Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

ĐÓA HOA MÙA VU LAN 2018 - Trần Chí Phúc - VietBao

blank
Cũng như mỗi MùaTết, Mùa Giáng Sinh đến thì Mùa Vu Lan năm nay lòng lại bồi hồi. Nhìn mặt trăng bắt đầu tròn trên bầu trời phương xa này , biết rằng ngày rằm sắp tới, Rằm Tháng Bảy- một ngày lễ hội lớn của truyền thống văn hóa Việt Nam và Phật Giáo. Hồi còn bé, lên chùa nhìn bức tranh vẽ dán trên tường các cảnh ở địa ngục, người phạm tội bị quỉ sứ cưa mình, bỏ vào vạc dầu sôi mà run sợ. Nghe kể chuyện bà Thanh Đề mẹ của Bồ tát Mục Kiền Liên bị đọa vào địa ngục, rồi tự nhủ khi mẹ mình qua đời mình phải bắt chước Mục Kiền Liên làm mọi thứ để cứu người thân yêu nhất đời.
<!>

Thời thập niên 1960, các bài hát vọng cổ và tuồng cải lương có lấy đề tài Mục Liên Thanh Đề để trình diễn. Tuy những tác phẩm văn nghệ đó có ý nghĩa nhưng buồn quá, gợi cảnh chia ly, chết chóc, run sợ.
Rồi thêm câu chuyện ngày rằm tháng bảy là ngày cửa địa ngục mở cho các oan hồn được phép lên dương thế để hưởng những thức ăn bày cúng của nhân gian. Hầu như mọi nhà đều có cúng cô hồn, nghĩa là những người chết đi chưa đầu thai, còn lang thang vất vưởng, không có thân nhân cúng tế, được hưởng ké thức ăn.
Có những thương gia, nhà giàu bày biện thịnh soạn mâm cỗ trước nhà, nhang thắp chưa tàn thì đã bị bọn con nít hoặc người nghèo nhào vô dành giựt heo gà bánh trái. Gia chủ đành cười trừ gọi họ là “cô hồn sống”, không biết là cô hồn cõi âm có buồn không. Người ta tin rằng phẩm vật cúng phải có nhang khói và lời khấn nguyện của người cúng thì người cõi âm mới hưởng được.
Trong nhà thì bàn thở tổ tiên trang trọng, đèn nhang, hoa quả bánh trái tươm tất. Ngày Lễ Vu Lan cũng là ngày tưởng nhớ người cõi âm, ông bà cha mẹ và người thân đã khuất bóng. Ai rồi cũng chết từ cõi dương gian đi về cõi âm, ai cũng có thân nhân qua đời. Người sống cúng cho người chết nghĩ rằng mai này mình cũng sẽ được con cháu làm giống như thế.
Thi hào Nguyễn Du đã viết bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, là những oan hồn chết bờ chết bụi, chết oan không có thân nhân cúng tế cũng trong mùa Vu Lan này. Đây là một tác phẩm văn học giá trị và đầy tình thương đồng loại.
Cái bầu không khí Vu Lan là báo hiếu mẹ, tưởng nhớ người cõi âm, quỉ sứ địa ngục, cô hồn bám theo tâm trí tôi suốt những mùa Vu Lan từ hồi còn bé cho tới khi tôi vượt biển qua xứ Bắc Mỹ cuối thập niên 70 thế kỷ trước.
Mặc dù ở Việt Nam đã có phong trào bông hồng cài áo nhân mùa Lễ Vu Lan nhưng tôi không để ý. Ở thành phố Calgary, Canada, mùa Vu Lan 1982, một nhóm Phật tử tổ chức cúng bái tụng kinh và cài bông hồng lên ngực cho mọi người. Bông hồng đỏ cho người còn mẹ, bông hồng trắng cho người không còn mẹ.
Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy những cụ già mắt đẫm lệ và khóc. Tôi chợt hiểu ra vì họ cũng buồn khi nhớ mẹ của họ. Trong lòng mỗi người dù ở lứa tuổi nào, già hay trẻ thì mãi mãi họ vẫn là đứa bé đối với người đã sinh ra mình.
Dần dà nhiều năm sau này, lễ bông hồng cài áo trở nên phổ biến. Nhiều bài hát ra đời tiếp nối ca khúc nổi tiếng Bông Hồng Cài Áo do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ từ ý thơ Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Từ không khí buồn, trang nghiêm đã trở nên dễ thương với tình mẹ, với bông hồng. Không khí văn nghệ đó cũng lây lan sang một số người không phải là Phật tử. Anh hay chị còn mẹ thì gắn bông hồng đỏ, bông hồng trắng cho kẻ mất mẹ. Dù buồn hay vui thì cũng là nhớ tới mẹ, vinh danh tình yêu dành cho mẹ.
Có đôi lúc, có người không thích chuyện phân biệt bông hồng đỏ, bông hồng trắng. Nhưng làm sao thỏa mãn hết tất cả các ý kiến. Dĩ nhiên người trẻ thì mẹ cũng chưa già lắm có bông hồng đỏ, còn người lớn tuổi cỡ 60, 70 thì mẹ đã qui tiên nhận bông hồng trắng.
Bàn một chút về chữ nghĩa, chữ Rose dịch là bông hồng, hồng nghĩa là màu hồng. Để phân biệt thì phải thêm bông hồng đỏ, bông hồng trắng.
Cho nên bây giờ, tôi nghĩ rằng bông hồng đỏ hay trắng cũng là chỉ tượng trưng cho tình yêu đối với mẹ nhân mùa Lễ Vu Lan. Tình yêu đó cao quí.
Bông hồng cài áo còn phổ biến trong ngày Lễ Mẹ - Mother’s Day ở Bắc Mỹ và bây giờ cũng phổ biến ở Việt Nam.
Nhưng lễ bông hồng cài áo của Mother’s Day khác với lễ bông hồng cài áo mùa Vu Lan.
Mùa Lễ Vu Lan bây giờ là sự hài hòa, tổng hợp, xen lẫn giữa sự tưởng nhớ người đã khuất bóng, gọi là người cõi âm như cúng cô hồn; cúng bái tổ tiên ông bà cha mẹ khuất bóng, cầu siêu cửu huyền thất tổ và không khí văn nghệ từ chuyện bông hồng cài áo.
Rất nhiều người đã khóc khi nghe những bài hát về tình mẹ, về đóa hoa cài trên áo mùa Vu Lan. Dù mẹ còn sống nhưng xa cách, và nhớ kỷ niệm về mẹ đã ra đi, cái nào cũng làm rưng rưng lệ.
Mùa Vu Lan 2018, có người bạn củng quê Tuy Hòa, hiện đang ở Calgary, Canada. Mẹ của anh vừa mất hưởng thọ 100 tuổi ở Nhà dưỡng lão. Điều đáng nói là anh tuổi trên sáu mươi, có vợ con và có cháu nội. Mỗi ngày khi tan sở lúc 4 giờ chiều, anh về nhà nấu thức ăn chay đem vào Nhà dưỡng lão; anh tự tay cho mẹ ăn uống, bà cụ ăn chay trường, rồi tắm rửa, thay quần áo cho mẹ; đến 9 giờ tối mới trở về nhà. Anh chăm sóc mẹ như vậy suốt 7 năm trời, không một ngày vắng; chỉ đôi lần đi xa ít buổi vì công việc. Các nhân viên Nhà dưỡng lão rất khâm phục lòng hiếu thảo của anh. Khi tôi biết tin, chia buồn bà cụ qua đời thì anh bạn tâm sự rằng, bây giờ cứ 4 giờ chiều là lòng man mác, chạy xe ngang qua Nhà dưỡng lão, thấy nhớ cái gì đó.
Tôi nghe anh kể chuyện chăm sóc mẹ già như vậy mà lòng cảm phục, chuyện hiếu thảo như vậy thật hiếm có.
Và lòng tôi lại băn khoăn. Mẹ tôi tắt thở khi tôi ngồi bên cạnh, đứa con trai từ Mỹ về VN thăm mẹ nhưng lại không có dịp nghe lời cuối cùng của bà. Hồi còn ở Calgary Canada, tôi có viết bài hát Đóa Hoa Mùa Vu Lan cho tờ báo Phật Giáo Calgary năm 1983. Trong đó có trang trải nỗi lòng của mình.
Ý tưởng từ bông hồng cài áo kết hợp với mùa lễ Vu Lan, có bông hồng cài trên áo người em gái, dù vui nhưng vẫn khóc vì mẹ cách xa, cùng chắp tay cầu nguyện trước Phật, cùng mơ về một ngày đất nước thanh bình để sum họp với mẹ hiền. Đóa hoa mùa Vu Lan tượng trưng cho tình yêu cao quí dành cho mẹ và có không khí rất là Vu Lan.
 
Lời ca : "Cành hoa hồng thắm cài lên áo em. Cùng nhau chia vui mẹ hiền còn đó. Hỏi em, me thương em không, em bảo mẹ thuơng em lắm. Hỏi em, em yêu mẹ không, em cười sao lại không yêu.
Tình yêu nào đó nồng lên mắt em. Tình yêu bao la của mẹ cao quí. Ngày thơ tung tăng bên me, xứ người giờ con lỡ bước. Lời khuyên ra đi năm nao, con ghi nhớ mãi trong lòng.
Điệp khúc: Nay mùa Vu Lan, mùa báo hiếu đó em. Chấp tay ta cùng nguyện cầu, nén hương dâng trước Phật đài. Cầu cho mẹ yêu an vui, cầu cho quê hương đau thương, không còn khói lửa, không còn hận thù.
Cành hoa hồng thắm cài lên áo em. Này em vui đi, kìa sao em khóc. Nghìn công ơn sâu của mẹ, bao giờ đời con báo đáp. Ngày quê hương thôi chia ly, mẹ hiền hết câu mong chờ.”
  
Tôi nhờ ca sĩ Mai Hương thu âm, nhờ nhạc sĩ Đặng Xuân Thìn viết hòa âm cho 4 vĩ cầm và 1 dương cầm do nhạc sĩ Hoa Kỳ trình tấu, phòng thu Phạm Ngọc Sơn- anh ruột ca sĩ Khánh Ly- ở Oakland đưa vào trong CD Chiều San Francisco phát hành năm 1994.
Tiếng hát Mai Hương tha thiết, điêu luyện, tiếng vĩ cầm êm ái và tiếng dương cầm thánh thót đẩy bài hát Đóa Hoa Mùa Vu Lan lên cao.
Tôi mới học được cách đưa âm thanh bài hát lên Youtube cùng những hình ảnh chọn lọc về lễ bông hồng cài áo để gởi cho bằng hữu khắp nơi nhân mùa Vu Lan 2018.
Xin vào Youtube gõ chữ Đóa Hoa Mùa Vu Lan Trần Chí Phúc thì hiện ra bài hát.
 

Như là món quà tinh thần tặng bằng hữu, như một tâm tình về nỗi nhớ mẹ của riêng mình, ai cũng có mẹ để nhớ và để rơi lệ trong mùa Vu Lan.

Không có nhận xét nào: