méo.
 Người tổ chức cướp chánh quyền ngày 25 tháng Tám, ở Saigon là chính tôi đây,  chớ tôi không có ai ở trên đầu để tôi làm phó.  Sử gia hãy nghe tôi nói lại.
 Một buổi chiều (nhớ chắc là ngày 24 chớ không thể là vào ngày khác được, tại  nhà số 6 Colombert tôi thay mặt cho Cộng sản, họp với Huỳnh Văn Tiểng mà tôi gọi là  người “lãnh đạo Thanh niên Tiền phong của Tân dân chủ đảng”, với Trương Văn Giàu,  Nguyễn Văn Quang, ông Đội Hưng ở Caserne Lelièvre, (gần bên thơ viện), Sơn Xuyên  và Chín Bội của Brigade mobile Chí Hoà. Mấy vị lính này là bạn của tôi qua công tác  binh vận mà trách bương bả.
 Hôm đó tôi nói kế hoạch và phân công.  Và cũng muốn làm oai chơi nên đề nghị  các đoàn thanh niên của anh em dân chủ chịu trách nhiệm những chỗ quan trọng mà cuộc  khởi nghĩa nào của thành phố cũng đền nghĩ tới trước nhứt.  Những chỗ đó là: Nhà đèn,  Đài phát thanh, Khám lớn, Nhà dây thép, các trại lính.
 Đằng anh em kêu, nhiệm vụ như vậy nặng quá, làm không nổi, cho lãnh những  chỗ vừa vừa.
 Tôi nói vừa vừa là dinh Thống đốc, là đài phát thanh…?
 Có người nào đó nói: hai chỗ đó, lính Nhựt còn cả tiểu đội chớ vừa gì?
 Tôi nói:
 Thật ra như mùa lúa chín, ta rung nó rụng thôi. Mà thế lực của ta là:  Ở cơ quan,  công sở nào cũng có Thanh niên Tiền phong hai màu cờ.  Hôm qua cờ vàng hoan hô  Khâm sai đại thần.  Ngày mai cờ vàng, cờ đỏ sánh đôi hô Việt minh vạn tuế.
 […]  Trên chóp nón là chính tôi, chin Bôi và Kiều Tấn Lập.
 
Và Nguyễn Văn Trấn kết luận:
 
 Thấy hôn! Tôi không ăn có với kỷ niệm tưng bừng mà “xin cho tôi can”, đừng nói  quá lắm về tài giỏi mà như ông bà ta biểu, “nói năng phải phân phân, cây đa cậy thần,  thần cậy cây đa”.
 Cách mạng Tháng Tám ở Saigon mà thắng lợi là cũng nhờ có cơ hội, điều kiện  giúp cho nó mà thôi.
 Coi, tôi là người tổ chức cướp chính quyền mà thiệt ra tôi có làm được gì nhiều  đâu.  [13]
 
Điều cần phải tìm hiểu là trong hồi ký của ông, Nguyễn Văn Trấn đã không hề nói tới ba cuộc họp vô cùng gay cấn để quyết định có nên khởi nghĩa hay không của Thường Vụ Xứ Ủy ở Chợ Đệm, quê hương ông.  Câu hỏi được đặt ra là tại sao? Xin để các độc giả tự tìm câu trả lời.
 
Riêng về thế lực của phía quốc gia, Nguyễn Văn Trấn viết:
 
 Cơ sở giai cấp, nền tảng Mặt trận quốc gia thống nhứt của chánh quyền khâm  sai Nguyễn Văn Sâm, có đó và không phải yếu.
 Ông ta nè, hội đồng Bền chủ hãng xà bông Việt Nam nè, Kha Vạng Cân chủ lò  đúc “Cân et Vang” nè (xin nói chừng ấy với tánh chất đại biểu trí thức tư sản);
 Trần Văn Ân, đốc phủ Hoài là trí thức địa chủ và quan lại;
 Vậy mà ít ai dám ngồi lại với Khâm Sai.  Họ sợ tiếng collabo  [14] với phát xít, mà  đồng minh sẽ đối xử là tội phạm chiến tranh.
 Cho nên một tiếng hét “đả đảo”, ngày 25-8 đủ cho ông Sâm nhào.  Ghế bỏ trống.   Ta leo lên và dựng “Ủy ban hành chánh Nam Bộ (chớ có đâu mà Ủy ban Nhân dân vô  duyên).  [15]
 
Có điều ngay trang sau, Nguyễn Văn Trấn lại viết:
 
 Sự nghiệp của tôi đã cho phép tôi báo cáo với Ủy ban hành chánh rằng: sự thắng  lợi quá dễ dàng và chóng quánh của Việt Minh đã làm cho những đảng phái ngoài vòng  cảm tình đã có ý muốn cướp lại nhưng họ đã thôi.  Tôi coi cái nguyện vọng ấy, của họ  như cái trứng chí lép.
 
Xin đọc kỹ ba chữ “muốn cướp lại”  và các chữ “tội phạm chiến tranh” ở đây và đối chiếu với những gì kể lại bởi phía các người quốc gia về biến cố 25 tháng Tám này, đặc biệt là những lời chất vấn Trần Văn Giàu của Trần Văn Thạch thuộc Nhóm Đệ Tứ và Giáo Chủ Huỳnh Phú Sổ của Phật Giáo Hòa Hảo trên đây trong buổi họp khoáng đại ngày 30 tháng 8, cùng sự sợ hãi của những người tham dự khi thấy Trần Văn Giàu tay phải vỗ vào khẩu súng lục đeo bên sườn bên phải khi trả lời Trần Văn Thạch.  Một nghi vấn khác cũng cần phải được đặt ra ở đây là có thật có biểu tình cướp các công sở ở Saigon ngày 25 tháng 8 hay không, vì theo các nhân chứng như đã nói trên đây, thì ngủ một đêm, sáng ra “mới thức dậy nhìn thấy một cây trụ lớn sơn màu đỏ chói đặt tại “Bồn Kèn” tức ngã tư đường Charner (Nguyễn Huệ sau này) và Bonard (Lê Lợi sau này) liệt kê danh sách cơ quan chánh quyền miền Nam với danh nghĩa Ủy ban Hành chánh Nam bộ Lâm thời gọi tắt là Lâm ủy Hành chánh”?
 
Cũng Nguyễn Văn Trấn, khi nói về chức xứ ủy Nam Kỳ của Trần Văn Giàu, có viết về một lớp học do Tạ bá Tòng, một sinh viên con nhà giàu quê Sóc Trăng được cha mẹ cho ra Hà Nội học và tham gia Thanh Niên Cứu Quốc của Lê Quang Đạo, khi về Saigon tổ chức ở nhà Dược Sĩ Trần Kim Quang ở Thị Nghè.  Lớp học do “anh Sáu”, tức Trần Văn Giàu phụ trách, quy tụ được gần bảy chục đoàn viên thanh niên dân chủ, và:
 
 Học trò mến thầy lại nghe lịch sử của thầy nữa nên suy tôn anh Sáu là bí thư xứ  ủy Nam Kỳ, không biết cái xứ ủy ma nào. [16]
 
4. Có phải vì Nhật thua nên mới trả lại Nam Kỳ cho Chính Phủ Trần Trọng Kim không?  
 
Nhằm phủ nhận thành tích của Trần Trọng Kim và nội các của ông, có người cho rằng sở dĩ người Nhật quyết định trả lại xứ Nam Kỳ cho Việt Nam là vì họ đã thua, trong đó có Nguyễn Văn Trấn.  Nguyễn Văn Trấn căn cứ vào ngày dự trù long trọng làm lễ trả và thu nhận lại xứ này là ngày 14 tháng 8 tại Saigon.  Điều này (vì Nhật sắp thua) không đúng vi hai lẽ.  Lẽ thứ nhất ngày 14 tháng 8 là sau ngày 9 tháng 8, ngày quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagasaki, sau quả bom thứ nhất được thả xuống Hiroshima ngày 6 tháng 8.  Sau đó Nhật Bản mới đầu hàng.  Trước đó không ai ngờ chuyện này có thể xảy ra sớm như vậy và dù sớm hay muộn, Nhật cũng phải thua nhưng còn có thể cầm cự được cả năm nữa.  Lẽ thứ hai là quyết định trả lại xứ Nam Kỳ cho Việt Nam đã được Thủ Tướng Trần Trọng Kim và Tướng Tsuchihashi chấp thuận cả non một tháng trước đó, ở thời điểm không một ai có thể biết là Mỹ sẽ sử dụng bom nguyên tử, ngoại trừ Tổng Thống Truman và các cộng sự viên thân tín nhất của ông.  Không những thế nhu cầu giữ nguyên trạng, tránh mọi sư lộn xộn ở hậu phương để cho Quân Đội Nhật rảnh tay đối phó với quân Đồng Minh một khi quân Đồng Minh đổ bộ là một nhu cầu của người Nhật.  Chính vì thế mà Tướng Tsuchihashi đã dùng dắng lúc đầu.  Cũng nên để ý là các cuộc điều đình đã được thực hiện từ trước khi Thủ Tướng Trần Trọng Kim ra Bắc giữa Ngoại Trưởng Trần Văn Chương và giới chức Nhật.  Còn về phía Việt Nam, Hoàng Đế Bảo Đại qua bản Tuyên Chiếu, ngày 11 tháng 6 năm 1945, tức ngày 21 tháng 5 âm lịch, năm Bảo Đại thứ 20, ngày lễ Việt Nam Thống Nhất Đại Khánh, cho biết ông phải “hành động thận trọng và tuần tự”, “sau khi “chính phủ phải dự bị cho xong công cuộc tổ chức việc cai trị các lãnh thổ (đã) được phục hồi và thực hành chủ quyền của chính phủ ta trên các lãnh thổ ấy (hai xứ Bắc và Trung Kỳ)”.  Lý do là vì trong suốt 80 năm trước đó Nam Kỳ là thuộc địa của người Pháp nên hoàn toàn không thuộc thẩm quyền cai trị của Triều Đình Huế, trái với Bắc và Trung Kỳ là các xứ bảo hộ.  Chính vì vậy Nhà Vua đã “cảm ơn quan chức Nhật-bản đã tạm cai quản những lãnh thổ kia từ ngày mồng chín tháng ba dương lịch, và đã sẵn sàng chỉ đợi chính phủ tuân theo ý Trẫm, dự bị hoàn toàn, là sẽ trả lại quyền cai trị tất cả đất nước Việt-nam cho chính phủ Việt-nam”.  [17] Vấn đề như vậy không đơn giản như phía Cộng Sản nhận định và tuyên truyền.
 
5. Dân Miền Nam vẫn còn quý trọng Nhà Vua và tôn trọng vị Khâm Sai của Triều Đình
 
Đây là một thực tại lịch sử khác ta cần phải để ý.  Nó giúp ta hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra ở miền Nam không riêng vào thời điểm 1945 mà luôn cả những năm cuối của thập niên 40 của thế kỷ 20.  Ít nhất có ba sự kiện đã chứng minh thực tại này.
 
Thứ nhất:  Lễ Hưng Quốc Khánh Niệm 11 tháng 6 năm 1945, ngày Vua Gia Long thống nhất sơn hà, đã được long trọng cử hành tại Câu Lạc Bộ Thể Thao Saigon, rất đông người tham dự.
 
Thứ hai:  Ngày 3 tháng 7 năm 1945, 38 sinh viên đại diện trường huấn luyện Thanh Niên Tiền Phong đã ra Huế và đã được Vua Bảo Đại tiếp kiến.  Nguyễn Kỳ Nam lúc đó có mặt ở Huế với tư cách đặc ủy viên của Bộ Tư Pháp của Luật Sư Trịnh Đình Thảo đã kể lại buổi lễ như sau:
  
 Cuộc tiếp rước đơn giản mà trọng thể tại lầu Kiến Trung, nhà vua không tiếc lời  ban khen nồng nhiệt và nhắc nhở trách vụ của thanh niên trong giai đoạn tranh giành độc  lập, và kiến thiết quốc gia.
 Do đề nghị của Chính phủ Trần Trọng Kim, vua Bảo Đại ban Sắc, chuần cho  Phạm Ngọc Thạch sung chức Xứ trưởng thanh niên và đại diện Bộ trưởng thanh niên  Phan Anh ở Nam Kỳ.  [18]
 
Thứ ba: Khâm Sai Đại Thần Nguyễn Văn Sâm, sau khi đã bị Việt Minh ngăn chặn, kể cả bị bắt, khi trên đường đầy gian nan, nguy hiểm, từ Huế vào Saigon nhậm chức vào lúc tình hình đã có nhiều biến chuyển, vẫn được đồng bào Nam Kỳ long trọng đón tiếp. 
 
6. Dân chúng đứng chật hai bên đường từ Đất Hộ (Dakao) về tới đường Lagrandière (Gia Long) dinh Thống đốc để đón mừng vị Khâm Sai đầu tiên của triều đình sau tám mươi năm ngoại thuộc 
 
Nguyễn Kỳ Nam, như đã nói ở trên, lúc đó là đặc ủy viên của Bộ Tư Pháp của Bộ Trưởng Trịnh Đình Thảo trong Chính Phủ Trần Trọng Kim, là người tháp tùng Nguyễn Văn Sâm và, vì không tin người tài xế, đã lái xe cho ông này trong đoạn cuối của chuyến vô Saigon nhậm chức, đã ghi lại sự đón tiếp nồng hậu mà vị Khâm Sai này nhận được khi qua khỏi Phan Thiết, tiến vào địa phận Nam Kỳ như sau:
 
 Đường về Nam Bộ, xe Khâm sai qua khỏi ranh Phan Thiết là gặp những khải  hoàn môn dựng trước công sở, đón tiếp nồng hậu.
 Bây giờ, tôi mới biết mình còn sống.
 Tôi ngừng xe lại.  Mà xe ngừng ở giữa 2 bên mé rừng làm cho ông Nguyễn Văn  Sâm ngạc nhiên.
 -Sao anh không chờ tới chỗ đông người…
 Tôi mở cái “cốp” xe Ford, lấy lá cờ quẻ ly, đem treo trước đầu xe.  Diệp Ba mỉm  cười.
 -Họ đã xé lá cờ lúc tới Khánh hoà, tại sao anh còn lá cờ nầy?
 -Tôi “phòng thủ” một lá cờ thứ hai từ lúc còn ở Huế.  Từ đây về Saigon sẽ gặp  nhiều nơi đón tiếp.  Dầu sao cũng là Khâm sai đại thần, phải treo cờ cho người ta biết  chớ!
 Ông Nguyễn Văn Sâm cười, một nụ cười đau khổ thế nào!  Diệp Ba vui miệng  nói luôn:
 -Hồi thời xưa, nhà vua đưa Khâm sai đại thần đi trấn nhậm một nơi nào, là tiền  hô hậu ủng, hương án đặt hai bên đường, lính tráng oai nghiêm chớ đâu có một chiếc xe  Ford trơ trọi như vầy… Lại còn bị nhốt vào khám nữa!
 Diệp Ba nói dứt lời, xe tiến tới…một bàn hương án!
 Tôi ngừng xe lại, Diệp Ba ngó ra trước nói:
 -Cũng có hương án đó!
 Đây là Xuyên Mộc.  Ông chủ Quận ặc áo rộng  đứng trước bàn hương án, với  ban Hội tề và vài người lính.
  Một giây pháo nổ lẹt đẹt xé tan không khí âm u của khu rừng im lặng, giữa  quang  cảnh gió mát, cây lá chận ánh sáng mặt trời.
 Một quận nghèo nàn làm sao ấy!
 Đây là “ải địa đầu” của Nam Bộ.
 Dân tình thưa thớt, có mấy chú thợ rừng…Không ai chú ý đến ông Khâm sai Đại   thần!  Hơn nữa, Nam Kỳ là thuộc địa, nó mới mang tên “Nam Bộ” đây và bây giờ  mới có  một Khâm sai đại thần sau tám mươi năm không liên lạc với Triều đình vua chúa.
 Nguyễn văn Sâm xuống xe nói chuyện qua loa vì sợ mất thì giờ, đoạn vội vã trở  lên xe đặng về Saigon kịp 5 giờ chiều.
 Tôi đếm tất cả là 18 người đứng chung quanh bàn hương án!
 
 Ông tỉnh trưởng Phan thiết đánh điện tín về những tỉnh, những quận… mà Khâm  sai sẽ trải qua, trên quốc lộ số 1, nên đâu đâu đều chuẩn bị cuộc tiếp rước.  Xe chưa vào  châu thành Biên hòa, lại gặp một chiêc xe trắc xông có cắm cờ đón giữa đường, ở một  nơi vắng vẻ.
 Tôi hỏi:
 -Sao? Ngừng hay chạy luôn. Kìa có người đưa tay ra ngoắc xe ngừng lại; bây giờ  liệu sao?
 Diệp Ba cũng cón lưỡng lự.  Xe lại gần…
 Tôi tốp bớt máy lại, rề rề… chờ.
 -Sao? Ngừng hay… chạy luôn.
 Tôi hỏi chưa dứt câu, Diệp Ba vùng la lên:
- Chạy

Không có nhận xét nào: